Miếu Ba Cô (Chuyện Không Kể Lúc Nửa Đêm) - Chương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
239


Miếu Ba Cô (Chuyện Không Kể Lúc Nửa Đêm)


Chương 1


Thiên Hương con gái út của ông bà Phát Đạt, chủ hãng xuất nhập cảng 18 ngành lớn tại thành phố Sài Gòn vào những năm 1950… sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, nên đương nhiên cô gái rượu Thiên Hương được nuông chiều và hưởng mọi ưu đãi hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Ngay từ khi chuyển từ tiểu học sang đệ nhất cấp, thay vì vào học một trường trung học danh tiếng tại Sài Gòn như Áo Tím, Chassecloup Laubat…. Thiên Hương được cha mẹ gửi vào một trường Dòng ở Đà Lạt được chế độ nội trú. Do vậy mỗi năm về thăm nhà chỉ vào dịp nghỉ hè hay lễ tết.

Lúc đầu Thiên Hương phản đối dữ dội bằng cách tuyệt thực mấy ngày liền trong nhà nội trú, bởi làm sao một cô gái mới lớn đang ham chơi, ham vui với nhiều bạn đồng trang lứa lại có thể bị giam hãm trong bốn bức tường trường nội trú nhà Dòng với chỉ toàn học trò nữ!

Các bà sơ trong trường Dòng ngay tuần lễ đầu tiên đã có ý định trả con bé bướng bỉnh về với gia đình, nếu không có sự xuất hiện của một chàng trai 18 tuổi. Chuyện hơi lạ, nhưng đó là sự thật và là bước ngoặt trong cuộc đời của Thiên Hương. Chàng trai ấy là Thái, học sinh đệ nhị cấp đang chuẩn bị thi tú tài phần 2 vào cuối năm ở Sài Gòn. Anh chàng là con một gia đình trí thức trung lưu ở Đà Lạt, nên thỉnh thoảng về thăm nhà trên đó. Vào cuối tuần năm ấy Thái tình cờ có mặt bên bức tường rào cao của nhà Dòng, đúng lúc cô bé Thiên Hương vì không chịu nổi cảnh tù túng của trường nội trú nên bắt chước bạn bè tìm cách leo rào ra ngoài.

Hầu hết dân leo rào đều có kinh nghiệm nên những chuyến trốn đi rồi quay về của họ đều êm xuôi, trót lọt. Chỉ có Thiên Hương đúng là dân tay mơ, mới trốn lần đầu, nên thay vì nối hai tấm trải giường vào nhau rồi cột một đầu ở cành cây bên trong, một đầu thòng ra ngoài và cứ thế đu ra, Thiên Hương vừa mới xuống khỏi đầu tường chưa tới một mét thì dây vải đã sút mối nối và cô bé rơi tự do xuống mặt đất cách gần hai mét.

Tưởng chết. Thiên Hương nhắm mắt lại sau khi thét lên một tiếng. Nhưng lạ thay, cô cảm thấy té thật êm, như có ai đỡ bên dưới. Mở mắt ra, suýt nữa Hương đã kêu lên lần nữa, bởi đang bế cô trên tay là một cậu con trai mặt còn non choẹt nhưng có nụ cười rất người lớn.

– Anh…

Thái, chàng trai “định mệnh” của cô bé trốn tường rất ga lăng:

– Tấm thân này mà đo đất thì còn gì là mình hạc xương mai nữa. Cô bé!

Thiên Hương dù đang hết vía nhưng cũng kịp bật dậy làu bàu:

– Dám ôm người ta…

Chẳng một chút tự ái, Thái lịch sự giới thiệu:

– Mình là Thái nhà ở gần đây. Còn đàng ấy chắc là mới trốn trường lần đầu?

Như vớ được phao giữa dòng, Thiên Hương quên hết e thẹn:

– Nhà ở gần đây hả? Vậy cứ cuối tuần ra đây đỡ giùm tấm thân bé bỏng này nhé.

– Và kiêm luôn hướng đạo, dẫn đường chứ gì?

Thiên Hương nhún vai rất “đầm”:

– Cái đó còn tùy…

Họ gần tuổi nhau, nên rất dễ thân thích, nhất là khi biết Thái cũng từ Sài Gòn lên. Hương đã hỏi thẳng:

– Mình về nhà cậu chơi được không?

Thái cũng có cử chỉ rất “Tây”:

– Oui, mademoiselle (Vâng, được thôi tiểu thư).

Thiên Hương như chim được xổ lồng, chạy tung tăng về phía trước, làm Thái phải gọi giật lại:

– Ở phía này cơ!

Họ sóng đôi bên nhau như đôi bạn đã quen biết lâu ngày, và mãi khi về gần đến nhà Thái, anh chàng mới hỏi:

– Đàng ấy tên gì vậy, chưa xưng ra?

– Thiên Hương!

Thái buột miệng khen:

– Hương thơm của trời!

Thiên Hương sửa lại:

– Mình khoái được gọi là hương sắc của trời hơn.

– Ô, cái nào cũng “très jolie” (đẹp tuyệt) cả!

Họ thân nhau từ hôm ấy. Nhờ thế Thiên Hương thôi không tuyệt thực nữa và cũng chẳng còn ôm gối khóc mỗi đêm như trước nữa. Trái lại, cô nàng cứ mong ngóng cho mau đến chiều thứ bảy để được leo tường và được anh chàng đẹp trai đón sẵn dẫn đi chơi khắp nơi ở Đà Lạt và sau đó còn được về nhà anh chàng ăn những bữa cơm gia đình thật vui.

Thái ở nhà ôn bài thi một tháng và lại phải trở xuống Sài Gòn thi tú tài toàn phần năm ấy. Anh chàng thi đậu và có được ba tháng hè ở Đà Lạt trước khi vào đại học. Phần Thiên Hương thay vì về nhà cha mẹ như mong ước buổi đầu, vậy mà hôm ba má lên đón, cô bé đã từ chối thẳng thừng:

– Con không thích về nhà nữa. Về rồi lại phải đi, con không chịu nổi cảnh chia tay.

Đó là một cách nói. Thật ra cô nàng chỉ muốn ở lại Đà Lạt với mối tình đầu của mình. Suốt ba tháng hè đó chàng trai vừa tròn 18 tuổi với cô nàng tuổi 16 đã bắt đầu những ngày đẹp nhất của cuộc tình – Từ Thủy tạ, Hồ Xuân Hương, cho đến Thung Lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly… nơi nào cũng có dấu chân của họ.

Đó là khởi đầu của cuộc tình, nhưng cũng là khởi đầu của một bi kịch về sau…

Sáu tháng sau. Khi Thái đã vào học đại học năm thứ nhất, thì cũng là lúc ở Đà Lạt cha mẹ Thiên Hương đã đích thân lên tận trường chính thức xin với các sơ cho con gái mình nghỉ học. Họ không giải thích thật lý do cho Thiên Hương nghỉ học, nên lúc mới nghe Hương đã phản đối ầm ĩ. Đến khi suy nghĩ lại thì cô chợt vui, bởi chuyển về Sài Gòn có nghĩa là sẽ ngày ngày gặp người yêu!

Tuy nhiên, niềm vui của Thiên Hương đã bị dập tắt, ngay ngày đầu trở lại nhà, Thiên Hương đã đối diện với một bi kịch: cha mẹ Hương mời cơm một người bạn làm ăn tại nhà, và trong bữa ăn đó Hương được đưa ra giới thiệu với những câu nói như sét đánh ngang tai. Mẹ Hương nói với khách:

– Cháu nó còn hai năm nữa mới lấy tú tài 2, nhưng ngay bây giờ hai bên chúng ta có thể hứa với nhau một lời về hôn ước của chúng nó.

Ông Phát Đạt nói cụ thể hơn:

– Ngay tuần này anh chị có thể cho tiến hành lễ hỏi. Hai năm sau thì cưới.

Thiên Hương nãy giờ đứng nghe mà như từ trên trời rơi xuống, tưởng chừng như mẹ mình đang nói về ai đó… Cho đến khi mẹ cô kéo tay con chỉ về phía hai người khách:

– Đây là hai bác Phúc Lợi, cha mẹ của Thiên Phúc, người sẽ là chồng của con sau này. Con hãy chào hai bác đi.

Thiên Hương không còn tự chủ được, cô cắn chặt đôi môi như muốn bật máu ra, rồi vụt chạy ra ngoài như người bị ma đuổi!…

Vân Hạnh, 18 tuổi con của một nhà tư sản, chủ một đồn điền thuộc loại nổi tiếng ở vùng đất đỏ. Nổi tiếng không chỉ vì bề thế làm ăn, mà còn là một trong hai cô con gái của ông bà chủ. Mà trong số này Vân Hạnh thuộc hàng hoa khôi. Cô nàng tuy mới ở tuổi 18, nhưng đã làm chết mê chết mệt hàng vài chục những vương tôn công tử đương thời. Hầu hết những kẻ trồng cây si đều thuộc hàng có máu mặt của Sài Gòn…

Nhưng, không như mọi người nghĩ, không đúng như ước của cha mẹ, người lọt mắt xanh của Vân Hạnh lại là một anh tú tài nghèo, người thất cơ lỡ vận phải rời Sài Gòn lên tận vùng đất đỏ để xin làm chân thư ký quèn tại đồn điền cao su Nguyễn Đình. Câu chuyện tình của đôi trai gái không đồng giai cấp này bắt đầu từ một chén mủ cao su.

Hôm ấy Vân Hạnh, Như Lan hai chị em con ông chủ theo cha lên đồn điền để dự một buổi dạ vũ do chính ông chủ, cha của hai cô gái đứng ra tổ chức để chiêu đãi quan chức cấp lớn của Pháp. Khách dự gồm hơn trăm người có máu mặt thời ấy. Họ đến vì nể nang sự giàu có của chủ gia một phần, nhưng bởi sức hút của nhan sắc hai cô con gái rượu của Nguyễn Đình thì nhiều hơn. Gia đình khách mời nào cũng dẫn theo các cậu con trai quý tử của họ với một mong ước duy nhất: con họ sẽ lọt được vào mắt xanh của hai vị tiểu thư họ Nguyễn, đặc biệt là Vân Hạnh.

Buổi chiều trước tiệc dạ vũ, xe đưa cả nhà Nguyễn Đình lên tới đồn điền. Thấy còn sớm, chính Vân Hạnh đã đòi được đi ra vườn cao su chơi. Trái với cô em, cô chị Như Lan thì tỏ ra kiêu kỳ, đã bài bác ý tưởng của em:

– Có gì ngoài mấy gốc cao su mà chơi. Tao mệt muốn chết, chỉ muốn nằm ngủ một giấc trước khi buổi tiệc bắt đầu.

Thấy chị không muốn đi. Vân Hạnh rủ người tớ gái cùng đi. Cô còn dặn:

– Chị đừng nói với ba tôi là đưa tôi ra rừng nghen.

Như con chim xổ lồng, Vân Hạnh chạy nhảy tung tăng giữa mặt đất dầy những lá cao su rụng. Nhũng hàng cây thẳng tắp ngút mắt đã làm cho cô thích thú vô cùng.

Cứ chạy ôm hết gốc cây này đến gốc cây kia làm cuộc trốn tìm với cô tớ gái. Mải mê chạy giỡn, chỉ một lúc sau họ đã đi khá xa.

Người tớ gái phải nhắc:

– Cô Ba đừng đi xa quá kẻo trời tối.

Vân Hạnh một khi đã vui rồi thì có trời cản. Cô vừa chạy thẳng tới phía trước và nói vọng lại:

– Chị không đi thì cứ đi về, tôi sẽ tự về khi nào mỏi chân.

Chạy một mạch đến khi cảm thấy mệt, cô bé mới dừng lại vịn gốc cao su nghỉ. Chợt nhìn thấy chén hứng nhựa đang bắt đầu có những giọt nhựa trắng chảy xuống.

Thật là hình ảnh ấn tượng mà trước đây dù đã vài lần theo cha lên đây nhưng Hạnh chưa bao giờ tận mắt thấy nên trố mắt nhìn. Rồi không ngăn được sự tò mò, Vân Hạnh đưa mấy ngón tay chấm vào chén mủ đặc biệt đó.

Cảm giác đầu tiên là sự mát lạnh, nhưng sau đó khi rút ngón tay lên thì cô bé mới hoảng hốt: Mủ cao su quấn chặt lấy ngón tay, càng ngọ nguậy, thì các ngón tay lại càng dính vào nhau!

Vân Hạnh quýnh quáng đưa bàn tay còn lại chụp vào các ngón tay đang dính mủ. Nó lại thê thảm hơn, chỉ trong vài giây sau cả hai bàn tay cô gần như dính liền vào nhau.

Cô bé bướng bỉnh sắp òa lên khóc vì chẳng biết làm sao chợt có ai đó chụp vào tay cô với chiếc khăn mùi xoa trắng tinh, kèm câu nói:

– Phải dùng cái này thì mới gỡ rối được, thưa tiểu thư.

Nhìn lại thấy người đang nắm tay mình là một chàng trai lạ. Suýt nữa Hạnh đã kêu thét Iên. Nhưng như đã đoán trước anh chàng kia lịch sự nở nụ cười hiền hòa.

– Tôi là thư ký trong đồn điền này, cô đừng sợ. Cứ đứng yên để tôi giúp cho.

Bàn tay thuần thục, chỉ lát sau thì cả hai tay Vân Hạnh đã sạch trơn. Tuy nhiên, thấy ở các kẽ tay còn rít, anh chàng lại rất bất ngờ kéo ngay vạt áo sơ mi đang mặc lên lau một lần nữa. Hạnh muốn ngăn anh ta lại nhưng không còn kịp, cho đến khi cử động thấy không còn vướng víu gì, cô mới lên tiếng:

– Cám ơn anh. Chiếc áo của anh…

Chàng tai mỉm cười thân thiện:

– Đâu có sao, dân làm cao su thì ai mà không dính mủ. Có mủ mới có tiền!

Bây giờ Hạnh mới chợt lo:

– Trời sắp tối rồi…

Cô quay bước về, nhưng chợt nhớ mới lên tiếng hỏi:

– Anh tên gì?

– Phú.

– Tôi Ià Vân Hạnh.

Chàng trai tên Phú đã mau miệng:

– Là con ông chủ.

Vân Hạnh đang hối hả quay về nên không kịp nói thêm câu nào. Đến lúc đi vài mươi bước rồi cô mới quay lại thì bắt gặp chàng đang đứng lặng nhìn theo…

Buổi dạ vũ hôm đó tự dưng Hạnh kêu đau bụng và xin không ra dự. Khi cha mẹ cô vào bắt ra thì Hạnh cố làm như đau dữ dội, nên bà mẹ cô đã lo ngại thật sự:

– Có lẽ con nhỏ không quen gió độc ở xứ này nên như thế. Tui nói rồi, có tiệc tùng gì thì tổ chức ở Sài Gòn, lên làm chi cái đất đầy những chướng khí chết người này chẳng biết!

Thấy vợ cằn nhằn và vốn cưng cô con gái út nên dù đám khách ngoài kia đều mong muốn Vân Hạnh xuất hiện. Ông Nguyễn Đình cũng đành phải ra ngoài với lời cáo lỗi.

Cô chị Như Lan thì rất khoái, bởi vắng cô em gái như thỏi nam châm thì cô sẽ trở thành cục nam châm hút hết các chàng trai đêm nay.

Và thay vì phải trở về Sài Gòn ngay sáng sớm hôm sau nhưng viện cớ là quá mệt, đi không nổi, nên Vân Hạnh xin ở lại một ngày nữa. Chiều con, nên ông bà Nguyễn Đình đã để lại bà vú già lo chăm sóc cho Vân Hạnh, còn họ và Như Lan thì về trước.

Ngay khi ba mẹ vừa rời khỏi đồn điền thì Vân Hạnh đã tung mền ngồi dậy, gọi người tớ gái hỏi liền:

– Ở đây có ai là thư ký tên Phú?

Chị người làm vốn đã phục vụ lâu năm nên khá rành:

– Dạ có. Thầy Phú làm ở văn phòng bên kia, còn ở ngôi nhà nhỏ phía sau, cách đây vài trăm thước.

– Anh ta ở… một mình?

Chị người làm gật đầu:

– Chỉ có một mình. Nghe nói chưa vợ con gì hết. Từ ngày lên đây đến ba, bốn năm rồi cũng chẳng thấy người thân nào lên thăm.

Chỉ hỏi bấy nhiêu đó thôi. Hạnh cho người tớ gái đi ra. Và ngay sau đó cô đóng vai trò của cô chủ nhỏ, đã đột ngột viếng thăm văn phòng của đồn điền. Cô bước vô phòng làm việc của gần một chục nhân viên, đảo mắt một vòng mà không hỏi một ai. Có vài nhân viên biết mặt cô chủ nên kính cẩn đứng lên chào rất lễ phép. Số còn lại cũng làm như vậy. Có người lên tiếng hỏi:

– Thưa cô chủ, cô có cần gì không?

Không trả lời câu hỏi, cô hỏi lại:

– Nhân viên ở đây chỉ bấy nhiêu người đây sao?

Một bác lớn tuổi vội đứng lên đáp:

– Dạ, còn thư ký Phú đang có việc ngoài rừng.

Hạnh lễ phép chào mọi người rồi bước nhanh. Chẳng ai hiểu mục đích cuộc viếng thăm đột xuất của cô chủ nhỏ nên thấy lo lo…

Chỉ có Vân Hạnh là thấy vui vui khi không chạm mặt “thầy ký” Phú trong văn phòng đông người. Cô đi thẳng ra rừng và lúc ấy mới thấy rối, bởi vườn cao su đến mấy trăm mẫu, lối đi nào cũng giống nhau biết đi hướng nào để không bị lạc đường?

Cũng may, ngay trước tầm mắt của Hạnh là một ngôi nhà sàn nhỏ, mà chợt nhớ lại lời chị người làm nói. Cô nghĩ đó là nhà của Phú. Không một chút nghĩ ngợi. Hạnh bước thẳng về hướng đó.

Nhà đóng cửa, cả cửa sổ và cửa cái, mặc dù không có khóa ngoài nhưng Hạnh đoán là không có người ở trong. Nhìn đồng hồ tay thấy mới hơn mười giờ. Hạnh chép miệng:

– Phải đến trưa anh ta mới về…

Cô lưỡng lự một chút, cuối cùng mò trong túi áo ra một chiếc khăn tay màu trắng thơm phức nước hoa định đặt nó ở khe cửa sổ, nhưng để vào rồi lại lấy ra, thấy không ổn.

Không có cách nào đặt chiếc khăn mà chủ nhà khi về mở cửa có thể nhìn thấy ngay và hiểu rằng có người đã để lại chiếc khăn mà thầy ký đã lấy ra lau mủ cao su cho người chưa từng quen biết…

Lại lưỡng lự một hồi nữa, chợt Hạnh phát hiện cửa cái chỉ khép hờ. Cô đánh bạo đưa tay đẩy vào. Cửa mở dễ dàng. Bên trong nhà khá đơn sơ. Chỉ một chiếc giường cá nhân với một chiếc gối, một chăn đắp được xếp ngay ngắn. Một tủ quần áo nhỏ, một bàn viết, trên vách treo khá nhiều tranh vẽ. Có lẽ do chủ nhân ngôi nhà đã vẽ…

Biết là hơi quá đáng khi tự tiện thâm nhập nhà người khác, nhưng lúc đó chẳng hiểu sao Vân Hạnh lại đánh liều bước rón rén vào. Không khí trong nhà khá ấm cúng, dễ chịu.

Chỉ tính bước vô tìm chỗ để chiếc khăn rồi ra ngay nhưng chính sự ấm cúng của gian nhà đã làm cho Hạnh lưu lại thêm. Cô bước tới bên bàn viết, nhìn mấy quyển sách xếp ngăn nắp, trên bàn là một xấp giấy trắng còn nguyên, có lẽ chủ nhân đang định viết gì đó…

Bỗng cô nhìn được mấy dòng chữ ở đầu trang. Chữ viết khá đẹp, rất bắt mắt. Và đặc biệt nhất là ở nội dung. Dù không muốn đọc trộm nhưng Vân Hạnh cũng liếc thấy mấy chữ: “… cô nàng như một bông hoa lạ từ trên trời rơi xuống, làm sáng rực lên cả một góc rừng cao su vốn xám xịt một màu buồn tẻ. Mình đã liều lĩnh nắm lấy bàn tay như những búp hoa đỏ, mặc dù là để giúp nàng lau mủ cao su, nhưng nghĩ lại mình thấy đáng ăn mấy bạt tay vì tội liều. Nhưng cũng chính vì thế mà cho tới bây giờ mình vẫn còn bồi hồi, chắc là sẽ mất ngủ hôm nay và còn nhiều hôm nữa…”

Đoạn viết chỉ bấy nhiêu đó, nhưng Vân Hạnh đọc xong, lại phải đọc lại lần nữa và cứ nghĩ nó dài ra… Cô cười một mình khi biết anh chàng đang viết về mình.

Thì ra…

Một tiếng kẹt ở cửa làm cắt đứt mạch suy nghĩ của Hạnh. Phú bước vào đột ngột và cả hai đều sửng sốt nhìn nhau.

– Cô…

– Anh…

Họ chỉ thốt được nửa tiếng đó rồi lúng túng nhìn nhau… mãi mấy mươi giây sau Hạnh mới lắp bắp nói:

– Tôi… chỉ…

Cô đưa chiếc khăn tay tới trước mà không nói thêm lời nào. Còn Phú thì sau phút đột ngột đó đã lấy lại bình tĩnh:

– Tôi đi ra ngoài ít khi khóa cửa, vì trong nhà chẳng có gì đáng giá…

Vân Hạnh cũng bình tĩnh hơn, cô chỉ tờ giấy đang viết dở dang hỏi:

– Cái này mà mất thì anh có tiếc không?

Lúc này Phú mới chợt giật mình, anh chàng biết cô nàng đã đọc.

– Tôi… tôi…

– Viết về ai đó mà không được phép của người ta là có tội đó nghen.

Cô đút chiếc khăn tay vào lại túi mình:

– Định đem chiếc khăn này để đền lại anh, nhưng anh đã viết như vậy thì thôi…

Cô bước ra cửa. Phú chợt móc trong túi mình ra một chiếc khăn dính đầy mủ cao su và cười:

– Nó vẫn còn dùng được mà!

Hạnh đứng sựng lại, rồi chẳng hiểu sao cô móc chiếc khăn của mình ra, đặt vào tay Phú, còn chiếc khăn dính mủ cao su của Phú thì cô giật lẹ và nhét vào túi. Xong đi nhanh ra ngoài. Cô nói với lại:

– Như vậy là huề nhé… “thầy ký”!

Đó, mối tình của họ bắt đầu như vậy đó. Vậy mà khắng khít, dính chặt còn hơn nhựa cao su dán vào nhau.

Từ đó, cứ chiều chứ bảy là Vân Hạnh lại đòi lên đồn điền cho bằng được thay vì đi Vũng Tàu, Long Hải chơi với gia đình. Ban đầu ba má Hạnh chỉ ngạc nhiên sao cô con gái cưng của mình lại thay đổi nếp sống nhanh như vậy? Nhưng lần hồi họ phát hiện ra chuyện động trời. Đối với họ việc con gái con chủ đồn điền mà yêu một người làm công là một chuyện như trời long đất lở, không thế nào chấp nhận được.

Kết cuộc là thầy ký Phú bị đuổi việc, cho một số tiền và buộc phải đi định cư ở một vùng xa xôi trên cao nguyên.

Vân Hạnh thì hụt hẫng đau khổ và đã vài lần tìm cách tự tử…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN