Minh Cung Truyện - Chương 8: Thiên sơn mộ tuyết - Chích ảnh hướng thùy khứ (Đã sửa 23/7/2018)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
128


Minh Cung Truyện


Chương 8: Thiên sơn mộ tuyết - Chích ảnh hướng thùy khứ (Đã sửa 23/7/2018)


MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 8:

THIÊN SƠN MỘ TUYẾT – CHÍCH ẢNH HƯỚNG THÙY KHỨ

(Ngàn non tuyết phủ – Nay chỉ còn hình bóng ai)

*Câu thơ đề trích trong “Mô ngư nhi – Nhạn khâu” – Nguyên Hiếu Vân.

—————————

Chiều hôm đó, Chiêu Mai bắt đầu dạy múa cho Nhạc Hy; vị Thẩm đại thiếu gia kia cũng bắt đầu dạy thư pháp cho nàng nhưng đại phu nhân thì vẫn chưa dạy cầm thuật.

Chỉ đến sau đó khoảng một tuần trăng, khi cả Hoàng Chiêu Mai lẫn Thẩm đại thiếu gia đều than thở rằng nàng học rất chậm hiểu, rất kém và không có dấu hiệu tiến bộ, đại phu nhân mới bắt đầu dạy cho nàng cầm và tiêu.

Nhạc Hy quả thực có đề phòng đại phu nhân hơn so với những người khác trong phủ đệ Thẩm gia bởi ngay từ lần đầu gặp, bà ấy như toát ra cái gì đó cơ hồ rất bí ẩn, lại như có ý dò xét nàng. Cũng vì vậy, nàng phải giả bộ ngốc nghếch, chậm hiểu trước mặt đại phu nhân. Nàng hiểu rõ, nếu như đại phu nhân nhận ra sự thông minh và sắc sảo của nàng, bà có lẽ sẽ nhận ra mục đích nàng tới Thẩm gia, từ đó không dạy gì cho nàng cả.

Nhạc Hy giả vờ ngốc nghếch, đại phu nhân nhận lời bắt đầu dạy tiêu cầm cho nàng. Nàng cứ ngỡ vì mình đã nghĩ đúng, chỉ cần ngốc nghếch thì sẽ đánh lạc được Vương Bích Thụ. Nhưng nàng đâu ngờ, ngay từ lần đầu gặp nàng, qua ánh mắt của nàng, đại phu nhân sớm đã nhận ra, sớm đã đoán ra hết thảy. Bà cũng từng nghĩ rằng, sẽ đề cao cảnh giác với một người quá đỗi sắc sảo như nàng vì trong lòng bà biết rõ, nếu nàng quá giỏi, có khi sẽ trở thành mối họa của Thẩm gia. Biết rõ như thế song đến cuối cùng, Vương Bích Thụ vẫn đồng ý dạy nàng cầm thuật và tiêu.

Mấy hôm sau, Nhạc Hy nhờ Phương Hà tìm hiểu, hỏi thăm đám người hầu trong Thẩm gia mới biết đại phu nhân là cháu bên ngoại của Vương thái hoàng thái hậu, xuất thân từ danh gia Vương thị. Lúc nghe Phương Hà truyền đạt lại, Nhạc Hy cũng hơi bất ngờ. Vương thị vốn là thế gia nhưng sau khi tân đế đăng cơ, quyền lực bị hạn chế không ít, tình hình không tốt hơn Trương thị là bao. Nàng cũng đoán được vì vậy mà đại phu nhân luôn coi Trương gia như một địch thủ. Thẩm gia liên thủ với Trương gia, Vương thị lại coi Trương gia như kẻ thù. Đại phu nhân là con cháu Vương thị nhưng lại làm dâu Thẩm gia, thật khó để vẹn cả đôi đường. Câu chuyện xoay quanh đại phu nhân cũng khiến Nhạc Hy cảm thấy nực cười.

“Chiêu Mai cô cô, người về rồi sao?” Nhạc Hy ngồi bên cửa sổ, thêu khăn tay hoa thược dược; thấy tiếng Chiêu Mai, nàng chỉ tùy ý hỏi một câu như thế.

Hoàng Chiêu Mai thấy Nhạc Hy cầm rổ thêu, giá thêu thì hiếu kỳ chạy tới bên nàng xem. Hoa thược dược hồng thêu rất tinh tế, đẹp y như hoa nở trong hoa viên. Bên cạnh hoa thược dược có vầng trăng tròn đầy đặn. “Tiểu thư, người thêu hoa đẹp thật đấy!” Chiêu Mai không kìm được, thốt lên lời tán dương.

Phương Hà ngồi bên cạnh Nhạc Hy, bĩu môi với Chiêu Mai: “Đương nhiên rồi, tiểu thư học thêu thùa từ năm mới lên năm tuổi mà!”

Nhắc đến năm năm tuổi học thêu, Nhạc Hy lại nhớ tới lúc nàng còn nhỏ, mẫu thân trực tiếp cầm tay nàng, hưỡng dẫn nàng thêu. Hồi ấy, mẫu thân còn sống, mẫu tử nàng ở Trương gia không được coi trọng; nếu như mẫu thân không lén bán khăn lụa do chính tay người thêu, e rằng đã không có tiền trang trải. Nghĩ lại thời thơ ấu, nàng cơ hồ thấy tha thiết bi ai. Theo dòng cảm xúc, tự nhiên nỗi trống trải khi ở Trương gia lại ùa về trong tâm trí nàng khiến nàng thấy mất hứng. Mỗi khi nghĩ đến thời gian ở Trương phủ, nàng lại không còn thấy vui vẻ. Thuận tay, nàng để vòng thêu đang dang dở vào lại trong rổ thêu.

Ngẩng đầu, nàng bắt gặp gương mặt không được vui vẻ cho lắm của Hoàng Chiêu Mai. Cảm thấy bất thường, nàng hỏi: “Cô cô sao vậy? Không khỏe hay sao?”

Hoàng Chiêu Mai đưa mắt nhìn Nhạc Hy, lúng túng nói: “Không có gì, chỉ là hôm nay nô tỳ ra chợ, nghe mọi người kể, tam tiểu thư nhà Thái úy lão thần Thường Tín khuê danh Thường Tích Nguyệt vừa mất hôm qua. Cả tiểu thư Minh Nguyệt của Hứa gia cũng chết bất đắc kỳ tử mấy hôm trước. Có kẻ miệng lưỡi ác độc nói là… nói là năm nay người tên Nguyệt sẽ gặp vận hạn, liên quan đến tính mạng. Nô tỳ lúc nghe mấy điều này chợt nhớ… tên của tiểu thư khi ở Trương gia…”

Nhạc Hy thoáng ngạc nhiên, nhận ra sự lo sợ trong ánh mắt của Hoàng Chiêu Mai. Bá mẫu nói đúng, kinh thành quả nhiên có quá nhiều nữ tử tên có chữ “Nguyệt” từ vở kịch “Mãn Nguyệt” mà Thái hoàng Thái hậu viết năm xưa. Thẩm Nhạc Hy tự cười nhạo trong lòng. Từ khi còn nhỏ, nàng đã không tin mấy chuyện mê tín dị đoan, càng không đếm xỉa lời không có căn cứ. Tạo dáng vẻ hòa nhã, nàng khẽ nói với Hoàng Chiêu Mai: “Cô cô hồ đồ rồi. Trương phủ gì chứ? Ta là Thẩm Nhạc Hy, đại tiểu thư Thẩm gia, từ nhỏ lớn lên trong Thẩm phủ.”

Nàng khéo nhắc nhở Chiêu Mai như thế. Hoàng Chiêu Mai hơi run sợ, vội sửa lại câu nói lỡ miệng ban nãy: “Không, là nô tỳ lo lắng cho tiểu thư thôi. Trong tên tiểu thư có một chữ “Nhạc”, đồng âm với chữ “Nguyệt” nên nô tỳ mới sợ…”

Nhạc Hy nở nụ cười xinh đẹp, như thể chưa có chuyện gì. Thực chất trong lòng nàng đang thầm coi thường Hoàng Chiêu Mai, nàng nói: “Ta hiểu, cô cô yên tâm đi. Lần sau đừng nhắc đến những chuyện như vậy.”

Hoàng Chiêu Mai chỉ khẽ “vâng” một tiếng rồi lui về phòng. Nhạc Hy đưa mắt qua rổ thêu. Nàng nhìn vầng trăng thêu trên chiếc khăn; nó đẹp và đầy đặn, còn có vài vệt đen giống như trăng thật khiến người ta cảm giác, trong vầng trăng tròn trịa ấy có Hằng Nga diễm lệ. Hoàng Chiêu Mai nói với nàng, người tên Nguyệt sẽ gặp vận đen, phải chăng nàng nên vui vẻ vì bá mẫu đã giúp nàng đổi tên? Phải chăng đến với thân phận Nhạc Hy là đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn khi còn là Trích Nguyệt?

Khẽ cười, nàng nghĩ có lẽ đưa nàng tới Thẩm gia, bá mẫu thực muốn tốt cho nàng.

Ngoài kia cây và hoa cùng nằm trong một bức tranh rực rỡ tươi đẹp. Dưới nắng thu, những bông hoa thược dược màu hồng tựa như những nàng tiên đùa vui cùng gió. Cảnh trí trong sân của Đông các tựa như thêu hoa trên gấm, đẹp đẽ không gì sánh được.

Cuộc đời tươi đẹp phía sau của nàng sẽ bắt đầu lại từ đây.

Chu Hậu Thông đăng cơ được hơn nửa năm, làm được vô số kỳ tích: chỉ ra hơn hai mươi tội trạng của Chính Đức Hoàng đế tiền nhiệm, sẵn sàng chê trách tiên đế bạc nhược, không biết cách trị quốc; hạn chế nạn ngoại thích bằng cách bài trừ thế lực hai dòng họ Trương thị của Thái hậu và Vương thị của Thái hoàng Thái hậu quá cố; cải cách khoa cử, cải cách nông nghiệp, chỉnh sửa lại Đại Minh Hoàng triều luật lệ, thay đổi cách tuyển chọn quan lại và hậu phi, giảm các loại thuế cho lê dân, giảm đi sự phân biệt giữa các giai cấp…

Cùng năm đó, Chu Hậu Thông truy phong phụ vương là Hưng Hiến vương thành Hưng Hiến Hoàng đế, miếu hiệu Duệ Tông; bài vị được đặt trên cả tiên đế Chính Đức vừa qua đời. Sau đó không lâu truy phong mẫu thân Tưởng thị thành Hưng quốc Hoàng Thái hậu, tức là sánh ngang với Trương Thái hậu đương vị. Sự kiện này khiến hoàng cung lần nữa dậy sóng, các triều thần chia thành hai phe Hộ lễ và Nghị lễ rõ rệt. Một phe ủng hộ nguyện vọng Hoàng đế, một phe đối lập Hoàng đế, ủng hộ những lễ giáo cũ. Sự kiện này gọi vắn là Đại lễ nghị, là câu chuyện dài xoay quanh sự bất đồng giữa vua tôi Minh triều trong chuyện truy phong cho phụ mẫu quá thế của Hoàng đế Gia Tĩnh. Câu chuyện vẫn không dừng lại.

Thế nhưng trong mắt bách tính đại Minh, Gia Tĩnh Hoàng đế trẻ tuổi đã lên ngôi nhưng làm được nhiều việc lớn cho đất nước. Nhân dân khắp nơi đều ngợi ca Hoàng đế và nhiếp chính đại thần Dương Đình Hòa. Bách tính vốn dĩ là vậy, vốn không quan tâm đến những câu chuyện rắc rối của đám quan lại đại thần trong triều. Điều họ quan tâm là gia đình họ được yên ổn, dân tình được thái bình, vậy là đủ rồi.

Nhưng Chu Hậu Thông không bao giờ biết, những điều hắn có ngày hôm nay, ánh hào quang và ngôi vị chí tôn, đều được đổi bằng mạng sống của phụ thân hắn. Hắn chưa hề biết, Thái hậu vì nghĩ hắn nhỏ tuổi nhu nhược nên mới đưa hắn lên ngôi để dễ thao túng quyền lực. Nếu như phụ thân hắn còn sống, ngôi vị Hoàng đế đương nhiên của phụ thân chứ đâu đến lượt Chu Hậu Thông. Mặc dù Gia Tĩnh thực sự đau lòng trước sự ra đi của phụ thân, nhưng hắn chưa từng nghĩ, phụ thân bị hại nên mới chết trong đám cháy.

Hắn chỉ biết khi còn sống, phụ thân luôn muốn hắn trở thành một người xuất chúng và hôm nay hắn trở thành Hoàng đế, hắn đang và vẫn sẽ cố gắng để phụ thân thấy hắn đã trưởng thành đúng như phụ thân mong chờ.

Tối hôm đó, Chu Hậu Thông ngồi phê duyệt tấu chương của các triều thần. Nửa năm nay, công việc này dù bận rộn nhưng với hắn đã trở thành quen thuộc. Hắn cũng mệt mỏi nhưng chưa từng nói ra bởi hắn muốn mọi người thấy, hắn là một minh quân thực sự.

Mệt, hắn chỉ buông bút thở dài một tiếng. Ngẩng đầu lên, hắn trông thấy mảnh ngọc tố nguyệt treo trên giá bút đưa qua đưa lại. Mỗi khi nhìn vật này, hắn bất giác lại nhớ đến nữ tử đó, đột nhiên sự bình yên lại tràn về trong lòng. Hắn mỉm cười, mơ hồ nhớ lại ngày mùa thu năm ngoái, nữ tử tên Tích Nguyệt đó nói với hắn rằng nàng đau lòng vì hắn. Hắn không biết nàng nói có thật lòng hay không, nhưng câu nói đó của nàng vẫn khiến hắn chấn động rồi có ấn tượng sâu đậm với nha đầu kia. Rút từ tay áo ra chiếc khăn lụa có hoa thược dược và chữ “nguyệt” được thêu khéo léo, hắn không khỏi mong chờ gặp lại nữ tử kia. Khi còn ở Hưng vương phủ, hắn mấy lần định ra ngoài tìm nàng, nhưng lại không biết nàng ở đâu. Lần gặp gỡ dưới gốc cây hoa hồng hạnh cuối cùng lại chỉ còn trong hồi ức của hắn.

Chợt nhớ giờ mình là Hoàng đế rồi, không khó khăn nữa để tìm thấy một người con gái, hắn liền mừng rỡ gọi: “Tiểu Anh Tử!”

Tiểu Anh Tử tên thật là Tưởng Mục Anh – nô tài hầu hạ hắn từ khi hắn năm tuổi. Y là người nhà ngoại hắn, cho nên hắn rất tin tưởng. Tưởng Mục Anh nghe thấy Hoàng đế gọi mình vào nhưng hồi lâu lại im lặng, liền hiếu kỳ ngẩng lên nhìn Hoàng đế.

Hoàng đế dường như đang suy nghĩ điều gì, mãi lúc sau mới ngập ngừng nói với y: “Trẫm… đang muốn tìm một người. Ngươi hãy bí mật giúp trẫm tìm kiếm.”

Tiểu Anh Tử có thể phần nào đoán được, người này không chút liên quan đến chính sự, nhưng có lẽ là người rất quan trọng trong lòng Hoàng đế. Đánh bạo, y cất tiếng hỏi Hoàng đế: “Hoàng thượng… người muốn nô tài tìm ai?”

Hoàng đế liền nói: “Cô nương này trẫm mới gặp một lần. Tên là Tích Nguyệt.”

Tưởng Mục Anh dường như nhận ra sự khó khăn trong vấn đề này, liền mỉm cười nói với Hoàng đế: “Hoàng thượng, hơn mười lăm năm trước, Thái hoàng Thái hậu từng viết một vở kịch tên là “Mãn Nguyệt”, nổi tiếng khắp kinh thành, rất được dân gian ưa chuộng. Nhân vật chính của vở kịch tên là Tích Nguyệt, từ đó khắp Bắc Kinh và ngoại thành, có rất nhiều nữ tử được đặt theo tên nhân vật này. Hoàng thượng còn manh mối gì khác không?”

Nghe Tiểu Anh Tử nói vậy, Chu Hậu Thông có hơi thất vọng. Nói như vậy, kinh thành nhiều người tên Tích Nguyệt như thế, biết ai mới là người hắn tìm. Nữ tử Minh triều trọng danh tiết, xem mặt từng người là chuyện không thể nào. Nhưng Chu Hậu Thông lại chợt nhớ đến một chi tiết tương đối quan trọng: “Đúng rồi. Nàng ấy nói nàng ấy là thứ nữ, mẫu thân nàng ấy đã mất. Còn nữa, nàng ấy lúc nào cũng mang theo mảnh ngọc giống thế này bên người.” Hoàng đế hào hứng chỉ tay vào mảnh ngọc treo trên giá bút. Mặc dù thông tin hắn cung cấp không phải quá cụ thể nhưng cũng đủ để Tưởng Mục Anh tìm kiếm rồi.

Tiểu Anh Tử phấn khích cúi đầu hành lễ: “Nô tài nhất định dốc sức tìm kiếm.”

“Nhớ phải bí mật, không được để cho Hoàng hậu biết, càng không được để Dương đại nhân biết được.” Chu Hậu Thông khéo nhắc nhở.

Tiểu Anh Tử vâng dạ lui ra.

Lòng Chu Hậu Thông lại tràn trề hy vọng Tiểu Anh Tử sẽ tìm được nữ tử đó. Trong đời hắn, chỉ có hai người khiến hắn cảm thấy vui vẻ. Một người là mẫu thân, người còn lại chính là Tích Nguyệt. Chỉ khi ở cùng hai người đó, hắn mới cảm thấy bớt cô đơn. Dường như trên đời, chỉ có hai người đó mới thấu hiểu và rung cảm với hắn. Mẫu thân đã mất, hắn đương nhiên muốn tìm Tích Nguyệt.

Khoảng một tháng sau đó.

Lúc ấy đang là cuối tháng mười hai, tuyết trắng phủ kín những cung vàng điện ngọc trong Tử Cấm Thành. Cung nhân chủ tử, ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho tết Nguyên đán sắp tới. Giữa sự u ám của đất trời, Tử Cấm Thành vẫn thật huyên náo nhộn nhịp, như thể tạo ra một vỏ bọc bình yên giả tạo, che giấu đi cái đen tối, xấu xa ẩn sâu trong nó.

Chu Hậu Thông ở trong Đông Noãn các. Hắn mặc một chiếc áo lông chồn màu xam xám dày, đội một chiếc mũ lông lớn, ngồi bên triện. Hắn say sưa vẽ một nữ tử mặc y phục hoa lệ, trên tóc cài một bông hoa thược dược màu hồng, tay cầm khăn lụa trắng, bên sườn đeo miếng ngọc tố nguyệt. Dù nữ tử trong bức chân dung chưa được họa gương mặt nhưng qua phong thái yêu kiều của nàng, có thể đoán ra đó là một giai nhân diễm lệ.

Trần Hoàng hậu cùng thị nữ mang một chung trà ngân sơn nóng vào cho Hoàng đế, nhưng bước chân nàng rất khẽ, không để Hoàng đế nhận ra. Nàng đến rất gần bên cạnh, Hoàng đế dường như vẫn mải mê không phát giác.

“Hoàng thượng!” Trần Hoàng hậu gọi rất ôn nhu: “Thần thiếp thấy thời tiết giá lạnh, đặc biệt pha trà tới cho người.”

Vừa lúc hắn đưa tay lên, nghe tiếng gọi liền giật mình, mảnh ngọc tố nguyệt để trong tay áo không may bị vung ra, rơi vừa khéo dưới chân Trần Hoàng hậu. Chu Hậu Thông định tới nhặt nhưng Hoàng hậu đã cúi người, cầm mảnh ngọc lên ngắm nghía. Chu Hậu Thông không có ý định đòi mảnh ngọc, Trần Hoàng hậu cũng chỉ ngắm một chút: “Mảnh ngọc này rất đẹp, vì sao thần thiếp không thấy Hoàng thượng đeo?”

Không hiểu sao, trực giác mách bảo Trần Hoàng hậu, chủ nhân mảnh ngọc này nhất định có vị trí không tầm thường trong lòng Hoàng đế. Ngọc này là của nữ tử, không khó để nhận ra. Là… người trong lòng Hoàng đế sao?

Chu Hậu Thông liền nói: “Chủ nhân mảnh ngọc này rất đặc biệt, trẫm… không nỡ đeo lên.” Nói rồi, hắn lại để mảnh ngọc vào trong tay áo.

Tưởng Mục Anh bước vào, ra mật hiệu với Chu Hậu Thông. Hắn hiểu được liền quay sang nói với Trần Hoàng hậu: “Vất vả cho nàng rồi” Lời Chu Hậu Thông không nghe ra nửa phần cảm kích. Hắn đối với Trần Hoàng hậu luôn như vậy – lạnh nhạt và cách xa.

Trần Hoàng hậu hiểu được lời Chu Hậu Thông, nàng đặt chung trà lên triện rồi thỉnh lễ rất quy củ: “Vậy thần thiếp không làm phiền Hoàng thượng nghỉ ngơi. Thần thiếp cáo lui.”

Đợi Trần Hoàng hậu đi khỏi, Tiểu Anh Tử mới đến gần chỗ Hoàng đế, nói nhỏ: “Hoàng thượng, người mà Hoàng thượng cần tìm…”

Y chưa nói hết câu, Chu Hậu Thông đã vội hỏi: “Sao rồi, có tìm thấy không?”

Tiểu Anh Tử đáp: “Bắc Kinh có đến trăm nữ tử tên Tích Nguyệt. Theo những sổ sách của đại đô giám sát đại nhân thì hơn bốn mươi người trong số đó là con thứ trong gia đình; mẫu thân đã qua đời thì còn chưa đến mười lăm người. Nô tài đã đi tới từng nơi hỏi, song phụ thân bọn họ đều nói, bọn họ không ai có mảnh ngọc như Hoàng thượng nói. Duy chỉ có một người trong số họ, nô tài chưa thể kiểm tra.”

Hoàng đế hơi hụt hẫng trước tin tức Tiểu Anh Tử mang về, nhưng trong lòng Hoàng đế vẫn còn một tia hy vọng bởi vẫn còn một người chưa kiểm tra: “Ai?”

Tiểu Anh Tử đáp: “Là tiểu thư nhà cựu thái úy lão thần Thường Tín. Hoàng thượng cũng biết, Thường tướng quân là lão thần từ thời Hiến Tông Hoàng đế, ông ta đã mất cách đây không lâu. Nô tài không có cách nào hỏi thăm về con gái của ông ta.”

Chuyện Thường Tín qua đời, đương nhiên Chu Hậu Thông cũng biết. Nghe Tiểu Anh Tử nói như vậy, Chu Hậu Thông liền gắt lên: “Ông ta chết sống gì thì liên quan gì đến người trẫm tìm? Việc tìm người của trẫm vô cùng quan trọng, lẽ nào ngươi không thể phá lệ, gặp nàng ta một lần?”

Chưa bao giờ, Tưởng Mục Anh thấy Hoàng đế cáu giận đến mức này. Y bình tĩnh nói với Hoàng đế: “Hoàng thượng bớt giận. Nếu gặp được Thường tiểu thư, nô tài nhất định sẽ gặp. Nhưng Thường tiểu thư… đã mất cách đây hơn hai tháng. Khi nô tài vào Thường phủ, chỉ có hai vị công tử Thường gia ở đó. Nô tài hỏi bọn họ về mảnh ngọc, nhưng bọn họ nói với nô tài, từ nhỏ bọn họ đi học xa, ít khi gặp và tiếp xúc với muội tử nên không biết về mảnh ngọc đó. Còn điều này… nô tài không biết có nên nói không?”

Hoàng đế chấn động mạnh. Bút lông trong tay hắn là loại cỡ lớn, rơi trúng chỗ vẽ mảnh ngọc trên bức họa. Cây bút lăn trên trang giấy trắng, khiến bức họa có một vệt màu đen cực kỳ khó coi. Hoàng đế lạnh nhạt, nghiến răng nói ra mấy chữ: “Mau nói đi!”

Tiểu Anh Tử lúng túng, nói: “Vâng. Trên bàn thờ của tiểu thư Thường gia có cắm hoa thược dược. Một số người bảo, lúc còn sống, tiểu thư thích nhất loài hoa này.”

Nếu những chi tiết trước có khi còn khiến người ta nghi ngờ thì chi tiết này khiến Hoàng đế hoàn toàn xác nhận Thường Tích Nguyệt chính là người hắn tìm kiếm. Nhưng người đó đã vĩnh viễn không còn trên đời này. Tháng tám năm trước, hắn gặp nàng trong Yến viên, tóc nàng cài hoa thược dược, khăn tay cũng thêu hoa thược dược, hắn sớm đã đoán được nàng thích loài hoa này. Tên Tích Nguyệt, là thứ xuất, có thể có nhiều người, nhưng thích hoa thược dược, ngoài nàng ra thì còn ai khác nữa?

Chu Hậu Thông càng nghĩ càng đau lòng. Đất trời như quay quanh hắn không ngừng khiến cho hắn chóng mặt, mất phương hướng. Hắn cảm thấy tòa điện Kim Loan đang lung lay như sắp sập xuống, đổ lên đầu hắn. Hóa ra nàng lại quan trọng và để lại ấn tượng sâu sắc với hắn như vậy. Hắn từng cho rằng, gặp nàng một lần, nói với nàng một câu, đơn giản coi nhau như những bằng hữu. Song lúc này, hắn giác ngộ ra người con gái có gương mặt thanh tú ấy từ lâu đã chiếm một chỗ trong trái tim hắn. Ngoài nàng, hình như chẳng ai thấu hiểu và xót thương cho hắn.

Tại sao từ xưa đến nay, cứ những thứ hắn coi trọng nhất đều sẽ sớm mất đi. Mẫu phi của hắn, phụ vương của hắn, đến người con gái hắn nhớ nhung mới gặp một lần, tất cả đều đã bỏ hắn mà đi mất.

Bây giờ hắn hoàn toàn thấu hiểu nỗi lòng của kẻ khi ở mãi trên cao, phải đối mặt với sự trống trải, đơn côi thế nào.

“Tích Nguyệt, còn huynh?” Hình ảnh một nữ tử có nụ cười ấm áp, trong trẻo lại hiện rõ trong tâm trí Chu Hậu Thông. Lần đó gặp mặt, ai ngờ là lần duy nhất.

“Thông Nhi, lại đây, mẫu phi làm bánh táo xanh cho con này.” Hắn nhớ tháng ngày còn nhỏ, ở bên cạnh mẫu phi, được người bao bọc, chiều chuộng, yêu thương.

“Thông Nhi giỏi lắm, sau này nhất định sẽ trở thành một hán tử toàn năng.”

Phụ thân, mẫu thân, cả Tích Nguyệt, bọn họ như đều ở ngay trước mắt hắn, nhưng chỉ nở một nụ cười rồi lại vụt khỏi hắn mà đi.

Cuộc đời còn dài như vậy mà những người mang lại cho hắn yêu thương và hạnh phúc đều đã không còn nữa rồi.

Là Hoàng đế, nhưng trong một khắc này thôi, hắn cảm thấy mình như thể mất đi hết thảy.

Bên ngoài tuyết vẫn vần vũ, trời đất âm u, gió thổi từng cơn lạnh thấu vào tâm can.

Dường như sau chuyện ấy, hắn bắt đầu trở nên vô cảm với tất thảy mọi thứ xung quanh mình, như là trở thành một con người hoàn toàn khác. Ba năm sau đó, một lúc xử tội cả trăm người trước cửa Tả Thuận, đủ thấy được Chu Hậu Thông trở nên tàn bạo và vô tình đến cỡ nào.

Cụ thể thì câu chuyện ấy giống như một trận mưa gió tanh máu trên dưới Minh triều. Sau Đại lễ nghị, Hoàng đế và phe Nghị lễ đạt được mục tiêu là truy phong đế hậu cho phụ mẫu Hoàng đế. Tuy nhiên mâu thuẫn còn kéo dài suốt ba năm sau đó khi mà Hoàng đế trong một ngày bãi quan, xử tội hàng trăm kẻ liên quan đến phái Hộ lễ bức ép vua tại cửa Tả Thuận. Sự kiện đó được quan viên, bách tính đương thời gọi bằng cái tên thật rợn gáy: Huyết tiễn Tả Thuận môn – Máu rưới cửa Tả Thuận.

Máu rưới cửa Tả Thuận – cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tàn nhẫn, lạnh lùng, bảo thủ của Hoàng đế trên tiền triều.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN