Mối Tình Của Chàng Nhạc Sĩ - Chương 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


Mối Tình Của Chàng Nhạc Sĩ


Chương 6


Rằng đời sống là gian nan, tôi thường nhận ra điều đó một cách cay đắng. Hiện giờ tôi phải thêm vào cái nguyên nhân cho sự suy tư nghiêm trọng đó. Cho đến hiện tại tôi chưa bao giờ mất đi cái cảm giác tương phản nằm đàng sau tất cả sự hiểu biết đó. Đời tôi vốn khốn khổ và gian nan rồi, và tuy vậy đối với những kẻ khác, và một đôi khi đối với chính mình nữa, nó có vẻ như là phong phú và tuyệt diệu. Đời sống con người hình như giống với một đêm tối dằng dặc, buồn tẻ mà sẽ không sao chịu nổi nếu thỉnh thoảng không có tia sáng bật lên, một sự sáng tỏ bất thần thật là vỗ về và tuyệt diệu đến nỗi ở những khoảnh khắc có sự hiện diện của ánh sáng ấy đã bôi xoá đi và biện minh cho những năm dài của bóng tối. Sự buồn rầu chán nản, cái bóng tối bất tiện khó chịu, nằm trong cái triều lưu cố hữu của cuộc sống thường nhật của chúng ta. Tại sao ta cứ một cách lập lại hoài, thức dậy vào buổi sáng, ăn, uống, và lại lên giường ngủ? Đứa bé con, bậc hiền triết, người thanh niên khoẻ mạnh đã không khốn khổ chi như một kết quả của những hoạt động tự động đều đặn vô cảm giác của dòng luân lưu này. Nếu một người không nghĩ ngợi nhiều quá, thì y lấy làm hoan hỉ ở lúc thức dậy vào buổi sáng, và ở lúc ăn và lúc uống. Y nhận thấy thoả mãn ở những điều đó và không muốn chúng là trái lại. nhưng nếu y thôi không còn mặc nhiên thừa nhận điều đó nữa, thì tìm kiếm một cách mong mỏi và hy vọng đang trong cái triều lưu của ngày tháng cho những khoảnh khắc của cái đời sống thật sự, cái trạng thái rực rỡ từng làm cho y hoan hỉ và bôi xoá hết cái trực thức về thời gian và tất cả những ý nghĩ trong ý nghĩa và mục đích của tất cả mọi sự. ta có thể gọi những khoảnh khắc này là sáng tạo, bởi vì chúng có vẻ như đem đến một cảm giác hợp nhất với tạo hoá, và trong khi chúng trường tồn, ta ý thức hết tất cả mọi sự đó là cần thiết, cả đến cái chi có vẻ như là ngẫu nhiên. Đấy là những gì mà các nhà thần bí gọi là sự hợp nhất với Trời Phật. có lẽ cái trạng thái rực rỡ thái quá của những khoảnh khắc này cũng làm cho tất cả mọi sự xuất hiện thật là tối tăm nữa, có lẽ đó là cái cảm giác của sự giải phòng, sự sáng tỏ mê hồn và sự chân phúc lờ lững đã làm cho cái còn lại của đời sống có vẻ gian nan, chán ngán và khốn khó đến dường ấy. Tôi không hề biết. tôi chưa hề phiêu lãng rất xa trong tư tưởng và triết lý. Tuy nhiên, tôi được biết rằng nếu có một trạng thái chân phúc và cõi niết bàn, thì hẳn phải có một nối tiếp triền miên của những khoảnh khắc như thế, và nếu cái trạng thái chân phúc này có thể đạt đến qua khốn khổ và cư ngụ trong đau đớn thì bấy giờ không có phiền muộn hoặc đau đớn nào có thể là to lớn đến dường ấy khiến ta phải tìm kiếm sự trốn thoát khỏi nó. Một ít ngày sau đám tang của thân phụ tôi – tôi vẫn còn ở trong trạng thái rối loạn và kiệt quệ tâm thần – tôi nhận thấy mình bước đi vô định trên đường phố ở ngoại ô. Những ngôi nhà nhỏ, hấp dẫn đã đánh thức dậy những hoài niệm giờ đã mờ mịt trong tôi, cho đến khi tôi nhận ra căn nhà và khu vườn của ông thầy cũ của tôi, người đã cố cải hoá niềm tin của tôi về các nhà thông thiên học một vài năm trước đây. Tôi gõ cửa và ông xuất hiện, nhận ra tôi trong một cách thức thân mật, dắt tôi vào phòng làm việc của ông, nơi đây cái mùi thú vị của thuốc hút trộn lẫn với mùi sách vở và cây cảnh của ông. – Mạnh giỏi không? – ông Lohe hỏi. – Dĩ nhiên là anh vừa mới mất ông thân của anh. Trông anh khốn đốn đấy. Điều đó đã xúc động sâu đậm đến anh thế à? – Không – tôi nói – Cái chết của thân phụ tôi sẽ làm xúc động sâu xa hơn nếu tôi vẫn còn ở những giao tiếp lạnh nhạt với người, nhưng trong cuộc thăm viếng cuối cùng của tôi, tôi đã đến gần hơn với người và tự mình đã tống khứ đi cái cảm giác đau đớn của sự phạm lỗi mà người ta thường có đối với các bậc cha mẹ mà họ nhận được nhiều tình yêu hơn là ta có thể trao tặng. – Tôi rất vui về chuyện đó. – Thầy vẫn tiếp tục với thông thiên học đến đâu rồi? tôi sẽ thích được nghe thầy nói cho tôi nghe vì tôi đang bất hạnh. – Có gì sai lầm à? – Tất cả mọi sự. Tôi không thể sống và cũng không thể chết. Tất cả đều có vẻ vô nghĩa và vớ vẩn. Ông Lohe nhíu lại cái gương mặt trông ân cần thanh thản của ông. Tôi phải thú nhận rằng, ngay cả cái gương mặt ân cần đó của ông cũng có phần bầu bĩnh đã đặt tôi trong cái khôi hài thảm hại, và tôi không mong có được bất cứ loại an ủi nào ở ông và sự khôn ngoan của ông. Tôi chỉ muốn nghe ông nói thôi, để chứng tỏ sự khôn ngoan của ông là không có giá trị và để quấy rầy ông vì cái trạng thái hạnh phúc và tín ngưỡng lạc quan của ông. Tôi không có cái cảm giác sẵn sàng hoà giải với ông hay bất kỳ ai khác. Nhưng con người đó không phải như là người tự thoả mãn và mê mải trong cái học thuyết của ông ta như tôi đã nghĩ. Ông nhìn đến tôi với mối liên quan thực sự và gật cái đầu đẹp đẽ của ông với tôi một cách buồn rầu. – Cậu ốm rồi, ông bạn thân của tôi – ông nói giọng quả quyết – Có lẽ chỉ là đau ốm thể xác thôi, và nếu như vậy, thì cậu cần phải chạy chữa ngay đi. Thế thì cậu nên đi về miền quê, làm việc nhiều và đừng ăn bất cứ loại thịt nào cả. Nhưng tôi không nghĩ nó có thế. Cậu còn bệnh tinh thần nữa. – Thầy nghĩ như thế sao? – Phải. Cậu bị khốn đốn từ sự bệnh hoạn, tiếc thay, đó là cái bệnh theo mốt, và đó là căn bệnh tình cờ gặp gỡ mỗi ngày trong những người đa sầu đa cảm. Nó có liên quan đến việc bất ổn luân lý và cũng có thể gọi là chủ nghĩa cá nhân hoặc nỗi cô đơn chỉ có trong tưởng tượng. Sách vở hiện thời có đầy dẫy điều đó. Chính điều đó nó có luồn lọt trong sự tưởng tượng của cậu, cậu bị cô lập, không ai quan tâm đến cậu và không ai hiểu cậu. Tôi nói có đúng không? – Gần như thế – tôi thú nhận với sự ngạc nhiên. – Nghe đây, đối với kẻ nào khốn khổ với căn bệnh này thì chỉ cần hai lần thất vọng đủ khiến cho họ tin rằng không có sự liên kết giữa họ với người khác, rằng tất cả thiên hạ đều đi lang thang trong một trạng thái hoàn toàn cô đơn, rằng họ chẳng bao giờ thực sự hiểu biết nhau, chia sẻ bất cứ điều gì hoặc có bất cứ điều gì chung chung. Nó cũng xảy ra rằng con người bị khốn khổ từ căn bệnh này trở nên ngạo mạn và xem tất cả những người khoẻ mạnh khác mà họ có thể hiểu biết và yêu thương lẫn nhau như những đàn cừu. Nếu căn bệnh này mà phổ thông thì loài người sẽ bị tiêu diệt, nhưng nó chỉ tìm thấy giữa những giai cấp thượng lưu ở trung tâm Âu Châu mà thôi. Nó có thể chạy chữa nơi người tuổi trẻ và thật thế, là một phần không sao tránh khỏi của cái thời kỳ phát triển trưởng thành. Cái giọng điệu châm biếm đó của ông làm tôi hơi bực mình. Khi mà ông không thấy cái mỉm cười của tôi hoặc cái nhìn sắp sửa để tự vệ mình, thì sự phô diễn có liên quan đến sự tử tế ân cần trở lại gương mặt ông. – Hãy tha thứ tôi – ông nói giọng ân cần – Cậu thì khốn khổ từ chính căn bệnh chứ không phải là bức hí hoạ phổ thông về nó. Nhưng có một sự chạy chữa thực sự cho nó. Đó là do thuần giả tưởng mới là không làm gì có sự nối kết giữa người này với người kia, rằng mọi người đơn độc đi lung tung và hiểu lầm nhau. Trái lại thế. Cái gì người này có chung với người kia thì có nhiều hơn và quan trọng lớn lao hơn là cái gì mỗi người có trong cái bản chất riêng rẽ của hắn, cái gì làm hắn khác với những người khác. – Điều đó có thể lắm – tôi nói – Nhưng những gì là tốt lành để cho tôi hiểu tất cả điều này? Tôi không phải là một triết gia và tôi không phải là người bất hạnh bởi vì tôi không thể tìm ra chân lý. Tôi chỉ muốn sống được đôi chút thoải mái và vừa lòng hơn thôi. – Tốt, hãy cố gắng đi! Cậu chẳng cần gì phải nghiên cứu bất cứ sách vở hoặc lý thuyết nào cả. Nhưng bao lâu mà cậu còn bệnh thì cậu phải tin vào bác sĩ chứ. Cậu sẽ làm điều đó chứ? – Tôi sẽ cố gắng. – Tuyệt! Nếu cậu đau ốm thể xác và một bác sĩ khuyên cậu tắm hoặc uống thuốc hoặc đi ra bờ biển, thì cậu không thể hiểu rằng tại sao sự chữa trị này hoặc nọ sẽ giúp được, nhưng cậu phải cố gắng và tuân theo những chỉ bảo của ông ta. Bây giờ hãy làm y như vậy những lời tôi khuyên bảo cậu. Hãy học hỏi nghĩ nhiều về kẻ khác hơn là nghĩ về mình một thời gian. Đấy là con đường duy nhất cho cậu để được tốt hơn. – Tôi có thể làm điều đó như thế nào đây? Mọi người đều nghĩ về mình trước nhất. – Cậu phải vượt qua nó chứ. Cậu phải khai phá một sự lạnh nhạt nào đó đối với hạnh phúc của riêng mình. Hãy học suy nghĩ, tôi có thể làm gì đây? Chỉ có một điều thích hợp duy nhất. cậu phải học hỏi để yêu thích trời người nào đó nhiều đến sự an lạc của y hoặc thì quan trọng hơn là cái an lạc riêng của cậu. Tôi không định nói rằng cậu yêu đương. Điều đó sẽ làm cho cậu cái kết quả ngược lại! – Tôi hiểu, nhưng tôi sẽ cố gắng điều đó với ai đây? – Hãy bắt đầu với một người nào đó gần gũi với cậu, một người bạn hay một người họ hàng. Có mẫu thân cậu đấy. Bà ta đã bị một mất mát lớn lao, hiện tại bà cô đơn và cần một người nào đó an ủi bà. Hãy chăm sóc bà và cố gắng làm một vài giúp đỡ gì đó cho bà. – Mẹ tôi và tôi không hiểu nhau gì mấy. Chuyện đó sẽ rất khó khăn. – Nếu những ý định tốt lành của cậu bị bất thần dừng lại, thì quả thật là thật khó khăn. Đấy là câu chuyện cũ kỹ về sự không hiểu nhau! Cậu không nên nghĩ rằng người này hay người nọ không hoàn toàn hiểu cậu và có lẽ không hoàn toàn công bình với cậu. Chính cậu hãy gắng hiểu biết người khác, cố gắng làm họ hài lòng và hãy công chính với họ. Cậu hãy làm điều đó và rồi khởi đầu với mẫu thân của cậu. Này, cậu phải nói với mình: dù sao đời sống không đem đến cho tôi nhiều thích thú, tại sao tôi không cố gắng như thế theo đường lối này lấy một lần? Cậu đã mất sự chú tâm trong cuộc sống riêng của cậu, thế nên đừng nghĩ ngợi đến nó nhiều. Hãy cho chính cậu một bổn phận, làm cho mình hơi khó chịu một chút. – Tôi sẽ cố gắng. Thầy nói đúng. Tất cả điều đó cũng tương tự với bất cứ cái gì tôi làm. Tại sao tôi sẽ không làm những gì thầy chỉ bảo tôi.

Những gì gây cảm kích cho tôi về những nhận xét của ông ta là sự giống nhau giữa chúng và những quan điểm về đời sống mà thân phụ tôi đã giải nghĩa ở cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi “Hãy sống cho người khác! Đừng cho mình là quan trọng!” Cái nhân sinh quan này hoàn toàn xung khắc với những cảm tính của tôi. Nó cũng có một hương vị của sách giáo lý vấn đáp và có tính cách giáo huấn bất di dịch mà, cũng như mọi người trẻ trung khoẻ mạnh, tôi nghĩ đến nó với lòng ghét bỏ và không thích. Song đó chẳng phải là một vấn đề thực sự của các quan niệm và triết lý của đời sống nhưng là một nỗ lực thực tế để làm cho cái đời sống bất hạnh của tôi có thể chịu đựng nổi. Tôi sẽ cố gắng vậy.

Tôi nhìn với sự ngạc nhiên đến con người này, người mà tôi chẳng bao giờ hoàn toàn coi trọng và người mà nay tôi đã cho phép hành động như một người chỉ dẫn và bác sĩ của tôi. Nhưng thực ra thì ông ta có vẻ chứng tỏ với tôi một vài tình thương mà ông đã đề cập đến đó. Ông ta hình như có chia sẻ nỗi khốn khổ của tôi và một cách chân thành, ao ước cho tôi được tốt đẹp. Dù sao đi nữa. Tôi cảm thấy rằng tôi phải bắt lấy một vài biện pháp mạnh để tiếp tục sống và thở như người khác. Tôi đã nghĩ đến cái thời kỳ dằng dặc của sự đơn độc giữa các rặng núi hoặc tự quên mình trong công việc nặng nhọc, nhưng thay vì thế tôi sẽ tuân theo người chỉ bảo thân hữu của tôi, cũng như tôi không còn tin nữa ở kinh nghiệm và trí khôn của tôi. Khi tôi nói với mẹ tôi là tôi không có ý định bỏ bà lại một mình và hy vọng bà sẽ quay về với tôi và chia sẻ đời sống của bà với tôi, bà đã gật đầu một cách buồn bã. – Anh đang nghĩ gì thế? – bà dịu dàng phản đối – Chuyện sẽ không dễ dàng như vậy đâu. Tôi có cái lối sống riêng biệt của tôi và không thể nào làm một sự bắt đầu mới mẻ cả. Dù sao đi nữa, thì anh không phải nặng gánh với tôi. Anh phải được tự do. – Chúng ta có thể cố gắng – tôi nói – Nó có thể thành công hơn là mẹ tưởng? Và lúc khởi đầu tôi đã có đủ tháo vát để ngăn chặn tôi chán nản và nhượng bộ trước thất vọng. Có một căn nhà và một công việc rộng lớn, với những mối lợi trong đặc ân của chúng tôi và những hóa đơn để trả, có các sổ sách và kế toán, tiền cho vay và tiền thu vào, và để biết được cái gì trở thành tất cả những việc này là cả một vấn đề. Thoạt tiên tự nhiên tôi muốn bán hết cả đi, nó mà không thể nào làm chuyện đó nhanh đến như vậy. Mẹ tôi thì quyến luyến với ngôi nhà cũ, ý muốn của cha tôi là phải chấp hành di chúc và do đó có nhiều nỗi gian nan. Đó là một điều cần thiết cho một kế toán viên và một chưởng khế để trợ lực. Những ngày và những tuần đã trôi qua với những thu xếp của tôi, liên lạc về tiền bạc và nợ nần, những dự tính và những thất vọng. Chẳng bao lâu tôi không thể nào mô phỏng với tất cả những tính toán và những hình thức chính thức. Tôi thuê một cố vấn pháp luật để giúp ông chưởng khế và để họ làm cho minh bạch tất cả mọi sự. Trong quá trình này mẹ tôi không luôn luôn nhận những gì do ở bà. Tôi đã cố gắng làm mọi việc dễ dàng cũng như có thể cho bà trong thời kỳ này. Tôi đã làm nhẹ bớt tất cả những vấn đề thương mãi cho bà, tôi đọc cho bà nghe và đem đến cho bà những sự điều khiển. Một đôi khi tôi cảm thấy một giục giã xé phăng mình đi và từ bỏ mọi sự, nhưng một cảm giác hổ thẹn và hiếu kỳ nhất định cũng như nó sẽ trở thành như thế nào đã ngăn chận tôi tôi làm như vậy. Mẹ tôi không nghĩ gì cả ngoại trừ nghĩ đến người chết, và đã chứng tỏ nỗi thống khổ của bà trong các hành vi nhỏ nhặt đàn bà có vẻ như lạ lùng và thường khi nhỏ mọn đối với tôi. Thoạt đầu tôi đã ngồi vào chỗ của cha tôi tại chiếc bàn, rồi bà cho là không thích hợp và chỗ đó phải để trống. Thỉnh thoảng tôi không thể nói với bà đầy đủ về cha tôi, ở những khi khác bà trở nên im lặng và nhìn đến tôi một cách buồn rầu ngay sau khi tôi đề cập đến tên người. Suốt tất cả thời gian đó tôi đã thiếu vắng âm nhạc của tôi. Có lúc tôi sè dành nhiều cho nó để có thời gian chơi đàn vĩ cầm hằng giờ, nhưng chỉ sau những tuần lễ đã qua đó tôi mới đánh bạo làm như vậy và ngay cả lúc bấy giờ bà đã thở dài và có vẻ như gai mắt. bà đã cho thấy ít chú ý đến những cố gắng không vui vẻ gì của tôi để được đến gần hơn với bà và chiếm được sự thân thiết của bà. Việc này thường làm cho tôi khốn khổ và khiến cho tôi muốn từ bỏ những nỗ lực của tôi, sogn tôi vẫn tiếp tục kiên trì và trở nên quen với sự miên tục xuôi trôi của những ngày vô vị ấy. Đời sống riêng tư của tôi đã tan vỡ và chết chóc. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới nghe thấy một âm vang mờ mịt của quá khứ khi tôi nghe giọng nói của Gertrude trong giấc mơ, hoặc khi có những giai điệu từ vở đại nhạc kịch của tôi bất thần trở lại với tôi đang trong giờ khắc lặng lẽ đó. khi ấy tôi đã hành trình đến R. để trả các căn phòng của tôi tại đó và để thu nhặt các đồ đạc của tôi, mọi sự có liên quan với nơi chốn đó có vẻ như rất đỗi xa vời. Tôi chỉ thăm viếng có Teiser, người vốn trung thành với tôi đến như thế. Tôi chẳng dám nào mở môi hỏi về Gertrude.

Dần dà tôi bắt đầu một cuộc chiến đấu bí mật chống lại điều kiện hạn chế và cách cư xử khước từ của bà, một thời gian dài đã làm cho tôi hết sức phiền muộn. Tôi thường yêu cầu bà nói với tôi bà sẽ thích những gì và không biết dù so đi nữa tôi có không ưa bà hay không. Bấy giờ bà sẽ vuốt tay tôi và với một nụ cười buồn bã nói:

– Đừng có lo con. Ta chỉ là một con mụ già. Bây giờ tôi bắt đầu làm những cuộc kiểm trai một nơi nào khác và không khinh thường để làm những dò xét về kế toán viên và các người giúp việc. Tôi đã khám phá ra nhiều điều. Điều chính yếu là như thế này, Mẹ tôi đã có một người họ hàng gần và bạn bè ở thị trấn, mụ ta là một người em họ không kết hôn. Mụ không đi lung tung nhiều lắm nhưng mụ rất thân thiết với mẹ tôi. Cái cô Schniebel này không mấy ưa cha tôi và mụ cũng thực sự không ưa gì tôi, cho nên mụ không đến nhà của chúng tôi gần đây. Mẹ tôi đã có lần hứa rằng cô Schniebel có thể đến và ở với bà nếu mụ sống lâu hơn cha tôi, và hy vọng này cho thấy đã bị tan vỡ bởi sự hiện diện của tôi. Khi tôi lần hồi biết được tất cả câu chuyện này, tôi đã thăm viếng mụ già đó và cố làm cho mình bằng lòng như có thể làm được với mụ. Vì việc dính dáng đến những hành động bất thường và những mưu chước vặt vãnh thì mới mẻ đối với tôi và tôi gần như là thích thú nó. Tôi thu xếp để thuyết phục người đàn bà đó đến nhà chúng tôi, và tôi nhận thấy rằng mẹ tôi đã thâm tạ tôi về việc làm này. Để chắc chắn, cả hai người này đã cố can gián tôi về việc bán ngôi nhà, như tôi đã ao ước, và họ đã thành công trong việc làm như vậy. Lúc bấy giờ người đàn bà đó đã cố soán soạt chỗ ở của tôi trong nhà và chiếm cái chỗ mà thân phụ tôi đã ưa thích từ lâu, mà từ đấy tôi đã chận mụ lại với sự hiện diện của tôi. Có phòng cho cả hai chúng tôi, nhưng mụ không muốn một người chủ trong nhà và từ chối đến với chúng tôi. Mặt khác, mụ thường xuyên thăm viếng chúng tôi, tự làm cho mụ không thể thay thế được như một người bạn trong nhiều sự việc nhỏ nhặt, cư xử tôi một cách xã giao, dù rằng tôi là một thế lực nguy hiểm và đã đòi cái địa vị của một cố vấn trong gia đình, điều mà tôi không thể nào tranh biện với mụ.

Người mẹ đáng thương của tôi không can dự gì hoặc về phần mụ hoặc về phần tôi. Bà bơ phờ và khốn khổ rất nhiều như là kết quả của sự đổi thay trong cuộc sống của bà. Chỉ dần dà tôi mới nhận ra là bà đã thiếu vắng cha tôi nhiều như thế nào. Trong một dịp, khi đi vô phòng mà tôi chẳng mong được gặp bà tại đấy, tôi nhận thấy bà đứng tại chỗ tủ áo. Bà giật mình khi tôi bước vô, và tôi vội vàng đi ra ngay. Tuy nhiên, tôi đã chú ý rằng bà đã vuốt ve quần áo của cha tôi, và khi tôi thấy bà sau đó, thì cặp mắt bà đã đỏ hoe.

Vào mùa hè một cuộc chiến đấu mới đã khởi sự. Tôi muốn ra đi với mẹ tôi. Cả hai chúng tôi đều cần một sự nghỉ ngơi, và tôi cũng hy vọng rằng điều đó sẽ làm cho bà vui vẻ lên và kéo bà đến gần với tôi hơn. Bà chứng tỏ ít quan tâm đến cái ý nghĩ đi du lịch nhưng không đưa chống đối. Mặt khác, cô Schniebel vẫn còn rất được ưa thích của mẹ tôi và tôi đi một mình, nhưng tôi không có ý định nhượng bộ trong vấn đề này. Tôi đã mong đợi thu đoạt được nhiều từ cuộc đi nghỉ này. Tôi bắt đầu cảm thấy lúng túng trong căn nhà cũ với sự bất an, buồn rầu của mẹ tôi. Tôi hy vọng giúp đỡ được nhiều hơn để đưa bà ra khỏi nơi chốn đó, và cũng hy vọng kiểm soát các ý nghĩ và trạng thái của tôi hơn. Thế nên tôi đã thu xếp là chúng tôi sẽ lên đường cho cuộc du hành của chúng tôi vào cuối tháng Sáu. Chúng tôi di chuyển ngày này đến ngày kia, chúng tôi đã thăm viếng Constance và Zurich và đã đi qua Brunig Pass để uể oải, chịu đựng một cách mệt mỏi với cuộc hành trình và trông bất hạnh. Tại Interlaken bà than phiền là bà không thể ngủ được, nhưng tôi thuyết phục bà đi đến Grindelwald, nơi tôi hy vọng cả hai chúng tôi sẽ cảm thấy được yên tĩnh. Trong cuộc du hành lâu dài, vô cảm giác, tẻ nhạt này, tôi đã nhận ra điều bất khả của việc chạy và trốn thoát từ nỗi khổ của riêng tôi. Chúng tôi đã thấy những rặng núi xuất hiện xanh biếc và trắng xoá và băng hà xanh thẳm lấp lánh dưới vầng dương, nhưng chúng tôi đã nhìn mọi sự không xúc động và chẳng thích thú. Chúng tôi cảm thấy hổ thẹn, nhưng chúng tôi chỉ khốn quẫn và chán nản mọi sự. chúng tôi bách bộ, nhìn lên những rặng núi, thở làn không khí trong sạch, dịu dàng, nghe những tiếng chuông bò kêu vang trên đồng cỏ, và nói “Đó chẳng đáng yêu hay sao?” nhưng chẳng dám nhìn vào mặt nhau. Chúng tôi chịu đựng trong một tuần lễ tại Grindelwald. Rồi một buổi sáng mẹ tôi nói: – Chẳng ích gì. Thôi chúng ta đi về đi. Tôi muốn có thể ngủ lại được về đêm. Nếu tôi trở về bệnh hoạn và chết thì tôi muốn được chết tại nhà. Thế là chúng tôi lặng lẽ thu xếp hành lý, đồng ý một cách im lặng với bà, và chúng tôi đã đi trở về nhanh hơn là lúc chúng tôi ra đi. Nhưng tôi cảm thấy như thể tôi chẳng trở lại nhà, mà là trở lại nhà tù, và mẹ tôi cũng bộc lộ sự ít vừa lòng nữa.

Buổi tối khi chúng tôi trở lại nhà, tôi nói với bà: – Mẹ sẽ cảm thấy thế nào nay con lại ra đi một mình? Con muốn đi đến R. Con sẽ sẵn sàng ở lại với mẹ nếu nó đem đến bất cứ mục đích nào, đàng này cả hai đều cảm thấy khó chịu và khốn khổ và chỉ có cái kết quả xấu với nhau mà thôi. Hãy mời bạn của mẹ đến ở với mẹ. Bà sẽ an ủi mẹ tốt hơn là con. Bà nắm lấy tay tôi và vuốt nhẹ như là bà chẳng muốn thế. Bà gật đầu và cười với tôi, và nụ cười của bà rõ ràng là muốn nói rằng “Phải, được lắm cứ đi đi!” Bất kể những cố gắng và thiện chí của tôi, cái kết quả duy nhất là chúng tôi đã làm phiền lẫn nhau trong hai tháng trời và bà đã mất cảm tình với tôi hơn bao giờ hết. Mặc dù chúng tôi sống với nhau, mỗi người chúng tôi đã có cái gánh nặng của riêng mình, không sẻ chia nó với người khác, và đã đắm chìm sâu hơn vào nỗi khốn khổ và đau đớn của riêng mình. Những cố gắng của tôi đã vô vọng và cái điều tốt đẹp để tôi làm là ra đi và để lại con đường thênh thang cho cô Schniebel. Tôi đã làm việc này mà không hề do dự, và chẳng biết phải đi đến nơi nào đây nữa, tôi bèn trở lại R. Trong ngày khởi hành của tôi một ý nghĩ chợt đến với tôi là không còn có một ngôi nhà nữa. Cái thị trấn nơi tôi được sinh ra mà, trong đó tôi đã trải qua cái tuổi trẻ của tôi và đã mai táng cha tôi, đã không còn vấn đề gì với tôi nữa cả. Nó chẳng có những ràng buộc với tôi và chẳng còn gì cho tôi nữa ngoại trừ những kỷ niệm. Tôi không hề nói với ông Lohe trong khi rời khỏi ông ta, nhưng sự chỉ bảo của ông đã chẳng giúp được gì. Do tình cờ các căn phòng cũ của tôi tại R. vẫn còn trống. Điều đó có vẻ giống như một dấu hiệu cho tôi rằng thật là vô ích khi cố gắng cắt đứt những sự giao tiếp với quá khứ và lẩn tránh định mệnh của mình. Tôi lại cư ngụ trong các căn phòng của căn nhà tương tự trong cái thành phố tương tự. Tôi mở hộp đàn vĩ cầm của tôi ra và làm việc, và nhận thấy mọi sự như nó đã từng có, ngoại trừ một điều là Muoth đã đi Munich, anh ta và Gertrude đã đính ước để cưới nhau. Tôi nhặt ra những phần của vở đại nhạc kịch của tôi như thể chúng là những đổ nát của cái đời sống trước đây của tôi mà từ đấy tôi vẫn còn ao ước để cố xây dựng lại một cái gì, nhưng âm nhạc đã trở lại rất chậm chạp với cái linh hồn vốn băng giá của tôi và chỉ thực sự bùng vỡ ra khi nhà thơ của tất cả lời nhạc của tôi gởi đến cho tôi những lời cho một bài hát mới. Nó đã đến vào lúc khi mà sự dao động nôn nao xa xưa thường trở lại với tôi, và với những cảm giác hổ thẹn và hàng ngàn điều nghi ngại tôi sẽ bách bộ quanh bên ngoài khu vườn của Imthor. Những lời của bài hát đó là: Gió nam lộng thổi về đêm Những con chim mỏ nhác vội bay Không khí ẩm thấp và ấm áp Ước ao được ngủ nay đã tan biến rồi Mùa xuân đã đến trong đêm Trong sự thức giấc của cơn bão Tôi nữa, về đêm cũng không còn ngủ Tâm hồn tôi cảm thấy trẻ trung và khoẻ mạnh Kỷ niệm nắm tay tôi để kêu lên chíp chíp Lại đến những ngày vui vẻ và hát ca Nhưng sợ thay cái hành vi liều lĩnh như thế Nó không lần lữa dài lâu Hãy bình lặng, tâm hồn tôi, tránh xa mối đau đớn! Dù đam mê lại kích động Trong dòng máu nay chảy từ từ Và dẫn đến những con đường một lần đã biết Đây là những con đường bạn từng giẫm lên vô vọng Vì tuổi trẻ đã trôi đi Những câu thơ này đã làm tôi xúc động sâu xa và đã lại đánh thức cái đời sống âm nhạc trong tôi. Cái vết thương được che giấu từ lâu nay lại mở ra và làm nhức nhối một cách dữ dội đã chuyển hoá thành các giai điệu và thanh âm. Tôi đã phổ nhạc cho ca khúc này và bấy giờ đã nhặt ra những đường chỉ bị đánh lạc của vở đại nhạc kịch của tôi và sau cái kết quả không hoạt động lâu dài của tôi đó tôi lại phóng sâu vào triều lưu sáng tạo cuốn xiết với cái chuếch choáng run rẩy, cho đến sau cùng tôi bồng bềnh trên những đỉnh cao của cảm tính, nơi mà sự đau đớn và chân phúc không còn chia cách từ cái này tới cái kia và tất cả nhiệt vọng và sức mạnh trong linh hồn đều hướng thẳng lên cái ngọn lửa kiên cường vững chắc. Vào cái ngày mà tôi viết ca khúc mới của tôi đó và đưa cho Teiser xem, tôi đã về nhà vào buổi chiều đi qua một đại lộ có những cây dẻ, với một cảm giác đổi mới của sức mạnh cho tác phẩm. những tháng đã qua vẫn còn trừng mắt nhìn tôi như thể qua những cặp mắt có đeo mặt nạ, và cho thấy trống trải và không an lạc, song con tim tôi nay đã đập nhanh hơn và không còn quan niệm tại sao tôi muốn trốn thoát từ nỗi sầu muộn của tôi. Hình ảnh của Gertrude đã nổi lên một cách rõ ràng và lộng lẫy ở cái buổi bảng lảng hoàng hôn đó. Tôi nhìn vào đôi mắt rực rỡ của nàng không hề sợ sệt và để cho con tim tôi không cưỡng kháng tiếp nhận cái nỗi đau đớn mới mẻ đó. Tốt hơn là khốn khổ vì nàng và nhấn cái mũi gai sâu hơn vào vết thương còn hơn là phải sống xa nàng và trở nên yếu đuối ở xa cách với nàng và cái cuộc sống thực sự của tôi. Giữa cái bóng tối của những đỉnh cây dẻ trải dài trĩu nặng vẫn có thể thấy cái màu xanh thẳm của bầu trời, đầy rẫy ngôi sao, tất cả đều uy nghi và vàng óng, trải dài cái ánh sáng lóng lánh của chúng đến tận xa khơi một cách chẳng bận tâm. Đấy là bản chất của những ngôi sao. Và những cái cây mang đầy hoa quả và những vết sẹo cho mọi người xem, và chẳng biết nó có biểu thị nỗi thích thú hoặc đau đớn gì chăng, hay chúng đã chấp nhận cái ý chí mạnh mẽ để sống còn. Đàn ruồi sống chỉ vỏn vẹn có một ngày rồi lũ lượt hướng về cõi tử vong của chúng. Mỗi sự sống đều có cái chói lọi và kiều mị của nó! Tôi đã trực nhận ra tất cả điều đó trong một khoảnh khắc, hiểu biết nó và nhận thấy nó là tốt, và cũng nhận thấy rằng đời tôi và nỗi buồn sầu của tôi cũng tốt đẹp nữa. Tôi đã hoàn tất vở đại nhạc kịch của tôi vào mùa thu. Vào lúc này tôi đã gặp ông Imthor tại một cuộc hoà tấu. Ông nồng nhiệt chào mừng tôi và đã có phần ngạc nhiên là tôi không cho ông ta biết tôi ở trong tỉnh. Ông đã nghe việc thân phụ tôi qua đời và kể từ đó cho đến bây giờ tôi đã sống tại quê nhà. – Cô Gertrude ra sao, có mạnh giỏi không? – tôi hỏi một cách điềm tĩnh như có thể được vậy. – Ồ, anh phải đến và chính anh xem chứ! Nó sẽ làm lễ thành hôn vào tháng mười một, và chúng tôi đã tính rằng có mặt ở đó mà. – Xin cảm ơn, ông Imthor. Và Muoth ra sao? – Hắn mạnh giỏi. Anh biết đấy, tôi không mấy vui sướng về cuộc hôn nhân đó. Đã lâu tôi muốn hỏi anh về Muoth. Theo như chỗ tôi biết anh ấy thì tôi không có gì để than phiền cả, nhưng tôi có thể nghe được nhiều đềiu về anh ấy đến thế. Tên tuổi của anh ấy đã được đề cập liên quan với nhiều người phụ nữ khác nhau. Anh có thể nào kể cho tôi nghe bất cứ điều gì về chuyện ấy chăng? – Không đâu, ông Imthor. Chuyện đó sẽ chẳng ích gì đâu. Con gái của ông sẽ khó lòng mà thay đổi ý định của nàng vì những lời đồn đại. Anh Muoth lại là bạn tôi và tôi ao ước anh ta được tốt đẹp nếu anh ta tìm được hạnh phúc. – Tốt lắm. Vậy anh sẽ đến thăm chúng tôi ngay chứ? – Tôi cũng định vậy. Thôi xin chào ông Imthor. Đó là điều không lâu gì trước khi tôi phải làm tất cả mọi sự để đặt những chướng ngại vật giữa hai người bọn họ, không phải vì ghen tị hoặc hy vọng rằng Gertrude sẽ vẫn còn lôi kéo về với tôi được, mà bởi vì tôi đã quả quyết và cảm thấy trước rằng sự việc sẽ không xuôi thuận cho họ, bởi vì tôi ý thức được nỗi cô đơn tự hành hạ của Muoth và cái dễ xúc động ở tính đa sầu đa cảm của Gertrude và bởi vì Marian và Lottie đã sinh động trong ký ức của tôi đến dường ấy . Nay thì tôi đã nghĩ khác hẳn. sự tan vỡ của toàn bộ cuộc sống của tôi, một nửa năm cô đơn trơ trọi, và nhận ra cái việc tôi đã rời bỏ tuổi trẻ của tôi đàng sau tôi cũng đã biến đổi tôi rồi. Nay thì tôi đã có ý kiến rằng thật là ngu xuẩn và nguy hiểm khi chìa tay ta ra để mà thay đổi cái định mệnh của kẻ khác. Tôi cũng chẳng có lý do gì để nghĩ rằng tay tôi là tài khéo hoặc tôi có thể tự cho mình như là một người có thể giúp đỡ và hiểu biết kẻ khác, sau những nỗ lực của tôi trong đường hướng này đã thất bại và làm tôi thối chí ngã lòng. Ngay cả hiện giờ tôi đã ngờ vực mạnh mẽ cái khả năng của thiên hạ để chuyển hóa và uốn nắn cái đời sống của riêng họ và với những kẻ khác đó với bất cứ tầm mức có thể là đáng kể nào. Người ta có thể kiếm ra tiền bạc, danh vọng và sự lỗi lạc, nhưng người ta không thể sáng tạo ra hạnh phúc hay bất hạnh, không cho chính ta hoặc các kẻ khác được. Ta chỉ có thể chấp nhận cái gì đưa đến dù rằng ta có thể để được đoán chắc, chấp nhận nó trong những phương thức hoàn toàn khác hẳn. theo như chỗ tôi có liên quan, tôi sẽ chẳng làm những khổ cực cam go để mà cố gắng và tìm ra một vị trí dưới ánh mặt trời nhưng sẽ chấp nhận những gì đã phân phát cho tôi , cố gắng để làm cho nó tốt đẹp và, nếu có thể được, biến nó ra thành trời vài điều lợi ích. Mặc dù đời sống tiếp tục độc lập ở những suy tưởng như vậy, vẫn còn có những ý nghĩ chân thành và những giải pháp để lại cho linh hồn sự thanh thản hơn và giúp ta chịu đựng kham cái điều không thể sửa đổi được đó. Ít ra, nhiên hậu nó đã cho tôi thấy rằng kể từ đó tôi đã trở nên khước từ và lạnh nhạt với cái vận mệnh cá nhân tôi, thì đời sống đã cư xử với tôi dịu dàng hơn. Đó là điều mà một đôi khi ta bất ngờ đạt đến mà không phải cố gắng gì, một điều mà trước đây ta không sao đạt đến được bất kể những cố gắng và thiện chí, chẳng bao lâu tôi đã biết được điều đó qua mẹ tôi. Tôi đã viết cho bà mỗi tháng, nhưng không nghe tin tức gì của bà một thời gian. Nếu có bất cứ điều gì sai lầm thì hẳn tôi đã biết về chuyện đó, cho nên tôi không nghĩ nhiều về bà nữa và tiếp tục viết những bức thư của tôi, những bức thư ngăn ngắn như để bày tỏ sự việc xảy đến với tôi như thế nào, mà trong đó tôi luôn luôn thêm vào những sự chú tâm ân cần với cô Schniebel. Những sự chào đón này mới đây không còn đưa ra nữa. Hai người đàn bà đó làm như họ ao ước nhưng cái tình thân hữu của họ đã không còn tồn tại để mà hoàn thành những ước nguyện của họ. những điều kiện được cải thiện đã làm căng phồng cái ngã của cô Schniebel. Ngay sau cuộc khởi hành của tôi, một cách đắc thắng mụ ta đã thu đoạt cái chỗ ngồi của sự chinh phục và an cư lạc nghiệp trong căn nhà của chúng tôi. Nay thì mụ chia sẻ ngôi nhà với bà bạn cũ và chị em họ của mụ và, sau những năm dài thèm muốn đã đến lượt coi như là một người đáng được hưởng cái may mắn để mà có thể cai quản và tự cho mình những điệu bộ như một trong những nữ chủ nhân của cái gia đình đáng kính đó. Mụ chẳng thành đạt những thói quen tốn kém hoặc chứng tỏ phung phí, mụ đã từng sống trong cảnh bần cùng và dở túng dở thiếu quá lâu để làm điều đó. Mụ chẳng bao giờ mặc những quần áo đắt giá cũng chẳng ngủ giữa những tấm ra bằng nỉ nhẹ. Trái lại, mụ thực sự bắt đầu hết sức dè xẻn và hiện thời chỉ tập trung sự công phu và có một cái gì để dành dụm, nhưng mụ không từ bỏ uy quyền và sức mạnh. Hai người tớ gái đã vâng lời mụ không thua gì mẹ tôi, và mụ cùng đối phó với các gia nhân, công nhân và bưu trạm trong một phong thái hách dịch. Và rất chậm rãi, vì lẽ những khát vọng không tiêu tan bởi sự thoả mãn của họ, mụ cũng nới lỏng sự cai quản hống hách trên các sự việc mà mẹ tôi sẽ không dễ gì cho phép như vậy. Mụ muốn các khách khứa của mẹ tôi cũng là khách khứa của mụ nữa và sẽ không để cho mẹ tôi tiếp bất kỳ ai trừ phi có sự hiện diện của mụ. Mụ không muốn nghe chỉ những đoạn trích ra từ các thư từ đã nhận được đó, đặc biệt là các bức thư của tôi, nhưng muốn rằng chính mụ đọc các bức thư ấy. Cuối cùng, mụ hình thành cái quan niệm là nhiều sự việc trong nhà mẹ tôi đã không được ngó ngàng đến và đã điều khiển vì mụ nghĩ rằng chúng phải là thế. Trên hết, mụ đã cân nhắc rằng kỷ luật của các gia nhân trong nhà chưa đủ nghiêm ngặt. Nếu một người tớ gái ra khỏi nhà vào buổi tối, hoặc nói chuyện quá lâu với viên bưu trạm, hoặc chị đầu bếp yêu cầu được nghỉ ngơi vào ngày chủ nhật, thì một cách mạnh mẽ mụ lại chứng tỏ với mẹ tôi về lòng nhân từ của người và đưa ra những giảng giải dài dòng cho người về phương pháp đúng để điều khiển gia đình. Thêm nữa, điều làm mụ tổn thương rất nhiều khi thấy rằng những quy luật tiết kiệm của mụ đã bị làm ngơ sờ sờ ra đó thường xuyên như thế nào. Than củi được đòi hỏi quá nhiều, và quá nhiều trứng đã không được tính đến bởi chị đầu bếp! Mụ cay đắng chống lại những điều tự nhiên đó, và đó là sự bất hoà đã nổi dậy giữa hai bà bạn như thế nào. Cho đến lúc đó mẹ tôi đã ít chống đối chuyện đó dù rằng bà không đồng ý với mọi sự, và trong nhiều phương cách đã thất vọng với người bạn của bà, mà mối tương giao với mụ ta bà đã tưởng tượng là khác kia. Hiện giờ, một mặt, khi mà các tập tục xa xưa trong nhà bị nguy hiểm, khi mà những sự an lạc hàng ngày của bà và sự yên tĩnh trong nhà phó mặc cho sự may rủi, thì bà không thể kiềm chế sự chống đối và đưa ra một vài sự phản kháng, mà tuy rằng điều ấy bà không làm một cách mạnh bạo như bà bạn của bà. Những quan niệm khác biết đó và những tranh biện nhỏ nhặt đó thì ở trong cách thức thân hữu, nhưng khi chị đầu bếp lưu ý, và điều đó chỉ được lưu ý trong sự khó khăn, sau nhiều hứa hẹn và gần như là những lời xin lỗi, rằng mẹ tôi đã thuyết phục y thị ở lại, thì cái uy quyền trong nhà mới bắt đầu đưa đến một cuộc tranh chấp thực sự. Cô Schniebel, hãnh diện về sự hiểu biết kinh nghiệm, sự cần kiệm và khả năng tổ chức của mụ ta, không hiểu rằng vì cớ chi t những tính chất này đã không được đánh giá, và mụ cảm thấy chính đáng trong việc chỉ trích sự tiết kiệm của gia đình trước đây, trong việc tìm ra lỗi lầm về sự nội trợ của mẹ tôi và trong việc chứng tỏ sự khinh thường của mụ về cái thói quen và tập tục trong nhà. Lúc bấy giờ mẹ tôi đã đề cập đến cha tôi, mà dưới sự điều khiển của người, mọi sự trong nhà đều đâu vào đấy trong nhiều năm trời. Ông chẳng cần chi đến những khoan dung vặt vãnh và những sự cần kiệm ti tiện, ông đã cho các gia nhân tự do và những đặc ân, ông ghét những cuộc đôi co với các tớ gái và những vụ rắc rối có cái bản chất khó chịu. Nhưng khi mẹ tôi đề cập đến cha tôi, người mà trước đây bà có thỉnh thoảng chỉ trích, nhưng kể từ khi cái chết của người, người đã trở nên thiêng liêng với bà thì cô Schiniebel không thể còn đè nén mình được và đã lưu ý mẹ tôi một cách sắc bén là mụ đã thường xuyên bày tỏ quan niệm của mụ về người chết đó như thế nào, đây là thời điểm để mà tống khứ những cái phương thức xa xưa và để cho lý trí trị vì. Ngoài sự lưu tâm với bà bạn của mụ, mụ Schniebel không muốn làm phá hỏng cái hoài niệm của bà về người chết, nhưng nay thì ông đã được đề cập đến, thành thử mụ phải thú nhận rằng có nhiều điều trong nhà không được hài lòng do ở ông chủ cũ đó, và mụ không thể thấy vì cớ gì, nay thì mẹ tôi đã được tự do rồi, mà sự việc sẽ cứ tiếp tục trong đường lối tương tự. Đấy là một cú đấm mà mẹ tôi có thể chẳng bao giờ tha thứ cho người em họ của bà. Trước đó nó đã có một sự cần thiết và thích thú để càu nhàu với bà bạn tự tin của bà và tìm thấy lỗi lầm ở ông chủ của ngôi nhà, nay thì bà sẽ không cho phép dù là cái bóng nhỏ nhất phủ lên trên cái hoài niệm linh thánh của ông. Bà bắt đầu cảm thấy cuộc nổi loạn mới khởi phát trong nhà không chỉ là bực mình mà trên hết, còn là một tội lỗi chống lại người chết. Cái tình trạng của sự vụ này tiếp tục không có sự hiểu biết của tôi. Khi lần đầu tiên mẹ tôi đề cập chuyện đó trong một bức thư về việc thiếu sự hoà điệu này, dẫu rằng bà đã làm thế một cách thật cẩn thận và kín đáo, nó đã làm cho tôi phì cười. trong bức thư kế đó của tôi đã bỏ sót những lời thăm hỏi cái ả lỡ thời đó nhưng không ám chỉ đến những lời bóng gió của mẹ tôi. Tôi nghĩ rằng các bà sẽ thu xếp công việc tốt đẹp mà không có tôi. Hơn nữa, có một vấn đề khác đã chiếm chỗ trong đầu óc tôi nhiều hơn. Tháng mười đã đến và cái ý tưởng cuộc hôn nhân sắp đến của Gertrude cứ không ngớt xuất hiện trong đầu óc tôi . Tôi chưa trở lại nhà nàng và chưa hề gặp nàng. Sau lễ cưới, lúc nàng sẽ ra đi, tôi nghĩ đến chuyện lại tiếp xúc với thân phụ nàng. Tôi cũng hy vọng rằng trong một thời gian tốt đẹp, mối tương giao thân hữu sẽ được thiết lập giữa Gertrude và tôi. Chúng tôi đã từng quá thân thiết với nhau để mà có thể lọai bỏ quá khứ dễ dàng đến thế, song tuy thế tôi hãy chưa có can đảm cho cuộc gặp gỡ mà, đã biết nàng, hẳn nàng sẽ không cố tình lẩn tránh chuyện đó.

Một hôm một người nào đó đã gõ cửa phòng tôi torng một cách thức quen thuộc. Lòng đầy nghi ngại, tôi chạy ra mở cửa. Heinrich Muoth đứng tại đó và đưa tay ra cho tôi. – Muoth! – tôi kêu lên và xiết chặt tay anh ta, song tôi không thể nhìn vào mặt anh ta mà không có cái gì đó trở lại với tôi và làm tôi tổn thương. Tôi thấy lại bức thư nằm trên bàn tay anh ta, bức thư trong nét chữ của Geitrude, và thấy mình giã từ nàng và muốn chết quách cho xong. Nay thì anh ta đứng đó nhìn tôi một cách sốt sắng. Anh ta có vẻ gầy đi chút ít nhưng vẫn bảnh và đường bệ như từ bao giờ. – Tôi đã không mong là gặp anh chứ – tôi nói nho nhỏ. – Thế à? Tôi biết rằng anh không đến nhà Gertrude gì nữa cả. Theo chỗ tôi biết, thôi thì chúng ta đừng nói chuyện ấy nữa! Tôi đến để thăm anh và để biết công việc của anh tiến triển đến đâu. Vở đại nhạc kịch tới đâu rồi? – Đã hoàn tất rồi. nhưng trước hết, Gertrude mạnh giỏi không? – Nàng mạnh giỏi. Chúng tôi làm lễ cưới ngay. – Tôi biết. – Này, anh sẽ không đến thăm nàng ngay chứ. – Để sau đã. Trước tiên tôi muốn thấy sự việc đó có được tốt đẹp cho nàng trong tay anh không đã. – Hừm… – Heinrich, tha thứ cho tôi nhé, nhưng một đôi khi tôi không thể không nghĩ đến Lottie, người mà anh đã đối xử tệ hại đến thế kia. – Hãy quên chuyện Lottie đi. Điều ấy xứng đáng với nàng. Không người đàn bà nào bị đánh đập cả nếu nàng không muốn như vậy. – Ồ! Về vở đại nhạc kịch à, thực ra thì tôi không biết nơi nào tôi sẽ cho nó trình diễn trước nhất. Đó phải là một hí viện tốt, dĩ nhiên, dù rằng tôi không biết nó sẽ được chấp nhận hay không. – Ồ, phải, nó sẽ được chấp nhận chứ. Tôi muốn nói với anh về điều đó. Hãy đem đến Munich đi. Rất có thể nó sẽ được chấp nhận nhất tại đó, thiên hạ đang để ý đến anh. Nếu cần, tôi sẽ vứt bỏ công việc của tôi cho anh. Tôi không muốn ai khác hát cái phần đó của tôi trước tôi cả. Đó là điều hữu ích. Tôi đồng ý một cách vui vẻ và đã hứa hẹn để sắp xếp sao cho ra ngay như có thể được. Chúng tôi đã bàn bạc các chi tiết và tiếp tục nói chuyện với một sự bối rối nào đó, như thể đó là một sự sống và chết cho chúng tôi, và tuy thế chúng tôi chỉ muốn làm qua thì giờ và nhắm mắt chúng tôi lại trước cái hố chia rẽ đã hiển hiện giữa hai chúng tôi mà thôi. Muoth là người đầu tiên để bắt qua cái hố đó. – Anh có nhớ lần đầu tiên anh dắt tôi đến gia đình Imthor chứ? – anh ta nói – đến nay đã được một năm rồi nhỉ. – Tôi biết – tôi nói – Anh chẳng cần phải nhắc tôi. Tốt hơn là anh đi ngay bây giờ đi! – Không, khoan đã ông bạn. vậy ra anh vẫn còn nhớ. Phải, nếu lúc bấy giờ anh yêu cô gái, thế tại sao anh không nói “Để nàng một mình đó nhẹ để nàng cho tôi đấy nhé!” Thế thì hẳn là đầy đủ. Tôi sẽ hiểu cái ám hiệu ấy rồi. – Tôi không thể làm thế. – Anh không thể ư? Tại sao không? Ai bảo anh cứ bàng quan và chẳng nói gì cả cho đến khi sự thể đã quá muộn? – Tôi không biết rằng nàng có quan tâm đến tôi hay không. Vả lại, nếu nàng thích anh, tôi chẳng thể làm gì về chuyện đó cả. – Anh là một đứa bé con! Nàng đã có thể hạnh phúc hơn với anh rồi. Mỗi người đàn ông đều có quyền tán tỉnh một người đàn bà chứ. Nếu anh chỉ nói với tôi một lời thôi vào buổi ban đầu, nếu anh chỉ đưa ra cho tôi một ám hiệu thôi thì tôi đã rút lui rồi. Sau đó, tự nhiên sự thể đã quá muộn. Cuộc nói chuyện này đã làm tôi đau đớn. – Về chuyện đó, tôi nghĩ khác kia – tôi nói – Nhưng anh chẳng phải lo ngại. Nay hãy để tôi được yên! Hãy chuyện đến nàng những lời cầu chúc tốt đẹp của tôi và tôi sẽ đến và ghé thăm anh tại Munich. – Anh không đến với lễ cưới sao? – Không đâu, Muoth, việc đó sẽ là một kinh nghiệm tệ hại. Nhưng này, anh làm lễ cưới tại giáo đường à? – Vâng, cố nhiên, tại giáo đường. – Tôi hài lòng về chuyện đó. Tôi có soạn một cái gì cho dịp đó, một nhạc tác cho quản cầm. Đừng có lo, nó hoàn toàn ngắn thôi. – Anh là một người bạn tốt! Khốn khổ cho tôi đã mang đến cho anh nhiều rủi ro thế kia! – Tôi nghĩ anh sẽ nói “may mắn” chứ Muoth. – Phải, chúng ta sẽ không cãi nhau nữa. bây giờ tôi phải đi thôi, vẫn còn phải mua sắm đồ đạc và có trời biết phải làm gì. Anh sẽ gửi vở đại nhạc kịch ngay chứ, có phải không? Hãy gửi cho tôi và tôi sẽ đem nó đến nơi đúng người đúng chỗ. và trước lễ cưới hai người chúng ta phải ở lại buổi tối với nhau. Có lẽ vào ngày mai! Được chứ? Phải, thôi xin chào. Thế là tôi lại bị lôi kéo vào cái thế giới thân hữu xa xưa và trải qua một đêm với những ý nghĩ và phiền muộn đã từng xuất hiện đến cả trăm lần. Hôm sau tôi đã đến thăm một quản cầm thủ, người mà tôi đã biết và yêu cầu ông tấu nhạc của tôi tại lễ cưới của Muoth. Vào buổi chiều tôi đã hoàn tất khởi tấu khúc của tôi với Teiser cho lần cuối cùng, và vào buổi tối tôi đi đến lữ quán nơi Heinrich ở lại. Tôi nhận thấy một căn phòng đã được sửa soạn cho chúng tôi với lò sưởi ở ngoài và đèn nến. Có một tấm khăn trắng trên bàn với bông hoa và đĩa nhạc. Muoth đã chờ tôi tại đấy. – Này ông bạn, đây là một buổi tiệc giã từ cho tôi nhiều hơn là cho anh. Gertrude đã gửi lời cầu chúc tốt đẹp của nàng. Hôm nay chúng ta sẽ uống chúc mừng sức khoẻ của nàng đây. Chúng tôi rót đầy ly và một cách im lặng đã uống cạn những chai rượu đó. – Nào, chúng ta hãy chỉ nghĩ về chính chúng ta mà thôi. Tuổi trẻ thì cứ trôi tuột đi mất, ông bạn quý của tôi, anh cũng cảm thấy như thế không? Đó sẽ là thời gian tuyệt nhất cho đời sống một con người. Tôi hy vọng đó là sự giả dối giống như tất cả những câu ngạn ngữ nổi tiếng này. Cái tuyệt nhất sẽ vẫn nằm trước mặt, bằng không thì toàn thể đời sống không thể trường tồn. Khi nào vở đại nhạc kịch của anh được ra mắt, chúng ta sẽ nói lại. Chúng tôi đã khuây khoả và uống một số rượu vang nặng thuộc vùng sông Rhine. Sau đó chúng tôi ngả mình trên những chiếc ghế thoải mái với xì gà và sâm banh, và trong một giờ nó nhắc gợi cả hai chúng tôi đến những thời gian xa xưa khi mà chúng tôi vẫn thường lấy làm thoả lòng trong việc bàn luận các dự định và chuyện trò lăng nhăng một cách khinh khoái. Chúng tôi đã nhìn nhau một cách trầm tư và chân thật và cảm thấy hạnh phúc trong sự đồng hành lẫn nhau. Vào những lúc như thế này thì Heinrich ân cần hơn và nhã nhặn hơn thường lệ. Anh ta biết làm thế nào luân chuyển những niềm vui này và bám vào chúng một cách đắc ý bao lâu mà sắc thái đó của anh ta còn chịu được. Một cách lặng lẽ, với cái mỉm cười, anh ta đã nói với tôi về Munich, kể cho tôi nghe những ngẫu biến vặt vãnh về hí viện, và thực hành cái nghệ thuật cũ kỹ diễn tả người và hoàn cảnh của anh ta trong một ít chữ vắn tắt. Sau khi anh ta phác hoạ nhà nhạc trưởng của anh, ông bố vợ tương lai của anh và những chuyện giễu cợt khác một cách rõ ràng nhưng không hề ác ý, tôi đã uống để mừng sức khoẻ của anh ta và nói: – Còn về phần tôi thì sao? Anh có thể diễn tả cái mẫu người của tôi được chứ? – Ồ vâng – anh ta nói một cách điềm tĩnh với cái gật đầu và đưa mắt nhìn tôi với cặp mắt đen huyền của anh ta – Trong mỗi phương diện thì anh là một típ người nghệ sĩ. Một nghệ sĩ thì không phải, như người thường nghĩ rằng, là một hạnh người vui vẻ bỏ rơi các tác phẩm nghệ thuật của họ đó đây ở ngoài sự sung mãn tuyệt đối của họ. Không may hắn thường là một linh hồn khốn khổ, kẻ đã bị nghẹt thở với những phong phú thặng dư và do đấy đã phải phân phát một số những phong phú thặng dư ấy đi. Đó là một nguỵ biện cho rằng có những nghệ sĩ hạnh phúc, đó đúng là cách nói của những tay nho hương nguyện. Cái tâm hồn thư thái của Mozart mà tinh thần ông đã được nâng đỡ với rượu sâm banh và hậu quả là thở hào hển, và vì cớ gì Beethoven đã không tự tử trong thời gian thanh xuân của ông ta thay vì đã soạn ra tất cả âm nhạc tuyệt vời thần diệu thế kia, thì không một ai biết cả. Một nghệ sĩ thực thụ phải là một kẻ bất hạnh. Hễ khi nào hắn đói lòng và đem mở cái bị của hắn ra, thì chỉ có những hạt trân châu trong đó mà thôi. – Nhưng nếu hắn ao ước một ít lạc thú và sự đầm ấm giao cảm trong đời sống, thì hàng tá đại nhạc kịch và tam bộ khúc và những điều giống như thế chẳng giúp gì mấy cho hắn. – Tôi thiết tưởng không phải thế. Một giờ như thế này với một ly rượu chát và một người bạn, nếu hắn có một vài người bạn, và một cuộc tán gẫu thú vị về cái đời sống đáng kể này thì về cái điều tuyệt nhất đó hắn có thể kỳ vọng chứ. Đấy là điều nó có như thế nào, và chúng ta sẽ vui mừng ít ra có điều đó chứ. Chỉ nghĩ rằng nó túm lấy một con quỷ khốn khổ lâu như thế nào để làm một cây pháo thăng thiên tốt, và cái lạc thú nó đem đến đó gần như không tồn tại lấy một phút! Trong đường lối tương tự, ta phải giữ lấy niềm vui và sự thanh thản trí óc và một lương tâm trong trắng để làm trong trắng một giờ phút thú vị đó đây vậy. Xin chúc ông bạn sức khoẻ! Tôi không đồng y tất cả với triết lý của anh ta, nhưng những gì là vấn đề? Tôi vui thú được ở lại một đêm như thế này với người bạn mà tôi đã e ngại là tôi sẽ đánh mất và người cũng mơ hồ ngang nhau về tôi, và tôi đã trầm tư cái quá khứ đó vẫn còn nằm gần gũi với tôi thế kia và tuy vậy đã vây phủ tuổi trẻ của tôi với những ngày vô tư lự của nó sẽ chẳng còn trở lại nữa. Cuối cùng buổi tối đã đi đến kết thúc và Muoth đề nghị đi bộ về nhà với tôi, nhưng tôi bảo anh ta đừng lo ngại chi chuyện đó. Tôi biết rằng anh ta không thích bách bộ với tôi bên ngoài, việc đi chậm chạp, ngừng nghỉ của tôi gây bực mình cho anh ta và làm cho anh ta nôn nóng khó chịu. Anh ta không ưa sự bất tiện và những điều vặt vãnh thường là điều quấy rầy nhất. Tôi hài lòng với nhạc tác quản cầm của tôi. Đấy là một thứ nhạc dạo, và đối với tôi thì nó là một quyến niệm từ quá khứ, cảm tạ và ao ước điều tốt lành cho lứa dôi đính ước đó và là một hồi thanh của những thời hạnh phúc vui sướng được ở lại với cả hai người bọn họ. Vào lễ cưới, tôi đi đến giáo đường trước và, ẩn mình bởi cây quản cầm, nhìn xuống cuộc lễ. Khi tay quản cầm thủ bắt đầu tấu nhạc của tôi, thì Gertrude đã nhìn lên và mỉm cười với vị hôn phu của nàng. Suốt thời gian này tôi đã không thấy nàng và trông nàng còn cao hơn và gầy hơn thường lệ trong bộ y phục trắng xoá của nàng. Một cách diễm lệ quý phái, với sự bộc lộ vẻ trang trọng trên gương mặt nàng, nàng bước đi giữa lối đi nhỏ hẹp đến tế đài bên cạnh người đàn ông đứng thẳng trông hãnh diện đó. Sẽ không có được một hình ảnh huy hoàng như vậy nếu thay vì anh ta, tôi, một tên què quặt với cái cẳng thọt, lại bước đi giữa lối đi trang trọng này

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN