Miễn Cưỡng Kết Hôn
Phần 1
Tên truyện: Miễn Cưỡng Kết Hôn
Tác giả: Phạm Kiều Trang – Hổ Bé
Thể loại: Thực tế & Ngôn Tình
Đoạn 1
Mùa này hoa dã quỳ nở rộ, nhuộm vàng khắp đất trời Tây Bắc. Bình thường mỗi lần đến thời gian này tôi và mẹ sẽ gùi theo giỏ ngô đi thật chậm, tranh thủ ngắm những bông hoa dã quỳ đẹp đẽ trong sương sớm và trong cả hoàng hôn.
Mỗi lần thấy vùng dã quỳ tươi đẹp nhất, mẹ đều nói:
– Nếu mà có điện thoại chụp lại thì tốt con nhỉ. Có ảnh thì lúc nào cũng xem lại được, không cần chờ đến mùa hoa dã quỳ.
Tôi biết ở vùng núi này sóng điện thoại rất chập chờn, mà cả bản chúng tôi cũng chỉ có mấy người nhà giàu là có điện thoại thôi, nhà nghèo như nhà tôi thì tất nhiên cũng chẳng có tiền mua nổi những thứ lãng phí đó, cho nên chỉ cười:
– Không cần điện thoại đâu mẹ, cứ mỗi mùa hoa dã quỳ nở thì con với mẹ lại đi xem.
– Sau mẹ già rồi, chân yếu không đi nổi nữa thì sao đi xem được?
– Thì con hái hoa mang về cho mẹ xem.
Mẹ tôi cũng cười, giơ bàn tay thon thon đã có nhiều vết chai lên xoa đầu tôi, nhẹ nhàng bảo:
– Dương nhớ đấy nhé.
– Vâng.
Chớp mắt cái thêm mấy mùa dã quỳ trôi qua, tôi trở thành một cô thiếu nữ gùi giỏ ngô cũng cao hơn hẳn mẹ một cái đầu. Nhưng mẹ tôi chưa kịp già, mắt chưa mờ và chân chưa chậm, tôi cũng chưa kịp hái hoa dã quỳ về cho mẹ thì bỗng nhiên bà lại đột ngột ra đi.
Trong ngôi nhà nhỏ liêu xiêu trên sườn núi, chỉ có một mình tôi ôm quan tài của bố và mẹ khóc ngất, khóc đến độ hai mắt sưng húp không thể mở ra được. Mới hôm qua cả nhà vui vẻ ngồi cùng nhau bên mâm cơm sơ sài, hôm nay cơm cúng có thịt nhưng chỉ còn lại mỗi một mình tôi bơ vơ, tôi như một đứa trẻ bị bỏ rơi, ngoài rơi nước mắt ra thì không biết làm gì để diễn tả nỗi đau đớn quá lớn lao đó cả.
Bỗng nhiên, trong lúc đau thương nhất thì có một đoàn người xa lạ đến nhà tôi. Một ông cụ tóc lấm tấm bạc, vẻ ngoài toát ra sự uy nghiêm và khí thế của người có tiền bước vào. Ông cụ ấy nhìn hai cỗ quan tài giữa căn nhà trống huơ trống hoác một lượt, rồi lại nhìn tôi, nếp nhăn trên đôi mắt đục không giấu nổi một tiếng thở dài.
Ông ấy hỏi một câu:
– Đi cả rồi à?
Tôi chưa từng gặp người này bao giờ, nhưng không hiểu sao lại cứ có cảm giác kính nể và sợ hãi, giọng tôi vì khóc nhiều nên lạc đi:
– Ông… ông là ai thế ạ?
– Ăn lá ngón chết cả rồi phải không?
Nước mắt tôi chảy xuôi, cắn chặt môi gật gật đầu. Bố tôi trước đây rất hiền lành, nhưng đàn ông ở bản này uống rượu nhiều hơn ăn cơm, bố tôi dần dần cũng học theo những thói hư tật xấu đó, cuối cùng nghiện rượu đến nát rượu. Đầu óc bị rượu làm lũ lẫn nên thường xuyên đánh đập mẹ, và hôm qua có lẽ cũng do say rượu nên mới nấu lá ngón cho mẹ tôi ăn.
Ông cụ kia thấy tôi không trả lời mà chỉ khóc mới đi lại gần tôi, ngồi xổm xuống trước mặt. Giọng của ông rất nhẹ và rất ấm, chất giọng miền xuôi dễ nghe giống hệt giọng mẹ tôi:
– Ông là ông ngoại con. Ông lên đưa con với mẹ về nhà.
– Ông ngoại… ông ngoại ạ?
– Mẹ con không kể cho con nghe à?
Lần này tôi lắc đầu. Lúc còn nhỏ thì không nói, nhưng khi lớn lên tôi cũng lờ mờ cảm nhận được mẹ mình không giống như những cô gái trong bản khác. Mẹ đẹp, cử chỉ nhẹ nhàng, dù vất vả nhưng tay chân vẫn trắng và thon đẹp, mẹ cũng không hiểu tiếng bản địa lắm, thỉnh thoảng vẫn phải nhờ tôi phiên dịch lại. Và mẹ cũng chưa bao giờ kể cho tôi nghe về gia đình nhà ngoại tôi.
Tôi run run đáp:
– Tôi không biết. Mẹ… mẹ không… kể.
– Từ từ rồi con sẽ biết thôi. Nào, đứng dậy đi, ông đưa con đi.
– Đi đâu ạ?
– Về nhà thôi. Mẹ con không sinh ra ở đây, bây giờ chết cũng nên rời khỏi đây, về Hà Nội thôi.
– Không, tôi ở đây, tôi không đi đâu cả. Tôi không biết ông là ai, tôi không đi theo ông đâu.
Ông cụ thấy tôi chống cự thì khẽ thở dài, rút ra từ trong túi mấy tấm ảnh đưa cho tôi. Tôi khẽ liếc qua, thấy đó là tấm ảnh chụp của một gia đình giàu có, ngồi ở chính giữa là mẹ tôi lúc đang còn trẻ. Ông nói:
– Mẹ con lên đây mười mấy năm rồi nhỉ? Đến lúc phải về rồi.
Sau một hồi thuyết phục, cộng thêm cả mấy người họ hàng cũng xác nhận mẹ tôi là người ở miền xuôi chứ không phải người gốc trên này, giờ ông ngoại, cũng là bố đẻ của mẹ tôi muốn đưa di cốt của mẹ về Hà Nội, tôi cũng đành phải nghe theo.
Đợi chôn bố tôi xong xuôi, tôi lẽo đẽo khăn gói xuống Hà Nội theo ông ngoại, tôi định đợi chôn mẹ dưới đó xong sẽ quay lại nhà cũ, thế nhưng sau khi tổ chức tang lễ xong xuôi, ông ngoại tôi lại nói:
– Con năm nay mười tám tuổi rồi nhỉ?
Tôi gật đầu:
– Vâng.
– Học hết lớp 12 chưa?
– Con học chậm một năm… năm nay mới học lớp 11 ạ.
– Về trên đó định đi học kiểu gì?
– Đi học bình thường thôi ạ.
– Thế tiền nộp học phí thì sao? Đi học rồi lấy thời gian đâu đi kiếm cơm ăn?
– Con…
Tôi cũng chẳng biết sau khi bố mẹ mất thì mình kiếm đâu ra cơm để ăn, họ hàng đều nghèo, chẳng ai muốn cưu mang tôi. Nếu tôi quay lại bản thì ngôi nhà cũ chỉ còn một mình tôi sống, không còn ai gùi ngô đi cùng tôi qua con đường hoa dã quỳ, cũng không còn ai chờ tôi đi học về. Phải rồi, bây giờ chỉ còn một mình tôi trên cuộc đời này thôi…
Ông ngoại dường như hiểu được trong lòng tôi đang nghĩ gì nên vỗ vỗ vai tôi:
– Ở lại đây đi. Học dưới này tốt hơn ở trên đó, sau còn được đi học Đại học nữa.
– Học Đại học hả ông?
– Đúng rồi. Ở Hà Nội này có nhiều trường đại học lắm, con muốn học trường nào thì cứ đăng ký trường đó. Ở đây cũng không cần phải lo cơm ăn.
Hai chữ “Đại học” là ước mơ của những thiếu niên vùng cao như chúng tôi, với tôi thì hai chữ ấy rất xa vời, nhưng càng xa vời thì tôi lại càng ước ao được đặt chân đến cánh cổng Đại học đó.
Cuối cùng sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định ở lại Hà Nội, sống trong căn nhà khang trang rộng rãi ngay giữa mặt phố lớn của ông ngoại. Nơi này không giống ngôi nhà nhỏ liêu xiêu trên sườn núi của tôi, mọi thứ bên trong đều xa hoa và bóng loáng, lấp lánh đến nỗi những ngày đầu tôi đến còn không dám sờ vào bất kỳ thứ gì, thậm chí dù đi chân đất cũng phải rửa sạch lòng bàn chân mấy lần, lấy áo mình lau khô rồi mới dám đi vào.
Ông ngoại nói:
– Con cứ sinh hoạt bình thường là được. Nhà có người giúp việc, cần gì thì cứ bảo cô ấy nhé.
– Không, không cần đâu ạ.
– Từ giờ con sẽ sống ở đây, con cũng là máu mủ của nhà mình, là cháu ngoại của ông, nên không phải ngại gì cả. Đây là nhà của con, con nhớ chưa?
Tôi im lặng gật đầu, ông ngoại lại vẫy tay về hướng cầu thang, ở đó có một con bé trạc tuổi tôi đang đứng tựa lan can bấm điện thoại:
– Thúy, xuống đây xem nào.
Con bé kia phụng phịu đi xuống, khinh khỉnh liếc tôi một cái rồi quay sang ông ngoại:
– Sao thế hả ông?
– Tý nữa đưa chị Dương đi mua quần áo đi. Mua cả quần áo ở nhà với quần áo đi học, cả sách vở nữa.
– Sao con lại phải đưa nó đi, con không thích nó.
Ông ngoại kiên nhẫn giải thích:
– Chị Dương là con bác Thanh, là chị của con, con không được gọi bằng nó.
– Nhưng ông chẳng bảo nhà mình không có đứa con như bác Thanh còn gì. Sao giờ ông lại đón nó về? Nó là bọn dân tộc, nó biết bỏ bùa đấy.
– Con không được nói thế. Chị Dương không làm những việc đó, không được nói linh tinh.
– Con ghét nó, con ghét loại dân tộc như nó. Ở đây không ai chào đón nó đến cả, nó là đồ nghèo kiết xác, có bố là loại bỏ bùa.
– Im ngay.
Ông ngoại đột nhiên nổi nóng, đập bàn rầm một tiếng, Thúy lập tức im re, nhăn nhó ngoảnh đầu nhìn đi chỗ khác. Ông ngoại nói:
– Con Dương là ruột thịt nhà này, là cháu của bố mày, mày muốn hay không muốn cũng phải gọi Dương bằng chị, nghe rõ chưa?
– Gọi thì gọi, sao ông phải quát con thế nhỉ?
– Cầm tiền rồi dẫn chị ra đi mua đồ đạc đi. Mày mà bắt nạt chị thì mày liệu cái chân đấy.
– Con biết rồi.
Sau đó, ông ngoại đưa cho Thúy một xấp tiền dày để dẫn tôi đi mua quần áo. Thật ra tôi không muốn đi, nhưng nghĩ quần áo đi học đã để hết ở nhà cũ, vả lại mấy bộ đồ tôi đang mặc hình như hơi khác biệt với người dưới này thì phải, cho nên đành lẽo đẽo theo Thúy đi mua đồ.
Khi đó tôi không biết gì, chỉ biết Thúy dẫn tôi ra một khu chợ đông đúc, nó hất hàm bảo:
– Đấy, quần áo đấy, mày thích chọn cái nào thì chọn đi.
Chợ phiên chỗ tôi không nhiều quần áo như thế nên tôi thích lắm, cứ ngắm nghía chọn mãi, cuối cùng chọn được hai bộ quần áo ngủ và hai bộ quần áo đi học, đến khi tính tiền thì hết tổng hơn sáu trăm nghìn.
Tôi tiếc tiền đứt ruột nên khẽ nói với Thúy:
– Không trả giá à? Đắt lắm, tận sáu trăm nghìn đấy.
– Mày thấy tao giống người thích trả giá lắm à?
– À… không…
– Đúng là cái đồ dân tộc. Mà nghe nói làng mày biết bỏ bùa đúng không?
Trước tôi cũng nghe nói làng tôi rất nhiều người biết làm bùa và làm ngải, nhưng đó là những người già thôi, chứ tôi thì không biết. Tôi lắc đầu:
– Tôi không biết.
– Thôi mày đừng giả vờ, bố mày ngày xưa bỏ bùa nên mẹ mày mới theo tận lên rừng rú đó. Chứ không chả tội gì gái Hà Nội phải theo một thằng dân tộc lên núi ở cả.
– Sao lại nói thế? Mẹ tôi thương bố nên mới lấy bố tôi.
– Úi giời, bố mày thi có gì để mẹ mày yêu? Mẹ mày là gái Hà Nội nhé, nhà giàu, đẹp gái, bố mày chỉ là một thằng dân tộc chả có nghề nghiệp gì, mày nghĩ khôn như người miền xuôi mà thèm lấy thằng dân tộc chắc. Vì bố mày bỏ bùa mẹ mày nên mẹ mày mới đi theo. Ông bà cản không được nên mới tuyên bố không có đứa con như mẹ mày đấy. Mày cũng chỉ là cái loại tạp chủng ông nội thương tình đón về thôi.
– Im đi.
– Ô, nổi nóng cơ à? Tao nói đúng chứ tao nói sai gì. Mày định đánh tao chắc?
Tất nhiên là khi đó tôi không dám đánh Thúy, nó là con của cậu tôi, ông bà ngoại chỉ sinh được hai người con là mẹ và cậu Dũng. Mẹ tôi chỉ sinh được tôi, mà cậu Dũng lại chỉ sinh được mỗi mình Thúy. Nói cách khác, nó là đứa em họ duy nhất của tôi, ông ngoại bảo tôi là chị nó, cho nên tôi đành nhịn không chấp nó.
Trong những ngày tháng đầu tiên ở Hà Nội, trừ ông ngoại ra thì tất cả mọi người trong nhà đều không thích tôi. Ban đầu ai cũng dè chừng vì sợ tôi biết làm bùa ngải, nhưng dần dần bọn họ thấy tôi bị bắt nạt nhiều mà cũng không dám nói gì, cho nên càng lúc càng quá đáng, hùa nhau ức hiếp tôi.
Ông ngoại bình thường bận rộn nên vắng nhà suốt, mỗi lần ông vắng nhà là mợ sẽ không cho tôi ăn cơm. Nhưng khi ông ở nhà thì lại trái ngược hoàn toàn, cậu mợ tỏ vẻ sốt sắng, quan tâm tôi còn hơn chiều con gái. Mỗi lần như vậy tôi chỉ cảm thấy buồn nôn.
Tôi biết, kể từ khi tôi xuất hiện, quyền thừa kế tài sản lại bị chia thêm một phần nữa nên cậu và mợ mới ghét tôi. Nhưng ghét thì ghét trong lòng thế, ngoài mặt lại vì sợ và muốn lấy lòng ông nên không ai dám nói ra khỏi miệng, chỉ có thể lựa lúc ông vắng nhà để trút giận lên tôi.
Tôi bị bắt nạt là thế nhưng lại không hé răng kể tội bọn họ một lời, tôi hiểu mình chỉ là đứa cháu mà không ai muốn thừa nhận, là loại “tạp chủng” như lời Thúy nói, vả lại, tôi cũng không muốn tranh giành khối tài sản khổng lồ của ông ngoại, cho nên tôi lựa chọn im lặng để tất cả đều bình yên.
Tôi cứ như thế mà lớn lên, học hết cấp ba ở Hà Nội rồi lại đăng ký thi Đại học. Tôi đậu trường Báo Chí, Thúy trượt trường Ngoại thương, ông ngoại khen tôi nức nở, Thúy đứng bên cạnh phụng phịu lườm nguýt.
Gia đình cậu mợ lại càng ghét tôi thêm một chút!!!
Từ lúc trở thành sinh viên, tôi đăng ký đi làm thêm việc này việc nọ để khỏi phải ở nhà nghe cậu mợ ca thán, ông ngoại nhiều lần bảo tôi “không cần phải đi làm gì cho vất vả, thiếu tiền thì ông cho”, nhưng thực ra tôi không thiếu tiền mà tôi cần tự do, tôi không muốn khi ông vắng nhà thì mình phải nhịn cơm hoặc ăn cơm chó, cho nên chỉ nhẹ nhàng cười:
– Con lớn rồi, con đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm, sau ra trường đỡ bỡ ngỡ chứ.
– Sinh viên đi làm thêm hay bị lừa lắm, không lừa cũng bị bóc lột sức lao động. Ông cho con thiếu tiền phải không? Tý nữa ông cho thêm.
– Không, không. Tiền ông cho con vẫn còn nhiều lắm. Con thích đi làm thêm thôi, không phải con thiếu tiền. Nếu con bị lừa con sẽ về mách ông, ông đừng lo.
Ông ngoại nghe thấy thế cũng cười, giơ tay vuốt tóc tôi:
– Cái con bé này, đúng là giống hệt mẹ mày, thích gì là không ai cản được.
Hôm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi dám hỏi ông về mẹ tôi, tôi bảo:
– Ông ơi, ngày xưa mẹ con cãi lời ông, ông buồn lắm phải không?
Ông thở hắt ra một hơi, trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ rất lâu mới đáp lời:
– Không ngăn được. Có mỗi một đứa con gái, học giỏi, đánh đàn piano hay, biết múa biết hát, thế mà nó lại thích lên Tây Bắc, ở trên đó rồi không về nữa.
Lúc ấy thì tôi đã hiểu tại sao thỉnh thoảng lại thấy mẹ ôm một tấm ảnh rồi khóc, hiểu tại sao mẹ chưa bao giờ kể về ông bà ngoại cho tôi nghe. Một cô gái nhà giàu đầy tương lai, lại đi theo một người đàn ông không nghề nghiệp lên tận Tây Bắc, ở một nơi sóng điện thoại chập chờn, nhà gỗ xiêu xiêu vẹo vẹo, ngay cả cái tivi cũng cũ mèm.
Đó là tình yêu hay là đúng mẹ tôi bị bỏ bùa, tôi cũng không biết nữa. Nhưng thông qua ánh mắt của ông ngoại khi ấy, tôi biết ông rất buồn. Có lẽ nửa quãng đời của ông đã rất đau lòng vì chuyện của mẹ rồi, cho nên kể từ lúc đó tôi đã tự hứa với mình rằng: nhất định cả đời về sau sẽ báo đáp ông thật tốt, không để ông muộn phiền vì bất cứ chuyện gì của tôi…
Chớp mắt cái lại thêm bốn năm trôi qua, tôi tốt nghiệp loại giỏi ra trường và được nhận thẳng vào một tòa soạn lớn ở ngay Hà Nội. Tôi bắt đầu mang máy ảnh đi khắp nơi, quay lại vùng Tây Bắc thăm lại nhà cũ, viếng mộ bố tôi, viết một bài ký sự về trẻ em vùng cao, tôi đi khắp nơi mọi chốn để viết báo, thỏa đam mê tự do phiêu bạt của mình.
Cho đến một ngày, sau khi cả nhà ăn cơm xong thì ông ngoại nói:
– Ngày kia có khách đến nhà ăn cơm đấy. Chuẩn bị mấy món ngon ngon đãi người ta.
Cậu tôi ngồi bên cạnh tiện miệng nói:
– Khách nào thế hả bố?
– Nhà vợ chồng thằng Tùng.
– À, cái nhà mà ngày xưa từ Nam Định ra đây bị móc hết tiền, bố cưu mang ấy hả?
– Mày vẫn còn nhớ à?
– Con nhớ chứ. Vợ chồng nhà ông ấy ngày xưa ở nhà mình gần một năm còn gì. Không có bố chắc cả hai ông bà ấy chết đói ở đầu đường xó chợ nào rồi ấy chứ. Làm gì còn sống đến bây giờ. Bố còn cho cả tiền vốn để làm ăn mà. Không biết giờ vợ chồng nhà ấy thế nào rồi.
– Nhà đó có đứa con trai hơn bọn con Dương với con Thúy mấy tuổi ấy. Để bảo cả nó đến ăn cơm xem hai đứa có đứa nào ưng không. Lấy chồng cả đi thôi, hai lăm hai sáu tuổi rồi.
Thúy đang nhồm nhoàm nhai táo, vẫn tranh thủ bĩu môi:
– Con nhớ cái thằng ấy rồi, cái thằng mà béo như con lợn chứ gì. Nhà lại nghèo kiết xác. Con thèm vào mà lấy nó.
Ông ngoại nhìn cô ta vài giây rồi quay sang nhìn tôi, bảo:
– Dương thì sao con.
– Con chưa muốn lấy chồng đâu, con mới hai sáu tuổi thôi mà, ông đừng mang gả con đi sớm thế. Con vẫn còn muốn ở với ông.
– Năm nay hai sáu tuổi rồi, còn ở với ông gì nữa. Có người nào hiền lành tử tế thì tìm hiểu rồi cưới đi. Để ông còn được nhìn mặt chắt nữa.
– Không mà. Con ở với ông thôi.
– Ông bảo phải nghe lời. Chủ nhật tuần này nhà người ta đến nhà mình ăn cơm đấy. Mai rỗi thì Thúy dẫn con đi làm tóc làm tai đi, trang điểm cho đẹp vào còn gặp người ta.
Thúy nghe xong thì bĩu môi, nhưng không dám cãi ông mà im lặng không nói. Tôi cũng không muốn cãi ông, ông già rồi, nếu đã muốn thế thì tôi cũng chiều theo ý ông cho ông vui lòng.
Tôi cười đáp:
– Vâng, con biết rồi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!