Nàng trợ lý số một. - Chương 29: Nếu như sợ rằng họ sẽ phản bội, vậy chỉ cần không tin tưởng tất cả:
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
105


Nàng trợ lý số một.


Chương 29: Nếu như sợ rằng họ sẽ phản bội, vậy chỉ cần không tin tưởng tất cả:


Cho đến khi thang máy mở ra, mặt tôi đã tái nhợt. Nguyễn Nhã Lâm quay sang nhìn tôi có chút ngạc nhiên, thấy thang máy mở ra, bà ta ngay lập tức đổi giọng, ân cần đỡ lấy tôi:
– Trợ lý Minh Hà, cháu không sao chứ? Sao đứng một lúc đã tái xanh thế này?
Tôi theo phản xạ tránh khỏi bà ta, khẽ gật đầu :
– Phu nhân,.. đến rồi ạ. Mời đi lối này.
Tôi mở cửa văn phòng Triệu Mẫn.
– Thưa giám đốc… khách của ngài đến rồi ạ.
Triệu Mẫn ngẩng lên nhìn tôi đang định mở miệng hỏi gì đó thì Nguyễn Nhã Lâm từ ngoài bước vào, niềm nở chào hỏi:
– Ôi trời, cháu trai buổi sáng tốt lành. Hôm nọ nghe cái Nguyệt nhà dì nói cháu dạo này phong độ lắm, quả đúng là thế.
– Chào dì. – Triệu Mẫn khẽ cúi người chào lễ phép.
– Ra đây dì xem nào, về Việt Nam mấy tháng rồi đã quen chưa? Có gì cứ gọi cái Nguyệt ra, cần gì em nó chăm sóc cũng tiện hơn … người ngoài. – Vừa nói Nhã Lâm vừa khẽ liếc mắt sang nhìn tôi đầy ghét bỏ rồi nhanh chóng trở về nét mặt sởi lởi như trước.
Triệu Mẫn chỉ gật đầu : – Dì có lòng. Chuyến đi du lịch của dì tốt đẹp chứ?
– Tốt, tốt, khổ nỗi vì chuyến du lịch đó mà hôm trước cháu đến Đà Nẵng, qua nhà dì chú ăn cơm mà dì lại không có nhà nên còn tiếc đây.
Tôi bưng trà ra, khó khăn khống chế cho tay mình không run lên rồi nhẹ nhàng đặt xuống bàn. Tôi cố gắng bình tĩnh, chậm rãi nói với sắc mặt tái nhợt.
– Thưa giám đốc, … nếu không có gì em xin phép ra ngoài trước.
– Cô ổn chứ? – Triệu Mẫn nhìn sắc mặt tôi rồi hỏi, dễ dàng nghe ra sự lo lắng trong đó. Nếu là hôm qua tôi sẽ rất vui mừng vì thấy sếp Mẫn đã quan tâm mình một chút, nghĩa là anh ta đã bớt giận. Nhưng lúc này tôi chẳng có tâm trí nào để ý đến điều đó, tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi tầm mắt của người đàn bà này ngay lập tức.
– Em không sao ạ thưa giám đốc. – Tôi cố gắng trả lời thật rõ ràng, không để lộ ra sự run rẩy.
Triệu Mẫn nhìn xuống hai lòng bàn tay rướm máu của tôi, sắc mặc liền khẽ động. Với một người vốn luôn không thể hiện nhiều cảm xúc ra mặt như anh ta mà nói, gương mặt khẽ động chính là cảm xúc biến động rất lớn. Tôi thấy vậy bèn nhân lúc anh ta chưa nói gì, cúi người chào rồi vội vã đi ra ngoài. Tôi sợ rằng anh ta cố tình truy hỏi chuyện gì xảy ra tôi sẽ không còn chống cự nổi mà chạy được nữa.
Tôi vẫn nghe thấy tiếng Nhã Lâm vọng lại từ đằng sau:
– Chắc cô trợ lý hơi mệt chút thôi, không sao đâu. À, khi nãy lại đang nhắc đến cái Nguyệt, con bé ấy mà, ngây thơ quá làm dì lo lắng lắm, cháu nhiều lúc quan tâm nó giùm dì …
Tôi đi qua bàn thư kí, dừng lại nhắc họ nếu ai hỏi đến thì nói tôi đã xin về trước. Nhưng tôi lại không đi về mà chạy một mạch về văn phòng của mình. Vì chạy vội lại đi giày cao nên tôi bị ngã trẹo cả chân. Nhưng tôi không để ý đến, tiếp tục đi tập tễnh về phòng rồi khóa trái cửa lại. Tôi thở dốc, mắt bắt đầu hoa lên vì sợ hãi. Tôi hoang mang đứng nhìn quanh phòng rồi nhìn thấy cái bàn làm việc của mình. Tôi cuống quýt chui xuống gầm bàn, ôm đầu gối ngồi dưới đó và bắt đầu run lẩy bẩy.
Đã rất lâu, rất lâu rồi tôi không bị tình trạng này. Lần cuối tôi bị như vậy chính là hồi bị mắc chứng trầm cảm sau khi mẹ tôi qua đời.
Năm mười ba tuổi tôi đã bị trầm cảm. Cái chết của mẹ chính là cú đánh tâm lý cuối cùng khiến tôi lâm vào tình trạng bế tắc, khủng hoảng ấy sau đó dẫn đến một chứng bệnh tâm lý. Tôi hoảng sợ mọi thứ, khi có mọi người xung quanh, tôi là một đứa trẻ lầm lì đến mức khiến người ta phát sợ. Nhưng khi không có ai cả, tôi lại tự dốt mình trong phòng. Khi tức giận tôi sẽ đập phá đồ hoặc cũng có khi sợ hãi, tôi lại tìm một góc rồi chui vào ngồi cả giờ đồng hồ, vừa run hãi vừa hoảng loạn. Tôi sợ bị họ hàng thấy mình trong tình trạng như vậy, họ sẽ càng ghét bỏ chị em chúng tôi nên tôi giấu tất cả.
Tôi khi ấy vì cảm thấy tuyệt vọng với cuộc sống này nên từng nhiều lần có ý định muốn tự tử nhưng không thành. Lần cuối cùng, khi tôi đang cầm con dao định cắt cổ tay mình giống như những gì đã đọc được trên báo thì Phong khi ấy mới chỉ là một đứa trẻ lên 6 tuổi nhìn thấy. Thằng bé sợ hãi chạy vào ôm lấy tôi rồi gào lên. Trong tiếng khóc nức nở, Phong gào lên những câu mà tôi nghe chẳng rõ. Nhưng có một câu mếu máo thằng bé lặp đi lặp lại thì tôi nghe rất rõ :
– Chị đừng bỏ em, chị đừng bỏ em. Em sợ lắm, em có mỗi chị thôi, chị đừng bỏ em.
Tôi khi ấy mới chợt sững người, tôi nhớ lại lời dặn dò của mẹ trước khi chết nói rằng tôi phải chăm sóc cho Phong thật tốt, nói rằng thằng bé rất thiệt thòi, rất đáng thương. Tôi chợt nhớ ra mình còn đứa em bé bỏng này, tôi rất yêu quý nó, tôi có trách nhiệm phải chăm nuôi nó. Tôi chết rồi, tôi được giải thoát rồi thì còn Phong? Tôi bỏ mặc nó sao?

Tôi thẫn thờ buông dao xuống rồi nhào tới ôm lấy Phong, khóc òa lên. Đấy là lần cuối cùng tôi khóc. Kể từ đó, tôi chưa từng khóc, tôi cảm thấy khóc chính là yếu đuối, là sỉ nhục bản thân mình. Khóc sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì mà chỉ khiến kẻ thù càng thêm hả hê.
Về sau Phong dường như bị sợ hãi, thằng bé luôn bám lấy tôi để canh chừng tôi như thể sợ rằng nó chỉ lơ là một chút thì tôi sẽ bỏ nó lại.
Một thời gian sau tôi gặp được một người bạn học cũ của mẹ là một bác sĩ tâm lý. Ông ấy phát hiện ra tôi bị trầm cảm và có vấn đề về tâm lý chỉ sau một lần gặp mặt. Sau khi ông ấy cố gắng thuyết phục, tôi đã đồng ý trốn gia đình nhận nuôi chị em tôi đi trị liệu vào mỗi cuối tuần.
Tôi hồi phục và không còn hoảng loạn như trước mặc dù sau đó tôi hoàn thành trở thành một đứa trẻ ít nói và lầm lì, chỉ thích ở một mình không muốn quan tâm xung quanh. Khi ở cạnh chăm sóc cho Phong là lúc duy nhất tôi cười nói dịu dàng như một bé gái bình thường.
Từ đó tôi cho rằng mình đã thoát khỏi chứng bệnh tâm lý ấy, chỉ là thi thoảng bị gợi nhớ đến chuyện trong quá khứ tôi sẽ hơi suy nghĩ hoặc cáu giận một chút. Nhưng giống như áp chế bóng đen khiến nỗi sợ hãi tồn tại trong lòng mình, tôi mau chóng kìm chế được bản thân bằng cách ngăn cho mình không nhớ tới chúng nữa.
Cho đến hôm nay, gặp lại Nguyễn Nhã Lâm khiến tôi bộc phát triệu chứng hoảng loạn như trước, tôi cũng không ngờ gặp lại bà ta tôi sẽ có phản ứng mạnh đến vậy.
Tôi ôm lấy mình ngồi dưới gầm bàn, cố gắng tự kìm chế bản thân không tiếp tục sợ hãi hoặc đập phá đồ xung quanh. Tôi muốn gọi điện cho ai đó đến bên mình lúc này, hoặc ít nhất có thể tâm sự với họ để được trấn an hơn.
Tôi vội vàng rút máy ra gọi cho Kim An. Nhưng cô ấy không bắt máy, một cuộc, hai cuộc, sáu cuộc, tôi gọi cho Kim An chín cuộc liên tiếp mà không thấy cô ấy bắt máy. Tôi còn có thể gọi cho ai nữa? Gọi cho Phong ư? Không được, thằng bé sẽ lo lắng, hơn nữa có lẽ Phong vẫn còn nhớ chuyện hồi bé, rất sợ khi nhìn thấy tôi như thế này. Trương Kiệt? Càng không thể,tôi không thể tùy tiện bộc lộ điểm yếu trước người khác. Ngoại trừ người thân, tôi không tin tưởng bất kì ai hết. Mà với tôi, bạn bè dù nhiều đến mấy, mối quan hệ nhiều đến mấy, tôi cũng chỉ có hai người thân duy nhất là Phong và Kim An, ngoài họ ra với tôi ai cũng có khả năng sẽ gây bất lợi cho tôi bất kì lúc nào nên đều cần có sự cảnh giác.
Tôi dựa đầu vào cạnh chân bàn, nghiêng đầu nhìn chếch lên trần nhà mệt mỏi nghĩ, hóa ra tôi cô đơn đến thế. Vì tôi chọn chẳng tin tưởng ai cả nên những lúc yếu đuối nhất thế này lại chẳng có ai để dựa vào. Năm mười ba tuổi cũng vậy, hơn mười năm sau cũng vậy.Tôi lại vẫn tự chật vật chống trọi bóng đen đáng sợ kia một mình.
Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng gõ cửa bên ngoài. Tôi đã nói với mọi người là mình về trước thì còn ai đến phòng làm việc gõ cửa tìm tôi nữa?
Tôi lại tiếp tục sợ hãi.
Tôi nhớ lại năm mười hai tuổi.
Tôi và Phong run lên, ôm lấy nhau trốn trong phòng. Cha tôi lùng sục khắp nơi tìm chúng tôi. Ông ta đập cửa liên tục rồi phá cửa. Cha lôi tôi ra ngoài phòng khách đã bị lật tung lên. Mẹ tôi đầu tóc rối bời chỉ biết khóc cạn nước mắt đang ngồi thất thần giữa phòng.
Cha xách cổ tôi lên, tay cầm con dao bếp kề sát lên cổ tôi rồi hung tợn gào lên:
– Đưa ra đây, đưa tiền ra đây. Không thì tao giết nó.
– Đừng, thả con bé xuống. – Mẹ tôi đã khóc đến khàn cả giọng, vội vàng hoảng hốt gào lên.
Mỗi lần cha đến, cảnh đó đều tái diễn. Nhiều đến mức, về sau đó, tôi không còn khóc nổi nữa, chỉ sợ hãi đến tột độ rồi nhìn khuôn mặt hung dữ của cha.
Tiếng gõ cửa ở bên ngoài vẫn vang lên kéo tôi trở về thực tại.
Người bên ngoài có vẻ đã mất kiên nhẫn nên thay vì gõ thì bắt đầu đập cửa. Hình như có tiếng gọi nào đó ở bên ngoài nhưng căn phòng cách âm nên tôi chỉ nghe thấy tiếng đập cửa dồn dập.
Càng nghe tiếng đập cửa tôi lại càng sợ hãi, tôi chỉ biết ôm đầu rồi lẩn sâu hơn vào trong gầm bàn. Một lúc sau tiếng đập cửa ngừng lại. Tiếng chìa khóa lách cách mở cửa.
Tại sao? Tôi đã khóa trái cửa cơ mà?
Tôi sợ hãi cúi gục đầu xuống, chôn mặt sau hai đầu gối rồi bắt đầu run lên liên tục. Năm mười ba tuổi tôi cũng như vậy, tôi luôn ước có một ai đó đến vỗ vào vai tôi rồi nói : “Không sao cả, mọi thứ ổn rồi ”
Nhưng từng có ai đến.
“ Cạch ”- Tiếng cửa mở ra. Tôi vùi mặt mình xuống sâu hơn, không dám ngẩng lên nhìn xung quanh. Có tiếng bước chân bước vào phòng, có lẽ người đó đứng trong phòng nhìn quanh một lúc mới thấy tôi đang trốn dưới gầm bàn. Tiếng bước chân tiến lại gần tôi, khiến tôi càng thêm run mạnh hơn. Người kia dường như chần chừ một lúc, tôi không nghe thấy tiếng bước chân nữa, có lẽ đang đứng ngay trước cái bàn mà tôi chui xuống rồi.
Một giây tỉnh táo khiến tôi nhớ ra đây là công ty, vậy thì người phát hiện tôi trong tình trạng này là người trong công ty rồi. Vậy là hết, cả công ty này sẽ biết hành động đáng xấu hổ này của tôi. Không chừng họ sẽ nghĩ tôi bị tâm thần.

Thôi.

Sao cũng được, tôi từ bỏ, họ nghĩ sao cũng được. Tôi không quan tâm nữa, tôi từ …
Một cánh tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi, khẽ vỗ nhẹ rồi từ từ kéo tôi vào lòng. Hai cánh tay dài và chắc khỏe dịu dàng ôm lấy tôi, cẩn thận từng chút một như sợ rằng rồi sẽ làm tôi sợ hãi mà chạy mất. Bàn tay đó vẫn đều đặn vỗ lên vai tôi như an ủi. Tôi nghe thấy một giọng nói có chút khàn khàn truyền xuống “ Đừng sợ, không sao cả, không sao cả.”
=======================================================================================================
**** Ngoài lề:
Ngoài lề 1: Chương này hơi dài nhưng t không biết cắt ở đoạn nào cho được ;3 t đã cắt bớt một đoạn tâm lý và quá khứ u ám của nữ chính cho câu chuyện đỡ nặng nề và bớt dài rồi :v
Ngoài lề 2: Đến chương này, khi biết bạn nữ chính từng bị mắc bệnh tâm lý do ám ảnh tuổi thơ thì các bạn đã dễ hiểu vì sao lần trước chỉ mới bị mắng là loại thư kí bám vào đàn ông mà nữ chính đã tức giận mất kiểm soát như vậy rồi đấy ( dù cho bình thường da mặt cô ấy khá dày, nghe chửi vài câu cũng chỉ coi là gió thoảng thoáng qua)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN