Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin) - Chương 7: Người đàn bà không tim 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)


Chương 7: Người đàn bà không tim 3


Những lời thân ái mà vô tâm đó, giống như những lời ca mơ hồ mà một người mẹ hát cho con quên đau, đem lại cho tôi một phần thư thái. Giọng nói và vẻ nhìn của người đàn bà hiền hậu đó tỏ ra cái tình thắm thiết dịu dàng không xóa bỏ được ưu phiền, nhưng làm nó dịu đi, ru nó và làm nó giảm bớt. Tinh ý hơn mẹ, Pauline lo lắng ngắm nhìn tôi. Đôi mắt thông minh của nàng dường như đoán ra cuộc sống và tương lai của tôi. Tôi nghiêng đầu cảm ơn hai mẹ con; rồi tôi bỏ đi, sợ mình bị xúc động. Khi chỉ còn một mình trong buồng, tôi nằm trằn trọc với niềm bất hạnh của tôi. Trí tưởng tượng tai ác của tôi vẽ ra hàng nghìn dự tính không cơ sở và mách tôi những quyết định không thực hiện được. Khi một người cặm cụi giữa đống tài sản điêu tàn của họ, họ còn tìm thấy phương kế nào đó, nhưng tôi thì lại ở cảnh rỗng không. Chà! Bạn ạ, chúng ta kết án quá dễ dàng sự nghèo khổ. Chúng ta hãy khoan lượng đối với những tác động của cái nguyên nhân bại hoại xã hội mạnh nhất đó: ở đâu có nghèo khổ thì chẳng còn có liêm sỉ, tội ác, đức hạnh, trí tuệ nữa. Lúc bấy giờ tôi chẳng có ý nghĩ, có sức mạnh như một người con gái quỳ phục trước một con hổ. Một người không tình và không tiền còn làm chủ được thân mình; nhưng một kẻ nghèo mà yêu đương thì không thuộc về mình nữa và không thể tự vẫn được. Tình yêu đem lại cho chúng ta một thứ sùng bái bản thân mình, chúng ta kính trọng ở chúng ta một cuộc sống khác; bấy giờ thì nó trở thành điều kinh khủng nhất trong mọi điều bất hạnh, cái bất hạnh mang kèm một hy vọng làm cho ta chịu nhận những cực hình. Tôi đi ngủ với dự kiến ngày hôm sau ngỏ với Rastignac cái quyết định lạ lùng của Foedora.

– A ha! Rastignac nói với tôi khi thấy tôi bước vào nhà hắn lúc mới chín giờ sáng, – Tớ biết tại sao cậu tới đây rồi, chắc cậu bị Foedora tống tiễn chứ gì. Vài kẻ tốt bụng ghen với uy thế của cậu đối với nữ bá tước đã báo tin cuộc hôn nhân của hai người. Có Trời biết, những trò điên rồ mà bọn địch thủ của cậu gán cho cậu, và những lời vu khống đối với cậu!

– Mọi điều đều có lý do cả, tôi thốt lên. – Tôi nhớ lại hết những điều càn rỡ của tôi và thấy nữ bá tước thật siêu việt. Theo ý tôi, tôi đã là một gã súc sinh chưa từng đau khổ nhiều, và tôi chỉ còn thấy trong lòng khoan dung của nàng mối từ tâm kiên nhẫn của tình yêu.

– Ấy chớ đi mau quá thế, gã khôn ngoan xứ Gascogne bảo tôi, – Foedora có cái óc thấu suốt tự nhiên của những người đàn bà ích kỷ: có lẽ nàng đã xét đoán cậu vào lúc cậu chỉ mới trông thấy ở nàng cảnh giàu sang, mặc dầu sự khôn khéo của cậu, nàng đã đi guốc vào bụng cậu. Nàng khá kín đáo để không một sự che giấu nào thoát được mắt nàng. Tớ nghĩ rằng, hắn nói thêm, – tớ đã vạch sai đường cho cậu. Mặc dầu trí tuệ và phong tư sắc sảo, nhân vật đó theo tớ dường như cũng hống hách như hết thảy những người đàn bà chỉ tìm hứng thú qua cái đầu. Đối với nàng hạnh phúc hoàn toàn nằm trong cái tiện nghi của cuộc sống, trong những hưởng lạc xã hội; ở nàng tình cảm là một vai trò; nàng sẽ làm cậu khổ, và biến cậu thành tên nô bộc số một của nàng.

Rastignac nói với một thằng điếc. Tôi ngắt lời hắn để làm ra điều vui vẻ và trình bày cái hoàn cảnh tài chính của tôi.

– Tối hôm qua hắn đáp, – vận xúi đã cuỗm hết cả tiền nong mà tớ sử dụng được. Không mắc cái rủi ba bị đó, thì tớ vui lòng chia sẻ túi tiền với cậu. Nhưng thôi, hãy đi ăn hiệu đã, món sò có lẽ sẽ giúp ý kiến hay cho chúng ta.

Hắn mặc quần áo, sai thắng ngựa vào chiếc xe độc mã của hắn; rồi như hai tay triệu phú chúng tôi tới hiệu cà phê Paris, vẻ ngông nghênh như những tay đầu cơ táo bạo sống bằng những vốn liếng tưởng tượng. Gã xứ Gascogne quái quỷ đó làm tôi lúng túng vì cử chỉ thoải mái và cái chững chạc vững vàng của hắn. Lúc chúng tôi uống cà phê, sau khi đã chén một bữa rất ngon và rất đúng cách, Rastignac luôn luôn gật gật cái đầu với một lũ chàng trai cũng đều đáng mặt với cái thân hình duyên dáng và quần áo lịch sự của họ; khi thấy một trong những chàng công tử đó bước vào, hắn bảo tôi:

– Cái giải pháp của cậu đây rồi. – Và hắn ra hiệu cho một tay quý tộc thắt cravat rất cừ, hình như đang tìm một chiếc bàn vừa ý, mời y đến nói chuyện.

– Thằng cha này, Rastignac rỉ tai tôi nói, – được thưởng huân chương vì nhà hóa học, sử gia, tiểu thuyết gia, nhà văn chính luận; y có phần tư, phần ba, phần nửa trong không biết bao nhiêu vở kịch, thế mà y dốt như là một con la cái của ngài Miguel. Đó chẳng phải là một con người, mà là một cái tên một nhãn hiệu quen thuộc với công chúng. Vì vậy y chẳng dám bén mảng tới những phòng có biển đề như sau: Ở đây người ta có thể tự viết lấy. Y đủ tinh ranh để đánh lừa cả một hội nghị. Nói tóm lại, đó là một gã lai giống về đạo đức; chẳng hoàn toàn thật thà, mà cũng chẳng hoàn toàn bịp bợm. Nhưng hãy gượm, y đã tẩn nhau rồi, thiên hạ chẳng đòi hỏi gì hơn và nói về y: Đó là một người đáng kính.

– Ấy này, ông bạn quý, ông bạn đáng kính của tôi, thế nào, bậc Hiền minh mạnh giỏi chứ? – Rastignac nói với người khách lạ khi y ngồi vào bàn bên cạnh.

– Chẳng mạnh mẽ cũng chẳng yếu. Công việc cứ bù đầu. Tôi có trong tay đầy đủ tài liệu để viết những hồi ký lịch sử rất hay, thế mà tôi chẳng biết trao cho ai. Bực mình quá, phải làm gấp, hồi ký sắp hết thời rồi.

– Đó là hồi ký thời nay hay thời xưa, về triều đình hay về gì?

– Về vụ chiếc Vòng[1].

– Phải chăng là một việc kỳ lạ? – Rastignac vừa nói với tôi vừa cười. Rồi quay về phía gã đầu cơ:

– Ông de Valentin đây, – hắn chỉ tôi và nói tiếp, – là một người bạn thân của tôi, tôi giới thiệu với ông: ông ấy là một trong những nhà văn học trứ danh tương lai của chúng ta. Xưa ông có một bà cô là hầu tước rất được trọng vọng ở chốn cung đình, và từ hai năm nay ông đang trước tác một bộ lịch sử bảo hoàng về cách mạng.

Rồi, ghé sát tai gã con buôn kỳ lạ đó, hắn nói:

– Đây là một bậc tài năng nhưng lại là một chàng ngốc có thể viết hồi ký cho ông được, nhân danh bà cô của ông ta, lấy một trăm écu một cuốn.

– Thế thì được đấy, – gã kia đáp, tay kéo cao cravat lên.

– Hầu bàn mang sò của tôi ra đây chứ!

– Được, nhưng ông phải đưa tôi hai mươi lăm louis hoa hồng và trả tiền trước ông ấy một cuốn, Rastignac nói.

– Không, không. Tôi chỉ tạm ứng năm mươi écu để chắc chắn có bản thảo mau chóng.

Rastignac khẽ kể lại cho tôi nghe cuộc bàn luận mua bán ấy. Rồi không đợi hỏi ý kiến tôi, hắn trả lời gã kia:

– Chúng tôi đồng ý. Bao giờ chúng tôi lại gặp ông để giải quyết xong xuôi việc này?

– Ấy! Thế thì, tối mai bảy giờ mời các ông lại đây đánh chén.

Chúng tôi đứng lên. Rastignac ném tiền cho gã hầu bàn, bỏ phiếu trả tiền vào túi, và chúng tôi đi ra. Tôi ngạc nhiên về cái cách dễ dàng, vô tâm mà hắn bán bà cô đáng kính của tôi, nữ hầu tước de Montbauron.

– Chẳng thà tớ phải sang Brésil để dạy dân da đỏ đại số học mà tớ chẳng biết chữ nào, còn hơn là bêu riếu dòng họ của tớ.

Rastignac cười vang ngắt lời tôi:

– Cậu xuẩn à? Trước hết hãy tóm lấy năm mươi écu và viết hồi ký đã. Khi nào viết xong cậu từ chối không đề tên bà cô vào, khỉ ạ! Bà de Montbauron, chết trên đoạn đầu đài, những chiếc váy của bà ấy, những khảo sát của bà ấy, sắc đẹp, phấn sáp, những chiếc hài của bà ấy, đáng giá nhiều hơn sáu trăm quan. Nếu vậy mà nhà xuất bản không chịu trả theo đúng giá trị bà cô của cậu thì họ sẽ tìm ra một tay bợm già nào đó hay một nữ bá tước đốn kiếp nào đó để ký tên vào tập hồi ký.

– Chao ôi! – Tôi la lên, – tại sao tôi lại bỏ gian gác xép thanh cao mà đi? Thiên hạ có những mặt trái thật bẩn thỉu, đê tiện.

– Được! Rastignac đáp, – đó là thơ mộng, mà đây là chuyện làm ăn. Cậu là một thằng bé con. Hãy nghe đã: về tập hồi ký thì công chúng sẽ phán xét nó: về gã buôn văn bán chữ của tớ, y chẳng đã tiêu mất tám tuổi đời, và đã trả những sự giao dịch của y với nhà xuất bản những kinh nghiệm đau đớn rồi đó sao? Dù chia nhau không đều với y tiền công cuốn sách, phần của cậu cũng chẳng là bở hơn đó sao? Hai mươi lăm louis đối với cậu là món tiền to hơn nhiều so với một nghìn quan đối với y. Thôi đi, cậu có thể viết hồi ký lịch sử, tác phẩm nghệ thuật nếu quả thật là thế, khi mà Diderot đã viết sáu bài thuyết giáo lấy một trăm écu.

– Thôi thì, – tôi hết sức cảm động nói, đối với tớ đó là một sự cần thiết: cho nên anh bạn tội nghiệp ạ, tớ phải cảm ơn cậu. Hai mươi lăm louis làm cho tớ giàu to.

– Mà giàu hơn là cậu tưởng đấy, – hắn vừa cười vừa nói tiếp. Nếu thằng Finot mà trả tớ hoa hồng về việc này thì cậu có đoán rằng đó là dành cho cậu không? Thôi, ta đi ra rừng Boulogne đi. – Hắn nói: – chúng ta sẽ gặp nữ bá tước của cậu ở đó, và tớ sẽ chỉ cho cậu xem cái mụ góa xinh xắn mà tớ sẽ lấy một con người kiều diễm, gái xứ Alsace hơi béo một chút. Nàng đọc Kant, Schiller, Jean Paul[2] và một lô sách về thủy lợi. Nàng có cái thói lúc nào cũng hỏi ý kiến tớ, tớ phải làm ra vẻ hiểu tất cả cái món tình cảm kiểu Đức đó, biết một đống những ballade[3], mọi thứ dược phẩm mà thầy thuốc cấm tớ uống. Tớ vẫn chưa làm cho nàng bỏ thói cao hứng văn chương được, nàng khóc sướt mướt khi đọc Goëthe, và tớ bắt buộc cũng phải khóc tí chút, để chiều lòng. Vì, cậu ạ, có những năm vạn quan thực lợi, và bàn chân, bàn tay xinh đẹp nhất đời đấy! Chà! Ví bằng nàng không nói “xiên xần cổ tôi” và “tồn lẫn” thay cho “thiên thần của tôi” và “trộn lẫn” thì thật là một người đàn bà toàn vẹn!

Chúng tôi trông thấy nữ bá tước lộng lẫy trên một cỗ xe lộng lẫy. Cô gái đón chào chúng tôi rất thân ái và nở với tôi một nụ cười bây giờ tôi tưởng như thần tiên và đầy âu yếm.

– A ha! Tôi thật sung sướng, tôi tưởng được yêu, tôi có tiền và mối tình quý báu, không khổ nữa. Lâng lâng, vui vẻ, hài lòng với hết thảy. tôi thấy tình nương của bạn tôi kiều diễm. Cây cối không khí, bầu trời, tất cả thiên nhiên dường như lắp lại nụ cười của Foedora. Khi ở đường Champs Elysées về, chúng tôi tới cửa hàng mũ và hiệu thợ may của Rastignac. Vụ chiếc Vòng đã cho phép tôi từ bỏ cái thế bình yên thảm hại để bước sang một thế chiến đấu ghê gớm. Từ nay tôi có thể không lo sợ đấu nhau về duyên dáng và lịch sự với bọn trai trẻ quay cuồng chung quanh Foedora. Tôi trở về nhà. Tôi đóng cửa, đứng ra vẻ thản nhiên bên cửa sổ; nhưng thầm ngỏ lời vĩnh biệt mãi mãi với gian buồng, sống trong tương lai, kịch hóa cuộc đời của tôi, hưởng được tình yêu và lạc thú của nó. Chà! Thì ra một cuộc sống có thể trở nên dông tố giữa bốn bức tường một gian gác xép! Tâm hồn con người là một bà tiên, nó biến một cọng rơm hóa kim cương; dưới chiếc đũa của bà, những lâu đài kỳ diệu nảy ra như hoa nơi đồng nội dưới hơi ấm của mặt trời. Ngày hôm sau, vào khoảng trưa, Pauline khẽ gõ cửa buồng tôi và mang vào cho tôi, cậu đoán cái gì? Một bức thư của Foedora. Nữ bá tước mời tôi đến đón nàng ở vườn Luxembourg để từ đó cùng đi thăm Viện Bác vật và vườn Bách thảo. “Một người phục dịch chờ thư trả lời”, nàng nói với tôi sau một lúc im lặng. Tôi vội viết nguệch ngoạc một bức thư cảm ơn để Pauline mang đi. Tôi mặc quần áo. Đang lúc khá hài lòng về mình và sắp ăn mặc xong thì một ý kiến nảy ra làm tôi rợn mình lạnh toát: Foedora đi xe hay đi chân tới? Trời mưa hay nắng? Nhưng, tôi nghĩ thầm, dù nàng đi chân hay đi xe, thì ai biết được cái đầu óc ngông của một người đàn bà? Nàng sẽ không mang tiền theo và lại muốn cho một chú bé ăn xin vài hào[4] vì thấy chú ăn mặc quần áo rách trông hay hay. Tôi không còn lấy một xu. Và mãi đến tối mới có tiền. Chao ôi! Trong những cơn khủng hoảng của tuổi trẻ chúng ta đó, một thi sĩ trả đắt biết bao nhiêu cái năng lực trí tuệ mà chế độ và lao động trao cho họ! Trong khoảnh khắc, hàng nghìn ý nghĩ khốc liệt và đau xót đâm nhói vào tôi như ngần ấy mũi thương. Tôi nhìn trời qua cửa sổ trên mái, thời tiết rất bấp bênh.

Trong trường hợp không may, tôi rất có thể phải thuê xe đi cả ngày; nhưng thêm nữa, giữa niềm hạnh phúc của tôi, tôi không khỏi lo ngay ngáy rằng buổi tối sẽ không gặp được Finot. Tôi cảm thấy không đủ sức để chịu đựng được bao nhiêu lo sợ giữa niềm vui của tôi. Mặc dầu chắc chắn rằng không tìm thấy gì, tôi làm một cuộc đại thám hiểm qua gian buồng của tôi, tôi tìm những đồng écu tưởng tượng cả tận trong đáy ổ rơm của tôi, tôi lục lọi khắp cả, tôi giũ cả những đôi bốt cũ. Người phát sốt lên, tôi trợn trừng nhìn những đồ đạc của tôi sau khi lật đổ tất cả. Cậu có hiểu được nỗi mừng điên người của tôi không, khi mở ra đến lần thứ bảy chiếc ngăn kéo bàn viết, đang nhìn uể oải vì thất vọng, thì tôi bắt gặp dính vào một tấm ván ngang, hiểm hóc nấp mình, nhưng sạch sẽ, bóng loáng, trông như một ngôi sao vừa mọc, một đồng trăm xu đẹp đẽ cao quý! Chẳng trách móc nó đã im lặng cũng như tai ác ẩn nấp như vậy, tôi hôn nó như một người bạn trung thành với cảnh khổ và chào mừng nó bằng một tiếng la vang dội. Đột nhiên tôi quay lại và thấy Pauline tái mét. – Em lại tưởng, – nàng nói giọng cảm động, – ông làm gì mà bị đau. Người phục dịch…, – nàng ngừng lại như nghẹn ngào, – nhưng mẹ em đã trả họ rồi, – nàng nói thêm. Rồi nàng bỏ chạy, ngây thơ và ranh mãnh như một chuyện ỡm ờ. Cô bé tội nghiệp! Tôi chúc cho nàng được hạnh phúc như tôi. Lúc đó, dường như lòng tôi chứa đựng hết mọi lạc thú trên trái đất, và tôi muốn hoàn lại cho những người nghèo khổ cái phần mà tôi tưởng như đã đánh cắp của họ. Hầu như bao giờ chúng ta cũng đoán trúng trong những trường hợp linh cảm về tai họa của chúng ta, nữ bá tước đã cho xe của nàng trở về. Do một sự ỡm ờ mà những người đàn bà đẹp chẳng phải bao giờ cũng tự giải thích cho mình được, nàng muốn đi chân trần qua các đại lộ tới vườn Bách thảo. – Nhưng trời sắp mưa – tôi bảo nàng. Nàng thích thú nói trái ý tôi. Ngẫu nhiên trời đẹp suốt thời gian chúng tôi đi trong vườn Luxembourg, một đám mây to, mà tôi đã nhiều lần theo dõi và lo thầm, để rơi xuống vài giọt nước mưa, thế là chúng tôi lên một chiếc xe hàng. Khi chúng tôi tới những đại lộ thì mưa tạnh, trời lại quang.

Tới Viện Bác vật, tôi định cho xe đi thì Foedora bảo tôi giữ lại. Thật là khổ tâm! Nhưng, vừa trò chuyện với nàng, vừa phải kiềm chế mối cuồng nhiệt âm thầm chắc hẳn nó biểu lộ trên mặt tôi bằng cái nụ cười ngốc nghếch và ngừng đọng; đi lang thang trong vườn Bách thảo, dạo trên những lối đi um tùm và cảm thấy cánh tay nàng dựa vào tay tôi; trong tất cả những cái đó có cái gì kỳ lạ: đó là một giấc mơ giữa ban ngày. Thế mà những cử động của nàng hoặc khi đi, hoặc khi dừng lại, chẳng có cái gì là dịu dàng và tình tứ, mặc dầu nó có vẻ khoái trá bề ngoài. Khi tôi tìm cách như là giao hòa với hành động sinh hoạt của nàng, tôi bắt gặp ở nàng một sự hoạt bát bên trong và thầm kín, có cái gì là trúc trắc, lạ kiểu. Những người đàn bà không tâm hồn thì chẳng có cái gì là êm ái trong cử chỉ. Vì vậy chúng tôi không hòa hợp được bằng một ý chí chung cũng như bằng một bước đi chung. Chẳng có ngôn ngữ để diễn tả sự trục trặc vật chất đó giữa hai con người vì chúng tôi chưa quen nhận ra một ý nghĩ trong cử động. Cái hiện tượng về bản chất chúng ta đó do bản năng mà cảm thấy, nó không nói lên được. Trong những lúc dục vọng của tôi kịch phát đến cao độ như vậy, – Raphaël nói tiếp sau một lúc yên lặng, và dường như anh muốn đáp một ý kiến tự bác là mình, – tôi đã không mổ xẻ những cảm xúc của tôi, phân tích những hứng thú của tôi và đánh giá những tiếng đập của trái tim tôi, như một kẻ hà tiện xem xét và bắc cân đồng tiền vàng của hắn. Chao ôi! Không thế đâu, ngày nay kinh nghiệm soi sáng ảm đạm của nó vào những biến cố đã qua, và hồi ức đem lại cho tôi những hình ảnh đó, như một buổi đẹp trời, những làn sóng biển đưa vào bãi cát từng mảnh từng mảnh những tàn tích của một cuộc đắm tàu.

– Ông có thể giúp tôi một việc khá quan trọng, – nữ bá tước vừa nói vừa nhìn tôi một cách bối rối. – Sau khi đã ngỏ với ông mối ác cảm của tôi đối với tình yêu, tôi cảm thấy thoải mái hơn để nhân danh tình bạn mà nhờ ông giúp cho một việc. Hôm nay ông giúp tôi, nàng vừa cười vừa nói tiếp, – thì chẳng phải là ông có công hơn hay sao!

Tôi đau đớn nhìn nàng. Không có cảm xúc gì đối với tôi, nàng chiều nịnh chứ không phải là âu yếm; tôi tưởng thấy nàng đóng một vai kịch như một diễn viên lão luyện, rồi bỗng chốc giọng nói của nàng, một vẻ nhìn, một lời nói lại nhóm lên cho tôi những hy vọng, nhưng nếu mối tình được hồi sinh lộ ra trong mắt tôi lúc bấy giờ thì nàng tiếp nhận những tia mắt đó với ánh mắt của nàng không mảy may biến đổi, vì mắt nàng dường như có lót thêm một lá kim loại kiểu mắt hổ. Những lúc đó tôi căm ghét nàng.

– Sự che chở của công tước de Navarreins, – nàng tiếp tục nói với giọng uốn éo đầy vồn vã, – rất có ích cho tôi đối với một nhân vật rất quyền thế ở nước Nga, sự can thiệp của ông này cần thiết cho sự thừa nhận quyền của tôi cả về tài sản lẫn địa vị trong xã hội thượng lưu, đó là việc hoàng đế chuẩn nhận cuộc hôn nhân của tôi. Công tước de Navarreins phải chăng là anh em họ với ông?

– Một bức thư của ngài quyết định hết thảy, – Tôi thuộc quyền bà, – tôi đáp, – xin bà cứ ra lệnh.

– Ông thật là đáng mến, – nàng vừa nói vừa siết chặt tay tôi. – Mời ông đến xơi cơm tối với tôi, tôi sẽ nói hết với ông như với một người rửa tội.

Thế là cái người đàn bà rất mực đa nghi, rất mực kín đáo, và chưa ai nghe thấy nàng nói lời về quyền lợi của nàng bao giờ, người đó sắp hỏi ý kiến tôi.

– Chao ôi! Bây giờ tôi ưa im lặng biết bao nhiêu, như bà đã bắt buộc tôi! – Tôi thốt lên. – Nhưng tôi còn muốn sự thử thách nào khắc nghiệt hơn nữa. Lúc đó nàng tiếp nhận cái nhìn say sưa của tôi và chẳng khước từ sự ngưỡng vọng của tôi, vậy thì nàng yêu tôi. Chúng tôi về tới nhà nàng. Thật may mắn là túi tiền của tôi đủ trả tiền người đánh xe. Tôi khoái trá qua hết ngày, một mình với nàng ở nhà nàng. Đó là lần đấu tiên mà tôi được nhìn thấy nàng như vậy. Cho tới hôm đó, xã hội thượng lưu, cái lễ phép phiền hà của nàng và những kiểu cách lạnh lùng của nàng vẫn cách biệt chúng tôi, ngay cả trong những bữa ăn thịnh soạn của nàng; nhưng bây giờ thì tôi ở nhà nàng kiểu như tôi sống dưới mái nhà nàng, có thể nói tôi chiếm lĩnh nàng. Trí tưởng tượng bông lông của tôi phá bỏ những trở ngại, thu xếp những biến cố của cuộc đời theo ý muốn của tôi, và dìm đắm tôi vào những lạc thú của một tình yêu được thỏa mãn. Tưởng mình là chồng nàng, tôi ngắm nàng bận bịu với những việc lặt vặt; tôi cảm thấy sung sướng ngay cả trong việc xem nàng cất chiếc khăn quàng và chiếc mũ. Nàng để tôi một mình một lúc rồi trở lại với bộ tóc đã chải, kiều diễm. Cái kiểu trang sức đẹp này là để dành cho tôi. Trong bữa ăn, nàng ân cần săn sóc tôi và phô bày vô vàn duyên dáng trong hàng nghìn cái tưởng như chẳng là gì cả mà lại là phần nửa cuộc sống. Khi cả hai chúng tôi ở trước một lò lửa rực rỡ, ngồi trên lụa là, xung quanh là những phẩm vật quý giá nhất của sự sang trọng kiểu phương Đông; khi tôi thấy ngay sát bên tôi người đàn bà mà sắc đẹp nổi tiếng đã từng làm hồi hộp bao nhiêu trái tim đó, người đàn bà rất khó chinh phục đó nói với tôi, bao nhiêu đỏm dáng phô bày vì tôi, thì niềm hạnh phúc khoái trá của tôi hầu như trở thành sự đau khổ. Điều bất hạnh là tôi nhớ đến cái công việc quan trọng mà tôi phải điều đình, và muốn đi tới chỗ hẹn hôm trước.

– Sao! Sớm vậy! – Nàng nói khi thấy tôi lấy mũ.

Nàng yêu tôi! Ít ra là tôi tin như vậy khi nghe nàng nói mấy tiếng đó bằng một giọng mơn trớn. Để kéo dài niềm phấn chấn, bấy giờ tôi vui lòng đổi hai tuổi đời lấy mọi giờ mà nàng những muốn ban cho tôi! Niềm hạnh phúc của tôi tăng thêm với cả số tiền mà tôi mất! Vào nửa đêm thì nàng để tôi về. Tuy nhiên ngày hôm sau tôi rất hối hận vì hành động anh hùng của tốt, tôi sợ lỡ mất công việc viết hồi ký, nó trở thành cốt yếu đối với tôi, tôi chạy tới nhà Rastignac, và chúng tôi tới chộp gã đầu trò công việc tương lai của tôi vào lúc y ngủ dậy. Finot đọc cho tôi nghe một bản hợp đồng nhỏ trong đó chẳng đả động gì tới bà cô tôi, và sau khi ký, y trao cho tôi năm mươi écu. Cả ba chúng tôi cùng ăn sáng. Khi tôi đã sắm một chiếc mũ mới, trả tiền sáu mươi phiếu ăn mỗi bữa ba mươi xu và trang trải công nợ thì tôi chỉ còn ba mươi quan; nhưng bao nhiêu khó khăn của cuộc sống đã được dẹp đi trong vài ngày. Giá tôi biết nghe theo Rastignac thì tôi có thể có nhiều tiền khi thực hành một cách thật thà cái phương pháp ănglê[5]. Hắn nhất thiết muốn gây cho tôi một khoản tín dụng và giúp cho tôi đi vay, lấy lẽ rằng những món vay sẽ hỗ trợ cho tín dụng.

Theo hắn, tương lai là cái vốn to nhất và chắc chắn nhất trong mọi thứ vốn trên đời. Với cách thế những món nợ của tôi bằng những khoản thu nhập tương lai như vậy, hắn trao cho tôi người thợ may của hắn, một tay nghệ sĩ hiểu rõ thanh niên và sẽ để tôi yên thân cho tới khi tôi lấy vợ. Từ hôm đó, tôi cắt đứt với cuộc sống khắc khổ và cần cù mà tôi đã kéo trong ba năm. Tôi rất siêng tới nhà Foedora, ở đó tôi cố tỏ ra vượt lên trên những tay ngông hay những tay đầu đảng có mặt tại đấy. Khi tôi tưởng mình vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo thì tinh thần tôi được phóng khoáng trở lại, tôi đè bẹp bọn địch thủ của tôi, và được tiếng là một người hết sức quyến rũ, có uy lực, không ai cưỡng lại được. Tuy nhiên những kẻ khôn khéo bàn về tôi, nói: “Một chàng trai có trí đến như vậy chỉ yêu bằng cái đầu của hắn”. Họ nhân từ tâng bốc trí tuệ của tôi lên để hạ mặt tình cảm của tôi xuống. “Hắn sung sướng phải chăng vì hắn không yêu?” – Họ la lên, “Nếu hắn yêu thì hắn có vui vẻ có cao hứng đến thế không?”. Tuy nhiên trước mặt Foedora, tôi thật là si mê ngu ngốc. Một mình với nàng, tôi chẳng biết nói với nàng cái gì, hay nếu tôi nói thì là tôi phỉ báng tình yêu; tôi vui một cách ngán ngẩm như một tay nịnh thần muốn che giấu một mối hờn cay đắng. Sau hết tôi cố để trở thành cần thiết cho cuộc sống của nàng, cho hạnh phúc của nàng, cho lòng tự phụ của nàng: ngày nào cũng ở bên cạnh nàng, tôi là một tên nô lệ một đồ chơi luôn luôn chờ lệnh nàng. Sau khi phí phạm cả ngày như vậy, tôi trở về nhà để làm việc ban đêm, chỉ ngủ độ hai ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Nhưng không thạo cái phương pháp ăng-lê như Rastignac, chẳng bao lâu tôi hết tiền. Từ đó, bạn ạ, hợm hĩnh mà vận không may, lịch sự mà không xu, si tình mà vô danh, tôi lại rơi vào cái cuộc sống bấp bênh, vào cái cảnh nghèo khổ cùng cực và lạnh lùng che đậy dưới bề ngoài sang trọng giả dối. Bây giờ tôi lại cảm thấy nỗi đau khổ ban đầu, nhưng ít cay đắng hơn; chắc hẳn tôi đã quen với những cơn khủng khiếp của nó. Thường khi bánh ngọt và nước chè, được mời rỏ giọt ở các phòng khách, là tất cả bữa ăn của tôi. Thỉnh thoảng những bữa ăn tối thịnh soạn của nữ bá tước nuôi sống tôi trong hai ngày. Tôi dùng hết thì giờ của tôi, những cố gắng của tôi, và khoa quan sát của tôi để tìm hiểu sâu thêm tính cách bí hiểm của Foedora. Cho tới lúc đó, hy vọng hay thất vọng đã ảnh hưởng đến ý kiến của tôi, tôi xem thấy nàng khi thì là người đàn bà đa tình nhất, khi thì là người vô tình nhất trong mọi người đàn bà; nhưng cái tâm trạng vui buồn kế tiếp xen kẽ nhau như vậy trở thành không chịu được: tôi muốn tìm cách kết thúc cuộc đấu tranh ghê gớm đó, đi tới giết mối tình của tôi. Đôi khi trong tâm hồn tôi lóe lên những ánh sáng bi thảm nó làm tôi thoáng nhìn thấy những vực thẳm giữa chúng tôi.

Nữ bá tước chứng minh mọi nỗi lo sợ của tôi: tôi chưa hề bắt gặp một giọt lệ trên mắt nàng. Ở nhà hát trước một cảnh xúc động nàng vẫn thản nhiên và vui cười: nàng dành cho bản thân nàng tất cả sự tế nhị của nàng, và chẳng nhìn thấy nỗi đau khổ cũng như niềm sung sướng của người khác. Nghĩa là nàng đã đánh lừa tôi! Sung sướng được hy sinh vì nàng, tôi hầu như vì nàng mà hạ mình tới gặp người bà con là công tước de Navarreins, một người ích kỷ, xấu hổ vì thấy tôi nghèo và có những lỗi nặng đối với tôi cho nên không khỏi căm ghét tôi: vì vậy hắn tiếp tôi một cách lễ phép lạnh lùng nó khiến cho lời nói và cử chỉ như chửi vào mặt, mắt hắn nhìn lấm lét khiến tôi đâm thương hại. Tôi xấu hổ thay cho hắn vì tính nhỏ nhen giữa bao nhiêu quyền thế và sự nghèo nàn giữa bao nhiêu sang trọng. Hắn phàn nàn với tôi bị mất mát nhiều vì cái khoản ba phần trăm, bấy giờ tôi nói với hắn mục đích tôi lại thăm hắn. Sự thay đổi của hắn từ chỗ giá lạnh trở thành vồn vã ra mặt, làm tôi ghê tởm. Thì ra, bạn ạ, hắn tới nhà nữ bá tước, hắn đè bẹp tôi ở đó. Foedora có những cách cám dỗ, mê hoặc chưa từng thấy đối với hắn; nàng quyến rũ hắn, vắng mặt tôi nàng điều đình với hắn vài việc bí mật mà tôi chẳng biết qua một tí gì; tôi đã là cái phương tiện của nàng. Nàng dường như không thấy tôi nữa khi gã anh em họ của tôi ở nhà nàng, và lúc đó tiếp đón tôi có lẽ không vui mừng bằng cái bữa tôi được giới thiệu với nàng…

Một buổi tối, trước mặt công tước, nàng làm tôi mất thể diện bằng một cử chỉ và vẻ nhìn mà không lời lẽ nào mô tả được. Tôi khóc mà ra về, bụng nghĩ bao nhiêu dự kiến trả thù, mưu mô những chuyện cưỡng hiếp kinh khủng. Thường thường tôi đi cùng nàng tới rạp Bouffons, ở đó, bên cạnh nàng, toàn tâm với niềm ân ái, tôi vừa ngắm nàng vừa buông mình theo cái thú nghe nhạc, dồn hết tâm trí vào hai cái lạc thú là yêu đương và cảm thấy tiếng lòng được nhạc sĩ diễn tả diệu kỳ: tình tôi là ở trong không trên sân khấu; nó thắng thế ở khắp nơi, trừ ở tình nương của tôi. Lúc đó tôi cầm tay Foedora, tôi ngắm nghía nét mặt nàng và con mắt nàng, van xin một sự giao cảm, một trong những hòa điệu đột ngột đó, được nốt nhạc khêu gợi, làm hai tâm hồn cùng rung một nhịp: nhưng bàn tay nàng câm lặng và mắt nàng chẳng nói điều gì. Khi lửa lòng tôi, tỏa ra khắp mọi nét mặt tôi, phả quá mạnh vào mặt nàng, nàng nở ra với tôi một nụ cười kiểu cách, lời ước lệ được tái hiện ở phòng triển lãm trên đôi môi mọi bức chân dung. Nàng chẳng nghe âm nhạc. Nhưng bản thần diệu của Rossini, của Cimarosa, của Zingarelli[6] chẳng gợi cho nàng một tình cảm nào, chẳng diễn tả với nàng một bài thơ nào của cuộc đời nàng; tâm tình nàng thật là khô khan. Foedora xuất hiện ở đó như một màn kịch trong tấn kịch. Chiếc ống nhòm của nàng luôn luôn diễu từ lô này đến lô khác: băn khoăn, mặc dầu bình thản, nàng là nạn nhân của thời thượng: lô của nàng, mũ của nàng, xe của nàng, thân mình nàng là tất cả đối với nàng. Anh thường gặp những con người bề ngoài đồ sộ mà trái tim thì thắm thiết và tế nhị dưới cái thân da sắt xương đồng; nhưng nàng thì che giấu một trái tim sắt dưới cái hình hài mảnh khảnh và duyên dáng. Cái khoa học tai ác của tôi xé toạc ra cho tới bao nhiêu tấm màn. Nếu phép lịch sự là quên mình vì người khác, là luôn luôn dịu dàng trong giọng nói và cử chỉ, là làm vừa lòng người khác bằng cách để họ bằng lòng với bản thân họ, thì mặc dầu có sắc sảo, Foedora vẫn chưa xóa hết vết tích nguồn gốc bình dân của nàng; sự quên mình của nàng là giả dối; phong cách của nàng không phải bẩm sinh mà là do dày công rèn luyện; sau hết sự lễ phép của nàng mang tính nô lệ. Thế mà, những lời đường mật của nàng được bọn sủng thần của nàng coi như biểu hiện của sự hiền hậu, thói khuếch đại hợm hĩnh của nàng được coi là một nhiệt tình cao quý. Chỉ riêng tôi đã nghiên cứu những trò nhăn nhó của nàng, tôi đã lột trần con người bên trong của nàng khỏi cái vỏ mỏng manh đủ thỏa mãn xã hội thượng lưu, và không còn bị lừa vì những trò khỉ của nàng; tôi biết sâu cái tâm hồn õng ẹo của nàng. Khi một thằng ngốc ca ngợi nàng, tâng bốc nàng, tôi hổ thẹn thay cho nàng. Thế nhưng tôi vẫn yêu nàng! Tôi hy vọng làm tan những tảng băng đó dưới đôi cánh của một mối tình thi sĩ. Nếu tôi có thể làm cho trái tim nàng mở ra một lần với những tình thắm thiết của người đàn bà, nếu tôi luyện được cho nàng lòng hy sinh cao cả, thì bấy giờ tôi thấy nàng hoàn hảo; nàng trở thành một thiên thần. Tôi yêu nàng với tư cách một người đàn ông, một nhân tình, một nghệ sĩ, mà đáng ra phải không yêu mới chiếm lĩnh được nàng; một tay hợm làm bộ làm tịch ra trò, một gã tính toán lạnh lùng có lẽ sẽ khuất phục được nàng. Tự phụ, giả dối, chắc hẳn nàng sẽ nghe theo tiếng nói của tự phụ, sẽ để mình mắc vào tròng một âm mưu; nàng có thể bị một người đàn ông khô khốc và giá lạnh chế ngự. Lòng tôi quằn quại đau đớn như dao đâm khi nàng để lộ ra một cách ngây thơ tính ích kỷ của nàng. Đau đớn, tôi mường tượng một ngày kia nàng trơ trọi giữa cuộc đời và không biết giơ tay ra với ai, không gặp đâu những con mắt thân thiết để đặt mắt mình vào. Một buổi tối, tôi mạnh bạo mô tả bằng những màu sắc linh hoạt cho nàng thấy cảnh già cô độc, trống trải và buồn thảm của nàng. Khi thấy cái cảnh trả thù kinh khủng của tự nhiên bị lừa dối đó, nàng nói một điều tàn nhẫn:

– Bấy giờ tôi vẫn còn tiền của, – nàng trả lời tôi. – Thế mà bằng tiền, chúng ta vẫn có thể tạo nên chung quanh ta những tình cảm cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta.

Tôi ra về choáng váng vì cái logic của sự sang trọng đó, của người đàn bà đó, của xã hội thượng lưu đó, mà tôi đã sùng bái một cách ngu ngốc đến thế. Tôi không yêu nàng Pauline nghèo khổ. Nàng Foedora giàu sang phải chăng không có quyền cự tuyệt tôi? Lương tâm của chúng ta là một quan tòa sáng suốt khi chúng ta chưa giết chết nó. Một tiếng nói ngụy biện thét bảo tôi: “Foedora chẳng yêu mà cũng chẳng cự tuyệt ai; bây giờ nàng tự do, nhưng xưa kia nàng đã hiến mình vì đồng tiền. Nàng đã thuộc về ông bá tước Nga, dù người đó là nhân tình hay chồng nàng. Trong cuộc đời nàng rồi sẽ có lúc nàng bị cám dỗ. Hãy đợi lúc đó!”. Không nết na mà cũng không tội lỗi, người đàn bà đó sống xa loài người, trong một khu vực của mình, dù là địa ngục hay thiên đường. Cái bí ẩn giống cái bận cachemire và hàng thêu đó khêu gợi trong trái tim tôi đủ mọi tình cảm con người, kiêu hãnh, tham vọng, tình yêu, hiếu kỳ. Một thói ngông của thời thượng, hay cái tính muốn tỏ ra độc đáo nó theo đuổi tất cả chúng ta, đã gây ra cái mốt đua nhau tâng bốc một rạp hát nhỏ của khu phố. Nữ bá tước ngỏ ý muốn đi xem bộ mặt trát phấn của một diễn viên đã từng làm cho một số kẻ tài ba thú vị, và tôi được cái hân hạnh dẫn nàng đi xem buổi biểu diễn đầu của không biết vở hề kịch phải gió nào. Giá vé lô không đến trăm xu, mà tôi chẳng có một đồng chết tiệt nào. Vì còn nữa, cuốn hồi ký chưa viết xong, tôi không dám đi cầu cứu Finot, còn Rastignac cứu tinh của tôi, thì lại đi vắng. Cái túng quẫn thường xuyên đó ám ảnh tôi suốt đời. Một bữa ở rạp Bouffons ra, trời mưa kinh khủng, Foedora đã bảo người gọi xe cho tôi mà tôi không thể khước từ sự ân cần phô trương của nàng; nàng không chấp nhận một lời kiếu nào của tôi, hoặc tính tôi thích đi mưa, hoặc ý tôi muốn đi đánh bạc. Nàng không đoán ra cảnh nghèo của tôi trong dáng điệu lúng túng của tôi cũng như trong những lời nói đùa não ruột của tôi. Mắt tôi đỏ lên, nhưng nàng có hiểu được một vẻ nhìn hay không? Cuộc sống của những chàng trai phải chịu những cắc cớ lạ thường! Trên đường đi, mỗi vòng bánh xe quay gợi cho tôi những ý nghĩ đốt cháy lòng; tôi định tháo một mảnh ván dưới đáy xe hòng luồn xuống mặt đường; nhưng không thể nào làm được; tôi ngã ra cười giật giọng và ngồi bình tĩnh một cách rầu rĩ, ngây dại, như kẻ đeo gông. Về đến nhà, nghe thấy tôi lẩm bẩm một cái là Pauline ngắt lời tôi nói:

– Nếu ông không có tiền lẻ…

Chà! Nhạc của Rossini chẳng có nghĩa lý gì so với những lời đó. Nhưng ta hãy trở lại câu chuyện rạp Funambules. Để có tiền dẫn nữ bá tước đi xem, tôi định đem cầm cái vòng bằng vàng đóng khung bức chân dung của mẹ tôi. Tuy rằng Sở Vạn bảo[7] bao giờ cũng hiện ra trong óc tôi như một cánh cửa nhà tù, chẳng thà tôi tự khuân chiếc giường tôi nằm đến đó còn hơn là đi ngửa tay xin tiền. Vẻ nhìn của kẻ mà anh hỏi xin tiền làm nhục nhã biết bao. Một số vay mượn phải trả bằng danh dự của chúng ta, cũng như một số lời từ chối ở miệng một người bạn thân làm ta mất hết ảo tưởng. Pauline đang làm việc, mẹ nàng đã đi nằm. Thoáng nhìn vào chiếc giường diềm màn hơi hếch lên tôi tưởng bà Gaudin ngủ say khi thấy trong bóng tối nét mặt bình thản vàng vàng của bà in trên chiếc gối.

– Ông có chuyện buồn, – Pauline nói với tôi tay đặt bút sơn xuống đám thuốc vẽ.

– Tội nghiệp cô em, cô có thể giúp tôi một việc lớn, – tôi đáp.

Nàng nhìn tôi vẻ rất mừng làm cho tôi giật mình. Nàng yêu ta hay sao? – Tôi nghĩ thầm.

– Pauline ạ! – Tôi lại nói. Và tôi ngồi xuống bên nàng để ngắm kỹ nàng. Nàng hiểu ý, vì giọng nói dò hỏi của tôi; nàng hạ mắt xuống, và tôi ngắm nghía nàng, tưởng như có thể nhìn thấu trái tim nàng như trái tim tôi, vì vẻ mặt nàng thật là ngây thơ, trong sáng…

– Cô yêu tôi? Tôi nói.

– Chút ít, say mê thì tuyệt nhiên không, – nàng thốt lên.

Nàng không yêu tôi. Giọng nói nhạo của nàng và cái cử chỉ đáng yêu khoát ra của nàng chỉ tỏ ra một sự biết ơn vui giỡn của cô gái nhỏ. Tôi liền nói thật cảnh cùng quẫn, sự lúng túng của tôi và nhờ nàng giúp đỡ.

– Thế nào? ông Raphaël, – nàng nói, ông không muốn tới sở Vạn bảo mà lại bảo em đi?

Tôi đỏ mặt lên, mắc cỡ vì lý luận của một cô bé. Nàng liền cầm lấy tay tôi như muốn vuốt ve để bù lại lời thốt ra nghiêm khắc.

– Ồ! Có, có thể đi được, nhưng chẳng cần phải đi. Sáng nay, em tìm thấy phía sau dương cầm hai đồng trăm xu lọt vào giữa tường và cái gióng ngang mà ông không biết, em đã để lên bàn ông.

– Cậu sắp lĩnh được tiền rồi, cậu Raphaël ạ, bà mẹ hiền hậu, thò đầu ra ngoài diềm màn mà nói: – tôi có thể cho cậu mượn vài écu trong khi chờ đợi.

– Chao ôi! Pauline, – tôi siết tay nàng thốt lên, – tôi muốn được giàu có.

– Chà! Tại sao? – Nàng vồ vập nói.

Tay nàng run lên trong tay tôi hòa nhịp với mọi tiếng đập của trái tim tôi; nàng giật mạnh tay nàng ra, ngắm nghía bàn tay tôi:

– Ông sẽ lấy một người vợ giàu! Nàng nói, – nhưng bà ta sẽ làm ông rất buồn phiền. À! Trời ơi! Bà ta sẽ giết ông. Tôi tin chắc thế. Trong tiếng kêu của nàng có cái gì như là lòng tin ở những dị đoan kỳ quái của bà mẹ.

– Cô hay tin nhảm, Pauline ạ!

– Ồ! Đúng quá rồi! – Nàng vừa nói vừa nhìn tôi một cách kinh khủng, – người đàn bà mà ông yêu sẽ giết ông.

Nàng cầm lấy bút sơn, chấm vào thuốc màu, để lộ ra vẻ rất xúc động và không nhìn tôi nữa. Lúc đó, tôi rất muốn tin ở những điều hoang đường. Người nào đã mê tín thì không hoàn toàn cực khổ. Một điều mê tín là một niềm hy vọng. Về đến buồng, quả nhiên tôi thấy hai đồng écu cao quý mà tôi không hiểu ở đâu ra. Giữa những ý nghĩ lộn xộn khi bắt đầu ngủ, tôi cố kiểm điểm lại những món chi tiêu của tôi để tự biện bạch cho cái khoản tìm thấy bất ngờ đó, nhưng tôi ngủ mất giữa những tính toán vô ích. Hôm sau, Pauline đến gặp tôi vào lúc tôi sắp đi thuê lô nhà hát.

– Có lẽ có mười quan thì không đủ cho ông, – cô gái hiền hậu và đáng yêu đo đỏ mặt nói với tôi, – mẹ em bảo em đưa ông chỗ tiền này. Ông cầm lấy đi!

Nàng ném ba écu xuống bàn và định chạy trốn nhưng tôi giữ nàng lại. Lòng khâm phục làm khô những giọt lệ trên mắt tôi:

– Pauline! – tôi bảo nàng, – cô là một thiên thần! Việc cho vay này không làm cho tôi cảm động nhiều bằng mối e lệ của cô khi đưa tiền cho tôi. Tôi đã ước ao một người vợ giàu có, lịch sự, có tước hiệu; chao ôi! Bây giờ thì tôi muốn có bạc triệu và gặp một thiếu nữ nghèo như cô, và cũng như cô giàu về tấm lòng, tôi sẽ từ bỏ một mối tình tai hại nó sẽ giết tôi. Có lẽ cô nói đúng.

– Thôi! – Nàng nói.

Nàng bỏ chạy, và giọng họa mi của nàng, những tiếng ríu rít trong trẻo của nàng vang lên ở cầu thang. Nàng thật sung sướng vì chưa yêu? Tôi tự nhủ, nghĩ tới những đau khổ mà tôi phải chịu từ bao tháng nay. Mười lăm quan của Pauline thật là quý đối với tôi. Foedora, nghĩ tới những mùi hôi hám của đám quần chúng trong nhà hát mà chúng tôi sẽ phải vào mấy tiếng đồng hồ, ngỏ ý tiếc rằng đã không mua một bó hoa; tôi đi tìm mua hoa cho nàng, tôi mang lại cho nàng cả sinh mệnh và tài sản của tôi. Tôi vừa hối hận vừa thích thú tặng nàng một bó hoa mà giá tiền vạch ra cho tôi thấy tất cả cái gì là tốn phí trong thói phong nhã hời hợt lưu hành trong xã hội thượng lưu. Chẳng bao lâu nàng than phiền vì mùi khá hắc của một bông hoa nhài Mê-hi-cô, nàng thấy ghê tởm quá sức vì nhìn quang cảnh rạp hát, vì ngồi những ghế dài nhỏ cứng; nàng trách tôi đã dẫn nàng tới đó. Tuy nàng ngồi bên tôi, nàng muốn bỏ đi. Bắt tôi thức đêm, tiêu phí hai tháng tiền sinh sống của tôi, thế mà không làm nàng vừa lòng. Chưa bao giờ con quái vật đó lại duyên dáng hơn cũng như vô tình hơn. Trên đường về, ngồi bên nàng trong một chiếc xe song mã hẹp, tôi thở hơi thở của nàng, tôi mó vào chiếc găng thơm phức của nàng, tôi thấy rõ những châu báu của sắc đẹp nàng, tôi ngửi một mùi hương êm dịu như hoa iris; tất cả người đàn bà mà chẳng có gì đàn bà. Lúc đó một tia sáng cho tôi thấy đáy sâu của cuộc đời bí ẩn đó! Bỗng tôi nghĩ tới cuốn sách của một thi sĩ mới xuất bản[8], một quan niệm nghệ sĩ thật sự tạc vào pho tượng của Polyclès[9]. Tôi tưởng như trông thấy con quái vật đó khi là một võ quan khuất phục một con ngựa bất kham, khi là con gái ngồi trang điểm và làm thất vọng bọn tình nhân là tình nhân, làm thất vọng một trinh nữ dịu dàng và nhũn nhặn. Không biết giải đáp Foedora thế nào khác tôi kể cho nàng nghe câu chuyện quái dị đó: không có gì để lộ ra rằng nàng giống cái bài thơ về điều bất khả đó; nàng thật tình thấy thú vị, như một đứa trẻ thích thú một chuyện hoang đường của Một nghìn một đêm lẻ[10]. Foedora chắc phải có một điều bí mật gì giữ kín cho nên mới cưỡng lại mối tình của một người đàn ông có tuổi tôi, cưỡng lại cái hơi nóng dễ lan truyền của mối giao cảm đẹp đẽ của tâm hồn đó, tôi nghĩ thầm khi trở về nhà. Có lẽ, giống như Delacour phu nhân, nàng bị một bệnh ung thư phá phách chăng?Cuộc sống của nàng chắc hẳn là một cuộc sống giả tạo. Nghĩ thế tôi thấy lạnh cả người. Và tôi nảy ra một dự kiến ngông cuồng nhất mà cũng hợp lý nhất mà một kẻ tình nhân có thể chưa bao giờ nghĩ tới. Để xem xét thân thể người đàn bà đó, cũng như tôi đã nghiên cứu nàng về tinh thần nghĩa là để biết nàng toàn bộ, tôi định lén ở lại một đêm trong nhà nàng, trong buồng nàng. Đây là cách tôi thực hiện cái mưu mô đó, nó xâu xé tâm hồn tôi như một ý muốn trả thù cắn rứt trái tim một thày tu xứ Corse.

Những ngày tiếp khách, Foedora tụ họp một đám rất đông khiến cho gã canh cửa khó lòng mà tính toán đúng số người vào và ra. Chắc chắn rằng có thể ở lại trong nhà mà không gây ra tai tiếng gì, tôi sốt ruột chờ buổi tối tiếp khách sắp tới của nữ bá tước. Khi mặc quần áo, tôi đút vào túi áo gilet một con dao con kiểu ăng-lê, vì không có dao găm. Cái dụng cụ văn chương đó, nếu tìm thấy trong người tôi, không có gì là khả nghi và chẳng biết cái ý định có vẻ tiểu thuyết đó sẽ đưa tôi đến đâu, tôi muốn mang theo vũ khí. Khi các phòng khách bắt đầu đông người, tôi vào buồng ngủ xem xét mọi vật, và thấy những cửa chớp cửa kính đều đóng cả, đó là điều may thứ nhất của tôi; sợ người hầu buồng có thể vào buông những diềm màn cửa sổ, tôi thả dây móc xuống, tôi rất liều khi bạo gan làm cái việc dọn buồng trước như vậy, nhưng tôi đã cam lòng chịu những tai họa của tình cảnh đó và đã lạnh lùng tính toán trước. Vào quãng nửa đêm, tôi vào nấp ở khung một cửa sổ. Để khỏi thò bàn chân ra, tôi cố leo lên thành ván lát tường, lưng tựa vào tường, và bám lấy then cửa. Sau khi nghiên cứu sự thăng bằng, những điểm tựa, đo khoảng cách giữa tôi và diềm vải, tôi làm quen được với cái thế đứng khó khăn của tôi, khiến cho không thể bị lộ, ví bằng không bị chuột rút, ho hay hắt hơi. Để khỏi phải mệt nhọc vô ích, tôi đứng xuống và chờ lúc sắp gay go mới phải treo mình lên như con nhện trong mạng lưới của nó. Màn cửa bằng lụa vân trắng và mousseline làm thành những nếp lớn tựa như những ống đàn phong cầm, tôi lấy dao con chọc những lỗ thủng để có thể trông thấy tất cả qua những thứ lỗ châu mai đó. Tôi nghe thấy mơ hồ tiếng lào xào ở các phòng khách, tiếng cười, tiếng la của khách nói chuyện. Cái ồn ào mung lung đó, cái náo động âm ỉ đó bớt dần dần. Vài người tới lấy mũ để trên chiếc tủ ngắn ở gần tôi. Khi họ làm sột soạt màn cửa, tôi rợn mình nghĩ tới những chuyện táy máy, những chuyện ngẫu nhiên trong sự tìm tòi đó của những kẻ vội ra về nên lục lọi khắp cả. Tôi dự đoán hết mưu đồ của tôi mà không cảm thấy một điều rủi nào như vậy. Chiếc mũ lấy cuối cùng là của lão già phải lòng Foedora, hắn thường có một mình nên nhìn chiếc giường và thở dài thật to, kèm theo một tiếng la khá cương quyết thế nào đó. Nữ bá tước ở nội thất bên cạnh buồng bây giờ chỉ còn năm sáu người thân thiết quây xung quanh, liền mời họ uống trà. Những lời vu khống, mà trong xã hội hiện thời chỉ còn một ít người tin tưởng, bấy giờ xen lẫn với những lời châm chọc, những lời phê phán ý vị, với tiếng va chạm của chén và thìa. Không chút thương hại địch thủ, Rastignac xổ ra những lời cay độc làm mọi người cười điên ruột.

– Ông de Rastignac là một người mà không nên bất hòa với ông ta, – nữ bá tước vừa nói vừa cười.

– Tôi tin thế, – hắn ngây thơ đáp.

– Xưa nay tôi vẫn có lý khi căm ghét ai. Và khi yêu ai, – hắn nói thêm – kẻ thù của tôi có lẽ cũng có ích cho tôi như bạn hữu. Tôi đã nghiên cứu khá đặc biệt ngôn ngữ hiện đại và những thủ đoạn tự nhiên mà người ta dùng để tấn công hết thảy hay để bảo vệ hết thảy. Khoa hùng biện quan nha là một sự cải thiện xã hội. Một người bạn anh ví bằng không có trí khôn, anh bảo là hắn chân thật, thật thà. Tác phẩm của một người bạn khác ví bằng nặng nề, anh giới thiệu nó như một công trình nghiêm túc. Nếu quyển sách viết dở, anh tâng bốc nó về mặt tư tưởng. Gã nọ không thành thực, không nhất trí, anh không biết thế nào mà tin được. Chà! Hắn dễ ưa, có uy thế, hắn cám dỗ. Phải chăng là kẻ thù? Anh đổ lên đầu chúng cả tội sống lẫn tội chết; anh đảo ngược cả lại mọi tiếng trong ngôn ngữ anh để nói về chúng, và anh cũng sáng suốt phát hiện ra những khuyết điểm của chúng như khi anh khôn khéo đề cao những ưu điểm của các bạn anh. Cái cách dùng ống nhòm vào việc nhìn nhận đạo đức tư tưởng con người là bí quyết những cuộc đàm thoại của chúng ta, và tất cả nghệ thuật của gã nịnh thần. Không sử dụng nó là muốn chiến đấu tay không với những kẻ nai nịt vũ khí như những kỵ sĩ cửa bọn lãnh chúa. Và tôi sử dụng nó, thậm chí đôi khi lạm dụng nữa. Cho nên người ta kiềng nể tôi và các bạn tôi vả chăng cũng vì thanh kiếm của tôi cũng sắc như cái lưỡi của tôi. Một trong những kẻ sùng bái Foedora nhất, một chàng trai nổi tiếng vì ngạo nghễ, và cũng dùng cái đó làm thủ đoạn tiến thân, chấp nhận lời thách thức mà Rastignac ném ra ngạo mạn đến thế. Bàn về tôi, y quay ra tâng bốc quá đáng tài năng của tôi cũng như con người tôi. Rastignac đã quên mất cái lối giếm pha đó. Lời khen cay độc kia làm nữ bá tước mắc lừa, nàng nhạo báng tôi không thương xót; để mua vui các bạn, nàng lạm dụng cả những chuyện bí mật của tôi, những ý đồ và những hy vọng của tôi.

– Cậu ấy có triển vọng, – Rastignac nói:

– Có lẽ một ngày kia, cậu ấy sẽ là người trả miếng tai ác; tài năng cậu ấy ít ra cũng ngang với cái gan dạ của cậu ấy; vì vậy tôi coi những người đả kích cậu ấy là táo bạo, vì cậu ấy nhớ dai…

– Và viết hồi ký, – nữ bá tước nói, vì dường như sự im bặt của mọi người làm mếch lòng nàng.

– Hồi ký về nữ bá tước giả hiệu, thưa bà, – Rastignac đáp – Muốn viết nó thì lại phải có một loại can trường khác.

– Tôi tin rằng ông ấy rất can đảm, – nàng lại nói, – ông ấy trung thành với tôi.

Lúc đó tôi những muốn xuất hiện đột ngột trước những kẻ báng nhạo như bóng của Ban cô trong Macbeth[11]. Tôi mất một tình nương, nhưng tôi được, một người bạn! Thế nhưng bỗng nhiên tình yêu nhắc tôi một trong những nghịch luận hèn hạ và tinh vi nhờ đó nó xoa dịu mọi niềm đau đớn của chúng ta. Nếu Foedora yêu ta,- tôi nghĩ thầm, – phải chăng nàng cần phải che đậy lòng thương yêu bằng một sự đùa bỡn tinh quái? – Đã biết bao lần trái tim đã chẳng cải chính những lời dối trá của miệng nó đó ư? Chẳng bao lâu tay địch thủ láo xược của tôi, kẻ cuối cùng một mình còn ở lại với nữ bá tước, ngỏ ý muốn về.

– Kìa! Đã về đấy à? – Nàng bảo hắn bằng một giọng đầy mơn trớn khiến tôi hồi hộp. – Ông không ở lại được một lúc nữa với em hay sao ông không còn điều gì nói với em, và chẳng vì em mà hy sinh vài thú vui nào đó hay sao?

Hắn ra về.

– Chào – Nàng vừa ngáp vừa thốt lên, – tất cả bọn họ đều chán mớ đời. Và nàng giật mạnh một sợi dây, tiếng chuông vang lên trong các gian nhà. Nữ bá tước trở về buồng miệng khẽ hát một lời của bài Pria che spunti[12]. Chưa ai nghe tiếng nàng hát bao giờ và sự lặng thinh đó làm nảy ra những lời giải thích kỳ quặc. Có người nói nàng đã hứa với người tình nhân đầu say mê về tài năng của nàng và ghen vì nàng cả sau khi đã chết, rằng nàng không cho ai một cái hạnh phúc, mà hắn muốn chỉ có hắn là đã được hưởng. Tinh thần tôi căng hết sức để thu hút lấy những âm thanh. Từ nốt này đến nốt khác, tiếng nàng cất cao. Foedora dường như hứng lên, khả năng phong phú của giọng nàng được phô bày và giai điệu đó bấy giờ như đượm cái gì thần diệu. Nữ bá tước có tiếng hát trong suốt, đúng giọng, có cái gì hài hòa và rung động nó thâm nhập lay chuyển và mơn trớn trái tim. Những nét nhạc sĩ hầu hết bao giờ cũng si tình. Cái người hát như vậy chắc phải biết yêu. Giọng hát hay kia như vậy lại là một bí mật nữa trong người đàn bà đã rất bí mật đó. Lúc bấy giờ tôi trông thấy nàng rõ ràng cũng như trông thấy cậu bây giờ đây: nàng dường như tự lắng nghe mình và cảm thấy một niềm khoái trá riêng biệt của nàng; nàng cảm thấy như một hưởng thụ ái tình. Nàng tới trước lò sưởi và kết thúc cái môtip chính của ca khúc đó: nhưng khi nàng im tiếng thì diện mạo thay đổi, nàng biến sắc đi và mỏi mệt lộ ra trên mặt. Nàng vừa trút bỏ một chiếc mặt nạ, là diễn viên, vai nàng đã thủ xong. Tuy nhiên cái thứ tàn tạ in vào sắp đẹp nàng do lao động nghệ sĩ, hay do sự mỏi mệt sau tối tiếp khách, không phải là không quyến rũ. Đó mới thật là nàng, tôi nhủ thầm. Như để sưởi, nàng đặt một bàn chân lên trên cái gióng đồng ở trên chiếc chắn gió, nàng tháo găng, tháo xuyến và vòng qua đầu tháo sợi dây chuyền vàng có đeo một lọ dầu thơm chạm đá quý. Tôi cảm thấy thích thú khôn tả được trông thấy những cử động dễ thương của nàng, như thường thấy ở những con mèo cái lau mặt dưới ánh nắng. Nàng soi mình trong gương và vẻ bực bội nói to: “Tối nay mình chẳng đẹp, màu da phai tàn mau đến sợ. Mình có lẽ sẽ phải đi ngủ sớm hơn, từ bỏ cái cuộc sống phóng đãng này đi! À mà cái con Justine nó nhờn với mình chắc?”.

Nàng lại giật chuông. Chị hầu buồng chạy vào.Chị ta ở chỗ nào? Tôi không biết. Chị ta lên bằng một cầu thang kín. Tôi tò mò ngắm nghía chị ta. Tư tưởng tượng thi sĩ của tôi thường hay buộc tội cái cô hầu vô hình này, một cô gái lớn tóc nâu, tráng kiện.

– Bà gọi con?

– Hai lần rồi! – Foedora đáp – Bây giờ mày sinh điếc à?

– Con đang mải pha sữa hạnh nhân cho bà!

Justine quỳ xuống tháo đôi ống trên giày, cởi giày cho chủ, nàng uể oải ngả mình trên chiếc ghế bành có lò xo, bên lò sưởi, vừa ngáp vừa gãi đầu. Trong những cử động đó chỉ thấy cái rất tự nhiên, và không có triệu chứng gì tỏ ra nàng có những nỗi đau thầm kín cũng như những tình dục mà tôi đã cho là có.

– Thằng Georges mê gái, – nàng nói, tao sẽ đuổi nó đi. Tối nay nó đã buông màn cửa xuống hay chưa, nó nghĩ đến chuyện gì?

Nghe thấy lời mắng đó, máu dồn lên trên tim tôi, nhưng rồi cũng chẳng còn chuyện màn cửa nữa – Đời thật là trống rỗng, – nữ bá tước lại nói.

– Ái chà! Đừng có mà làm xước da tôi, như hôm qua ấy! Này cô xem, – nàng vừa nói vừa chỉ vào cái đầu gối xinh nhẵn bóng, tôi vẫn còn mang vết móng của cô đây.

Nàng xỏ những bàn chân không vào đôi giày pantoufle bằng nhung lót lông thiên nga, và cởi áo dài trong khi đó Justine lấy một chiếc lược chải tóc cho nàng.

– Thưa bà, bà phải lấy chồng, có con.

– Con với cái, tôi chỉ còn thiếu nước ấy cũng là xong đời, – nàng kêu lên

– Một đức ông chồng! Cái anh nào mà có thể…

– Tối nay đầu tóc tôi có tươm không?

– Thưa chẳng tươm lắm. – Cô là đồ ngốc.

– Bà uốn tóc mau quá rất có hại. – Justine nói, – những làn tóc uốn thưa và thật trơn tốt hơn.

– Thật không?…

– Thật chứ bà ạ, chỉ uốn tóc thưa mới thích hợp với những người tóc hung vàng.

– Lấy chồng à? Không, không! Cưới xin là một việc mua bán, không hợp với tôi.

Cái cảnh thật là kinh hãi cho một anh tình nhân! Người đàn bà cô đơn ấy, không bà con, không bạn bè, không tin ở tình yêu[13], không tin ở một tình cảm nào; và cho dù ở nàng có cái nhu cầu thổ lộ tâm tình, tự nhiên ở mọi con người, có ít ỏi đến đâu chăng nữa, người đàn bà ấy, để thỏa mãn nhu cầu kia, chỉ thu hẹp vào mỗi việc chuyện trò với chị hầu buồng của mình, nói những lời khô khan hay những cái vô nghĩa! Tôi thương hại nàng, Justine cởi dải áo cho nàng. Tôi tò mò ngắm nghía nàng khi tấm màn cuối cùng bỏ đi. Nàng có một bộ ngực trinh nữ làm lóa mắt tôi; qua lần áo lót và trong ánh nến, thân mình trắng hồng của nàng rực rỡ như một pho tượng bạc lấp lánh dưới làn sa phủ bên ngoài. Không! Không khuyết điểm nào làm cho nàng phải sợ những con mắt lén lút của tình yêu.

Chao ôi! Một tấm thân mỹ lệ bao giờ cũng đánh bại những quyết định hùng dũng nhất. Bà chủ ngồi trước lửa, câm lặng và tư lự trong khi chị hầu buồng thắp nến trong chiếc đèn bằng đá hoa trắng treo trước giường. Justine đi kiếm một chiếc lồng ấp, dọn giường, giúp bà chủ đi ngủ; rồi, sau một hồi khá lâu làm những việc tỉ mỉ chứng tỏ Foedora tự sùng bái mình vô cùng, cô gái đó đi ra. Nữ bá tước oằn oài nhiều lần, nàng bứt rứt, nàng thở dài; môi nàng để thoát ra một tiếng khe khẽ nghe thấy và tỏ ra nàng sốt ruột; nàng với tay lại bàn lấy một chiếc lọ nhỏ, giỏ vào sữa trước khi uống vài giọt nước mà tôi không nhận ra là thuốc gì; cuối cùng, sau vài tiếng thở dài, ảo não, nàng kêu lên: “Trời ơi!”. Tiếng la đó và nhất là giọng nàng la làm tan nát lòng tôi. Lặng lẽ, nàng nằm không cử động. Tôi lo sợ, nhưng chẳng bao lâu nghe tiếng thở đều và mạnh của một người đã ngủ; tôi vén màn cửa bằng lụa sặc sỡ, ra khỏi vị trí của tôi và tới ngồi ở chân giường nàng, nhìn nàng với một tình cảm không sao tả được Trông nàng, tuyệt trần trong tư thế đó. Đầu nàng nép dưới cánh tay như một đứa trẻ; mặt nàng bình thản và đẹp, quây đăng-ten, biểu lộ một niềm êm ái nó làm rực lòng tôi. Quá tự thị ở mình, tôi đã không hiểu cái cực hình của tôi; ở gần nàng mà cũng xa nàng đến thế. Tôi buộc phải chịu mọi khổ tâm mà tôi đã tự gây cho mình.

Trời ơi! Cái mảnh tư duy bí ẩn đó, mà là tất cả ánh sáng tôi khơi ra được, đã đột nhiên thay đổi ý kiến tôi về Foedora. Cái tiếng đó vô nghĩa hay sâu xa, không nội dung hay đầy thực tại, có thể được giải thích là niềm hạnh phúc cũng như là nỗi đau khổ là một sự đau đớn về xác thịt hay là những nỗi cực trong lòng. Phải chăng là lời nguyền rủa hay là cầu nguyện, hồi tưởng hay triển vọng, ân hận hay sợ hãi? Có cả một cuộc đời trong lời đó, đời cơ cực hay giàu sang; nó có thể bao hàm cả một tội ác! Điều bí ẩn nấp trong cái vỏ đàn bà mỹ miều đó lại nảy ra. Foedora có thể được giải thích rất nhiều cách đến trở thành không giải thích được. Hơi nàng thở qua hai hàm răng, lắt léo, khi yếu, khi mạnh, nặng nề hay nhẹ nhàng, mang một thứ ngôn ngữ mà tôi gán cho những tư tưởng và tình cảm. Tôi chiêm bao với nàng, tôi hy vọng tìm ra những bí mật của nàng khi thâm nhập vào giấc ngủ của nàng, tôi chập chờn giữa hàng nghìn bề trái ngược, giữa hàng nghìn phán đoán.

Cứ nhìn khuôn mặt kiều diễm, bình thản và trong trẻo kia, tôi không thể chối từ một trái tim cho người đàn bà đó. Tôi quyết định thử làm một lần nữa. Kể cho nàng nghe cuộc đời của tôi, mối tình của tôi, những sự hy sinh của tôi có thể thức dậy trong lòng nàng sự thương xót làm nàng rỏ một giọt nước mắt, ở con người không bao giờ khóc ấy. Tôi đã đặt hết mọi hy vọng vào cuộc thử cuối cùng này, vừa lúc tiếng ồn ào ngoài phố báo hiệu trời sáng. Có một lúc tôi hình dung Foedora thức dậy trong tay tôi. Tôi có thể nằm nhẹ nhàng bên nàng, trườn người vào đó và ôm ghì lấy nàng. Cái ý nghĩ đó uy hiếp tôi ác nghiệt đến nỗi, muốn cưỡng lại, tôi bỏ chạy sang phòng khách mà không giữ gìn cho khỏi tiếng động; nhưng may mắn tôi gặp một chiếc cửa kín đưa ra ngoài cầu thang nhỏ. Đúng như tôi dự đoán, chìa khóa cắm ở ổ khóa, tôi giật mạnh cánh cửa, tôi táo bạo xuống dưới sân, và chẳng nhìn xem có ai trông thấy không, tôi làm ba bước nhảy ra ngoài phố. Hai ngày sau, một tác gia đến đọc ở nhà nữ bá tước một vở hài kịch; tôi tới đó với ý định ở lại cuối cùng để đề nghị với nàng một điều khá đặc biệt. Tôi muốn yêu cầu nàng cho tôi gặp buổi tối hôm sau, dành cả buổi cho tôi mà không tiếp ai. Khỉ còn một mình tôi với nàng, lòng tôi đâm nao núng. Mỗi tiếng quả lắc đồng hồ làm tôi kinh hoảng. Còn mười lăm phút thì nửa đêm. Nếu ta không nói với nàng, – tôi nhủ lòng, – thì ta phải đập đầu vào góc lò sưởi. Tôi hạn cho mình ba phút, ba phút trôi qua, tôi không dập đầu vào đá hoa, lòng tôi nặng trĩu như một tiếng bọt biển ngấm nước – ông thật hết sức dễ thương – nàng nói với tôi – Chà! Thưa bà, – tôi đáp, – ví bằng bà có thể hiểu lòng tôi! Ông làm sao thế – Nàng lại nói, – mặt ông tái đi. – Tôi cứ chần chừ để xin bà một đặc ân. Nàng làm điệu khuyến khích tôi, và tôi xin nàng cuộc gặp gỡ. – Xin vui lòng, – nàng nói. – Nhưng tại sao ông không nói ngay bây giờ? – Để khỏi lừa dối bà, tôi cần nói hết tầm quan trọng của việc bà ước hẹn, tôi muốn qua buổi tối đó bên bà, như thể chúng ta là anh em. Bà đừng sợ, tôi biết những điều bà chẳng ưa; bà hẳn đã xét khá rõ tôi để chắc chắn rằng tôi không muốn làm điều gì có thể phiền lòng bà; vả lại những kẻ liều lĩnh chẳng làm như thế này. Bà đã tỏ tình thân thiết đối với tôi, bà hiền hậu, nhiều độ lượng. Thế thì, xin bà biết cho rằng ngày mai tôi sẽ ngỏ lời vĩnh biệt bà. Xin bà chớ rút ý kiến, tôi kêu lên khi thấy nàng định nói, và tôi biến mất. Vào tháng Năm vừa rồi, quãng tám giờ tối, tôi ngồi một mình với Foedora trong cái tư thất kiểu gothique của nàng. Lúc đó tôi không run, tôi chắc mình được sung sướng. Tình nương của tôi phải thuộc về tôi, hoặc tôi mượn tay cái chết để thoát mình.

Tôi đã kết án cái mối tình đớn hèn của tôi. Một người khi tự thú với mình sự nhu nhược của mình thì thật là mạnh. Mình bận chiếc áo cachemire dài màu lam, nữ bá tước ngả mình trên chiếc đi-văng, chân đặt trên nệm. Một chiếc mũ nồi kiểu phương Đông, loại mũ mà các họa sĩ cho là của những người Hébreux[14] đầu tiên, đã làm tăng thêm vẻ quyến rũ của nàng với cái thứ hấp dẫn thú vị của phương xa. Mặt nàng đượm một vẻ đẹp thoáng qua, nó dường như chứng minh rằng ở mỗi khoảnh khắc chúng ta là những người mới duy nhất, không chút nào giống với cái chúng ta trong tương lai và cái chúng ta trong quá khứ. Tôi chưa hề thấy nàng rực rỡ như vậy. – ông có biết rằng, – nàng vừa cười vừa nói. – ông đã khêu gợi tính tò mò của tôi không? – Tôi không làm bà thất vọng về chỗ đó, – tôi vừa lạnh lùng đáp, vừa ngồi xuống bên nàng và cầm lấy một tay mà nàng buông thả cho tôi. – Bà có giọng hát thật tuyệt vời! – ông chưa bao giờ nghe tiếng tôi hát, – nàng thốt lên và lộ ra một cử chỉ ngạc nhiên. – Tôi sẽ chứng minh ngược lại khi nào cần thiết. Giọng hát tuyệt diệu của bà phải chăng cũng lại là thêm một điều bí mật? Xin bà yên tâm, tôi không muốn đi sâu vào đó.

Chúng tôi nói chuyện thân mật trong khoảng một tiếng đồng hồ. Nếu tôi có giọng nói, thái độ và cử chỉ của một người mà Foedora không thể từ chối được cái gì, thì tôi cũng giữ tất cả sự lễ độ của người tình nhân. Đóng vai như thế, tôi được cái đặc ân hôn tay nàng; nàng bỏ găng ra bằng một cử động dễ thương, và lúc đó tôi đắm đuối một cách khoái trá vào ảo tưởng mà tôi cố tin đến mức tâm hồn tôi tan ra và bộc lộ trong cái hôn đó. Foedora để yên cho tôi vuốt ve mơn trớn với một sự buông thả không ngờ. Nhưng cậu đừng chê tôi là ngốc nghếch; nếu tôi định tiến thêm một bước quá cái trò vuốt ve anh em kia thì tôi đã được nếm những móng vuốt của con mèo cái. Trong khoảng mười phút. chúng tôi ngồi, đắm mình trong bầu không khí yên lặng như tờ. Tôi thán phục nàng, gán cho nàng những vẻ kiều diễm mà nàng không có. Lúc đó, nàng là của tôi một mình tôi. Tôi chiếm hữu nhân vật yêu kiều đó, như kiểu người ta được phép chiếm hữu nàng bằng trực giác! Tôi thâu tóm nàng trong sự thèm muốn của tôi, tôi tóm lấy nàng, ghì chặt lấy nàng, trong trí tưởng tượng tôi phối hợp với nàng. Vậy là tôi thắng nữ bá tước bằng sức mạnh của một sự mê hoặc bằng từ lực. Cho nên tôi vẫn lấy làm tiếc rằng tôi đã không hoàn toàn khuất phục người đàn bà đó, nhưng lúc bấy giờ tôi không muốn đụng đến thân thể nàng, tôi ước ao một tâm hồn, một cuộc sống, cái hạnh phúc lý tưởng và hoàn bị đó, ước mơ đẹp mà chúng ta không tin được lâu, – Thưa bà, – cuối cùng tôi nói với nàng, khi cảm thấy giờ kết thúc cuộc say mê của tôi đã tới, bà hãy lắng nghe tôi. Tôi yêu bà, bà đã biết, tôi đã nói điều đó với bà hàng nghìn lần, đáng lẽ bà phải nghe thấy lời tôi. Không muốn để được bà yêu vì những duyên dáng của kẻ hợm hĩnh, cũng như những lời nịnh hót hay những quấy rầy của kẻ ngờ nghệch, tôi đã không được bà hiểu.

Biết bao đau khổ tôi đã phải chịu vì bà, mà không phải lỗi ở bà. Nhưng lát nữa bà sẽ phê phán tôi. Có hai thứ khổ, thưa bà: cái khổ đi lang thang ngoài phố rách rưới đến trơ trẽn, tái diễn chuyện Diogène mà không biết, chỉ cần chút ít để nuôi thân, đơn giản hóa cuộc sống đến cực độ; có lẽ sung sướng hơn là giàu có, ít ra thì cũng vô lo nó đánh giá thiên hạ ở chỗ mà những kẻ quyền thế không muốn nữa. Rồi đến cái khổ của sự sang trọng, một thứ khổ kiểu Tây Ban Nha, che đậy việc ăn xin dưới một tước hiệu; kiêu kỳ, cắm lông ngất ngưởng, cái khổ khoác áo gi-lê trắng, đeo găng vàng, có ngựa xe, và chỉ thiếu một xu mà mất cả tài sản. Một đằng là cái khổ của dân chúng, đằng kia là cái khổ của kẻ lừa đảo, của vua chúa và những kẻ tài năng. Tôi chẳng phải dân chẳng phải vua, chẳng phải kẻ lừa đảo; có lẽ tôi không có tài năng: tôi là một ngoại lệ. Tên họ tôi bắt tôi cũng thà chết còn hơn là đi xin. Bà cứ yên tâm bà ạ, bây giờ tôi giàu có rồi, tôi có ruộng đất và tất cả mọi thứ tôi cần đến, – tôi nói khi thấy vẻ mặt nàng trở nên lạnh lùng như thường thấy trên nét mặt chúng ta khi chúng ta bất chợt gặp những kẻ ăn mày sang trọng. – Bà còn nhớ cái bữa bà đã muốn đi xem rạp Gymnase không có tôi và tưởng tôi không tới đó không? – Nàng gật đầu. – Tôi đã tiêu đồng écu cuối cùng để được tới đó trông thấy bà. Bà còn nhớ bữa chúng ta đi chơi vườn Bách thảo không? Tôi mất cả cơ nghiệp để thuê xe cho bà đi. Tôi kể cho nàng nghe những hy sinh của tôi, tôi mô tả cuộc đời của tôi, không phải trong cơn say rượu như hôm nay tôi kể với cậu, mà là trong cơn say cao quý của trái tim. Nhiệt tình của tôi tràn lan qua những lời nói cháy bỏng, qua những nét tình cảm quên ngay từ đó, và chẳng nghệ thuật nào, hồi ức nào có thể tái hiện được. Chẳng phải là lời kể chuyện lạnh lùng của một mối tình bị hắt hủi, mối tình tôi trong lúc sung sức của nó và trong vẻ đẹp của hy vọng đem lại cho tôi cảm hứng nói lên những lời vừa trải ra cả một cuộc đời vừa lắp lại những tiếng kêu của một tâm hồn bị vò xé. Giọng nói tôi là giọng cầu nguyện cuối cùng của một kẻ hấp hối trên bãi chiến trường. Nàng khóc. Tôi ngừng lại. Rõ khéo ông Trời! Những giọt nước mắt đó là kết quả của một niềm xúc động giả tạo mất trăm xu thì mua được ở cửa một rạp hát, tôi đã thành công như một diễn viên lành nghề. Ví bằng tôi đã biết, – nàng nói. – Xin bà chớ nói hết lời, – tôi kêu lên. – Bây giờ tôi vẫn còn yêu bà đủ để giết bà… Nàng định nắm lấy sợi dây giật chuông. Tôi phì cười. – Xin bà đừng gọi ai – tôi nói tiếp. – Tôi sẽ để bà yên vui đến hết cuộc đời. Giết bà chẳng hóa ra nghe sai tiếng nói của căm hờn! Bà đừng sợ một bạo lực nào; tôi đã qua cả một đêm bên chân giường bà, mà không… – Thưa ông, – nàng đỏ mặt lên nói; nhưng sau cái cử động thoạt đầu do sự e lệ mà mọi người đàn bà phải có ngay cả người sắt đá nhất, nàng khinh bỉ nhìn tôi và nói: – Chắc ông đã bị lạnh lắm! – Thưa bà, bà có nghĩ rằng sắc đẹp của bà quý hóa đối với tôi đến thế nào không? – Tôi đáp và đoán được những ý nghĩ đang kích động nàng – Dung nhan bà đối với tôi là lời hứa hẹn của một tâm hồn còn đẹp hơn cả vẻ đẹp của bà! Chà! Thưa bà, những kẻ chỉ nhìn thấy nữ tính ở một người đàn bà có thể tối nào cũng mua được những phi tần như ở một nội cung và sung sướng bằng một giá rẻ! Nhưng tôi là kẻ có cao vọng, tôi muốn sống với bà tim hòa một nhịp, cho dẫu bà là người không tim. Bây giờ tôi biết rõ điều đó… Nếu bà có thể thuộc về một kẻ đàn ông nào, tôi sẽ giết hắn. Nhưng không bà sẽ yêu hắn, và cái chết của hắn có lẽ làm bà phiền muộn. Tôi sẽ đau khổ biết bao! – Tôi kêu lên. Nếu lời hứa đó có thể yên ủi ông, – nàng vừa cười vừa nói, – thì tôi có thể cam đoan với ông rằng tôi sẽ không thuộc về ai hết. Thế thì, – tôi ngắt lời nàng bà nguyền rủa cả Trời, và bà sẽ bị trừng phạt! Một ngày kia, nằm trên chiếc đi-văng, không chịu nổi cả tiếng động và ánh sáng, bị đày phải sống trong một thứ nhà mồ, bà sẽ chịu những nỗi đau khổ chưa từng thấy. Bấy giờ, khi bà tìm nguyên nhân của những nỗi đau đớn mòn mỏi và báo oán đó, bà hãy nhớ lại bao nhiêu đau khổ mà bà đã vung vãi trên lối đi của bà! Vì đã gieo rắc khắp nơi những lời nguyền rủa, bà sẽ thu lại mối căm thù. Chúng ta là những quan tòa chính cống, những tên đao phủ của một công lý ngự trị dưới trần gian này, và nó giẫm lên trên công lý của con người, ở dưới công lý của Trời. – A ha! – nàng vừa nói vừa cười, – thế ra tôi rất có tội vì không yêu ông sao? Có phải lỗi ở tôi không? Không tôi không yêu ông; ông là một người đàn ông, thế là đủ. Tôi sung sướng được sống một mình, tại sao tôi lại đánh đổi cuộc sống của tôi, ích kỷ nếu ông cho là thế, lấy những hoạnh họe của một ông chủ? Hôn nhân là một nghi lễ, do đó chúng ta chỉ trao đổi cho nhau những sự phiền muộn. Và lại, con cái quấy rầy tôi. Tôi đã chẳng thành thực mà nói với ông trước tính tình của tôi đó sao? Tại sao ông không chỉ bằng lòng ở tình bạn của tôi? Tôi những muốn xoa dịu những đau khổ mà tôi đã gây ra cho ông vì không đoán ra việc chi tiêu những đồng tiền ít ỏi của ông, tôi công nhận những hy sinh to lớn của ông; nhưng chỉ có tình yêu mới đền bù được sự tận tụy của ông, những cử chỉ tế nhị của ông, thế mà tôi chẳng yêu ông được nhiều, cho nên cái cảnh này khiến tôi bứt rứt khó chịu. – Tôi cảm thấy tôi thật là nực cười, xin bà tha lỗi cho tôi, – tôi dịu dàng nói mà không cầm được nước mắt – Tôi yêu bà, – tôi nói tiếp, – đủ để vui lòng nghe những lời tàn nhẫn của bà. Chao ôi! Tôi những muốn đem hết máu trong người để ghi lại mối tình của tôi. Tất cả mọi người đàn ông đều nói với chúng tôi ít nhiều hay ho những câu cổ điển ấy, – nàng vừa nói vừa cười – Nhưng dường như rất khó lòng mà chết ở dưới chân chúng tôi, vì tôi gặp những cái chết đó ở khắp nơi. Nửa đêm rồi, xin phép ông cho tôi được đi nghỉ. – Và hai tiếng đồng hồ nữa bà sẽ kêu lên: Trời ơi! – Tôi bảo nàng – Hôm kia! Phải – nàng vừa nói vừa cười, – tôi đã quên bảo viên trọng mãi của tôi đem đổi phiếu thực lợi năm phần trăm của tôi thành phiếu ba phần trăm… Thế là hôm nay phiếu ba phần trăm đã xuống giá[15]. Tôi ngắm nàng, mắt long lanh cuồng nộ. Chà! Đôi khi một tội ác phải là cả một bài thơ, tôi đã hiểu thế. Chắc hẳn đã quen với những lời tỏ tình nồng nhiệt nhất, nàng đã quên những giọt nước mắt và những lời tôi. – Có lẽ bà sẽ lấy một vị nguyên lão nước Pháp chăng? – Tôi lạnh lùng hỏi. – Có thể, nếu ông ta là quận công. Tôi cầm mũ và chào nàng. – Xin phép ông cho tôi được tiễn chân ông ra tận cửa, – nàng vừa nói vừa tỏ ra mai mỉa cay độc trong cử chỉ, trong cái nghiêng đầu và trong giọng nói. – Xin chào bà. – Chào ông. – Tôi sẽ không gặp bà nữa. – Tôi hy vọng thế, – nàng vừa đáp vừa cúi đầu, vẻ xấc xược. – Bà muốn thành bà quận công chăng? Tôi tiếp lời, lòng bừng bừng nộ khí vì cái cử chỉ của nàng đã nhóm lên. – Bà mê cuồng vì tước hiệu và danh giá chăng? Thế thì bà chỉ cần để tôi yêu bà, bà hãy bảo ngòi bút tôi nó chuyên viết, tiếng nói tôi nó chuyên cất lên vì bà, bà hãy là cái nguyên lý bí hiểm của cuộc đời tôi, bà hãy là ngôi sao của tôi! Và bà chỉ thừa nhận tôi làm chồng khi tôi làm thượng thư, làm nguyên lão nước Pháp, làm quận công… Tôi sẽ làm hết mọi thứ mà bà muốn tôi làm! – Ông đã, – nàng mỉm cười nói, – sử dụng tốt thời giờ của ông ở phòng luật sư, những lời biện hộ của ông rất có nhiệt tình. – Mày có hiện tại, – tôi thét lên, – còn tao có tương lai. Tao chỉ mất một mụ đàn bà, còn mày mất một tên tuổi, một dòng họ. Thời gian mang nặng mối thù của tao, nó sẽ làm mày xấu xí và chết cô độc, tao sẽ có vinh quang – Xin cảm ơn bài diễn văn kết thúc, – nàng vừa nói vừa kìm lại một cái ngáp và bằng một dáng điệu tỏ ý không muốn nhìn mặt tôi nữa. Lời đó làm tôi im bặt. Tôi trút hết căm hờn vào một cái nhìn và tôi chạy trốn.

Tôi cần phải quên Foedora đi, trị tiệt bệnh điên cuồng, tiếp tục cuộc sống cô đơn cần cù hay là chết. Vì vậy tôi tự bắt mình phải làm việc quá độ, tôi muốn hoàn thành những tác phẩm của tôi. Trong suốt mười lăm ngày, tôi không ra khỏi gian gác xép, và thức suốt đêm làm những công việc ít kết quả. Mặc dầu sự can đảm của tôi và những cảm hứng của niềm tuyệt vọng, tôi làm việc khó nhọc, nhát gừng. Nàng thơ đã trốn mất. Tôi không sao xua đuổi được cái bóng ma lấp lánh và giễu cợt của Foedora. Mỗi một tư tưởng của tôi ấp ủ một tư tưởng bệnh hoạn khác, chẳng biết nỗi thèm khát gì, ghê gớm như một điều hối hận. Tôi bắt chước những ẩn sĩ của xứ Thébaïde. Không cầu nguyện như họ, tôi sống như họ giữa một sa mạc, không đào những núi đá mà đào xới tâm hồn tôi Nếu cần tôi sẽ thắt vào bụng chiếc dây lưng có mũi nhọn để lấy nỗi đau đớn thể xác khuất phục đau đớn tinh thần. Một buổi tối Pauline vào buồng tôi. – ông tự giết mình mất thôi, – nàng nói với tôi giọng van xin; – ông cần phải đi chơi, đi thăm bạn bè. – Chà! Pauline ạ, lời tiên đoán của cô thế mà đúng. Foedora giết tôi, tôi muốn chết. Cuộc đời không sống nổi. – Thế ra chỉ duy có một người đàn bà trong thiên hạ thôi hay sao? – Nàng mỉm cười nói. Tại sao ông đặt vào cuộc đời rất ngắn ngủi những đau khổ vô hạn. Tôi sững sờ nhìn Pauline. Nàng để lại tôi ngồi một mình. Tòi không bắt gặp nàng rút lui, tôi đã nghe thấy tiếng nàng mà không hiểu ý nghĩa những lời nàng… Chẳng bao lâu tôi bắt buộc phải đem bản thảo tập hồi ký cho tay thầu khoán văn chương của tôi. Chú tâm cả vào mối tình, tôi không hiểu không có tiền mà làm thế nào tôi đã sống được, tôi chỉ biết. ràng bốn trăm năm mươi quan mà tôi đã lĩnh được vừa chỉ để trả nợ; vì vậy tôi phai đi đòi tiền công của tôi, và tôi gặp Rastignac, hắn thấy tôi thay đổi hẳn, gầy đi. – Cậu ở nhà thương nào ra đấy? Hắn hỏi tôi – Cái người đàn bà đó giết mình, – tôi đáp – mình không thể khinh hắn cũng như quên hắn. – Tốt hơn hết là giết hắn đi, có lẽ cậu sẽ không nghĩ tới nữa,- hắn vừa cười vừa la lên. – Mình đã từng nghĩ đến cái đó, – tôi đáp. – Nhưng nếu đôi khi mình có thể làm cho tâm hồn mình thảnh thơi bằng ý nghĩ phạm một tội ác, cưỡng hiếp hay ám sát, hoặc cả hai thứ một lúc, thì mình lại bất lực khi cần thực hiện thật sự. Nữ bá tước là một con quái vật kỳ dị nó sẽ hỏi xin tha, mà chẳng phải là ai muốn làm như Othello cũng được!

Chú thích:

[1] Đây là vụ mất chiếc vòng quý làm cho nữ hoàng Mari Angtoanet, có liên quan đến nhiều tay quý tộc và giáo sĩ tai mắt.

[2] Kant (1754 -1804): Triết gia duy tâm Đức. Schiller (1750 -1805): Nhà thơ và viết kịch lớn nước Đức. Jean Paul (1763 – l825): Nhà văn Đức.

[3] Ballade: Một thể thơ.

[4] Nguyên văn: Cho một chú bé xứ Savoie một trăm xu…

[5] Système Anglais: Phương pháp Anh, hay phương pháp ăng-lê (theo cách phiên âm nôm na trước đây).

[6] Cimaroza (1749 -1801), Zingarelli (1752 -1837): Hai nhà soạn nhạc, tác giả những ca kịch thịnh hành thời Balzac.

[7] Nhà cầm đồ.

[8] Đây là nói cuốn tiểu thuyết Fragoletta của Hai Latouche trong đó có một nhân vật chính là người ái nam ái nữ.

[9] Ở bảo tàng Louvre có bức tượng thần Ermaphrodite ái nam ái nữ, trong một thời gian dài bị lầm gán cho nhà điêu khắc Hy Lạp xưa là Polyclès.

[10] Tập truyện dân gian A rập nguồn gốc Ba Tư hình thành vào thế kỷ XIV -XV.

[11] Macbeth: Bi kịch của Shakespeare, trong đó bóng ma của Ban cô (bị Macbet giết) ra trước Macbet trong một bữa tiệc.

[12] Pria che spunti (tiếng Ý) “Bình minh chưa tới”, một điệu hát trong vở ca kịch Hôn nhân bí mật của nhà soạn nhạc ý Simaroza.

[13] Nguyên văn: athée en amour là vô thần về tình yêu.

[14] Hébreux: Dân tộc tổ tiên của người Do Thái.

[15] Một cách tính toán của bọn đầu cơ: Nếu đổi phiếu năm phần trăm kịp thời thì khi phiếu ba phần trăm sụt giá là được lời.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN