Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên
Chương 6: Thủy mặc Huy Châu
Không có quá khứ nào
lặp lại, chưa từng có tương lai nào được báo trước, lần đầu tiên bước
tới Huy Châu, như có một hơi hướm hoài cổ phả thẳng vào tâm hồn. Trong
lúc mơ màng, ta luôn cảm thấy đã từng đến đây, mà dường như nơi đây lại
cũng rất xa xôi. Dưới ánh nắng nhàn nhạt, khơi gợi ký ức lịch sử, gạn
lọc bụi trần tháng năm, nhởn nhơ trong khung cảnh thi vị hiền hòa của
Huy Châu. Những hàng dương liễu xinh đẹp thướt tha chia cắt đôi bờ, một
bên là ngày hôm qua úa vàng, một bên là ngày hôm nay tươi sáng. Huy Châu lúc này như một chiếc nghiên cổ trầm mặc, bị thời gian mài mòn, lại từ
từ loang ra trong nước, làm sống động cả một vùng Giang Nam.
Thời gian đuổi theo những bước chân vội vã kiếm tìm, men theo những hành
lang vẽ tranh sơn thủy của Huy Châu cổ, bóc tách những bí mật chôn giấu
trong nơi sâu thẳm của vòng quay năm tháng. Từng chiếc cổng tam quan khí thế khoáng đạt sừng sững giữa trời xanh biêng biếc, trầm lặng dưới khói tỏa bóng chiều. Những di tích mộc mạc cổ xưa của tiền triều giống như
những đồ đồng thau, đồ gốm được khai quật, tích tụ sắc loang lổ lại tràn ngập hương vị cũ kỹ của lịch sử. Có nơi tú mỹ nguy nga, vẫn đứng đơn
độc giữa trời xanh mây trắng; có nơi quanh co một dải, hợp thành quần
thể, tự tại phô diễn chốn hoang sơ.
Kiến trúc cổng tam quan của
Huy Châu bắt đầu được xây dựng vào những thời đại khác nhau, những điêu
khắc tinh tế tuyệt luân và những hoa văn mang âm hưởng cổ điển tự nhiên
thể hiện rõ rệt sự khí phái và huy hoàng mà nó đã từng có. Cổng tam quan tượng trưng cho nội hàm nhân văn Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, kể lại quá
khứ đã lưu lại nơi đây, cũng cất giữ những câu chuyện qua từng năm
tháng. Ánh dương chói lọi mạ sáng lịch sử đã xa xôi, tẩy sạch nền văn
minh đã bị hoen gỉ, từng cánh cổng tam quan thấm đẫm sự uy nghiêm, phản
chiếu vinh quang, ẩn chứa tình cảm, kể với người đời sự tang thương mưa
gió hàng trăm nghìn năm qua.
Đến nay, chỉ có thể tìm thấy bóng
dáng thấp thoáng của những trung thần hiếu tử và liệt nữ tiết phụ đương
thời trong những hiện vật còn lưu lại, lần giở những câu chuyện lay động lòng người về họ trong ký ức mơ hồ. Lội ngược dòng lịch sử, thả cho
dòng suy tưởng bay cao đến tận tầng mây, mượn tháng năm làm bút, lấy
phong cảnh làm mực, những cổng tam quan cổ kính đã chép lại một bộ sử
Huy Châu dài lâu liên tiếp, rộng lớn sâu xa.
Ánh mắt xuyên qua
những hàng dương liễu buông rủ thướt tha trong gió, mạch suy nghĩ ngổn
ngang ngưng đọng trong khoảnh khắc. Những tòa nhà cổ chìm đắm dưới ánh
tịch dương mang một vẻ say đắm mông lung, giống như thủy mặc, quẩn quanh vương vít trong làn khói mãi không tan. Hai màu đen trắng là linh hồn
chất phác của những tòa nhà dân ở Huy Châu, một vùng quần thể kiến trúc
cổ đó không tô vẽ lộng lẫy, mà đen đến lạnh lùng, trắng đến mức thấu
triệt, dùng vẻ đẹp mộc mạc và thái độ ôn hòa, phảng phất phong thái tự
nhiên, hòa tan vào trong ngàn vạn sắc thái của cuộc sống, lặng lẽ nằm
giữa non nước tú mỹ linh thiêng tao nhã như tranh.
Vào hai triều
đại Thanh, Minh, nền kinh tế hàng hóa của Giang Nam phát triển cực
thịnh, rất nhiều thương gia Huy Châu giàu có lừng lẫy một phương. Bọn họ áo gấm về làng, xây dựng nhà cửa, mang nét văn hóa đặc sắc của Huy Châu vào kiến trúc đình viện. Mỗi một bức tường đều có một sứ mệnh khó có
thể vượt qua, chúng dõi nhìn cảnh tượng mênh mông mờ mịt phía xa, kiên
trì giữ gìn quê nhà đã già cỗi.
Đẩy cánh cửa gỗ dày nặng trịch,
bước vào sảnh đường, không khí cổ kính bao trùm trước sảnh nhà khiến
trái tim của người từ ngoài vào dần dần chìm lắng. Từng bức ngói khắc,
đá khắc, gỗ khắc phác họa những hình thù hoa chim trùng cá, những nhân
vật, những chuyện kể, một lần nữa hội tụ đầy đủ lịch sử văn hóa của
những triều đại khác nhau. Điều khiến bạn kinh ngạc là một căn nhà nho
nhỏ lại có thể chứa đựng vạn vật trong đất trời, bao gồm toàn bộ tinh
túy dân tộc cổ xưa. Phút quay người rời đi, một chiếc bình hoa kiểu cũ
bám đầy bụi đã đủ gợi cho bạn một đoạn hồi ức như có như không.
Luôn luôn có một tâm tình sâu nặng trong con tim không thể xóa nhòa, như
nước suối nguồn không thể cạn khô, mối tâm tình ấy âm thầm chảy liên
miên không dứt trong suốt cuộc đời. Người Huy Châu sống quần tụ bên
những miệng giếng khơi, chỉ cần những nơi có giếng nước là có khói bếp
lam chiều, có muôn vàn sắc thái huyên náo sôi động. Dòng suối trong văn
vắt đó chảy tràn qua mối tình quê trong suốt và cuộc sống ngọt ngào,
từng giọt từng giọt đều thấm vào tận huyết mạch của người Huy Châu. Dưới ánh nắng mặt trời, mỗi miệng giếng cổ đều hồi tưởng lại công đức của
những người đào giếng tạo phúc cho muôn dân, dùng phương thức đơn giản
nhất để thể hiện nội hàm sinh dưỡng của cả một dân tộc. Rêu xanh thành
giếng cũng chính là rêu xanh của đời người, tích lũy biết bao gió sương, càng lâu ngày lại càng dày lên thành lớp.
Cho đến ngày nay, cạnh một số giếng cổ vẫn còn bảo tồn những văn tự liên quan đến việc đào
giếng và dùng nước năm nào, nội dung khắc trên đá đã bị bào mòn cùng với gió mưa năm tháng. Thế nhưng, từ những dấu tích xa xưa đã xuyên qua
thời gian, vẫn còn nghe thấy thanh âm huyên náo nơi phố chợ, những câu
từ dung dị ấy cứ xoay vòng bên miệng giếng, đi cùng mỗi sớm sớm chiều
chiều. Hàng trăm năm, nghìn năm trôi qua, có rất nhiều thương gia Huy
Châu về quê uống một ly rượu sinh mệnh máu hòa lẫn rượu, tưởng nhớ ân
tình của nước, nghĩa lớn của nước. Họ từng rũ bỏ một phần lớn thời gian ở quê nhà, nên phải tìm lại trong dòng nước mát của giếng xưa.
Những hạt bụi lướt qua ánh nắng mặt trời, khe khẽ rớt xuống, lại lần nữa
khiến dòng suy tưởng lắng đọng đến mức trong vắt. Từ đường ở Huy Châu là thánh điện của tông tộc, nối liền tình quê khó dứt của người Huy Châu
với những quy ước làng xã trang nghiêm. Tòa kiến trúc thần thánh đó cất
giấu lịch sử gia tộc của người Huy Châu, bảo tồn những lời dạy của thánh hiền đi trước. Nó cũng từng già nua trong lặng lẽ, nhưng mỗi một thịnh
suy đã qua đều xứng đáng để trăm đời hậu thế học hỏi.
Ngước trông mái hiên chót vót cứng cỏi của từ đường, dường như ở đó chứa đựng một
sức mạnh to lớn xiên thẳng tận trời cao, đo lường sự lâu dài và sức nặng của văn hóa gia tộc Huy Châu bằng một phương thức trầm lặng. Bước qua
bậc cửa gỗ cao cao đó, va phải những môn thần uy vũ, khiến người ta
không khỏi nghiêm trang kính cẩn. Những vòng khoen trên cánh cửa bị năm
tháng làm hoen rỉ, dường như đang khóa chặt nhân quả của ai trong vô
hình. Đứng giữa sảnh đường tĩnh mịch, nhìn người đời này và người xưa
đối diện nhìn nhau, nghe những lời đối thoại bằng tâm linh của họ.
Khoảnh khắc đó bạn mới hiểu rằng, người xưa và người nay không hề có khoảng
cách, cho dù thời gian đã qua lâu nhưng vẫn để lại dấu ấn, mà người Huy
Châu lại phỏng theo những dấu ấn này để bảo tồn những phong tục tập quán cho đến ngày nay. Họ dùng các phương thức mộc mạc như giấy dán màu, bộ
đèn đục lỗ, xiếc chồng người, múa rồng… để cúng tế tổ tiên, giữ một lòng tôn kính với thánh hiền, một tình yêu nhiệt thành với gia tộc, tiễn đưa buổi tịch dương của thời viễn cổ, chào đón ánh bình minh của thời đại
ngày nay.
Đi trên những con đường lát đá xanh nhỏ hẹp, ánh mặt
trời rơi rớt trên góc thềm đã mài sáng những ký ức mơ hồ. Một sân khấu
kịch nằm vắt qua làn khói xanh lượn lờ, lặng lẽ nói cho người đi đường
biết nó đã từng hoa lệ ra sao. Đây là sân khấu kịch Huy Châu, sinh
trưởng trong dân gian, lưu truyền trong dân gian, cũng tỏa sáng trong
dân gian. Sân khấu của người Huy Châu được dựng lên vào dịp hội hè, dâng rượu lên thần linh, cúng tế và một số ngày lễ tết đặc biệt.
Kiến trúc của sân khấu đa phần đơn giản, khán đài làm bằng gỗ, ván sàn cũng
bằng gỗ, thêm vài hình vẽ màu, gửi gắm sự đơn sơ giản dị của văn hóa Huy Châu. Chiêng trống và nhị hồ vang lên mở màn dạo đầu trang nhã đưa
tình, trên sân khấu tiếng ca khe khẽ, điệu múa chầm chậm, dưới sân khấu
biển người sục sôi. Những nghệ nhân đó mỗi khi lên sân khấu sắm vai công hầu khanh tướng đều tô vẽ kỹ lưỡng, diễn những màn bi hoan ly hợp của
người khác. Mà khán giả dưới sân khấu cũng chăm chú tập trung, thưởng
thức những buồn vui mừng giận của người đời.
Chẳng ai là vai
chính, họ chỉ là nhân vật làm nền cho một hí khúc, bày tỏ nỗi lòng
thương cảm và hạnh phúc mà thôi. Và ai cũng đều là vai chính, trên sân
khấu đời người hỗn tạp, diễn trăm vị cuộc sống, nhân tình ấm lạnh. Huy
kịch chất phác mà tròn trịa mang theo hương thơm của bùn đất núi sông,
bằng nghệ thuật dân gian và phong tục thú vị độc đáo, hát trên khắp các
cao lâu sơn thủy của Giang Nam, cũng diễn xướng trên mọi ngóc ngách
đường phố của Huy Châu. Rất nhiều giai đoạn của đời người đều bắt đầu
trong một màn kịch này và kết thúc trong một màn kịch khác.
Giữa
tháng năm âm thầm mải miết trôi, không hay là ai đã làm đổ nghiên mực
cổ, nhuộm cả một vùng Huy Châu rộng lớn, khiến non nước như thêu như gấm thấm đẫm trong thủy mặc ẩm ướt. Men theo dòng chảy, ngược lại dòng lịch sử lâu đời của Huy Châu cổ kính, còn có vô vàn phong tục dân gian phong phú sắc màu của nơi đây, khiến ta thu hoạch được một niềm vui thực thụ
trong cuộc đời rộng lớn này.
Khi dòng suy tưởng sáng suốt xuyên
suốt lãnh địa tinh thần, bước chân của người khai phá càng lúc càng đến
gần, Huy Châu cổ kính không còn là một bức tranh thủy mặc treo trên bức
tường Giang Nam nữa. Nó phô bày phong thái thuần hậu tự nhiên với toàn
thế giới bằng sự phồn vinh thịnh vượng của một dân tộc, để lại những gợn sóng lăn tăn mỹ lệ trong lòng muôn vàn chúng sinh.
Năm tháng Ô Trấn
Dường như có một khoảng thanh xuân ẩm ướt đã lãng quên ở Ô Trấn của Giang
Nam, còn có những dĩ vãng đã qua cần dịu dàng nhớ lại. Thế là sẽ nhớ đến Giang Nam trong hoa hạnh mưa khói, nhớ đến miền sông nước xanh biêng
biếc trong gió xuân. Nhiều năm về trước đã từng thong thả đợi chờ, nhiều năm về sau vẫn bình thản kiếm tìm. Chỉ một cái quay người vô tình, cô
gái tay cầm chiếc ô giấy dầu, lòng nặng nỗi u sầu, nhẹ nhàng bước đi
trên con ngõ nhỏ, đi đến cây cầu mơ mộng, bước vào trong câu chuyện của
tháng năm trôi chảy, không biết có thể thoát ra hay không?
Sinh
hoạt một ngày ở Ô Trấn bắt đầu trong tiếng mái chèo khỏa sóng ì oạp, một cây sào trúc thật dài như trêu ghẹo thời gian tĩnh lặng ngưng đọng,
nước sông trong veo lấp lánh thấm ướt những nhớ nhung dễ rung động đó.
Còn có một chiếc thuyền đậu bên bờ, âm thầm bảo vệ những giấc mộng say
nồng trong tiểu trấn. Chúng chăm chú nhìn cái bóng đen trắng của những
căn nhà cổ xưa đó, suy ngẫm về tang thương ngàn năm chìm trong con nước.
Nước sông trầm lặng, nó cùng Ô Trấn lặng lẽ tiễn đưa xuân thu, lại vội vàng
đón xuân hạ, từ khi hoa nở đến khi hoa tàn, từ khi duyên khởi đến khi
duyên diệt. Rất nhiều năm sau, tất cả đều giống như trước, chỉ là hết
thảy chuyện cũ theo định mệnh trôi đi, đã trở thành hồi ức. Những kiếp
người bị ướt đẫm nước sông, mang theo nét yểu điệu của Giang Nam, xen
lẫn phong vận của miền sông nước, giữa năm tháng mơ màng lại một lần nhớ nhung như ngàn ngọn buồm lướt qua. Ô Trấn như xưa, dòng sông nhỏ vẫn
như xưa, khi gió xuân hây hẩy đi vào giấc mộng, trăng sáng vằng vặc rót
vào trong chén, ai người còn bồi hồi nơi phương xa?
Xuyên qua
phong cảnh thanh nhã và kín đáo, giữa ý thơ cảm nhận được cái mênh mang
của thời gian, mà ánh nắng ấm áp đã chứng thực sự chân thực của sinh
mệnh. Cầu đôi Phùng Nguyên[9] đậu hờ hững giữa hiện thực và mộng cảnh,
mang theo hơi thở hiện đại, lại hàm chứa ý vị truyền thống, khiến khắp Ô Trấn phồn hoa mà không xô bồ, lạc giữa hồng trần mà không già cỗi.
[9] Một cây cầu cổ ở Ô Trấn, tương truyền có tục nam đi bên cầu trái, nữ đi bên cầu phải.
Cây cầu cổ cũng mang nặng ký ức, nó vẫn nhớ đã từng có sự gặp gỡ trong trẻo thế nào, lại nhớ đã từng bỏ lỡ những đẹp đẽ ra sao. Nó cũng nhặt lại
rất nhiều buồn đau tuổi trẻ, cũng cất giữ biết bao mộng tưởng thanh
xuân. Nó lặng lẽ bắc ngang dòng nước, đợi chờ người có duyên đi đến ào
ào như gió, rồi rũ bỏ tất cả.
Nơi này lưu giữ dấu chân của Văn và Anh[10], lưu giữ dấu chân của hàng nghìn hàng vạn khách đi đường, họ
tay nắm tay đứng trên cầu, dựa vào lan can im lặng ngắm cảnh quan của
tiểu trấn, chỉ cảm thấy năm tháng đã qua thành hư ảo, chỉ còn lại một
nháy mắt, nhưng nhớ nhung lại là cả đời.
[10] Tên hai nhân vật
chính trong bộ phim truyền hình “Năm tháng như nước” (Tự thủy niên hoa), do Hoàng Lỗi và Lưu Nhược Anh thủ vai chính, một phần bối cảnh là Ô
Trấn.
Hơi hướm cổ kính toát ra từ trên ván cửa khô mục, từ trong
bức tường loang lổ, từ những khe hở của đá xanh, lôi kéo vô số người đi
xa dõi về. Dường như chỉ cần hễ sơ sểnh, là sẽ lạc vào trong một khung
cảnh quen thuộc, khiến bạn mãi lâu sau mới có thể thoát ra. Dạo bước với tâm tình nhàn tản, chẳng màng đến lịch sử lâu đời ra sao, chẳng hỏi đến tang thương dấu tích, chỉ nhớ lại những nhung nhớ khó tả thành lời. Cho dù là phường rượu cũ kỹ hay là phường vải sáng ngời, đều có thể kích
thích bạn tưởng tượng đến vô hạn.
Dưới làn nắng mỏng manh, hâm
một bình rượu hoa hạnh, hưởng thụ cái nhàn nhã của tháng ngày thơ và
rượu. Nhìn những mảnh chăn in hoa màu lam phơi trên những cây sào cao
cao đang phấp phới trong làn gió, ngày xuân ý vị bao phủ thời gian, mà
dường như thanh xuân chưa từng rời khỏi. Chìm đắm trong những cổ vật cũ
kỹ và cảm xúc nhớ nhung đó, không sức mạnh thế tục nào có thể quấy rầy
bạn, vì khi bạn còn đang mơ màng, Ô Trấn đã âm thầm lặn sâu trong trái
tim bạn, từ đó tâm tư sâu lắng, khắc cốt ghi tâm.
Con ngõ nhỏ dài hun hút như khóc như than trong làn khói mù, cô gái mặc chiếc áo vải in hoa lam đó có thể là con gái Lâm gia[11] dưới ngòi bút của Mao
Thuẫn[12], nàng từ trang bìa sách ẩm ướt khoan thai bước tới, từ trong
cửa hàng Lâm gia cũ kỹ bước tới, bước vào nhà cũ của Mao Thuẫn, bước vào đình viện thâm sâu. Trong sảnh đường, Mao Thuẫn tiên sinh đang cầm bút
trầm tư, ánh mắt chăm chú nhìn về phương xa đó, mang một vẻ tỉnh táo và
khoáng đạt. Chính giữa thời đại đầy mây gió thét gào đó, ông đã gieo một tư tưởng tiến bộ, thắp một ngọn lửa tinh thần hừng hực, sinh động trong từng câu chữ, lưu lại giữa Ô Trấn.
[11] Một nhân vật trong
truyện “Cửa hàng nhà họ Lâm” của nhà văn Mao Thuẫn, miêu tả đời sống của người Trung Quốc (ở đây là gia đình nhà họ Lâm) đã có nhiều thay đổi
khi cuộc kháng chiến chống Nhật nổ ra.
[12] Mao Thuẫn (1896 –
1981): Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, người Gia Hưng, Chiết Giang, ông là nhà văn có nhiều cống hiến trong nền văn học cách mạng Trung Quốc. Hiện có giải thưởng văn học Mao Thuẫn, là một giải thưởng văn học cao quý.
Trong không gian thoang thoảng một mùi thơm thanh khiết của hoa mai từ trong
sân thoảng tới, giữa cơn mơ màng chuyện xưa như diễn lại, ngày hôm nay
giống như ngày hôm qua. Rất nhiều hiện thực còn xa vời hơn mộng tưởng,
giống như rất nhiều huyên náo còn cô độc hơn yên tĩnh. Đứng dưới ánh mặt trời, nhìn hoa mai nở trong cô đơn, cánh hoa thơm tinh khiết khoáng đạt xuất chúng, cao ngạo lạnh lùng hơn bất cứ đóa hoa nào.
Ánh nắng
ban chiều có một vẻ đẹp uể oải và buồn ngủ, làm đôi mắt díp lại mơ màng, cứ thế say giấc nồng trong một quán trà cổ kính. Đun một bình hoa cúc,
nấu tâm sự thành hương thơm trang nhã. Dựa vào bậu cửa sổ, lắng nghe
tiếng đàn sáo réo rắt, gẩy lên giai điệu Giang Nam. Bình đàn[13] của
Giang Nam đã tỏa sáng rạng rỡ ở Ô Trấn – vùng sông nước đầy văn hóa này, giọng Ngô mềm mại, thú vị vô cùng, những câu chuyện quen thuộc đó lại
càng ý vị sâu xa hơn qua tiếng hát, lời kể uyển chuyển của nghệ nhân.
[13] Bình đàn: Một loại hình văn nghệ dân gian, lưu hành ở vùng Giang Tô, Chiết Giang, Trung Quốc.
Tiếng tơ tiếng trúc khi vút lên như vạn ngựa băng băng, khi bình lặng như
trăng thanh gió mát, khi phiêu diêu như suối ngọc róc rách, khi trầm
tĩnh như nước thu sắc trời. Khoảnh khắc này, chính ở Ô Trấn cổ kính mộc
mạc, chính ở quán trà nhớ chuyện cũ người xưa, uống một bình trà trong,
nghe một khúc bình đàn, vứt bỏ hết ngày tháng, làm một con người thanh
thản tự tại. Có câu rằng người nhạt như cúc, mà thế sự cũng nhạt như cúc chăng? Khi những ký ức sống động nay tan biến trong cuộc đời ngắn ngủi, ai còn nhớ đến một quãng thời gian ấm nồng trong dĩ vãng?
Con
ngõ nhỏ dài hun hút trong khói sương, bị thời gian hoài niệm nhuộm màu;
câu chuyện cô lẻ đằng sau cánh cửa gỗ, bị năm tháng ố vàng phủ bụi mờ.
Rất nhiều người đã lướt qua những người bên cạnh, giữa hai người đời này kiếp này cũng không nhớ đã từng có lúc tương phùng đẹp đẽ nhường ấy.
Từng tương phùng nơi cổ trấn Giang Nam, từng in lồng dấu chân nhau, thậm chí đã từng trao nhau ánh mắt.
Đến khi tháng năm già cỗi, nhớ
lại dĩ vãng đã nhạt nhòa trước kia, chẳng ai hay biết ai, bởi vì cả hai
đều là khách qua đường, là khách qua đường ở Giang Nam, là khách qua
đường ở Ô Trấn. Cuộc gặp gỡ ấy như một vở rối bóng, bắt đầu và kết thúc
trong hoa lệ và hư ảo. Ngồi trong hành lang tĩnh mịch, đợi một vở rối
bóng mở màn, rồi dưới ánh đèn dìu dịu, đắm mình vào câu chuyện tuyệt mỹ
trong vở rối.
Nữ: Hoa dại đón gió rung rinh, dường như đang lắng
nghe tâm sự. Cỏ xanh nhè nhẹ lay động, lưu luyến triền miên vô tận. Cành liễu chớm xanh, la đà trên làn nước biêng biếc, khuấy động tấm lòng
thiếu nữ dập dềnh như sóng nước. Tại sao mùa xuân mỗi năm đều đến đúng
hẹn, còn phu quân đi xa của ta năm này qua năm khác lại bặt tin?
Nam: Xa nhà rời nước, chẵn tròn ba năm, chỉ vì Trường An huy hoàng lộng lẫy
trong mộng tưởng. Nơi đô thị đầy rẫy những hiểm nguy thần kỳ, thỏa mãn
tâm nguyện hùng tráng của một đấng nam nhi. Giờ đây rốt cuộc đã áo gấm
về làng, lại gặp tiết trời xuân chốn cũ, nhìn nơi này dòng nước xuân
xanh, hoa đào ngập suối, nhìn núi xanh như mày ngài, hết thảy đều chẳng
đổi thay, cũng không biết nương tử – tân nương một đêm đã ly biệt liệu
có còn xuân sắc như xưa không? Người bước đến là con gái nhà ai, dung
nhan rạng rỡ, mỹ lệ phi phàm. Vị cô nương này, xin hãy dừng gót ngọc,
nàng có biết mình đã phạm phải lỗi gì không?
Nữ: Vị tướng quân
này, rõ ràng vó ngựa của chàng đã hất đổ làn trúc của ta, chàng nhìn xem con đường này rộng tít tắp tới tận trời xanh, cớ sao chàng lại khiến
con ngựa đáng ghét này vẩy bùn lên người ta, còn trách ngược, đổ lỗi lầm cho ta?
Nam: Lỗi của nàng chính là đẹp tựa tiên nữ, nàng thướt
tha yểu điệu khiến tay ta chẳng nghe lời, lông bờm xổ tung của con ngựa
đã che lấp mắt ta, không nhìn thấy đường sá núi sông, chỉ thấy đen sẫm
một màu. Gương mặt kiều diễm của nàng khiến con ngựa dưới thân ta lảo
đảo, quên mất rằng chủ nhân của nó uy phong nhường nào.
Một đoạn
đối thoại khiến lòng người ngả nghiêng như ngọn cờ trước gió, khiến ánh
nắng Ô Trấn cũng lóng lánh ánh lên thân tình thắm thiết. Trong tiết xuân muôn hồng nghìn tía gặp gỡ thiếu nữ như hoa, lại cảm thán tháng năm như nước chảy. Cô nương tay xách chiếc làn trúc đó là con gái Lâm gia trong cửa hàng nhà họ Lâm, hay là Mặc Mặc trong “Tháng năm như nước”, hoặc là con gái nhà nông nào ở Ô Trấn? Họ ôm ấp niềm vui đơn thuần, nâng niu
hương thơm xanh ngát, bước đi dưới sóng liễu trên con đường cổ kính. Họ
là phong cảnh của Ô Trấn, đợi người bước vào giấc mộng, mà Ô Trấn lại là phong cảnh người qua đường, tô điểm cho giấc mộng của người khác. Giữa
những ngày thi ý nhàn tản, đôi bên lưu lại nhân quả không tên, chỉ nhớ
rằng đã từng tương phùng khi ngoái nhìn, còn có ly biệt phút quay người.
Ô Trấn trong sắc hoàng hôn, giống như một cụ già bình thường, cất giữ hết thảy những câu chuyện có thể cất giữ, lại quên đi hết thảy những người
cần phải lãng quên. Bước đi trên con đường hồng trần, giữa giấc mộng
thời gian, mây khói chuyện xưa, mơ xanh quá khứ trong lịch trình nhớ lại kiếp người, tất đều đượm vẻ ấm nồng và thanh nhã tựa như ngọc cổ.
Ô Trấn cũng là một viên ngọc cổ đã nhuộm sắc hoa xuân trăng thu, để những người qua lại quý trọng bằng cả tâm hồn. Tới với giấc mộng trong vắt,
rời xa giấc mộng chưa tàn. Chỉ là ngày tháng bình thường, chỉ là ký ức
bình dị đã trôi đi trong ánh nắng lấp lánh lay động. Những năm về sau,
thấy hoa rơi lại hoài niệm Giang Nam trải bao xuân thu tươi đẹp, nhớ lại Ô Trấn một thời năm tháng như nước chảy triền miên.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!