Nắng Sớm Soi Đường Về - Phần 20
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3342


Nắng Sớm Soi Đường Về


Phần 20


Đất ở bên này đang lở, tất nhiên ở nền đất yếu như thế không thể chịu đựng được sức nặng của hai người mà có thể tiếp tục sụp xuống bất cứ lúc nào. Tôi nhanh chóng cố nhích người lên, muốn gồng để thoát ra được chỗ này trước khi đất bị lở tiếp, nhưng Phương vừa kéo tôi lên được 5cm thì bên trên lại ào ào lún xuống. Bụi đất bay mịt mù, rơi rất nhiều xuống mắt tôi.
Tôi sợ quá anh ta cũng sẽ rơi xuống cùng nên gào lên:
– Bỏ tôi ra, anh muốn chết à? Bỏ ra.
– Không bỏ.
– Cái đồ thần kinh, đất chỗ này mà lở tiếp là cả hai rơi xuống đấy, có bỏ ra không thì bảo.
– …
Anh ta kiên quyết không bỏ mà lại càng cố kéo tôi lên, nhưng tôi ở bên dưới này trồi lên được tý nào thì bên trên đất đai lại sụp xuống tý ấy, chỗ Phương đang quỳ đất nứt toác hết ra rồi, xem ra cũng chẳng thể chịu thêm được bao lâu nữa, nếu cứ thế này cả hai chúng tôi chắc chắn sẽ rơi xuống kia rồi tan thây nát thịt mất thôi.
Nói thì lâu nhưng diễn biến lúc đó lại rất nhanh, chỉ chưa đầy nửa phút mà tôi và anh ta đã chơi vơi giữa ranh giới bờ vực sống chết. Thực ra tôi không phải anh hùng gì, nhưng kéo theo một người chết cùng mình thế này chẳng hay ho tý nào, cho nên tôi vẫn kiên quyết lắc đầu:
– Này, tôi bảo anh bỏ tôi ra. Anh cứ thế này thì không những tôi chết mà anh cũng chết đấy. Có thấy nước dưới kia sâu không? Bỏ tôi ra.
– Im miệng. Ai cho cô chết.
Lúc này, những người còn lại có lẽ thấy bên này có động nên cũng chạy lại, thấy hai người bọn tôi cheo leo ngay ở bờ vực suối thì lập tức hốt hoảng hét lên:
– Lấy cái cây đi, nhanh lên. Thằng kia nữa, chạy lại giữ lấy chân anh Phương.
– …
– Nhanh nhanh lên xem nào. Ở đây có ai biết bơi không?
– Dưới suối nhiều đá lắm, rơi xuống sợ không kịp…
– Ngậm cái mồm lại, cứ sẵn sàng nhảy xuống đi. Nếu có ai rơi thì bơi xuống vớt ngay.
Mấy người kia vừa nói dứt câu thì cả người Phương lại trượt xuống thêm một quãng, tôi cũng theo đà tụt xuống, cuống quá nên vô thức hét ầm lên:
– Á… á…
– Đừng sợ, đừng có cựa.
Giọng anh ta rất bình tĩnh, phảng phất như tất cả có sụp xuống lòng suối hay là hôm nay sẽ chết cùng tôi ở đây cũng chẳng làm anh ta suy chuyển. Nhưng tôi thấy trán Phương lúc này đã đẫm mồ hôi, lòng bàn tay đang nắm chặt tay tôi cũng ươn ướt, dường như trong lòng cũng đã lo lắng lắm rồi.
Anh ta sợ tôi hoảng rồi cựa người sẽ làm đất đá lở toàn bộ nên nhẹ nhàng lên tiếng trấn an:
– Bình tĩnh, không sao cả. Bình tĩnh. Tôi ở đây.
Hốc mắt tôi bỗng nhiên đau nhói, không biết do vì cát hay là vì thứ gì mà bỗng nhiên thấy rất khó chịu, rất muốn khóc một trận. Tôi cúi mặt, không kêu gào nữa mà chỉ lặng lẽ đáp:
– Sao anh không buông tay? Anh không sợ chết à?
– Vì…
Anh ta còn chưa nói hết câu thì mấy người kia đã kiếm được từ đâu một sợi dây leo và một cái cây dài. Họ không dám ra chỗ đất lở mà chỉ đứng từ xa quăng cho Phương hai thứ đó, nói thật to:
– Anh Phương, tóm lấy một trong hai cái này, cái gì tiện nhất thì túm chắc lấy, bọn tôi kéo anh vào.
Phương ngoảnh đầu lại nhìn sợi dây leo vừa được quăng đến, sau đó lại cúi xuống nói với tôi:
– Giờ cô nắm chặt tay tôi, nhớ chưa? Đau cũng không được buông ra. Nhớ chưa?
– Nhớ rồi.
– Tôi đếm đến ba thì đạp chân vào bờ rồi nâng người lên theo tôi nhé?
– Tôi biết rồi.
Nói rồi, anh ta gồng giữ tôi bằng một tay rồi quấn dây leo vào tay còn lại, kiểm tra độ chắc của dây xong, Phương mới lẩm nhẩm đếm:
– Chuẩn bị này. Một… hai… ba…
Chữ “Ba” vừa thốt ra khỏi miệng anh ta thì tôi dồn sức đạp mạnh một cái vào bờ để lấy đà, còn Phương bên trên thì dường như đã sử dụng toàn bộ sức lực của một đời người để kéo tôi lên, những người còn lại thì lại hò nhau giữ chặt lấy dây leo.
Theo chuyển động của bọn tôi, đất đá ở chỗ bờ đang bám rơi lả tả rồi từng mảng, từng mảng sụp xuống lòng suối, đến khi Phương kéo được toàn bộ người tôi lên bờ hẳn thì cả tảng đất đã nứt ở đó cuối cùng cũng ào ào rơi xuống bên dưới.
Những người phía sau thấy cảnh này thì mặt mũi ai cũng tái xanh tái mét, tôi cũng sợ đến mức mồm miệng cứng đờ, mãi lúc bọn họ kéo tôi và Phương vào trong chỗ an toàn rồi, tôi vẫn run cầm cập mãi không thôi.
Người đàn ông kia vừa an toàn đã ngay lập tức lao lại chỗ tôi, nắn chân nắn tay tôi một lượt rồi cuống lên hỏi:
– Đau chỗ nào không? Chỗ này có cảm giác không? Nhấn vào có đau không?
Đau! Toàn cơ thể tôi chỗ nào cũng đau, nhất là ở chân, hình như ban nãy có va đập vào đá nên nhức không thể tả. Nghe Phương hỏi, tôi mới đỡ sợ hãi, giật mình luống cuống bảo:
– Đau một ít… ở chân thôi.
– Cổ chân hơi sưng rồi. Còn chỗ nào đau nữa không?
– Không sao.
Trước rất nhiều ánh mắt kinh ngạc và tò mò của mọi người, anh ta vẫn chẳng mảy may quan tâm mà chỉ tập trung nắn một số phần cứng trên cơ thể tôi. Thấy không xớt xát nhiều, cũng chẳng gãy xương ở đâu mà chỉ hơi sưng cổ chân, Phương mới yên tâm thở hắt ra một tiếng:
– Được rồi, không phải sợ, không sao rồi.
Lúc ấy thật sự tôi rất muốn ôm lấy anh ta khóc một trận, nhưng mà có đông người nên không dám, vả lại, tôi cũng chẳng là gì để ôm anh ta cả, cho nên đành cực lực kìm nén lại, cắn chặt răng gật gật đầu.
Phương bảo tôi:
– Giờ tôi cõng cô về.
– Tôi đi được mà, để tôi tự đi.
– Bảo tôi cõng thì cô cứ ngồi yên đi, cứ nói nhiều.
Tự nhiên anh ta cáu làm mọi người hơi ngẩn ra, sau đó có mấy anh thanh niên trong đoàn xung phong đứng ra cõng tôi:
– Thôi sếp cũng mới suýt bị thương xong, để bọn em cõng chị ấy cho.
– Không cần, để tôi cõng. Mấy cậu đi kiếm cái biển cắm ở khu vực này đi. Cảnh báo không lỡ có ai ra đây lại rơi xuống suối.
– Vâng. Đất ở đây lở kinh quá, chắc phải gọi thêm đoàn khảo sát thực địa nữa rồi mới tiến hành được sếp ạ.
– Ừ, gọi đi.
Nói xong, Phương ngồi xổm xuống trước mặt tôi, rồi cầm tay tôi quàng qua cổ mình, sau đó chẳng buồn để tâm đến việc tôi liên tục nói “tôi tự đi được”, anh ta vẫn nhất quyết cõng tôi đi về bản. Những người trong đoàn bị vẻ mặt sầm sì của anh ta dọa sợ nên không dám đi theo, đành ở lại tìm biển báo và tiếp tục xem xét các khu vực xung quanh.
Con đường từ suối về bản cách gần một kilomet, suốt ba trăm mét đầu tiên Phương không nói năng câu gì, chỉ im lặng cõng tôi. Lâu rồi mới được anh ta cõng như vậy, nằm trên tấm lưng ấm áp đó, tôi vùi mặt vào lưng anh ta, chỉ cách một làn áo nhưng lại tưởng như cách muôn sông vạn núi, cảm giác như đoạn tình cảm trước kia đã kết thúc, không còn có thể bước tiếp được nữa.
Rất lâu sau, tôi cũng không dám nhúc nhích, sợ rằng chỉ cử động một chút thôi, nước mắt sẽ ào ào rơi xuống.
Mãi đến khi đoạn đường về bản chỉ còn lại gần năm trăm mét, thấy cổ của anh ta đã mướt mồ hôi, tôi mới thu đủ dũng khí để nói chuyện:
– Lúc đó anh có thể buông tay.
– Để làm gì? Để cô chết một mình lãng xẹt à?
– Nhưng nếu mọi người không cứu kịp, tôi với anh sẽ chết cùng đấy.
– Vớ va vớ vẩn, tôi đi xem chỉ tay rồi. Thầy bói bảo đường sống của tôi dài, sống dai, còn lâu mới chết.
Tôi bật cười, trong lòng có cả sự chua xót lẫn cảm kích, cả một chút gì đó thương thương đến nao lòng:
– Ừ nhỉ, tôi quên, anh còn phải sống đến năm 80 tuổi để hưởng thụ hết gái đẹp trên đời.
– Tự nhiên cô chạy ra chỗ bị lở đó làm gì?
– Tôi định tìm xem nền đất chỗ nào tốt để làm trụ cầu. Ở đó đất yếu quá, chỗ nào cũng lở thế có làm trụ thì vẫn bị lở ra thôi.
– Đợi khảo sát lại xem thế nào. Nếu ở sát bờ không được thì làm lùi vào sâu bên trong.
– Như thế sẽ đội chi phí lên gấp nhiều lần.
– Chả sao. Tôi có tiền.
Đúng là anh ta có tiền, nhưng chẳng mấy ai sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây cầu cho người dân vùng sâu vùng xa, chẳng ai sẵn sàng ngồi uống cả bát rượu to, tắm ở bờ suối. Những lúc này dường như Phương chẳng còn là công tử nhà giàu mà cũng như dân thường bọn tôi vậy, bình dị, dễ thương, tuy mồm miệng toàn nói những lời khó nghe nhưng trong lòng lại rất tốt.
Tự nhiên trong đầu tôi lại xuất hiện một suy nghĩ, nếu anh ta không phải là con trai duy nhất của chủ tịch tập đoàn Dệt Trường An thì liệu mười năm trước chúng tôi có chia tay không? Nếu như Dệt Trường An và gia đình tôi không có những chuyện trong quá khứ với nhau, liệu bây giờ chúng tôi sẽ vẫn yêu nhau như những cặp đôi khác chứ? Chúng tôi sẽ cưới nhau và sinh những đứa con giống anh ta và giống tôi, như lời mà Phương đã nói cách đây nhiều năm chứ?
Có thể! Nhưng cuộc đời này không tồn tại chữ “Nếu”, chỉ có hiện thực tàn khốc, cả hai đã chẳng bao giờ có thể trở về điểm ban đầu!
Tôi không nói nữa, chỉ im lặng ôm chặt lấy cổ anh ta để anh ta cõng tôi về bản. Phương dường như rất khỏe, tôi nặng 49kg thế mà anh ta vẫn thản nhiên đi phăng phăng gần một cây số đường đá dốc, về đến nơi còn cõng tôi lên nhà sàn rồi mới đặt xuống.
Hà đang đứng trong sân bấm điện thoại, thấy bọn tôi đi về mới vội vàng chạy lại:
– Chị Tuyền sao thế anh? Hai người làm sao thế? Sao quần áo người ngợm bị dính bùn đất hết thế kia?
– Cô xem cổ chân cô ấy thế nào, cần bôi thuốc gì thì bôi giúp cô ấy.
– Thế… còn anh ạ? Người anh cũng bẩn hết rồi. Anh có bị sao không ạ?
– Tôi không sao, đi tắm đã.
Nói rồi, Phương đi vào trong nhà sàn lấy quần áo rồi ra suối tắm rửa. Hà thì nhanh chóng đi tìm đống thuốc mang mang theo rồi xem xét chỗ cổ chân cho tôi.
Cô ấy vừa rửa nước muối vừa nói:
– Chị bị sao thế, bị ngã hả chị?
– Bị tụt xuống suối, may mà không chết.
– Hả? Cái suối to đùng ở ngay sát đường mà hôm qua mình đi vào đây ấy ạ?
– Ừ.
– Eo ơi, cái suối ấy to chẳng khác gì con sông, lắm đá mà nước lại chảy cuồn cuộn nữa chứ, bờ thì cao. Rơi xuống đó thì chết.
– Ừ, may mà không rơi.
– Thế… anh Phương cứu chị ạ?
Tôi biết Hà hỏi thế là vì thấy Phương cõng tôi về, hơn nữa quần áo của anh ta lại bẩn giống y hệt quần áo tôi. Tôi nghĩ đằng nào cũng chẳng thể giấu được nên thành thật đáp:
– Ừ, may mà có anh ấy túm được, không thì giờ chị toi rồi.
– À… vâng. May thật. Đúng là dân ở đây khổ chị nhỉ? Có cầu mà đất lở thế cũng chẳng được mấy nỗi, mà đi đường bộ thì xa.
– Ừ, đợt này mình xây là có cầu cho người dân đi ra ngoài rồi, bọn con nít đi học cũng gần.
– Vâng.
Hà rửa nước muối xong lại dùng gạc sạch lau lại, sau đó cầm một ít cao nóng bôi lên chân cho tôi. Tôi đòi tự làm nhưng cô ta cứ nằng nặc bảo đây là lời của sếp, để cô ta làm không lát nữa Phương về thấy lại mắng.
Tôi không nói được nên đành mặc kệ Hà, cô ấy thoa cao một lúc, tự nhiên lại chậm rì rì hỏi tôi:
– Chị Tuyền này.
– Ơi. Sao thế em?
– Em thấy sếp đối xử với chị tốt cực ấy. Em làm thư ký cho anh ấy hai năm rồi, cũng gặp nhiều người, nhưng chị là người đầu tiên anh Phương đối xử tốt như thế.
Nghe cô ta nói vậy, tôi mới nhíu mày cúi đầu nhìn Hà một lượt. Trong mắt cô ta bây giờ không còn nhiều đố kị thâm thúy như ngày đầu gặp tôi, mà dường như tôi đọc được trong đó có một chút ngưỡng mộ, một chút tò mò, và một chút khâm phục. Giống như sau bao nhiêu người đi bên cạnh đời Phương, cuối cùng thì cô ta cũng gặp được một người thực sự làm cho sếp mình phải để tâm vậy.
Hà thấy tôi nhìn mình như thế thì khẽ cười:
– Em nói thật là hồi đầu em có ghen tị với chị, vì chị từ tận đâu đến mà lại được ngồi cạnh sếp. Với cả em đọc hồ sơ thấy chị gần ba mươi tuổi rồi, cứ nghĩ tuổi ấy thì không thể so nổi với em chứ đừng nói so được với mấy cô siêu mẫu hay hoa hậu của anh Phương. Nhưng mà càng tiếp xúc với chị, nhìn anh Phương đối xử với chị, em mới phát hiện ra bọn em mới là người kém chị hẳn chục bậc. Anh Phương đối xử với chị khác lắm, bình thường anh ấy chơi bời với ai cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là chán, chỉ ném cho một đống tiền rồi đá không thương tiếc. Với chị, anh ấy chưa bao giờ dùng tiền, toàn dùng hành động, hôm nay cứu chị ở bờ suối là một ví dụ đấy. Mà chị ở cạnh anh ấy bốn, năm tháng rồi, anh ấy vẫn đối xử tốt với chị.
– À… vì chị là đối tác của anh ấy, không phải người chạy theo anh ấy.
– Không phải. Nhưng em cũng thấy chị khác những người khác. Vì chị từ chối anh ấy.
Tôi nghe đến đây cũng bật cười, gật đầu:
– Chị không thích, mà cũng không dám nghĩ xa xôi với người như anh Phương, em cứ biết thế là được.
– Chị không tiếc à? Anh ấy… dù sao cũng là giám đốc công ty lớn mà. Đẹp trai nữa.
– Không. Những thứ không phải của mình thì không tiếc.
– À… vâng.
Bọn tôi vừa nói đến đây thì Phương lững thững đi vào, anh ta liếc nhìn cổ chân đã được bôi cao của tôi một cái rồi hỏi:
– Đỡ chưa?
– Cũng đỡ rồi. Chắc sáng mai là hết sưng.
– Chiều nay cô cứ ở lại đây đi, không phải ra chỗ suối nữa.
– Tôi biết rồi. Tôi với Hà ở nhà nấu cơm cũng được.
– Ừ. Tôi đi ra ngoài kia một lúc đây.
– Vâng.
Sau khi Phương đi rồi, tôi với Hà cùng mấy người phụ nữ trong bản bắt đầu lạch cạch nấu nướng. Ở đây, bình thường người dân sẽ đi lên rẫy từ sáng sớm hết, trong thôn chỉ còn lại mấy người già và trẻ nhỏ ở lại trông nhà và nấu cơm.
Tôi nhảy lò cò ra vườn nhổ rau, tiện bắt mấy con sâu ném cho chim ăn, sau đó lại ra suối rửa rau và múc nước mang về nấu nướng. Cuộc sống ở đây rất đơn sơ nhưng không khí thì rất trong lành dễ chịu, đầu nguồn con suối nước trong vắt và mát lạnh, cúi đầu nhìn xuống còn thấy cả những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội.
Tôi có cảm giác nơi này thật là thích, khác xa hẳn với khói bụi thành phố, không có tranh đoạt quyền thế, không có đấu đá tranh giành, … những người ở đây sống cuộc đời thật là bình dị và an yên… sống một cuộc đời thật là đáng sống.
Thực lòng, tôi cũng hy vọng mình sẽ được sống một cuộc đời như vậy. Nhưng sau khi rời khỏi nơi này rồi, trở về Sài Gòn thì tôi lại phải tiếp tục thực hiện kế hoạch của tôi, tìm cách phá hủy Dệt Trường An, cho nên cuộc sống bình dị như vậy khó quá với tôi phải không?
Tôi lắc đầu cười khổ, lại cầm rổ rau nhảy lò cò về bản, cùng với mấy người nữa nấu ít canh rau, làm thịt cá và chuẩn bị cơm để lát nữa mấy người trong đoàn về ăn. Mấy cô lớn tuổi trong thôn thấy tôi lóng ngóng làm vảy cá mới cười:
– Bạn này ở nhà không phải nấu nướng bao giờ phải không?
– Có chứ ạ. Nhưng con không biết làm cá, mấy món dễ dễ thì con nấu được.
– Làm cá dễ lắm. Cầm dao thế này… lọc sạch vảy của nó đi, xát thêm một tý muối nữa rồi chặt ra ướp, muốn nấu món gì thì ướp kiểu đó rồi nấu lên, thế là xong.
– Dạ.
– Xinh gái thế này mà biết nấu nướng thì khối anh mê cho mà xem.
– Thật hả cô? Ở đây có anh nào không, cô giới thiệu cho con một anh đi. Chỗ con, con trai toàn chê con thôi.
– Thế bạn bao nhiêu tuổi rồi?
– Tháng mười hai năm nay là con ba mươi tuổi.
Nghe tôi nói đến đây, vẻ mặt của cô kia hơi cứng lại, im lặng một hồi cũng không nói thêm gì. Tôi biết đàn ông ở đây hơn hai mươi tuổi đã lập gia đình, con gái còn lấy chồng và sinh con sớm hơn, tôi gần ba mươi rồi, ở tuổi này thì làm gì còn đàn ông nào trong bản chưa cưới vợ nữa, muốn giới thiệu cho tôi cũng không được.
Cô ấy nghĩ ngợi một lát rồi gượng gạo cười:
– Ừ, để tôi xem xem.
Vừa nói đến đây thì nghe bên ngoài có tiếng người râm ran nói chuyện, Hà ló đầu ra nhìn thì thấy đoàn bên công ty Trường An về, liền quay đầu bảo bọn tôi:
– Mọi người về rồi ạ.
– Thế nấu nhanh lên thôi, muộn rồi.
Mọi người ăn trưa xong lại tiếp tục ra ngoài bờ suối để bàn việc xây cầu, tôi không đi được nên đành ở nhà xem tin tức trên điện thoại, ngày hôm sau chân cẳng đỡ hẳn rồi mới cùng Hà ra ngoài ấy để xem khởi công xây dựng, rồi tranh thủ tham gia giám sát công trình.
Mỗi tội lần giám sát này tôi không bận rộn như lúc giám sát xây dựng nhà xưởng Trường An, Phương không bắt tôi viết báo cáo ngày một nên tôi rất nhàn. Ban ngày tôi kiểm tra tiến độ công ty kia làm việc, buổi tối nấu nướng cùng người dân trong bản, thỉnh thoảng nghe mọi người đánh cồng chiêng và chơi đàn T’rưng.
Cứ như vậy một tuần trời thì người tôi bị bắt nắng đen nhẻm, trụ móng đầu tiên của cầu cũng đã được đổ xong ở một nền đất cứng. Hôm đổ trụ móng thành công xong, mấy người trong bản lại làm một con lợn rừng nữa để “ăn mừng”.
Ban đầu Phương từ chối, sợ tốn kém tài sản của người dân nên bảo không đồng ý tổ chức rầm rộ, nhưng trưởng bản nhất quyết bắt phải mổ lợn ăn mừng mới thôi, bọn tôi không chối được, cho nên lại phải tham gia tiệc rượu.
Trong hôm đó, anh ta cũng nói với trưởng bản việc ở đây đã bắt đầu vào giai đoạn thi công ổn định rồi, Phương còn công việc ở Sài Gòn nên ngày mai sẽ lên xe về. Nghe xong câu này, không những trưởng bản mà cả tôi cũng cảm thấy rất buồn, đang có anh ta ở đây tôi quen rồi, giờ Phương về chỉ còn mỗi tôi ở lại nên tôi cứ thấy sao sao ấy, cứ thấy hụt hẫng và chông chênh khó tả.
Trưởng bản nói:
– Không thể ở thêm ít ngày à?
– Cháu ở đây một tuần rồi, công việc không có ai giải quyết, cũng muốn ở lâu thêm nhưng không được.
– Ừ, công việc thì biết sao giờ, tôi có muốn cũng không giữ ở lại được. Thôi, hôm nay cứ uống rượu với tôi một bữa đi, ngày mai về không được uống nữa đâu.
– Vâng, cháu kính bác một bát.
Ăn uống xong, tôi cầm quần áo lững thững ra bờ suối tắm rửa. Từ khi nghe Phương bảo về Sài Gòn, tâm trạng tôi cứ buồn buồn, ngồi ngâm nước rất lâu mà vẫn chẳng thấy dễ chịu hơn tý nào, lòng nặng nề hệt như mấy phiến đá tĩnh lặng bên bờ suối kia.
Mấy ngày qua anh ta ở đây thật là tốt, dù thỉnh thoảng không có ai, Phương vẫn tìm cách trêu chọc tôi nhưng từ hôm suýt rơi xuống suối, tôi không cảm thấy tức giận vì anh ta cợt nhả mình nữa, đôi khi còn cảm thấy vui.
Có Phương bên cạnh tôi thấy an tâm hơn, giống như ở một nơi xa lạ, một người quen vẫn tốt hơn rất nhiều người mình không quen biết, cho nên mới nảy sinh ra cảm giác dựa dẫm đó. Nhưng mai anh ta về rồi, tôi lại vẫn còn phải ở đây thêm hơn một tuần nữa, không có anh ta bên cạnh, tôi biết làm sao đây…
Đang nghĩ ngợi lung tung thì lại nghe sau lưng vang lên tiếng huýt sáo, tôi quen rồi nên không giật mình nữa, chỉ ngoảnh đầu lại phiến đá Phương hay ngồi, thấy anh ta đang thản nhiên tựa lưng ở trên đó.
Anh ta nói:
– Đang nghĩ gì mà đần mặt ra thế?
– À… không có gì. Đang tính xem trụ cột như thế có chịu được mấy lần lũ không.
– Tôi yêu cầu bên thi công xây kiên cố nhất có thể rồi. Yên tâm, bị cuốn thì xây lại tiếp.
– Anh đúng là đồ thừa tiền.
– Đâu, tôi đang dùng tiền để tích đức, sống đến năm 80 tuổi đấy chứ.
Tôi phì cười, khoát nước lên vai mình rồi lắc đầu nói:
– Tích thật nhiều đức vào, việc xấu anh làm không ít đâu.
– Việc xấu nhất tôi làm là tán tỉnh cô đấy.
– Đang hối hận à?
– Không. Tôi chẳng bao giờ có khái niệm hối hận. Vì đằng nào hối hận cũng có quay lại được nữa đâu. Hối hận là việc làm vô bổ.
– Ừ.
Phương thở hắt ra một hơi, sau đó không nhìn tôi nữa mà chỉ ngẩng lên nhìn ánh trăng tròn vằng vặc ở trên cao, qua thật lâu, thật lâu sau, anh ta bỗng dưng nói:
– Tắm xong thì vào dọn đồ đi. Ngày mai về Sài Gòn với tôi.

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (13 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN