Miễn Cưỡng Kết Hôn - Phần 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4313


Miễn Cưỡng Kết Hôn


Phần 6


Tôi tưởng mình nghe nhầm nên nhất thời cứ đứng ngây ra, mãi đến khi bóng anh ta đi khuất hẳn mới giật mình nhận ra hình như vừa rồi Duy vừa đồng ý lấy tôi thì phải.
Mẹ ơi, đồng ý cưới vợ nhanh thế à? Hay là anh ta đang đùa tôi?
Vì không dám hỏi lại nên đêm đó tôi cứ thao thức mãi, một phần là vì phân vân lời nói của Duy là thật hay giả, một phần là vì hoang mang không biết quyết định quá vội vàng này của mình là đúng hay sai.
Nhưng dù đúng hay sai thì tôi cũng không còn cơ hội quay đầu lại được nữa, bởi vì ngay ngày hôm sau cô Thu chú Tùng đến đã bàn đến chuyện cưới xin của bọn tôi rồi.
Cô Thu bảo:
– Thế Dương thích cưới tháng này hay tháng sau để cô chú còn biết đường xem ngày. Cô thấy tháng này là đẹp nhất đấy, chưa lạnh lắm, mặc váy cưới không sợ bị lạnh.
Dù đã chuẩn bị tinh thần rồi nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh làm tôi vẫn hơi ngạc nhiên, mà ông ngoại cũng vậy. Ông tôi khó tin hỏi lại:
– Cưới tháng sau là sao? Hai đứa chúng nó đồng ý rồi hả?
– Vâng. Hai đứa chúng nó đồng ý cưới rồi. Chú gả cái Dương cho thằng Duy chú nhé.
Ông ngoại nghe xong liền quay sang nhìn tôi, trong ánh mắt không giấu nổi vẻ mong đợi và vui mừng:
– Thật không Dương? Hai đứa nói chuyện rồi à?
– À… vâng. Bọn con… bọn con thống nhất rồi ạ.
– Thế thì tốt rồi, cưới luôn tháng này đi Tùng nhỉ?
Chú Tùng cũng gật gù đồng tình:
– Vâng, cháu thấy cưới tháng này là hợp lý nhất. Đi chụp ảnh cưới một ngày, cỗ bàn thì đặt nhà hàng là xong, quan trọng là xem ngày nào đẹp đẹp thì ăn hỏi, nạp tài rồi cưới.
– Ừ, chú quen ông thầy xem ngày được lắm. Để tý chú thử gọi điện xem ngày nào. Cuối tháng này là ổn nhất đấy nhỉ?
– Vâng, đấy, cháu cũng nghĩ thế. Chú phải nhanh nhanh khỏe lại còn chuẩn bị đám cưới bọn nó chứ. Hôm đấy chú phải dắt tay cái Dương vào lễ đường nữa đấy.
– Đấy, nghe tin cái tự nhiên chú cũng thấy khỏe người ra thêm bao nhiêu đây này. Chờ mãi chúng nó cũng chịu lấy nhau. Chỉ mong hai đứa chúng nó cưới xong, sang năm đẻ lấy thằng cu để còn được bế chắt thôi.
– Thanh niên trẻ bây giờ nhanh thôi ấy mà chú, chú cứ yên tâm.
– Mày đỡ chú dậy đi dạo mấy vòng đi. Đi cho quen, nằm lâu ngày bí bách quá. Hôm sau dắt tay cái Dương vào lễ đường lại loạng choạng.
Ông vui đến mức còn đòi xuống giường tự đi, tôi ngồi bên cạnh thấy thế cũng chẳng biết nói sao, thực ra nhìn thấy tinh thần ông phấn chấn thế tôi cũng mừng, nhưng nghĩ đến việc cưới xin và cuộc sống hôn nhân trước mắt thì tâm trạng lại nặng nề như đeo đá.
Haizzz, không biết cưới nhau miễn cưỡng thế này thì tương lai sẽ thế nào đây…
Trong lúc tôi còn đang hoang mang không biết về sau sẽ ra sao thì ông ngoại đã xem xong ngày cưới cho tôi rồi, ông bảo hai mươi lăm tháng này là ăn hỏi, hai mươi sáu tổ chức lễ cưới và rước dâu luôn. Tôi nghe ngày ấn định xong thì chỉ biết méo miệng cười khổ:
– Sao sớm thế ông? Giờ là mùng 8 rồi, còn mười mấy ngày như thế thì có kịp không? Hay là từ từ rồi cưới được không ạ?
– Kịp chứ sao không kịp? Tuần sau cưới còn kịp ấy chứ. Con cứ lo làm tóc tai đi, rồi hai đứa xem ngày nào rỗi đi đăng ký kết hôn với cả đi chụp ảnh cưới nữa. Việc cưới xin không phải lo.
– Nhưng mà…
– Ông bảo không cần phải lo là không cần phải lo mà.
– Vâng.
Bên nhà cô chú Tùng sau khi biết lịch cưới thì đồng ý không cần suy nghĩ, Duy thì từ gặp riêng tôi cho đến giờ cũng rất bận rộn, khi được hỏi bất cứ điều gì về việc kết hôn, anh ta đều không trực tiếp trả lời đồng ý hay từ chối mà chỉ thờ ơ nói một câu: “Tùy mọi người sắp xếp, con không có ý kiến”.
Tôi đúng là bó tay với cái người này, anh ta không quan tâm mọi chuyện đến thế là cùng.
Cuối cùng, chỉ còn lại một người duy nhất phản đối việc kết hôn của chúng tôi. Hôm ông xuất viện, vừa về đến nhà thì cậu Dũng đã nói:
– Bố để cái Dương cưới sớm thế liệu có vấn đề gì không? Bố còn chưa khỏe, tổ chức cưới xin gấp thế làm gì? Với cả công ty cũng chưa ổn định nữa, con nghĩ nên lo việc công ty trước đã.
– Cháu tôi lấy chồng thì nó lấy, liên quan gì đến chuyện công ty.
– Nhưng mà con thấy vội vàng quá.
Mợ Hiên ngồi bên cạnh cũng hùa theo:
– Đúng đấy bố ạ. Nhà mình quen nhà cô chú Tùng lâu rồi, nhưng dù sao cũng vừa mới gặp lại thôi. Tính đến giờ là Dương với thằng Duy mới biết nhau được hơn ba tháng chứ có nhiều đâu. Thời gian gấp thế làm sao hiểu rõ được tính cách nhau thế nào, với lại con thấy hôm trước thằng Duy cũng bảo chưa ổn định công việc. Hay là để hai đứa tìm hiểu thêm một thời gian nữa rồi cưới. Tạm thời việc công ty mới là việc quan trọng nhất bố ạ.
– Anh chị không phải lo, tôi tự biết sắp xếp thế nào hợp lý.
– Bố giờ già rồi, cũng nên nghỉ ngơi đi, con thấy bố đến tuổi này vẫn làm việc rồi ốm ra như thế, con thương lắm. Thôi bố giao cho anh Dũng quản lý rồi nghỉ ngơi, ôm cháu nội cho khỏe bố ạ. Mấy việc vất vả cứ để anh Dũng lo. Bố nghỉ ngơi cho khỏe.
– Đợi sau đám cưới cái Dương rồi tính. Lúc đó tôi sẽ họp gia đình lại rồi quyết định chia cổ phần sau. Giờ cái Dương nó chỉ cò một mình, anh chị là cậu mợ thì cũng như bố mẹ nó, nó cưới thì phải có trách nhiệm đứng ra mà lo cho nó.
Vợ chồng cậu Dũng thấy ông hứa chia cổ phần thì mới tạm yên tâm, cả hai quay sang liếc nhau, ánh mắt không giấu nổi vui mừng:
– Vâng, bố yên tâm. Bọn con biết mà, vợ chồng con sẽ lo cho cái Dương cưới xin đàng hoàng. Cưới xin là việc cả đời, phải tổ chức cho hoành tráng chứ.
– Không cần tổ chức to quá đâu, cứ bình thường là được. Dương thấy thế được không?
Tôi gật đầu:
– Vâng, con cũng chỉ có vài người bạn thôi, tổ chức bình thường là được ạ.
– Ừ, thế được rồi. Thế thằng Duy đã hẹn hôm nào đi chụp ảnh cưới chưa con?
– À… chưa ạ. Anh ấy đang tìm Studio, chắc sắp tìm được rồi ạ.
– Ừ.
Thực ra tôi nói dối ông thế thôi, chứ tôi với Duy chưa từng bàn đến việc này. Nghe nói dạo này công ty Game của anh ta chuẩn bị phát hành thêm một trò chơi mới nên khá bận, tôi lại không có số điện thoại của Duy nên cũng chẳng biết hẹn anh ta đi mua nhẫn cưới và chụp ảnh kiểu gì được. Thêm nữa, dù sao tôi cũng là con gái, chủ động nói những việc ấy cũng không hay lắm. Đang lấn cấn không biết giải quyết vụ đó ra làm sao thì một hôm vừa mới lên đến Toà soạn đã thấy shipper đứng đợi sẵn để giao hàng cho tôi, lúc mở ra mới thấy bên trong là một cặp nhẫn cưới.
Thằng Hải thấy nhẫn thì rú ầm lên làm cả phòng đều quay sang nhìn bọn tôi:
– Ôi anh nào mà tỏ tình hoành tráng thế? Mua hẳn nhẫn kim cương đôi cho chị cơ à? Đưa em xem nào?
– Mày nhỏ mồm thôi, chị giết giờ.
– Bà khai mau, ai tặng bà? Không khai em hét to lên cho cả tòa soạn xem.
– Bạn. Mày có im ngay không?
Thấy tôi chịu thỏa hiệp thì Hải mới chịu hạ bớt volume, nhẹ nhàng tử tế hỏi tôi:
– Bạn nào mà ăn chơi khiếp thế? Chị có biết cái viên kim cương kia bao tiền không? Ui mẹ ơi, bán cả em đi cũng không mua được đấy, kim cương xịn đấy. Chị mới câu được gã nào lắm tiền thế hả?
– Cái này hả? Chắc là đồ giả thôi.
– Giả đâu mà giả? Có ký hiệu kim cương thế này mà bà bảo giả à? Để em xem ông đại gia nào mà bất hạnh thế, vớ đúng phải bà nào.
Vừa nói, Hải vừa lật hộp giấy bọc hàng lên tìm tên người gửi, ở phần đó không ghi tên Duy mà chỉ ghi chung chung là tên công ty Game của anh ta. Khi đọc xong mấy chữ công ty Game X, hai mắt Hải lại trợn tròn lên, lắp ba lắp bắp nói:
– Bà… bà… bà hốt được…
– Suỵt!!!
Mới nói đến đây thì điện thoại của tôi đổ chuông, liếc màn hình thấy bạn nhân viên nữ bên công ty Duy gọi đến, tôi phải ra hiệu cho Hải im miệng lần nữa rồi mới nghe máy:
– Alo.
– Em chào chị, chị đã nhận được nhẫn cưới của sếp em gửi sang chưa ạ.
– À… tôi vừa nhận được rồi.
– Chị có thích không? Mẫu này năm nay đang hot nên em đoán chị đeo sẽ hợp lắm đấy.
Tôi không phải là đứa ngu, nghe thế trong lòng cũng đoán được tám, chín phần là Duy giao cho nhân viên của anh ta đi mua nhẫn cưới rồi gửi sang cho tôi. Đúng là kiểu người vô cảm, dù sao cưới xin cũng là chuyện đại sự của đời người, anh ta không thích tôi thì cũng nên hỏi tôi thích mẫu nhẫn cưới nào rồi hãy mua chứ? Với cả đằng nào cũng ly hôn, mua loại đáng giá thế này làm gì cho tốn tiền.
Nghĩ là nghĩ thế nhưng thực ra từ sâu thẳm trong lòng tôi vẫn thấy cặp nhẫn này đúng là đẹp thật, nhỏ gọn đơn giản nhưng tinh tế và sang trọng cực kỳ. Tôi rất thích nó, nhưng không thích cách mà Duy đưa nó đến tay tôi.
Tôi nặng nề hít sâu vào một hơi, nhẹ nhàng đáp:
– Cảm ơn Dung nhé. Tôi thích mẫu này.
– Vâng ạ. Chị thích là được rồi. Chị đeo thử chưa?
– Tôi đeo rồi, vừa vặn, đẹp.
– Vâng ạ.
– Gần đây công việc bên đó bận lắm hả?
– Vâng, bận chị ạ. Sếp làm việc từ sáng đến khuya, có hôm còn không đứng dậy nổi để đi ăn. Sắp phát hành game mà, chị thông cảm cho sếp nhé.
– Không có gì, tôi hiểu mà.
– Vâng, cần gì chị cứ gọi em nhé. Em hay phụ trách mấy việc lặt vặt cho sếp. Nếu không gọi được cho sếp thì chị cứ gọi cho em. Số em luôn mở 24/24.
– Ừ, tôi biết rồi, cảm ơn Dung.
Cúp máy xong, nhìn vẻ mặt ngây ra không thể tin được của thằng Hải, tôi không muốn vòng vo nữa nên nói thẳng luôn:
– Chị sắp cưới.
– Bà chị, thật hay đùa đấy? Sao sốc quá.
– Thật chứ đùa gì. Nhẫn cưới đây.
– Chị lấy… ông Duy đó hả? Nhưng mà chị mới quen có vài hôm chứ mấy. Từ hôm đi phỏng vấn thay em đúng không? Bà đã suy nghĩ kỹ chưa? Đừng thấy người ta giàu mà vội vàng nhé. Những thằng giàu đa phần là những thằng đã có vợ, hoặc không có vợ thì cũng lăng nhăng, không lăng nhăng thì cũng biến thái. Chị phải suy xét cẩn thận đấy. Cẩn thận lại bị lừa.
– Mày tả gì kinh thế.
– Thật mà, mình làm cái nghề này, tiếp xúc với 100 ông đại gia thì 99 ông như thế rồi còn gì. Hiếm lắm mới có một ông chung thủy một vợ hai con. Có khi ông ấy có vợ rồi, chẳng qua tặng nhẫn thế để lừa chị lên giường rồi đá thôi.
– Mày thấy chị giống kiểu người đẹp đến mức được đại gia tặng nhẫn kim cương để lừa lên giường không?
Hải quay sang nhìn tôi chằm chằm một lượt, lát sau chậm rãi lắc đầu:
– Không. Bà đẹp thì có đẹp đấy, nhưng không biết ăn diện, không nhìn kỹ thì chả biết bà đẹp.
– Chị quen ông này từ mấy tháng trước rồi. Hai gia đình giục cưới, thế là cưới thôi.
– Nhưng mà… em nói cái này chị đừng đánh em nhé.
– Trẫm phê chuẩn, nói đi.
– Em thấy…. Nếu ông ấy thích chị thì ông ấy phải dẫn chị đi mua nhẫn chứ. Ai lại gửi qua bên giao hàng như thế này. Mà cứ cho là bận không dẫn đi được đi, sau khi gửi xong thì ít cũng phải gọi điện hỏi chị xem có ưng không, sao lại để thư ký gọi thế. Sao em cứ có cảm giác như ông này chẳng có tình cảm với chị tý nào cả.
– Cảm giác của mày đúng rồi đấy.
Tôi cười cười, mân mê viên kim cương trắng được khảm trên mặt nhẫn, kim cương sắc lạnh, những cạnh nhọn làm hơi đau đầu ngón tay tôi:
– Thời đại này tưởng không có mấy cái hợp đồng hôn nhân này kia, thế mà có đấy mày ạ. Cứ như truyện ngôn tình ấy.
– Ý chị là… chị với ông ấy cưới nhau giả vờ á?
– Ừ. Nhiều lý do lắm, cưới thì cưới thôi, mỗi người vẫn một cuộc sống riêng. Chắc vài năm nữa ly hôn thôi ấy mà.
– Thế chị có thích ông ấy không?
– Không.
– Này chị đừng thế, làm thế chỉ phụ nữ là thiệt thôi. Chị còn phải tán tỉnh yêu đương vài anh nữa, rồi thấy thích ai nhất mới cưới chứ. Giờ không yêu thì cưới kiểu gì? Ở với nhau kiểu gì?
Những câu Hải nói đều là những thứ mà canh cánh trong lòng tôi, nhưng tôi nghĩ rồi, mẹ tôi nợ ông, tôi cũng nợ ông, tôi không muốn mình tiếp tục làm ông thất vọng nên mới muốn kết hôn với Duy. Hơn nữa, tôi thất tình rồi, mối tình bảy năm đơn phương cuối cùng cũng chẳng có kết quả gì, không còn hứng thú yêu đương nữa.
Tôi vỗ vỗ vai Hải rồi bảo:
– Chị quyết rồi, đừng khuyên vô ích.
– Nhưng mà… chị… chị phải cho em gặp một hôm đi. Em phải lão kia là người như nào đã. Không thể gả chị đi bừa bãi được.
– Kiểu gì đến đám cưới cũng gặp được thôi, khỏi lo. Làm việc đi.
– Cái bà này, phát xít đến thế là cùng.
Tối hôm đó về nhà, tôi đặt cặp nhẫn kim cương vào trong tủ rồi leo lên giường đọc tin tức của mấy tờ báo khác. Đang mải mê đọc thì bỗng nhiên thấy một số lạ nhắn tin đến, nội dung chỉ vẻn vẹn mấy từ:
– Cô rảnh hôm nào?
Nghe cách nói chuyện đã đoán được ai là người gửi rồi, nhưng tôi vẫn giả ngu hỏi lại:
– Xin lỗi, ai vậy?
– Đi chụp ảnh cưới.
– À. Đây là số của anh à?
– Ừ.
– Bình thường tôi rảnh chiều chủ nhật.
– Thế chủ nhật này tôi đến đón cô. Có yêu cầu gì thêm không?
– Không cần, tôi thấy chụp hai tấm rồi phóng to ra là được rồi. Đằng nào cũng không phải cưới thật, giảm bớt chi phí cho đỡ lãng phí.
– Ok.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhắn tin với nhau, hai kẻ chỉ còn mười mấy ngày nữa là chính thức trở thành vợ chồng, vậy mà đến giờ vẫn nói năng kiệm lời và khách sáo với nhau như thế, nghe có vẻ hơi buồn cười. Tôi chậm chạp nhắn lại:
– Cảm ơn anh nhé. Vì đồng ý giúp tôi một việc phiền phức thế này.
– Tôi không giúp cô. Khỏi cần cảm ơn.
– Vậy tôi thay mặt ông cảm ơn anh. Hy vọng cưới xong chúng ta có thể chung sống hòa bình với nhau.
– Sống cùng nhà thì được, đăng ký kết hôn thì thôi đi.
– Vậy tôi sẽ nói với mọi người là tôi với anh đi đăng ký rồi nhé. Chắc cũng không ai kiểm tra tờ giấy đó đâu.
– Tùy cô.
Chẳng hiểu khi tán các ngôi sao nổi tiếng anh ta có ăn nói cộc lốc thế này không, hay là các cô ấy không cần cưa đã tự sà vào lòng Duy, mà riêng tôi thì thấy cái kiểu lạnh nhạt như cục đá thế này không thể nào mê được. Nếu so với người bạn online Maybe của tôi, cách nói chuyện của Duy còn kém xa.
Haizzz… nghĩ đến cậu ấy, tim tôi bỗng dưng lại nặng thêm một chút rồi.
Chủ nhật tuần đó, Duy đến đón nhà đón tôi đi chụp ảnh cưới, ông ngoại còn tiễn bọn tôi ra đến tận cửa, dặn đi dặn lại rằng:
– Hai đứa nhớ chụp nhiều ảnh vào nhé. Cười tươi vào. Cả đời mới cưới một lần, chụp phải rạng rỡ lên.
Duy mỉm cười nhẹ nhàng, dường như chỉ riêng với ông là anh ta không tiếc nụ cười:
– Vâng, con biết rồi. Ông vào nhà đi, ngoài này lạnh đấy.
– Ừ, hai đứa đi đi.
Vì đã thống nhất từ trước nên chúng tôi chụp ảnh rất nhanh gọn, chọn bừa hai tấm nhìn vừa mắt nhất rồi yêu cầu bên Studio phóng to lên, thế là xong.
Trên đường từ Studio về, tôi bận việc nên ngồi trên xe vẫn tranh thủ đọc mail công việc Tòa soạn. Mãi đến khi tới một ngã tư đèn đỏ, xe dừng lại mới theo quán tính ngẩng đầu lên nhìn, đúng lúc này thì Duy lên tiếng:
– Cô muốn ở nhà thế nào? Chung cư hay nhà riêng?
Mất cả nửa phút tôi mới hiểu ý anh ta muốn hỏi gì, thực ra lúc đầu tôi cứ nghĩ con trai một như Duy sẽ phải ở cùng bố mẹ, nhưng hình như ý anh ta là muốn cưới xong chúng tôi sẽ ra ở riêng.
– Cưới xong không ở cùng bố mẹ thì có sao không? Tôi cũng sợ ở chung dễ bị phát hiện nhưng mà nhà anh chỉ có mỗi anh, ra ở riêng luôn thì cũng không hay lắm.
– Tôi không thích phiền phức.
– À… thế nếu có thể thì… chung cư đi.
– Thế thì đi thôi.
– Đi đâu ạ?
– Đến chung cư.
Kết quả là anh ta đưa tôi đến một khu chung cư cách Tòa soạn của tôi không xa, nơi này không phải là khu cao cấp, cũng không phải là khu bình dân, tóm lại là một căn hộ bình thường với hai phòng ngủ, một phòng khách.
Hình như Duy mua căn chung cư này nhưng chưa đến ở, dù có đầy đủ nội thất nhưng đồ đạc vẫn đang còn mới nguyên, giống như chưa từng đụng đến. Anh ta bảo tôi tự đi xem một vòng, đến khi quay lại, tôi quen miệng khen vài câu:
– Tôi đi xem rồi, nhà đẹp, rộng rãi, hai người thì ở thế này là vừa.
– Cô thích sửa chỗ nào hay mua thêm gì thì ghi ra rồi mail cho tôi.
Tôi thấy không cần phải sửa chỗ nào cả, căn hộ này thoáng và nhiều ánh sáng đúng gu của tôi, vả lại, tôi nghĩ dù mình có yêu cầu thêm gì thì người đi mua cũng không phải anh ta mà chắc sẽ là bạn thư ký tên Dung kia, như thế thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Cho nên đáp:
– Không cần đâu, tôi thấy thế này được rồi.
– Phòng ngủ đầu tiên là của cô. Đồ dùng trong nhà muốn dùng gì tuỳ ý.
– Vâng.
– Được rồi, về thôi.
Thời gian cứ vùn vụt trôi qua, chớp mắt cái cũng đến ngày cô chú Tùng mời gia đình tôi sang nhà để chuẩn bị cưới. Ban đầu nghe cô chú ấy nói mới về Hà Nội nên nhà cửa chưa ổn định, tôi cứ nghĩ cô chú ấy về đây sẽ xây nhà bình thường thôi. Nhưng hôm đến thăm nhà “chồng sắp cưới” của mình mới biết, thì ra cô chú Tùng về Hà Nội thì mua luôn một căn biệt thự trong khu đô thị cao cấp ở ngay gần Hồ Tây, sửa sang lại gần một tháng nay, mới hoàn thiện xong cách đây ba ngày.
Lúc vừa đến đây, mợ Hiên đã tái mặt hỏi ông ngoại:
– Họ cho địa chỉ có nhầm không hả bố? Hay là anh chị Tùng thuê nhà ở đây để tổ chức đám cưới cho hoành tráng?
Thuý cũng nhìn quanh khu này một lượt rồi hùa theo:
– Đúng đấy. Nhà cô chú ấy nghèo kiết xác, ngày xưa phải ăn nhờ ở đậu nhà mình, làm gì có nổi tiền mà mua biệt thự trong này. Chắc muốn có mặt mũi với nhà mình nên thuê thôi.
Ông ngoại tôi bảo:
– Người ta vào miền nam bán hàng ăn ở khu công nghiệp bao nhiêu năm nay, vốn liếng cũng không ít đâu. Mua biệt thự này là còn bình thường đấy.
– Bán hàng ăn trong khu công nghiệp hả bố?
– Có ba bốn cửa hàng cơm bình dân với bún Huế trong Bình Dương.
Mợ Hiên càng lúc càng nhăn nhó, bà ta trước giờ chỉ toàn chơi với mấy người nhà giàu, bảo “giai cấp nào thì phải ngồi chung mâm với giai cấp ấy”, cho nên mỗi lần cô chú Tùng sang thì thái độ mợ ấy đều khinh khỉnh, tỏ vẻ như gia đình họ không xứng nói chuyện với bà ta.
Giờ có lẽ biết họ giàu nên không giấu nổi vẻ ghen ghét lẫn ngạc nhiên:
– Thế… thế mà bố không nói sớm.
– Vào đi, nhà người ta đang đợi.
– Vâng.
Tôi không ham hố gì nhà giàu hay tài sản gia đình chồng, bởi vì những thứ đó không thuộc về tôi, thế nhưng Thúy thì lại khác. Từ sau hôm đi chơi nhà về, biết nhà cô chú Tùng mở mấy cửa hàng bún Huế ở Hà Nội, lại có nhà cửa khang trang rộng rãi, hơn nữa, biết cả về nghề nghiệp thực sự của Duy, hai mẹ con cô ta bắt đầu tỏ thái độ ganh ghét khó chịu với tôi ra mặt.
Tôi đi làm thì không sao, nhưng về đến nhà thì Thúy cứ liên tục gây sự, có lúc còn mang cả giày dép của tôi ném thẳng vào thùng rác. Đồ đạc của mình giữ gìn mà bị vứt vào đống rác rưởi bẩn thỉu, tôi tức điên lên bảo cô ta:
– Cô làm cái gì đấy?
– Mày nghĩ mày là chủ cái nhà này đấy à? Đi về không để giày dép gọn vào, cứ vứt bừa bãi thế này để người khác hầu mày phải không? Tao vứt đi cho mày nhớ, từ sau về thì để gọn vào.
– Đồ đạc tôi cất gọn trong tủ của tôi, đôi này tôi để ở đây để đi, cô tự tiện lôi đồ của tôi ra vứt rồi bảo tôi vứt bừa bãi là ý gì đấy? Muốn gây sự à?
– Ô giờ to mồm gớm nhỉ? Sắp lấy được chồng đại gia rồi nên oai nhờ, dám quát cả bố mày cơ.
– Liên quan gì đến cô?
– Chả liên quan gì cả, nhưng tao ngứa mắt mày đấy, thì sao? Tưởng mày ngon lắm à? Loại con rơi con vãi được ông nhặt về mà tưởng mình là con cháu nhà này thật đấy hả? Mày chỉ là loại mọi rợ tạp chủng thôi con ạ.
– Mọi rợ tạp chủng cũng vẫn hơn những đứa được sống trong gia đình tử tế nhưng không có nổi văn hóa tối thiểu để làm người.
– À nói đến văn hóa tối thiểu. Thế văn hóa của bọn dân tộc như myà là bỏ bùa đúng không? Mày biết ông Duy ngon nên lại chơi bùa để cưới được lão ấy chứ gì. Cái loại dân tộc như mày thì chỉ có chơi bùa chơi ngải mới câu được trai thôi, chứ người như ông ấy bảy bảy bốn chín kiếp cũng không thèm lấy mày. Như bố mày ấy, bỏ bùa mới lấy được mẹ mày.
– Câm đi.
– Sao? Tao nói trúng tim đen rồi à? Mày chơi bùa nên mới cưới được ông Duy đúng không? Tao nói cho mày biết nhé, chơi bùa dễ bị nghiệp quật lắm đấy con ạ. Cẩn thận rồi có ngày lại ăn lá ngón đấy.
Bình thường thì tôi sẽ nhịn, nhưng lôi cái chết của bố mẹ tôi ra để sỉ nhục thì tôi không nhịn được. Tôi điên tiết lao lại, tóm lấy cổ tay Thúy rồi bóp mạnh, bóp đến mức cô ta đau đến xanh mét mặt mày, gào lên:
– Bỏ tao ra, bỏ tao ra con ranh. Bỏ…
– Tao nói cho mày biết. Tao cưới ai là việc của tao. Người ta lấy tao chứ không phải lấy mày. Nếu mày còn dám lôi bố mẹ tao ra một lần nữa, tao bỏ bùa cho mày tự nuốt lưỡi chết luôn đấy, nghe rõ chưa?
– Mày…. mày dám à?
– Có gì mà tao không dám? Có tin tao nhét thẳng một nắm lá ngón vào mồm mày không?
– Mày… mày…
Thấy vẻ mặt của tôi lạnh như tiền, không giống đang đùa, có lẽ Thúy cũng biết sợ nên chỉ lắp bắp nói mỗi một chữ “mày” rồi không dám nói thêm gì nữa.
Tôi siết mạnh tay thêm một lát mới hất tay cô ta ra, sau đó còn không quên bỏ lại một câu:
– Mày còn gây sự nữa thì đừng trách.
Ban đầu Thúy im lặng, nhưng khi tôi sắp đi khuất hẳn thì cô ta lại giậm chân bình bịch, chửi với theo:
– Mày cứ chờ đấy, còn lâu mày mới sống yên ổn với tao được đâu, con ranh con.

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (9 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN