Martin Eden
Chương 13
Chính những buổi hội họp của những nhà xã hội học nhiều lời và những triết gia của giai cấp công nhân ở công viên City Hall vào những buổi chiều ấm áp đã giúp cho gã khám phá ra một điều vĩ đại. Mỗi tháng một hai lần, trên đường tới thư viện, đi xe đạp qua công viên, gã vẫn thường xuống xe đứng nghe họ tranh luận, và lần nào phải dứt mình đi, gã cũng rất tiếc. Cái lối tranh luận nghe có vẻ tầm thường hơn ở bàn nhà ông Morse nhiều. Họ không nghiêm trang, không long trọng. Họ cũng dễ dàng nổi nóng; gọi tên nhau ra mà sỉ vả, chửi rủa tục tĩu là chuyện thường. Một đôi lần, gã thấy họ dùng cả đến quả đấm. Tuy nhiên, gã không hiểu tại sao, trong tư tưởng của những người này có một cái gì đầy sức sống. Cái lối tranh luận ầm ỹ ấy kích động trí óc gã mạnh hơn cái lối thuyết lý dè dặt, trầm lặng của ông Morse. Những người này, nói tiếng Anh loạn xạ, vung tay vung chân như những chàng điên, đấu tranh bác những luận điểm của nhau với sự nóng nảy nguyên thủy, hình như lại có vẻ sinh động hơn ông Morse và cái ông bạn tri kỷ Butler của ông ta nhiều.
Martin thấy người ta trích dẫn Herbert Spencer 1 rất nhiều ở công viên này; nhưng một buổi chiều một đệ tử của ông ta mới xuất hiện, một tay mà cà bông nom phờ phạc xác xơ, áo ngoài bẩn thỉu, khuy cổ cái thật chặt cốt để không ai biết bên trong không có áo sơ mi. Một cuộc tranh luận loạn xạ nổ ra, khói thuốc lá bốc um lên, nước bọt đầy nhựa thuốc bắn tung, anh chàng ma cà bông này đương đắc thắng bênh vực quan điểm của mình, ngay cả lúc có một công nhân thuộc đảng xã hội cười khẩy nói mỉa. “Không có Thượng đế, chỉ có cái bất khả tri, và Herbert Spencer là tiên tri của nó.” Martin hoang mang không hiểu cái cuộc tranh luận của họ ra làm sao, nhưng khi đạp xe tới Thư viện, gã mang theo trong lòng một niềm thích thú mới đối với Herbert Spencer, và vì gã nghe thấy thằng cha ma cà bông cứ nhắc luôn đến cuốn “Những nguyên lý cơ bản” 2 nên gã mượn cuốn đó về.
Và thế là gã bắt đầu khám phá ra một điều vĩ đại. Trước kia gã đã có lần thử đọc Herbert Spencer và để bắt đầu, gã đó chọn cuốn “Nguyên lý Tâm lý học.” Gã đã thất bại một cách thảm hại như khi gã đọc bà Blavatsky. Gã không hiểu gì cả và gã đã gửi trả cuốn sách không đọc hết. Nhưng đêm nay, sau khi học xong Đại số và Vật lý, và thử làm một bài “xonê,” gã lên giường, mở cuốn “Những nguyên lý cơ bản.” Đến sáng gã vẫn còn đọc. Gã không thể nào ngủ được. Ngày hôm đó gã cũng không viết gì. Gã cứ nằm ở giường cho đến lúc người mỏi nhừ, rồi gã xuống sàn cứng nằm ngửa ra đọc, giơ quyển sách ở trên mặt, quay hết sang phải lại sang trái. Đêm hôm ấy gã ngủ và sáng hôm sau viết. Rồi, cuốn sách lại quyến rũ gã, gã đọc suốt buổi chiều, quên hết mọi việc, quên cả chiều hôm nay là chiều Ruth cho gã tới gặp. Chỉ mãi đến lúc Bernard Higginbotham đẩy cửa hỏi không biết gã có cho đây là một quán ăn hay không thì gã mới tỉnh và nhận ra cái thế giới thực tại chung quanh.
Suốt đời, lúc nào gã cũng bị trí tò mò chế ngự. Gã muốn biết, và chính lòng ham biết này đã đưa gã đi phiêu lưu khắp đó đây. Nhưng bây giờ học ở Spencer, gã mới thấy rằng gã chưa hề biết và có lẽ không bao giờ có thể biết được nếu như gã vẫn tiếp tục đi biển và cứ lang thang cả đời. Gã chỉ mới lướt qua cái bề mặt của sự việc, quan sát những hiện tượng rời rạc, thu thập từng mảnh của sự vật, khái quát hóa một cách nông cạn vụn vặt – tất cả đều không có liên hệ gì với nhau trong một thế giới hỗn độn hay thay đổi, một thế giới gồm toàn những chuyện bất thường, gặp chăng hay chớ. Trông cánh chim bay, gã lý luận và có thể hiểu được cơ cấu của nó. Nhưng chưa bao giờ gã lại có ý nghĩ tìm hiểu, giải thích quá trình phát triển của giống chim, cách cấu tạo của một cơ thể biết bay. Gã cũng chẳng nghĩ tới là lại có một quá trình như thế. Gã cũng chẳng bao giờ đoán xem giống chim sẻ phát triển đến đâu. Nó vốn như thế. Nó vẫn là thế.
Giống chim như thế, thì tất cả các loài khác cũng thế. Những cố gắng học thử triết học một cách ngu muội không có chuẩn bị trước của gã đã không đem lại cho gã một kết quả nào. Tất cả luận điểm siêu hình trung cổ của Kant 3 đã không cho gã chìa khóa để có thể mở được cái gì, tác dụng độc nhất của nó là chỉ làm cho gã đâm ra nghi ngờ cả cái năng lực tri thức của chính mình. Sự cố gắng nghiên cứu thuyết Tiến hóa luận của gã cũng đã như vậy, nó cũng chỉ trói tròn trong một cuốn sách chuyên môn quá khó hiểu của Romanes 4. Gã đã chẳng hiểu gì cả. Và ý nghĩ độc nhất gã đã thâu nhận được là: Tiến hóa luận là một lý thuyết khô như đá, chỉ để dành riêng ột số ít người có một kho từ ngữ lớn lao và vô cùng bí hiểm. Nhưng bây giờ gã mới thấy rằng Tiến hóa luận không phải chỉ là một lý thuyết đơn thuần mà là một quá trình phát triển đã được thừa nhận và các nhà khoa học không còn tranh cãi gì về điểm này, những ý kiến bất đồng độc nhất của họ chỉ là ở chỗ Tiến hóa như thế nào.
Và đây Spencer đã tập hợp tất cả trí thức lại cho gã, hệ thống hóa chúng lại thành một mối, tổng hợp thành những thực tại cơ bản nhất, mở ra trước đôi mắt kinh ngạc của gã cả một thế giới rất rõ ràng cụ thể như một con thuyền mẫu mà những người thủy thủ làm và để trong chậu kính… Không có chuyện bất thường, không có chuyện ngẫu nhiên. Tất cả đều có luật, chính vì tuân theo qui luật của những giống nguyên sinh động vật sống trong bùn cựa quậy, quằn quại, mọc chân mọc cánh và trở thành chim.
Martin leo từ đỉnh nọ lên đỉnh kia của đời sống tri thức, và đây, gã đã tới một đỉnh cao hơn bao giờ hết. Những sự vật bí hiểm đã để lộ trần những bí ẩn của chúng ra. Gã say sưa với hiểu biết. Đêm đêm, trong giấc ngủ, gã sống cùng các vị thiên thần trong một giấc mộng lớn, và ban ngày khi thức dậy gã đi lang thang như một kẻ mộng du, mắt lơ đãng nhìn vào cái thế giới mà gã vừa khám phá ra. Lúc ngồi ăn, gã không để tai tới những câu chuyện nhỏ mọn, tầm thường, trí óc sôi nổi của gã đang tìm kiếm theo dõi nguyên nhân và kết quả của mọi thứ trước mắt. Trong miếng thịt ở trên đĩa kia, gã trông thấy mặt trời sáng chói, và gã còn nghĩ xa xôi hơn, tới nguồn nhiệt năng qua bao nhiêu sự diễn biến từ nơi phát sinh ra nó cách xa hàng trăm vạn dặm, hay là nghĩ tới cái nguồn nhiệt năng đã khiến cho bắp thịt trong cánh tay gã đã chuyển động để gã có thể cắt được miếng thịt và bộ óc đã sai khiến những bắp thịt chuyển động để cắt miếng thịt, cho đến tận khi trong trí tưởng tượng, gã nhìn thấy cũng một mặt trời ấy đang soi rọi trí óc gã. Gã mê man trong ánh sáng đó, không nghe thấy Jim thì thầm “Thằng điên,” không nhìn thấy bộ mặt lo lắng của bà chị, cũng không nhận thấy ngón tay Higginbotham cứ xoay tròn, trông thấy ngón tay ấy gã tưởng như có những bánh xe đang quay trong đầu lão anh rể.
Cái đã gây ra cho Martin một ấn tượng sâu sắc nhất là sự quan hệ tương hỗ giữa trí thức – giữa mọi tri thức. Gã vốn là người tò mò muốn hiểu sự vật, và bất cứ gã thâu nhận được điều gì gã đều phân loại sắp xếp chúng vào những ô riêng của ký ức. Vì vậy, tri thức về nghề biển, gã có cả một kho tàng vĩ đại. Về đàn bà, gã cũng có cả một kho tàng lớn lao. Nhưng hai vấn đề này cũng không có liên quan gì với nhau cả. Giữa hai cái ô của ký ức ấy, không có một mối quan hệ gì. Vì thế, nếu trong cơ cấu tri thức mà lại có một quan hệ nào đó giữa một người đàn bà mắc chứng loạn thần kinh với một chiếc thuyền buồm mang trên đầu mũi một cái máy đo gió, hay dừng lại trong cơn bão táp, thì gã thấy thật là nực cười và không thể nào có được. Nhưng Herbert Spencer đã chỉ cho gã thấy không những nó không nực cười chút nào, mà giữa những cái đó không thể nào không có một mối quan hệ. Mọi vật đều có quan hệ với tất cả những vật khác, từ những vì sao xa xôi nhất trong khoảng không bao la đến hằng hà sa số những nguyên tử trong hạt cát dưới chân ta. Quan niệm mới này làm cho Martin không ngừng kinh ngạc, gã thấy mình luôn luôn đi tìm mối quan hệ giữa các sự vật dưới ánh mặt trời và ở phía bên kia mặt trời. Gã liệt kê một bảng danh sách những sự vật rời rạc không có liên quan tới nhau nhất, và gã băn khoăn bứt rứt cho đến tận khi gã tìm ra được mối quan hệ giữa chúng với nhau – mối quan hệ giữa ái tình, thi ca, động đất, lửa, rắn đuôi kêu, cầu vồng, ngọc quý, những quái vật, mặt trời lặn, tiếng gầm của sư tử, hơi đốt, tục ăn thịt người, cái đẹp, sát nhân, những kẻ yêu đương, những điểm tựa và thuốc lá. Như vậy, gã đã tổng hợp vũ trụ lại thành một chính thể, giơ cao lên, nhìn vào đó đi lang thang qua những ngõ hẻm, đường mòn, rừng rậm, không phải như một kẻ lữ hành kinh hãi đi trong sự huyền bí dày đặc, tìm một mục tiêu chưa rõ, mà là một người quan sát, theo dõi tỉ mỉ như trên một tấm hải đồ và dần trở nên quen thuộc với tất cả những điểm cần phải biết. Và càng biết, gã càng say sưa thán phục vũ trụ, cuộc sống nói chung và cuộc sống của riêng gã trong vũ trụ đó.
“Mày điên!” Gã hét to vào bóng mình ở trong gương. “Mày muốn viết, mày đã thử viết, nhưng trong óc mày không có cái gì để mà viết cả. Thử hỏi, trong đầu óc mày có cái gì? Một vài ý niệm ấu trĩ, một ít tình cảm chưa chín, một lô những cái đẹp chưa tiêu hóa được, một đống ngu muội tối tăm, một trái tim đầy ứ yêu đương, một tham vọng cũng lớn như tình yêu của mày và cũng vô giá trị như sự ngu muội của mày. Thế mà mày lại muốn viết! Sao, mày chỉ mới bắt đầu tạo cho bản thân mày được đôi chút để viết. Mày muốn sáng tạo cái đẹp, nhưng mày sáng tạo sao được khi mày không biết gì về bản chất của cái đẹp? Mày muốn viết về cuộc sống trong khi mày không hiểu chút gì về những đặc trưng cơ bản của cuộc sống. Mày muốn viết về thế gian và sự sinh tồn trong khi thế gian đối với mày là một cái gì bí hiểm, và tất cả những cái mày viết ra chỉ có thể là những điều mày không hiểu gì về sự sinh tồn. Nhưng cứ vui lên, Martin cậu bé của tôi! Cứ viết đi! Cậu cũng biết một chút đấy, một tí chút, và bây giờ cậu đang đi đúng đường để hiểu biết hơn đấy. Một ngày nào đó, nếu gặp may, cậu có thể biết được hầu hết những cái cần phải biết. Lúc đó cậu sẽ viết.”
Gã đem điều khám phá vĩ đại này nói với Ruth và chia sẻ cùng nàng tất cả niềm vui và sự kinh ngạc của gã. Nhưng coi bộ nàng không nhiệt tình hưởng ứng lắm. Nàng lặng lẽ nghe gã nói, không phát biểu gì, tựa hồ như nàng cũng đã biết rồi, qua sự nghiên cứu học tập của nàng. Nó không gây cho nàng niềm phấn khởi một cách sâu sắc như nó đã gây cho gã, và gã sẽ rất ngạc nhiên nếu gã không lý luận ra rằng học thuyết này đối với nàng không có gì mới mẻ như đối với gã. Gã thấy Arthur và Norman, cũng tin ở thuyết Tiến hóa luận và cũng có đọc Spencer; tuy học thuyết đó chẳng có một tác dụng gì mạnh mẽ lắm đối với họ, nhưng anh chàng trẻ tuổi đeo kính cận thị, tóc dày cộm Will Olney thì cứ giễu cợt Spencer một cách khó chịu, nhắc đi nhắc lại câu dí dỏm: “Không có Thượng đế, chỉ có cái Bất khả tri, và Herbert Spencer là tiên tri của nó.”
Nhưng Martin sẵn sàng tha thứ cho cái cười giễu cợt ấy của anh ta, vì gã bắt đầu khám phá thấy Olney không yêu Ruth. Về sau, qua những sự việc nhỏ xảy ra gã lại càng ngạc nhiên đến lặng người đi khi thấy không những Olney không để ý đến Ruth mà lại còn ghét nàng thực sự nữa. Martin không thể nào hiểu nổi được điều đó. Đó là một hiện tượng mà gã thấy không thể nào liên hệ được với những hiện tượng khác trong vũ trụ. Nhưng dù sao gã cũng thấy thương cho cái anh chàng trẻ tuổi này vì trong bản chất của anh ta có một thiếu sót lớn nó ngăn không cho anh ta đánh giá đúng đắn vẻ tế nhị và cái đẹp của Ruth. Một vài chủ nhật họ đạp xe lên đồi chơi và Martin có nhiều dịp để quan sát “cuộc đình chiến tạm thời” giữa Ruth và Olney. Anh chàng này hợp với Norman, mặc cho Arthur và Martin đi theo Ruth; như thế Martin càng biết ơn hắn.
Những ngày chủ nhất ấy là những ngày vui lớn đối với Martin, lớn nhất vì gã cùng đi với Ruth, và còn vui lớn vì họ đặt gã ngày càng ngang hàng với những chàng trai cùng giai cấp với nàng. Mặc dù họ được học tập có hệ thống chặt chẽ trong nhiều năm, gã thấy về mặt tri thức, gã cũng không thua kém gì họ, và những lúc chuyện trò lâu với họ là những lúc gã được thực hành nhiều môn văn phạm mà gã đã học tập gian khổ. Gã đã vứt bỏ những cuốn sách xã giao, quay lại dùng lối quan sát để biết nên xử sự thế nào cho đúng. Chỉ trừ khi nào vì nhiệt tình sôi nổi quá gã quên khuấy mất, còn luôn luôn gã để ý đề phòng, chăm chú theo dõi những cử chỉ, học tất cả những phép xã giao nhỏ và lối lịch thiệp của họ.
Việc người ta ít đọc Spencer, có một lúc nào đó đối với Martin là một điều đáng ngạc nhiên.
“Herbert Spencer,” người ngồi bàn giấy ở Thư viện nói. “Ồ, vâng, thật là một bộ óc vĩ đại.” Nhưng ông ta hình như không biết một chút gì về nội dung của cái bộ óc vĩ đại ấy cả. Một buổi tối, trong bữa ăn, khi ông Butler cũng có mặt, Martin hướng câu chuyện về Spencer. Ông Morse chỉ trích một cách cay độc thuyết “bất khả tri” của nhà triết học Anh ấy, nhưng ông cũng thú nhận chưa hề đọc cuốn “Những nguyên lý cơ bản.” Còn ông Butler thì nói rằng ông ta không thể nào chịu nổi được Spencer, chưa hề đọc một dòng nào của anh chàng này, và không có Spencer thì mọi việc của ông ta vẫn cứ ổn cả. Martin thấy nghi ngờ, và nếu gã không tự tin ở bản thân mình, thì có lẽ gã đã công nhận ý kiến chung của mọi người và bỏ Herbert Spencer rồi đấy. Có thể là gã thấy những lời giải thích của Spencer về sự vật có sức thuyết phục: và nhiều lúc gã tự nhủ, bỏ Spencer thì không khác gì một nhà hàng hải vứt bỏ kim chỉ nam và đồng hồ đo tốc độ xuống biển. Vì thế Martin tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng thuyết Tiến hóa luận, và dần dần nắm được vấn đề một cách chắc chắn hơn, và nhờ có những xác minh vững chắc của hàng ngàn tác giả độc lập nghiên cứu, gã lại càng thêm tin tưởng. Càng nghiên cứu, gã càng thấy có rất nhiều lĩnh vực tri thức chưa được khám phá; gã tiếc rằng ngày lại chỉ có hai mươi bốn tiếng và đối với gã đó là điều buồn bực triền miên.
Vì ngày quá ngắn, nên một hôm gã quyết định bỏ Đại số và Hình học. Môn lượng giác gã không đụng đến. Rồi gã cắt nốt môn Hóa trong chương trình học tập của gã, chỉ giữ lại môn Vật lý.
“Tôi không phải là một nhà chuyên môn!” Gã nói với Ruth để tự bào chữa. “Mà tôi cũng sẽ không cố gắng để trở thành một nhà chuyên môn. Có nhiều lĩnh vực chuyên môn quá, đối với bất cứ một người có học suốt cả đời cũng không thể nắm được lấy một phần mười. Tôi phải tìm học để có tri thức phổ thông. Khi nào cần đến công trình của những nhà chuyên môn, tôi sẽ tra cứu sách của họ.”
“Nhưng như thế thì không giống như là tự ông đã có tri thức,” nàng phản đối.
“Nhưng không cần thiết phải có như thế. Ta phải biết lợi dụng những công trình của các nhà chuyên môn chứ. Chúng chỉ để sử dụng vào những việc ấy thôi. Khi tôi bước vào đây, tôi thấy có những người quét ống khói lò sưởi đang làm việc. Họ là những nhà chuyên môn, khi họ làm xong công việc, cô sẽ được hưởng cái lò sưởi sạch sẽ, mà cũng chẳng cần gì phải biết đến cách cấu tạo của ống khói lò sưởi làm gì.”
“Tôi e rằng ông nói thế hơi ngụy biện.”
Nàng nhìn gã vẻ lạ lùng, gã cảm thấy trong cái nhìn ấy và trong cử chỉ của nàng có ý trách móc. Nhưng gã tin chắc quan điểm của gã là đúng.
“Tất cả những nhà tư tưởng về những vấn đề chung, những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới thực ra cũng đều dựa vào những nhà chuyên môn. Herbert Spencer cũng đã làm như vậy. Ông khái quát hóa tất cả những phát kiến của hàng ngàn nhà nghiên cứu. Ông phải sống hàng ngàn cuộc sống mới có thể chính mình làm được tất cả những cái đó. Darwin 5cũng vậy. Ông đã lợi dụng tất cả những cái gì các người trồng hoa và các nhà chăn nuôi đã thâu lượm được.”
“Anh nói đúng, Martin,” Olney nói. “Anh biết anh đang theo đuổi cái gì, Ruth có biết đâu. Đến chính cô ấy đang theo đuổi cái gì, cô ấy cũng còn chả biết nữa là.”
“Ồ, đúng như vậy đấy,” không để cho Ruth kịp phản đối, Olney cứ nói tiếp. “Tôi biết anh gọi đó là tri thức phổ thông. Nhưng nếu anh cần tri thức phổ thông thì anh học cái gì mà chả được. Anh có thể học tiếng Pháp, hay là anh có thể học tiếng Đức, hay là anh có thể bỏ cả hai thứ tiếng đó mà học Quốc tế ngữ, anh cũng vẫn có được cái vẻ tri thức như thường. Anh có thể học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh nữa cũng với mục đích đó tuy rằng nó sẽ chẳng bao giờ giúp ích được gì cho anh. Nhưng nó vẫn cứ là tri thức. Sao, cô Ruth đã học tiếng Saxon, và đã thạo – đó là hai năm trước đây – bây giờ tất cả những cái cô ấy còn nhớ lại là “Whan that sweet aprile with his showers soote” 6 – Có đúng thế không nào?”
“Đấy, thì nó vẫn cho cô cái vẻ tri thức đấy,” anh ta cười lớn và vẫn không cho Ruth phát biểu. “Tôi biết chứ. Chúng ta cùng học một lớp mà.”
“Nhưng anh nói như thể tri thức phải là một phương tiện để làm gì ấy,” Ruth nói to, mắt long lanh, hai má đỏ ửng. “Kiến thức tự nó là mục đích rồi!”
“Nhưng nó không phải là điều Martin cần.”
“Sao anh biết?”
“Anh cần gì nào, Martin?” Olney quay phắt lại phía Martin, hỏi.
Martin cảm thấy rất lúng túng, gã nhìn Ruth cầu cứu.
“Vâng, anh cần cái gì?” Ruth hỏi. “Như thế mới giải quyết được vấn đề.”
“Vâng, tất nhiên, tôi cần tri thức,” Martin ấp úng. “Tôi yêu cái đẹp, và tri thức sẽ giúp tôi đánh giá cái đẹp một cách sâu sắc hơn, tinh tế hơn.”
Nàng gật đầu, nom bộ đắc thắng.
“Nói bậy, cô cũng thừa biết thế.” Olney đập luôn. “Martin đi tìm sự nghiệp chứ không phải tri thức. Ngẫu nhiên trong trường hợp của anh ấy, tri thức lại gắn liền với sự nghiệp. Nếu anh ấy muốn trở anh một nhà hóa học thì tri thức sẽ không cần thiết. Martin muốn viết văn, nhưng anh ấy không dám nói ra, sợ nói ra thì ý của cô lại thành sai.”
“Mà tại sao Martin lại muốn viết văn?” Anh nói tiếp. “Bởi vì anh ấy không sống trong phú quý. Còn cô thì sao cô lại chất đầy đầu tiếng Saxon và tri thức phổ thông. Bởi vì cô có phải lo chuyện làm ăn đâu. Ông cụ đã lo hộ cho cô rồi. Ông cụ mua cho cô quần áo và tất cả mọi thứ khác. Thử hỏi học vấn của chúng ta có làm nên cái trò trống gì, học vấn của cô, của tôi, của Arthur, của Norman? Chúng ta đắm mình trong tri thức phổ thông, nên một ngày kia, các ông bố chúng ta có bị phá sản, thì lập tức là ngày hôm sau chúng ta lại chẳng xin thi làm nghề gõ đầu trẻ ấy à. Cô Ruth ạ, lúc bấy giờ công việc tốt nhất mà cô có thể kiếm được là một cái trường nhà quê, hay làm cô giáo dạy nhạc trong một trường nữ học lưu trú.”
“Thế thì xin hỏi, anh sẽ làm gì?” Ruth hỏi.
“Cũng chả làm được cái gì ghê gớm lắm đâu. Tôi có thể đi làm công mỗi ngày một đôla rưỡi, tôi cũng có thể kiếm chân dạy học ở cái trường của lão Hanley. Tôi nói có thể thôi đấy, cô nhớ cho, và cuối một tuần là tôi bị tống cổ ra vì bất lực.”
Martin chăm chú nghe hai người tranh luận, gã thấy Olney nói đúng nhưng đồng thời gã cảm thấy bực bội vì một thái độ khá ngạo mạn của anh ta đối với Ruth. Một quan niệm mới về tình yêu hình thành trong đầu gã, khi gã nghe hai người tranh luận. Lý trí không có dính dáng gì đến tình yêu. Người đàn bà gã yêu lý luận có đúng hay không cũng chẳng quan hệ gì. Tình yêu ở trên lý trí. Nếu quả thực nàng chưa đánh giá được đầy đủ sự khẩn thiết của gã là tìm một sự nghiệp, thì điều đó cũng chẳng làm cho nàng kém phần đáng yêu đi chút nào. Nàng hoàn toàn đáng yêu. Và những điều nàng nghĩ không có dính dáng gì đến cái đáng yêu của nàng.
Olney hỏi một câu làm gián đoạn luồng tư tưởng của gã, Martin hỏi lại. “Anh nói gì?”
“Tôi nói, tôi hy vọng anh không đến nỗi điên mà dính vào cái tiếng Latin.”
“Nhưng tiếng Latin không những cho ta tri thức,” Ruth ngắt lời, “nó còn là một công cụ cần thiết.”
“Thế anh có định dính vào nó không nào?” Olney hỏi Martin vẻ thúc bách.
Martin khó nói quá. Gã thấy rõ Ruth đang nóng lòng đợi câu trả lời của mình.
“Tôi e rằng tôi không có thì giờ,” cuối cùng, gã nói. “Tôi cũng thích lắm, nhưng tôi không có thì giờ.”
“Cô thấy chưa! Không phải Martin đi tìm tri thức đâu.” Olney đắc ý. “Anh ấy đang cố gắng đạt tới một cái gì, làm được một cái gì.”
“Ồ, nhưng đó là sự rèn luyện trí óc, là kỷ luật của trí óc. Chính cái đó làm cho trí óc có kỷ luật.” Ruth nhìn Martin có vẻ chờ đợi, dường như muốn gã thay đổi cái suy nghĩ của mình. “Anh biết đấy, những cầu thủ bóng đá trước một trận đầu lớn cũng phải tập luyện. Đối với một nhà tư tưởng, tiếng Latin cũng có tác dụng như vậy. Nó rèn luyện trí óc.”
“Vớ vẩn vô lý! Đấy là điều người ta bảo ta khi chúng ta còn là con nít. Nhưng lúc đó có một điều người ta chưa bảo, người ta để mặc cho chúng ta sau này tự tìm hiểu lấy.” Olney ngừng lại để cho câu nói của mình thêm mạnh, rồi nói tiếp. “Cái điều họ không nói với chúng ta là, tất cả mọi người lịch sự đều phải học tiếng Latin, nhưng không một người lịch sự nào cần phải biết tiếng Latin.”
“Nói thế là quá đáng,” Ruth kêu lên. “Tôi biết anh định xoay câu chuyện cốt để lảng tránh một cái gì.”
“Khôn ngoan thì cũng đúng,” Olney đối lại. “Nhưng lại rất công bằng. Những người duy nhất biết tiếng Latin của họ là những ông bào chế, những ông luật sư và những ông giáo dạy tiếng Latin. Nếu Martin muốn trở nên một người như thế, thì tôi nói sai. Nhưng như thế thì anh ấy nghiên cứu Herbert Spencer để làm gì? Martin vừa mới phát hiện ra Spencer, thế là cuồng lên ngay. Tại sao? Bởi vì Spencer đã mang anh ấy đến một nơi nào đó. Spencer không thể mang tôi tới một nơi nào, mà cũng không thể mang cô. Chúng ta không có nơi nào mà đi cả. Một ngày kia cô sẽ đi lấy chồng. Còn tôi, cũng chẳng có việc gì mà làm ngoài cái việc lại theo nghề luật sư hay nghề kinh doanh để mà giữ gìn lấy cái gia tài cha tôi sắp để lại cho tôi.”
Olney đứng dậy đi, nhưng ra đến cửa anh còn quay lại, bồi thêm một phát cuối cùng:
“Cô Ruth, xin cô để cho anh Martin được yên. Những cái gì đó lợi cho anh nhất, anh ấy cũng tự biết. Cô cứ xem anh ấy đã làm được những gì thì rõ. Anh ấy làm cho tôi đôi khi thấy chán, chán và xấu hổ cho cái thân tôi. Bây giờ anh ấy biết về thế giới, về cuộc đời, về địa vị của con người, về tất cả mọi thứ hơn là Arthur, hơn là Norman, hơn tôi, hơn cả cô nữa, mặc dù chúng ta biết tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Saxon và có tri thức.”
“Nhưng Ruth là cô giáo của tôi.” Martin trả lời có vẻ nghĩa hiệp. “Cô ấy có trách nhiệm về những điều tôi học.”
“Khỉ thật!” Olney nhìn Ruth có vẻ ranh mãnh. “Tôi chắc rồi anh lại sẽ nói với tôi là do cô ta khuyên nên anh mới đọc Spencer, có điều là anh không nói thế. Mà cô ta cũng chẳng biết gì về Darwin và Tiến hóa luận hơn là tôi biết về những mỏ vàng của vua Solomon. Thế còn những định nghĩa hắc búa, vỡ đầu về vấn đề này, vấn đề khác của Spencer mà hôm nọ anh ném cho chúng tôi – nào tính bất định, nào tính vô tổ chức, tính đồng loại. Anh cứ thử ném cho cô ấy, xem cô ấy có hiểu một chữ nào không. Đó có phải là tri thức đâu, anh cũng biết đấy. A ta-ra-la, Martin này, nếu anh mà dính vào tiếng Latin là tôi không còn kính nể anh đâu đấy!”
Tuy thích thú với cuộc tranh luận, Martin vẫn thấy có một cái gì đó khó chịu bên trong. Đó là những vấn đề nghiên cứu, những bài học bàn về những tri thức cơ bản. Thế nhưng giọng nói học trò trẻ con nó trái ngược hẳn với những sự lớn lao làm cho gã rung động, trái ngược hẳn với cuộc sống mà gã đã bíu chặt lấy khiến những ngón tay gã đến bây giờ còn cong lại như móng của con đại bàng, trái ngược hẳn với những rung động vũ trụ làm gã đau nhói, trái ngược với ý thức mình đã làm chủ được mọi vấn đề đang chớm nở trong óc. Gã ví mình như một nhà thơ, trôi dạt đến những bến bờ, của một miền đất lạ, óc chứa đầy sức mạnh của cái đẹp, ngập ngừng ấp úng, cố hát lên bằng một thứ ngôn ngữ man rợ, thô bạo của những người đồng loại với gã trên miền đất này mà vô hiệu. Tình trạng của gã chính là như vậy. Gã đang sống, sống một cách đau đớn trước những sự vật to lớn của vũ trụ, ấy thế mà gã lại cứ phải ngồi vơ vẩn mất thì giờ, mò mẫm với những câu chuyện của bọn học trò trẻ con, đắn đo suy nghĩ xem có nên học tiếng Latin hay không?
“Tiếng Latin thì dùng làm cái quỉ gì được?” Đêm hôm đó, gã đứng trước gương tự hỏi. “Ta muốn rằng những kẻ đã chết cứ mặc cho chúng nằm đấy mà chết. Tại sao ta và cái đẹp trong ta lại bị những kẻ đã chết chi phối? Cái đẹp sống và sống mãi mãi. Ngôn ngữ tồn tại và mất đi. Nó là cái bụi của những kẻ đã chết.”
Và ngay sau đó gã nghĩ rằng gã đã diễn đạt tư tưởng của mình rất rõ ràng, gã lên giường, tự hỏi không hiểu tại sao gã không thể nói được như vậy khi ngồi với Ruth. Lúc ở trước mặt nàng, gã chỉ là một cậu học trò, với ngôn ngữ của một cậu học trò.
“Hãy cho ta thời gian!” Gã nói lớn, “chỉ cần cho ta thời gian.”
Thời gian! Thời gian! Đó là lời than không dứt của gã.
Chú thích:
1. Một nhà triết học tư sản Anh (1820-1918). Ông ta phản đối lý luận Cách mạng xã hội.
2. Năm 1860, Herbert Spencer xuất bản cuốn “Tổng hợp triết học đề yếu.” Bộ thứ nhất xuất bản năm 1862 là bộ “Những nguyên lý cơ bản,” tiếp đó đến “Nguyên lý sinh vật học” “Nguyên lý tâm lý học.” “Nguyên lý xã hội học” và “Nguyên lý luân lý học.” Năm 1895 thì xuất bản toàn bộ.
3. Immanuael Kant (1724-1804) – một triết gia Đức chủ trương thuyết Bất khả tri. Ông cho rằng người ta chỉ có thể hiểu được hiện tượng của sự vật chứ không thể nào hiểu được bản chất của sự vật.
4. Georges John Romanes (1848-1896), một nhà sinh vật học người Anh.
5. Charles Darwin (1808-1892): bác học người Anh. Tác giả cuốn “Thuyết tiến hóa luận” Thuyết di truyền của Darwin đã có tác dụng to lớn.
6. Một câu thơ của Chaucer (1340-1400), một nhà thơ Anh lớn. Câu thơ viết theo ngôn ngữ thời Trung cổ (Middle-Age English) có nghĩa là: khi tháng tư êm đềm tới với những trận mưa nhẹ.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!