Mối Tình Đầu - Ivan Turgenev
Chương 1
Tiệc đã tan từ lâu. Đồng hồ gỏ mười hai giờ ba mươi phút.. Trong phòng chỉ còn lại vị chủ nhà, Sergei Nilolaevitch và Vladimir Petrovitch.
Chủ nhà rung chuông, ra lệnh dọn đi phần còn lại của bửa cơm tối. “Và chúng ta đã đồng ý,” ông nhìn quanh, ngồi thoải mái trong lòng chiếc ghế bành, châm một điếu xì gà.” mỗi người sẽ nói về mối tình đầu của mình. Tới phiên anh, Sergei Nikolaevich.”
Sergei Nikolaevich, một người đàn ông thấp bé mập mạp với gương mặt bầu bỉnh, trắng trẻo, đầu tiên nhìn vị chủ nhà, sau đó hướng ánh mắt lên trần. “Tôi không có mối tình đầu,” sau cùng ông nói; “Tôi bắt đầu bằng mối tình thứ hai.”
“Sao lại có thể như thế được?”
“Rất đơn giản. Năm mười tám tuổi lần đầu tiên tôi tán tỉnh một cô gái trẻ và duyên dáng, nhưng tôi đeo đuổi nàng như thể không có chi là mới lạ; về sau này với các cô gái khác cũng thế. Nói cho chính xác, lần đầu và cũng là lần cuối, tôi yêu nhũ mẫu của mình khi tôi lên sáu; nhưng đó là chuyện ngày xưa. Tôi không tài nào nhớ được những chi tiết, và ngay cả khi tôi nhớ được, có ai thích nghe chăng?
“Vậy về phần tôi thì sao?” ông chủ nhà bắt đầu nói. “Mối tình đầu của tôi cũng chẳng có gì hấp dẫn; tôi chưa từng yêu ai cho đến khi gặp Anna Nikolaeva, nhà tôi hiện nay, — và tất cả mọi chuyện đều xảy ra hết sức êm đẹp; cha mẹ chúng tôi xếp đặt cuộc gặp gỡ, chúng tôi yêu nhau ngay, và cưới nhau liền sau đó. Chuyện của tôi có thể kể lại vỏn vẹn trong vài ba chữ. Thú thật với các bạn, khi nêu lên chủ đề là mối tình đầu, tôi đã đặt hy vọng nơi các bạn, tôi không nói là đã già, nhưng không còn trẻ trung gì nữa. Vladimir Petrovich, anh có thể làm cho không khí sôi động hơn không ?”
“Mối tình đầu của tôi, chắn chắn không bình thường,” Vladimir Petrovitch, một người trạc tứ tuần, tóc đen ngã sang màu muối tiêu, hơi ngập ngừng, trả lời.
“Ah!” ông chủ nhà và Sergei Nikolaevitch cùng nói một lúc: “Càng tốt…Kể cho chúng tôi nghe đi.”
“Nếu các bạn muốn…nhưng không; tôi không kể đâu; tôi không biết cách kể chuyện; tôi sẽ làm cho nó khô khan và cộc lốc, hay thêm thắt quá đà. Nếu các bạn đồng ý, tôi sẽ viết tất cả những gì tôi còn nhớ và đọc cho các bạn nghe.”
Các ông bạn lúc đầu không bằng lòng, nhưng Vladimir Petrovitch nhất định làm theo ý mình. Hai tuần sau, họ gặp lại, và Vladimir Petrovitch giữ lời hứa.
Bản thảo của ông chính là câu chuyện sau đây: —
*************
Tôi lên mười sáu. Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1833.
Tôi sống tại Moscow với cha mẹ tôi. Họ sở hữu một ngồi nhà nghỉ mát ở gấn cổng Kalouga, đối diện vườn hoa Neskutchny.Tôi đang chuẩn bị vào đại học, nhưng không chăm học và không sốt sắng.
Tôi hoàn toàn tự do tự tại, không ai để ý đến tôi. Tôi muốn làm gì tùy thích, nhất là sau khi chia tay với người thầy sau chót, người Pháp, ông này không bao giờ chấp nhận rằng ông đã rơi tỏm vào nước Nga “comme une bombe” (như một quả bom), và nằm bẹp dí trên giường ngày này sang ngày khác với vẻ mặt phẩn uất. Cha tôi tử tế, dễ dãi với tôi, còn mẹ tôi gần như chẳng ngó ngàng gì đến, mặc dù tôi là đứa con độc nhất ; nhiều việc khác chiếm trọn tâm trí của bà. Cha tôi, vẫn còn trẻ và rất đẹp trai, đã kết hôn với mẹ tôi chỉ vì tiền; mẹ tôi lớn hơn cha tôi đến mười tuổi. Mẹ tôi sống một cuộc đời buồn bả; lúc nào cũng bực dọc, ghen tuông và cáu kỉnh, nhưng chỉ khi vắng mặt cha tôi; mẹ tôi rất e sợ ông, và ông luôn luôn nghiêm khắc, lạnh lùng và xa cách… Tôi chưa bao giờ gặp ai trầm tỉnh, tự tin và uy quyền như ông.
Tôi không bao giờ quên những tuần lễ đầu tiên sống ở quê. Thời tiết tuyệt diệu; chúng tôi rời thành phố vào ngày 9 tháng Năm, ngày lễ thánh Nicholas. Tôi thường lang thang trong vườn nhà mình, trong vườn hoa Neskutchny, và đi xa khỏi cổng thành; tôi hay mang theo vài quyển sách — sách giáo khoa của Keidanov, thí dụ vậy — nhưng hiếm khi đọc, và thường hay ngâm nga những vần thơ; tôi thuộc lòng nhiều bài ; với bầu máu nóng sôi sục, với trái tim đau thương ngọt ngào; lòng tôi tràn đầy niềm tin và hy vọng, tôi hơi sợ sệt một điều gì đó, và thích thú về mọi thứ; trí tưởng tượng của tôi mãnh liệt như lũ chim nhạn lượn lờ quanh tháp chuông lúc rạng đông; tôi mơ mộng, tôi buồn rầu, đôi khi khóc than; nhưng qua những giọt lệ và nỗi buồn gợi ra bởi một vần thơ du dương hay bởi vẽ đẹp của một buổi chiều tà, hượng vị ngọt ngào của tuổi trẻ và cuộc sống sôi động vẫn vươn cao như ngọn cỏ mùa xuân.
Tôi có một con ngựa, tôi thường tự thắng lấy yên cương và một mình cởi ngựa rất lâu, phóng nước đại và tưởng tượng như mình là một hiệp sĩ trong trận đấu thương. Gió thổi mơn man tươi vui làm sao! hoặc ngẩng mặt lên, tôi đón lấy vẽ lộng lẫy và xanh mát của bầu trời vào linh hồn tôi rộng mở.
Tôi nhớ lúc đó hình ảnh của người đàn bà, gương mặt của tình yêu, hiếm khi hình thành rõ nét trong đầu óc tôi; nhưng tôi có nghĩ đến và cảm thây chung chung ở một cõi mơ hồ kín đáo nào đó, một linh cảm ngượng ngùng về một điều gì đó, mới lạ, vô cùng ngọt ngào, yểu điệu…
Mối linh cảm này, niềm hy vọng này, thấm đẫm vào tôi; tôi hít thở trong nó, nó chảy trong huyết quản, trong từng giọt máu…nó là định mênh sẽ sớm được hoàn thành.
Địa điểm, nơi chúng tôi sẽ sống trong mùa hè, gồm một dinh thự bằng gỗ và hai căn nhà nhỏ; trong ngôi nhà phía trái là một cơ sở sản xuất giấy dán tường loại rẻ tiền…Đã hơn một lần tôi đi dạo về hướng đó, nhìn thấy khoảng một chục đứa bé gầy còm và luộm thuộm, quần áo dính đầy dầu mở, gương mặt mỏi mệt, thường xuyên nhảy lên những chiếc cần gổ để ép những ô vuông của cái máy in, và do đó, bằng sức nặng mong manh của chúng, tạo nên những mẫu mã khác nhau của giấy dán tường. Căn nhà bên tay mặt không có ai cư ngụ. Một ngày nọ — ba tuần sau ngày 9 tháng Năm — màn cửa sổ của ngôi nhá này cuốn lên, những gương mặt phụ nữ xuất hiện — có một gia đình nào đó dọn tới. Tôi nhớ trong cùng ngày đó, vào bửa ăn tối, mẹ tôi hỏi thăm ông quản gia về người láng giềng mới, và khi mẹ tôi nghe nói tới danh hiệu Công chúa Zasyekin, mẹ tôi ra vẻ tôn kính, ” Ah! một công chúa!” …và thêm vào, ” tôi nghĩ là, một công chúa nghèo, phải không?”
“Họ đi xe thuê, ” ông quản gia kính cẩn nói, đưa cho mẹ tôi một cái dĩa: ” họ không có xe riêng, và bàn ghế tồi tàn.”
“Ah,” mẹ trả lời, ” vậy càng tốt.”
Cha tôi đưa ánh mắt băng giá nhìn qua; bà im bặt.
Chắc chắn Công chúa Zasyekin không thể là một người giàu có; căn nhà bà dọn vào quá tiêu điều, nhỏ bé và mái dốc thoai thoải, không có ai, ngay cả những người tương đối khá giả trong thế gian này lại bằng lòng vào ở. Tuy thế vào lúc ấy, những gì được nói ra đã chóng bị quên lãng. Tước vị vương giả không tạo ra ấn tượng nào cho tôi.Tôi đang đọc Robbers của Schiller.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!