Miễn Cưỡng Kết Hôn - Phần 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4836


Miễn Cưỡng Kết Hôn


Phần 12


Sau khi về đến Hà Nội, tôi biết Duy mệt nên sáng hôm sau cố ý ngủ dậy thật sớm để nấu cho anh ta một nồi cháo nóng. Thực ra cũng không có mục đích gì cả, chỉ là nghĩ dù sao cũng là “bạn cùng nhà” nên muốn đối xử với anh ta tốt một chút mà thôi.
Khi tôi vừa nấu xong thì Duy cũng từ phòng ngủ đi ra, có lẽ lần đầu tiên thấy tôi nấu nướng nên anh ta hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không nói gì mà chỉ vòng đến tủ lạnh lấy nước.
Tôi biết cái kiểu người lì lì này sẽ không bao giờ chịu hỏi mình trước nên đành tự mở miệng:
– Tôi nấu cháo này, nhiều lắm, anh ăn một bát nhé?
– Cháo gì thế?
– Cháo gà với hành hoa.
Duy nhìn tôi rồi lại nhìn nồi cháo, chẳng biết suy nghĩ gì mà ít lâu sau mới khẽ nói một tiếng:
– Ừ, cũng được.
– Anh cứ ngồi đấy đợi tý, tôi múc ra rồi ăn luôn cho nóng. Cháo phải ăn nóng mới ngon.
– Ừ.
Tôi múc ra hai tô cháo nóng nghi ngút đặt lên bàn, tô của tôi thì bình thường, còn tô của Duy thì tôi cho thêm thật nhiều hành hoa để giải cảm. Ngày xưa bố tôi say rượu suốt, nhà chẳng có tiền mua thịt nhưng sáng nào mẹ cũng nấu một bát cháo trắng hành hoa cho bố, mẹ bảo hành hoa uống rượu xong ăn cháo hành sẽ đỡ mệt hơn, cho nên bây giờ tôi cũng học theo.
Tôi đẩy bát cháo dày đặc hành hoa về phía Duy, bảo anh ta:
– Ở Huế vẫn chưa xong festival, anh có phải quay lại nữa không?
– Không. Công việc ở đó xong rồi.
– Tôi thấy gian quảng cáo game của anh ở trong đó là đông nhất đấy. Hôm bữa có chụp vài tấm để về viết báo, lát nữa tôi gửi anh xem có được không nhé?
– Sao tự nhiên lại viết báo về Game Nguyệt Long Kích?
– Thì game đang hot mà, tôi học theo anh, muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Khi tôi nói xong câu này thì Duy đột nhiên ngừng động tác khuấy cháo, ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt thấp thoáng một ý cười. Anh ta bảo:
– Ừ, cũng được. Tý nữa tôi đi làm, cứ gửi mail để rảnh tôi xem.
– Ừ, anh đọc mail cho tôi đi.
– Mail của tôi là….
Tôi đang tập trung nghe để lát còn nhớ để gửi mail cho Duy, nhưng nói đến đó thì đột nhiên anh ta ngừng lại, vài giây sau mới chậm rãi nói tiếp:
– Mail của công ty ở trên trang chủ, cô lên đó copy cho dễ.
[email protected] hả?
– Ừ.
– Tôi biết rồi.
– Ăn đi.
Ăn uống xong xuôi cũng đã gần chín giờ sáng, Duy đến công ty, còn tôi thì không cần phải đến tòa soạn nên ngồi ở nhà mở camera ra xem lại ảnh chụp ở Festival. Đang ngắm nghía mấy tấm hình chụp gian triển lãm Nguyệt Long Kích thì đột nhiên thấy Huệ nhắn tin đến, cô ta bảo:
– Chị ơi, hôm nay chị có rỗi không? Em mời chị đi ăn được không?
Chẳng biết sao tự nhiên diễn viên nổi tiếng lại mời phóng viên quèn đi ăn kiểu này, nhưng tôi cũng không có hứng giao du với người của công chúng như vậy lắm, cho nên dù rỗi nhưng vẫn bảo:
– Hôm nay tôi bận, chắc là khó đi được rồi. Để hôm nào rỗi thì đi ăn nhé.
– Dạo này công việc bận hả chị?
– Ừ, vừa mới đi vào Huế về nên hơi bận, phải viết bài về festival mà.
– À, em nghe nói anh Duy cũng vào đó. Hai người đi với nhau ạ?
– Không, công ty ông ấy có triển lãm game trong đó, còn tôi vào chỉ để kiếm tin viết báo thôi.
– À vâng, em biết rồi. Thấy anh Duy bảo vào Huế nên em tưởng hai anh chị đi cùng.
Ngón tay tôi định soạn chữ “Hai người làm lành rồi à?”, nhưng khi chuẩn bị gửi thì lại xóa đi. Huệ nói câu này có nghĩa là Duy và cô ấy vẫn còn liên lạc với nhau, nhưng cái câu “em tưởng hai anh chị đi cùng” thì lại như dò hỏi tôi với anh ta vào đó có gì mờ ám không.
Tất nhiên là chẳng có gì mờ ám cả, thế nên tôi bảo cô ta:
– Ừ, không đâu, cái nghề phóng viên của tôi chạy đi khắp mọi nơi ấy mà, đi cùng người khác vướng chân vướng tay lắm.
– Vâng. Hôm nay em mới xin được cái vé phóng viên sự kiện Thảm đỏ VTV awards, định mời chị đi ăn cơm để đưa cho chị.
– Huệ đừng giúp tôi thế, tôi ngại đấy.
– Ngại gì mà ngại, cái này em xin được mà, không mất tiền gì cả. Thỉnh thoảng chị cứ nói tin tức của anh Duy cho em là em cảm ơn lắm rồi.
Tôi cũng chẳng biết phải trả lời ra sao, bởi vì dù làm phóng viên nhưng tôi lại không hứng thú gì với cái trò cung cấp tin tức kiểu này, hơn nữa đối tượng còn là “chồng tôi” và người yêu cũ, cảm giác cứ kỳ kỳ làm sao ấy.
Nhưng nghĩ dù sao Huệ cũng đã mất công xin vé phóng viên cho tôi rồi, vả lại sự kiện này tôi cũng muốn tham gia để có bài viết báo, thế là đắn đo mãi cũng đành nhắn lại:
– Cảm ơn Huệ, nhưng tôi chỉ nhận một lần này thôi nhé. Tôi đi đường tắt không quen, cứ để tôi tự bơi thôi. Với cả tôi với Duy không hay gặp nhau mấy, nên tin tức của anh ấy tôi cũng biết ít lắm.
– Không sao. Chị biết gì thì nói nấy, với cả dù không có tin gì thì em vẫn muốn làm bạn với chị. Em thích chị mà.
– ^^, cảm ơn!
Sau đó chúng tôi không nhắn tin nữa, tôi cũng tắt chuông điện thoại rồi vứt sang một bên để yên tĩnh viết bài. Cả một ngày hôm đó tôi ngồi lì ở nhà ôm máy tính, đến chiều tối nhớ ông ngoại quá nên lại xách xe phóng về bên đó ăn cơm.
Ông ngoại mới có một tuần không gặp tôi đã nhớ, vừa thấy tiếng xe máy ngoài đầu cổng đã vội vội vàng vàng chạy ra, vừa mở cửa vừa cười tươi như hoa:
– Cái con bé này, đi đâu mà một tuần rồi mới thấy mặt? Thằng Duy đâu, không sang cùng con à?
– Anh ấy bận lắm, hôm nay chỉ có con sang với ông thôi. À mà anh Duy đi Huế về nên gửi cho ông một ít mè xửng giòn với sữa nữa này.
– Sao mới mua cả đống thuốc bổ rồi mà lại còn mua nữa. Mấy cái đứa này, chỉ được cái tốn tiền thôi. Để dành tiền còn chuẩn bị mua sắm đồ cho con chúng mày nữa chứ.
– Chưa có mà, để dành từ giờ sớm quá ông ạ. Mà vào nhà đi thôi ông, ngoài này sương xuống rồi.
Giờ này tôi đến thì vợ chồng cậu Dũng cũng đang ở nhà cả, mỗi Thúy là đang ở Huế nên không có ở đây thôi. Mợ Hiên vừa thấy tôi bước vào đã đon đả đứng dậy:
– Dương đến đấy à? Sao mới có mấy ngày mà nhìn gầy thế hả con? Hay là ốm nghén?
Tôi nghĩ nếu Thúy biết chuyện giữa tôi với Duy thì mợ Hiên cũng sẽ biết, nhưng bà ấy vẫn cố tình hỏi vậy chắc hẳn là để thăm dò xem thái độ tôi thế nào. Tôi vẫn tỏ ra bình thường đáp:
– Chưa ạ.
– Thế thì phải cố lên, nhanh nhanh lên mà chửa đẻ đi. Chồng thì đẹp trai ngời ngời như thế, không có con cái ràng buộc vào là dễ mất như chơi đấy. Cứ đẻ được đứa con mới yên tâm được.
– Cháu vào bếp xem cơm thế nào đây.
Trong lúc ăn cơm, vợ chồng cậu Dũng lại nhắc khéo đến chuyện chia cổ phần. Lần này không có Duy đến cùng, Thúy cũng không có nhà nên ông cũng không phải giữ kẽ nữa, nói thẳng luôn:
– Bố định chia cho con 27%, cái Dương 27%.
Sắc mặt của cậu Dũng và mợ Hiên ngay lập tức tối sầm lại, dù không dám thẳng thừng phản đối nhưng cũng không chịu ngồi yên chấp nhận mọi chuyện như vậy. Cậu Dũng bảo ông:
– Bố ạ, cái Dương không học kinh doanh, mà cũng không làm kinh doanh. Bố giao chừng ấy cổ phần cho Dương liệu có được không?
– Tôi có hai đứa con, cổ phần của tôi chia đều cho cả hai. Anh một nửa, chị gái anh một nửa. Giờ chị anh không còn thì con gái của chị anh thừa kế số cổ phần đó.
– Con biết, không phải là con không muốn chia cho Dương, nhưng mà cháu nó chỉ nên giữ một ít thôi, nhỡ cầm nhiều rồi bị ai lừa mất thì nguy hiểm lắm bố ạ. 27% cổ phần là có thể tham gia họp cổ đông, tham gia biểu quyết những nghị quyết quan trọng của công ty, còn nhiều thứ khác nữa.
Mợ Hiên cũng nói cùng chồng:
– Đúng đấy bố ạ. Với cả bao nhiêu lâu nay anh Dũng cũng cống hiến cho công ty, làm được nhiều việc cho bố. Bố chia công bằng cho cả chồng con và chị Thanh thì con không ý kiến, nhưng bố cũng nên nghĩ đến những đóng góp của chồng con chứ ạ? Với cả chồng cái Dương cũng có công ty riêng, tài sản cũng nhiều, nhà mình thì con không có công ăn việc làm gì, với cả còn cái Thúy rồi con trai trong bụng con nữa. Dù gì nó cũng là cháu đích tôn của nhà mình, là cháu của bố, bố ạ.
– Cổ phần tôi cho anh chị 27%, nhà cửa đất đai, bất động sản của tôi cũng cho hai đứa con của anh chị hết, từng ấy tài sản tính ra tiền cũng không ít đâu. Cái Dương chỉ được 27% cổ phần với một cái nhà ở Linh Đàm, anh chị thấy thế vẫn còn chưa công bằng à?
– Nhưng mà liệu cái Dương có biết quản lý cổ phần hợp lý không hả bố? Nếu lỡ như bố mất đi, rồi cháu nó bị ai xúi giục, bán hết cổ phần cho người ngoài thì sao bố?
– Chuyện đó anh chị không phải lo. Bây giờ không phải chỉ có mình con Dương như trước nữa.
Ông ngoại không nói thẳng ra tên Duy nhưng tôi nghĩ chắc cậu Dũng với mợ Hiên cũng thừa hiểu. Ai thì tôi không biết, nhưng riêng Duy thì kinh doanh giỏi khỏi phải nói, đừng nói là giữ giúp 27% cổ phần cho tôi, muốn có thêm 27% nữa có khi anh ta cũng làm được.
Mợ Hiên xị mặt, lẩm bẩm bảo:
– Con rể thì cũng là người ngoài thôi bố ạ.
– Tôi thấy người ngoài nhiều khi còn tốt hơn người nhà đấy.
Lần này thì cả hai vợ chồng cậu Dũng đều im bặt, không đáp thêm câu gì mà chỉ cúi gằm mặt ăn cơm, mợ Hiên thỉnh thoảng còn liếc lên lườm tôi, tỏ ý cảnh cáo.
Tôi không quan tâm đến bọn họ, cũng chẳng quan tâm tới cổ phần, ông cho tôi 27% thì tôi cũng chỉ giữ vậy thôi, phát triển số cổ phần đó ra sao thì có lẽ phải nhờ đến Duy.
Tối hôm đó, tôi vừa về đến nhà đã nhận được tin nhắn messenger của mợ Hiên, bà ta thẳng thừng đe dọa:
– Nếu mày không từ chối cổ phần ông cho, đừng trách tao nói chuyện mày với thằng Duy cho ông nghe.
– Bà muốn làm gì là việc của bà, không liên quan đến tôi.
– Tao thấy ông tâm huyết với đám cưới mày lắm đấy. Để xem khi ông biết hai đứa chúng mày lừa ông thì ông sẽ thế nào nhé.
Bà ta chỉ nói đến đó, nhưng tôi hiểu vế sau mợ Hiên còn muốn đe dọa tôi về bệnh cao huyết áp của ông. Tôi cũng sợ chuyện của mình lộ ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, nhưng ngược lại, tôi cũng không muốn vì chuyện này mà thỏa hiệp việc chia cổ phần, cho nên tôi chỉ nói đúng một câu:
– Tôi đảm bảo nếu bà dám làm thế thì đừng hòng được sống yên ổn.
Mợ Hiên không nhắn lại nữa, chỉ âm thầm gỡ hết tất cả những tin nhắn kia đi. Tôi biết bà ấy bụng dạ rắn rết, dám dọa nhưng lại không có gan để người khác phát hiện nên cũng chẳng buồn nói gì nữa, gác lại tất cả qua một bên, nhắm mắt ngủ.
Mấy hôm sau Duy về, mang theo cả một va ly quần áo cho tôi giặt. Nhìn đống áo sơ mi và quần âu được gấp gọn gàng trong va ly rồi lại nghĩ đến chuyện phải giặt tay tận chừng ấy đồ, tôi ngán ngẩm bảo:
– Quần áo này anh gom một tháng rồi à?
– Mới một tuần thôi.
– Nhiều thế này tôi giặt máy được không?
Anh ta không cần nghĩ dù chỉ nửa giây mà ngay lập tức trả lời:
– Không.
– Thế tôi mang ra tiệm giặt là bảo người ta giặt giúp nhé? Ở đó họ cũng giặt sạch lắm, thỉnh thoảng tôi cũng toàn mang chăn ra nhờ họ giặt.
– Không.
Tôi biết có thương lượng thêm cũng vô ích cho nên đành tiu nghỉu ôm đồ mang đi giặt. Đi được mấy bước, tự nhiên nhớ đến chuyện cổ phần nên tôi ngoái đầu lại bảo:
– À, ông nói muốn chia cho tôi 27% cổ phần công ty ông. Anh có ý kiến gì không?
– Không.
– Vì không biết lúc nào ly hôn nên tôi định để tên riêng mình tôi, anh thấy sao?
– Cổ phần là của cô, cô muốn làm gì thì tùy.
– Nhưng mà tôi có một yêu cầu nhỏ.
– …
– Tôi không biết kinh doanh, cũng chẳng biết cổ phần cổ tức gì cả, anh dạy tôi được không? Nếu tôi ngu quá không thể học nổi thì anh giúp tôi quản lý luôn cũng được.
Duy hơi nhíu mày nhìn tôi, tôi không rõ ánh mắt của anh ta mang ý nghĩa gì nhưng tôi có thể cảm nhận được một chút dò xét ẩn sâu trong đó. Duy bảo:
– Cô biết 27% cổ phần của một công ty tầm trung như thế nếu đổi ra tiền thì bằng bao nhiêu không?
– Tôi cũng không rõ giá cổ phiếu bây giờ là bao nhiêu, nhưng hình như cũng nhiều.
– Giao cho tôi từng ấy cổ phần, cô tin tưởng tôi thế à?
– Tất nhiên. Anh là chồng tôi mà.
Tôi nói câu đó một cách tỉnh bơ, còn người đàn ông đối diện tôi nghe xong thì ánh mắt bỗng nhiên xẹt qua một tia sửng sốt. Thực ra tôi chỉ nghĩ anh ta trên danh nghĩa vẫn là chồng tôi, có người chồng giỏi thế thì tôi mất công thuê luật sư làm gì cho tốn tiền, giao cho chồng mình tất nhiên là yên tâm giao cho người ngoài chứ.
Nhưng mà thấy Duy cứ chằm chằm nhìn mình như thế, tôi lại sợ anh ta lại hiểu lầm tôi muốn mối quan hệ vợ chồng này thật nên đành giải thích:
– Ông tôi bảo anh là chồng tôi, tôi không biết kinh doanh thì giao cho anh quản lý.
– Ừ.
– Nếu anh đồng ý thì nói cho tôi biết nhé. Tôi cũng không rõ bao giờ thì ông sang tên cổ phần, nhưng cứ nói trước với anh như thế.
– Gửi tài liệu công ty qua cho mail cho tôi.
Tôi không nghĩ là anh ta đồng ý nhanh thế nên mất mấy giây ngây ra, mãi sau mới sung sướng gật đầu lia lịa:
– Tôi biết rồi. Đợi tôi đi giặt đồ xong rồi tôi gửi qua cho anh ngay. Yên tâm, tôi giặt tay sạch lắm, phơi khô xong là mai có quần áo sạch cho anh mặc ngay.
– Áo sơ mi, quần, tất cả phải là thẳng.
– Được luôn, giặt xong, phơi khô xong, tôi là luôn rồi gấp gọn lại cho anh.
Duy không trả lời nữa mà chỉ cúi đầu xem điện thoại, tôi thì miệng cười toe toét ôm quần áo anh ta đi giặt. Mấy hôm nay trong lòng tôi cứ canh cánh việc này mãi, giờ quẳng được gánh nặng đó cho Duy thì thấy nhẹ đầu hẳn.
Lần đầu tiên tôi thấy lấy được lão chồng dễ nhờ vả những chuyện quan trọng thế này cũng tốt đấy chứ, ít ra thì thứ mà bản thân tôi không thể làm được nhất đã có anh ta giúp tôi. Nếu như Duy có thể giúp tôi giữ nó mãi mãi thì tốt biết mấy.
Nghĩ đến hai chữ “Mãi mãi”, bỗng nhiên tôi lại thấy giật mình… Sớm muộn gì chúng tôi cũng li dị, tại sao tôi lại muốn anh ta giữ cho tôi mãi mãi? Chẳng lẽ trong thâm tôi bây giờ thực sự đã chấp nhận mối quan hệ này và không muốn chia tay?
Chắc là không phải đâu, làm sao mà tôi muốn ở bên anh ta cả đời được? Mà dù tôi có muốn như vậy thì chắc gì Duy đã chịu ở bên tôi hết một đời. Tôi đã nghĩ quá nhiều rồi…
Một tuần sau, ông ngoại gọi vợ chồng tôi đến ăn cơm để bàn đến chuyện chia cổ phần. Trong lúc chờ cậu Dũng đi làm về thì tôi lên phòng cũ tưới mấy chậu xương rồng, từ hồi lấy chồng đến giờ bỏ bẵng nó ngoài ban công, đến giờ mới thấy nó sắp khô héo hết cả rồi.
Đang loay hoay tưới thì bỗng nhiên Thúy lù lù xuất hiện sau lưng tôi, cô ta cau có bảo:
– Ê con kia, cái áo màu xanh của mày sao lại vứt ở phòng mẹ tao thế?
– Áo nào?
– Cái áo màu xanh cũ cũ bẩn bẩn của mày chứ còn áo nào nữa. Mày không sang lấ là tao ném cho chó nằm đấy.
Tôi lục đục nhớ lại xem cái áo màu xanh nào, đến khi nhìn cửa tủ trong phòng bị mở ra, tôi mới chợt nhớ ra đó là cái áo màu xanh mà Thúy nói có lẽ là chiếc áo của mẹ tôi, là kỷ niệm duy nhất về mẹ mà đến bây giờ tôi vẫn còn giữ.
Tôi lập tức quay sang trừng mắt nhìn cô ta:
– Cô tự tiện lấy đồ của tôi phải không? Ai cho cô tự tiện vào phòng lấy đồ của tôi?
– Tao thèm vào mà lấy đồ của mày. Đừng có mà gắp lửa bỏ tay người. Mày vứt lung tung thì có.
Nói rồi, Thúy khinh khỉnh quay lưng về phòng, tôi thì sợ mẹ con cô ta vứt áo của mẹ tôi thật nên vội vã chạy sang phòng mợ Hiên đòi lại đồ.
Lúc sang đến nơi mới thấy bà ta đang đứng soi gương trong phòng, chân dẫm lên áo của mẹ tôi như đang giẫm lên một chiếc giẻ lau. Nhìn thấy kỷ vật của mẹ bị đối xử như vậy, máu nóng tôi dồn lên não, không nhịn được quát ầm lên:
– Bà làm cái gì đấy?
Mợ Hiên quay lại nhìn tôi, lúc này bụng bà ta đã tám tháng nên to lắm rồi, xoay người cũng chậm chạp nặng nề:
– Mày vào đây làm gì hả con kia? Ai cho mày vào đây?
– Tôi hỏi bà làm gì áo của mẹ tôi?
– Ô thế cái này là áo của mẹ mày à? Tao tưởng giẻ chứ? Mà cái này làm giẻ cũng được chứ giữ làm gì? Bẩn bẩn rách rách thế này còn chẳng bằng cái khăn lau chân của tao.
Vừa nói, bà ta còn cố tình lấy chân di di áo của mẹ xuống sàn nhà, tôi điên quá nên nghiến răng nghiến lợi bảo:
– Bà bỏ ngay chân ra không thì đừng trách tôi.
– Tao không bỏ đấy, mày làm gì tao nào. Có giỏi thì đánh tao đi. Mẹ mày cũng chỉ là cái thứ đĩ thõa, mới nứt mắt ra đã theo trai lên tận Tây Bắc chứ có cái quái gì đâu mà mỗi cái áo cũng phải tôn thờ thế? Cả bố mày nữa, loại dân tộc mới đẻ ra cái con mọi rợ như mày.
– Câm đi.
– Tao không câm, con tạp chủng, bố mẹ mày ăn lá ngón chết sao mày không ăn cùng rồi chết luôn đi. Loại như mày thì chôn luôn ở Tây Bắc chứ về Hà Nội làm gì.
Đến nước này thì tôi hết chịu nổi, điên tiết xông lại đẩy bà ta ra rồi nhặt áo mẹ tôi lên. Lúc ấy mặc dù tức nhưng tôi vẫn ý thức được rằng dù sao đứa bé trong bụng mợ Hiên vẫn là em tôi, máu mủ ruột thịt của gia đình tôi, cho nên lúc đẩy tôi vẫn cố gắng đẩy rất nhẹ. Với lực đẩy đó thì cũng chỉ lùi lại vài bước là cùng, thế nhưng phản ứng của mợ Hiên thì lại thái quá hơn rất nhiều.
Bà ta bình thường thì hùng hùng hổ hổ như hùm, bây giờ đột nhiên lại như tờ giấy, lảo đảo lùi về phía sau rồi ngã đập vào bàn trang điểm ngay gần đó, tiếp theo đổ ầm một tiếng xuống sàn.
Tôi nghe bà ta hét lên:
– Ôi nó giết con tôi rồi. Anh Dũng ơi, con Dương nó giết con mình rồi. Con ơi!!!

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (16 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN