MÙA XUÂN Ở CĂN NHÀ CŨ - Chương 13: Đồ Tặng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
247


MÙA XUÂN Ở CĂN NHÀ CŨ


Chương 13: Đồ Tặng


Á!” Mũi Trình Nặc bị đập đau.

Che mũi ngẩng đầu nhìn người va phải, cô ngạc nhiên hô lên: “Sao anh lại ở đây?”

Tông Lãng cũng rất bất ngờ: “Đã trễ thế rồi mà còn đến mua đồ à?”

Trình Nặc ấp úng, ánh mắt lướt qua quầy để khăn giấy, chỉ thấy vài ba cuộn giấy, nhìn vào trong nữa song tầm mắt lại bị cản.

Miệng lại nói: “À, tôi, tôi đi mua rượu!”

Tông Lãng nhìn theo ánh mắt cô, tùy ý ồ một tiếng, chế giễu: “Xem ra nghiện rượu rồi đấy nhỉ.”

“Anh cũng mua đồ hả?” Trình Nặc hỏi anh.

Tông Lãng giơ chìa khóa trong tay lên, cười nói: “Hôm nay ông chủ có chuyện, nhờ tôi đóng cửa hộ.”

Trình Nặc à lên, “Thì ra anh thân với ông chủ đến thế.” Nhưng trong lòng lại nghĩ, sao mình có thể tìm băng vệ sinh ở trước mặt anh ta được.

Từ từ đi vào tiệm, đến kệ hàng đặt mấy loại giấy thì lén lút nhìn, hộp khăn giấy, giấy cuộn, dao rọc giấy đều có cả, chỉ là không có băng vệ sinh.

Thấy ở đây không có bán, cô đành phải mua một chai rượu, đến khi sờ túi mới phát hiện mình ra ngoài vội quá, quên đem theo tiền. Thế là thôi trả rượu về chỗ cũ.

Tông Lãng hỏi cô: “Không mua à?”

Trình Nặc nói không mua, “Quên đem tiền.”

Rồi lại hỏi Tông Lãng, “Anh có biết chuyến phà sớm nhất sáng mai là mấy giờ không?”

Tông Lãng nói năm rưỡi, Trình Nặc tính toán, bắt chuyến sớm nhất lên trên trấn thì lúc về cũng hơn bảy giờ, chắc là không lỡ chuyện khởi công đâu.

Trình Nặc rời khỏi tiệm, Tông Lãng tắt đèn kéo cửa cuốn xuống, trong nháy mắt ánh sáng biến mất. Trình Nặc vội mở điện thoại ra, xui thay hết pin.

Cô cực kỳ hối hận, sớm biết cửa tiệm không bán băng vệ sinh thì đã không đến rồi. Giờ làm thế nào đây, đường đi tối om không thấy rõ lối, sao về được đây?

Tông Lãng khóa kỹ cửa, hỏi cô: “Không đi à?”

Trình Nặc nói: “À, đi… Anh ở đâu?”

Tông Lãng chỉ về hướng ngược lại lúc cô đến. Trình Nặc thêm phần thất vọng, nhìn đường đen kịt, chỉ đành cắn răng đi về.

Nhưng đi chưa được mấy bước thì chợt thấy có luồng sáng chiếu rọi mặt đường phía trước. Quay đầu lại nhìn, Tông Lãng đang đi sau lưng cô, tay cầm đèn pin.

“Không phải anh ở bên kia sao?” Cô lấy làm lạ hỏi.

Tông Lãng đáp phải, “Nhưng sớm quá không ngủ được, đi dạo một lát.” Trong giọng còn mang ý cười.

Trình Nặc nghĩ, tối thế này thì đi dạo cái gì?

Trùng hợp là, tuyến đường Tông Lãng đi dạo trùng với đường về nhà của Trình Nặc. Hai người một trước một sau yên lặng bước đi, cho đến khi về nhà, Trình Nặc mới chợt hiểu ra, anh ta cố ý đưa cô về.

“Cám ơn anh.” Cô nói với Tông Lãng.

Tông Lãng hỏi: “Cám ơn cái gì?”

“Cám ơn anh đã đưa tôi về.”

Tông Lãng cười, “Vào đi, đợi cô khóa cửa thì tôi sẽ đi.”

Trình Nặc lại nói cám ơn rồi mở cửa vào. Luồng sáng sau lưng vẫn còn đó khiến cô yên tâm phần nào. Vào cửa, khóa chốt bên trong, lúc này cô mới nghe thấy tiếng bước chân rời đi của Tông Lãng.

Về lại phòng, cô đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, chùm sáng kia dần dần rời xa.

Cho đến khi mọi thứ biến mất, Trình Nặc mới nhớ đến phiền não của mình, hết cách rồi, đành dùng tạm khăn giấy thấm qua đêm. Sau đó cắm sạc điện thoại, bật nguồn lên, hẹn báo thức năm giờ.

Ngủ trên giường nhưng cứ luôn bất an, cô sợ làm bẩn khăn trải giường, cứ chốc chốc lại bò dậy kiểm tra, đến nỗi cô còn nghi ngờ có phải mình bị hội chứng ám ảnh không.

Thế là dứt khoát lấy sách đọc. Đọc đường chừng mười trang thì mắt ríu lại. Cô chui vào chăn chuẩn bị ngủ. Chợt trong cơn mơ màng nghe thấy tiếng gõ cửa, nhưng lại không giống. Âm thanh kia như ở ngay sát bên tai. “Cộc cộc cộc” rất vang, hình như còn có người gọi tên cô.

Cô choàng tỉnh dậy, “Ai!”

Ngoài cửa sổ vang lên giọng nói quen thuộc, “Tôi, Tông Lãng.”

“Tông Lãng?” Trình Nặc nhìn điện thoại đặt bên gối, đã mười giờ rồi, anh ta đến làm gì.

“Anh có chuyện gì không?” Cô không nhúc nhích, có phần căng thẳng.

“Cho cô ít đồ thôi, treo trên cửa sổ, tôi đi trước đây.”

Vừa dứt lời, Trình Nặc liền nghe thấy có tiếng bước chân rời đi. Đầu óc cô mơ hồ, không biết đêm hôm khuya khoắt mà anh ta cho cô thứ gì nữa, tại sao không đợi đến mai.

Mang theo phòng bị xuống giường, cô bước đến gần cửa sổ, vén một góc áo lên nhìn, thấy trên con đường trước mặt có luồng sáng càng lúc càng đi xa.

Trên cửa sổ treo một bịch đồ màu đen, không thấy rõ bên trong là gì. Cô kỳ quái mở cửa sổ ra, cầm túi vào, vừa nhìn thì suýt nữa đã bật lên thành tiếng.

Là hai bịch băng vệ sinh!

Trình Nặc trợn mắt, rồi lại vén áo lên, nhìn luồng sáng đã rời xa kia.

Trời ạ! Sao anh ta lại, lại đưa băng vệ sinh cho cô? Sao anh ta biết được, anh ta lấy thứ này từ đâu ra đây? Rõ ràng trong cửa tiệm không có bán mà.

Đầu óc Trình Nặc rối ren, cả người rơi vào trạng thái trống rỗng, mặt đỏ bừng.

Cuối cùng, cô vẫn dùng hai bịch băng vệ sinh kia.

Nằm trên giường mà mặt vẫn còn đỏ như máu. Làm sao đây? Ngày mai gặp anh ta phải nói gì đây? Càng nghĩ càng phiền não, cô đá chăn lộn xộn.

“A! Sao anh ta lại làm chuyện này cơ chứ, thật đúng là, không tài nào hiểu nổi!”

Đây là lần đầu Trình Nặc mất ngủ từ khi chuyển đến ngôi nhà cũ này, mãi đến khi chân trời ửng sáng cô mới ngủ được. Đến buổi sáng, báo thức đổ N lần mới đánh thức cô dậy, cầm điện thoại lên xem, đã sáu rưỡi rồi.

Tông Lãng nói bảy giờ hơn sẽ dẫn người đến, cô vội bật dậy, gấp gáp thay quần áo rửa mặt, vừa chuẩn bị xong thì ở sân trước có động tĩnh.

Trình Nặc chạy ra nhìn, Tông Lãng, chú La, chú Lưu và bác Ngô đều đã tới cả rồi.

Cô chào hỏi đội thi công cao tuổi, đến lượt Tông Lãng thì đột nhiên cổ họng mắc lại, không biết phải nói gì.

Tông Lãng khẽ mỉm cười, gật đầu chào cô, trên mặt không có gì khác thường.

Rồi anh quay sang nói với chú Lưu: “Không phải chú Lưu đã tính giờ lành để khởi công sao, là mấy giờ vậy?”

Dường như cuốn lịch vạn sự của chú Lưu không hề rời người, chú giở sách ra chỉ cho Tông Lãng xem, “Bảy giờ mười tám phút! Chỉ mấy phút nữa thôi, nào nào, dọn dây pháo ra đã.”

Lúc này Trình Nặc mới để ý thấy, bọn họ còn đem theo một dây pháo rất dài đến.

Chú Lưu cười nói với Trình Nặc, “Khởi công phải đốt pháo, cầu thuận lợi!”

Trình Nặc ồ lên gật đầu lia lịa, ánh mắt lơ đãng nhìn sang Tông Lãng. Anh đang xé túi đựng pháo, đặt dây pháo vào giữa sân. Vì quá dài nên cuộn tròn mấy vòng.

Cô có phần do dự, không biết có nên nhắc lại chuyện tối qua không. Nếu nói thì cảm thấy mất mặt, hơn nữa cô không hiểu ý anh ta lắm. Cô không phải bé con gì nữa, không cho rằng những hành động đó của anh ta chỉ xuất phát từ tâm địa tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ hàng xóm mới đến. Giúp cũng không giúp như thế, lại còn là chuyện riêng tư.

Cô sợ hãi tâm tư ẩn giấu sau hành động của anh ta.

Không nhắc đến ư? Dẫu gì chuyện cũng đã xảy ra rồi, bất kể anh ta có tâm tư gì thì nhìn vào, cô vẫn nên nói câu cám ơn. Dù gì từ nay trở đi, hai người bọn cô sẽ vẫn còn gặp nhau. Nếu không nhắc đến, trái lại còn giống như cố ý biến chuyện kia thành bí mật, là bí mật của hai người họ, giấu giếm không nói rõ, nhưng rõ ràng đã xảy ra, mang hơi thở mập mờ bí mật.

Trình Nặc không nghĩ như vậy.

Cô nhớ hôm qua ở trên phà nghe thấy anh nói với bạn mình rằng: không phải ‘rau’ của tôi.

Cô không phải rau của anh ta, nhưng anh ta còn làm mấy chuyện mập mờ thế này, có thể thấy được không phải là người tốt lành gì.

Cô nhìn Tông Lãng, anh đang chỉ trỏ căn nhà với chú La, dường như đang thảo luận xem nên bắt đầu bắt tay từ đâu.

Quần áo nhếch nhác, không cạo râu, lấy thuốc ở cửa tiệm mà không trả tiền, còn cân đo đong đếm lắp có một ổ điện mà lấy của cô một trăm ngàn, làm ra chuyện mập mờ khiến cô khó chịu…

Trình Nặc phát hiện mình có thể liệt kê được trăm khuyết điểm của anh ta, đủ để dập tắt chút rạo rực trước đó của mình.

Tốt, tốt lắm!

Cô quay về phòng lấy tờ hai mươi đồng, đưa tiền cho Tông Lãng ở ngay trước mặt chú La.

“Đây là tiền mua đồ tối qua, đã làm phiền anh quá rồi, cám ơn anh.”

Trình Nặc cố để mình nở nụ cười khách sáo, vừa chân thành lại trong sáng.

Tông Lãng nhìn chằm chằm tờ tiền, một lúc sau mới nhìn vào mắt cô, nói: “Thiếu năm đồng.”

“Hả? Cái gì?”

Anh nhận lấy tờ hai mươi, nhét vào túi sau rồi thôi nhìn, “Mua đồ hết hai mươi lăm đồng, thiếu năm đồng.”

Trình Nặc sực tỉnh, “À, à! Để tôi đi lấy.”

Cô nhanh chóng chạy vào phòng, lục tìm trong ví tiền, không có tờ năm đồng nên lấy năm xu tiền, lúc đi ra thì chú La không còn ở đấy nữa, chỉ có một mình Tông Lãng đang châm thuốc.

Trình Nặc đưa tiền cho anh, anh nhận lấy cười một tiếng, cũng không nói gì mà đi tìm chú Lưu.

Trình Nặc nghe thấy anh hỏi chú Lưu.

“Đã đến giờ lành chưa chú Lưu?”

Bảy giờ mười tám phút, dây pháo đúng lúc vang lên, nổ đùng đoàng, giấy đỏ văng đầy đất.

Mặt trời đã dâng cao, chiếu sáng khoảnh sân đầy giấy vụn, cho ngôi nhà cũ yên tĩnh này thêm sắc thái.

Nhà cũ dùng xà gỗ, bên trong còn có bốn cột trụ bằng gỗ. Chú La nói phải đập mảng tường nứt bên trái kia, cho nên trước hết phải chống cho xong nóc nhà bên trái, phòng ngừa nóc sụp.

Công cụ đã được Tông Lãng chở tới từ trước, nhưng muốn chống đỡ thì phải dùng đến đồ gỗ. Chú La nói nhà chú ấy có, thế là tất cả kéo đến nhà chú La, chuyển đồ gỗ đến.

Vì cần thể lực nên Trình Nặc không giúp được gì, sức cô còn kém xa bác Ngô hơn sáu mươi tuổi. Thế là cô bắt đầu chuyển đồ lặt vặt ở căn phòng bên trái ra, chất ở sân trước, tránh lúc dỡ tường bị đổ vỡ.

Bên trong toàn là đồ cũ không dùng được, dụng cụ bị gỉ, rương gỗ phai màu, ghế thiếu chân, thậm chí còn có một cối đá, lung tung lang tang cái gì cũng có. Còn cả một chiếc giường trúc, rộng chừng một mét dài hai mét, vẫn còn tốt chán. Trình Nặc nghĩ hay lắm, mùa hè có thể đặt trong sân hóng mát. Có điều thử mấy lần, nhưng chỉ một mình không dọn nổi.

“Chị Trình Nặc, em đến đây!”

Trong sân bỗng vang lên giọng của Bạch Nguyên.

Trình Nặc vội kéo cậu ta vào, “Mau vào đây đi Bạch Nguyên!”

Bạch Nguyên vội chạy vào phòng, Trình Nặc chỉ giường trúc, nói với cậu ta: “Chuyển cái này ra ngoài giúp chị đi!”

Bạch Nguyên nhìn nói: “Thứ này vẫn còn ở đây à, hồi bé cứ đến hè là em ngủ trên nó đấy, mát lắm.”

Vừa nói vừa dọn, có sức lao động sống là Bạch Nguyên đây, đồ trong phòng đều được chuyển ra cả. Trình Nặc lấy điện thoại, chụp mấy tấm ảnh.

Phía Tông Lãng cũng đã dọn xong đồ gỗ rồi, chuẩn bị bắt đầu dựng cột chống. Bạch Nguyên đi qua giúp.

Chú La là thợ mộc nên hiểu chuyện này nhất. Hồi trẻ chú Lưu từng làm thợ nề, hai người giúp một tay, chỉ huy Tông Lãng và Bạch Nguyên, còn bác Ngô giúp chuyển đồ.

Trình Nặc chạy tới chụp mấy tâm, chú La chê cô cản trở nên xua cô đi.

Trình Nặc bèn đi chuẩn bị cơm trưa. Lại chạy ra cửa tiệm, lấy ít thịt gửi hộ ở đó về. Hôm qua cô mua rất nhiều thịt ba chỉ, hôm nay ăn lớn nên tính làm thịt kho.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN