Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin) - Chương 11: Cơn hấp hối 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)


Chương 11: Cơn hấp hối 3


Anh ngắm người vợ anh đang ôm đầu anh ngủ, biểu hiện ngay trong giấc ngủ những ân cần thắm thiết của tình yêu. Dường như Pauline đang còn nhìn anh và chìa ra cho anh cái miệng xinh tươi hé mở vì một hơi thở đều đều và tinh khiết. Những chiếc răng nhỏ trắng như men sứ làm nổi lên cặp môi đỏ tươi còn thoáng một nụ cười; nước da hồng hào càng thêm thắm, và màu trắng có thể nói vào lúc này càng trắng hơn bất cứ vào giờ nào đằm thắm nhất trong ngày. Vẻ buông lơi duyên dáng đầy tin cậy xen cái kiều mị của tình yêu, những nét kỳ thú của tuổi thơ đang ngủ… Người đàn bà, ngay cả những người tự nhiên nhất, ban ngày vẫn tuân theo một mớ ước lệ xã hội kìm hãm những thổ lộ ngây thơ của tâm hồn; nhưng giấc ngủ dường như trả họ lại với cuộc sống bột phát nó tô điểm tuổi thơ ấu; Pauline chẳng phải hổ thẹn vì một điều gì, như những nhân vật trìu mến và thiên thần ấy, ở họ lý trí chưa xen vào cử chỉ những ý nghĩ, cũng như vào vẻ nhìn những ẩn ý. Nét mặt nàng nổi bật lên trong nền tơ gai mịn của những chiếc gối, những nếp đăng-ten lớn xen lẫn với làn tóc rối đem lại cho nàng vẻ nghịch ngợm trẻ con; nhưng nàng đã ngủ đi trong lạc thú, làn mi dài ngả xuống như để che mắt cho đỡ ánh sáng quá rực rỡ hay để giúp cho sự tĩnh tâm khi cần giữ lại một niềm khoái lạc toàn vẹn mà chốc lát; tai nàng xinh xắn, trắng hồng, đóng khung trong một mớ tóc và nổi lên trong một dải đăng- ten mang tết nút, sẽ làm cho một nghệ sĩ, một họa sĩ, một ông già phải điên dại vì tình, sẽ làm cho một kẻ điên rồ nào đó tỉnh lại. Nhìn người tình nương của mình nằm ngủ, cười trong giấc mơ yên vui dưới sự che chở của anh, yêu anh cả trong chiêm bao, ở cái lúc mà con người đường như không tồn tại nữa, thế mà vẫn hiến anh cái miệng im lặng, ngay trong giấc ngủ vẫn nói với anh cái hôn cuối cùng! Nhìn một người đàn bà tin cậy, nửa mình trần, nhưng trùm bọc trong tình yêu của họ như trong chiếc áo khoác ngoài và trinh bạch giữa cảnh lộn xộn; thưởng ngắm những quần áo bừa bãi, một chiếc bít tất lụa cởi bỏ bộc lộ với anh một niềm tin vô hạn, phải chăng đó là một niềm vui không có tên? Chiếc dây lưng đó là cả một bài thơ; người đàn bà mà nó giữ gìn không còn nữa, họ thuộc về anh, họ đã biến thành anh; từ nay phản bội họ là tự làm tổn thương cho chính mình. Raphaël cảm động ngắm căn phòng nặng ái ân, đầy kỷ niệm, ở đó ánh ngày nhuốm những màu sắc khoái trá, và anh trở lại với người đàn bà hình hài tinh khiết đó, trẻ trung, vẫn còn nồng nàn, mà nhất là tình cảm thuộc về anh không chia sẻ. Anh muốn sống mãi. Khi mắt anh nhìn vào Pauline thì nàng liền mở mắt như bị một ánh nắng rọi vào.

– Chào, tình lang! – Nàng mỉm cười nói. – Con người độc ác, trông anh mới đẹp sao!

Hai mái đầu đượm duyên dáng vì yêu đương, vì tuổi thanh xuân, vì ánh ngày mờ mờ và vì im lặng đó, tạo thành một trong những cảnh thần tiên, mà cái huyền diệu chốc lát chỉ có ở những buổi tình đầu, cũng như cái ngây thơ, cái trong trắng chỉ là những đặc tính của lúc ấu niên. Chao ôi! Những niềm vui đầu xuân của tình yêu đó, cũng như những tiếng cười của ngày thơ trẻ chúng ta, phải trôi qua và chỉ còn sống trong hồi ức của chúng ta để làm chúng ta thất vọng hay đưa lại cho ta chút hương an ủi, tùy theo ủy khúc của những trầm tưởng âm thầm.

– Tại sao em lại thức dậy? – Raphaël nói. – Anh nhìn em ngủ mà vui thú biết mấy, anh những muốn khóc.

– Em cũng vậy, – nàng đáp, – khi đêm em ngắm anh yên nghỉ mà khóc, nhưng không phải vì vui Anh nghe đây Raphaël ạ, nghe em. Khi anh ngủ, hơi thở anh không bình thường, trong ngực anh có cái gì vang lên, làm em sợ. Trong giấc ngủ anh thỉnh thoảng ho khan, giống hệt cha em, cha em chết vì bệnh lao phổi. Em đã nhận ra trong tiếng phổi của anh vài tác động lạ lùng của bệnh đó mà anh lại sốt, em chắc thế, bàn tay anh nhơm nhớp mà nóng bỏng. Anh yêu quý! Anh đang tuổi trẻ, – nàng rùng mình nói, – anh còn có thể chữa khỏi bệnh, nếu chẳng may… À mà không, – nàng vui vẻ kêu lên, – không việc gì mà chẳng may, bệnh này lây, thầy thuốc bảo thế. – Nàng giơ hai tay ôm choàng lấy Raphaël, nhè hơi thở của anh đặt một cái hôn, muốn truyền vào anh tâm hồn nàng. – Em chẳng muốn chết già, – nàng nói. – Chúng ta cùng chết trẻ cả hai, và, tay đầy hoa, chúng ta đi thẳng lên trời.

– Những dự kiến đó bao giờ cũng xây dựng lúc ta còn khỏe mạnh, – Raphaël vừa đáp vừa lùa tay vào tóc Pauline. Nhưng vừa lúc đó anh lên một cơn ho kinh khủng, những cơn ho rũ rượi và âm vang đó như xuất phát từ một chiếc quan tài, cơn ho làm người ốm tái mặt đi và run rẩy, mồ hôi toát đẫm, sau khi gân cốt chuyển động, xương sườn lung lay, tủy sống mỏi mệt và mạch máu tưởng như trì đọng… Raphaël rã rời, tái mét, thong thả nằm xuống, suy sụp như một người mà bao nhiêu sức lực tiêu tan trong một sự cố gắng cuối cùng. Pauline sợ hãi trố mắt nhìn đăm đăm và ngồi ngay đờ, im lặng, mặt trắng nhợt.

– Thôi, anh quý mến của em ạ, chúng ta đừng làm chuyện điên rồ nữa, – nàng nói và giấu Raphaël những điều khủng khiếp mà linh tính khuấy rối nàng. Nàng lấy tay che mặt, vì bộ xương gớm ghiếc của thần chết thoáng hiện ra.

Mặt Raphaël tái nhợt và hốc hác như một chiếc sọ đào từ đáy sâu bãi tha ma để cho nhà bác học nào nghiên cứu Pauline nhớ lại lời than mà Valentin thốt ra hôm trước, và tự nhủ: Phải đấy, có những vực thẳm mà tình yêu không thể vượt qua được mà nó sẽ bị chôn vùi ở đó.

Vài ngày sau cái cảnh thê thảm đó, vào một buổi sáng tháng Ba, Raphaël ngồi trong chiếc ghế bành, chung quanh là bốn ông thầy thuốc, họ cho đặt anh ra ánh sáng trước cửa sổ buồng ngủ, và thay phiên nhau, bắt mạch, sờ nắn, hỏi anh vẻ quan tâm ra mặt. Người ốm dò xét ý nghĩ họ, đoán qua cử chỉ họ cũng như những nếp nhăn hơi gợn trên trán họ. Buổi khám bệnh này là hy vọng cuối cùng của anh, những quan tòa tối cao đó sẽ tuyên án anh sống hay chết. Vì vậy, để giành giật lấy tiếng nói tối hậu của khoa học loài người, Valentin đã cầu cứu đến những lời phán định của y học hiện đại. Nhờ tài sản và gia thế của anh, ba hệ thống tư tưởng mà kiến thức loài người đang còn chưa ngã ngũ về phía nào đều hiện diện trước mặt anh. Ba người trong các bác sĩ đó mang ở họ tất cả triết lý y học, đại diện cho cuộc đấu tranh giữa thuyết Duy Linh, thuyết Phân tích và cái gọi là thuyết Chiết trung nhạo báng gì đó. Thầy thuốc thứ tư là Horace Bianchon, một người có tiền đồ, có khoa học, có lẽ là người xuất sắc nhất trong các thầy thuốc mới, đại biểu khôn ngoan và khiêm tốn của đám thanh niên hiếu học sẵn sàng để kế thừa bao nhiêu tài sản do Trường phái Paris tích lũy được từ năm mươi năm nay, và có lẽ họ sẽ xây dựng cái công trình mà những thế kỷ trước đã thu thập bao nhiêu tài liệu đủ loại. Là bạn của hầu tước và của Rastignac, từ ít lâu nay anh đã chăm sóc cho Raphaël và giúp anh trả lời những câu hỏi của ba vị giáo sư mà đôi khi anh đã trình bày với họ, có phần nhấn mạnh, những triệu chứng anh thấy giống như của bệnh lao phổi.

– Chắc là ông đã làm nhiều điều thái quá, sống một cuộc đời phóng đãng, ông lại theo đuổi những công trình lớn về trí tuệ? – Một trong ba bác sĩ trứ danh bảo Raphaël, cái đầu vuông vắn, khuôn mặt nở nang, thể chất cường tráng của ông dường như tỏ lộ một thiên tài ưu việt hơn hai đối thủ của ông.

– Tôi đã muốn hành lạc để chết đi sau khi làm việc trong ba năm trời viết một tác phẩm lớn mà có lẽ một ngày kia ông sẽ quan tâm tới, – Raphaël đáp.

Vị bác sĩ to lớn gật gù tỏ vẻ hài lòng, và hình như tự nhủ thầm: – Ta đã biết mà? Bác sĩ đó là Brisset danh tiếng, thủ lĩnh phái Duy thể[1] người kế tiếp của những Cabanis [2] và Bisa – người thầy thuốc của những tư tưởng tích cực và duy vật, xem thấy con người là một thực thể hữu hạn, chỉ tuân theo những quy luật về cơ cấu của bản thân nó, mà trạng thái bình thường hay những dị thường nguy hại được giải thích bằng những nguyên nhân hiển nhiên.

Nghe câu trả lời, Brisset lặng lẽ nhìn một người tầm thước trung bình, mà mặt đỏ gay, mắt nảy lửa trông giống như một thần Satyres[3] cổ đại nào đó, và, lưng tựa bên khung cửa, ông ta lặng thinh chăm chú ngắm nhìn Raphaël. Là người cuồng nhiệt và tín ngưỡng, bác sĩ Caméristus, thủ lĩnh phái sinh tồn luận[4], tay Ballanche[5] của y học, người bảo vệ hào hứng những thuyết trừu tượng của Van Helmont[6] xem cuộc sống con người nhà một nguyên lý cao, bí ẩn, một hiện tượng không giải thích được, nó bất chấp những lưỡi dao mổ xẻ, đánh lừa phẫu thuật, thoát ra ngoài những thuốc men của khoa dược học, những x của đại số, những chứng minh của giải phẫu học và nhạo báng cố gắng của chúng ta; nó là một loại ngọn lửa không sờ mó được, không trông thấy, tuân theo quy luật thần thánh nào đó, và thường nó ở lại một thể xác đã bị ta quyết đoán là bị loại, cũng như nó rút khỏi những cơ cấu tráng kiện nhất.

Một nụ cười cay chua thoáng trên môi người thứ ba bác sĩ Maugredie, nhân vật xuất sắc, nhưng hoài nghi và nhạo báng chỉ tin ở lưỡi dao mổ, nhượng bộ trước Brisset về cái chết của một người khỏe mạnh hẳn hoi, và thừa nhận với Caméristus rằng một người còn có thể sống sau khi đã chết. Ông ta xem thấy tất cả mọi học thuyết đều có cái hay, không theo một thuyết nào cả, cho rằng thuyết y học hay nhất là không có học thuyết mà chỉ căn cứ vào sự kiện. Là Panurge về trường phái, ông vua của quan sát, nhà thám hiểm lớn đó, tay nhạo báng lớn đó, con người của những mưu toan tuyệt vọng, ngắm nghía miếng Da lừa.

– Tôi muốn được chứng kiến tình trạng ăn khớp giữa những ước muốn của ông và sự co lại của miếng da này, – ông ta nói với hầu tước.

– Chẳng cần, – Brisset kêu lên.

– Chẳng cần, – Caméristus nhắc lại.

– A ha? Các ngài nhất trí, – Maugredie đáp.

– Sự co hẹp đó rất dễ hiểu, – Brisset nói thêm.

– Nó thật dị thường.

– Quả vậy, – Maugredie đáp làm ra vẻ trịnh trọng và trả lại Raphaël miếng Da lừa, – da mà khô đét lại là một sự kiện không thể giải thích được nhưng nó rất tự nhiên, từ khai thiên lập địa đến giờ nó làm cho cả y học và những giai nhân nản lòng.

Ngắm mãi ba bác sĩ, Valentin không tìm thấy ở họ một chút cảm thông nào với nỗi đau đớn của anh. Cả ba người, im lặng sau mỗi lời đáp, bàng quan ngắm nghía anh và hỏi anh mà không chút ái ngại cho anh. Qua sự lễ độ của họ lộ rõ vẻ thờ ơ. Hoặc vì vững tin, hoặc vì suy nghĩ họ ít nói, nói hững hờ đến mức lắm lúc Raphaël tưởng họ đãng trí. Thỉnh thoảng duy chỉ có Brisset là đáp: “Được! đúng” về những triệu chứng tuyệt vọng mà Bianchon dẫn ra trong thuyết minh. Caméristus thì mê mệt trong cơn mơ màng, Maugredie thì giống như một nhà viết hài kịch nghiên cứu hai mẫu người thật để trung thành đưa lên sân khấu. Mặt Horace để lộ ra một nỗi đau khổ sâu xa, một niềm thương xót đầy phiền muộn. Anh chỉ mới làm thầy thuốc được ít lâu cho nên chưa vô tình trước sự đau đớn và chưa thản nhiên bên một giường tang; anh không biết cầm giọt lệ thắm thiết nó ngăn trở người ta nhìn thấu suốt và, như một ông tướng cầm quân, tóm lấy thời cơ thuận lợi để chiến thắng, mà không lắng nghe những tiếng kêu than của kẻ hấp hối. Sau khoảng nửa giờ làm cái việc có thể gọi là đo căn bệnh và người ốm, như một người thợ may đo để may chiếc áo cho một chàng trai đặt may quần áo cưới, họ nói vài điều chung chung bàn cả việc công; rồi họ định sang phòng làm việc của Raphaël để trao đổi ý kiến và thảo nghị án.

– Thưa các vị, – Valentin hỏi họ, – vậy thì tôi không được tham dự cuộc tranh luận hay sao?

Nghe hỏi, Brisset và Maugredie la lên phản đối kịch liệt và, mặc dầu người ốm cố nài, họ từ chối không thảo luận trước mặt anh. Raphaël phục tùng tục lệ, nghĩ rằng mình có thể lẻn vào một hành lang, ở đó anh sẽ nghe được rõ ràng những điều tranh luận giữa ba giáo sư.

– Thưa các vị – Brisset vừa bước vào vừa nói – cho phép tôi được phát biểu ngay ý kiến của tôi. Tôi không muốn buộc các vị theo nó cũng như đưa nó ra tranh luận. Trước hết nó rành mạch, chính xác, và do một trạng thái tương tự hoàn toàn giữa một trong những bệnh nhân của tôi và con bệnh mà chúng ta được mời đến khám: va lại tôi đang có người chờ ở bệnh viện. Việc quan trọng cần sự có mặt tôi ở đó thể tất cho việc tôi nói trước tiên này. Con bệnh mà chúng ta xét nghiệm cũng bị suy nhược vì những công trình về trí tuệ…

– Ông ấy đã làm gì, Horace nhỉ? – ông hỏi người thầy thuốc trẻ tuổi.

– Một luận thuyết về ý chí.

– A ha! Quỷ quái, đó là một đề tài rộng lớn mà. Ông ấy bị suy nhược, tôi nói, vì tư duy thái quá, vì chế độ sống lầm lạc, vì dùng liên tiếp những chất kích thích quá mạnh. Như vậy tác động mạnh của thể xác và của trí óc đã làm sai lạc sự vận dụng của toàn bộ cơ thể. Thưa các vị, qua những triệu chứng ở mặt và thân thể cũng dễ nhận ra sự kích động kỳ dị ở dạ dày, dây thần kinh giao cảm bị loạn, thượng vị rất dễ đau mà vùng hạ sườn thì bị thắt lại. Các vị đã nhận thấy gan sưng và to ra. Sau hết, ông Bianchon, luôn luôn quan sát sự tiêu hóa của bệnh nhân, đã bảo chúng ta rằng tiêu hóa khó khăn, nhọc mệt. Nói cho đúng, không còn dạ dày nữa; con người đã lẩn mất. Trí năng bị suy yếu đi vì con người không tiêu hóa nữa. Thượng vị, trung tâm của sự sống, bị hư biến dần làm cho cả hệ thống chệch choạc. Từ đó khuếch tán thường xuyên và hiển nhiên, sự rối loạn đã qua hệ dây thần kinh lên óc, do đó cơ quan này nhức nhối dữ. Chứng cuồng chấp xuất hiện. Bệnh nhân bị một ý kiến cố định chi phối. Đối với ông ta miếng Da lừa này co lại thật sự, có lẽ từ trước nó vẫn y như chúng ta đã thấy; nhưng dù nó có hay không, miếng da lừa đó đối với ông ta cũng giống như nốt ruồi trên mũi của viên tổng lý đại thần[7] nào đó. Phải lập tức đặt đ********* lên vùng thượng vị, làm dịu sự kích thích cơ quan đó – cơ sở của toàn thể con người, cho bệnh nhân sống theo chế độ ăn uống, chứng cuồng chấp.sẽ hết. Tôi không còn nói gì hơn với bác sĩ Bianchon, chắc ông nắm được toàn bộ và chi tiết việc điều trị. Có thể có biến chứng, có thể đường hô hấp cũng kích động nhưng tôi tin rằng điều trị bộ máy tiêu hóa quan trọng hơn nhiều, cần thiết hơn, cấp bách hơn điều trị phổi. Việc nghiên cứu lâu dài những bộ môn trừu tượng và một số dục vọng quá mạnh đã gây biến động trầm trọng trong cơ chế sống, tuy nhiên còn thì giờ để uốn nắn lại những dây cót, chưa có chỗ nào bị hư quá nặng. Như vậy ông có thể cứu được bạn ông dễ dàng, – ông ta nói với Bianchon.

– Bạn đồng nghiệp uyên bác của chúng ta lấy kết quả làm nguyên nhân, – Caméristus đáp. Đúng, những bộ phận hư được ông quan sát rất đúng, có ở bệnh nhân, nhưng chẳng phải từ dạ dày mà tuần tự sinh ra những khuếch tán trong cơ thể và hướng về phía não như một vết rạn tỏa ra những tia nứt trên mặt kính. Phải đã có cái gì đập vào mới làm thủng được tấm kính; nhát đập đó, ai đã gây ra? Chúng ta có biết điều đó không? Chúng ta đã quan sát bệnh nhân đầy đủ chưa? Chúng ta có thế biết hết mọi biến cố trong cuộc đời của ông ta không? Thưa các vị cái nguyên lý sinh tồn, cái nguyên khí Van-Helmont ở ông ta đã bị thương tổn, bản thân sự sinh tồn đã bị xâm phạm trong bản chất, cái tia chớp thần thánh, cái trí tuệ quá độ nó như làm sợi dây liên lạc cho bộ máy và nó sản sinh ra ý chí, khoa học của cuộc sống, đã thôi không điều chỉnh những hiện tượng hàng ngày của bộ máy và chức năng của mỗi cơ quan nữa; từ đó phát sinh ra những rối loạn mà bạn đồng nghiệp uyên thâm đã thẩm định rõ đúng. Sự vận động không phải đi từ thượng vị tới não, mà là từ não đi tới thượng vị, – Không, ông ta vừa nói vừa vỗ mạnh vào ngực, – không, bản thân tôi chẳng phải là một cái dạ dày thành người! Không, tất cả vấn đề chẳng phải là ở đó Tôi tự thấy không có can đảm mà nói rằng nếu thượng vị tôi lành mạnh, thì tất cả cái khác chỉ là hình thức. Chúng ta không thể, – ông nói tiếp dịu dàng hơn, – gán cho một nguyên nhân vật chất chung và điều trị theo một phương pháp chung những rối loạn trầm trọng xảy ra ở những con bệnh khác nhau và nhiều hay ít bị thương tổn nặng. Không một người nào giống người vào. Chúng ta có những cơ thể riêng biệt, hình thành khác nhau, nuôi dưỡng khác nhau, khả dĩ làm những nhiệm vụ khác nhau, và phát triển những vấn đề cần thiết cho sự hoàn thành một trật tự sự vật mà chúng ta không biết. Cái bộ phận của vạn vật do một ý chí tối cao tới gây ra và duy trì ở chúng ta hiện tượng tri giác, tác động theo thể thức khác nhau ở mỗi con người, và tạo họ thành một thực thể bề ngoài xem như hữu hạn, nhưng ở một điểm nó song song tồn tại với một nguyên cớ vô hạn. Vì vậy chúng ta phải nghiên cứu từng con bệnh riêng biệt, thấu hiểu họ, nhận ra sự sinh hoạt của họ như thế nào, khí lực của họ ra sao. Từ trạng thái mềm mại của miếng bọt biển ngấm nước đến trạng thái cứng rắn của hòn đá bọt, có vô vàn những tiểu dị. Con người là thế đấy. Giữa những tổ chức bạch huyết xốp và cái cứng cáp như kim loại của gân cốt một số người trường mệnh, biết bao sai lầm không thể không mắc phải cái phương pháp điều trị độc tôn, ráo riết bằng sự đốn tỏa, bằng sự kiềm chế sức lực con người mà ông cho rằng luôn luôn bị kích thích! Vậy thì ở đây, tôi chủ trương một phương pháp điều trị hoàn toàn về tinh thần, một sự thẩm tra sâu xa về nội tâm con người. Chúng ta hãy đi tìm căn bệnh trong một tâm hồn chứ không phải trong ruột non ruột già. Một thầy thuốc là một người có tình cảm, được ban một tài năng đặc biệt, mà Thượng đế trao cho cái khả năng thấu suốt sự sinh tồn cũng như người ban cho các nhà tiên tri những con mắt để ngắm nhìn tương lai, cho nhà thơ khả năng truy tưởng thiên nhiên, cho nhạc sĩ khả năng điều chỉnh âm thanh theo một trật tự hài hòa mà mẫu mực là ở trên kia, có lẽ!

– Vẫn cái y học chuyên chế, quân chủ và tôn giáo của ông ta, – Brisset lẩm bẩm.

– Thưa các vị, – Maugredie vội vã nói, vội vã che lấp lời Brisset thốt ra, – chúng ta không nên quên lưu ý tới bệnh nhân…

– Vậy ra tình hình khoa học bây giờ là thế đấy! – Raphaël buồn rầu thốt lên. – Việc chữa bệnh cho ta lập lờ giữa một chuỗi tràng hạt và một xâu đ*********: giữa lưỡi dao mổ của Dupuytren[8] và lời cầu nguyện của hoàng tử Hohenlohe[9]. Trên con đường ranh giới giữa sự kiện và lời nói, giữa vật chất và tinh thần, Maugredie đứng đó, nghi hoặc. Đâu đâu cái có và không của con người cũng theo đuổi ta. Vẫn là cái Carymary Carymara của Rabelais: ta ốm về tinh thần, carymary! Hay ốm về thể chất: carymara! Ta có sống được không? Họ không biết. Ít ra Planchette cũng thật thà hơn, khi bảo ta: Tôi không biết.

Lúc đó, Valentin nghe tiếng nói của bác sĩ Maugredie.

– Bệnh nhân mắc chứng cuồng chấp, điều đó, đồng ý. – ông ta kêu lên, – nhưng ông ta có hai mươi vạn quan thực lợi: những kẻ cuồng chấp đó hiếm hoi lắm và ít ra chúng ta cũng phải cho họ một ý kiến. Còn như muốn biết thượng vị đã tác động đến não, nay não đến thượng vị, có lẽ chúng ta có thể kiểm tra sự kiện đó sau khi ông ta chết. Vậy ta hãy tóm tắt lại. Ông ta ốm, sự kiện đó thì không chối cãi được. Cần phải có cách nào điều trị. Hãy để đấy mọi học thuyết. Dùng đ********* làm dịu nhức ruột và loạn thần kinh là hai chứng mà chúng ta nhất trí, rồi đưa ông ta đi nghỉ ở vùng Suối nước: chúng ta hành động theo cả hai phương pháp. Nếu ông ấy lao phổi, chúng ta chẳng thể cứu được như vậy…

Raphaël vội vã rời hành lang và lại trở vào ngồi xuống ghế bành. Chẳng bao lâu bốn ông thầy thuốc ở phòng làm việc sang. Horace phát ngôn, nói:

– Các vị đây đều nhất trí nhận thấy cần phải đặt ngay đ********* lên vùng dạ dày, và một cuộc điều trị cả về thể chất lẫn tinh thần là cấp bách. Trước hết phải theo một chế độ ăn uống, để làm dịu sự kích thích cơ thể.

Chỗ này, Brisset làm hiệu tán đồng.

– Rồi một chế độ vệ sinh để tác động tới tinh thần anh. Vì vậy chúng tôi đồng thanh khuyên anh đi nghỉ ở suối nước Aix tại Savoie, hay suối Kim Sơn tại Auvergne, nếu anh ưa hơn; không khí và phong cảnh miền Savoie thì tốt hơn miền Cantal, nhưng cứ tùy theo ý thích của anh.

Chỗ đó, bác sĩ Caméristus để lộ ra một cử chỉ tán thành.

– Các vị đây – Bianchon lại nói – đã nhận thấy bộ máy hô hấp bị hư nhẹ đều nhất trí rằng những lệnh của tôi trước đây là tốt. Các vị nghĩ rằng bệnh anh cũng dễ lành và tùy theo việc sử dụng luân chuyển một cách khôn ngoan những phương pháp khác nhau đó… và…

– Và tại sao con gái ông câm là như thế đó[10] – Raphaël vừa nói vừa mỉm cười, và kéo Horace vào phòng làm việc để trao trả tiền công cuộc khám bệnh vô ích đó.

Họ logic lắm, – người thầy thuốc trẻ bảo anh. – Caméristus cảm giác, Brisset thẩm xét, Maugredie nghi hoặc. Con người chẳng phải có một linh hồn, một thể xác và một lý trí đó sao? Một trong ba căn nguyên khởi thủy đó tác động ở chúng ta mạnh nhiều hay ít, và bao giờ cũng sẽ có yếu tố con người trong khoa học loài người. Anh hãy tin ở tôi, Raphaël ạ, chúng tôi không chữa khỏi, mà là giúp cho khỏi. Giữa y thuật của Brisset và y thuật của Caméristus còn có y thuật dựa vào quan sát, nhưng muốn thực hành cái này cho thành công thì phải biết rõ bệnh nhân của mình từ mười năm trước. Trong đáy sâu của y học có sự phủ định cũng như ở tất cả mọi khóa học. Vậy anh cố gắng sinh hoạt điều độ, thử đi Savoie một chuyến, cái tốt nhất vẫn là và mãi mãi sẽ là tự giao phó cho tự nhiên.

Raphaël đi nghỉ suối Aix.

Vào một buổi chiều hè đẹp, sau buổi đi dạo, một số người nghỉ tại suối Aix hội họp ở phòng khách Câu lạc bộ. Ngồi một mình ở bên cửa sổ và quay lưng lại cử tọa, Raphaël chìm đắm rất lâu vào một giấc mơ màng tự động trong đó tư duy của ta nảy nở tiếp diễn, tiêu tan không mang hình thái, và trôi qua trong ta như những đám mây nhẹ gần như không màu sắc. Bấy giờ thì buồn dịu dàng, vui mơ hồ, và tâm hồn thiu thiu ngủ. Thả mình trong cuộc sống cảm tính đó, Valentin tắm mình trong bầu không khí buổi chiều ấm áp, hít thở khí trời sạch thơm tho miền sơn dã khoan khoái vì không cảm thấy đau đớn gì và cuối cùng đã làm cho miếng Da lừa nguy hại thành vô hiệu. Đến lúc những ánh đỏ của hoàng hôn tắt trên ngọn cây, trời trở lạnh, anh đóng cửa sổ và rời chỗ.

– Thưa ông, – một bà già nói với anh, – xin ông này, vui lòng để ngỏ cửa. Chúng tôi đang chết ngạt.

Lời nói khó nghe và đặc biệt gay gắt làm chối tai Raphaël nó như lời vụng về của một người mà ta muốn tin rằng có thiện cảm, nhưng nó làm tiêu tan chút ảo tưởng êm đềm về tình cảm và để lộ ra một vực thẳm ích kỷ. Hầu tước lạnh lùng đưa mắt nhìn mụ già như một nhà ngoại giao thản nhiên, anh gọi một người hầu tới và cụt ngủn bảo: – Mở cái cửa này ra!

Nghe mấy tiếng đó, mặt mọi người ngỡ ngàng khó chịu. Cử tọa xôn xao, nhìn người ốm với vẻ ít nhiều xét nét, dường như anh đã phạm một điều xấc xược nghiêm trọng gì đó. Raphaël vì chưa hoàn toàn lột bỏ được cái tính bẽn lẽn ban đầu của tuổi trai trẻ, tỏ vẻ xấu hổ; nhưng rồi anh trấn tĩnh, lấy lại nghị lực và tự vấn tâm về cái cảnh lạ lùng đó. Đột nhiên đầu óc anh linh hoạt lên, thời gian qua hiện ra trước mắt anh rõ ràng và những nguyên nhân mối ác cảm của mọi người đối với anh nổi bật lên như những mạch máu một xác thịt mà các nhà tự nhiên học dùng thứ thuốc tiêm nào đó làm cho từng chi nhánh nhỏ nhất cũng nổi màu; anh nhận ra bản thân mình trong bức tranh thoáng qua đó, anh theo dõi cuộc sống của anh, từng ngày một, từng ý nghĩ một; anh không khỏi ngạc nhiên thấy mình ủ rũ và lơ đãng giữa cái đám người vui cười đó, lúc nào cũng nghĩ đến số phận mình, chăm chú đến bệnh tật mình, tỏ ra coi khinh sự trò chuyện vô nghĩa nhất, trốn tránh những việc làm thân ngắn ngủi và mau chóng giữa các du khách vì họ chắc chắn sẽ không còn gặp nhau nữa, ít quan tâm đến người khác và rút cục giống như những tảng đá vô tri trước sự mơn trớn cũng như sự cuồng nộ của sóng biển. Rồi, nhờ một ưu tính về trực giác hiếm có, anh nhìn thấu mọi tâm hồn: khi nhận ra dưới ánh đèn cái sọ vàng, cái nét mặt châm chọc của một ông già, anh nhớ ra đã đánh bạc với lão ta anh được mà không để cho lão đánh gỡ; phía xa, anh trông thấy một mỹ nhân mà anh đã phớt lạnh trước những điệu bộ õng ẹo của cô nàng, mỗi bộ mặt đều trách móc anh về một lỗi lầm bề ngoài khó giải thích, nhưng cái tội của nó bao giờ cũng nằm trong một vết thương vô hình đánh vào lòng tự ái. Anh đã vô ý thức xúc phạm đến tất cả những tấm lòng tự phụ nhỏ nhen chúng châu lại quanh anh. Những khách dự các cuộc vui của anh hay những kẻ được anh mời mọc ngựa xe đều bất bình vì sự sang trọng của anh; ngạc nhiên vì sự vô ơn của họ, anh miễn sỉ vả họ thì họ lại tưởng bị anh khinh rẻ, và kết tội anh lên mặt quý phái. Thăm dò lòng người như vậy, anh nắm được những ý nghĩ thầm kín nhất của họ; anh đâm kinh tởm xã hội, cái lịch sự của nó, lớp sơn hào nhoáng của nó. Giàu có mà lại có đầu óc hơn đời, anh bị người ta đố kỵ, thù ghét, với những kẻ tiểu nhân và nông nổi ấy, anh im lặng làm họ mất tò mò, anh khiêm tốn thì họ tưởng anh làm cao. Anh đoán biết cái tội ngấm ngầm và không tha thứ được mà anh phạm với họ; anh vượt ra ngoài sự phán xét của bọn tầm thường đó. Chống lại số chuyên chế xoi mói của họ, anh biết cách bất cần họ; để trả thù cái thói vương giả ngầm đó, tất cả bọn họ tự nhiên câu kết với nhau để làm cho anh cảm thấy quyền hành của họ, kết án trục xuất anh thế nào đó, và để anh biết rằng họ cũng có thể bất cần anh. Thoạt tiên anh thương hại khi nhìn vào cái xã hội đó, chẳng bao lâu anh rùng mình nghĩ tới cái quyền năng uyển chuyển nó lật bỏ trước mắt anh tấm màn xương thịt che đậy bản chất tinh thần, và anh nhắm mắt lại như để khỏi nhìn thấy gì nữa. Bỗng chốc, một tấm màn đen che lên cái ảo ảnh ảm đạm của sự thật đó, nhưng anh lâm vào cái cảnh cô độc kinh khủng nó chờ đợi những Thế lực và những Quyền hành. Lúc đó anh lên một cơn ho rũ rượi. Đã không nhận được lấy một lời dù lạnh nhạt ra mặt, nhưng ít ra cũng còn làm vẻ động lòng trắc ẩn lễ phép của những con người lịch sự ngẫu nhiên tụ họp với nhau, anh lại còn nghe thấy những lời thù địch thốt lên và những lời phàn nàn thì thầm. Xã hội cũng chẳng cần bẽ mặt vì anh nữa, có lẽ vì anh đã biết tỏng họ rồi.

– Bệnh hắn hay lây.

– Ông chủ tịch Câu lạc bộ đáng lẽ phải cấm không cho hắn vào phòng khách.

– Cứ theo phép xã giao, thật ra là cấm không được ho như vậy.

– Một người mà ốm nặng đến thế, đáng lẽ không được đến nghỉ ở Suối.

– Hắn làm tôi đến phải bỏ nơi đây.

Raphaël đứng dậy để trốn tránh sự chửi rủa chung và đi dạo trong phòng. Anh muốn tìm một sự che chở và bước tới gần một thiếu phụ ngồi rỗi, mà anh định ngỏ mấy lời tán tỉnh, nhưng, khi anh đến gần thì chị ta quay lưng lại và giả tảng nhìn xem những người nhảy múa. Raphaël lo sợ trong buổi tối nay đã phải sử dụng đến tấm bùa; anh cảm thấy không đủ ý chí và can đảm để bắt chuyện, rời bỏ phòng khách và lẩn sang buồng đánh bi-a. Ở đó chẳng một ai nói với anh, chào anh hay chỉ thoáng nhìn anh với chút từ tâm. Đầu óc vốn trầm mặc và do nặng tính hấp thụ dinh dưỡng, anh nhận ra cái nguyên nhân chung và hợp lý về mối ác cảm anh gây nên. Cái xã hội nhỏ này tuân theo, mà có lẽ không biết, cái quy luật trọng đại nó chi phối xã hội thượng lưu mà Raphaël đến nay hiểu biết đạo lý cay nghiệt của nó. Một cái nhìn ngược lại cho anh thấy điển hình trọn vẹn của nó ở Foedora. Anh không thể tìm được mối thiện cảm vì bệnh tật của anh ở xã hội này, cũng như vì những nỗi đau lòng của anh ở xã hội kia. Cái xã hội hào hoa trục xuất ra khỏi nó những kẻ đau khổ, như một người tráng kiện tống ra khỏi thân thể mình một nguyên tố bệnh tật. Xã hội thượng lưu kinh hãi những đau thương và bất hạnh, nó sợ chúng như bệnh lây, nó không bao giờ do dự giữa chúng và thói hư; thói hư là một xa xỉ phẩm. Một điều bất hạnh dù tôn nghiêm đến thế nào, xã hội cũng biết cách hạ thấp nó, giễu cợt nó bằng một lời châm chọc; họ vẽ biếm họa để ném lên đầu những ông vua thất thế nhưng sỉ nhục mà bọn này đã gây ra cho họ; giống như những thanh nữ La Mã ở đấu trường, họ không bao giờ thương hại kẻ đấu sĩ đã ngã xuống; họ sống trên tiền bạc và sự nhạo báng; Yếu thì chết! Đó là lời nguyền rủa của cái thứ giai cấp Kị sỹ[11] được thiết lập ở khắp các quốc gia trên trái đất, vì ở đâu đâu bọn giàu có cũng ngoi lên, và câu châm ngôn đó được ghi ở đáy những quả tim do giàu có nhào nặn hay do giai cấp quý tộc nuôi dưỡng. Anh tập hợp lũ trẻ em vào một trường trung học chăng? Cái hình ảnh thu nhỏ của xã hội đó, mà hình ảnh càng ngây thơ và thật thà lại càng chân thực, luôn luôn bày ra trước mắt anh những kẻ hèn mọn tội nghiệp, những nhân vật của khổ hạnh và đau thương thường xuyên đặt giữa sự khinh rẻ và lòng thương hại: kinh Phúc âm hứa hẹn với họ thiên đường. Anh bước xuống bậc thang thấp hơn của trật tự động vật chăng? Nếu con vật có cánh nào bị đau ốm giữa đám gia cầm trong sân, những con khác chạy theo mổ nó, vặt lông nó và giết nó. Trung thành với bản hiến chương của chủ nghĩa vị kỷ đó, xã hội rất mực khắc nghiệt đối với những kẻ nghèo khổ dám táo bạo đến làm ngang trở những hội hè của nó, làm phiền nhiễu những lạc thú của nó. Kẻ nào đau khổ về thể xác hay tâm hồn, không tiền của hay quyền hành, là một tên cùng đinh. Họ cứ yên trong sa mạc của họ; nếu họ vượt qua giới tuyến, họ sẽ thấy đâu đâu cũng là mùa đông giá lạnh; giá lạnh trong những vẻ nhìn, giá lạnh trong thái độ, trong lời nói, trong tấm lòng; may mắn là họ không bị nguyền rủa ở chỗ mà đáng lẽ họ phải được an ủi. Hấp hối ư, anh cứ nằm im trong cái giường bỏ chơ chỏng của anh. Già nua ư, anh cứ trơ trọi trong gian nhà lạnh lẽo của anh. Gái nghèo không hồi môn ư, cô cứ rét cóng và đốt lòng trong gian gác xép hiu quạnh của cô. Nếu xã hội dung thứ một cảnh bất hạnh, phải chăng là để gia công nó mà sử dụng, lợi dụng nó, đóng cương cho nó, đeo hàm thiếc, phủ mông cho nó, cưỡi lên nó, biến nó thành trò mua vui? Hỡi các thị tỳ ốm ho, hãy làm bộ mặt cho vui? Hãy gắng chịu hơi hướng của bà tự xưng là ân nhân mình; hãy ẵm chó của họ; là đối thủ những con chó ăng-lê của họ, các chị hãy mua vui cho họ, dò xét ý tứ họ, rồi im đi. Còn anh, ông vua của những kẻ hầu không áo dấu, tên ăn bám mặt dày mày dạn, hãy để tâm tính anh ở nhà, hãy tiêu cơm theo kiểu người đãi anh tiêu cơm, khóc tiếng khóc của họ, cười kiểu cười của họ, hãy coi những lời đả kích của họ là êm tai; nếu anh muốn gièm pha họ, hãy chờ lúc họ bị thất thế. Đó, xã hội thượng lưu trọng vọng chuyện bất hạnh là như thế đó; họ giết chết nó hay xua đuổi nó, làm nhục nó hay đem thiến nó.

Những ý nghĩ ấy nảy nở trong lòng Raphaël đột ngột như một thi hứng: anh nhìn quanh anh, và cảm thấy cái giá lạnh bi thảm mà xã hội tỏa ra để đuổi xa cảnh khốn khổ, và nó làm chết cứng tâm hồn còn mạnh hơn cả gió bấc tháng Chạp làm cho thân thể chết cóng. Anh khoanh tay trên ngực, tựa lưng vào tường và sa vào một mối u sầu cùng cực. Anh nghĩ tới chút ít sung sướng mà cái trò cảnh sát ghê gớm kia đem lại cho xã hội thượng lưu. Nó là cái gì? Những trò vui không thú vị, niềm hân hoan không vui vẻ những hội hè không lạc thú, nỗi tê mê không khoái trá, nghĩa là củi hay tro trong một bếp lò, mà không có một tia lửa. Lúc anh ngẩng đầu lên thì chỉ thấy trơ một mình, những người chơi đã chạy mất cả. – Muốn làm cho họ ưa trọng cơn ho của ta chỉ cần ta để lộ cho họ biết uy quyền của ta! – Anh nhủ thầm. Nghĩ thế, anh quăng ra tấm lòng khinh bỉ như chiếc màn che giữa xã hội và anh.

Ngày hôm sau viên thầy thuốc của suối nước đến thăm anh ra vẻ ân cần và lo lắng cho sức khỏe của anh. Raphaël cảm thấy vui vẻ khi nghe thấy những lời thân mật nói với anh. Anh thấy trên nét mặt của bác sĩ in vẻ hiền hậu, tử tế, những vòng uốn bộ tóc giả màu vàng hung của ông đượm lòng nhân hậu, cách may chiếc áo vuông vắn, những nếp quần, đôi giầy rộng lớn như của mốt giáo đồ, tất thảy, cả đến làn phấn mà đuôi tóc rải thành đường tròn xuống chiếc lưng hơi còng của ông, đều bộc lộ một tính cách giáo đồ, biểu hiện lòng từ thiện Cơ đốc và sự tận tâm của một người, vì sốt sắng với bệnh nhân mà tự buộc mình phải đánh bài lá, đánh cờ khi sao để luôn luôn ăn tiền của họ.

– Thưa hầu tước, – ông ta nói sau một hồi lâu chuyện trò với Raphaël, – chắc chắn tôi sẽ làm tiêu tan nỗi buồn rầu của ông. Bây giờ tôi biết khá rõ tạng người ông để quả quyết rằng các vị thầy thuốc ở Paris, mà tôi biết rõ tài năng xuất sắc đã lầm về bản chất bệnh tật của ông. Trừ phi bị tai nạn gì không kể, hầu tước ạ, ông có thể sống lâu như Bành tổ[12]. Phổi ông khỏe ngang với bễ lò rèn, mà dạ dày của ông thì đến dạ dày con đà điểu cũng phải hờn ghen; nhưng nếu ông sống ở một nơi khí hậu nóng, thì ông có cơ thật sự và mau chóng về chơi đất thánh. Tôi chỉ nói vài lời, hầu tước khắc hiểu. Hóa học chứng minh rằng sự hô hấp ở con người là một hiện tượng thiên nhiên thật sự mà cường độ cao hay thấp là tùy theo có nhiều hay ít nhiệt tố tịch tụ trong cơ thể riêng biệt của mỗi người. Ở ông, nhiệt tố có nhiều; như ông, nếu tôi được phép nói như vậy, thì là siêu-dưỡng-khí do cái tạng nhiệt của những người số phải mang những hoài bão lớn. Khi thở khí trời nhiệt và thoáng nó tăng cường sinh lực ở những người thần khí suy nhược, thì ông lại làm tăng sức đốt đã quá mạnh. Vậy một trong những điều kiện sinh hoạt của ông là nơi không khí dày đặc ở những trại chăn nuôi, những miền thung lũng. Vâng, không khí sinh tồn của người nung nấu thiên tài là ở những cánh đồng cỏ màu mỡ của nước Đức, ở Baden-Baden, ở Toeplitz. Nếu ông không sợ nước Anh, thì trời sương mù bên đó làm giảm nhiệt trong mình ông; còn như miền suối nước chúng tôi đây ở cao hàng trăm thước[13] trên mặt Địa Trung Hải thì có hại cho ông. Đó là ý kiến của tôi, – ông ta nói và để lộ ra vẻ khiêm tốn! – Tôi nói vậy là trái với quyền lợi của chúng tôi, là vì ông nghe theo thì chúng tôi chẳng may sẽ thiệt mất ông.

Nếu không có những lời cuối cùng này thì có lẽ Raphaël đã bị xiêu lòng vì cái vẻ hiền hậu giả tạo của viên thầy thuốc đường mật nhưng anh là người quan sát quá sâu sắc cho nên không thể không đoán ra, qua giọng nói, qua cử chỉ và vẻ nhìn đi theo, lời nói phảng phất nhạo báng, cái nhiệm vụ mà gã tiểu nhân đó chắc chắn đã được cái cử tọa bệnh nhân vui nhộn của hắn giao cho. Thì ra những kẻ nhàn rỗi mặt mày thắm tươi ấy, những mụ già ngán đời ấy, những tay Ăng-lê lang bạt ấy, những ả nhân ngãi trốn chồng và được tình nhân mang tới Suối đó chủ trương xua đuổi khỏi nơi này một kẻ hấp hối tội nghiệp, suy nhược, yếu ớt, rõ ràng không thể chịu đựng được sự hành hạ hàng ngày. Raphaël chấp nhận cuộc chiến đấu và nhìn thấy trong cái mưu mô đó một trò vui.

– Vì ông sẽ phiền lòng về việc tôi rời bỏ nơi này, – anh đáp lời bác sĩ – thì tôi thử lợi dụng điều khuyên răn tử tế của ông mà vẫn ở lại đây. Ngay ngày mai, tôi sẽ cho xây một ngôi nhà, ở đấy chúng tôi sẽ điều khiển thời tiết theo lời khuyên của ông.

Viên bác sĩ, suy diễn nụ cười nhạo báng cay chua thoáng qua trên môi Raphaël, đành lòng chào anh, không biết nói năng thế nào.

Hồ Bourget là một hõm núi rộng sứt mẻ, ở đó cao hơn hai trăm thước[14] trên mặt Địa Trung Hải, lóng lánh một giọt nước xanh lam không đâu có ở trên thế giới. Từ trên ngọn núi Răng Mèo mà nhìn xuống, hồ nằm đó như một một viên ngọc lam chơ vơ. Giọt nước mỹ lệ đó đường vòng chín dặm, có một số nơi sâu tới trăm rưỡi thước. Ngồi trên một chiếc thuyền lênh đênh giữa làn nước đó vào một buổi trời đẹp, chỉ nghe thấy tiếng mái chèo, chỉ nhìn thấy ở chân trời những núi tỏa mây, thưởng ngắm những làn tuyết rực rỡ trên dãy núi Maurienne của Pháp, lần lượt đi từ những tảng đá hoa cương phủ những cây đuôi chồn hay những giống cây nhỏ lùn trông như một làn nhung, cho tới những dãy đồi tươi tốt; một bên là hoang vắng, bên kia là cảnh vật phong phú; một người nghèo dự tiệc của một nhà giàu; sự hài hòa cũng như sự trái ngược đó họp thành một cảnh tượng mà cái gì cũng lớn, cái gì cũng nhỏ. Quang cảnh núi non thay đổi những điều kiện của thấu thị và viễn tượng: một cây bách cao hàng ba mươi thước mà trông như một cây lau, những dải thung lũng rộng thênh thang mà tưởng hẹp như những đường hẻm. Hồ này là nơi duy nhất ở đó người ta có thể bày tỏ tâm sự lòng với lòng. Ở đó người ta tư tưởng và người ta yêu. Không ở một nơi nào khác anh gặp được một sự hòa hợp tuyệt diệu hơn giữa nước, trời, núi non và đất cát. Ở đó, có những thuốc dịu cho tất cả mọi khủng hoảng của cuộc sống. Nơi đây gìn giữ bí mật của những đau thương, nó yên ủi, xoa dịu, và ném vào tình yêu cái gì là nghiêm trang, là trầm mặc khiến cho mối tình thêm sâu, thêm trong trắng. Một cái hôn lớn lên ở đó. Nhưng đặc biệt đây là hồ của những kỷ niệm; nó giúp hồi ức bằng cách nhuốm cho màu của nước, tấm gương phản chiếu hết thảy. Raphaël chỉ có thể mang gánh nặng của mình ở giữa phong cảnh tuyệt vời này, ở đây anh có thể sống vô tư lự, mơ màng, và không mong ước. Sau cuộc thăm của bác sĩ, anh đi dạo và cho đỗ thuyền ở mỏm vắng vẻ của một ngọn đồi xinh đẹp tại đó có làng Xanh Inôxăng. Từ cái thứ mũi đất cao đó mắt nhìn có thể bao quát dãy núi Bugey, dưới chân sông Rhône chảy và là đáy hồ; nhưng từ đó Raphaël ưa ngắm bên bờ đối diện, tu viện Haute-Combe buồn thiu, nơi phần mộ của các vua xứ Sardaigne[15] phục xuống trước núi như những kẻ hành hương tới đích cuộc viễn du của mình… Tiếng mái chèo rung đều đặn, nhịp nhàng khuấy động phong cảnh tĩnh mịch, gán cho nó một tiếng nói đơn điệu, giống như lời tụng kinh của thầy tu. Ngạc nhiên vì gặp những khách dạo chơi ở khu vực hồ thường vắng vẻ này, hầu tước, vẫn trong giấc mơ màng, ngắm những người ngồi trong thuyền và nhận ra ở phía cuối mụ già đã nói gay gắt với anh hôm trước. Khi con thuyền lướt qua trước mặt Raphaël, chỉ có người thị tỳ của mụ là chào anh, cô gái quý tộc nghèo mà dường như anh mới trông thấy lần đầu tiên. Sau một hồi lâu, khi anh đã quên mất mấy người dạo chơi đó thoắt biến sau mỏm đồi, thì anh chợt nghe thấy gần anh tiếng áo sột soạt và bước chân đi nhẹ nhàng. Anh ngoảnh lại thì nhận ra người thị tỳ; trông vẻ lúng lúng, anh đoán chị ta muốn nói với anh, và anh bước lại gần chị. Tuổi chừng ba mươi sáu, cao lớn và mảnh dẻ, khô khan và lạnh lùng, chị ta, như mọi cô gái già, bị bối rối vì con mắt nhìn của anh nó không còn ăn khớp với bước đi chất chưởng, lúng túng, thiếu dẻo dang. Vừa già mà lại vừa trẻ, với một tư thế có phần chững chạc, chị ta tỏ ra gìn vàng giữ ngọc, đặt giá cao những ưu điểm của mình. Vả chăng chị có những cử chỉ kín đáo và khoan thai của những người đàn bà nâng niu mình, chắc hẳn để khỏi sa ngã trên đường tình duyên.

– Thưa ông, tính mệnh của ông lâm nguy, ông đừng tới Câu lạc bộ nữa, – chị vừa nói với Raphaël vừa lui lại mấy bước, làm như chị đã hư nết mất rồi.

– Nhưng, thưa cô, – Valentin mỉm cười đáp, – cô làm ơn hãy nói rõ hơn vì cô đã quá bộ đến tận đây…

– Chà? – Chị ta lại nói, – nếu không có lý do nghiêm trọng để tới đây, thì tôi đã chẳng dám liều để có thể bị bá tước phu nhân ruồng bỏ, là vì nếu phu nhân mà biết rằng tôi đã báo trước cho ông…

– Thì còn có ai mách bà ta được, hở cô? – Raphaël thốt lên.

– Đúng rồi, – cô gái già đáp và ngước nhìn anh bằng con mắt run rẩy của một con cú đặt ra ánh mặt trời. – Nhưng ông hãy giữ mình, – chị nói tiếp; – nhiều gã thanh niên muốn đuổi ông khỏi Suối đã hẹn với nhau khiêu khích ông để bắt ông phải quyết đấu.

Tiếng của mụ già vang lên ở đằng xa.

– Thưa cô – hầu tước nói, – tôi sẽ biết ơn cô…

Người hộ mệnh của anh thoắt đã chạy mất khi nghe tiếng bà chủ một lần nữa lại réo lên trong những núi đá.

– Cô gái tội nghiệp? Thì ra bao giờ những người khốn khổ cũng thông cảm với nhau và cứu giúp nhau, – Raphaël nghĩ thầm và ngồi xuống gốc cây.

Chú thích

[1] Organiste: Đồ đệ của phái duy vật tầm thường trong học thuyết, theo họ não con người “bài tiết” ra tư tưởng cũng như gan bài tiết ra mật.

[2] Cabanis (1757-1808): Nhà triết học duy vật Pháp, thầy thuốc nổi tiếng, nhà sinh lý học.

[3] Satyres: Thần thứ hạng, tùy thuộc thần rượu Bacchus.

[4] Vitaliste: Người theo chủ nghĩa duy tâm trong sinh vật học, họ giải thích mọi hiện tượng đời sống tự nhiên bằng sự tồn tại của một “sinh lực” đặc biệt.

[5] Ballanche (1776-1847): Nhà văn Pháp mà tình cảm tôn giáo báo hiệu chủ nghĩa lãng mạn.

[6] Van Helmont (1577-1644): Thầy thuốc theo sinh tồn luận người Bỉ.

[7] Grand visir: Chức quan to ở Thổ Nhĩ Kỳ xưa.

[8] Dupuytren (1777-1835): Nhà phẫu thuật Pháp nổi tiếng.

[9] Hohenlohe (nửa thế kỷ XIX): Giáo sĩ ông Jeduyt, thử chữa người ốm duy bằng cầu nguyện.

[10] Lời rút trong hài kịch Thầy thuốc bất đắc dĩ của Molière. Sganarelle, mà người ta lầm tưởng là thầy thuốc nói huyên thuyên những tiếng La tinh vô nghĩa rồi kết luận: “Tại sao con gái ông câm là như thế đó”.

[11] Giai cấp có đặc quyền ở xã hội La Mã cổ.

[12] Nguyên văn: Mathusalem, theo truyền thuyết Thánh kinh cụ già này sống tới 969 năm?

[13] Nguyên văn: nghìn pied (mille pieds).

[14] Nguyên văn: bảy tám trăm pied, chỗ này những chỗ nói chiều dài, rộng hay sâu đều dùng vị pied.

[15] Sardaigne: một hòn đảo lớn ở miền Nam nước ý, trên ra Trung Hải. Năm 1720 vương quốc Sardaigne được thành lập bao gồm cả xứ Savoie là nơi có hồ Bourget.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN