Mắt âm dương - Chương 10 phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
115


Mắt âm dương


Chương 10 phần 2



Bỗng Nhị Rỗ lên tiếng:

– Chỉ huy trông thấy không? Hai cái kích kia một cái lưỡi gồ lên, một cái lưỡi lõm xuống, đúng là một đôi kích âm dương. Cái của chỉ huy là kích dương, cái của này hết sức quái lạ, lúc tôi quan sát đầu người trên kích, đột nhiên cảm thấy hoảng loạn vô cùng, như bị thứ gì đó khống chế vậy, thật là kỳ quặc.

Vương Uy nhìn theo tay Nhị Rỗ chỉ, quả nhiên thấy lưỡi hai chiếc kích chia ra thành hai loại âm dương. Anh chợt sinh lòng nghi hoặc, cái kích này vốn của một tên lính quân phục vàng trên núi tuyết, nhưng hắn từ đâu tới, tại sao lại chạy đến núi tuyết rồi chết một cách lạ lùng trên đhì không sao hiểu được.

Nhị Rỗ ngẩn người nhìn hai cái kích trên cánh cửa một lúc, đoạn lại tiếp tục lần theo tranh vẽ, xem tiếp những bức họa đằng trước. Đây đã là tận cùng đường trượt của chim sắt, tranh vẽ lại trải dài từ góc tối ra, Nhị Rỗ bèn lần từ chỗ sáng xem ngược vào trong. Vương Uy nghiên cứu kỹ cánh cửa, cũng chẳng phát hiện được gì hơn, thấy Nhị Rỗ đang xem những bức tranh phía trước, anh cũng đi tới, nhưng lại chạy đến chỗ khởi đầu của tranh vẽ, xem thuận chiều từ đầu kia xem lại.

Vừa nhìn bức vẽ đầu tiên, anh đã trợn tròn mắt. Bức vẽ này không có bối cảnh, chỉ có hình một con chim lớn bay lên lượn vòng trên không trung rồi hạ xuống, thần thái dũng mãnh. Bức tranh vẽ trên mặt đất, không dụng công tỉa tót gì, chỉ là những nét vẽ sơ sài, phác họa đường nét mà thôi. Hình vẽ trong tranh tuy chỉ được phác thảo sơ sài nhưng rất có thần thái, nhìn qua là biết vẽ gì, nhìn kỹ lại chấn động hơn trước khí thế của nó, tuyệt không phải tầm thường.

Cánh chim kia ở giữa không trung đang đổi hướng lao vút xuống, tựa như đại bàng xòe cánh, bổ xuống vồ mồi. Vương Uy quan sát hồi lâu, sực hiểu ra, con chim trong bức vẽ phải chăng chính là con chim sắt trên sân này? Có điều đây chỉ là phán đoán của anh mà thôi, vì con chim trong tranh vẽ và con chim sắt trông khác hẳn nhau, con chim trong tranh oai hùng mạnh mẽ, còn con chim sắt thì gỉ sét, hai cánh rũ xuống, đầy vẻ ủ ê.

Vương Uy lại nhìn sang bức vẽ thứ hai, thấy bức vẽ này chỉ toàn một màu đen, giữa nền đen có vài đường nét đứt đoạn, tựa hồ như một cái bóng giữa đêm đen vậy. Anh nhìn toàn thể một lượt, cảm thấy rất giống dư ảnh của con chim đang khuất dần trong bóng tối. Giữa bóng tối mênh mông không biết đâu là bến bờ, chỉ thấy thấp thoáng dấu vết của cánh chim, khiến cả bức vẽ toát lên vẻ thần bí mà kỳ dị, chẳng biết cánh chim bay về hướng nào?

Xem đến bức vẽ thứ ba, bức này chỉ vẽ một pho tượng Phật khổng lồ, không ngồi xếp bằng hay ngồi xổm mà ngẩng đầu đứng thẳng, vẻ mặt không chút biểu cảm, đây chẳng phải pho tượng nơi họ đang đứng hay sao? Anh nhìn bức tượng, sực nghĩ ra điều gì đó, liền lùi lại nhìn bức vẽ thứ hai, vừa nhìn đã hiểu ra ngay. Trong bức vẻ thứ hai không chỉ có dư ảnh của con chim, mà bóng tối bao trùm kia dường như cũng không phải là bóng tối thật sự, chỉ là một bóng râm cực lớn sau lưng một người mà thôi, cánh chim sắt kia đang bay vào trong cái bóng khổng lồ đó.

Trong đầu Vương Uy nãy ra một nghi vấn, con chim kia bay vào bóng râm của bức tượng để làm gì? Anh nhìn đi nhìn lại, suy nghĩ mãi mà không hiểu nổi, đành quay sang nhìn bức họa thứ ba, so sánh hai bức vẻ, anh liền nhận ra đầu mối bên trong.

Cái bóng trong bức vẽ thứ hai thoáng nhìn đã thấy là bóng của bức tượng Phật đứng, bóng ngắn nhưng cao. Trong khi ở bức tranh thứ ba, nửa thân dưới bức tượng đứng thẳng, nhưng nửa thân trên hình như cúi khom, trọng tâm ngả về phía trước, eo lưng hơi cong. Giữa hai tư thế khác nhau rất ít, nếu không so sánh trực tiếp rất khó nhận ra vấn đề bên trong. Vương Uy suy xét, phỏng đoán nhiều lần nhưng vẫn không đoán được tại sao cái bóng của bức tranh thứ hai và tượng trong bức tranh thứ ba lại có sự khác biệt.

Lúc ấy Nhị Rỗ đã xem xong mấy bức tranh phía trước, đang xem ngược lại phía này, tiến dần đến trước mặt Vương Uy. Thấy Vương Uy đang thẫn thờ trước hai bức tranh, Nhị Rỗ cũng chăm chú quan sát hồi lâu, bỗng kêu lên.

– Tôi hiểu rồi…

Vương Uy không để ý Nhị Rỗ đang đứng sau lưng mình, nghe tiếng gã, anh giật bắn người, lườm Nhị Rỗ, chửi thề:

– Mẹ kiếp, gặp ma à?

Nhị Rỗ lắc đầu:

– Không… không phải, tôi nhận ra vấn đề trong bức tranh kia rồi. – Nhị Rỗ kích động đến đỏ cả mặt, lại thêm cả hơi nóng của bó đuốc khiến mặt gã vã đầy mồ hôi, hai mắt mở to, nhìn đi nhìn lại hai bức tranh, vừa nhìn vừa nói: – Phải rồi, vấn đề ở đấy, không sai.

Vương Uy đá Nhị Rỗ một cái, mắng:

– Đồ con rùa, có lời thì nói, có rắm thì đánh, rốt cuộc là chuyện gì nào?

Nhị Rỗ hào hứng nói với Vương Uy:

– Chỉ huy nhìn tư thế của bức tượng trong tranh thứ ba xem, nếu là người bình thường, thì làm sao có thể tạo nên tư thế ấy?

Vương Uy đáp ngay:

– Cần gì phải nghĩ, là đau bụng thôi mà.

Nhị Rỗ nhìn vào mắt Vương Uy, âm trầm đáp:

– Chỉ huy cứ nghĩ lại chuyện lãnh tụ tinh thần của đạo Già Lam là Khách Ba, con trai của Lăng Đạt Mã, Tán Phổ cuối cùng của Thổ Phồn mà xem. Nghe nói Khách Ba có thể cho đầu vào bụng

Vương Uy phản đối:

– Chuyện cho đầu vào bụng rõ ràng là hoang đường, bức tượng trong tranh vẽ vẫn còn nguyên đầu đấy thôi?

Nhị Rỗ cau mày:

– Có thể nhét đầu vào bụng, chứng tỏ bụng ông ta phanh ra, mà nhìn cảnh tượng trong bức vẽ này, chẳng phải con chim lớn kia đang bay vào bụng ông ta đấy sao?

Vương Uy phản bác:

– Theo tôi thấy, con chim lớn kia chỉ đụng phải bụng ông ta thôi, tại sao anh cứ khăng khăng là nó bay vào bụng nhỉ?

Nhị Rỗ nói:

– Tôi tin Khách Ba thật sự có thể nhét đầu vào bụng, như vậy bụng ông ta lúc nào cũng phanh ra.

Vương Uy giận dữ mắng:

– Lại được anh nữa, va đầu vào tường rồi à, chuyện vu vơ hoang đường như vậy mà cũng tin. Tôi tin rằng những tư liệu về đất Tây Tạng trong mật thất nhà anh đều là tâm huyết sưu tầm của tổ tiên anh suốt năm trăm năm qua, nhưng chúng ta là người theo Tây học, phải tin các ông Copernicus và Darwin. Những luận điệu mù mờ hoang đường kia, phải kiên quyết loại bỏ.

Hai người đang tranh cãi chợt nghe giữa sân vang lên mấy tiếng ầm ầm, cả hai vội ngoảnh lại nhìn, liền kinh ngạc ra mặt. Gió nổi lên mỗi lúc một lớn, sương mù bị xua tan khá nhiều, chỉ thấy cô nàng Dương Hoài Ngọc đã leo lên cái bầu trên thân chim sắt tự lúc nào, cô ta cắm bó đuốc lên đầu chim, rạp người nằm trong cái bầu, chẳng hiểu loay hoay thế nào mà đôi cánh chim bỗng nhiên lạch cạch xòe rộng ra.

Khi không ai đụng đến, con chim sắt chỉ đứng gục đầu khép cánh, từ từ di động, nhưng lúc này nó lại dang rộng đôi cánh lớn như cánh buồm, trông rất khí thế.

Ở đằng này, Vương Uy còn đang băn khoăn chưa hiểu được mấy vấn đề trong bức tranh, lại thấy Dương Hoài Ngọc bên kia leo lên chim sắt, bèn bực bội gọi cô:

– Cô xuống đây mau!

Dương Hoài Ngọc từ trong cái bầu sắt của con chim thò đầu ra, nói với Vương Uy:

– Tôi phaát hiện con chim này có thể bay.

Vương Uy làm gì còn bụng dạ nào dằng dai với Dương Hoài Ngọc, vội giục cô leo xuống, chim sắt có bay được hay không cứ kệ nó đấy, hẵng tìm hiểu những bức vẽ này trước đã.

Hiện giờ Vương Uy đang hết sức nôn nóng, những bức vẽ kỳ quái trên mặt đất rất có thể là đầu mối để họ tháo gỡ cục diện này, họ đang đứng trên bàn tay bức tượng, nhưng lại không biết rốt cuộc mình đang ở trong cảnh ngộ thế nào. Họ sẽ đi đâu, làm sao đi được?

Vương Uy ngoảnh nhìn Nhị Rỗ, nói:

– Anh đến xem xem ả tây kia thế nào, cô ta cũng không yên phận như anh đấy, mà này, đừng làm rối chuyện lên nhé.

Nhị Rỗ phớt lờ lời Vương Uy, chỉ nắm lấy hai vai Vương Uy, nói:

– Chỉ huy nghe tôi nói nhé, con chim trong bức vẽ chính là con chim này đấy, ấy là có người điều khiển nó bay vào bụng Khách Ba, suy đoán này là hoàn toàn chính xác đấy.

Vương Uy nhìn đôi cánh chim sắt xòe rộng, vô cùng khí thế, lại nhìn con chim và pho tượng trên hình vẽ, bỗng đầu óc anh đờ đẫn cả ra, một ý nghĩ lạ lùng lóe lên trong óc.

Anh cảm thấy rất có thể Nhị Rỗ nói đúng, chim sắt không những biết bay, mà còn bay được vào bụng bức tượng, lẽ nào bí mật mà họ vẫn truy tìm lại ẩn giấu trong bụng bức tượng này?

Vương Uy không khỏi cảm thấy ý nghĩ này thật quá hoang đường, chim sắt han gỉ đầy mình, đứng giữa bình đài trống trải này không biết bao nhiêu năm nay rồi, hễ không cẩn thận là đứt gánh giữa đường như chơi, chẳng có gì đảm bảo an toàn cả. Hơn nữa, cả nghìn năm trước lấy đâu ra kỹ thuật chế tạo máy bay, hồi còn đi học Vương Uy biết chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới là do một người Nga tên là Mozhaysky thử nghiệm thành công năm 1882, từ đó đến nay cũng chỉ mới hơn nữa thế kỷ, khó mà hình dung nổi vào thời điểm đó vương triều Thổ Phồn suy vong, đã xuất hiện loại máy bay thần kỳ như vậy.

Vương Uy xem đến bức vẽ thứ tư, nhưng chỉ thấy toàn đường nét rối rắm, những bức nằm trong khoảng giữa bức thứ tư và cuối cùng đều là những đường nét lộn xộn như thế, không ra hình thù gì cả. Ở bức vẽ cuối cùng là hai cánh cửa bằng đồng hé mở, hai cái kích trên cánh cửa chiếm phần lớn diện tích, bên trong cửa có bóng người, khiến người ta xem mà tê dại cả đầu, vô cùng quái gở.

Vương Uy nghĩ nát óc mà vẫn không hiểu nổi giữa bức vẽ thứ ba và bức vẽ cuối cùng có liên hệ gì, và những đường nét trên các bức vẽ ở giữa có ý nghĩa gì?

Con chim lớn, người đứng lom khom và bằng đồng, giữa ba hình vẽ ấy chẳng có liên hệ trực tiếp gì cả. Nếu chỉ đơn thuần xem tranh vẽ thì không thể đoán ra gì hết, những điều mà Nhị Rỗ nói như: con chim lớn trong hình vẽ là chim sắt, người trong bức tranh là Khách Ba, cũng không có căn cứ, chỉ đoán mò vậy thôi. Có điều nếu kết hợp những suy đoán ấy với hoàn cảnh xung quanh lại cảm thấy rất có lý, tuy Vương Uy cố đưa ra chứng cứ chứng minh những điều Nhị Rỗ nói là không đúng, nhưng trong lòng anh đồng thời lại vang lên một tiếng nói, kéo anh ngả theo quan điểm của Nhị Rỗ, thậm chí trong sâu thẳm lòng anh cũng hoàn toàn đồng ý với Nhị Rỗ. Vương Uy thầm ngạc nhiên, điều này hoàn toàn khác với cách nghĩ, cách làm hằng ngày của anh, anh đi lính đã hơn chục năm nay, tuy tính tình nóng nảy, nhưng hành sự rất nghiêm cẩn. Nếu một sự việc phải mạo hiểm quá nửa, anh sẽ dứt khoát bỏ luôn, nhưng lần này, anh lại tin lời Nhị Rỗ mà chẳng cần tới bất cứ lý do gì, điều này đã phá vỡ mọi chuẩn mực hành sự của anh.

Vương Uy cứ đi lên phía trước rồi lại vòng về phía sau, Nhị Rỗ vẫn theo sau anh, không nói năng gì, để mặc Vương Uy lẩm bẩm, hai tay vẽ theo những hình vẽ trong bức tranh. Đối với Nhị Rỗ, đây là lần đầu tiên gã xung đột ý kiến với Vương Uy, trước đây hành quân đánh trận, hoặc gã tuân theo sự chỉ huy của Vương Uy, hoặc Vương Uy tin ở bí thuật phong thủy địa nhãn của gã, hai người phối hợp chặt chẽ, rất ít khi có ý kiến khác nhau.

Nhưng lần này hình như trong gã có một ngọn lửa vô danh, ngọn lửa ấy đang thôi thúc gã tin tưởng vô điều kiện vào những phỏng đoán của mình, đẩy gã vào trạng thái điên cuồng.

Vương Uy trầm tư hồi lâu, bỗng nghĩ đến một điểm còn nghi vấn, liền quay lại nói với Nhị Rỗ đằng sau:

– Này, người trong bức vẻ có điểm không phù hợp, anh xem, khi con chim lớn bay qua, người ấy đang khom xuống, nếu phán đoán của anh là đúng, thì bức tượng này không thể đứng thẳng được.

Nhị Rỗ cũng nín lặng, Vương Uy nói không phải không có lý, theo phỏng đoán của gã, nếu quả thật họ ngồi trên chim sắt lượn xuống thì bức tượng phải đứng khom người mới phải, như vậy mới chứng minh được bụng tượng bị phanh ra. Nhưng bây giờ bức tượng lại đứng thẳng giữa rừng, nếu họ mạo hiểm cưỡi chim sắt bay xuống thì phải bay về đâu?

Hai người nhất thời ngây ra. Dương Hoài Ngọc đang đứng giữa bình đài quan sát con chim sắt, tuy Vương Uy bắt cô phải xuống, nhưng sau khi xuống cô cũng chẳng mấy để tâm đến những bức vẽ trên mặt đất, chỉ dồn mọi chú ý vào con chim sắt, cứ đi lòng vòng quanh nó. Gia tộc của Dương Hoài Ngọc có quan hệ mật thiết với Không quân Hoàng gia Anh quốc, hồi nhỏ cô ở với mẹ gần một trung tâm huấn luyện không quân, từng thấy rất nhiều máy bay, cũng hiểu phương thức huấn luyện không quân, vô cùng am hiểu về máy bay. Con chim sắt này không giống với bất cứ loại máy bay nào, kết cấu của nó rất kỳ dị, thậm chí không thể gọi là máy bay. Nhưng nhìn đôi cánh chim xòe rộng hết cỡ gần như che kín cả bình đài, cô bất giác tin rằng, con chim sắt này có thể bay lên.

Nhị Rỗ đứng lặng hồi lâu, rồi đi đi lại lại, từ lúc ở dòng sông ngầm, chưa lúc nào gã rời tay khỏi bộ râu dê, cứ xoắn mãi xoắn mãi, đến nỗi rụng mất một nửa. Nhị Rỗ suy nghĩ một lát, đoạn lại nằm bò ra đất, săm soi thật kỹ những bức vẽ từ sau bức tranh thứ ba trở đi, bỗng kêu lên:

– Thưa chỉ huy, tôi hiểu ra rồi.

Nghe Nhị Rỗ gọi, Vương Uy nghi hoặc lại gần, cũng quan sát bức tranh. Nhị Rỗ chỉ cho anh thấy:

– Chỉ huy xem, những đường nét này thoạt nhìn có vẻ lộn xộn lung tung, nhưng nếu để ý sẽ thấy chúng không phải là nét liền, mà gồm rất nhiều rất nhiều nét đứt, có điều các đường nét quá rối rắm, nên khó mà nhận ra được. Chỉ huy nhìn lại mà xem, những bức nằm trong khoảng giữa bức thứ ba và bức cuối cùng, thoạt trông chỉ thấy một loạt những nét rối loạn, nhưng nếu phân tích kỹ sẽ phát hiện mỗi hình vẽ đều có kích cỡ như nhau. Chúng thực ra là một loạt những hình vẽ cùng kích cỡ nhưng rời rạc, mỗi hình vẽ là một cách sắp xếp những đường nét khác nhau. Chỉ huy xem, mỗi đường nét đều đang chuyển động, những đường nét ở những vị trí tương đồng trên mỗi bức vẻ đều giống hệt nhau, có điều động tác lại khác nhau, có đúng không?

Vương Uy nhìn Nhị Rỗ chỉ trỏ liên tục trên những nét vẽ, lòng đã hiểu ra tất cả. Đó vốn không đơn thuần là nhũng đường nét, mà là khắc họa một đám vật sống, có thể tự do hoạt động. Có điều khoảng cách giữa các đường vô cùng nhỏ, đến gần như không có, nếu không nằm bò ra săm soi thì không thể nào phát hiện được.

Vương Uy ngước lên nhìn Nhị Rỗ, ánh mắt cả hai đầy vẻ nghi hoặc, rốt cuộc những thứ giống như đường nét này là gì đây? Bức vẽ cuối cùng lại càng kỳ dị hơn nữa, đằng sau những thứ đang chuyển động kia tại sao lại là cánh cửa bằng đồng khép hờ và bóng người bí ẩn?

Những vấn đề này thật không sao giải thích nổi. Nhị Rỗ cau mày, chòm râu dê thưa thớt lại bị vặt rụng mất mấy sợi, xem ra gã có vẻ rất sốt ruột, liên tục cầm đuốc chạy đi chạy lại hết lần này đến lần khác, thỉnh thoảng lại ngồi xuống ghé sát mắt nhìn hồi lâu, như say như mê, tựa hồ quên khuấy bản thân đang ở trong cảnh nguy hiểm.

Quả nhiên, một lúc sau Nhị Rỗ lại tìm ra được manh mối mới. Vấn đề nằm ở bức tranh thứ hai, trong đó có bóng một con chim lớn được vẽ bằng mấy nét phác họa đơn giản, nhưng góc bức tranh còn có rất nhiều chấm nhỏ. Đúng ra, những chấm nhỏ ấy rất khó bị người chú ý, thậm chí không thể bị chú ý, nhưng Nhị Rỗ lại nhìn ra được điểm bất thường.

Nhị Rỗ so sánh cách sắp xếp những đường nét trong bức tranh thứ tư và những chấm nhỏ lõm xuống trên bức tranh thứ hai, phát hiện cách sắp xếp những chấm nhỏ và cách sắp xếp những đường nét trong bức tranh thứ tư giống nhau như hệt, vấn đề chính là chỗ ấy.

Vương Uy nghe Nhị Rỗ trình bày nghi vấn, thoáng nghĩ đã ra đáp án:

– Ý anh là, bức tranh muốn mô tả những sinh vật này vẫn luôn bám theo con chim kia, hơn nữa, xem ra những thứ có số lượng tương đối nhiều này còn bay phía trước con chim…

Vừa nghe đến đây, Nhị Rỗ bèn đấm vào lưng Vương Uy một cái, kêu lên:

– Tôi hiểu rồi… hiểu chuyện gì rồi.

Tiếng Nhị Rỗ rất vang, tạo nên âm hưởng lồng lộng giữa không trung rồi văng vẳng lịm đi trong thế giới dưới lòng đất đầy sương mù và bóng tối. Dương Hoài Ngọc chỉ lườm Nhị Rỗ, rồi tiếp tục nghiên cứu con chim sắt.

Vương Uy lại lên tiếng, ngăn Nhị Rỗ tiếp tục hoa chân múa tay:

– Anh bảo, vì những thứ này xuất hiện, mới khiến bức tượng đột ngột khom xuống à?

Thấy Nhị Rỗ giơ ngón tay cái ra tỏ ý khen ngợi, Vương Uy “hừm” một tiếng, rồi nói:

– Anh suy nghĩ thực tế chút đi, bức tượng to như thế này, làm gì có sinh vật nào xô đổ được nó? Trên thế giới này không thể tồn tại loài sinh vật đó.

Nhị Rỗ nói:

– Chưac chắc đâu, chỉ huy phải xem thứ đó có bao nhiêu đã? Ví dụ như những nét vẽ này, anh có đếm được bao nhiêu nét không? Đây chỉ là bức phác thảo sơ sài thôi nhé, có trời mới biết bên trong những đường nét này, còn bao nhiêu những thứ ấy nữa?

Nghe Nhị Rỗ nói thế, Vương Uy cũng dần dần hiểu ra, nếu có những thứ lớn như con chim sắt này ùn ùn lao ập xuống, liệu có xô đổ nổi bức tượng không, vẫn còn là một ẩn số. Có điều họ căn bản không biết những đường nét trong bức tranh là thứ gì, nên không có cách nào đoán ra nổi liệu chúng có xô đổ được bức tượng hay không?

Gió thổi lồng lộng trên bình đài làm ồ hôi trên mình hai người khô dần, bắt đầu cảm thấy ớn lạnh. Cả hai lại mặc áo bông vào người, Vương Uy đeo cái kích hình dã thú lên lưng, chỉnh lại trang phục, chợt phát hiện ra Dương Hoài Ngọc lại đã leo lên lưng con chim sắt.

Nhị Rỗ thấy Vương Uy tỏ vẻ bực bội, liền gọi Dương Hoài Ngọc:

– Này, đồ tây rởm kia, bọn tây các người đều như thế đấy à? Bảo cô đừng leo lên đấy, sao vẫn leo lên? Trên ấy có đàn ông hay sao mà cô thích leo lên đấy thế, dưới này có hai thằng đàn ông đang sống sờ sờ ra đây này.

Vương Uy đứng đằng sau, liền đá cho Nhị Rỗ một cái, gã ngoảnh lại nhìn Vương Uy, cười hề hề, bộ dạng vô cùng thô bỉ.

Dương Hoài Ngọc nằm úp sấp, loay hoay trong cái bầu sắt, làm cái giá đỡ bên dưới kêu loảng xoảng, Vương Uy chỉ sợ cái giá không chắc chắn, sẽ gãy rời ra bất cứ lúc nào, chứ hy vọng gì con chim sắt này bay được lên cao để phá giải bí mật của khu rừng ngầm.

Tiếng loảng xoảng từ con chim sắt mỗi lúc một to, Vương Uy và Nhị Rỗ thấy Dương Hoài Ngọc không để lời của họ vào tai, vẫn mải mê loay hoay trong đó, đều lấy làm lạ, xưa nay Dương Hoài Ngọc có bao giờ như vậy đâu. Hình như vừa nhìn thấy con chim sắt, cô liền trở nên không bình thường, khác hẳn lúc trước, như bị trúng tà thuật vậy.

Nhị Rỗ nói với Vương Uy:

– Cái cô tây rởm kia nhẹ vía, e rằng đã bị ma quỷ dưới đất thổi tắt hai ngọn dương đăng rồi, như bị trúng tà ấy, phải làm thế nào bây giờ?

Vương Uy trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, lòng rối như tơ vò, hành vi bất thường của Dương Hoài Ngọc khiến lòng anh như bị bóng đen che phủ, sao bên dưới lòng đất này, thứ gì cũng quái gở thế nhỉ?

Trúng tà? Hay là bị nguyền rủa?

Hai người vội chạy đến phía trước con chim sắt, không hiểu Dương Hoài Ngọc dùng cách gì mà đã làm cho nó dừng lại, không chuyển động qua lại những rãnh sâu trên bức tranh kia nữa. Hai người đứng dưới chim sắt, chỉ thấy cái bầu sắt ở bụng chim động đậy không ngừng, ánh đuốc soi rõ bóng Dương Hoài Ngọc đang nằm trong cái bầu, người cuộn tròn lại như quả trứng.

Nhị Rỗ định leo lên kéo cô ta xuống, nào ngờ chim sắt lại phát ra tiếng lạch cạch, cánh tay sắt giơ cao hai ngọn đèn bằng đồng bỗng phân làm hai, tách đôi thành hai nửa, như một chiếc hộp được mở ra vậy.

Hai người kinh ngạc, vội giơ đuốc lên soi, thấy trong lỗ hổng nơi cánh tay sắt tách ra, cứ cách nửa mét lại treo một ngọn đèn bằng đồng, nhỏ hơn hai ngọn đèn treo trên đầu cánh tay một chút. Những ngọn đèn trong lỗ hổng này rất ít gỉ đồng, có điều phía ngoài có một vòng đỏ thẫm, Nhị Rỗ giơ tay sờ, thấy phần lớn cây đèn vẫn còn trơn nhẵn.

Nhị Rỗ ngứa tay, đưa đuốc lên châm liền ba ngọn đèn, đèn vừa sáng, Vương Uy đã ngửi thấy mùi khét. Nhị Rỗ cười hăng hắc, nói:

– Chỉ huy ơi, thứ mỡ người này một khi đã khô, lại bị lửa đốt, sẽ bốc mùi khét, người bình thường ngửi phải sẽ không chịu được đâu.

Vương Uy gật đầu, quay sang châm đèn bên cánh tay kia, hai người thắp sáng tất cả hai mươi mấy ngọn đèn lên. Bấy nhiêu ngọn đèn kề nhau nhìn như hai dãy đèn lồng, tuy trên bình đài nồng nặc mùi mỡ người cháy khét lẹt nhưng trông cũng rất đẹp mắt.

Hai người vừa nhìn vừa bịt mũi, nào chú ý nguy hiểm đang từng bước đến gần. Gió dần dần tan đi, sương mù lại bao trùm cả bình đài huyền bí này, cánh tay của pho tượng khổng lồ ẩn giấu đầy bí mật, dù là chim sắt hay những bức tranh đều khiến cho cả ba người trên bình đài này táng đảm kinh hồn.

Thậm chí bọn họ khó mà tin nổi những thứ này là do con người tạo nên. Bởi sự vĩ đại của công trình này đã vượt xa trí tưởng tượng của con người, cho dù ở thời đại ngày nay cũng không thể thực hiện được, đừng nói gì là nghìn năm trước.

Dương Hoài Ngọc loay hoay càng lúc càng nhiều, khiến hai người kia đều lấy làm lạ, chẳng biết cô ta đang làm gì. Cả hai không hẹn mà cùng chạy đến dưới bụng chim sắt, định leo lên xem Dương Hoài Ngọc làm trò gì.

Vừa đi được vài bước, họ bỗng cứng người lại, phát hiện gần đó sương mù đang từ từ phun ra, dần dần hình thành những xoáy sương lớn. Không phải chỉ một vài xoáy mà là một đám vòng xoáy, vây cả Vương Uy, Nhị Rỗ và chim sắt vào trong. Cả hai lập tức trố mắt ra nhìn, chuyện quái gì thế này? Một thứ quái đản nấp trong màn sương mù đã khiến cả bọn họ khốn đốn, huống hồ lại nhiều đến thế này, thật khó mà tưởng tượng nổi. Lâm vào tình cảnh này, liệu họ còn thoát chết được ư? Dương Hoài Ngọc ở trên con chim sắt, đương nhiên thấy rõ tất cả. Chim sắt sau khi phát ra một tràng những tiếng lạch cạch ầm ĩ cũng đã yên tĩnh lại. Xung quanh lặng tờ như chết, Vương Uy nghe rõ cả tiếng thở nặng nề của mình, vòng xoáy trong sương mù kia lại đang lớn dần lên. Cả ba người đều nắm chắc khẩu súng trong tay, liên tục lên đạn, tuy họ biết súng đạn đối với những thứ này cũng chẳng có tác dụng gì, nhưng vào lúc này con biết cầm lấy cái gì đây?

Nhị Rỗ nhổ nước bột, nã một loạt đạn vào xoáy sương mù trước mặt. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cũng nổ súng theo, tiếng súng xé tan bóng tối im lìm nhưng lại khơi dậy cơn phẫn nộ của những thứ ẩn sau màn sương mù kia. Nhị Rỗ chưa bắn hết đạn, sương mù xung quanh đã đột ngột ập tới trước mặt, gã không kịp phản ứng, liền ngã lăn ra đất.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc vội né tránh, nhưng tốc độ của thứ ma quái kia rất nhanh, không thể tưởng tượng nổi, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc bị đẩy văng về phía sau, đụng cả vào chim sắt, theo quán tính, chim sắt cũng lùi lại phía sau.

Hai người gắng gượng đứng vững, bả vai của Vương Uy bị một thanh sắt trên mình chim sắt đâm trúng, máu chảy lên láng, Dương Hoài Ngọc cũng bị xây xước mấy chỗ. Vương Uy bịt chặt miệng vết thương, cú va chạm kinh khủng này khiến anh phải lùi lại đến hai ba trượng, chẳng hiểu Nhị Rỗ nằm kia thương tích ra sao.

Vương Uy không buồn cầm máu, chạy ngay đến vực Nhị Rỗ dậy. Nhị Rỗ bị đập vào bụng, nhất thời đau không chịu nổi, trượt chân ngã ra đất, được Vương Uy vực dậy, gã vẫn đau đến đỏ ngầu cả mắt.

Nhị Rỗ vừa rên rỉ, vừa chửi bới:

– Mẹ kiếp, đồ quái quỷ kia định giết ông à! Đánh vào đâu không đánh, lại đánh vào bụng! Vương Uy giơ đuốc soi đằng trước, không nén nổi kinh hãi, chỉ thấy mặt đất đã nứt ra bốn năm vết. Những vết nứt này chẽ ra từng nhánh như gân lá, chia bình đài kiên cố ra thành từng mảnh. Hai người thoáng ngây ra, chợt nghe tiếng đá nứt liên tiếp vang lên trong bóng tối tĩnh lặng, thì ra đá trên bình đài đều bị lũ quái vật kia bóp nát. Hai người nghe tiếng vỡ vụn, tim cũng đập rộn cả lên, họ đang ở phía trên khu rừng ngầm từ mấy trăm cho đến hơn nghìn mét, nếu bình đài này vỡ nát giữa không trung, liệu họ còn sống nổi ư?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN