Mùa Xuân Đang Đến - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
48


Mùa Xuân Đang Đến


Chương 4


17

Sau này những chuyện tương tự còn xảy ra mấy lần.

Dù sao Tứ tiểu thư vẫn còn nhỏ, sự kiêu căng ngạo mạn của nàng không chỉ thể hiện qua việc chuồn êm ra khỏi phủ, mà nàng còn bất hòa với Lục tiểu thư của chi thứ hai* trong Trương gia. Có lần trong lúc hai người tranh chấp với nhau, Lục tiểu thư không cẩn thận ngã xuống cầu thang khiến phần đầu bị thương.

[*Chi thứ hai ở đây là gia đình của em trai Trương Ngự Sử, người con trai thứ của Trương gia.]

Nhị phu nhân không chịu cho qua, vậy là từ tranh chấp của hai cô con gái đã trở thành mâu thuẫn giữa hai chị em dâu khiến Chu phu nhân rất đau đầu, cuối cùng bà ấy để ta quỳ xuống nhận sai, nói thẳng là do ta đứng gần đó nhất mà không giữ chặt Lục tiểu thư.

Ta cũng nhân tiện than thở khóc lóc giải vây cho Trương Mật: “Tứ cô nương thật sự chưa hề chạm vào Lục cô nương, là do nàng trượt chân một cái tự mình lăn xuống.”

Cái này thì khéo rồi, vừa đắc tội Nhị phu nhân xong, một cái tát ngay lập tức giáng xuống.

Xong chuyện Chu phu nhân hài lòng thưởng cho ta một miếng bánh ngọt, vỗ cánh tay ta khen ta thông minh lanh lợi.

Năm Trương Mật cập kê, mới chớm biết yêu, tương tư Thế tử Tưởng Đình của Trung Dũng Hầu phủ Khai Bình.

Bởi vì Tưởng Đình nhận lời mời của trưởng huynh tới phủ chơi mấy lần, nên cùng nàng ấy có vài lần gặp gỡ.

Đại công tử Trương Ngạn Lễ của phủ Ngự sử là một người rất thú vị, học vấn chẳng ra gì nhưng ỷ vào gia thế hiển hách nên cũng kiếm được một chức quan nhỏ trong kinh. Nhỏ tới cỡ nào ư? Thì là nhỏ đến nỗi chẳng bằng cả quan bát phẩm được tham dự điển nghi thiết đãi khách xem bắn cung của triều đình, nhỏ đến nỗi mà chính cha hắn là Trương Ngự Sử đại nhân còn xấu hổ không dám nhắc đến trước mặt người khác.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tuy không phải là nhân tài nhưng hắn cũng có sở trường riêng của mình.

Tỉ như am hiểu kết bạn kết bè, giao du với một đám con cháu nhà quan trong kinh, hôm nay hẹn đi chơi cờ, ngày mai hẹn đi đánh bóng ngựa, ăn nói khéo léo, thuận lợi mọi bề, quả thật vô cùng có cá tính.

Sau lần gặp gỡ tình cờ đầu tiên, Trương Mật lại nhìn thấy Tưởng thế tử thêm vài lần nữa, nhưng ngay từ lần đầu đứng xa xa chào hỏi nàng đã nhớ thương trong lòng rồi.

Thế tử Tưởng Đình của phủ Trung Dũng Hầu có dung mạo tuấn tú, cả người tản ra vẻ phong lưu phóng khoáng, phong độ nhẹ nhàng.

Người này ph óng đãng không chịu trói buộc, là một kẻ lão luyện tình trường, liếc một cái là đoán được ngay tâm tư của Trương Mật.

Nếu là tiểu thư thế gia bình thường thì làm gì có ai hắn không dám trêu đùa, nhưng Trương Mật thì khác, nàng ấy là quý nữ của phủ Ngự sử.

Trêu đùa xong rất khó rút lui an toàn.

Thế là nghĩ ngợi một hồi xong, lông mày Tưởng Đình nhíu lại, đối với chút tâm tư hồng phấn này của nàng ngoảnh mặt làm ngơ, coi như không thấy.

Thứ gì không chiếm được lúc nào cũng là tốt nhất, Trương Mật thương nhớ ngày đêm, đúng lúc gặp ngay dịp lễ hội hoa đăng sắp tới, lại lỡ nghe thấy huynh trưởng nói đã hẹn mấy người bạn và Tưởng thế tử xem hoa đăng ở Minh Nguyệt Lâu, ngay tức khắc liền quyết định sẽ ra phủ dự lễ.

Ta biết nếu dấu giếm chuyện này với Chu phu nhân thì tất nhiên đến cuối vẫn là ta gánh tội, cho nên tỏ ý muốn đi tìm phu nhân để xin được đồng ý.

Đương nhiên Trương Mật sẽ không chịu, giằng co một hồi nàng liền bất ngờ cho ta một bạt tai.

Nàng trách mắng: “Ban đầu mẫu thân chọn cho ta nhiều thị nữ như vậy, ta lại chỉ thân thiết với mình ngươi nên hình như Tiểu Xuân đã quên mất thân phận của mình là gì rồi thì phải, bây giờ còn dám quản chuyện của ta.”

Ta im lặng một hồi mới rũ mắt nói: “Thế gia cao quý, thân phận của tiểu thư cũng cao quý, chính vì như vậy nên mới càng không thể để tiểu thư vội vàng liều lĩnh được.”

“Chẳng qua ta muốn ra ngoài một chuyến mà thôi!”

“Việc này cần phu nhân đồng ý.”

“Ngươi biết rõ mẫu thân sẽ không đồng ý!”

“Vậy tiểu thư càng không nên đi, phu nhân nói ngài đã cập kê rồi, không thể cứ như ngày trước được nữa. Phu nhân đặc biệt dặn dò ta phải chú ý lời nói và hành động của ngài, có chuyện gì cũng phải báo lại cho phu nhân biết.”

“Tiểu Xuân! Ngươi….”

Trương Mật tức giận đến khó thở, dùng tay chỉ vào ta một hồi lâu mới nản lòng nhụt chí.

Nàng thở dài một tiếng, dường như đã suy nghĩ rõ ràng, sau đó đột nhiên kéo tay ta lại: “Vừa rồi không phải ta cố ý muốn đánh ngươi, ngươi sẽ không trách ta đúng không?”

Gương mặt xinh đẹp động lòng người kia hiện lên một chút đau lòng, ánh mắt ấy ngây thơ sạch sẽ….Ta không nhịn được lại nhớ đến câu cửa miệng của bọn họ.

[Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng]

Nàng và mẫu thân của nàng, cũng thật giống nhau.

18

Ta dựa theo sự phó thác của Trương Mật, một mình ra phủ đi tới cửa Minh Nguyệt Lâu chờ Tưởng Đình.

Nàng ấy viết một lá thư cho hắn. Đầu tiên, nàng ấy nói rằng đã tìm ra cách phá giải bàn cờ hôm trước Tưởng thế tử để lại lúc tới phủ chơi. Sau đó nàng ấy lại khéo léo bày tỏ sự tiếc nuối khi lần này không thể cùng huynh trưởng xuất phủ ngắm hoa đăng, vì để biểu lộ cõi lòng cuối cùng nàng ấy còn viết một câu như thế này—-

[Từ đây không còn thương nhớ đêm trăng đẹp, để mặc trăng xuống lầu tây không ai hay.]*

[Nguyên văn là Tòng thử vô tâm ái lương dạ, nhâm tha minh nguyệt hạ tây lâu. Đây là bài thơ Tả Tình của nhà thơ Lý Nghị, nói về cảm giác thất vọng, bất lực và thậm chí tuyệt vọng của nhân vật chính khi không hẹn hò được với người phụ nữ mình thích. Nhân vật chính trong bài thơ mong đợi cả mùa thu và chờ đợi trong cay đắng, nhưng cô ấy đã lỡ hẹn nên anh vô cùng thất vọng, điều này thể hiện một cách sinh động nỗi đau của một tình yêu tan vỡ.]

Lúc ta đứng đợi bên ngoài Minh Nguyệt Lâu, trên đường biển người tấp nập, chen chúc náo nhiệt, đèn đuốc sáng trưng.

Lễ hội hoa đăng, khắp chốn vui mừng.

Phồn hoa nơi kinh đô dường như mãi mãi đều náo nhiệt như vậy.

Cung biến năm ấy Bình Vương của phủ Yến Sơn vào kinh thành, chỉ dùng ba tháng đã đoạt vị đăng cơ thành công.

Thiên hạ này tính ra cũng chỉ rối loạn nửa năm mà thôi.

Thậm chí trong kinh thành còn không dấy lên sóng gió gì lớn.

Có lẽ Bình Vương chính là số trời đã định, mới tới nửa đường đã đánh cho quân của Trần Vương lui binh tán loạn, đến cuối cùng trực tiếp dẫn quân đánh thẳng vào nội uyển Hoàng cung, thuận lợi đăng cơ xưng đế.

Hắn là một Hoàng đế tốt, ba năm qua đi đất nước thái bình, bách tính yên ổn.

Quốc thái thì dân an, cho nên mấy tiểu thư khuê các như Trương Mật liền trông rất làm ra vẻ.

Từ đây không còn thương nhớ đêm trăng đẹp, để mặc trăng xuống lầu tây không ai hay….Thật buồn cười, nàng biết cái gì là sầu bi và tan vỡ sao?

Nàng sẽ không biết, nhưng những điều này, tất cả mọi thứ, ta, Tôn Vân Xuân đều hiểu.

Thiên hạ chỉ rối loạn nửa năm mà thôi, vậy mà lại khiến ta rơi vào cảnh tan cửa nát nhà.

Vẫn là hội hoa đăng, nhưng đã không còn thấy cảnh tượng náo nhiệt vui sướng của Trấn Thanh Thạch nữa….Bây giờ nghĩ lại, dường như đã mấy đời trôi qua.

Ta đứng ngoài cửa Minh Nguyệt Lâu đợi rất lâu mới thấy Tưởng Đình đi ra với một đám cậu ấm con quan.

Ta nhìn trái nhìn phải một hồi rồi dựa theo lời dặn dò của Trương Mật, thừa dịp huynh trưởng Trương Ngạn Lễ của nàng không có ở đây, bước nhanh tới chỗ Tưởng Đình, hành lễ rồi đưa thư cho hắn.

“Thế tử gia, đây là thư tiểu thư nhà ta muốn gửi tới ngài, xin ngài nhận cho.”

Tưởng Đình nhìn nhưng không nhận, nhướn mày nhìn ta một cái: “Là ngươi?”

Ta không lên tiếng, chỉ đưa thư ra một lần nữa.

Hắn cong môi cười rộ, lúc nhận thư ngón tay lại vô tình chạm phải tay ta.

Ta ngước mắt lên, hàng mi dài khẽ rung, ngay sau khoảnh khắc bốn mắt nhìn nhau ta liền nhanh chóng cụp mắt xuống.

“Tiểu Xuân xin cáo lui.”

Lúc xoay người muốn đi thì cổ tay bị hắn kéo lại.

Đường phố nhộn nhịp, khắp chốn đều là tiếng người huyên náo, mắt hắn chứa ý cười sâu xa, nhích lại gần ta nói: “Tiểu Xuân cô nương, lúc nào ngươi cũng nhìn lén ta, ta đã nhìn thấy không chỉ một lần đâu.”

Hắn nói đúng.

Thời điểm Thế tử nhà Trung Dũng Hầu tới chơi, dường như Trương Mật không phải là người duy nhất động lòng.

Mỗi lần nàng ấy đi về phía hắn, Tiểu Xuân cô nương luôn ngoan ngoãn nghe lời đi bên cạnh cũng sẽ kinh ngạc ngước mắt, bốn mắt vừa chạm liền hốt hoảng dời ánh nhìn đi.

Nàng cắn môi, đuôi mắt hồng hồng, tựa như nỗi lòng giấu ở nơi sâu nhất bất ngờ bị phát hiện.

Ta đã từng nói, Tưởng Đình là kẻ tình trường lão luyện.

Nên đương nhiên hắn có thể nhận ra trong ánh mắt đó cất giấu điều gì.

Hắn không muốn trêu đùa Trương Mật, nhưng nếu đó là ta thì hắn chẳng hề có chút ít băn khoăn.

Cho nên đêm hội hoa đăng hôm nay, hắn tìm được cơ hội ghé vào tai ta thì thầm đôi câu: “Tại sao cứ nhìn lén ta?”

Ta cắn môi không trả lời, hồi lâu sau mới dùng giọng nói nhẹ nhàng đáp lại: “Tất nhiên là vì ngưỡng mộ thế tử.”

Đáp án như trong dự đoán, Tưởng Đình không quá bất ngờ, nở nụ cười hài lòng giơ tay nhéo mặt ta một cái.

“Tiểu Xuân.”

Ngẩng đầu nhìn về phía tiếng gọi, giữa đám người đông đúc, hoa đăng bay phấp phới, Nhị công tử Trương Vân Hoài của phủ Ngự Sử bất ngờ xuất hiện.

Chu phu nhân có hai nam một nữ, ngoài Đại công tử Trương Ngạn Lễ không biết cố gắng thì đứa con trai còn lại chính là Nhị công tử được toàn bộ phủ Ngự Sử yêu thương.

Năm nay mười chín, thiếu niên có tài, danh tiếng lan xa, mười bốn tuổi đã là tiến sĩ trên bảng vàng.

Sau khi Bình Vương đăng cơ, vì để nhanh chóng củng cố quân quyền, ngoại trừ khoa khảo ba năm một lần thì còn tiến hành kỳ thi tuyển đặc biệt.

Trương Vân Hoài được tiến cử và trực tiếp được khâm điểm trở thành thứ cát sĩ của viện Hàn Lâm, đến Lục bộ quan sát và học tập chuyện triều chính.

Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, tương lai hắn sẽ là người xuất sắc nhất trong thế hệ này của tầng lớp quan lại thế gia, sẽ trở thành đại thần Nội các như ông nội của hắn đã từng.

Việc kéo dài vinh dự và làm rạng rỡ tổ tông của Trương gia là trách nhiệm nặng nề được đặt trên vai hắn.

Nhị thiếu gia trời sinh đã như trăng sáng, vô luận hắn ở nơi nào, cho dù sau lưng có ngàn vạn ngọn đèn rọi chiếu thì cũng không che được vẻ nghiêm nghị vương giữa đôi mày kia.

Trông hắn khi nào cũng giống ông cụ non, nhưng tính cách lại rất ôn hòa và cực kỳ nghiêm túc.

Bị hắn gọi lại ngay giữa đường, ta lập tức cúi đầu xuống rồi nhanh chóng đi tới bên cạnh hắn.

Hắn chắp tay thi lễ với Tưởng thế tử, nhẹ nhàng hàn huyên vài câu liền muốn cáo từ.

Tưởng Đình cười nhạt nói: “Ngạn Lễ huynh còn đang ở trong Minh Nguyệt Lâu, giai nhân bên cạnh, đã say đến bất tỉnh nhân sự rồi, Nhị công tử không đưa huynh ấy về nhà sao?”

“Tất nhiên ta sẽ đưa huynh trưởng về, làm phiền thế tử nhớ mong, ta thay huynh trưởng cảm tạ ngài.”

19

Hình như tâm trạng của Trương Vân Hoài không được tốt lắm.

Đại công tử được người hầu nâng lên xe đi về phủ trước, hắn lại chỉ dẫn theo một tùy tùng tính đi bộ về phủ.

Ta cùng tên tùy tùng Phúc Sanh kia đi đằng sau hắn, cả đoạn đường về không ai nói năng câu nào.

Đã đến giờ hợi, người đi trên phố dần thưa lại, nhưng vì đang là ngày lễ nên không khí vẫn rất náo nhiệt, nơi nơi giăng đèn kết hoa, sáng như sông sao rực rỡ.

Cả đường đi ta đều cúi đầu im lặng bước theo, nhưng Trương Vân Hoài chẳng biết đã dừng bước từ bao giờ, hắn quay đầu nhìn ta một cái.

Nhị công tử dung nhan đẹp đẽ, mặc một bộ quần áo dệt gấm vàng, áo choàng lông phượng khoác trên vai khiến dáng người trông cao gầy tuấn tú cực kỳ. Ánh mắt hắn vừa liếc tới đã cảm thấy người này phong hoa thanh nhã, cao quý không tả nổi.

Ta đuổi kịp bước chân của hắn, nhưng vẫn cứ cúi đầu đi bên cạnh.

Rốt cuộc hắn cũng mở miệng, ấy thế mà lại không hỏi tại sao ta sẽ xuất hiện ở Minh Nguyệt Lâu, chỉ lạnh lùng nói: “Tưởng thế tử này cũng không phải là người lương thiện.”

Ta nhẹ nhàng gật đầu.

Hắn lại nói tiếp: “Vốn dĩ ta nghĩ rằng, ngươi khác bọn họ.”

Giọng điệu không chút cảm xúc, cũng không nghe ra thâm ý sâu xa gì.

Ta hiểu ý hắn nói, từ nhỏ hắn đã là tâm điểm của sự chú ý, là ánh trăng cao vời vợi, là thiếu niên tuổi trẻ tài cao, đừng nói là phủ Ngự Sử, dù là khắp kinh đô này cũng không có lang quân nào xuất sắc hơn hắn.

Lúc ta mới tới phủ Ngự Sử đã từng ở cùng với Đỗ Nhứ Liễu trong Tây viện, nàng ấy là cháu gái của Đỗ di nương bên chi thứ hai.

Đỗ di nương không giống dì Trịnh của ta, bà ấy cực kỳ thông mình, xinh đẹp quyến rũ, có một đôi mắt phượng đoạt phách câu hồn, là người Nhị gia yêu thương nhất.

Dưới sự quản thúc sát sao của Nhị phu nhân mà bà ấy vẫn sinh được một đứa con trai cho Nhị lão gia, cũng không biết bà ấy đã dùng thủ đoạn gì mà Nhị phu nhân nổi tiếng là tính tính không tốt lại dễ dàng tha thứ chuyện này như vậy.

Không thể nghi ngờ rằng Đỗ di nương là một người thông minh, cũng chính vì sự thông minh này mà cô cháu gái Đỗ Nhứ Liễu của bà ấy khác hoàn toàn với ta. Cùng là người nhà mẹ đẻ của thiếp thất đến phủ tìm nơi nương tựa, nhưng Đỗ cô nương của chi thứ hai cao quý hơn ta rất nhiều.

Nàng ấy có một khuôn mặt trái xoan, dáng vẻ yểu điệu thướt tha, cũng không cần làm thư đồng, chỉ cần duyên dáng yêu kiều mà đứng cạnh Đỗ di nương thì mọi người đều sẽ gọi nàng một tiếng “Đỗ cô nương”.

Không giống ta, người của phủ Ngự Sử lúc nhớ tới sẽ gọi ta một tiếng Tiểu Xuân cô nương, còn đại đa số thời gian đều trực tiếp gọi là Tiểu Xuân, hoặc gọi thẳng là Tôn Vân Xuân.

Dì Trịnh của ta vì việc này mà thường xuyên thở dài, đôi lúc còn ưu phiền đến rơi lệ.

Dì nói: “Nếu con tìm đến ta sớm vài năm, ta còn trẻ trung hơn thì lão gia cũng sẽ đối xử với ta không tệ….”

Ta nhìn dì ấy im lặng gạt lệ, thì thầm nhỏ to an ủi một hồi mới thôi. Nói vậy nhưng thực ra trong lòng ta buồn cười cực kỳ.

Người dì ngốc của ta vẫn còn nghĩ rằng ta không được tôn trọng như Đỗ Nhứ Liễu là bởi vì Đỗ di nương của chi thứ hai được cưng chiều sủng ái hơn dì ấy.

Dường như tất cả mọi người đều nghĩ như thế.

Ngay cả Đỗ Nhứ Liễu cũng vậy.

Tỉ như mỗi lần nhìn thấy Nhị công tử Trương Vân Hoài, khi mà ta giống hệt một nha hoàn, cung kính gọi hắn là “Nhị công tử” thì Đỗ Nhứ Liễu luôn dịu dàng mà nhìn hắn, e ấp gọi một tiếng “Nhị biểu ca”.

Nhưng, nàng ấy và ta thật sự khác nhau sao?

Tuyết phủ trắng xóa đồng hoang, đẹp thì đẹp đó, nhưng khi tuyết tan rồi con đường nào cũng sẽ là vũng bùn lầy lội mà thôi.

Chúng ta đều sinh ra ở đại địa, bắt rễ trong bùn từ buổi bình minh, đã định sẵn không thể trở thành miếng ngói ngọc sáng lóng lánh trên mái hiên.

Thế nhưng Đỗ Nhứ Liễu không hiểu đạo lý này, nàng ấy và cô cô Đỗ di nương của mình đều giống nhau, liều mạng muốn chui ra khỏi nền đất, muốn leo lên mái hiên, hệt như thể nếu trèo cao hơn một chút, rồi lại cao hơn một chút nữa thì sẽ có thể biến thành một trong những miếng ngói rực rỡ ấy.

Chỉ là nàng ấy đã quên, rễ cây của mình vẫn đang vùi dưới mặt bùn.

Càng leo cao, càng kéo mạnh thì nguy cơ sụp đổ sẽ hiện diện ở tương lai gần càng sớm.

Người như chúng ta lẽ ra nên thành thật cắm rễ dưới nền đất, đúng chứ?

Chúng ta cần phải cắm rễ thật sâu, bén rễ nảy mầm như cỏ dại, cố gắng hết sức hấp thu tất cả mọi thứ, tự mình trở thành một gốc cây to lớn, để có thể bao trùm những thứ cần bảo vệ.

Tôn ti của thế gia đã khắc vào bản năng, đã viết vào lễ pháp*.

[Lễ pháp: kỷ cương, phép tắc của xã hội]

Chúng ta không thể trở thành một miếng ngói, nhưng có thể trở thành một gốc cây to lớn, có cành lá xum xuê trải dài ở một độ cao ngang bằng với mái hiên, có lẽ sẽ còn cơ hội vút bay tới nơi mà miếng ngói không thể với đến.

Vậy nhưng bọn họ không hiểu những điều này.

Khi đó Đỗ cô nương vẫn còn đang nằm mơ, giấc mơ ấy là Nhị công tử trời quang trăng sáng, ánh mắt e lệ ấy, tấm lòng nhiệt liệt ấy, chẳng biết đã trở thành trò cười mà ai ai trong phủ Ngự Sử cũng biết tự bao giờ.

Nàng ấy không biết, thời điểm các vị tiểu thư trong phủ tụ hội với nhau, thời điểm họ trò chuyện vui vẻ, cười nói dịu dàng với nhau ấy, chính mình đã bị châm biếm giễu cợt như thế nào.

“Cô cô của nàng ta chẳng qua là một đứa thiếp, mọi người gọi nàng ta một tiếng Đỗ cô nương thôi mà nàng ta dám dát vàng lên mặt mình, dám xưng hô với nhị ca là biểu huynh, quả thực không biết xấu hổ.”

“Các ngươi trông thấy ánh mắt nàng ta nhìn Nhị ca chưa? Chắc hẳn đã học được chân truyền của Đỗ di nương rồi, cả người lúc nào cũng tản ra mùi vị lẳng lơ của hồ ly tinh.”

“Chớ không phải nàng ta đang mong đợi Nhị ca sẽ dùng con mắt khác nhìn mình? Điên rồi hay sao? Người như nàng ta làm thiếp cho Nhị ca cũng không xứng.”

…..

Lúc các nàng ấy bàn tán với nhau, Trương Mật cũng có mặt ở đó, còn xúc động cảm khái một câu: “Nhị ca như thế, cũng không trách được bọn họ có tư tâm.”

Nàng nói là “bọn họ”.

Trước khi xuất hiện Đỗ cô nương, trong phủ đã từng có Tần cô nương, Lý cô nương.

Đại công tử của phủ Ngự sử đã lấy vợ sinh con từ lâu, thiếp thất vô số, lại còn khoe khoang đó là phong nhã, đôi lúc uống quá chén rồi chia sẻ mỹ thiếp với đám con quan thế gia cũng là chuyện xảy ra thường ngày.

Phu nhân của chi thứ hai chỉ sinh được một Lục cô nương, hai đứa con trai của Nhị lão gia đều là con vợ lẽ.

Có trách thì phải trách Trương Vân Hoài không chỉ tôn quý, mà còn trong sáng như ngọc, dung nhan tựa tuyết.

Giống như lời của Trương Mật đã nói, nha hoàn và thị nữ hầu hạ bên cạnh Nhị ca của nàng có rất nhiều người không biết thân biết phận, tâm tư lòng dạ đều dùng sai chỗ.

Sau này đã bị Chu phu nhân hung hăng chỉnh đốn một hồi.

Mà có thể do Nhị công tử đã thấy rất nhiều điệu bộ như vậy nên nội tâm chán ghét tột cùng, ánh mắt lạnh lùng liếc nhìn một cái, rét lạnh như băng tuyết, nghiêm khắc khiến lòng người sợ sệt.

Hắn là một người đoan chính ngay thẳng, là một người cực kỳ có chủ kiến.

Cũng bởi vì như vậy nên Chu phu nhân rất yên tâm với hắn.

Nhưng đến tuổi nhược quán rồi mà hắn vẫn như thế, ngay cả tỳ nữ thông phòng cũng không có, chuyện này khiến Chu phu nhân nhọc lòng suy nghĩ rất nhiều.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN