Mọi Điều Ta Chưa Nói - Chương 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
159


Mọi Điều Ta Chưa Nói


Chương 14


Những khay thức ăn đã được dọn đi, tiếp viên hàng không giảm độ sáng đèn khiến khoang hành khách chìm trong một quầng tối mờ. Từ đầu chuyến đi đến giờ, Julia chưa nhìn thấy bố mình động vào thứ đồ ăn nào, cũng không ngủ, thậm chí không cả nghỉ ngơi. Điều đó hẳn là bình thường với một cỗ máy, nhưng ý nghĩ kỳ cục đó mới khó chấp nhận làm sao. Vì lẽ đây chính là những chi tiết duy nhất nhắc cô nhớ rằng chuyến đi này sẽ chỉ tặng cho hai người họ vài ngày giành giật được của thời gian. Phần đông hành khách đều đang ngủ, số khác đang theo dõi một bộ phim trên màn hình nhỏ trước mặt; ở hàng cuối cùng, một người đàn ông đang tra cứu tài liệu dưới ánh sáng của một ngọn đèn ngủ. Anthony lật xem một tờ báo, Julia nhìn qua cửa kính những tia phản chiếu ánh bạc của mặt trăng lên cánh máy bay và đại dương lao xao trong màn đêm xanh thẳm.

* * *

Sang xuân, em đã quyết định thôi học ở trường Mỹ thuật, quyết định không quay về Paris nữa. Anh đã làm tất cả để can ngăn em, nhưng ý em đã quyết, em sẽ trở thành nhà báo giống như anh và cũng giống như anh sáng nào em cũng đi tìm một công việc để làm, ngay cả khi đối với một cô gái người Mỹ, điều đó là vô vọng. Từ vài ngày nay, những tuyến xe điện lại nối hai nửa thành phố với nhau. Mọi thứ xung quanh chúng ta, tất thảy đều hối hả; mọi người xung quanh chúng ta, ai ai cũng nhắc đến chuyện thống nhất đất nước của anh để tạo thành một nước Đức duy nhất, như trước kia, khi mọi thứ trên đời chưa thuộc về chiến tranh lạnh. Những kẻ từng làm tay sai cho mật vụ dường như đã biến mất cùng với tài liệu lưu trữ của chúng. Vài tháng trước, chúng đã tiến hành thủ tiêu tất cả những thứ giấy tờ có thể gây liên lụy, tất cả những hồ sơ do chúng lập nên về hàng triệu đồng bào của anh và chính anh, anh đã là một trong số những người đầu tiên biểu tình để ngăn chặn chúng.

Anh cũng được đánh số trên một hồ sơ nào đó chứ? Hồ sơ đó vẫn còn nằm im lìm trong một vài tài liệu mật có chứa những bức ảnh chụp lén anh trên phố, hay tại nơi làm việc, danh sách những người anh thường gặp gỡ, tên của bạn bè anh, tên bà anh? Tuổi trẻ của anh là khả nghi trong mắt những nhà cầm quyền thời bấy giờ chăng? Làm sao chúng ta lại có thể để mặc như thế, sau tất cả những bài học về những năm chiến tranh? Đó là cách duy nhất mà thế giới của chúng ta tìm ra để phục thù hay sao? Anh và em, chúng ta có mặt trên đời này quá muộn để hận thù nhau, chúng ta có quá nhiều thứ để sáng tạo nên. Buổi tối, khi chúng ta đi dạo trong khu phố nhà anh, em thường thấy anh tiếp tục sợ hãi. Nỗi sợ chạy xuống anh ngay khi anh nhìn thấy dù chỉ một bộ quân phục hoặc một chiếc ô tô mà tốc độ chạy theo anh là quá chậm rãi. “Đi thôi, chúng ta đừng nán lại đây nữa,” lúc bấy giờ anh nói; và anh dẫn em đến náu trong con hẻm nhỏ đầu tiên gặp, trong cái cầu thang đầu tiên cho phép chúng ta tẩu thoát, cho phép thoát khỏi một kẻ thù vô hình. Và khi em chế giễu anh, anh liền nổi giận, anh bảo em rằng em không hiểu gì hết, không biết tất cả những điều mà chúng có thể gây ra. Đã bao lần em bắt gặp ánh mắt anh nhìn quanh căn phòng của một nhà hàng nhỏ, nơi em dẫn anh đến ăn tối? Đã bao lần anh nói với em rằng, ta hãy rời khỏi đây thôi, khi nhìn thấy gương mặt ủ rũ của một khách hàng gợi cho anh nhớ về quá khứ đáng lo ngại. Tha lỗi cho em, Tomas, anh có lý, em không biết thế nào là sợ hãi. Tha lỗi cho em đã cười phá lên khi anh buộc chúng ta náu mình dưới những trụ cầu, bởi vì một đoàn xe quân sự đang vượt sông. Em đã không biết, em đã không thể hiểu nổi, không ai trong số bọn em có thể hiểu.

Khi anh chỉ tay vào một ai đó trong tàu điện, căn cứ vào ánh mắt của anh em hiểu rằng anh đã nhận ra một trong số những kẻ từng làm tay sai cho mật vụ.

Cởi bỏ bộ quân phục, từ bỏ quyền lực và vẻ ngạo nghễ của mình, những cựu thành viên Stasi[8] hòa lẫn vào thành phố của anh, tập quen với sự tầm thường trong cuộc sống của những con người mới hôm qua vẫn còn bị chúng vây dồn, rình mò, phán xét và đôi khi là tra tấn, và điều ấy đã kéo dài hàng bao năm. Từ khi bức tường sụp đổ, phần đông chúng đã tự bịa ra cho mình một quá khứ để người ta không nhận ra chúng, những kẻ khác vẫn âm thầm tiếp tục con đường của mình và đối với nhiều người trong số chúng, những ăn năn dằn vặt tiêu tan theo năm tháng, cùng với ký ức về những tội ác chúng đã gây ra.

[8] Bộ An ninh Quốc gia, là cơ quan cảnh sát chính trị, tình báo, gián điệp và phản gián của Cộng hòa Dân chủ Đức trước kia.

chúng ta đã đi dạo trong một công viên. Knapp không ngừng hỏi anh về cuộc sống của anh, mà không biết rằng lòng anh đau xót thế nào khi phải trả lời những câu hỏi đó. Anh ấy khẳng định rằng bức tường Berlin đã trải bóng của nó sang tận miền Tây nơi anh ấy sống, trong khi anh thì anh lớn tiếng nói rằng chính miền Đông, nơi anh sống, mới là nơi bức tường bê tông giam hãm. Làm sao các cậu tập quen được với sự tồn tại kiểu ấy, Knapp gạn hỏi. Và anh mỉm cười, hỏi anh ấy rằng liệu có phải anh ấy đã quên mọi chuyện rồi chăng? Knapp lại phản công dồn dập bằng một loạt câu hỏi, thế nên anh đầu hàng và trả lời những câu hỏi anh ấy đặt ra. Thế rồi, hết sức kiên nhẫn, anh kể anh ấy nghe về một cuộc sống trong đó nhất nhất mọi chuyện đều được tổ chức, đảm bảo an toàn, nơi không một trách nhiệm nào phải được gánh vác, nơi nguy cơ phạm lỗi là rất thấp. “Chúng tớ biết đến tình trạng ai ai cũng có việc làm, Nhà nước có mặt ở khắp mọi nơi,” anh nói và nhún vai. “Những nền độc tài chuyên chính đều hoạt động như thế mà,” Knapp kết luận. Điều này phù hợp với nhiều người, tự do là một món tiền cược khổng lồ, phần đông mọi người đều khao khát được tự do, nhưng không còn biết sử dụng nó thế nào nữa. Và em còn nghe các anh bàn luận trong quán cà phê tại Tây Berlin, rằng ở phía Đông ai nấy đều đang khôi phục lại cuộc sống trong những căn hộ êm ái theo cách riêng của mình. Cuộc đàm đạo của các anh trở nên sôi nổi khi bạn anh hỏi anh rằng theo anh thì có bao nhiêu người đã cộng tác với Stasi trong những năm đen tối này; chưa bao giờ các anh thống nhất với nhau về con số ấy. Knapp cho rằng cả thảy có khoảng ba mươi phần trăm dân số. Anh bào chữa cho sự thiếu hụt của mình, làm sao anh biết chuyện đó được, anh chưa từng làm việc cho Stasi cơ mà.

Tha lỗi cho em, Tomas nhé, anh có lý, em phải chờ tới khi đang trên đường đi về phía anh mới cảm nhận được nỗi sợ.

* * *

– Sao con không mời bố đến dự đám cưới? Anthony hỏi và đặt tờ báo xuống đầu gối.

Julia giật bắn mình.

– Bố xin lỗi, bố không muốn làm con giật mình. Tâm trí con để ở nơi khác sao?

– Không, con chỉ đang mải nhìn bên ngoài thôi.

– Chỉ có màn đêm thôi mà, Anthony đáp lại sau khi nghiêng người sang phía cửa kính.

– Vâng, nhưng đang có trăng tròn.

– Hơi cao để nhảy xuống nước phải không?

– Con đã gửi cho bố thiệp báo mà.

– Như với hai trăm người khác. Đó không phải là cách bố gọi là mời bố mình đến dự cưới. Bố được xem như người sẽ dẫn con đến trước bàn thờ Chúa, chuyện đó có lẽ xứng đáng để chúng ta gặp nhau và trực tiếp bàn bạc.

– Bố và con, chúng ta đã bàn bạc được chuyện gì từ hai mươi năm nay nào? Con đợi bố gọi cho con, con hy vọng bố đề nghị con giới thiệu chồng tương lai của mình với bố.

– Hình như bố gặp cậu ta rồi mà.

– Tình cờ thôi, trên một cầu thang cuốn trong trung tâm thương mại Bloomingdales’; đó không phải là cái con gọi là làm quen. Tóm lại là bố chẳng quan tâm gì đến anh ấy hay đến cuộc đời con hết.

– Cả ba người chúng ta đã đi uống trà, nếu bố nhớ không nhầm.

– Bởi vì anh ấy đã mở lời với bố, vì anh ấy muốn làm quen với bố. Suốt hai mươi phút ấy bố giành hết phần nói còn gì.

– Cậu ta không được hoạt khẩu cho lắm nhỉ, giới hạn tự kỷ, bố cứ ngỡ cậu ta câm.

– Bố có hỏi anh ấy dù chỉ một câu không?

– Còn con, con chưa bao giờ hỏi bố câu nào, chưa bao giờ con xin bố lời khuyên nào kia mà, Julia?

– Làm thế liệu có ích gì cơ chứ? Để nghe bố giải thích cái điều mà bố đã làm hồi bằng tuổi con hay để bố nói ra điều con nên làm? Con có thể câm nín cho tới khi tận thế để một ngày kia rốt cuộc bố hiểu ra rằng con chưa bao giờ muốn giống như bố.

– Có lẽ con nên ngủ đi, Anthony Walsh nói, ngày mai sẽ dài lắm đấy. Vừa đến Paris là chúng ta sẽ phải đổi máy bay trước khi tới đích.

Ông kéo tấm chăn đắp lên tận vai Julia rồi tiếp tục đọc báo.

* * *

Máy bay vừa hạ cánh xuống đường băng của sân bay Charles-de-Gaulle. Anthony chỉnh đồng hồ theo múi giờ Paris.

– Bố con ta sớm tới hai giờ đồng hồ do chênh lệch múi giờ, chuyện này sẽ không gây khó khăn gì.

Vào lúc đó, Anthony còn chưa biết chiếc máy bay tưởng như sẽ đến trạm cuối E lại được lái về phía một cổng thuộc trạm cuối F; mà cổng này lại được trang bị một cầu thang lên xuống không tương hợp với máy bay của hai bố con, tiếp viên hàng không giải thích chính vì vậy mà một chiếc xe buýt sẽ được điều động và chở họ tới trạm cuối B.

Anthony giơ ngón tay ra hiệu cho trưởng bộ phận tiếp viên đến gặp ông.

– Lối cửa E chứ! ông nói.

– Gì kia ạ? người này hỏi.

– Trong thông báo vừa rồi, các vị đã nói là lối cửa B, tôi cứ ngỡ là chúng ta phải đến lối cửa E chứ.

– Rất có thể, trưởng bộ phận tiếp viên đáp, chúng ta chẳng hiểu gì ý nhau cả.

– Hãy gỡ bỏ nghi ngờ này giúp tôi, chúng ta đúng là đang ở sân bay Charles-de-Gaulle chứ?

– Ba cánh cửa khác nhau, không có cầu thang chuyên dụng và xe buýt cũng không thấy đâu, đừng nghi ngờ gì nữa!

Bốn mươi lăm phút sau khi hạ cánh, cuối cùng họ cũng xuống được khỏi máy bay. Còn phải qua trạm kiểm soát xuất nhập khẩu và tìm cho ra trạm cuối nơi chuyến bay đến Berlin cất cánh.

Hai sĩ quan cảnh sát hàng không có nhiệm vụ kiểm tra hàng trăm hộ chiếu của hành khách vừa từ ba chuyến bay đổ xuống. Anthony nhìn giờ trên bảng hiển thị.

– Trước chúng ta còn hai trăm người nữa, bố e là chúng ta không thể kịp giờ.

– Thì chúng ta sẽ bay chuyến sau! Julia đáp.

Qua trạm kiểm soát rồi, họ chạy khắp một loạt hành lang cùng thang cuốn.

– Nếu có cuốc bộ từ New York thì chúng ta cũng phải đến nơi rồi, Anthony càu nhàu.

Vừa nói dứt câu, ông ngã khuỵu xuống.

Julia đã cố đỡ ông, nhưng cú ngã bất ngờ đến mức cô trở tay không kịp. Cầu thang cuốn tiếp tục tiến lên trước, mang theo Anthony vẫn nằm sóng soài.

– Bố ơi, bố ơi, tỉnh lại đi! cô vừa hét lên, hốt hoảng, vừa lay người ông.

Tiếng lách cách của điện tử lưới ở bo mạch vang lên rõ rệt. Một hành khách chạy vội lại để giúp Julia. Họ cùng nâng Anthony dậy và đặt ông nằm xa ra một chút. Người đàn ông cởi áo vest ra và kê xuống dưới đầu Anthony vẫn đang nằm bất động. Ông ta đề nghị gọi cấp cứu.

– Không, chớ có gọi! Julia van vỉ. Không sao đâu, chỉ là một cơn khó ở thôi mà, tôi quen với chuyện này rồi.

– Cô chắc chứ? Chồng cô có vẻ ốm lắm.

– Đây là bố tôi đấy chứ! Ông bị tiểu đường, Julia nói dối.

– Bố ơi, tỉnh lại đi, cô vừa nói vừa lay người ông lần nữa.

– Để tôi bắt mạch cho ông ấy xem sao.

– Đừng đụng vào ông ấy! Julia thét lên hốt hoảng.

Anthony mở một bên mắt.

– Chúng ta đang ở đâu thế này? ông hỏi và cố gắng đứng lên.

Người đàn ông đã giúp Julia ban nãy đỡ ông dậy. Anthony đứng dựa lưng vào tường trong lúc lấy lại thăng bằng.

– Giờ là mấy giờ rồi?

– Cô chắc chắn đây chỉ là một cơn khó ở đơn thuần chứ, ông ấy có vẻ không được bình thường cho lắm…

– Nói đi nào, làm ơn! Anthony, vừa lấy lại sức liền vặc lại.

Người đàn ông lấy lại áo vest của mình và bỏ đi.

– Dẫu sao bố cũng nên cảm ơn người ta chứ, Julia trách ông.

– Tại sao, vì thằng cha ấy dùng khổ nhục kế tán tỉnh con khi giả bộ cấp cứu cho bố à, còn gì nữa nào!

– Bố thật không chịu nổi, bố làm con sợ hết hồn!

– Có gì đâu, con muốn bố làm sao nữa, bố chết rồi mà! Anthony kết luận.

– Con muốn biết chính xác chuyện vừa xảy ra với bố.

– Bố cho là một lỗi tiếp xúc, hoặc một lỗi giao thoa nào đó. Phải báo cho họ mới được. Nếu ai đó tắt bố bằng cách cúp điện thoại di động của mình, chuyện này sẽ trở nên rầy rà đây.

– Con sẽ không bao giờ kể lại được những chuyện lúc này con đang trải qua, Julia nói và nhún vai.

– Ban nãy bố mơ hay con gọi bố là bố thế nhỉ?

– Bố mơ đấy! cô đáp, trong khi ông kéo cô về khu vực làm thủ tục.

Họ chỉ còn hơn mười lăm phút để qua cổng kiểm soát an ninh.

– Ôi chà! Anthony nói khi mở tấm hộ chiếu của mình ra.

– Lại chuyện gì nữa thế?

– Thẻ chứng nhận đeo máy trợ tim của bố, bố không thấy đâu nữa.

– Lẽ ra nó phải ở trong túi áo của bố chứ.

– Bố vừa lục cả hai túi rồi, chẳng thấy đâu cả!

Vẻ phật ý, ông nhìn những khung cổng quét trước mặt.

– Nếu đi qua mấy cái cổng đó, bố sẽ tập hợp toàn bộ lực lượng cảnh sát tại sân bay này mất.

– Vậy thì tiếp tục tìm trong hành lý của bố xem sao! Julia sốt ruột.

– Đừng cố nài, bố đã bảo với con là bố làm mất rồi còn gì, hẳn là nó rơi trên máy bay, lúc bố gửi áo vest cho cô tiếp viên. Bố xin lỗi, bố không thấy có hướng giải quyết nào cả.

– Chúng ta không đến tận đây để lúc này lại quay trở lại New York. Mà, dù sao đi nữa, chúng ta sẽ làm thế nào đây?

– Thuê một chiếc xe và đi vào thành phố. Từ giờ đến đó bố sẽ tìm cách.

Anthony đề nghị con gái đặt một phòng nghỉ đêm trong khách sạn.

– Trong hai tiếng nữa, New York sẽ thức giấc, con chỉ việc gọi cho bác sĩ điều trị của bố, ông ấy sẽ fax cho con một bản sao.

– Bác sĩ của bố chưa biết là bố đã chết sao?

– Ôi không, đúng là ngốc thật nhưng bố đã quên không báo cho ông ấy biết đấy!

– Sao không vẫy một chiếc taxi nhỉ? cô hỏi.

– Một chiếc taxi ở Paris ấy à? Con chưa biết thành phố này rồi!

– Bố đúng là có những điều tiên nghiệm về mọi chuyện!

– Bố không cho đây là lúc thích hợp để tranh luận; bố nhìn thấy tiệm cho thuê xe rồi đây, chỉ cần một chiếc ô tô nhỏ là đủ cho hai chúng ta. Mà không, chọn một chiếc xe bốn chỗ đi, vấn đề đẳng cấp đấy!

Julia đầu hàng. Đã quá mười hai giờ trưa khi cô rẽ vào đường nối dẫn đến ngã tư xa lộ A1. Anthony nghiêng người về phía kính chắn gió, chăm chú quan sát những tấm biển chỉ đường.

– Rẽ phải thôi! ông ra lệnh.

– Paris ở bên trái chứ, điều ấy được viết bằng chữ in hoa kìa.

– Bố cảm ơn con, bố vẫn còn biết đọc mà, cứ làm theo lời bố đi! Anthony càu nhàu và ép cô bẻ lái.

– Bố điên thật! Bố chơi trò gì thế? cô hét lên khi chiếc xe chệch khỏi làn đường một cách nguy hiểm.

Giờ thì đã quá muộn để đổi làn đường. Trong một bản hợp xướng các loại còi xe, Julia nhận thấy mình đang đi theo hướng Bắc.

– Láu cá lắm, chúng ta đang chạy xe về hướng Bruxelles, Paris đã ở đằng sau rồi.

– Bố biết chứ! Và nếu con không quá mệt để lái một mạch, sáu trăm kilomet sau khi đến Bruxelles, chúng ta sẽ đến Berlin, trong chín tiếng nữa nếu bố nhẩm chính xác. Tệ nhất là chúng ta sẽ đỗ lại dọc đường, để con ngủ một chút. Trên xa lộ thì không phải vượt qua cổng quét kiểm soát an ninh, đây chính là giải pháp tình thế cho vấn đề của chúng ta; còn thời gian, chúng ta không còn nhiều đâu. Chỉ còn bốn ngày nữa trước khi phải quay về, tuy nhiên với điều kiện là bố chưa bị hỏng hóc.

– Bố đã nảy ra ý định này từ trước khi chúng ta thuê xe, phải thế không? Chính vì thế mà bố muốn thuê một chiếc xe bốn chỗ!

– Con có muốn gặp lại Tomas hay không nào? Vậy thì lái xe đi, bố không cần chỉ đường cho con, con vẫn nhớ đường phải không?

Julia bật radio trong xe, chỉnh âm lượng mức tối đa và tăng tốc.

* * *

Trong vòng hai mươi năm, tuyến xa lộ đã thay đổi diện mạo của chuyến đi. Hai tiếng đồng hồ sau khi khởi hành, họ vượt qua Bruxelles. Anthony không được hoạt bát cho lắm. Thỉnh thoảng ông lẩm nhẩm trong miệng khi nhìn cảnh vật. Julia tranh thủ lúc ông không chú ý để nghiêng kính chiếu hậu về phía ông, như thế cô có thể nhìn thấy ông mà không để ông nhận ra. Anthony vặn nhỏ tiếng radio.

– Ở trường Mỹ thuật con có vui không? ông hỏi cô, phá vỡ bầu không khí yên lặng.

– Con có ở lại đó lâu đâu, nhưng con thích mê nơi con sống. Quang cảnh từ phòng con nhìn ra đẹp đến khó tin. Bàn làm việc của con hướng ra mái của Đài Thiên văn.

– Bố cũng mê mẩn Paris. Ở đó bố có nhiều kỷ niệm. Thậm chí bố tin rằng mình muốn giã biệt cuộc sống này tại đó.

Julia húng hắng ho.

– Có chuyện gì thế? Anthony hỏi, bỗng nhiên vẻ mặt con rất lạ. Bố lại nói chuyện gì không nên sao?

– Không đâu, bố yên tâm.

– Có mà, bố thấy rõ là thái độ con rất khác thường.

– Chuyện này… chuyện này thực sự không dễ nói ra chút nào, cực kỳ khó nói là đằng khác.

– Đừng bắt bố phải van xin con, nói đi nào!

– Bố mất tại Paris, bố ạ.

– Vậy ư? Anthony thốt lên ngạc nhiên. Này, bố còn chưa biết chuyện ấy đâu nhé.

– Bố không có ký ức nào về chuyện ấy ư?

– Chương trình để truyền cho bộ nhớ của bố dừng lại ở chuyến khởi hành tới châu Âu. Sau thời điểm này là một hố đen khổng lồ. Bố cho rằng như vậy tốt hơn, ký ức về cái chết của bản thân thì chẳng có gì là hay ho cả. Cuối cùng thì bố cũng nhận thấy giới hạn thời gian được định ra cho cỗ máy này là một điều bất tiện nhưng cần thiết. Và không chỉ thiết yếu đối với các gia đình.

– Con hiểu, Julia đáp, ngượng nghịu.

– Bố nghi ngờ đấy. Tin bố đi, tình huống này không chỉ kỳ quặc đối với con thôi đâu, và thời gian càng trôi qua, tất cả những chuyện này càng khiến bố cũng phải hoang mang. Hôm nay là thứ mấy rồi nhỉ?

– Thứ Tư.

– Ba ngày, con thấy đấy, tiếng tíc tắc chết tiệt khi chiếc kim giây lượn quanh trong đầu các con. Con có biết bố chết thế nào…

– Một cơn ngưng tim trước đèn đỏ.

– Vẫn còn may mắn vì bấy giờ không phải là đèn xanh, không thì bố bị nghiền nát rồi.

– Lúc đó đang đèn xanh!

– Khỉ thật!

– Không vì thế mà xảy ra tai nạn nào hết, nếu điều này có thể an ủi được bố.

– Thẳng thắn mà nói, chuyện đó chẳng an ủi bố chút nào. Bố có đau đớn không?

– Không, người ta cam đoan với con rằng cơn đau chỉ trong chớp nhoáng.

– Phải rồi, rốt cuộc thì người ta luôn nói thế với gia đình các nạn nhân để làm yên lòng họ. Ôi chao, mà chung quy thì nói vậy phỏng có ích gì nữa nhỉ. Chuyện quá khứ rồi mà. Ai còn nhớ cách mọi người chết cơ chứ? Nhớ được cách họ sống đã là tốt lắm rồi.

– Ta đổi chủ đề nhé? Julia nài nỉ.

– Nếu con muốn, nhưng bố thấy chuyện này buồn cười thì đúng hơn, khi có thể chuyện trò với ai đó về cái chết của chính mình.

– Ai đó được nhắc đến ở đây chính là con gái bố và thực ra trông bố chẳng có vẻ gì là vui cả.

– Đừng có bắt đầu nói đúng nữa đi, xin con đấy.

Một tiếng sau, chiếc xe đã tiến vào lãnh thổ Hà Lan, nước Đức chỉ còn cách bảy mươi kilomet nữa.

– Mánh này của họ thật tuyệt, Anthony nói tiếp, chẳng còn biên giới nữa, người ta hầu như ngỡ mình được tự do. Nếu con đang hạnh phúc ở Paris thì tại sao lại ra đi?

– Một quyết định khinh suất nhất thời, ngay giữa đêm; lúc ấy con cứ nghĩ chỉ mất vài ngày sẽ quay về. Thoạt tiên, đó chỉ là cuộc dạo chơi giữa bạn bè với nhau.

– Con quen họ lâu rồi à?

– Mới quen được mười phút.

– Rõ là thế! Và mấy người bạn ấy thường ngày làm nghề gì?

– Cũng là sinh viên như con, học trường Sorbonne.

– Bố hiểu rồi, và tại sao lại là nước Đức? Tây Ban Nha hay Ý không phải vui hơn sao?

– Một khát khao được tham gia cách mạng. Antoine và Mathias đã được dự đoán được sự sụp đổ của bức tường. Có lẽ không được chắc chắn đến mức ấy, nhưng có chuyện gì đó hệ trọng diễn ra tại Đức và bọn con muốn đến tận nơi chứng kiến.

– Bố có thể bỏ lỡ điều gì trong việc dạy dỗ con được nhỉ, để con lại khao khát làm cách mạng đến thế? Anthony nói và phát vào đầu gối.

– Bố đừng tự trách mình, đó hẳn là điều duy nhất bố đã thực sự thành công mà.

– Đó là một cách nhìn nhận thôi! Anthony lẩm bẩm và lại quay ra cửa kính xe.

– Sao bây giờ bố mới hỏi con tất cả những câu này?

– Bởi vì con, con chẳng hỏi bố câu nào cả. Bố thích Paris vì đó là nơi bố đã hôn mẹ con lần đầu tiên. Và bố có thể khẳng định với con rằng chuyện đó không dễ dàng chút nào.

– Con không chắc là mình muốn biết chi tiết chuyện ấy đâu.

– Nếu con biết bà ấy xinh đẹp thế nào. Lúc ấy bố mẹ mới hai mươi lăm.

– Bố làm thế nào để đến được Paris. Con tưởng hồi còn trẻ bố không đồng xu dính túi cơ mà?

– Ở đâu?

– Berlin chứ đâu! Và bố không có lấy một ký ức hạnh phúc nào về quãng đời đó.

Khuôn mặt Anthony lại quay sang với phong cảnh đang diễu qua bên ngoài.

– Không cần phải nhìn con qua kính thế đâu, bố biết đấy, con đang ngồi ngay bên cạnh bố đây mà, Julia nói.

– Thế còn con, chỉnh kính chiếu hậu vào đúng chỗ đi, như thế con sẽ nhìn thấy những chiếc ô tô đang đi đằng sau trước khi vượt chiếc xe tải tiếp theo!

– Bố đã gặp mẹ ở đó sao?

– Không, bố mẹ quen nhau tại Pháp. Khi được giải ngũ, bố đã đi tàu đến Paris. Bố hằng mơ được nhìn thấy tháp Eiffel trước khi về nước mà.

– Và bố đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên?

– Không tồi chút nào, nhưng vẫn thấp hơn những tòa nhà chọc trời của chúng ta.

– Con đang nói về mẹ cơ mà.

– Lúc bấy giờ mẹ con đang là vũ công của một phòng trà lớn. Bản sao hoàn hảo của GI kiểu Mỹ bất chấp gốc gác Ailen của họ và của vũ công đến từ cùng một xứ.

– Mẹ là vũ công ấy ạ?

– Bluebell Girl! Cả đoàn đang trong buổi biểu diễn đặc biệt tại phòng trà Lido trên đại lộ Champs-Élysées. Một anh bạn đã mua được vé cho cả nhóm bọn bố. Mẹ con diễn mở màn. Giá mà con được thấy bà ấy trên sân khấu khi đang nhảy điệu claquet, bố có thể cam đoan với con rằng mẹ con không cần phải ghen với Ginger Rogers.

– Tại sao mẹ chưa bao giờ kể chuyện đó?

– Gia đình ta không thuộc loại hay chuyện, ít ra con cũng thừa hưởng cái nét tính cách này.

– Làm thế nào bố quyến rũ được mẹ?

– Bố tưởng con không muốn biết chi tiết cơ mà? Nếu con chạy xe chậm lại một chút, bố sẽ kể cho mà nghe.

– Con đâu có đi nhanh! Julia đáp và nhìn vào kim đồng hồ trên bảng tốc độ đang chỉ gần 140 kilomet giờ.

– Vấn đề cảnh sắc thôi! Bố đã quen với hệ thống xa lộ trong nước nơi ta kịp ngắm cảnh vật trên đường. Nếu tiếp tục chạy xe thế này, con sẽ phải có một chiếc cờ lê để tháo ngón tay bố ra khỏi tay nắm cửa xe.

Julia nhấc chân khỏi cần tốc độ và Anthony hít thở thật sâu.

– Lúc ấy bố đang ngồi ở bàn kê sát sân khấu. Các buổi diễu kéo dài liên tục suốt mười tối; bố không bỏ lỡ một buổi nào trong số đó, kể cả Chủ nhật, cái ngày diễn cả chiều lẫn tối. Bố xoay xở, bồi dưỡng cho bà xếp chỗ một món hậu hĩnh, để lúc nào cũng được ngồi đúng vị trí đó.

Julia tắt radio gắn trên xe.

– Lần cuối cùng bố nhắc con này, dựng lại kính chiếu hậu và chú ý nhìn đường đi! Anthony ra lệnh.

Julia ngoan ngoãn làm theo.

– Đến ngày thứ sáu, mẹ con đã nhận ra mánh của bố. Mẹ con thề với bố là đã nhận ra từ ngày thứ tư, nhưng bố chắc chắn đó là ngày thứ sáu. Dẫu sao, bố nhận thấy mẹ con đã nhìn bố nhiều lần trong suốt buổi biểu diễn. Không phải khoe đâu, thậm chí mẹ con còn suýt hụt một bước nhảy. Ở điểm này cũng vậy, bà ấy luôn thề với bố rằng rắc rối này không hề liên quan đến sự có mặt của bố. Cái lời từ chối không chịu thừa nhận này, chỉ là tính hay làm đỏm của mẹ con. Thế nên bố đã gửi hoa đến phòng hóa trang cho bà ấy, để bà ấy có thể nhận được, khi buổi diễn kết thúc; tối nào cũng một bó hồng xưa nhỏ, và không bao giờ kèm danh thiếp.

– Tại sao thế?

– Nếu không ngắt lời bố, con sẽ hiểu ngay thôi. Sau buổi biểu diễn cuối cùng, bố đứng đợi mẹ ở lối ra dành cho các diễn viên. Một nhành hồng trắng nơi khuyết áo.

– Con không thể tin là bố từng làm những chuyện như vậy! Julia thốt lên và phì cười.

Anthony quay ra cửa sổ và không nói thêm lời nào nữa.

– Sau đó thì sao ạ? Julia gạn hỏi.

– Kết thúc câu chuyện!

– Kết thúc câu chuyện thế nào cơ ạ?

– Con giễu cợt nên bố ngừng kể chứ sao!

– Nhưng con không giễu cợt chút nào mà!

– Thế cái điệu cười khẩy ngu ngốc ấy là gì vậy?

– Ngược lại với những gì bố nghĩ, chỉ là vì con chưa bao giờ hình dung ra bố ở tuổi thanh niên lại hết sức lãng mạn như thế.

– Con đỗ xe ngay ở trạm dừng chân tiếp theo cho bố, bố sẽ đi bộ nốt quãng đường còn lại! Anthony kêu lên, khoanh tay trước ngực, vẻ mặt cau có.

– Bố kể tiếp đi, hoặc là con sẽ tăng tốc đấy!

– Mẹ con đã quen với những người hâm mộ chờ ở đầu hành lang này rồi, một gã nhân viên an ninh hộ tống các nữ vũ công ra tận xe ca đưa đón họ về khách sạn. Bố đứng ngay giữa lối đi, hắn bảo bố tránh ra, bằng một giọng bố cho rằng hơi quá hách dịch. Bố liền giơ nắm đấm ra.

Julia không kìm được liền cười phá lên.

– Tuyệt lắm! Anthony giận điên người nói, bởi vì đã như thế, con sẽ không được nghe thêm một lời nào nữa.

– Bố, con van bố đấy, cô tươi cười nói. Con xin lỗi, nhưng con không kìm được.

Anthony quay đầu lại và nhìn cô đăm đăm.

– Lần này thì bố không mơ, đúng là con đã gọi bố?

– Có lẽ thế, Julia nói và lau khô mắt. Bố kể tiếp đi!

– Bố báo trước để con biết, Julia ạ, nếu bố nhìn thấy dù chỉ một nụ cười hé, là kết thúc ngay đấy! Nhất trí không?

– Xin hứa, cô nói và giơ cao tay phải.

– Mẹ con can thiệp, mẹ con dẫn bố ra xa khỏi đoàn và xin tài xế xe ca chờ một chút. Bà ấy hỏi bố đang làm gì ở đây, vào mỗi buổi biểu diễn, ngồi cùng một bàn như vậy. Bố cho là ngay lúc ấy mẹ con chưa nhìn thấy bông hồng trắng cài trên khuyết áo bố, bố bèn tặng nó cho mẹ. Mẹ con hết sức ngạc nhiên, khi phát hiện ra bố là tác giả của những bó hồng mỗi tối, đến mức bố đã tranh thủ quãng thời gian đó để trả lời cho câu hỏi của mẹ.

– Bố nói gì với mẹ vậy?

– Rằng bố đến để cầu hôn mẹ con.

Julia quay sang nhìn bố cô, ông ra lệnh cho cô tập trung nhìn đường.

– Mẹ con cười phá lên, trong giọng cười có những tiếng vang mà con cũng có khi ban nãy con cười nhạo bố. Khi hiểu ra là bố thực sự chờ câu trả lời, mẹ con ra hiệu cho tài xế lái xe đi không cần đợi nữa rồi đề nghị bố bắt đầu bằng cách mời bà ấy ăn tối. Bố mẹ đã dạo bộ cho tới một quán bia trên đại lộ Champs-Élysées. Bố có thể nói với con rằng khi thả bộ trên đại lộ đẹp nhất thế giới bên mẹ con,bố không phải là không hãnh diện. Con phải thấy những ánh mắt dõi theo bà ấy. Bố mẹ đã trò chuyện suốt bữa tối, nhưng đến cuối bữa, bố rơi vào một tình huống tệ hại và bố cứ ngỡ đến đó tất cả mọi hy vọng của bố đều tiêu tán.

– Sau khi cầu hôn quá chóng vánh như thế, con không hiểu bố còn có thể làm điều gì ấn tượng hơn?

– Chuyện hết sức phiền toái, bố không có gì để thanh toán hóa đơn, bố đã kín đáo lục hết các túi nhưng hoài công, không có lấy một xu. Khoản tiền dành dụm trong thời gian tại ngũ đã dốc hết vào việc mua vé của Lido và mua hoa.

– Bố làm thế nào mà thoát ra được?

– Bố đã gọi đến tách cà phê thứ bảy, quán bia đóng cửa, mẹ con tạm thời vắng mặt để trang điểm lại. Bố đã gọi người bồi bàn đến, quyết định thú nhận với ông ta rằng bố không có gì để thanh toán, sẵn sàng van xin ông ấy đừng làm lớn chuyện, đặt lại chiếc đồng hồ đeo tay và giấy tờ làm tin, hứa sẽ quay lại thanh toán hóa đơn ngay khi có thể, chậm nhất là cuối tuần. Ông ấy đã chìa ra cho bố một chiếc cốc nhỏ, thay cho hóa đơn tính tiền, trong đó có lời nhắn của mẹ con.

– Lời nhắn nói gì?

Anthony mở ví và lấy ra một mảnh giấy đã ố vàng, ông giở nó ra trước khi đọc bằng một giọng từ tốn.

– Em không giỏi nói lời tạm biệt và em chắc rằng anh cũng vậy. Cảm ơn vì buổi tối thú vị này, hồng xưa là loài hoa em yêu thích. Bọn em sẽ tới Manchester vào cuối tháng Hai và em sẽ rất vui nếu được gặp lại anh trong khán phòng. Nếu anh đến, lần này em sẽ để anh mời em ăn tối. Con thấy đấy, Anthony kết luận khi đưa mảnh giấy cho Julia, bên dưới là chữ ký của mẹ con.

– Ấn tượng thật! Julia khẽ thốt lên, tại sao mẹ lại làm vậy?

– Bởi vì mẹ con thấu hiểu hoàn cảnh của bố.

– Hiểu thế nào?

– Một gã trai uống đến bảy tách cà phê vào lúc hai giờ sáng và không tìm ra lời nào để nói trong khi quán bắt đầu tắt đèn rồi…

– Bố đã đến Manchester sao?

– Trước tiên bố đã làm việc để thay đổi tình hình tài chính đôi chút. Bố làm hết việc này đến việc khác. Năm giờ sáng bố đã có mặt ở khu Halles để bốc dỡ các sọt hàng, xong việc, bố chạy đến một quán cà phê trong khu phố để phụ việc. Đến trưa, bố tháo tạp dề để khoác lên người bộ đồng phục nhân viên bán hàng thực phẩm. Bố sút mất năm ki lô và kiếm đủ tiền để sang Anh mua một chỗ trong nhà hát nơi mẹ con biểu diễn, và nhất là đủ tiền để đãi mẹ con một bữa ra trò. Bố đã thắng ván cược khó chơi là giành chỗ ở hàng ghế đầu. Ngay khi tấm màn nhung được vén lên, mẹ con mỉm cười với bố.

“Sau buổi biểu diễn, bố mẹ gặp nhau trong một quán rượu cổ của thành phố. Bố mệt lử. Bố phát ngượng khi nhớ lại chuyện đó, nhưng bố đã ngủ gục trong khán phòng và bố thấy rõ là mẹ con cũng nhận ra điều ấy. Tối hôm đó, ngồi vào bàn, bố mẹ hầu như không nói chuyện. Bố mẹ chỉ trao đổi những khoảng im lặng; và khi bố ra hiệu gọi người bồi bàn mang hóa đơn ra, mẹ con nhìn bố chăm chú và chỉ nói đúng một từ “Vâng”. Đến lượt mình, bố nhìn mẹ, ngạc nhiên, và mẹ lặp lại từ “vâng” ấy, rõ ràng hơn đến mức giờ bố vẫn còn nghe thấy. “Vâng, em rất muốn làm vợ anh”. Chương trình biểu diễn ở Manchester kéo dài hai tháng. Mẹ con vĩnh biệt đoàn và bố mẹ lên tàu thủy về nước. Bố mẹ đã kết hôn khi về đến nơi. Một vi linh mục và hai nhân chứng mà bố mẹ tìm được trong nhà thờ. Không một thành viên nào trong gia đình hai bên đến dự. Ông nội con không bao giờ tha thứ cho bố vì đã cưới một vũ công làm vợ.

Anthony cẩn thận cất mảnh giấy ố vàng vào chỗ cũ.

– Này, bố lại tìm ra giấy chứng nhận mang máy trợ tim rồi này! Bố ngốc quá đi mất! Thay vì kẹp lại vào hộ chiếu, bố đã dại dột nhét nó vào ví.

Julia lắc đầu, vẻ hoài nghi.

– Bố nghĩ chuyến đi tới Berlin lần này là một cách đúng đắn để tiếp tục chuyến đi của chúng ta sao?

– Con biết về bố ít đến nỗi phải hỏi bố câu này sao?

– Và chuyện thuê xe, vờ mất tờ giấy chứng nhận, bố cố tình làm thế để chúng ta cùng nhau vượt quãng đường này chứ gì?

– Và dù bố có tính trước tất cả những chuyện này đi nữa, đó cũng không phải là một ý tồi, đúng không?

Một tấm biển chỉ đường thông báo họ vừa tiến vào lãnh thổ Đức. Nét mặt sa sầm, Julia chỉnh kính chiếu hậu vào đúng chỗ.

– Có chuyện gì thế, con không nói gì nữa ư? Anthony hỏi.

– Cái ngày trước hôm bố xuất hiện ở phòng bọn con để hành hung Tomas, hai đứa con đã quyết định kết hôn. Chuyện không thành vì bố con không chịu được cảnh con gái mình muốn cưới một người đàn ông không cùng tầng lớp với ông.

Anthony quay về phía cửa kính.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN