Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện - "tây Thi" Thi Di Quang
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
130


Mỹ Nhân Tóm Lược Truyện


"tây Thi" Thi Di Quang


56. “Tây Thi” Thi Di Quang

Tây Thi tên thật là Thi Di Quang người làng Trữ La nước Việt Thường (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Nàng là người thông minh, sắc sảo, là người đứng đầu trong “Tứ đại mĩ nhân” (bốn mĩ nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Ngọc Hoàn). Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn.

Khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng nàng là “Tây Thi Trầm Ngư”. Có đoạn tả Tây Thi qua con mắt của Câu Tiễn như sau:

Câu Tiễn bắt gặp ngay đôi mắt trong suốt như dòng suối lạnh, lòng đen đen tuyền óng ánh phát hào quang, thoáng chốc như hớp hồn nhà vua. Tây Thi như một đóa hoa còn chớm nụ hàm tiếu, bao nhiêu nét tươi trẻ thanh xuân dường như ẩn hiện trong góc mắt đuôi mày. Mắt nàng trong suốt, mày nàng phương phi, miệng nàng chúm chím, đường nét tạo thành nàng dường như là ảo tưởng. Cái đẹp của Tây Thi như lóe hào quang, như thái dương.

Cũng như các mĩ nhân khác trong lịch sử Trung Quốc, Tây Thi cũng có một số phận bấp bênh, không được là chính mình trong suốt một thời gian khá dài. Nàng được tuyển vào cung vua Việt Thường sau một thời gian học lễ nghi cung đình, ca múa cùng với các món nghề làm mê lòng người. Nàng cùng một số mĩ nhân khác được tiến cống cho vua nước Ngô là Phù Sai với ý định làm mê hoặc Phù Sai và cứu vua nước Việt Thường bấy giờ là Câu Tiễn đang bị đày đọa mà người thực hiện chính là nàng và Phạm Lãi (Phạm Lãi là người thông tuệ và trung thành với vua nước Việt Thường, đi theo để mưu kế cho vua).

Phù Sai khi vừa nhìn thấy Tây Thi đã say mê vô cùng, dần dần vị vua oai hùng một thời xa rời triều chính, bỏ bê chính sự, đúng như kế hoạch bạn đầu của những trung thần nước Việt Thường. Tây Thi theo kế của Văn Chủng ra sức mê hoặc khiến vua Ngô ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, hưởng lạc, dần dần mất hết ý chí. Bởi chỉ khi nước Ngô suy yếu thì Việt mới có cơ hội phục thù. Trong Đông Chu liệt quốc, có đoạn viết:

“Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, hơn một năm thì chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng. Chuyện này sau sẽ kể tiếp, bây giờ hãy nói Phù Sai yêu Tây Thi, sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang. Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp? Điệp là chiếc guốc. Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy rất nhiều chum, bên trên lát ván, để Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp. Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi. Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gẩy đàn ở đấy. Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Nay vẫn còn một dãi nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa. Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen. Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ nam sang bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình. Phía nam đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn. Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu. Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm, ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, mới đặt tên là chỗ Tiên.”

Đủ cho ta thấy được sự si mê của Phù Sai dành cho Tây Thi. Và lần này, họa hồng nhan đã trực tiếp gián xuống đầu Phù Sai. Chính vì sự thiếu đề phòng mà Phù Sai đã phải chịu cảnh mất nước còn bản thân vì nhục nhã mà phải tự tử.

Sau nhiều năm chịu gian khổ ở nước Ngô, nhờ sự giúp sức của Phạm Lãi và tài thông minh của Tây Thi, cuối cùng Câu Tiễn cũng được trả về nước. Tây Thi vẫn ở nước Ngô vẫn tiếp tục làm cho nước Ngô suy thoái. Sau khi về nước, Câu Tiễn ra sức chỉnh đốn quân đội, khuyến khích kinh tế phát triển chờ ngày báo thù. Khi nhà Ngô suy thoái trầm trọng, vua quan ăn chơi sa đọa, không màn đến việc triều chính thì nước Việt bất ngờ đem quân sang đánh khiến nhà Ngô trở tay không kịp, quân Việt Thường nhanh chóng chiếm được đất Ngô. Cuộc chiến giữa Ngô- Việt diễn ra ác liệt và kéo dài hết từ năm này đến năm nọ. Có những trận chiến gần như bất phân thắng bại. Nhưng trong khi nước Việt Thường không ngừng lớn mạnh thì nước Ngô lại không ngừng suy yếu khiến việc đại bại của nước Ngô chỉ là sớm muộn mà thôi.

Nước Ngô bị quân Việt xâm lấn, mất thế tử, khí thế giảm sút. Quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Tuy được giảng hòa nhưng nước Ngô đã suy yếu hẳn trong khi nước Việt vẫn không ngừng lớn mạnh.

Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch. Những người mạnh khỏe, hăng hái đều đã chết ở nước Tề, nước Tấn. Vì vậy quân Ngô đại bại.

Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại đánh Ngô, quân Ngô lại bại trận. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô. Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, bị quân Việt vây hãm trên núi Cô Tô.

Ông sai Công Tôn Hùng sang xin Câu Tiễn giảng hòa như ông đã tha Câu Tiễn trước đây. Câu Tiễn định nghe theo nhưng Phạm Lãi phản đối, nhắc lại chuyện bại trận ở Cối Kê của nước Việt. Vì vậy Câu Tiễn không cho Ngô giảng hòa, định chiếm hết nước Ngô và đày ông ra đất Dũng Đông, cho 100 nhà ăn lộc.

Phù Sai thấy nhục nhã không thể chấp nhận. Ông hối hận không nghe lời Ngũ Viên trước đây, dùng dao cắt cổ mà chết.

Phù Sai ở ngôi tất cả 23 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Ông được Câu Tiễn sai người mang chôn cất. Nước Ngô bị nước Việt tiêu diệt. Phù Sai trở thành vị vua cuối cùng của nước Ngô.

Ở Trung Quốc, câu chuyện về Tây Thi và Phù Sai đã trở thành một trong những điển tích, điển cố nổi tiếng trong văn học và vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Câu Tiễn cứu được Tây Thi, trên đường về nước, vua thấy nàng có công lớn muốn phong nàng làm Quý phi để xứng đáng và các quần thần cũng đã đồng ý. Duy chỉ có một người là không đồng ý và muốn loại bỏ nàng, đó là Câu Tiễn phu nhân. Tuy nhiên, sau khi về nước, nàng lại biệt tích, không ai nhìn thấy nàng nữa. Tây Thi là mĩ nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc và ai cũng đồng ý rằng nàng là mĩ nhân nổi tiếng kim cổ. Nàng nổi tiếng về cả tài trí lẫn sắc đẹp, song nàng trở nên nổi tiếng hơn cả là vì số phận sau khi về nước của nàng khá mập mờ. Nhiều người cho rằng Tây Thi đã bị Câu Tiễn phu nhân lén cho người bắt giữ rồi cột vào đá và ném nàng xuống sông. Nếu quả thật như vậy thì Trung Quốc lại có thêm một “hồng nhan bạc mệnh” và thật độc ác thay cho Câu Tiễn phu nhân, bà giết Tây Thi là để trừ họa mĩ nhân sau này hay là vì bà sợ có Tây Thi rồi, Câu Tiễn sẽ không để mắt tới bà nữa?

Đông Chu Liệt Quốc cho rằng khi diệt được Ngô, Câu Tiễn định mang Tây Thi về Việt nhưng vợ Câu Tiễn ghen nên bí mật sai người bắt nàng, buộc đá vào cổ và đẩy xuống sông cho chết. Vì thế Phạm Lãi chỉ đi một mình.

Nhưng cũng có người nói rằng, Tây Thi và Phạm Lãi đã yêu nhau từ trước. Nên sau khi về nước, Phạm Lãi từ quan, việc phó tá, nhà vua giao cho Văn Chủng (cũng là một người tài giỏi đương triều), rồi lén bỏ trốn cùng Tây Thi. Phạm Lãi vì đại sự mà ném lòng để Tây Thi sang làm vợ Phù Sai. Khi xin Câu Tiễn từ quan không được, Phạm Lãi lo sợ Tây Thi không bảo toàn được tính mạng dưới bàn tay ghen tuông của Câu Tiễn phu nhân, nên đã âm thầm cùng nàng bước xuống chiếc thuyền con theo lối Tề Nữ môn mà vào Ngũ Hồ. Từ đó, đôi trai tài gái sắc này rong chơi bốn biển, lấy danh sơn thắng cảnh là nhà, suốt đời hưởng thụ hạnh phúc tiên nhiên, không tiếc nuối chuyện công danh ngày trước. Mãi sau này, khi con cái đã lớn khôn, Phạm Lãi mới cùng gia đình qua nước Tề, đổi tên là Chi Di Tử Bì, được trọng dụng làm Thượng khanh, con cái cũng đều có danh phận. Sau đó, Phạm Lãi từ quan về Đào sơn ẩn dật, xưng là Đào Chu công và viết cuốn sách “Tri phú kì thư”. Riêng số phận của Tây Thi thì không nghe nhắc tới trở thành câu chuyện nổi tiếng muôn đời. Nếu quả thật số phận của Tây Thi như vậy thì không uổng công cho số phận một thời không như ý muốn của nàng. Nếu vậy, Tây Thi không những có sắc đẹp vẹn toàn mà còn có một cuộc đời toàn vẹn, êm ả hơn so với các mĩ nhân về sau.

Song, xung quanh cái chết của nàng vẫn còn có muôn vàn giả thiết khác nhau. Sau đây là một số giả thiết tiêu biểu: Tây Thi sau khi gặp lại Câu Tiễn và Phạm Lãi, được đưa về nước.

– Có thuyết cho rằng Tây Thi đã tự sát theo Phù Sai, có thuyết cho rằng Tây Thi theo Câu Tiễn

– Thuyết khác cho rằng Câu Tiễn muốn cưỡng ép Tây Thi không được bèn đem nàng xử tử

– Lại có thuyết lại cho rằng vợ của Câu Tiễn ghen sợ Cấu Tiễn mê đắm Tây Thi mà mất nước như Phù Sai nên đã bí mật sai quân lính bắt Tây Thi buộc vào đá ném xuống sông
– Thuyết lại cho rằng Tây Thi sau khi bị ném xuống sông được cứu sau đó cùng Phạm Lãi bỏ trốn, sống ở Ngũ Hồ.

– Cũng có thuyết, sau khi diệt được Ngô vương Phù Sai, vợ của Việt vương Câu Tiễn sợ rằng sắc đẹp của Tây Thi sẽ lôi cuốn Câu Tiễn nên tìm kế giết. Phạm Lãi biết chuyện đã dắt Tây Thi bỏ đi trốn vào Ngũ Hồ. Theo như cuốn Tây Thi do Lợi Bảo viết thì Tây Thi đã tự sát trong Ngũ Hồ và sau đó Phạm Lãi hối hận vì đã giúp Câu Tiễn, ông đã khóc tới chảy máu mắt. Nói cung, xoay quanh cái chết của nàng Tây Thi thực sự có quá nhiều giả thuyết. Đâu là thật, đâu là hư chỉ có thể nhờ tới các nhà nghiên cứu mà thôi.

– Thuyết lại cho rằng Phạm lãi muốn được nối lại tình xưa, nhưng Tây Thi đã chèo thuyền ra giữa hồ, vĩnh biệt Phạm Lãi.

Nhưng dù thế nào, mối tình giữa Tây Thi và Phù Sai thật sự hiếm có trong cung đình phong kiến cách đây hàng ngàn năm. La Ôn có thơ minh oan cho Tây Thi rằng:

“Nước nhà còn mất bởi cơ trời
Sao cứ Tây Thi đổ lỗi hoài?
Tây tử nếu làm Ngô mất nước
Thì xưa Việt mất bởi tay ai?”

Còn mối tình giữa Tây Thi và Phạm Lãi, có lẽ chỉ là do nhân dân truyền miệng mà thôi. Dù đẹp nhưng vẫn chỉ là mộng, không có thật.

Sau khi Tây Thi qua đời hay biến mất. Người ta đã dùng Tây Hồ để tưởng nhớ nàng. Tây Hồ còn gọi là Tây Tử Hồ. Vì nhiều người cho rằng nơi đây là nơi vong hồn của nàng vẫn còn tồn tại.

Nhà thơ Tô Đông Pha đã viết bài thơ về nơi đây và Tây Thi.

Thủy quang liễm diễm tình phương hảo.
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ.
Dục bá Tây Hồ tỉ Tây Tử.
Đạm tran nồng mật tổn tương nghi.

Dịch:

Nước dập dờn bừng khi nắng dọi.
Nước nhạt nhòa xanh buổi mưa về.
Tây Hồ ví tựa Tây Thi.
Điểm trang đậm nhạt vẻ vì cũng xinh.

Thế nhưng hồng nhan một thời ấy lại không hề được ghi chép lại trong chính sử của Trung Quốc. Trong sử ký của Tư Mã Thiên không hề có một chữ nào nhắc tới Tây Thi. Về kết cục của Phạm Lãi, ông chỉ nói ngắn gọn thế này: “Phạm Lãi mang theo gia quyến và đồ đệ cưỡi thuyền ra biển rồi không về nữa”. Một nhân vật có tầm ảnh hướng đến sự hưng vong của không chỉ một mà là hai quốc gia, nguyên do gì lại không được lưu vào trong sử sách mà chỉ lưu trong văn học? Điểm này của nàng thật giống với nàng Điêu Thuyền sau này. Cả hai người con gái ấy xuất hiện rồi biến mất trong lịch sử Trung Quốc mà không hề để lại bất kỳ dấu vết nào cho hậu thế.

Câu Tiễn phu nhân, vợ của vua nước Việt Thường. Người vợ đồng cam cộng khổ với Câu Tiễn khi cả hai bị bắt làm khổ sai tại nước Ngô. Nàng cũng là người được cho là đã bức tử Tây Thi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN