Mối Tình Đầu - Ivan Turgenev - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
148


Mối Tình Đầu - Ivan Turgenev


Chương 16


Sau buổi ăn tối, nhóm người quen thuộc lại tụ tập ở nhà nàng, và nàng tiếp đãi họ. Y hệt như đêm đầu tiên mà tôi không bao giờ quên, mọi người đều có mặt đầy đủ; ngay cả Nirmatsky, cũng khập khiểng lê chân đến; lần này Meidanov tới sớm nhất, cùng với những bài thơ mới sáng tác. Trò Nộp phạt lại được tiếp tục, nhưng thiếu các trò đùa tai ác, các câu pha trò tinh quái và sự náo nhiệt — yếu tố gipsy không còn nữa. Zinaida điều hành trò chơi theo một phong cách khác. Tôi ngồi cạnh nàng với tư cách tiểu đồng. Một trong những điều nàng đề nghị là người thua trò Nộp phạt phải kể lại giấc mơ của mình; nhưng đề nghị này cũng không thành công. Những giấc mơ được kể, hoặc thiếu hấp dẫn (Byelovzorov mơ thấy cho ngựa của mình ăn cá chép, và đầu con ngựa bằng gỗ), hoặc thiếu tự nhiên, không chân thật. Meidanov giải trí chúng tôi bằng môt chuyện tình tầm thường, có tang ma chôn cất, có thiên thần đàn hát, có hoa biết nói, có nhã nhạc vang lừng không trung. Zinaida không cho ông kể hết. “Nếu như chúng ta phải tập làm văn,” nàng nói, “tất cả mọi người hãy bịa ra một câu chuyện gì đó, đừng giả vờ nữa.” Một lần nữa, Byelovzorov lại là người đầu tiên.

Chàng kỵ binh bối rối, “Tôi không thể bịa được chuyện gì cả,” chàng kêu lên.

“Vô lý!” Zinaida nói. “Này, hãy tưởng tượng là ông đã có gia đình, và kể cho chúng tôi nghe cách đối xử với vợ ông. Liệu ông sẽ giam giữ nàng ?”

“Vâng, tôi sẽ giam nàng lại.”

“Và ông sẽ luôn luôn ở bên cạnh nàng ?”

“Vâng, đương nhiên tôi sẽ ở bên cạnh nàng.”

“Tốt lắm. Nhưng nếu nàng phát chán và phản bội ông thì sao?”

“Tôi sẽ giết nàng.”

“Vá nếu nàng chạy trốn?”

“Tôi cũng sẽ tóm được rồi giết nàng, có khác chi.”

“Ôi, thí dụ nhé, nếu tôi là vợ ông, ông có làm như vậy không?”

Một phút trôi qua, rồi Byelovzorov nói: “Thì tôi sẽ tự tử….”

“Chuyện của ông ngắn ngủn à.” Zinaida cười.

Người tiếp theo là Zinaida. Nàng nhìn lên trân nhà, nghĩ ngợi. “Này nhé các bạn,” cuối cùng nàng bắt đầu, “đây là những gì tôi nghĩ ra. Hãy hình dung một lâu đài lộng lẫy, một đêm mùa hạ, và một vũ hội huy hoàng do nữ hoàng triệu tâp. Đầy đủ tất cả những thứ xa hoa. Bạc vàng, châu báu, kim cương, lụa là, gấm vóc, pha lê, hoa đăng, hương liệu.”

“Công nuơng thích những thứ xa hoa?” Lushin chêm vào.

“Những thứ xa xỉ đều đẹp,” nàng trả đủa; “tôi thích cái đẹp.”

“Thích cái đẹp hơn sự cao quý?” ông hỏi.

“Chuyện đó cao siêu quá, tôi không biết. Đừng ngắt lời tôi chứ. Vì vậy vũ hội thật linh đình. Đông đảo khách, tất cả đều trẻ, khôi ngô tuấn tú và yêu thương nữ hoàng.”

“Không có phụ nữ trong giới quan khách?” Malevsky hỏi.

“Không có –hay là …xem nào — vâng, cũng có một vài cô, bà.”

“Tất cả phụ nữ đều xấu xí ?”

“Không, họ duyên dáng chứ. Nhưng tất cả quan khách nam phái đều chỉ yêu một mình nữ hoàng. Nàng có dáng người cao dong dõng, rất thanh lịch yêu kiều; nàng cài một chiếc vương miện vàng trên mái tóc đen.”

Tôi nhìn Zinaida, và trong thoáng chốc ấy, dường như nàng cao quý hơn hết, nét thông minh ngời ngợi, vẽ uy nghi của đôi mày liễu làm cho tôi nghĩ ngay rằng: “Chị chính là vì nữ vương ấy!”

“Họ vây quanh nàng,” Zinaida tiếp tục nói, “và họ đua nhau nói lời tán tụng,”

“Vậy nàng thích những lới tâng bốc?” Malevsky nói, “nữ hoàng đã có chồng hay chưa?”

“Tôi chưa nghĩ ra. Không, tại sao nàng cần phài có chồng?”

“Hỏi cho chắc thôi,” Malvesky đồng ý, “tại sao nàng cần có chồng nhỉ ?”

“Silence!” Meidanov kêu lên, rất dở, bằng tiếng Pháp.

“Merci” Zinaida nói với ông. “Và như thế, nữ hoàng nghe những lời tán tụng và nhã nhạc, nhưng nàng không ngó ngàng tới ai. Sáu chiếc cửa sổ mở toang từ cao xuống thấp, từ sàn đến trần; bên ngoài xa kia, bầu trời đen thẩm với những vì sao sáng, vườn ngự uyển cây cối um tùm. Nữ hoàng chăm chú ngó ra vườn. Nơi đó, có một bồn phun nước nằm giữa những lùm cây, màu trắng nhờ trong bóng tối và lỏng khỏng như một bóng ma. Giữa tiếng chuyện trò và âm nhạc, nữ hoàng nghe tiêng nước chảy thánh thót. Nàng đăm đắm nhìn, và nghĩ rằng: tất cả các ngươi, bọn công tử, quý tôc, thông thái và giàu sang đang vây quanh, trân trọng từng lới nói của ta, sẳn sàng quỳ chết dưới chân ta, ta đầy uy lực … nhưng ngoài kia, bên cạnh bồn phun nước, có một kẻ đợi chờ, đó là người ta yêu dấu, người nắm trong tay quyền uy. Chàng không có lụa là châu báu, là một kẻ vô danh, nhưng chàng đang đợi và chắc chắn ta sẽ đến — và sẽ gặp – – không một sức mạnh nào có thể ngăn được, ta sẽ đến, sẽ cùng nhau biến mất trong bóng tối, trong tiếng thì thầm của cây cỏ, trong tiếng róc rách của bồn nước…” Zinaida ngưng lại.

“Đây có phải là chuyện tưởng tượng?” Malevsky hỏi một cách tinh quái. Zinaida không nhìn ông ta.

“Vậy chúng ta nên hành động ra sao, hởi các bạn?” Lushin đột ngột bắt đầu, “nếu chúng ta là họ, và biết có một người may mắn đang chờ bên bồn phun nước?”

“Khoan đã, “Zinaida chen vào, “hãy để tôi kể chuyện các bạn sẽ làm. Ông, Byelovzorov, sẽ thách đấu với người ấy; còn ông, Meidanov, sẽ viết một bài thơ trào phúng về người ấy. Nhưng không, tuy vậy, ông không viết thơ trào phúng được, ông sẽ viết một bài dài theo thể Barbier và đăng trên tờ Telegraph. Ông, Nirmatsky, sẽ vay tiền …. không, sẽ cho người ấy vay lãi cao; ông, bác sĩ, …” nàng ngừng. “Tôi không biết ông sẽ làm gì…”

“Bằng quyền hạn của một Ngự y,” Lushin nói, “tôi sẽ khuyên nữ hoàng đừng tổ chức dạ vũ khi ngài không ở trong tâm trạng thích xã giao…”

“Chắc ông nói đúng. Còn ngài, Bá tước?”

“Tôi à?” Malevsky lập lại, vẫn với nụ cười nham hiểm.

“Ngài sẽ mời người ấy ăn kẹo tẩm thuốc độc?” Malevsky biến sắc, nhưng chỉ trong giây lát đã lấy lại vẽ bình thản Do thái và cười dòn tan.

“Còn em, Voldemar, …” Zinaida tiếp tục, “nhưng thôi, đủ rồi; chúng ta chơi trò chơi khác nhé.”

“Cậu Voldemar, với tư cách tiểu đồng, khi nữ hoàng chạy trốn trong vườn, cậu sẽ theo sau nâng tà áo của nàng,” Malevsky nói một cách độc địa.

Tôi đỏ mặt tía tai vì giận, nhưng Zinaida đã vội vàng đặt bàn tay lên vai tôi, rồi đứng dậy, giọng nàng hơi run rẫy, “Tôi chưa bao giờ cho ngài được quyền cư xử thô lỗ, vậy tôi yêu cầu ngài hãy rời khỏi nơi đây.” Nàng chỉ tay ra cửa.

“Dựa vào lời nói của tôi, công nương,” Malevsky lắp bắp, mặt tái xanh.

“Công nương nói đúng,” Byelovzorov kêu lên, và ông ta cũng đứng dậy.

“Chúa ơi, tôi không có ý nghĩ đó,” Malevsky nói tiếp, “tôi không có ngụ ý gì cả, tôi nghĩ, có lẽ…….Tôi không cố ý xúc phạm công nương…Xin hãy tha thứ cho tôi.”

Zinaida lạnh lùng nhìn ông ta từ đầu đến chân, và cười nhạt. “Vậy ông có thể ở lại,” nàng vừa nói vừa khoát tay ra vẽ bất cần.

“Câu Voldmar và tôi không cần phải nóng nảy như thế. Nếu ông thích châm chọc.. cũng tốt cho ông.”

“Xin hãy tha thứ cho tôi,” Malevsky lập lại; trong khi ấy, hãy còn ám ảnh bởi cái khoát tay của Zinaida, tôi tự nhủ lòng, không một nữ hoàng nào có thể tống cổ một người khách thiếu lễ độ một cách oai vệ như nàng.

Sau đó, trò nộp phạt tiếp tục kéo dài thêm một thời gian ngắn; ai nấy đều cảm thấy thiếu thoải mái, không hẳn vì câu chuyện vừa xảy ra, mà vì một cảm giác ngột ngạt, cho dù không rõ rệt. Không ai nói lên, nhưng ai cũng ý thức được cảm giác ấy, ở bản thân và ở người bên cạnh. Meidanov ngâm thơ cho chúng tôi nghe, Malevsky ngợi khen nồng nhiệt. “Ông ta đang chứng tỏ rằng mình tử tế đấy ” Lushin nói thầm vào tai tôi. Chẳng mấy chốc, chúng tôi chia tay. Zinaida có vẻ mơ màng tư lự; bà công chúa nhắn rằng bà đang đau đầu; Nirmatsky bắt đầu than thở về căn bịnh thấp khớp của ông….

Tôi trằn trọc mãi không dỗ được giấc ngủ. Câu chuyện của Zinaida gây nên một ấn tượng mãnh liệt. “Ta có thể tìm được vết tích nào không?” tôi tự hỏi: “nàng ám chỉ ai và ám chỉ cái gì ? Và nếu có dấu hiệu gì… làm sao mình biết chắc được? Không, không, không thể được” tôi khẻ nói, xoay trở gò má nóng bừng trên gối… Nhưng tôi còn nhớ rõ cảm xúc của Zinaida khi nàng đang kể chuyện…. Tôi nhớ lời than vãn của Lushin trong công viên Neskutchny, sự thay đổi đột ngột trong thái độ của nàng với tôi, và tôi hoang mang. “Người ấy là ai?” Những dòng chữ này sừng sửng trước mắt tôi trong bóng đêm, một vầng mây tàn ác lơ lững trên đầu, và tôi cảm thấy bị áp đảo đè nén, và mong cho mây chóng tan. Lúc gần đây, tôi đã quen thuộc, đã hiểu nhiều những gì xảy ra ở nhà Zasyekin; tình trạng bừa bãi mất trật tự, những mẫu nến bằng mở vụn vằn, dao nĩa sứt mẻ, lão bộc Vonifaty quạu cọ, những cô hầu gái ăn vận xốc xếch, phong thái của bà công chúa — lối sống kỳ dị của họ không cón làm tôi kinh ngạc nữa… Nhưng có một thứ, tôi đã mơ hồ nhận thấy ở Zinaida, vẫn không chấp nhận… “Liều lĩnh!” mẹ tôi đã nhận xét về nàng. Cô gái liều lĩnh, phiêu lưu –nàng, thần tượng của tôi, nữ thánh của tôi đấy ư? Hai chữ này như lưỡi dao đâm lút vào tim tôi, tôi lăn lộn trăn trở trên gối để cố quên đi — và cùng một lúc đó, có điều gì trên thế gian này tôi lại không bằng lòng đánh đổi, để được làm người ấy, con người may mắn bên cạnh bồn phun nước!…. Bầu máu nóng sôi sục trong huyết quản tôi. “Khu vườn… bồn phun nước,” tôi nói với tôi… “Ta phải đi ra vườn,” tôi mặc quần áo thật nhanh và len len đi ra. Đêm đen, cây côi hầu như nín bặt chẳng xào xạc, một luồng gió lạnh êm ái thổi từ trên cao xuống, hương thì là thoang thoảng từ phía vườn rau. Tôi đi khắp vườn; tiếng động nhẹ của bước chân tôi làm cho tôi vừa hoang mang vừa táo bạo; tôi đứng im, chờ và nghe tiếng tim mình đập nhanh và mạnh. Cuôi cùng tôi đến cạnh hàng rào, dựa lưng lên một thanh gỗ mỏng. Thình lình, hay đó chỉ là sự hoang tưởng, bóng dáng một phụ nữ vụt thoáng qua, chỉ cách tôi có vài bước….Tôi căng mắt cố nhìn xuyên qua bóng đêm, tôi nín thở. Cái gì thế? Có phải tiếng chân ai bước, hay chỉ là tiếng đâp thùm thụp của trái tim? “Ai đó?” tôi nói rất khẻ, gần như không nghe được. Một lần nữa, cái gì đây, phải chăng một tiếng cười cố nén… hay tiếng lá cây sột soạt vu vơ … hay một tiếng thở dài bên tai? Tôi cảm thấy sợ hải… “Ai đó?” tôi lập lại, lần này khẻ khàng hơn.

Không khí lay động trong chốc lát, một vệt lửa lóe ngang trời, một vì sao rơi rụng. “Zinaida?” tôi muốn gọi, nhưng tên nàng tắt trên môi. Và đột ngột mọi thứ chung quanh trở nên im ả vô cùng, như giửa đêm khuya… Châu chấu cũng ngưng rỉ rả — chỉ có tiếng cửa sổ lạch cạch khép đâu đây. Tôi đứng lặng và đứng lặng, rồi trở về phòng mình, trở về cái giường giá lạnh của tôi. Tôi có một cảm xúc lạ thường, như thể tôi đã đến một nơi hò hẹn bí mật, đã bị bỏ rơi, và đã rất gần kề, hạnh phúc đâu đó của ai kia.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN