Miền đất thất lạc - Arthur Conan Doyle - Chương 09 - part 01
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Miền đất thất lạc


Arthur Conan Doyle - Chương 09 - part 01



Chương 09

AI MÀ CÓ THỂ ĐOÁN ĐƯỢC ĐIỀU ẤY

 

Một việc kinh khủng đã xảy đến với chúng tôi. Làm sao mà chúng tôi có thể dự đoán được điều đó cơ chứ. Tôi không thể biết được đến bao giờ chúng tôi mới hết gặp khó khăn. Có thể chúng tôi sẽ phải lọ mọ trong vùng đất hoang vu này và tuyệt giao với thế giới bên ngoài cả cuộc đời này mất. Đến bây giờ tôi vẫn chưa có khái niệm rõ ràng rằng tương lai của chúng tôi sẽ đi về đâu. Đối với tôi thì quá khứ thì kinh khủng còn tương lai thì như màn đêm. Tôi chắc không có ai rơi vào tình trạng tồi tệ hơn chúng tôi và tôi cũng biết chắc rằng bạn bè của chúng tôi chẳng biết hiện nay chúng tôi đang đi vào vùng đất nào trên bản đồ để mà chia sẻ thông cảm. Ngay cả khi họ có gửi lời hỏi thăm thì tôi cũng cho rằng số phận của chúng tôi đã bị định đoạt trước khi những bức thư của họ có thể tới được Nam Mỹ. 

Có cảm tưởng rằng chúng tôi đang đi trên mặt trăng, nơi mà mọi thứ đều không thể. Nếu có thể sống sót thì chẳng qua đều do vận may trời à thôi. Tôi có ba người bạn đồng hành tuyệt vời. Họ đều có trí óc tuyệt hảo và bản lĩnh hơn người. Những lúc gặp khó khăn tôi chỉ nhìn lên khuôn mặt cứng rắn như sắt thép sáng ngời lên trong đêm tối của họ là cảm thấy vững tâm lắm rồi. Bề ngoài tôi luôn tỏ ra hăng say và tự tin nhưng bên trong thật sự tôi cảm thấy rất sợ. 

Độc giả cho phép tôi được kể lại trình tự xâu chuỗi của sự kiện đã dẫn chúng tôi đến thảm họa. Ở lá thư trước tôi có nói rằng chỗ chúng tôi hạ trại cách vách đất đỏ khoảng bảy dặm. Cái vách đá bao quanh vùng bình nguyên mà Giáo sư Challenger đã đề cập đến. Độ cao của vách đá thậm chí còn có vẻ cao hơn so với miêu tả của Giáo sư Challenger, có những chỗ độ cao lên đến hàng ngàn feet, những thớ đá xếp chồng lên nhau tạo thành những sọc bazan màu đỏ rất lạ mắt. Trên đỉnh của núi đá là một cánh rừng thu nhỏ xum xuê cành lá, bên mép vực là những đám cây bụi còn phía xa xa là những cây gỗ thân cao vút. Không thấy có dấu hiệu của một loài động vật nào quanh đây. 

Đêm hôm đó chúng tôi hạ trại ngay bên mép vực. Một địa điểm hoang vu nhất. Vách đá không những dựng đứng mà còn uốn cao dần phía trên đỉnh cho nên việc trèo lên trên đó là điều không tưởng. Gần chỗ chúng tôi hạ trại là những mỏm đá nhô lên như thanh kiếm chọc thẳng lên trời. Trông chúng như những ngọn tháp nhà thờ màu đỏ to lớn. Thật kỳ lạ đỉnh núi ấy lại bằng phẳng. Các đỉnh núi cách nhau những khoảng khá xa. Trên những đỉnh núi đó có vô số những cây thuộc loại to lớn khác thường. 

– Ở trên đó – Giáo sư Challenger nói và chỉ tay lên những cái cây to vừa nói – là nơi con thằn lằn bay đó đậu. Tôi đã leo lên nửa vách đá để bắn hạ. Tôi nghĩ rằng một người leo núi tài giỏi như tôi mới có thể leo lên được đến đỉnh mặc dù lúc đó tôi đã không làm như vậy. 

Khi Giáo sư Challenger nói về con thằn lằn bay của ông thì tôi để ý thấy Giáo sư Summerlee lần đầu tiên tỏ hối hận và có lẽ ông đang tin những gì ông Challenger nói. Miệng ông Summerlee không còn cái nhếch mép thường trực như trước nữa mà ngược lại trên gương mặt ông lộ vẻ háo hức xen lẫn kinh ngạc. Ông Challenger cũng để ý thấy điều đó và ông tỏ ra thích thú khi thấy đối thủ của mình chấp nhận thất bại. 

– Tất nhiên! – ông Challenger nói với giọng mỉa mai – Giáo sư Summerlee sẽ cho rằng khi tôi nói đến loài thằn lằn bay thì có nghĩa là tôi đang nói đến loài cò. Đó chính là một loài cò mà không có lông vũ, có màng ở cánh và móng vuốt ở ngón chân – Giáo sư Challenger nói và nháy mắt, miệng mỉm cười và cúi người xuống cho đến khi đối thủ của ông quay đi. 

Buổi sáng sau khi điểm tâm bằng cà phê và bột sắn -chúng tôi cần phải tiết kiệm lương thực – cả đoàn chúng tôi tiến hành một cuộc thảo luận tìm ra phương cách tối ưu nhất để leo lên đỉnh của vách đá. Giáo sư Challenger điều khiển cuộc hội thảo như một ông thẩm phán đang ngồi trên ghế xử án. Ông ngồi trên một mỏm đá, cái mũ rơm kiểu trẻ con để lật ra phía sau lưng. Đôi mắt khinh khỉnh của ông nhìn tất cả chúng tôi, bộ râu đen nhánh và xồm xoàm cử động lên xuống khi ông nói đến kế hoạch của cả đoàn mấy ngày sắp tới. Ba người chúng tôi ngồi phía dưới. Tôi – một người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và khỏe mạnh, Giáo sư Summerlee thì tỏ ra nghiêm trang nhưng vẫn không giấu nổi thái độ châm chọc qua cái miệng mỏng ngậm trễ tẩu thuốc lá, Huân tước Roxton sắc sảo, tựa thân hình dẻo dai vào khẩu súng trường, đôi mắt đại bàng của Huân tước nhìn như dán vào Giáo sư Challenger. Phía sau chúng tôi là hai anh chàng người lai da đỏ và một anh chàng người da đỏ nhỏ thó. Trước mặt chúng tôi và đằng sau Giáo sư Challenger là vách đá dựng đứng màu đỏ – mục tiêu của cuộc thảo luận buổi sáng nay. 

– Tôi phải nói rằng… – Thủ lĩnh Challenger nói – … lần trước tôi đã kiệt sức khi cố gắng leo lên đến đỉnh. Mặc dù tôi đã không leo được đến đỉnh nhưng tôi cho rằng khó ai có thể leo lên được tới đó bởi vì tôi là một tay leo núi có hạng. Lần trước tôi không có các công cụ hỗ trợ cho việc leo núi nhưng lần này tôi đã chuẩn bị một số thứ cần thiết. Với sự trợ giúp của những thứ đó tôi nghĩ tôi sẽ lên được đến đỉnh núi. Lần trước là vào mùa mưa và không có thiết bị phụ trợ. Do có những vấn đề đó nên tôi đã mất rất nhiều thời gian nhưng cũng may là tôi kịp thời thám hiểm khoảng sáu dặm về phía đông vách đá và thấy rằng không có một con đường nào có thể leo lên trên đỉnh được. Thế thì bây giờ chúng ta sẽ phải làm gì? 

– Điều đó thật đơn giản! – Giáo sư Summerlee chêm vào – Nếu ngài đã đi về phía đông mà vẫn không tìm ra lối đi lên thì bây giờ chúng ta hãy đi về phía tây xem sao. 

– Đúng rồi! – Huân tước Roxton nói – may là cái bình nguyên này không rộng lớn lắm và chúng ta có thể đi vòng khắp và tìm ra một cách để leo lên đỉnh vách đá này. 

– Tôi đã giải thích cho anh bạn trẻ trong đoàn chúng ta rằng… – Giáo sư Challenger nói khi đề cập đến tôi (ông coi tôi như một đứa bé lên mười tuổi) – … rằng gần như tuyệt đối không có một con đường nào để đi lên trên đó vì một điều đơn giản rằng nếu có một lối leo lên thì hệ động thực vật trên đó như tôi kể sẽ không có những đặc tính riêng biệt như thế. Trong điều kiện như vậy thì trên cao nguyên này không thể có các động vật trái ngược một cách kỳ lạ với những quy luật tổng quát của giới động vật. Tuy nhiên tôi thừa nhận rằng có thể có những chỗ mà một người leo núi chuyên nghiệp có thể leo lên đến đỉnh được nhưng một động vật nặng nề và kềnh càng thì không thể xuống được. Chắc chắn là có thể tìm ra một chỗ leo lên được. bây giờ,k theo ý tôi, chúng ta không thể làm gì hơn là đi về phía tây cho đến khi tìm được chỗ để leo lên. 

Mặt đất dưới chân vách đá này lổn nhổn đá vì thế chúng tôi di chuyển rất chậm chạp và khó khăn. Tuy nhiên, thình lình chúng tôi gặp một điều làm chúng tôi phấn khởi. Đó là vết tích của một nơi cắm trại xưa kia, cới những hộp thịt Chicago, một chai nhãn hiệu Brandy, một cái mở hộp đã gãy và nhiều thứ lặt vặt khác của những người du lịch. Một tờ báo mục nát, là tờ Chicaga Democrat, nhưng ngày tháng thì đã nhòa hết. 

Challenger nói: 

– Không phải báo của tôi. Hẳn phải là tờ báo của Maple White. 

Huân tước John tò mò nhìn ngắm một cây dương xỉ cao lớn, phủ bóng rợp trên nơi cắm trại này, nói: 

– Này, xem đây. Tôi tin rằng đây là một cột đánh dấu. 

Một mảnh gỗ cứng được đóng vào thân cây này có hướng chỉ về phía tây. 

Challenger nói: 

– Rõ ràng là một cột làm dấu rồi. Có lẽ chúng ta sẽ còn gặp nhiều chỉ dẫn khác khi đi tiếp nữa. 

Thật đúng như vậy, nhưng chúng tôi đã gặp những chỉ dẫn kinh khủng và không mong đọi nhất. Ngay bên dưới vách đá này là những bụi tre cao lớn và ken đặc hình thành những lũy tre, chúng tôi đã phải rất vất vả mới vượt qua được. Những cây tre cao tới hai mươi feet, ngọn thẳng tắp và cứng như những ngọn giáo. Khi chúng tôi đang đi qua vùng cây cối rậm rạp này thì tôi bỗng nhìn thấy một cái sọ người. Bộ xương người vẫn còn ở đó nhưng cái sọ người đã bị rời ra khỏi mình nằm cách bộ xương mấy feet. 

Chỉ bằng mấy nhát dao quắm chúng tôi đã dọn sạch xung quanh hiện trường và bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng về bộ xương kia. Trên mặt đất còn vương vãi một ít vải quần áo đã mục nát, mấy miếng da ủng còn vướng chỗ xương ống chân. Rõ ràng đây là một bộ xương của một người châu Âu. Tôi còn tìm thấy một cái hộp thuốc lá bằng bạc có khắc chữ J.C đến từ A.E.S. Nhìn vết khắc trên hộp thuốc lá cho thấy người xấu số gặp không nạn cách đây không lâu lắm. 

– Là ai được nhỉ? – Huân tước Roxton lầu bầu – Quỷ tha ma bắt! tất cả mọi mẩu xương gần như đã bị gãy vụn ra rồi. 

– Những cây tre còn mọc xiên qua cả những dẻ xương sườn – ông Summerlee nói – mặc dù tre là một loài mọc nhanh nhưng theo tôi nghĩ người này đã chết cũng khá lâu rồi. 

– Xét trên những đặc tính của người này thì tôi cũng không nghi ngờ gì về những gì các ngài vừa nói – Giáo sư Challenger nói – Mấy hôm tôi đuổi theo các ngài trước khi bắt đầu cuộc hành trình, tôi đã kịp làm một cuộc điều tra về anh chàng Maple White. Ở Para không ai biết tí gì về anh chàng này cả. May mắn thay tôi có một manh mối, đó là tấm ảnh chụp anh ta đang ăn tối với một tu sĩ ở Rosaria. Tôi đã lần tìm ra được vị tu sĩ đó, mặc dù ông thầy tu này không dễ chịu cho lắm nhưng sau một hồi thuyết phục ông ta rằng những phát hiện của các nhà khoa học cũng có tác dụng không nhỏ để củng cố đức tin của người dân đối với đạo của ông ta, cuối cùng ông ta cũng chịu cung cấp những thông tin mà tôi cần. White đã đến Rosaria bốn năm về trước lúc đó anh ta không đi một mình mà đi cùng với một người bạn tên là James Clover. Người bạn Mỹ này đã ở lại thuyền chứ không đi cùng White để gặp vị tu sĩ đó cho nên không nghi ngờ gì nữa bộ xương này chính là của James Clover. 

– Nguyên nhân cái chết của anh chàng này vẫn chưa rõ ràng – Huân tước Roxton nói – Anh ta bị ngã và gãy hết xương. Làm thế nào mà anh ta có thể rơi xuyên qua đám lau sậy cao quá đầu người như thế được nhỉ? 

Chúng tôi lạnh cả xương sống khi nhìn bộ xương và nghe những gì Huân tước Roxton nói. Mỏm đá cao ngất nhô ra phía bên trên rừng lau sậy. Không nghi ngờ gì nữa anh chàng James đã bị rơi từ trên mỏm đá đó xuống. Nhưng có phải đó là một tai nạn hay là… nhiều điều khủng khiếp đã bắt đầu xuất hiện ở vùng đất huyền bí này. 

Chúng tôi lặng lẽ tản ra và tiếp tục đi vòng quanh vách đá, vách đá trông như những tảng băng Bắc Cực khổng lồ kéo dài ngang với đường chân trời và cao như những mũi tàu thủy cỡ lớn. Đi suốt năm dặm không thấy một khe núi nào. Bỗng nhiên chúng tôi cảm thấy có một điều gì đó kỳ lạ đang bao quanh mình. Trên một vách đá hơi hõm vào phía bên trong chúng tôi phát hiện một hình mũi tên nhọn hoắt được ai đó vẽ bằng phấn, chiều của mũi tên chỉ về phía tây. 

– Lại White rồi – Giáo sư Challenger nói – Có lẽ anh ta đã đoán trước được rằng chúng ta cũng sẽ đi đến đây! 

– Làm sao mà anh ta có phấn để vẽ cơ chứ? 

– Hôm phát hiện xác anh ta tôi thấy trong túi anh ta có một hộp phấn màu. Tôi nhớ rằng viên phấn trắng đã mòn đi một nửa. 

– Đúng là một bằng chứng tuyệt vời! – Giáo sư Summerlee nói – Chúng ta sẽ đi theo mũi tên này! 

Chúng tôi đi thêm năm dặm nữa và lại phát hiện ra một mũi tên màu trắng trên vách đá, đó là chỗ mà lần đầu tiên vách đá tách ra làm hai tạo thành một khe núi hẹp trong khe núi là một hình vẽ mũi tên khác chỉ thẳng lên trên đỉnh. 

Đây là một nơi hoang vu và các vách đá rất cao còn bầu trời xanh phía trên chỉ là một khoảng hẹp, ánh mặt trời chiếu xuống lờ mờ. Đã nhiều giờ liền chưa có gì bỏ bụng nhưng chúng tôi không hề nản chí. Chúng tôi để những người da đỏ chuẩn bị dựng trại còn bốn chúng tôi và hai người lai da đỏ tiếp tục tìm đường leo lên vách đá. 

Đường leo lên vách đá trong khe núi rộng không quá bốn mươi feet nhưng thắt hẹp lại rất nhanh khiến cho việc chui qua vô cùng khó khăn. Chúng tôi bèn quay lại thì bỗng nhiên Huân tước Roxton phát hiện ra một lối đi hình tròn tối om. Trông nó giống như một cái cửa hang. 

Có nhiều tảng đá ở dưới chân vách núi cho nên chúng tôi đã leo lên đó một cách dễ dàng. Đây là lối vào một hang đá, trên vách hang lại là một hình mũi tên khác. Có lẽ đây là nơi Maple White và anh bạn xấu số tìm cách leo lên. Chúng tôi mừng rỡ trở về lều và quyết định chuẩn bị tiến hành ngay cuộc thám hiểm. Huân tước Roxton mang theo một cái đèn pin. Ông đi phía trước soi đèn còn chúng tôi thì theo sát phía sau. 

Vách hang đã bị nước bào mòn và trở nên nhẵn thín, các hòn đá dưới chân cũng bị bào mòn khiến cho chúng như những hòn cuội tròn xoe. Lòng hang rất chật chỉ vừa một người đi. Đi khoảng 50 yard thì ra đến mỏm núi và sau đó đi đến một dốc đá. Đến chỗ này chúng tôi chỉ có thể bò được từng tí một. Bỗng nhiên Huân tước Roxton kêu lên: 

– Đường đi bị chặn rồi! 

Chúng tôi nhìn thấy một bức tường đất màu vàng bị chặn từ trên nóc. Nóc hang đã sập. 

Chúng tôi đào bới một cách vô vọng nhưng càng bới thì những tảng đá to lớn như chực lăn ra đè lấy chúng tôi. Khó khăn này quả thật là quá sức tưởng tượng. Con đường mà Maple White đã đi không còn nữa. 

Mọi người vô cùng thất vọng khiến không ai nói thêm lời nào nữa. Chúng tôi theo khe núi hẹp và tối om trở về trại. Nhưng vừa quay đi thì có một sự việc xảy ra khiến chúng tôi giật mình. Cả bốn đang đứng tụm vào nhau cách cửa hang khoảng bốn mươi feet thì một hòn đá lớn lăn qua chúng tôi đứng với vận tốc kinh hồn. Cả bốn chúng tôi hút chết trong gang tấc. Chúng tôi không còn đủ thời gian để xem hòn đá kia lăn ra từ đâu nhưng hai anh chàng người lai da đỏ lúc ấy vẫn đang đứng ở chỗ cửa hang bị lấp thì nói rằng hòn đá vừa lăn qua chỗ họ đứng. Họ cho rằng hòn đá này vừa bị rơi từ trên đỉnh núi. Nhìn lên phía trên đỉnh trong đám cây xanh, chúng tôi không cảm thấy có một sự chuyển động nào trên đó. Chúng tôi nghi ngờ rằng hòn đá này lăn có chủ đích, sự kiện này nhắm vào con người, do một ý đồ xấu xa nào đó xuất phát từ trên kia. 

Đoàn chúng tôi vội vã rút lui khỏi khe núi, đầu quay cuồng với các ý nghĩ. Tình huống này cũng khó khăn không kém các lần trước, nếu như lần này có một thế lực thù địch nào đó định chống phá cuộc thám hiểm của chúng tôi thì đúng là chúng tôi đang rơi vào tình trạng rất nguy hiểm. Nhưng nhìn lên rừng cây xanh bên trên thì tất cả chúng tôi hầu như đều có một quyết tâm lớn là làm sao tìm hiểu trong khu rừng đó có những gì. Chúng tôi cùng thảo luận và cuối cùng đưa ra quyết định là sẽ tiếp tục đi dọc theo chân vách đá để tìm kiếm đường lên đỉnh. Các đỉnh núi thấp dần độ cao và hướng của chúng lại bắt đầu chuyển dần từ tây xuống phía bắc. Cả dãy núi tạo thành hình cánh cung. Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là quay lại điểm xuất phát. 

Ngày hôm nay chúng tôi đã đi hết một quãng đường khoảng hai mươi dặm nhưng quyết tâm chinh phục vách đá vẫn không suy giảm. Cái máy đo khí áp cho thấy chúng tôi đang trên độ cao ba ngàn feet so với mực nước biển. Nhiệt độ và hệ thực vật ở trên đây cũng đã thay đổi. Đoàn thám hiểm đã phải chạm trán với một trong những kẻ thù đáng ghét nhất của những nhà thám hiểm đó là những con côn trùng miền nhiệt đới. Những cây họ dừa vẫn còn sống được tại nơi này nhưng đã thưa dần còn tất cả những loài cây đặc hữu của vùng Amazon hầu như không còn nữa. Những bụi bìm bìm, cây lạc tiên, cây thu hải đường mọc khắp nơi. Tất cả những điều này gợi cho tôi nhớ đến nước Anh quê hương. Một bông thu hải đường màu đỏ gợi cho tôi nhớ đến bông thu hải đường mà có lần tôi đã nhìn thấy trên cửa sổ của một biệt thự trên phố Streetham. 

Đêm hôm ấy xảy ra một chuyện vô cùng đáng nhớ. Một sự kiện mà hầu như đã xua tan hết mọi nghi ngờ về kết quả và mục đích của cuộc thám hiểm này. 

Sự việc xảy ra quá nhanh và hầu như không để lại dấu vết gì. Ngày hôm đó Huân tước Roxton đã bắn được một con lợn rừng loại nhỏ. Một nửa con lợn đưa ấy người da đỏ, nửa còn lại được chúng tôi đem nướng trên đống lửa. Buổi tối trời lạnh kinh khủng nên chúng tôi ngồi sưởi sát bên cạnh ngọn lửa. Bầu trời không trăng, chỉ lấp ló mấy vì sao đơn độc. Bỗng nhiên những vì sao kia biến mất. Có tiếng động lớn giống như tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Một đôi cánh trùm lên đầu chúng tôi. Tôi chỉ kịp nhìn thấy một con quái vật cổ dài như cổ rắn, đôi mắt đỏ dữ tợn, cái mỏ lớn cùng hàm răng nhọn và sáng lóa bay trên đầu. Buổi tối của chúng tôi thế là đi tong. Bóng đen rộng lớn khoảng hai mươi feet bay vọt lên nền trời đen thẫm. Đôi cánh của con quái vật che khuất những vì sao trên đầu và chỉ một loáng cái đã biến mất sau những vách đá cao ngất. Cả bốn chúng tôi ngồi im không nói một câu. Giáo sư Summerlee phá tan sự im lặng: 

– Giáo sư Challenger! – giọng ông trầm trầm. – Tôi xin lỗi ngài. Tôi đã sai và tôi mong ông bỏ qua cho những gì tôi nói trước đây! 

Đúng là một lời nói chân thành và lần đầu tiên hai vị Giáo sư bắt tay nhau rất chặt. Sự kiện này cũng giống như việc chúng tôi chứng kiến con quái vật bay kia. Bữa tối chúng tôi không kịp thưởng thức mà đem so sánh với hai sự kiện trên thật chẳng thấm tháp vào đâu. 

Nếu có một cuộc sống tiền sử tại vùng đất này thì tôi chắc rằng cũng chẳng có nhiều nhặn gì bởi vì ba ngày sau chúng tôi chẳng gặp thêm được điều gì cả. Trong ba ngày này chúng tôi đi xuyên qua một khu đầm lầy xen kẽ đá tảng nằm ở phía đông và phía bắc của vách đá. Hai bên đầm lầy là vô số những con chim săn mồi. Nếu không có con đường bằng tảng đá dưới đáy đầm lầy thì có lẽ chúng tôi phải quay lại từ lâu rồi. Mấy lần chúng tôi phải lội xuống đầm lầy đến ngang thắt lưng. Tồi tệ hơn đầm lầy này là nơi nương náu của họ nhà rắn độc Jaracaca – loài rắn độc hung dữ nhất vùng Nam Mỹ. Từng đàn con vật ghê tởm này ngểnh cổ lên nhìn khi chúng tôi đi qua. Chúng tôi chỉ còn có cách là nắm chắc súng ngắn trong tay để giữ bình tĩnh khi cần thiết. Tâm trạng hoang mang sợ hãi cùng cực cộng với màu xanh nhợt nhạt của địa y hai bên lối đi sẽ mãi mãi lưu dấu ấn trong đầu tôi như một ký ức khủng khiếp nhất. Bọn rắn Jaracaca có lẽ là loài rắn đặc biệt của vùng này, chúng thường hay lẩn khuất trên những triền dốc đá và sẵn sàng tấn công con người khi nhìn thấy. Có cơ man nào là rắn nên chúng tôi dù có dùng hết cả cơ số đạn cũng không bắn chết được hết nên cuối cùng cả nhóm co giò chạy cho đến khi mệt phờ. Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác ghê rợn khi nhìn thấy hàng ngàn cái đầu rắn nhấp nhô trong đám cỏ nước. Chúng tôi bèn đặt tên cho cái đầm lầy này là Jaracaca. 

Đến một đoạn vách đá không còn rực rỡ như trước nữa mà chuyển thành màu nâu sôcôla thì hệ thực vật trên đỉnh núi bắt đầu thưa thớt hơn. Độ cao của vách đá bây giờ chỉ còn ba bốn trăm feet nhưng chúng tôi vẫn không tài nào tìm thấy lối leo lên. Thậm chí khu vực này còn có vẻ hiểm trở hơn đoạn trước. Độ dốc cực kỳ của những vách đá này có thể thấy rõ trong bức ảnh tôi chụp ở sa mạc đá. 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN