Mười Bảy Mùa Hè Ở Nam Giang - Chương 4-3: Tuổi thơ, hẹn gặp lại (3)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
144


Mười Bảy Mùa Hè Ở Nam Giang


Chương 4-3: Tuổi thơ, hẹn gặp lại (3)


Đông qua xuân đến.

Khi thời tiết ấm áp trở lại, Lâm Gia Dân lại tâm huyết dâng trào, muốn thực hiện lại kế hoạch “rèn luyện thân thể” của hẻm Nam Giang. Lần này, anh không chỉ muốn bọn trẻ chạy mà còn muốn người lớn cũng tham gia. Thế nhưng, thất bại của một năm trước rành rành trước mắt như thế, cho dù là người lớn hay bọn trẻ đều không quan tâm đến kế hoạch của anh lắm.

Thẩm Huỷ Lan ghét bỏ nói: “Em lạy anh làm cho tốt, đừng có để mất mặt nữa.”.

Đối với hành động “tránh như tránh hủi[1]” của xóm làng, Lâm Gia Dân chỉ cười mỉa. Chỉ có mỗi Tô Khởi ở lại tại chỗ. Lâm Gia Dân lập tức cười nói: “Tô Khởi, cháu muốn tham gia hả?”.

[1] Chỗ này tiếng Trung dùng “作鸟兽散”, ý nói chim chóc muông thú chạy tán loạn, mình thấy cùng nghĩa với cụm “tránh như tránh hủi”.

Tô Khởi lắc đầu, nói: “Cháu biết có một người sáng nào cũng chạy bộ. Năm ngoái đã bắt đầu chạy rồi ấy.”.

Sáng sớm hôm sau, Lâm Gia Dân thay đồ thể thao chạy tới bờ sông. Trên mặt nước tờ mờ sáng là dáng người gầy gò của cậu con trai đang chạy lên chạy xuống.

Là Lương Thuỷ.

Lâm Gia Dân điều chỉnh tốc độ bằng với cậu bé, nói: “Ngày nào cháu cũng chạy hả? Sao hôm qua không nói với chú là muốn gia nhập….”

“Ai gia nhập ai ạ?” Gương mặt Lương Thuỷ không cảm xúc.

Lâm Gia Dân xấu hổ cười ha ha: “Lúc trước chú không kiên trì gì cả, xấu hổ quá.”

Lương Thuỷ không nói lời nào, chạy thẳng về phía trước, tóc vỗ vỗ trước trán.

Cậu bé chạy đến điểm bắt đầu rồi dừng lại, chùng chân để giãn cơ, chợt thấp giọng nói:

“Người lớn các chú lạ thật, dạy con nít là đã nói thì phải làm được, nhưng tại sao lời của chính mình thì lại không tính?” Giọng cậu bé rất nhẹ nhàng, nhưng lại có chút bối rối không biết phải làm thế nào.

Mặt Lâm Gia Dân nóng lên, cho rằng cậu bé đang nói mình. Thế nhưng…

“Hồi trước lúc bố chạy bộ với cháu, nói sẽ chạy với cháu tới khi cháu 18 tuổi. Có phải bây giờ bố quên lời mình nói rồi không?” Cậu cúi đầu, giọng nói gần như không thể nghe thấy: “Nhưng cháu vẫn nhớ rất rõ.”

Lâm Gia Dân không biết trả lời thế nào. Đúng vậy, tại sao người lớn nói nhưng không giữ lấy lời. Anh cũng muốn biết, từ khi nào chính mình lại vô tình trở thành người thế này.

Lâm Gia Dân muốn nhìn thấy chút cảm xúc nào đó trong mắt đứa trẻ, nhưng không có kết quả. Lương Thuỷ chỉ híp mắt nhìn mặt sông trong lớp sương mỏng.

“Còn chú nữa chú Lâm. Lúc nào chú cũng nói làm việc phải kiên trì, không thể ba ngày bắt cá hai ngày thả lưới [2]. Nhưng hình như chính chú cũng không thể kiên trì nổi.” Lương Thuỷ bối rối nhìn về phía anh, “Tại sao chuyện người lớn không làm được thì toàn yêu cầu con nít phải làm được?”

[2] Ba ngày bắt cá, hai ngày thả lưới (三天打鱼两天晒网): chỉ những người không kiên trì.

Lâm Gia Dân: “Thuỷ Tử….”

Lương Thuỷ: “Hẻm mình có rất nhiều người ba ngày bắt cá hai ngày thả lưới. Tử Hạo, mẹ Tử Hạo, chú, mẹ Thất Thất, Thất Thất, còn có… bố cháu. Ông ấy chính là người như thế, lúc thì muốn làm ca sĩ, lúc muốn mở quầy bán quà vặt, lúc thì làm tài xế, lúc thì mở tiệc.”

Lâm Gia Dân nhớ tới mấy lời vợ mình ngày nào cũng nói, nhớ tới Lâm Thanh, không biết chính mình trong cảm nhận của con gái có phải là cái đức tính này hay không. Lúc NH định nói gì đó thì Lương Thuỷ nói, “Nhưng bố rất vui vẻ, bố làm cho cháu rất vui. Chú cũng thế, hai người đều làm cho mọi người trong hẻm rất vui.”

Cậu bé ngẩng đầu nhìn anh, đôi mắt đen nhánh trong trẻo.

Lâm Gia Dân vừa buồn vừa cảm động, sờ gáy cậu bé, hỏi: “Thuỷ Tử nhớ bố à?”.

Lương Thuỷ dời mắt nhìn mặt nước: “Tại sao lâu rồi bố không gọi điện cho cháu?” Cậu bé nhún vai, tỏ ra chẳng sao cả. Nhưng kiên trì được một giây thì bả vai sụp xuống, “Bố không nhớ cháu sao?”.

“Bố nhớ cháu lắm chứ.” Lâm Gia Dân nói, “Tuy bố không thường gọi điện thoại, chắc là vì bận lắm, hoặc không biết phải đối mặt thế nào. Thuỷ Tử, người lớn cũng sẽ thất bại, có lúc còn bất lực hơn trẻ con nữa. Nhưng anh ấy chắc chắn rất nhớ cháu. Chú cũng là bố nên chú biết. Chú bảo đảm.”.

Hai tay Lương Thuỷ bỏ vào túi quần, túi hằn lên hai nắm tay nhỏ của cậu bé. Sóng gợn lăn tăn trên mặt nước, cậu hỏi: “Ngày mai chú có chạy nữa không ạ?”.

“Tất nhiên.” Lâm Gia Dân giơ nắm đấm, khí thế hơi khoa trương nhưng phấn chấn, “Lần này chú nhất định sẽ kiên trì.”.

Lương Thuỷ xoay người đi về nhà, nói thầm: “Cháu thấy không đáng tin lắm.”.

“Cháu nói thế là không được đâu á nha Thuỷ Tử.” Lâm Gia Dân đuổi kịp cậu bé.

Sau lưng, bầu trời ngập tràn ánh bình minh.

Mỗi ngày đều trôi qua như dòng nước chảy, dường như cứ lặp đi lặp lại.

Mùa hè đến, sắp kết thúc lớp Năm.

Hôm đó Tô Khởi tan học về nhà, trong hẻm vang lên tiếng bát đũa của các nhà. Mùi hương của canh tảo tía, rau cần tây xào, thịt hâm lại, canh rong biển dậy mùi từ khắp nơi, lẫn vào trong đó một khúc đàn piano.

Tô Khởi đi theo tiếng đàn.

Lý Phong Nhiên ngồi bên cửa sổ luyện đàn, cô bé ghé vào bên đàn xem cậu. Cậu không hề thấy bị quấy rầy, chỉ ngước nhìn Tô Khởi một cái, lại cụp mắt xuống.

Bên cạnh đàn có một chiếc đèn sàn. Ánh đèn rọi vào lông mi dài của cậu bé, trông rất mềm mại.

“Phong Phong.” Tô Khởi đặt ngón tay trên phím đàn, lướt một chuỗi đồ rê mi fa sol la si đô. Dư âm kết thúc, tiếng đàn của Lý Phong Nhiên không hề bị ảnh hưởng chút nào.

Mấy năm nay, cậu đã quá quen với các thể loại “quấy rối” của cô.

“Ừm?”.

“Cậu đánh đàn vui không?”.

“Không vui, cũng không buồn.” Cậu nói, ngón tay múa trên những phím đàn.

“Vậy sao cậu cứ học mãi thế?” Tô Khởi hỏi.

“Mẹ tớ nói có rất nhiều thứ nếu còn nhỏ không học đàng hoàng thì lớn lên rất khó học được.”

Tô Khởi trầm tư suy nghĩ, vẫn không hiểu gì: “Sao thế được? Người lớn làm gì cũng dễ dàng hết, con nít mới khó khăn thôi.”.

Lý Phong Nhiên: “Hôm nay cậu sao thế?”.

“Cậu biết một người tên Hàn Hàn [3] không? Chú đó nói học hành vô ích, không đi học nữa. Tớ ngẫm lại cũng thấy học hành vô ích thật.”

[3] Hàn Hàn(韩寒): người Trung Quốc, là một vận động viên lái xe đua chuyên nghiệp, tác giả, ca sĩ và blogger nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Ông cũng tham gia vào sản xuất âm nhạc.

“Thất Thất.” Phùng Tú Anh ở sát bên nghe thấy, gọi cô bé.

Tô Khởi tê sống lưng, mau chóng đứng thẳng người, rút bàn tay đang để trên phím đàn ra sau lưng, cười lấy lòng: “Cháu mới tới thôi, không có làm phiền Phong Phong đâu ạ.”.

Phùng Tú Anh là giáo viên trung học nên bọn trẻ đối với cô có chút kính nể. Cô cười: “Cháu đến đây.”.

Cô đưa cho cô bé một quả táo. Tô Khởi nhận lấy, cắn một cái.

“Thất Thất, cháu không muốn đi học à?”.

Miệng Tô Khởi đang nhai táo: “Cháu không biết nữa.”.

Phùng Tú Anh: “Đi học làm cháu mệt mỏi lắm hả?”.

Tô Khởi nghiêm túc suy nghĩ, lại lắc lắc lầu: “Dạ không.”.

Phùng Tú Anh không hỏi nữa mà đi ra ngoài, ra dấu cho cô bé ra cùng.

Ra đến cửa, Phùng Tú Anh chỉ cây liễu đầu hẻm: “Lúc trước cháu thích trèo lên cây đó lắm đúng không?”.

“Dạ.”.

“Thất Thất nhìn xem, gió thổi qua cây đẹp chưa này. Mấy tháng trước cháu có thấy được lúc cây mới nhú mầm, xanh non mơn mởn không?”.

“Dạ thấy ạ.”.

“Vậy cháu sẽ nghĩ đến điều gì? Nếu như phải dùng một câu thơ ấy.”.

Mắt Tô Khởi sáng lên: “Chẳng biết lá nhỏ ai cắt mất. Gió xuân tháng hai tựa kéo dao[4]!”.

[4] trích bài thơ “Vịnh Liễu” của Hạ Tri Chương (thời Thịnh Đường).

“Cháu xem, nếu không đi học thì có phải cháu không biết được mấy câu thơ này không?”.

Tô Khởi sững sờ, nhanh chóng cười gật đầu.

“Vậy nên học hành có ý nghĩa đúng không nào? Cháu còn nhỏ, sau này lên cấp 2 sẽ phát hiện ra nhiều điều ngạc nhiên hơn nữa. Có điều quá trình này dài quá đúng không. Hôm nào cháu thấy mệt mỏi quá thì lại đến nói với dì Tú Anh nhé, chúng ta cùng nghĩ cách được không nào?”.

“Được ạ!”.

Ý nghĩ “học hành vô nghĩa” thế là bị lãng quên từ đó.

…….

Là kỳ nghỉ hè cuối cùng của học sinh tiểu học [5], Tô Khởi chơi hết sức vui vẻ. Cô bé đã làm xong bài tập hè từ sớm, tập bài tập cũng đã chuyền một vòng trong hẻm, giải phóng toàn bộ bọn trẻ trong hẻm.

[5] Tiểu học ở Trung Quốc tính từ lớp 1 đến lớp 6.

Cô bé ngủ đến sáng tự thức dậy, rồi ra khỏi nhà tìm đám bạn, không phải nằm trên chiếu nhà Lâm Thanh xem Tôn Ngộ Không thì là ngồi chơi game trên gác mái nhà Lương Thuỷ, hoặc vào rừng bắt ve, chơi xe trượt trong hẻm.

Xe trượt là Khang Đề mua cho Lương Thuỷ đầu tiên, sau đó các bà mẹ khác cũng mua. Bọn trẻ ngày nào cũng ra đê chạy xe trượt, còn đấu xem ai dám trượt từ sườn núi xuống.

Thời gian vui vẻ trôi qua không bao lâu, một quyển sách có tên “Cô gái Harvard Lưu Diệc Đình” càn quét khắp cả nước.

Cô giáo Phùng Tú Anh mua sách rồi bàn bạc với mấy người lớn, muốn kiểm tra xem con mình có khả năng vào Harvard không.

Trong sách nói ý chí của Lưu Diệc Đình rất mạnh mẽ, có thể cầm viên nước đá trong vòng 8 phút.

Mấy người mẹ kéo con mình từ trên xe trượt xuống đứng thành một hàng, thả vào lòng bàn tay mỗi người một cục nước đá lớn, kêu bọn trẻ nắm chặt.

Chưa đến một phút, Tô Khởi đã kêu oai oái ném cục đá, tiếp theo là Lộ Tử Hạo.

Lâm Thanh kiên trì được một phút rưỡi cũng chịu không nổi.

Lý Phong Nhiên và Lương Thuỷ nắm được ba phút rồi ném xuống.

Người lớn thở dài. Xem ra con họ không có tố chất đến Harvard rồi.

Không sao cả, Phùng Tú Anh nói, có thể làm theo phương pháp huấn luyện con cái như trong sách. Mấy ông bố bà mẹ tạo ra một kế hoạch hoàn chỉnh, nhanh chóng bắt đầu thực hiện.

Kỳ nghỉ hè đành phải kết thúc sớm. Mỗi ngày, bọn trẻ phải chép báo và học thuộc sổ địa chỉ đề rèn luyện sức tập trung và sức chịu đựng, còn phải chạy bộ và hít đất để rèn luyện thể lực, học đến 11 giờ tối còn chưa đủ, 5 giờ sáng hôm sau đã phải dậy tập thể dục.

Bọn trẻ khổ không nói nổi. Tô Khởi xem Lưu Diệc Đình như kẻ thù, ngày nào cũng phải mắng mấy lần.

“Cái đồ quỷ thấy ghét! Vào được Harvard thì cho cả thế giới biết làm gì chứ, có giỏi thì bà lên sao Hoả đê!”

“Cảnh sát trưởng Mèo Đen này, Anh em hồ lô này, Na Tra với Những cô gái siêu nhân còn lợi hại hơn bà mà người ta có viết sách đâu, bà là thấy ghét nhất luôn!”

Thế nhưng cuộc sống địa ngục lại kết thúc rất nhanh.

Lộ Tử Hạo vì ngủ quá ít nên bị bệnh, đưa đến bệnh viện bị bác sĩ mắng một tràng. Trần Yến liền rút cậu bé khỏi kế hoạch bồi dưỡng Harvard. Trình Anh Anh cũng không trông cậy Tô Khởi trở thành nhân tài nên rút theo. Khang Đề thấy Lương Thuỷ rất không vui nên cũng từ bỏ.

Kế hoạch bồi dưỡng của người lớn một lần nữa đầu voi đuôi chuột.

Kết quả sau khi người lớn thảo luận là, trước tiên để con cái vui vẻ trải qua tuổi thơ, chuyện này sau này lại nói.

Tuy là nói như thế, nhưng mùa hè vừa trôi qua, mấy bà mẹ bỗng chốc nhận ra năm sau con mình lên cấp 2. Trường cấp 2 tốt nhất ở khu vực Vân Tây là trường Trung học Thực nghiệm, nhưng dựa theo khu vực mà phân chia, nên bọn trẻ phải học ở trường Trung học Hoà Thành.

Không khí học tập của trường Hoà Thành không tốt lắm, khiến người lớn lo lắng sốt ruột.

Đến một ngày nọ, cô giáo Phùng Tú Anh của trường trung học Thực nghiệm báo một tin, để hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia về chất lượng giáo dục, trường trung học Thực Nghiệm sẽ mở lớp năng khiếu Nghệ Thuật và Thể Thao đầu tiên, tuyển học sinh có năng khiếu thể thao, mỹ thuật, âm nhạc và vũ đạo.

Ưu điểm là không giảm bớt lớp văn hoá. Sau khi vào trường, chương trình học của lớp năng khiếu cũng giống với lớp bình thường, chỉ là có thêm một tiết chuyên ngành.

Phùng Tú Anh nói, chiêu sinh bắt đầu vào năm sau nên bọn trẻ đúng lúc đuổi kịp. Chỉ cần có nhiều sở trường hơn so với bạn cùng tuổi là được. Chẳng hạn như Lý Phong Nhiên, thông qua tuyển chọn dễ như trở bàn tay. Ngay cả kiểu như Tô Khởi, vẻ ngoài đáng yêu, biết hát biết nhảy, tốt hơn một chút so với bạn cùng tuổi, cũng có khả năng trúng tuyển cao.

Khang Đề suy nghĩ một chút, nói: “May là tôi có quen giáo viên thể dục, để Thuỷ Tử tập trượt băng tốc độ cự ly ngắn đi, chọn cái đường thể thao này.”

Trần Yến nói: “Tử Hạo có thể vẽ tranh, thằng bé toàn vẽ bừa trên sách. Tôi sẽ tìm một giáo viên để ứng phó với chuyện tuyển sinh trước.”

Lâm Gia Dân gãi đầu: “Ôi, tôi cũng không biết Lâm Thanh nhà tôi có sở trường gì nữa.”

Trần Yến đề nghị: “Ca hát nhảy múa đi. Thanh Thanh xinh xắn như thế, giáo viên thấy là nhận liền à.”

“Con bé nhát lắm.” Thẩm Huỷ Lan thở dài, “Mấy người thấy con bé hát bao giờ chưa?”

Khang Đề nói: “Con bé này xinh xắn quá. Thất Thất chia một nửa tính khí cho con bé thôi là được rồi.”

“Bởi mới nói.”

Trình Anh Anh nghi hoặc: “Em nghe Thất Thất nói, Thanh Thanh vẽ đẹp lắm đó, mấy người không biết hả?”

…….

Sau khi giải tán về nhà, Trình Anh Anh vừa vào cửa thì thấy Lâm Thanh đang ghé vào bàn dạy Tô Lạc làm bài tập.

Trình Anh Anh hỏi: “Thất Thất đâu cháu?”

Tiếng của Tô Khởi truyền đến từ nhà vệ sinh: “Đang ị nè!”

Trình Anh Anh: “Con đừng nói chuyện, thối muốn chết.”

“Mẹ này!”

Trình Anh Anh kéo ghế ngồi vào bên cạnh bàn, hỏi: “Cháu muốn học vẽ tranh không Thanh Thanh?”

Lâm Thanh kinh ngạc.

Trình Anh Anh kể chuyện ban nãy.

Lâm Thanh hỏi: “Cả nhóm sẽ vào lớp đó học ạ?”

“Sẽ cố gắng.”

Lâm Thanh cúi đầu, vẽ vòng tròn trên giấy.

“Nếu phải chọn một trong nhảy múa, vẽ tranh, âm nhạc với thể dục thì cháu chọn cái nào?”

Lâm Thanh nói: “Vẽ tranh phải có giấy có bút, có màu nữa, đắt lắm ạ. Nhà cháu nghèo.”

Lòng Trình Anh Anh hơi thắt lại, nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn xinh đẹp của cô bé: “Sao cháu lại nghĩ thế? Thanh Thanh, nhà cháu đâu có nghèo. Thật đó.”

“Nghèo mà ạ. Mẹ Thất Thất ơi.” Lâm Thanh nói, “Cháu muốn búp bê, muốn đàn, nhưng mẹ nói không mua nổi, nói bố kiếm tiền ít lắm.”

Trình Anh Anh im lặng nửa giây rồi nói: “Không phải đâu. Mẹ cháu chỉ là hơi tiết kiệm thôi, để dành tiền cho cuộc sống sau này của cháu đó. Mẹ tính toán hết thảy đều vì cháu hết, biết chưa nào? Ví dụ như chính là tính để cho bây giờ cháu học vẽ đó.”

“Thật ạ?” Lâm Thanh không tin lắm, “Nhưng cháu muốn gì thì mẹ toàn nói không thôi.”.

“Bố mẹ cũng có phiền não của bố mẹ, mỗi ngày đều có rất nhiều chuyện phải bận tâm, không phải lúc nào cũng có thể cân nhắc đến cảm nhận của cháu. Nhưng cháu muốn cái gì, có suy nghĩ gì thì chủ động nói cho mẹ cháu nhé, được không?”

“Dạ.”

Đêm đó, Trình Anh Anh tâm sự nặng nề. Cô nghĩ đến hoàn cảnh rách nát của hẻm Nam Giang này, mấy căn nhà sơ sài xung quanh mình, lại nghĩ đến cả đoạn đường gian nan lận đận này, trong lòng vô cùng bất an

Cô đi vào căn phòng nhỏ, mùa hè treo mùng, Tô Khởi và Tô Lạc hở bụng nằm trên chiếu hóng gió quạt điện.

Trình Anh Anh giở mùng chui vào. Tô Khởi thấy mẹ đến, vui vẻ đi qua quấn lấy mẹ.

Tô Lạc cũng sáp đến.

Trình Anh Anh vỗ lưng cho Tô Khởi một lát, chợt hỏi: “Thất Thất, con thấy nhà mình nghèo không?”.

“Nghèo?” Tô Khởi nghiêng đầu, khó hiểu, “Có nghèo đâu.”.

“Cái gì con cũng có.” Cô bé nói, “Con muốn gì mẹ cũng cho con hết mà.”

_________________________________

[Người lớn tâm sự (4)]

(Ngày Tô Khởi lần đầu nghe về Hàn Hàn)

Trình Anh Anh mặc tạp dề, đang đứng bên bếp lò đánh trứng hoa, tiếng đũa chạm vào bát nghe lách cách.

Tô Khởi đi tới đi lui xung quanh cô, ánh sáng sáng quắt, hùng hồn dõng dạc kể cô nghe sự tích huy hoàng của thần tượng Hàn Hàn của cô bé. Thế giới mà người lớn đã xây dựng này sai lầm biết bao nhiêu. Bọn họ thân là học sinh, thân là con cái nên sống vì tương lai của chính mình. Trường học là thứ mà người lớn cho họ, Toán học Văn học gì đó học cũng vô dụng, tất cà đều đang lãng phí thời gian. Cô bé muốn theo đuổi cuộc sống mà mình muốn. Không bao giờ đi học nữa.

Trình Anh Anh vô cùng kiên nhẫn nghe cô huyên thuyên nửa tiếng, giữa chừng cô bé còn dừng lại uống ly nước, kể Hàn Hàn đã lên án toàn bộ chế độ giáo dục thế nào.

Trình Anh Anh thầm nghĩ, Tô Khởi thậm chí còn chẳng hiểu được ý nghĩa của từ “chế độ”, hoàn toàn đang nói như vẹt. Nhưng không thể phủ nhận, Tô Vẹt này nói cực kỳ tốt.

Mãi cho đến khi cô bé nói muốn sống cuộc đời của mình, Trình Anh Anh mới dừng thìa trong tay lại, nói: “Tô Vẹt, con dừng lại đã.”

“Hả?” Tô Khởi nghiêng đầu, “Vẹt?”

Trình Anh Anh hỏi: “Con nói cho mẹ biết, cuộc đời mà con muốn sống như thế nào?”

Tô Khởi dừng lại một lát, đảo đảo mắt, nhanh chóng cho đáp án: “Con muốn mỗi ngày ca hát nè, nhảy múa nè, ở cùng với mẹ nè.” Cô bé nhào đến ôm thắt lưng mẹ, cười tươi rói, “Con muốn ngày nào cũng được ở cạnh mẹ hết đó mẹ.”

Trình Anh Anh đẩy khuôn mặt đáng yêu đang tươi cười kia ra, nói: “Chiêu này vô dụng.” Cô thả ớt vào nồi, nói: “Mẹ chỉ biết là con không muốn đi học.”

“Mẹ vu oan cho con!” Tô Khởi nói, “Tại sao mẹ không ủng hộ con? Mẹ của Hàn Hàn nhất định ủng hộ chú ấy!”

Trình Anh Anh hít sâu một hơi: “Hôm nay mẹ bắt buộc phải nói cho con một sự thật, là tất cả những người mẹ trên đời này đều khác nhau. Con so sánh mẹ với mẹ của Hàn Hàn hay Nhiệt Nhiệt đều vô ích. Còn con, Tô Thất Thất, cũng khác với những đứa trẻ khác, đúng không nào?”

Lòng Tô Khởi tràn đầy nghi hoặc, nghe đến giật cả mình.

“Mỗi một cặp mẹ con đều không giống nhau, con so sánh mẹ với mẹ của Hàn Hàn, vậy mẹ hỏi con, con muốn đổi mẹ với cô đó không?”

Tô Khởi không nói gì, nhíu chặt lông mày, cuối cùng nói: “Con không đổi. Nhưng con nói với mẹ nhé, con không đổi mẹ khác, không có nghĩa là bây giờ con không giận mẹ đâu nhé. Mẹ không ủng hộ con xíu nào hết!” Cô bé vẫn giữ vững lập trường.

“Vậy con ủng hộ mẹ không?” Trình Anh Anh hỏi.

“Ủng hộ mẹ chuyện gì, mẹ nói đi!”” Cô bé hào phóng nói.

“Ủng hộ mẹ kiên trì bắt con đi học, đừng nói nghỉ học, ngay cả trốn học cũng không được phép.”

“…….”

Tô Khởi nói, “Hừ! Con giận no rồi, không ăn cơm của mẹ luôn. Con nói cho mẹ biết, mẹ nấu cơm không ngon xíu nào hết!”

(Sau khi Tô Khởi không thần tượng Hàn Hàn nữa)

Tô Khởi: “Mẹ ơi, con muốn ăn cơm!”

Trình Anh Anh nhàn nhạt nhìn cô bé.

Tô Khởi ngồi bên bàn, nhận chén cơm, nói: “Mẹ Trình Anh Anh ơi.”

“Hửm?”

“Me nói trên đời này có rất nhiều đứa trẻ khác nhau hả mẹ?”

“Đúng vậy.”

“Vậy mẹ có từng nghĩ muốn đổi con với người khác chưa?”

“Đó giờ chưa từng.”

“Con cũng vậy.” Tô Khởi nói, lấy ra chiêu bài cười đáng yêu của mình, “Con vẫn là thích mẹ cơ.”

Trình Anh Anh nói: “Câm miệng. Lo ăn cơm đi.”

“Ha ha, ngậm miệng thì sẽ không thể ăn cơm rồi!” Tô Khởi đắc ý nói.

Trình Anh Anh nhét một miếng thịt gà vào miệng cô bé, rốt cuộc cũng chặn được con vẹt nhỏ líu ra líu ríu này rồi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN