Miền đất thất lạc - Arthur Conan Doyle - Chương 10 - part 02
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
125


Miền đất thất lạc


Arthur Conan Doyle - Chương 10 - part 02



 

Tôi nhìn người bạn đồng hành của mình. Huân tước Roxton đang đặt ngón tay vào cò của khẩu súng bắn voi, đôi mắt thợ săn tinh tường như rực cháy. Vì muốn giữ bí mật cho cả đoàn nên Huân tước không vội vã nổ súng. Hai vị Giáo sư tỏ vẻ rất phấn khích nhưng lại hoàn toàn im lặng. Cứ nhìn cái cách hai ông ôm nhau thì biết. Trông họ giống như hai đứa trẻ đang khoác tay nhau cùng xem một cái gì đó rất thú vị phía trước. Giáo sư Summerlee cất tiếng: 

– Mọi người ở nhà chắc sẽ vô cùng thú vị nếu ta kể cho họ nghe cảnh này! 

– Ông Summerlee thân mến ơi! Họ chẳng bao giờ tin chúng ta đâu. Họ sẽ nói rằng ông chỉ là một tay đại bịp, một kẻ lừa đảo khoa học giống như trước đây ông và bọn chúng đã xỉ vả tôi ấy! 

– Nếu ta cho họ xem những tấm ảnh thì mọi thứ sẽ khác! 

– Chưa chắc đâu! Ông bạn Summerlee ạ! 

– Nếu họ được xem những mẩu vật thì sao? 

– À! Rất có thể người ta sẽ tin một chút nếu như chúng ta có mẩu vật mang về. Malone và mấy tay đồng nghiệp bẩn thỉu của cậu ta ở phố Fleet có thể sẽ tin chúng ta hơn. Nào Malone! Hãy ghi ngay vào nhật ký rằng: hôm nay ngày hai mươi tám tháng tám chúng tôi đã nhìn thấy năm con khủng long trên vùng đất Maple White. Cậu hãy gửi cái tin đó cho tay tổng biên tập của cậu! 

– Đó là những con thằn lằn răng giông. Các ông sẽ thấy dấu vết của nó ở khắp các vùng đất cát như Hasting, Ken, Sussex. Chúng đã từng sinh sống ở những vùng đồng cỏ rộng lớn của nước Anh. Điều kiện sống ở đó thay đổi và chúng đã bị tuyệt chủng. Còn ở đây điều kiện sống không thay đổi nên chúng vẫn đang tồn tại – Giáo sư Summerlee nói. 

– Thưa các ngài! Tôi không biết các ngài nghĩ gì nhưng riêng tôi thì cho rằng tình trạng của chúng ta giống như đang đi trên mặt hồ đóng băng vậy – Huân tước Roxton nói. 

Bản thân tôi cũng có một cảm giác lo sợ về những điều huyền bí xung quanh. Trên những tán cây cao hình như cũng ẩn nấp những thế lực đe dọa chúng tôi. Tât nhiên những con vật khổng lồ mà chúng tôi mới gặp rất hiền lành. Nhưng ai mà biết được ở cái vùng rừng nguyên thủy này còn có những loài thú nào sống sót. Biết đâu một lúc nào đó có một con quái vật ăn thịt người từ trong bụi rậm hay từ trên mỏm đá nhảy xổ vào chúng tôi và thế là hết. Tôi không hiểu lắm về đời sống của động vật nguyên thủy nhưng tôi nhớ rất rõ khi còn nhỏ đã được học một cuốn sách nói rằng thời nguyên thủy có những sinh vật khổng lồ và hung dữ thường ăn thịt hổ và sư tử giống như mèo ăn thịt chuột vậy. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tồn tại trong khu rừng của vùng đất Maple White này. 

Đúng là sự xui khiến của định mệnh vì ngay buổi sáng đầu tiên khi vừa đặt chân lên vùng đất này thì nguy hiểm đã ghé thăm chúng tôi rồi. Đó là một cuộc phiêu lưu đáng ghét và cũng rất đáng sợ. Một trong những cuộc phiêu lưu đó tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Nhưng ở đây tôi cũng xin kể tường tận những gì đã xảy ra với chúng tôi. 

Chúng tôi chậm chạp xuyên qua cánh rừng. Chúng tôi buộc phải đi chậm vì Huân tước Roxton thường đi thám thính trước sau đó ông mới quay lại để dẫn chúng tôi đi. Một nguyên nhân nữa là thỉnh thoảng hai Giáo sư của chúng tôi lại dừng đột ngột và kêu lên một cách ngạc nhiên đầy thích thú khi họ nhìn thấy những loài côn trùng hoặc hoa lá lạ mắt hai bên đường. Theo dòng suối chúng tôi đã đi được khoảng hơn hai dặm đường. Bỗng nhiên gặp một dãy những tảng đá xếp ngổn ngang – toàn bộ bình nguyên trước mặt bị bao phủ bởi những hòn đá nhẵn thín. Chúng tôi xuyên qua những bụi cây cao đến thắt lưng và tiến đến gần những tảng đá. Chợt cả đoàn nghe thấy một tiếng kêu vang lên trên không trung như tiếng ngỗng. Âm thanh vang khắp không gian và có vẻ như được phát ra từ một nơi nào đó phía trước mặt. Huân tước Roxton đưa tay ra hiệu cho chúng tôi dừng lại và nhanh như cắt ông chạy đến những tảng đá, đột nhiên khuôn mặt ông biểu lộ một sự kinh ngạc khó tả. Huân tước đứng ngây ra như trời trồng và mãi sau như chợt nhớ là vẫn còn người bạn dưới này, ông mới vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi lại gần. Nhìn điệu bộ của Huân tước tôi đoán rằng có điều gì đó rất tuyệt diệu nhưng cũng vô cùng nguy hiểm đang chờ đợi chúng tôi. 

Cả ba bò lại chỗ Huân tước và cùng nhìn qua những tảng đá. Phía trước là vết tích của một miệng núi lửa đã tắt có hình dạng cái bát. Dưới đáy bát, cách chỗ chúng tôi nằm mấy trăm yard là một hồ nước trong xanh. Đó là nơi kiếm ăn tự nhiên của những con thằn lằn răng giông. Chúng tôi có thể nhìn thấy có đến hàng mấy trăm con trước mặt. Dưới đáy của cái bát (nghĩa là bên bờ hồ nước) là những con thằn lằn con đang chạy nhảy quanh những con mẹ. Rất nhiều thằn lằn mẹ đang nằm ấp những ổ trứng màu vàng nhạt. Từ cộng đồng bò sát khổng lồ này phả lên không trung một mùi tởm lợm đến nỗi suýt làm chúng tôi nôn mửa. Mỗi con ngồi chiễm chệ trên một cục đá. Trông hình dáng cao nghêu cùng một bộ màu da xám của chúng khiến chúng tôi có cảm giác chúng là những sinh vật bị chết khô từ lâu chứ không phải những sinh vật còn sống. Những con đực thì có vẻ đáng sợ hơn. Chúng ngồi bất động và đôi mắt đưa đi đưa lại, thỉnh thoảng chúng dùng cái mõm đầy răng nhọn như hình cái bẫy chuột đớp những con chuồn chuồn bay qua. Đôi cánh khổng lồ được xếp gọn lại phía trước, cái đầu nhô lên cao vì vậy dáng điệu của chúng giống hệt như những bà già quấn khăn len ở cổ. Chỉ có khác đây là những bà già khổng lồ và những cái khăn rất vĩ đại. Cả lớn bé có đến hơn một ngàn con thằn lằn bay, đang đứng trong vùng lòng chảo này. 

Hai vị Giáo sư đáng kính của chúng tôi muốn đứng cả ngày để tận hưởng giấc mơ có thực của họ, được say mê nhìn ngắm những sinh vật thời tiền sử mà họ đã mất bao năm nghiên cứu trên giấy tờ. Hai Giáo sư chỉ trỏ những xác cá hoặc chim chết trên những tảng đá. Đây có lẽ là những thức ăn tự nhiên của loài thằn lằn bay kia. Hai người thì thầm to nhỏ với nhau một hồi lâu và họ đã đi đến thống nhất rằng: Họ đã hiểu vì sao xương cốt của loài rồng bay lại thường tập trung tại một khu vực nhất định với số lượng cực lớn như vậy. Ví dụ như những phát hiện di tích hóa thạch về loài thằn lằn bay tại vùng Greensand. Cuối cùng hai ông đi đến thống nhất rằng giống như loài chim cánh cụt thằn lằn bay cũng sinh sống thành bầy đàn. 

Giáo sư Challenger chui cả đầu qua hốc đá và suýt nữa đã làm cho tảng đá đổ ập xuống đầu chúng tôi. Ngay lập tức một con thằn lằn bay đực trong đàn kêu lên một tiếng vang trời và tung đôi cánh rộng có đến hai mươi feet lên không trung. Những con cái và những con con túm tụm vào nhau bên bờ nước trong khi những con đực khác lần lượt bay lên theo. Thật là tuyệt diệu khi được chứng kiến cảnh một đàn thằn lằn khổng lồ bay lên trời như một đàn én. Nhưng chúng tôi chợt nhận ra rằng bây giờ không phải lúc nấn ná thêm lâu nữa. Đầu tiên đàn thằn lằn bay liệng một vòng như để tìm xem kẻ nào đang rình rập địa phận của chúng. Sau đó chúng bay thấp hơn và cuối cùng lượn ngay trên đầu của chúng tôi. Tiếng vỗ cánh của chúng to đến nỗi tôi có cảm tưởng như đây là một buổi diễn tập máy bay phản lực mà có lần tôi được chứng kiến ở sân bay Hendon. 

– Xích lại gần nhau và nấp kín dưới các tán cây! 

Huân tước kêu to và giương khẩu súng trường lên. Những đôi cánh lớn gần như chạm vào đầu chúng tôi. Chúng tôi dùng báng súng đánh mạnh vào những đôi cánh đó. Bỗng nhiên từ trong cái vòng tròn màu xám đó có một cái cổ thò ra và mổ lên đầu chúng tôi. Cứ liên tiếp như thế những cái cổ khác cũng lao bổ về phía chúng tôi. Giáo sư Summerlee kêu lên một tiếng rồi đưa tay lên mặt. Từ bàn tay ông một dòng máu chảy ra xối xả. Tôi như bị một cú đánh rất mạnh đánh vào phía sau gáy làm xây xẩm cả mặt mày. Giáo sư Challenger ngã vật xuống, tôi cố đỡ ông dậy nhưng lại bị bồi thêm một cú nữa và ngã chồng lên Giáo sư. Ngay lúc ấy tôi nghe thấy tiếng súng bắn voi của Huân tước Roxton vang lên. Khi cố nhìn lên tôi thấy một con thằn lằn bị gãy cánh đang giãy đành đạch trên mặt đất, đôi mắt nó trợn lên nhìn về phía chúng tôi, cái miệng mở to hớp hớp không khí. Trông nó như con quái vật trong những bức tranh thời trung cổ mà tôi vẫn thường hay xem. Đồng bọn của nó nghe thấy tiếng súng liền bay cao lên, nhưng vẫn lượn quanh trên đầu chúng tôi. 

– Nào! – Huân tước kêu lên – Chạy!!! 

Chúng tôi loạng choạng xuyên qua những bụi cây tháo chạy. Khi cả bốn chạy đến những tán cây rộng thì đàn thằn lằn cũng bay theo sát. Giáo sư Summerlee bị một cú mổ nữa và ngã sấp xuống đất. Tôi kéo ông dậy chạy vội vào những đám cây to. Lúc này chúng tôi đã tạm an toàn vì những đôi cánh khổng lồ của chúng không thể vươn xuống bên dưới những cành cây rậm rạp. Vừa cố lết về trại mà trong lòng vẫn chưa hết hoảng sợ khi thấy đàn thằn lằn bay liệng trên đầu. Lúc này chúng chỉ còn nhỏ như những con chim câu xanh, đôi mắt của chúng chắc hẳn đang hằn học nhìn theo hướng chúng tôi đi. Cuối cùng thì đàn thằn lằn cũng bỏ cuộc và bay đi mất dạng. 

– Thật là một trải nghiệm kỳ diệu – Giáo sư Challenger vừa nói vừa rửa vết thương ở đầu gối khi cả bốn chúng tôi nghỉ lại bên bờ suối – Summerlee này! Thế là chúng ta đã biết được thói quen sinh hoạt của loài thằn lằn bay đáng sợ này rồi. 

Giáo sư Summerlee đang lau vết máu trên trán còn tôi thì lấy băng quấn lại vết thương trên cổ. Vai áo của Huân tước Roxton bị xé toạc ra nhưng may thay răng của con thằn lằn bay chỉ mới làm xước nhẹ ở da. 

– Chẳng đáng gì! Anh bạn trẻ của chúng ta chỉ mới bị một nhát vào cổ, ông Summerlee thì bị một đòn vào trán còn ngài Huân tước Roxton mới rách có cái tay áo. Còn tôi thì bị đôi cánh của nó đập liên hồi vào đầu. Như vật chúng ta sẽ kể ọi người ở nhà tất cả các hình thức tấn công của bọn thằn lằn quái vật. 

– Chúng ta thật là mạo hiểm! – Huân tước Roxton nói một cách nghiêm nghị – Đúng ra tôi không nên nổ súng nhưng quả thật tôi không còn lựa chọn nào khác 

– Nếu Huân tước không nổ súng thì chúng ta đã không có như thế này! Tôi nói như kết tội Huân tước. 

– Rất có thể tiếng súng của tôi không làm cho chúng sợ hãi. Có nhiều tiếng thân cây đổ và cành cây gãy trong rừng đã kinh động đến những con thằn lằn bay đó. Nhưng thôi, chúng ta đã phải vất vả quá nhiều trong ngày hôm nay, tốt hơn hết là tất cả chúng ta nên quay trở lại trại để nhỏ mây giọt phê-non. Làm sao có thể biết được liệu trong móng vuốt của những con thằn lằn này có nọc độc không cơ chứ. 

Tôi nghĩ rằng chẳng có ai trên đời này lại trải qua những ngày đáng sợ và cũng đáng nhớ như thế. Theo dòng suối chúng tôi quay trở về trại của mình. Lúc này chúng tôi nghĩ rằng cuộc phiêu lưu của đã kết thúc. Nhưng khi nhìn thấy trại có vẻ như bị thay đổi, tường rào bị xé ra, không thấy có vết chân người nhưng những cành cây lá quạt đã bị bẻ, có kẻ nào đột nhập vào trại của chúng tôi? Đi vào bên trong chúng tôi thấy đồ đạc vương vãi khắp nơi, một số hộp thịt bị toác làm đôi, một hộp đạn bị bóc ra, các tút đồng nằm chỏng chơ. Một cảm giác hoảng sợ bao trùm lấy cả nhóm. Chúng tôi nhìn kỹ xung quanh như cố tìm ra một điều gì đó đang rình rập trong bóng tối quanh đây. May thay lúc đó có tiếng Zambo gọi chúng tôi. Anh ta đang đứng bên kia bờ đá và cười, lộ hàm răng trắng xóa. 

– Ô!!! Giáo sư Challenger! Tôi đang ở đây, đừng sợ, tôi luôn có mặt những lúc ngài cần! 

Khuôn mặt trung thực của Zambo cùng với khung cảnh bao la phía sau anh ta đưa chúng tôi về thực tại và nguôi đi phần nào những ý nghĩ lo sợ về cuộc viếng thăm thế giới nguyên thủy vừa qua. Thật khó mà tưởng tượng được rằng nơi chân trời màu tím xa xôi trên dòng sông Amazon hùng vĩ kia là những con tàu chạy bằng hơi nước bươn bả ngày đêm còn nơi đây chúng tôi phải đương đầu với những sinh vật thời tiền sử. 

Những ký ức tốt đẹp lại ùa về trong tôi. Hai vị Giáo sư thì đang tranh cãi gay gắt về việc những con thằn lằn bay răng giông đó là loài đơn hình hay lưỡng hình. Có vẻ như những vết thương đã làm cả hai ông trở nên nóng nảy hơn. Để tránh phải nghe thêm tranh cãi tôi bèn ra một gốc cây lặng lẽ ngồi hút thuốc. Huân tước Roxton đi ngang qua. 

– Này cậu Malone! – Huân tước nói. – Cậu có nhớ nơi những con thú đó ở không? 

– Rất rõ Huân tước ạ! 

– Đó là một cái miệng núi lửa phải không? 

– Chính xác! 

– Cậu có chú ý đến đất đá ở đó không? 

– Toàn đá! 

– Nhưng ở xung quanh bờ nước cơ mà? Chỗ đám lau sậy ấy? 

– Đó là một loại đất màu xanh, có vẻ như đất sét! 

– Chính xác! Những ngọn núi lửa thường phun đất sét xanh lên bề mặt trái đất! 

– Như thế thì sao? – Tôi hỏi lại. 

– Ồ! Chẳng sao cả! – Huân tước nói rồi quay đến bên hai vị Giáo sư đang cãi nhau kịch liệt. 

Tôi nghe rõ tiếng của Giáo sư Summerlee xen lẫn giọng trầm của Giáo sư Challenger. Tôi sẽ không suy nghĩ gì thêm về những câu hỏi của Huân tước cho tới đêm hôm đó tôi chợt nghe thấy tiếng Huân tước lẩm bẩm một mình: “Đất sét xanh – từ trong miệng núi lửa!”. Đó là những từ cuối cùng tôi nghe được từ miệng Huân tước Roxton nói ra trước khi rơi nhanh vào giấc ngủ sâu sau một ngày dài mệt mỏi và hoảng sợ.

 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN