Mật Mã Da Vinci - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
183


Mật Mã Da Vinci


Chương 8


Chương 8Langdon không thể rời mắt khỏ những dòng chữ nguệch ngoạc màu tía đang rực lên trên sàn gỗ. Điều truyền đạt cuối cùng của Jacques Saunière xem ra không giống một lời trăng trối mà Langdon có thể tưởng tượng.

Lời nhắn như sau:

13-3-2-21-1-1-8-5

Ôi quỷ hà khắc!

Ôi thánh yếu đuối.

Mặc dù hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của thông điệp này- nhưng Langdon chợt hiểu chính bản năng đã mách Fache rằng hình sao năm cánh là một cái gì đó có liên quan đến sự tôn thờ ma quỷ.

Ôi quỷ hà khắc!

Saunière đã để lại một ám chỉ rành rành đến quỷ. Cũng kỳ quái không kém là dãy số. “Một phần của nó có vẻ giống như mật mã số”.

“Đúng”, Fache nói. “Nhân viên mật mã của chúng tôi đang giải mã nó. Chúng tôi tin rằng những con số này có thể là chìa khóa dẫn đến kẻ sát nhân. Có thể là một tổng đài điện thoại hoặc một thứ thẻ căn cước nào đó. Liệu những con số này có ý nghĩa biểu tượng nào với ông không?”.

Langdon nhìn lại những con số, cảm thấy sẽ mất nhiều giờ để rút ra một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Nếu Saunière định đưa vào một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Đối với Langdon, các con số trông hoàn toàn ngẫu nhiên. Ông quen với những dãy biểu tượng có vẻ có tương quan ý nghĩa, nhưng mọi thứ ở đây- hình sao năm cánh, đoạn văn, các con số – dường như hoàn toàn khác biệt về cơ bản.

Ban nãy ông đã khẳng định”, Fache nói, “rằng những hành động của Saunière ở đây đều nhằm nỗ lực gửi lại một lời nhắn ngắn gọn… sự tôn thờ nữ thần hay một điều gì tương tự? Lời nhắn này ăn nhập như thế nào?”.

Langdon biết câu hỏi này chỉ là mỹ tự. Thông điệp kỳ quặc này rõ ràng không ăn khớp với kịch bản về sự tôn thờ nữ thần của Langdon một chút nào.

Ôi quỷ hà khắc là gì? Ôi, thánh yếu đuối là gì?

Fache hỏi: “Đoạn văn này có vẻ như một kiểu kết tội. Ông đồng ý không?”.

Langdon cố gắng tướng tượng ra những phút cuối cùng của ông phụ trách bảo tàng khi ông mắc kẹt trong Hành Lang Lớn, biết rằng mình sắp chết. Có vẻ lôgic đấy. “Kết tội kẻ sát hại ông là có lý, tôi cho là như vậy”.

“Công việc của tôi, tất nhiên là tìm ra tên của kẻ đó. Cho phép tôi hỏi ông điều này, ông Langdon. Đập vào mắt ông ngoài những con số, thì lời nhắn này có gì lạ nhất?”.

Lạ nhất. Một người sắp chết dựng rào chắn tự hãm mình trong hành lang, vẽ một ngôi sao năm cánh lên người mình, và viết nguệch ngoạc một lời kết tội bí ẩn trên sàn. Có cái gì trong kịch bản này là không lạ?

“Từ “hà khắc” (dracoman) thì sao?” Ông đánh bạo nói ra ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu. Langdon tin chắc chả có lý nào một người sắp chết lại nghĩ tới Draco – một chính trị gia hà khắc thế kỷ VII trước Công nguyên(1). “Quỷ hà khắc” xem ra là một sự lựa chọn từ ngữ kỳ quặc”.

“Hà khắc?” Giọng Fache có vẻ hơi sốt ruột. “Việc Saunìere chọn từ ngữ khó có thể xem là vấn đề ưu tiên”.

Langdon không biết chắc Fache nghĩ đến vấn đề gì trong đầu, nhưng ông bắt đầu ngờ ngợ rằng Draco và Fache có thể ăn ý với nhau.

“Saunière là người Pháp”, Fache nói dứt khoát. “Ông ấy sống ở Paris. Nhưng ông ấy chọn viết lời nhắn này…”.

“Bằng tiếng Anh!”, Langdon nói, bây giờ thì ông đã nhận ra ý của viên đại uý.

Fache gật đầu: “Chính xác. Ông có biết tại sao lại thế không?”.

Langdon biết Saunière nói tiếng Anh không chê vào đâu được, nhưng lý do khiến ông ta chọn tiếng Anh để viết những lời cuối cùng, hoàn toàn lọt khỏi sự chú ý của ông.

Ông nhún vai.

Fache chỉ lại vào hình sao năm cánh trên bụng Saunière:

“Không có gì liên quan đến sự tôn thờ ma quỷ sao? ông vẫn chắc như vậy chứ?”.

Langdon không còn chắc chắn bất kỳ điều gì nữa: “Hệ ký hiệu và văn bản xem ra không trùng khớp. Tôi xin lỗi là tôi không thể giúp gì hơn”.

“Có thể điều này sẽ làm cho mọi sự rõ ràng”. Fache lùi xa khỏi thi thể, giơ chiếc đèn tia tử ngoại lên một lần nữa, để chùm sáng tỏa ra một góc rộng hơn. “Còn bây giờ thì sao?”.

Langdon kinh ngạc thấy một vòng tròn thô sáng lên quanh thi thể ông phụ trách bảo tàng. Vẻ như Saunière đã nằm xuống, lấy bút khoanh mấy vành cung quanh người, cốt lồng mình trong vòng tròn.

Loáng một cái, ý nghĩa của nó vụt trở nên rõ ràng.

“Người Vitruvian”. Langdon há hốc miệng. Saunière đã tạo một bản sao với kích thước người thật bức ký họa nổi tiếng nhất của Leonardo Da Vinci.

Được xem là bức vẽ đúng nhất về mặt giải phẫu học ở thời đại đó bức Người Vitruvian của Da Vinci giờ đã trở thành bức thánh tượng thời nay của văn hóa, xuất hiện trên tranh ảnh quảng cáo, đệm di chuột máy tính, áo phông trên toàn thế giới.

Bức ký họa trứ danh này gồm một vòng tròn trong đó có một hình khoả thân nam… tay chân dang thẳng.

Da Vinci. Langdon cảm thấy run lên vì sửng sốt. Chủ ý của Saunière đã rõ rành rành không thể chối cãi. Trong những khoảng khắc cuối cùng của đời mình, ông phụ trách bảo tàng đã cởi bỏ hết quần áo và sắp xếp cơ thể mình thành một hình ảnh rõ ràng mô phỏng bức Người Vitruvian của Leonardo Da Vinci.

Vòng tròn chính là yếu tố cơ bản bị thiếu. Là biểu tượng nữ về sự bảo vệ, vòng tròn xung quanh người đàn ông khoả thân hoàn tất chủ ý của Da Vinci – sự hài hòa giữa nam và nữ. Tuy nhiên, câu hỏi bây giờ là tại sao Saunière lại mô phỏng một bức vẽ nổi tiếng.

“Ông Langdon”, Fache nói, “chắc chắn một người như ông phải biết Leonardo Da Vinci có khuynh hướng thiên về ma thuật”.

Langdon ngạc nhiên vì hiểu biết của Fache về Da Vinci, và chắc chắn phải mất nhiều công mới giải thích được những hồ nghi của viên đại uý về sự tôn thờ ma quỷ. Da Vinci luôn là một đề tài khó xử đối với các nhà sử học, đặc biệt trong truyền thống Thiên Chúa giáo. Mặc dù là một thiên tài thấu thị, ông lại là một người đồng tính luyến ái phô trương và là người tôn sùng trật tự thần thánh của Tự nhiên, cả hai điều đó đặt ông vào trạng thái thường xuyên phạm tội với Chúa. Hơn thế nữa, tính lập dị kỳ quái của người nghệ sĩ này phóng chiếu ra một vòng hào quang rành là ma quỷ: Da Vinci khai quật các xác chết để nghiên cứu giải phẫu con người; ông ghi những cuốn nhật ký kỳ bí bằng chữ viết tay đảo ngược không thể đọc được; ông tin rằng ông có sức mạnh giả kim thuật để biến chì thành vàng và thậm chí lừa dối Chúa bằng việc tạo ra một loại rượu thuốc để trì hoãn cái chết và những sáng chế của ông bao gồm các vũ khí chiến tranh và dụng cụ tra tấn khủng khiếp chưa từng ai tưởng tượng ra.

Hiểu lầm sinh ra ngờ vực. Langdon nghĩ.

Thậm chí số lượng lớn những tác phẩm nghệ thuật Thiên Chúa giáo kỳ vĩ của Da Vinci chỉ càng khiến ông khét tiếng là giả dối về tâm linh. Nhận hàng trăm đơn đặt hàng béo bở của Vatican, Da Vinci vẽ đề tài Thiên Chúa giáo không phải như một sự bộc lộ đức tin của chính mình mà thực chất là vì một sự kinh doanh thương mại – một phương tiện để chu cấp cho một lối sống hoang phí. Khốn thay, Da Vinci là kẻ thích chơi khăm, ông thường hay tiêu khiển bằng cách thản nhiên gặm nhấm bàn tay nuôi sống ông. Ông đưa vào nhiều bức vẽ Thiên Chúa giáo của mình các biểu tượng tàng ẩn không mảy may Cơ đốc – những vật cống nạp cho những tín ngưỡng của riêng ông và một sự chế nhạo tinh vi đối với Giáo hội. Langdon thậm chí đã từng có bài thuyết giảng ở Bảo tàng Quốc gia London nhan đề: Cuộc sống bí mật của Leonardo: Hệ biểu tượng vô đạo trong Nghệ Thuật Thiên Chúa giáo.

“Tôi hiểu những lo ngại của ông”, bây giờ Langdon mới nói. “Nhưng Da Vinci quả thật chưa bao giờ thực hiện bất kỳ ma thuật nào. Ông là người giàu tâm linh phi thường mặc dù hay có xung đột với Nhà Thờ”. Khi Langdon nói điều này, một ý nghĩ kỳ lạ chợt nẩy ra trong đầu ông. Ông dưa mắt nhìn xuống lời nhắn trên sàn một lần nữa. Ôi, quỷ hà khắc! Ôi, thánh yếu đuối!

“Gì thế?” Fache nói.

Langdon thận trọng cân nhắc từng lời: “Tôi chỉ đang nghĩ rằng Saunière chia sẻ nhiều hệ ý thức tâm linh với Da Vinci, kể cả mối quan tâm đến việc Nhà Thờ loại bỏ tính nữ thiêng liêng khỏi tôn giáo hiện đại. Có thể, bằng việc bắt chước một bức vẽ nổi tiếng của Da Vinci, Saunière chỉ đơn thuần phản ánh một vài điều thất vọng chung của họ đối với việc Giáo hội hiện đại quỷ hóa nữ thần”.

Mắt Fache đanh lại: “Ông nghĩ rằng Saunière gọi Giáo hội là quỷ hà khắc và thánh yếu đuối sao?”.

Langdon buộc phải thừa nhận rằng ý này có vẻ gượng ép, nhưng hình sao năm cánh dường như xác nhận ý tưởng đó ở một mức độ nào đó. “Tất cả những gì tôi đang nói là ông Saunière đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu lịch sử nữ thần, và không ai làm nhiều hơn Giáo hội Thiên Chúa giáo để xóa đi lịch sử ấy. Dường như có lý khi cho rằng Saunière có thể đã quyết định biểu lộ sự thất vọng của mình trong lời vĩnh biệt cuối cùng”.

“Thất vọng?”, Fache hỏi, giọng dữ dằn. “Lời nhắn này nghe có vẻ tức giận hơn là thất vọng, đúng không?”.

Langdon đã hết kiên nhẫn: “Đại uý, ông hỏi tôi linh cảm thế nào về điều Saunière định nói ở đây, và đó là câu trả lời của tôi”.

“Như vậy thì đây là một bản kết tội Giáo hội?” Quai hàm Fache siết lại khi ông nói qua hàm răng nghiến chặt. “Ông Langdon, tôi đã nhìn thấy nhiều cái chết trong công việc của tôi và hãy để tôi nói với ông vài điều. Khi một người bị kẻ khác giết hại, tôi không tin rằng những ý nghĩ cuối cùng của người đó là viết ra một phát biểu tâm linh mù mờ đến mức không ai hiểu nổi. Tôi tin ông ấy chỉ nghĩ đến một thứ mà thôi”.

Giọng nói thì thầm của Fache xẻ vào không khí: “La vengeance”(2). Tôi tin Saunière viết những lới này để nói với chúng ta ai là kẻ giết ông ấy”.

Langdon nhìn trân trân: “Nhưng như thế chẳng có nghĩa gì hết”.

“Không ư?”.

“Phải”, ông quặc lại, mệt mỏi và thất vọng, “Ông nói với tôi rằng Saunière đã bị tấn công trong văn phòng ông ấy bởi một ai đó mà rõ ràng ông đã mời vào”.

“Đúng thế”.

“Vậy có vẻ hợp lý khi kết luận rằng ông phụ trách bảo tàng biết rõ kẻ tấn công ông ấy”.

Fache gật đầu: “Tiếp tục đi”.

“Vậy nếu Saunière biết rõ kẻ giết ông ấy, thì đây là một bản cáo trạng kiểu gì?”. Ông chỉ xuống sàn. “Mật mã số? Những vị thánh yếu đuối? Những con quỷ hà khắc? Hình sao năm cánh trên bụng ông ấy? Tất cả đều kỳ bí”.

Fache cau mày như thể ông ta chưa từng nghĩ đến điều đó.

“Ông có lý”.

“Xét các tình huống”, Langdon nói, “tôi cho rằng nếu Saunière muốn nói cho ta biết ai đã giết ông ấy, thì ông ấy tất sẽ viết tên một ai đó chứ”.

Khi Langdon nói những lời này, lần đầu tiên trong cả buổi tối nay một nụ cười tự mãn vụt qua trên môi Fache.

“Précisément”(3) , Fache nói, “Précisément”.

Mình đang chứng kiến công việc của một bậc thầy, trung úy Collet trầm ngâm khi anh vặn cần máy audio của mình và nghe giọng Fache qua tai nghe. Viên cảnh sát biết những khoảnh khắc như thế này sẽ đẩy viên đại uý lên đến cực điểm trong việc thi hành luật pháp của Pháp.

Fache sẽ làm những việc mà không ai khác dám làm.

Nghệ thuật phỉnh dụ tinh tế là một kỹ năng thất truyền trong việc thi hành luật pháp hiện đại, một điều đòi hỏi bản lĩnh phi thường dưới áp lực. Rất ít người có được sự bình tĩnh lạnh lùng cần thiết cho loại hoạt động này, nhưng Fache hình như sinh ra là để dành cho nó. Sự kiềm chế và kiên nhẫn của ông ta mấp mé tới độ như người máy.

Xúc cảm duy nhất của Fache trong buổi tối nay dường như là một quyết tâm mãnh liệt, tựa hồ cuộc bắt giữ này, cách nào đó, là chuyện cá nhân của ông ta vậy. Thông báo của Fache cho nhân viên của mình một giờ trước đây ngắn gọn khác thường và chắc như đinh đóng cột. Tôi biết ai giết Saunière, Fache nói.

Các bạn biết phải làm gì. Tối nay không được phép có sai lầm. Và cho đến bây giờ, chưa một sai lầm nào xảy ra.

Collet chưa biết bằng chứng nào đã khiến Fache tin chắc về tội của nghi phạm, nhưng anh không mảy may nghi ngờ trực giác của Bò Mộng. Trực giác của Fache đôi lúc dường như là siêu nhiên. Chúa thì thầm vào tai ông ta, một cảnh sát đã nhấn mạnh sau một lần giác quan thứ sáu của Fache được biểu thị một cách đặc biệt ấn tượng. Collet phải thừa nhận, nếu như có Chúa, thì Bezu Fache ắt nằm trong danh sách loại A của Ngài.

Người đại úy này đi lễ nhà thờ và xưng tội đều đặn nhiệt thành – đều đặn hơn nhiều so với việc dự các cuộc giao tế dân sự cần thiết vào ngày nghỉ mà các viên chức khác thực hiện dưới danh nghĩa quan hệ quần chúng tốt. Khi Giáo hoàng thăm Paris vài năm trước, Fache đã dùng mọi khả năng để được vinh dự là khán giả. Một bức ảnh của Fache với Giáo hoàng đang được treo trong phòng làm việc của ông. Con Bò Mộng của Giáo hoàng, các nhân viên ngầm gọi nó như thế.

Điều Collet thấy nực cười là một trong những thái độ công khai hợp lòng dân hiếm hoi của Fache trong những năm gần đây, là phản ứng thẳng thắn của ông ta với vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em trong Thiên Chúa giáo. Những thày tu này đáng bị treo cổ hai lần! Fache tuyên bố. “Một lần vì tội ác của chúng với trẻ con. Và một lần vì sự bôi nhọ thanh danh của Nhà Thờ Thiên Chúa giáo. Collet có cảm giác kỳ lạ rằng chính điều thứ hai lại khiến Fache phẫn nộ hơn.

Quay lại máy tính xách tay của mình, Collet làm nốt phần sau thuộc trách nhiệm tối nay của anh – hệ thống truy tìm CPS.

Hình ảnh trên màn hình cho thấy sơ đồ mặt sàn chi tiết của Cánh Denon, một lược đồ cấu trúc lấy từ Phòng An Ninh Louvre. Đưa mẩt dò theo mê cung các phòng trưng bày và hành lang, Collet tìm ra cái anh ta đang tìm kiếm.

Sâu trong trung tâm của Hành Lang Lớn nhấp nháy một chấm đỏ nhỏ xíu.

La marque (4)

Tối nay Fache đang giữ con mồi trong một sợi dây buộc chặt.

Cũng khôn ngoan không kém, Robert Langdon tỏ ra là một vị khách điềm tĩnh.

Chú thích:

(1) dracoman (hà khắc) có gốc từ Draco

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: sự báo thù.

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đích thị.

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: dấu chỉ điểm (trong trường hợp này chỉ Robert Langdon, ngưởi đang bị theo dõi bằng hệ thống IPS).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN