Mợ Hai Nhà Họ Dương - Phần 26
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1844


Mợ Hai Nhà Họ Dương


Phần 26


Tôi giật mình vội nhìn về phía trước, tay cũng thu về không mò mẫm tìm kiếm nữa. Ở phía cửa, thím Điệp bước từ từ vào, đi tới trước mặt tôi, bà ấy cúi thấp đầu, khẽ hỏi:
– Mợ Hai, mợ làm gì vậy?
Tôi nhìn bà ấy, cười giả lả nói:
– Tôi… bị mất đồ ấy mà.
– Mất cái gì hả mợ, để tôi kiếm dùm cho?
Tôi chống tay đứng dậy, vừa phủi tay vừa nói:
– Dạ thôi được rồi thím Điệp, tôi kiếm nãy giờ mà không thấy, chắc là lạc mất luôn rồi.
Thím Điệp lo lắng hỏi:
– Để tôi kêu người tìm dùm cho mợ, mợ mất cái gì?
Tôi có chút lúng túng, nghĩ nghĩ liền trả lời:
– À tôi mất bông tai, quét dọn nóng nực quá làm rơi lúc nào không biết nữa. Tôi tìm nãy giờ… chắc là lạc mất rồi.
– Bông tai à, vậy để tôi tìm cho mợ… mà mợ đưa chổi cho tôi đi, tôi quét cho, ai lại để cho mợ Hai quét nhà vậy… người làm ở đây đâu hết rồi?
Thím Điệp quát lên một tiếng, bé Thà với vài người nữa liền chạy vào. Thấy bé Thà, thím Điệp chau mày hỏi:
– Mày làm gì mà để mợ Hai phải cầm chổi quét nhà vậy hả?
Nghe con bé bị mắng, tôi liền đứng ra giải thích:
– Ấy thím Điệp đừng la con bé tội nghiệp, là tôi muốn quét mà, không phải lỗi của bé Thà đâu.
Nghe tôi nói vậy, thím Điệp mới thôi không mắng bé Thà nữa. Bà ấy quay sang nhìn tôi, biểu cảm cũng dịu hơn hẳn khi nãy:
– Mợ Hai sau này đừng làm mấy chuyện này nữa, việc lau rửa quét dọn là của người làm, bà chủ hay ai mà thấy mợ làm là tôi bị la chết đó.
Tôi giả vờ buồn buồn, lại nói:
– Vậy hả… do tôi không biết…
– Dạ, vậy giờ mợ ra ngoài đi, để tôi cho người quét dọn trong này. Còn bông tai của mợ thì để tôi tìm cho, lát nữa tìm ra tôi cho người đem lên phòng cho mợ.
Hết cách, tôi đành gật gật:
– Vậy cảm ơn thím trước nha.
Thím Điệp cười vui vẻ nhìn tôi, tôi lại không biết phải nói gì nên liền đi ra ngoài. Bé Thà đi sau lưng tôi, con bé dịu giọng nhỏ xíu hỏi:
– Mợ Hai… sáng mợ đâu có đeo bông tai…
Tôi nhìn con bé, nháy mắt ra hiệu rồi thấp giọng trả lời:
– Suỵt! Mợ có công chuyện… em đừng la lớn.
Thấy tôi nói như vậy, con bé như hiểu ra vấn đề, cũng liền im lặng không dám nói gì nữa. Cũng may là bữa nay tôi không đeo bông tai, nếu không, tôi thiệt là không biết phải ăn nói thế nào. Giá như khi nãy tôi để cây chổi dưới tủ thì dễ ăn dễ nói hơn rồi. Tiếc thật, xém chút nữa là tìm ra được manh mối rồi, bỏ qua lần này không biết lần nào mới điều tra manh mối được nữa đây.
Về lại nhà, chưa bước vào đến cửa đã nghe giọng của Châu Nhi lảnh lót:
– Cô không biết bồng thằng bé ra ngoài kia chơi hay sao? Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần rồi?
Tôi chặn bé Thà ở trước cửa không cho con bé bước vào, lại nghe phía trong giọng của A Mỹ ngập ngừng:
– Nhưng mà cậu chủ nhỏ đâu có tới gần mợ đâu mợ….
“Bốp bốp”, một loạt âm thanh chát chúa vang lên, tôi với bé Thà đứng bên ngoài bất ngờ mở tròn xoe mắt nhìn nhau.
– Cô còn cãi lời tôi nữa không? Cô cãi nữa không?
– Mợ Ba…
– Tôi nói cho cô biết, con của tôi là con vàng con ngọc, kể cả ông nội cũng không dám nói nặng đến tôi… đừng nói là một đứa ô sin như cô.
– Nhưng mà cậu chủ chơi ở đây, còn mợ đang ngồi ở đằng kia mà… tôi đâu có để cậu chủ…
– Câm miệng! Cô để thằng bé chơi ở đây cũng là gần với chỗ tôi đang ngồi, trái banh này… nó đá trúng người tôi thì cô tính làm thế nào? Cô tính âm mưu hãm hại con tôi đúng không?
– Mợ Ba… mợ nói vậy tội cho tôi với cậu… cậu còn nhỏ có biết gì đâu mà mợ nói vậy?
Giọng của Châu Nhi càng lúc càng khó nghe:
– Không nó thì là cô, cô đừng tưởng tôi không biết cô có tâm cơ gì… hừ… dù cô có vịn lấy cu Gin thì cũng chẳng làm được gì An Lâm đâu. Mà cô quên rồi hả, cô quên cu Gin là một đứa con hoang rồi à? Có nuôi nó lớn thì người nó xem là mẹ cũng là chị Lâm, cô thì là cái khá gì.
– Mợ nói càng lúc càng quá đáng đó mợ, tôi không bao giờ có suy nghĩ đó.
– Suy nghĩ gì thì tự cô biết, tôi nhắc lại cô một lần nữa, kể từ nay trở đi tôi cấm cô để thằng bé chơi gần chỗ tôi. Cô phải nhớ cô là thân phận gì ở cái nhà này, hai cái tát vừa nãy chỉ là bắt đầu mà thôi… chờ tôi thêm một thời gian nữa… tôi cho cô hiểu hai chữ “tàn nhẫn” được viết thế nào.
– Mợ!
Bên trong im lặng, bên ngoài cũng lặng im. Bé Thà khẽ khều tay tôi, con bé kề tai tôi hỏi nhỏ:
– Mợ, có nên vào trong hay không?
Tôi khẽ lắc đầu:
– Thôi, đừng vào… em đợi chừng 15 phút sau, em nói A Mỹ đưa cu Gin ra nhà mát với mợ, hiểu chưa?
– Dạ em hiểu rồi.
– Ừ, vào trong đi, pha cho mợ nước gì đó mát mát để uống nha Thà.
– Dạ mợ.
Nằm võng vắt vẻo ngoài nhà mát, tôi cứ suy nghĩ về câu nói kia của Châu Nhi. Tôi biết Châu Nhi ngang ngược nhưng mà ngang ngược đến mức như này thì tôi lại thấy có chỗ không đúng lắm. Đồng ý là cô ấy sợ nguy hiểm đến mẹ con cô ấy nhưng cu Gin bé như vậy, chẳng lẽ làm hại được đến một người lớn như Châu Nhi sao? Không có khả năng, đây chỉ là cái cớ để Châu Nhi gây chuyện với A Mỹ mà thôi. Chỉ là, câu nói cuối cùng của Châu Nhi… rốt cuộc là có ý nghĩa gì nhỉ? Sao Châu Nhi lại ghét A Mỹ đến như vậy, A Mỹ có làm gì cô ấy hay sao?
– Mợ Hai.
– Chị mẹ…
Cu Gin được A Mỹ dắt tới chỗ tôi, thấy tôi đang nằm, cu cậu liền nhào đến ôm lấy cổ tôi, miệng líu lo gọi chị mẹ… chị mẹ không ngừng. Cũng không biết là nghe ai dạy mà cu Gin lại thay đổi cách xưng hô gọi tôi là chị mẹ thay vì gọi mẹ, tôi hỏi thì cu cậu cười mỉm mỉm không chịu nói. Tôi ghi ngờ đây là trò của Chính Quân, vì chỉ có anh ta mới dám dạy thằng bé nói như vậy mà thôi.
Tôi ôm lấy cu Gin, cười hỏi thằng bé:
– Con đói chưa?
Cu Gin lắc lắc đầu:
– Dạ chưa đói.
– Ừ chơi chút nữa rồi ăn cơm nha, không ăn là bị ba mắng đó.
– Dạ ok.
Thằng bé lí lắc trả lời, bữa nay lại cứ hay ok ok giống người lớn nữa chứ. Để con chơi loanh quanh trong nhà mát, tôi lúc này mới ngước mắt nhìn lên A Mỹ, thấy bên má cô ấy ửng đỏ, tôi mới nhẹ nhàng hỏi:
– A Mỹ… bên má cô làm sao vậy? Ai đánh cô hay sao?
A Mỹ rũ mắt, giọng lí nhí:
– Mợ Ba đánh em…
Tôi liền hỏi:
– Đánh cô? Lý do tại sao lại đánh?
A Mỹ líu ríu trả lời:
– Mợ Ba không muốn để cậu chủ chơi gần chỗ mợ ấy… mà hồi nãy cậu chủ cũng đâu có gần chỗ mợ Ba đang ngồi đâu. Mợ chửi em, em nói lại mấy câu, chọc cho mợ giận nên mợ đánh.
Đúng với những gì tôi nghe được, xem ra cô ấy không nói dối.
Thấy A Mỹ cũng đáng thương, tôi liền nhắc nhở:
– Sau này cô đừng để cu Gin chơi gần chỗ mợ Ba nữa, cô ấy đã không thích thì mình đừng đến trước mặt. Châu Nhi đang có thai mà chuyện con cháu nối dõi là chuyện vô cùng nhạy cảm, nếu cô thương cu Gin thì trông thằng bé cho cẩn thận hơn, đừng để thằng bé vô tình làm hại đến người khác… cô hiểu chưa?
A Mỹ khẽ gật, trông thái độ cũng không hài lòng cho lắm. Thấy cô ấy như vậy, tôi coi như cũng chịu thua. Cô gái tên A Mỹ này tính tình cứ làm sao đấy, rõ ràng chỉ là bảo mẫu mà cứ thích ngang hàng với chủ cả. Cái gì cô ta cũng không vừa ý, lại cậy vào cu Gin mà làm ra hành động thiếu suy nghĩ. Nếu không phải vì cô ta có công chăm sóc cho cu Gin từ bé đến giờ thì tôi đã đuổi cô ta từ lâu rồi. Một bảo mẫu háo thắng như vậy thì dạy dỗ trẻ con làm sao được. Chưa kể đến chuyện cô ta còn mang những tâm cơ khác, muốn giữ cô ta lại làm ở đây lâu dài… e là phải suy nghĩ lại.
– Mà có chuyện này… tôi thật lòng muốn hỏi…
A Mỹ ngước gương mặt không vui lên nhìn tôi, cô ta nói:
– Mợ hỏi đi.
– Chuyện là… cô có gây thù gì với Châu Nhi không, sao tôi thấy cô ấy… có vẻ không thích cô vậy?
A Mỹ chau mày nhìn tôi, giọng cũng tốt hơn hẳn:
– Em không có làm gì mợ Ba hết, em cũng không biết sao… mợ Ba không thích em.
– Thật không?
A Mỹ gật đầu:
– Dạ… thật mà mợ Hai, em chỉ là bảo mẫu của cậu chủ thôi, em làm sao dám làm gì mợ Ba. Chắc tại vì… mợ Ba đang mang thai, mợ ấy không thích cậu chủ… nên là cũng không thích em.
Thấy chưa, tính tình đúng là kỳ lạ, tôi chưa từng thấy người làm nào mà có tính đâm chọt như A Mỹ đây. Nếu tôi là một người nóng tính chắc tôi đã phải tức điên lên vì câu nói kia của cô ta rồi.
Tôi nhìn A Mỹ, tôi lạnh giọng cảnh cáo:
– A Mỹ, tôi khuyên chân thành cô một câu, khuyên cô sau này nên sống tiết chế và biết điều lại một chút. Cô là bảo mẫu của cu Gin, cô chỉ nên làm tốt việc chăm sóc cho thằng bé còn những việc khác, cô đừng nên quan tâm đến. Nếu tôi là người thiếu suy nghĩ chắc tôi đã tức điên lên vì câu nói kia của cô rồi. Còn nữa, tôi hy vọng cô sau này đừng bao giờ nói với tôi chuyện người này, người kia không thích cu Gin. Thích hay không thích là chuyện của người ta, không phải chuyện của mình. Mà dù có thích hay không thích thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thằng bé cả, muốn ảnh hưởng đến tôi lại càng khó hơn… cô đã hiểu chưa?
A Mỹ sa sầm mặt, cô ta nhìn tôi chứ không trả lời, biểu cảm lộ rõ vẻ khó chịu. Thấy cô gái này như vậy, tôi lại càng chắc chắn chuyện sẽ cân nhắc xem có nên giữ cô ta lại hay không. Một người có tâm cơ nhưng không biết khống chế tâm trạng thì cũng chẳng làm được trò trống gì. Mà loại người như này càng dễ mắc sai lầm, càng dễ bị người khác bơm đểu. Cô ta đã không thích tôi, giữ cô ta lại chỉ tổ gây thêm phiền toái mà thôi. Chuyện này, chắc chắn tôi sẽ bàn lại với Chính Quân, không thể để cô ta cứ như vậy mãi được. Còn riêng về chuyện của cô ta với Châu Nhi, tôi sẽ để ý thêm, hy vọng chỉ là do Châu Nhi không thích A Mỹ…
………………………
Mấy ngày này Chính Quân ngủ bên phòng của Thuỳ Trâm, tôi có khi ngủ một mình, khi thì ngủ ở phòng cu Gin. Chuyện của Chính Quân, tôi bây giờ không can thiệp vào nữa, biết anh ta đang lợi dụng cô ấy nên tôi cũng không muốn gây thêm phiền phức. Chỉ là, hy vọng Chính Quân… anh ta sẽ không làm chuyện gì đó có lỗi với lời hứa của mình.
Thuỳ Trâm sống ở nhà họ Dương khá là tốt, cô ấy được lòng của Má Nhỏ với ba chồng tôi, còn về phần Má Lớn, bà ấy dù có thích cô ấy cỡ nào thì bây giờ chắc cũng không còn thích nữa. Cái này thì chịu rồi, ai biểu cô ấy vợ lớn không làm lại đi làm vợ nhỏ, đã vậy còn được Chính Quân ra mặt che chở yêu thương, cái đó chẳng phải chọc trúng vào vết thương của Má Lớn rồi hay sao. Kể từ sau vụ đấu khẩu với Má Nhỏ, Má Lớn bắt đầu khó chịu với Thuỳ Trâm, cô ấy có làm cái gì bà ấy cũng không thích, đã vài lần tôi thấy cô ấy ấm ức khóc lóc trên phòng rồi. Đúng là đỏ thôi, đen quên đi mà.
Hiếm hoi lắm hôm nay nhà chồng tôi mới có được bữa cơm đầy đủ mặt thành viên trong nhà. Châu Nhi lại biết chọn ngày, chọn đúng ngày hôm nay để thông báo giới tính em bé trong bụng. Vậy là nhà họ Dương lại chuẩn bị đón thêm cháu trai nữa rồi, đứa bé trong bụng Châu Nhi là một bé trai.
Má Nhỏ cười đến không ngậm được miệng, bà ấy chỉ thiếu điều ôm chầm lấy Châu Nhi không buông mà thôi. Tôi với Chính Quân vẫn bình thường, chuyện ai đó có thai rồi sinh con là chuyện tốt, nếu không vui thì cũng không phải chuyện buồn nên tôi sau khi chúc mừng vài câu rồi lại im lặng ngồi một bên cười phụ hoạ. Chỉ có Má Lớn là không được mấy vui vẻ, đã vậy, bà ấy lại cứ hay nhìn về phía chị Loan khiến cho chị ấy cũng không được thoải mái tự nhiên. Anh Cả thì nhàn nhã ăn cơm giống như Chính Quân, cứ như chuyện trước mắt của hai người phụ nữ có kia không liên quan đến anh vậy. Tôi vì rảnh rỗi nên hết nhìn người này đến người kia, đang nhìn về phía anh Cả, Chính Quân ở bên cạnh lại thúc nhẹ vào khuỷ tay tôi, anh ta liếc mắt nhìn, biểu cảm hơi cau có khó chịu. Thấy anh ta như vậy, tôi liền rụt mắt về, cũng không nhìn dáo dác xung quanh nữa mà tập trung vào chén cơm ở trước mặt.
Chính Quân gắp cho tôi miếng cá hấp, anh ta nhỏ giọng nói xoáy tôi:
– Ăn đi, nhìn như vậy cũng không no bụng được đâu.
Tôi liếc mắt nhìn anh ta, lại thấy anh ta cười hờ hững rồi quay sang chăm sóc gắp thức ăn các kiểu cho Thuỳ Trâm. Đúng là điên mà, suốt ngày chỉ giỏi đi canh chừng tôi thôi, đàn ông chi mà nhỏ nhen hết sức.
Chuyện của Châu Nhi qua rồi, tôi lại nghe ba chồng tôi khàn khàn cất giọng, ông ấy vừa nói vừa nhìn dò xét về phía Chính Quân.
– Hai ngày nữa là đến ngày giỗ của… Chính Thành, việc gì thì việc, dành chút thời gian tới thắp cho thằng bé nén nhang… nghe rõ chưa?
Mọi người nhất thời khựng lại, sau vài giây định hình thì mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Chính Quân. Mà Chính Quân trước sau vẫn như một, anh ta chỉ tập trung vào chén cơm trong tay, nửa ánh mắt cũng không buồn quan tâm đến. Thấy anh ta tỏ ra như vậy, ba chồng tôi mới đặt chén cơm xuống bàn, ông nhìn về phía anh, trầm giọng, hỏi:
– Chính Quân, bữa đó… con cũng nhớ về
Chính Quân lúc này mới buông chén cơm trong tay xuống, anh khẽ ngước mắt nhìn ba mình, hai cha con họ nhìn nhau chăm chú. Lát sau, anh ta mới cất giọng khàn khàn trả lời:
– Con bận rồi, không về được.
Ba chồng tôi chau mày nhìn anh, giọng ông thể hiện rõ sự không vui:
– Lý do?
Chính Quân nhàn nhạt trả lời:
– Công việc rất bận, con còn nhiều chuyện cần giải quyết.
– Bận chuyện gì? Ta thấy con có chuyện gì đáng bận hơn chuyện giỗ em trai mình?
– Chuyện công việc của con, sao ba biết được mà hỏi.
“Bộp”, ba chồng tôi tức tối đập bàn, ông nhìn về phía anh, quát lớn:
– Là do con không dám xuất hiện trước mặt Chính Thành nên mới nói như vậy chứ làm gì có chuyện bận công việc?
Chính Quân cười nhạt, anh nói:
– Con việc gì mà không dám xuất hiện trước mặt Chính Thành, nhưng công việc là công việc, nhà mình cũng không phải đến mức không có ai… ba đừng gây khó dễ cho con, con không rảnh.
Nói rồi, anh đứng định rời đi, ba chồng tôi cũng đứng dậy theo, ông quyết không để cho chồng tôi rời đi:
– Chính Quân, nếu chuyện năm xưa không phải do con làm… ta khuyên con ngày mốt nên ở nhà làm giỗ cho Chính Thành. Từ ngày thằng bé chết đến giờ, con tới thắp nhang cho thằng bé được bao nhiêu lần? Đừng nói là ta mà ngay cả những người ngoài cũng đều nghi ngờ con… con liệu sao mà làm.
Chính Quân chau mày nhìn ba mình, anh lớn tiếng:
– Chuyện thắp nhang ít hay nhiều nó chẳng liên quan gì tới chuyện con có phải là người xấu hại Chính Thành hay không. Con vẫn đến thắp nhang cho thằng bé đều đều, chẳng lẻ mỗi lần con đến thăm thằng bé… con đều phải thông báo cho ba biết hay sao?
Ngừng một lát, anh lại nói tiếp, giọng điệu lạnh tanh:
– Còn nữa, những tên mồm mép ngoài kia nếu có giỏi thì đến trước mặt Dương Chính Quân con mà nói, còn đã nói sau lưng con thì mãi mãi chỉ là những kẻ sợ con nghe thấy được mà thôi. Chính Thành là em trai con, dù thích hay không thích, con cũng không có lý do nào phải hại thằng bé cả. Chính là ba, chính là các người… suốt hơn hai mươi năm qua, các người chưa bao giờ thôi bạo hành suy nghĩ và lời nói đối với con. Bây giờ con lớn thì khác, nhưng còn trước kia… các người làm vậy với một đứa trẻ… các người nghĩ là đúng à?
Ba chồng tôi tức đến phát hỏa, ông chỉ vào Chính Quân, tay run run không nói nên lời:
– Con… con!
Chính Quân cười khẩy, giọng nhạt tênh:
– Giết Chính Thành, các người thật là buồn cười, một đứa trẻ không tới mười tuổi mà có thể giết chết một đứa trẻ khác… các người xem phim nhiều quá nên ảo tưởng rồi đúng không? Ngược lại, sao các người không chịu động não mà suy nghĩ thử xem… lòng dạ của một đứa trẻ và lòng dạ đàn bà… cái thứ nào mới là đáng sợ nhất? Lời nói của một mụ điên… các người tin tưởng hơn lời nói của một đứa trẻ hay sao? Nếu biết sẽ bị nghi ngờ là giết chết em trai mình, vậy thì năm đó… đáng lý tôi phải tự tay đẩy thằng bé xuống hồ thì mới gọi là giết người, chứ chỉ đứng trên bờ như tôi, hoảng loạn như tôi… như vậy thì làm sao đủ bằng chứng để các người định tội tôi được?!
Nói rồi, Chính Quân quay người rời đi, để lại một cỗ không khí kỳ lạ ở lại. Tôi hết nhìn về phía ba chồng mình rồi lại nhìn một vòng xung quanh, đâu đó, tôi thấy được vài ánh nhìn buồn bã, lại thêm vài ánh nhìn thích thú. Đặc biệt nhất phải nói đến những ánh nhìn trầm tĩnh, tĩnh lặng cứ như… chuyện trước mặt chẳng liên quan gì tới mình. Người nhà họ Dương này không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả là “giết hại” hai đứa trẻ, một là Chính Thành, còn hai… hai là Chính Quân!
____________________
❌ ĐỌC TRUYỆN NHỚ LIKE + SHARE NHA CHỊ EM MÌNH UI, ỦN MÔNG TINH THẦN TÁC GIẢ ĐI Ạ!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN