Trong lòng Tiêu Mãn Y, Nam Sương là một kẻ gieo họa không hơn không kém. Lòng dạ kẻ gieo họa bí hiểm, xảo trá đa đoan, vừa hay lại khiến người ta không ghét nổi. Người như vậy ở bên cạnh còn đỡ, lúc không có ở bên thì lại làm người ta sợ mất mật, e sợ sẽ âm thầm giở mánh.
Y nhân Tiêu học múa từ nhỏ, cơ thể và gân cốt vô cùng tốt, dù bị nội thương nhưng nghỉ ngơi một đêm đã khá hơn nhiều rồi. Đợi uống thuốc, vội vã ăn sáng xong, nàng ấy đang muốn đi tìm hoa đào Nam về thì cửa lại bị đẩy ra kêu két một tiếng.
Người bình thường vào phòng sẽ đưa chân trước rồi cả người vào theo. Hoa Đào Nước Nam vào nhà sẽ thò đầu trước, quan sát một lúc mới chạy vào nhanh như chớp.
Tiêu Mãn Y nhìn thấy cảnh này thì không nhịn được chế nhạo: “Cô không đi làm ăn trộm thật là đáng tiếc”.
Nam Sương cười hề hề rất huyền diệu, nàng thong thả ung dung đi tới trước bàn, tay trái nắm lại. Đợi đến trước mặt Tiêu Mãn Y, nàng mới mở lòng bàn tay ra đưa tới cho nàng ấy, dọa cho Tiêu Mãn Y suýt nữa ngã xuống khỏi băng ghế: “Làm, làm sao cô lấy được tua kiếm của Diễn Phong?”.
Hoa đào Nam lại cười, nói: “Cô ngắm cẩn thận đi”.
Tiêu Mãn Y nghe thế thì sửng sốt, lại cụp mắt nhìn tua kiếm kia, tức khắc biến sắc mặt. Chỉ thấy dưới nút thắt hình rồng nằm có hai viên đông châu vô cùng quý giá, dưới đông châu có kết một nút thắt hoa năm cánh. Dưới nút thắt hình hoa mới là sợi tua rua màu xanh lơ.
Tua kiếm rồng nằm màu xanh lơ này chỉ một mình Mục Diễn Phong có, người trong thiên hạ đều nhận ra, buộc ở trên kiếm, dịu dàng mà mạnh mẽ, phong lưu phóng khoáng. Nhưng bị trang trí như thế, thêm hai viên đông châu còn thắt nơ hoa liền thêm mấy phần thanh tú, nếu để con gái dùng cũng rất tốt.
Mục Diễn Phong không thể so với ma đầu họ Vu tùy ý, mái tóc mực chỉ dùng dây xanh buộc lên qua quýt. Trang Lưu Vân là phái lớn hàng đầu giang hồ, Mục Diễn Phong lại là thiếu chủ, lúc tiếp đãi khách không tránh khỏi phải mặc áo mũ chỉnh tề. Trong đó có một mũ bịt tóc màu xanh nhạt, phía trên khảm hai viên đông châu, thanh nhã lại không mất uy nghiêm, quả thực rất đẹp.
Tiêu Mãn Y từng nhìn thấy mũ bịt tóc đó, ấn tượng rất sâu sắc. Vì vậy nàng ấy vừa liếc cái tua kiếm giả gái này đã biết được lai lịch của hai hạt đông châu đó.
Việc đã đến nước này, trong lòng y nhân Tiêu chỉ còn chín chữ: Phung phí của trời ôi phung phí của trời…
Nhưng nàng ấy lại không tiện quở trách Nam Sương. Dù sao xem cảnh này, Hoa Đào Nhỏ nhọc lòng thó mấy thứ này đến, còn biến tua kiếm rồng nằm uy vũ này thành trang sức cho nữ là vì tặng mình.
Trầm mặc một lúc lâu, Tiêu Mãn Y chỉ cảnh giác nói một câu: “Tự dưng ân cần, không phải gian trá cũng phường trộm cắp”.
Nam Sương ngồi xuống, vuốt cái nơ hoa nhỏ trên tua kiếm kia, lại đưa tới trước mặt Tiêu Mãn Y và bảo: “Tặng cô”.
Tiêu Mãn Y đấu tranh hồi lâu, tua kiếm kia càng nhìn càng thích. Chốc sau, nàng ấy nhận trái lương tâm, còn bất giác khẽ vuốt hai cái tua mảnh màu xanh lơ, lại ngồi nghiêm chỉnh hỏi: “Sao mà cô lấy được?”.
Lần trước hoa đào Nam cướp bạc của Vương Thất Vương Cửu, bị Vu Hoàn Chi bắt quả tang, lại không chống được sự bức cung lạnh lùng của ma đầu họ Vu, nàng đành thú nhận không e dè việc mình ăn trộm. Có kinh nghiệm thê thảm ấy, hôm nay hoa đào Nam đã tu luyện thành một con rùa nghìn năm, nàng mặt không biến sắc tim không đập nhanh, nói: “Tôi đòi tua kiếm, anh bèn ngầm cho phép, tôi cũng nói với anh về hai viên đông châu đó rồi”.
Tiêu Mãn Y nghe xong lời ấy thì thở phào một hơi, nhíu mày than thở: “Coi như cô vẫn còn chút lương tâm với người anh kết bái của cô”.
Lời này của hoa đào Nam lời nói này, như Khổng Tử hiệu đính Xuân Thu, trước sau xóa đi mảng lớn nhưng không phải dối trá.
Lúc đó, Mục Diễn Phong bị câu “phòng không chiếc bóng, xuân về hoa nở” của Nam Sương dọa cho cả kinh biến sắc, mở miệng một tiếng “ông trời ơi”, mở miệng một tiếng “không được”, thế nên hoa đào Nam nói cái gì làm cái gì, hắn đều không để trong lòng.
Tất nhiên Nam Sương đã hỏi chút chuyện của ma đầu họ Vu. Nàng thăm dò ra tình trạng trái cây của nàng, dễ bề biết người biết ta. Nhưng Mục Diễn Phong nghe xong một đoạn tỏ tình thật lòng thật dạ của Nam Sương thì thần hồn nát thần tính, nghe thấy “công tử Hoàn” ba lần là tự dưng xù lông một lần.
Tự dưng xù lông tức chỉ xù lông trong lòng, bề ngoài cố gắng bình tĩnh.
Vì vậy, sau buổi sáng thiếu chủ họ Mục bị hoa đào Nam bắn tiếng đe dọa thì người đã như lọt vào trong sương mù, trong lòng chỉ lo tính toán rốt cuộc ma đầu họ Vu sẽ dùng thức nào trong bảy thức Mộ Tuyết để giải quyết mình. Mình đánh trả hay là mặc cho y làm thịt?
Ông trời ơi, người là dao thớt, tôi là thịt cá, buồn thay đau thay.
Sau đó Nam Sương lại chuyển lời của Tiêu Mãn Y tới, nói câu: “Em chỉ thích anh như anh em chứ không phải tình yêu nam nữ”.
Với Mục Diễn Phong mà nói, những lời này giống như người đang chìm chợt vớ được một khúc gỗ, người đang đói chợt lấy được một cái bánh bao. Thiếu chủ họ Mục xúc động đến rơi nước mắt, không thể tự kiềm chế.
Vì vậy Hoa Đào Nhỏ đã mượn gió bẻ măng nói: “Em ngó thấy tua kiếm của anh rất đẹp, đáng tiếc hai ta kết bái mà chẳng có vật làm chứng”.
Lời này vang như sấm sét, bỗng làm lòng Mục Diễn Phong sáng ra, hắn lập tức nương theo, muốn chứng minh trừ tình anh em ra thì mình không có tư tình với hoa đào Nam, vì vậy tua kiếm kia đã rơi vào tay Hoa Đào Nhỏ.
Trước khi đi Hoa Đào Nhỏ chợt thấy áy náy với Mục Diễn Phong, bèn nói: “Em đến phòng anh xem thử kẻ dưới đã đưa đồ đạc của anh tới chưa, đưa tới hết chưa”.
Tất nhiên Mục Diễn Phong đã bằng lòng, còn khen một tiếng “Em gái ngoan”.
Tiêu Mãn Y có câu nói rất hay, Họa Thủy ngó xong sẽ sờ, sờ xong sẽ thử, thử xong sẽ thó, thó đi mất thì chẳng còn gì nữa.
Thế là viên đông châu đường đời lận đận ấy tới theo đạo này.
Nhìn sắc mặt Tiêu Mãn Y vẫn có vẻ do dự, hoa đào Nam lại nhắc nàng ấy: “Người trong thiên hạ đều nhận ra tua kiếm này”.
Tiêu Mãn Y bỗng nhiên hiểu ra. Tuy Mục Diễn Phong đã tặng nàng ấy một cái vòng tay, nàng cũng tự mình đa tình coi đó là tín vật đính ước, nhưng nói ra thì người khác sẽ không mấy tin tưởng. Nhưng tua kiếm này lại khác, nó là vật vua ban, tơ bện hình rồng nằm, chỉ một mình Mục Diễn Phong mới có. Nếu cầm nó ra ngoài thì ai nấy trên giang hồ đều tất sẽ tin phục.
Nghĩ đến chỗ này, y nhân Tiêu như nhặt được vật báu, nàng ấy vỗ bàn, hô lớn: “Họa Thủy nghĩa khí lắm!”.
Nam Sương cười hì hì rồi nghiêm trang lại, nói: “Gọi tôi Hoa Đào là được”.
Tiêu Mãn Y gật đầu, nói: “Tốt! Từ nay về sau tôi không gọi cô là Họa Thủy nữa mà gọi cô là Hoa Đào!”
Hoa đào Nam cũng vui sướng gật đầu, lát sau lại khó xử nói: “Nhưng tôi đã quen gọi cô là Yên Hoa rồi”.
Tiêu Mãn Y đực ra một lát, cụp mắt nhìn tua kiếm hình rồng nằm rồi rộng lượng nói: “Không sao cả, ngày sau nếu cô gặp chuyện khó khăn, tôi sẽ giúp cô!”.
Nam Sương thấy người đã sập bẫy thì vui vẻ nói: “Được được”. Dừng một lát, nàng đã hỏi một cách vô liêm sỉ: “Tôi nghe cha tôi nói, nếu muốn ăn một người, có phải bắt buộc phải dùng đến thuật phòng the không?”.
Nam Cửu Dương vốn nói là: Anh Giang! Thuật phòng the này diệu lắm, diệu lắm! Anh ắt có thể ăn sạch người đó không còn sót lại chút cặn!
Tiêu Mãn Y nghe thấy lời ấy, suýt chút nữa ngã khỏi ghế. Nhưng dẫu sao Y Nhân Hai Mặt cũng thấy nhiều biết rộng, uống hai chén nước là bình tĩnh lại.
Sau đó, y nhân Tiêu nói sâu xa: “Lời ấy không sai. Nhưng, khụ khụ, chuyện phòng the cần chăn gối chiếu nệm, quá trình này ấy à…”. Vừa nghĩ tới mấy năm bôn ba của mình, y nhân Tiêu không khỏi lắc đầu bi thương hát: “Tang thương sao nói cho cùng…”.
Hoa đào Nam nghe đến mê mẩn, vội vàng hỏi: “Quá trình gì cơ?”.
Tiêu Mãn Y liếc mắt nhìn nàng, thở dài nói: “Muốn có chuyện phòng the, phải có danh vợ chồng trước; muốn có danh vợ chồng, phải có hôn ước trước; muốn có hôn ước, phải có lệnh cha mẹ lời mai mối trước; đương nhiên, nếu không có lệnh cha mẹ lời mai mối thì ít nhất phải là đôi bên tình nguyện. Đôi bên tình nguyện chính là tình yêu nam nữ”.
Nam Sương gật đầu tỏ vẻ đã hiểu: “Phải có tình yêu trước rồi có hôn ước, lại bái thiên địa mới có thể ăn được trái cây”.
“Ba cái sau đều là thứ chân thực. Duy chỉ có tình yêu là khó đoán, biến hóa khôn lường nhất, trừ phi tự thể nghiệm, không thì khó mà phân biệt ảo diệu trong đó”. Tiêu Mãn Y lại giải thích, dừng một lát rồi than: “Thật ra xem nam nữ trong kịch nam cũng là một cách, đáng tiếc Giang Lam Sinh muốn đợi tôi khỏi bệnh mới dẫn hai ta đến lầu Thanh Thanh trấn Vân Thượng, bứt rứt đến sợ”.
Nam Sương nghe xong lời ấy, bỗng nhiên cười hì hì, hỏi: “Cô có muốn đến lầu Thanh Thanh không?”.
Tiêu Mãn Y nói: “Dĩ nhiên là muốn rồi”.
Nam Sương tìm trong tay áo, lấy ra hai tờ giấy gấp kĩ rồi đưa cho Tiêu Mãn Y, lại vỗ gáy, vội vàng chạy ra ngoài.
Tiêu Mãn Y nghi ngờ mở trang giấy ra xem, một tờ vẽ địa hình phía sau trang Lưu Vân, một tờ thì vẽ thôn xã đường núi chung quanh trang Lưu Vân, bao gồm cả trấn Vân Thượng.
Chỉ chốc lát sau, Nam Sương lại xách một cái bọc vào. Lúc đó, Tiêu Mãn Y đã quá quen với sự tiện tay thó trộm của hoa đào Nam, nàng ấy ung dung nhìn Nam Sương cởi bọc quần áo ra, ung dung nhìn nàng lấy một bộ áo dài nam từ trong bọc quần áo, ung dung nhận lấy bộ áo xanh từ tay nàng, sau đó sợ hãi kêu lên.
Cái áo xanh đó là của Vu Hoàn Chi.
Mặc cho Tiêu Mãn Y suy đi nghĩ lại cũng không ngờ hoa đào Nam dám nhổ lông đuôi hổ, thó xiêm áo của ma đầu họ Vu.
Nam Sương thấy thế vội nói: “Cái này không phải thó đâu”. Nàng lại cười hì hì: “Tôi dòm thấy góc áo của công tử Hoàn dính tuyết bèn bảo y thay, tôi giặt giúp. Giặt xong vẫn chưa trả nên tiện thể dùng một lát”.
Tiêu Mãn Y nuốt nước bọt, đưa trả cái áo xanh cho Nam Sương, nói: “Mặc xiêm áo này sẽ giảm thọ, đổi bộ khác cho tôi đi”.
Nam Sương lẩm bà lẩm bẩm rồi lại tìm kiếm một hồi trong bọc, lôi một bộ áo váy vạt xéo dài màu hồng cánh sen mềm mại ra và nói: “Bộ này thì sao?”
Tiêu Mãn Y nhận lấy xem, ướm trên người rồi liếc mắt hỏi: “Của Đồng Tứ à?”.
Hoa đào Nam gật đầu.
Y nhân Tiêu đỡ trán thở dài, ung dung đáp: “Đầu cậu ta nhỏ”.
Hoa đào Nam lại lật tìm một hồi, đưa ra một bộ áo xanh tím hoa văn mây, tay áo cổ áo hoa hòe hoa sói. Đợi Tiêu Mãn Y nhận lấy, nàng lại đưa ra một cái quạt lông trắng, nói: “Làm nguyên bộ”.
Tiêu Mãn Y quan sát một hồi, cầm đến trước gương đồng ướm thử, quay đầu lại cười nói với Nam Sương: “Xiêm áo của anh chàng này cũng đẹp ra phết”. Dứt lời, nàng ấy đi tới trước mặt Nam Sương, tùy ý đặt quạt lông trắng và áo hoa văn mây xuống bàn rồi cúi đầu tìm kiếm với Hoa Đào Nhỏ, vừa tìm vừa nói: “Có bộ áo dài màu đen với áo choàng màu bạc đó của Diễn Phong không…”.
Nàng ấy sa đọa rồi.
Một canh giờ sau. Hai người rón ra rón rén chuồn ra từ chái nhà tây. Một người mặc áo dài xanh, áo khoác xanh nhạt, thậm thà thậm thụt. Một người mặc áo dài màu xanh nước biển, cầm quạt lông trắng trong tay, lén la lén lút.
Nam Sương và Tiêu Mãn Y lần theo góc tường ra khỏi vườn Thấm Huân. Tham chiếu tấm bản đồ kia, họ tìm đến một cửa ra bí mật ở sau trang.
Mặc dù đã vào đông, cửa gỗ đen cũng chằng chịt dây leo, hai con ngựa đứng bên cổ thụ, thấy Nam Sương tới thì hí vài tiếng, đạp chân vẫy đuôi.
Tiêu Mãn Y tiến lên, đẩy cửa gỗ đen ra kêu két một tiếng, cái mát mẻ bên ngoài trang kéo vèo tới kèm theo mây mù vùng núi. Nàng ấy và Nam Sương cùng rùng mình mấy cái, song hưng phấn lạ thường.
Hai người dắt ngựa ra khỏi trang Lưu Vân, vừa đi vừa quay đầu lại vì có tật giật mình. Đợi đi được mấy trượng, Nam Sương và Tiêu Mãn Y cùng phòng người lên ngựa như có thần giao cách cảm, tư thế đẹp đẽ mà nhanh nhẹn.
Khe núi âm u tĩnh mịch, đột nhiên vang lên hai tiếng ra roi lảnh lót. Trên lưng ngựa, áo bào tung bay, nghiêng nước nghiêng thành.
Tiêu Mãn Y đón gió trên tuấn mã cấp tốc chạy băng băng, cười hỏi: “Đi như thế nào?”.
Lúc Nam Sương quay đầu lại, mái tóc dài màu mực như sóng biển phất qua gương mặt, nàng phóng ngựa rong ruổi, đáp: “Xuống núi!”.
Kinh Xuân Thu được coi là do Khổng Tử sáng tác.