Nếu Em Không Về - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
884


Nếu Em Không Về


Phần 8


Cũng may trong lúc ấy tài xế của Dương cũng đến. Tôi dựa lưng vào cửa kính, lặng lẽ nhìn ra ngoài, cũng không biết Dương bên cạnh đang làm gì, đang ngủ hay đang cố kìm lại cơn giận trong lòng. Sau bao năm gặp lại Dương đã thay đổi. Anh không còn là anh của bốn năm về trước. Mà không, cả tôi và anh đều thay đổi, trong mắt đối phương đều xa lạ không chút quen thuộc nào. Chỉ là tôi không hiểu vì sao Dương lại muốn tôi ly hôn, càng không hiểu vì sao anh có vợ sắp cưới rồi còn muốn bao tôi? Vì anh muốn tự tay hành hạ tôi, vì anh muốn tự tay khiến cho tôi sống không bằng ch.ết thay vì để người khác làm?

Hoá ra, tôi và anh đã từng yêu nhau cơ đấy! Sẽ chẳng ai tin nổi từng có một tình yêu đậm sâu thế nào. Đáng tiếc… tình yêu của tôi và anh đã ch.ế.t rồi, đã bị tôi đào đất, chôn vùi giữa hàng ngàn, hàng vạn lớp cát vĩnh viễn đừng nên đào lại.

Cả đoạn đường về mưa vẫn trắng xoá, từ lúc chiều tà đến khi ánh đèn đường lên mưa vẫn không ngớt. Tôi không biết mình có ngủ hay không nhưng về đến Quảng Ninh tôi mới giật mình choàng dậy. Vì mưa lớn thế này tôi không thể xuống dưới đường bắt taxi, So lại nằm trong viện nên sau khi người tài xế hỏi tôi đã nhờ anh ta chở về viện sản nhi.

Lúc này nhìn qua gương chiếu hậu tôi bỗng thấy gương mặt Dương tái nhợt lại. Cứ ngỡ do ánh đèn đường chiếu vào nhưng quay sang quả thật thấy mặt anh tái xanh, trời lạnh mà trán đổ mồ hôi lấm tấm. Thấy tôi nhìn, khoé môi anh mấp máy như muốn chửi nhưng dường như không còn sức chửi nữa mà thở hắt một hơi. Vừa khiến anh nổi cơn thịnh nộ, tôi đắn đo mãi mới hỏi được mấy chữ:

– Anh bị sao thế?

Dương không đáp, ánh đèn đường lại sượt qua, sống mũi cao phập phồng thở, vẻ đẹp trai vẫn còn nhưng xen lẫn cả một sự mệt mỏi, đau đớn không thể giấu. Tôi hỏi lại lần nữa:

– Anh đau ở đâu à?

Lần này anh không im lặng nữa mà quát lại:

– Ngậm mồm đi!

Tôi có lòng hỏi nhưng anh không có tâm trả lời, thế nên tôi cũng không hỏi nữa. Có điều tôi cảm thấy Dương rất không ổn, ngồi bên cạnh cũng nhận thấy hơi nóng hừng hực. Phân vân một lúc, tôi khẽ đưa tay chạm lên trán anh bỗng thấy bàn tay như lửa đốt. Hình như anh sốt rồi! Thế nhưng Dương dường như không muốn tôi đụng vào người, đưa tay gạt phắt tay tôi ra rồi nói:

– Bỏ tay ra.
– Tôi chỉ muốn xem anh thế nào thôi.
– Không cần!
– Anh đang sốt đấy.
– Không phải việc của cô.

Nói đến đây vừa hay cũng đến viện sản nhi, người tài xế liền đỗ xe lại. Dương có vẻ không kiên nhẫn được nữa đuổi tôi:

– Xuống!

Thật ra không phải tôi có bất kỳ tơ tưởng gì đến Dương, nhưng lúc này tôi cũng không đành lòng để anh một mình như vậy, dù gì Dương cũng là sếp của tôi, hôm nay lại đi cùng nhau, tôi thở dài khẽ nói:

– Hay để tôi đưa anh vào viện đã. Như thế này rất nguy hiểm.

Dương đưa tay lên bụng, giống như có một cơn đau từ đó ập đến, nhưng anh vẫn gồng mình gầm lên:

– Cô điếc à? Cút xuống xe.

À còn gầm lên được thì chắc là không sao. Anh sợ tôi ở trên xe bẩn mắt hay sao mà cứ phải kiên quyết đuổi xuống bằng được. Tôi cũng không thèm hỏi han nữa mà mở cửa xe đi xuống. Chiếc xe ngay lập tức phóng vụt đi như ma đuổi. Tôi đứng ngây người, đến khi chiếc xe khuất đang định vào trong thì có tiếng chị Hoa phía sau cất lên:

– Mày đi đâu về đấy?

Nhìn thấy chị Hoa tôi thoáng giật mình. May mà tôi xuống xe một lúc rồi nếu không kiểu gì chị ta mà bắt gặp cũng lại làm ầm lên. Bao nhiêu ngày không gặp, từ hôm chị ta đến công ty lăng mạ tôi đến giờ mà chị ta vẫn thản nhiên như không có gì. Có điều giờ tôi muốn lên với So luôn nên không muốn đôi co với chị ta mà lẳng lặng xách túi đi trước. Chị ta thấy tôi không đáp lại thì bì bầm nói gì đó. Đến khi lên đến phòng bệnh, tôi thấy cái Phương cũng đang ở đó còn Việt đi đâu tôi không rõ. Thấy tôi với chị Hoa đi cùng nhau, nó hơi nhếch mép nhìn chị Hoa, ánh mắt không chút thiện cảm nào rồi quay sang tôi nói:

– Chiều tao đưa Sam vào đây thăm So thì ông Việt bảo ông ấy đi có việc, nhờ tao trông Sam, So đến khi mày về. Nãy mẹ tao có tắm cho Sam rồi, tao cũng cho thằng bé ăn cơm xong rồi, thằng Tú nó đến đón thằng bé đi chơi nhà bóng chắc lát mới về.
– Cảm ơn mày nhé.
– Ơn huệ gì con điên này. Mà tao thấy tình hình này mấy nữa ông Việt mà đi làm thì phải thuê người trông So. Tao đang định bảo mày thuê mẹ tao, giờ bà ở nhà cũng nghỉ hưu, tao lại chưa con cái gì bà cũng buồn. Mấy hôm So nằm viện cứ nhắc mãi. Thuê thì chắc bà cũng lấy một hai triệu tiền xe cộ đi lại thôi, mà bà chăm trẻ có khi còn hơn tao với mày.

Khi cái Phương vừa nói đến đây thì chị Hoa chen vào:

– Sao phải bỏ tiền ra thuê ai vào chăm. Con Trân đi làm không chăm được thì gọi mẹ nó sang chăm, làm như giàu có lắm bày đặt bỏ tiền ra thuê người. Mẹ nó chả phải ở nhà chả làm gì sao, sang mà chăm cháu ngoại đi chứ?

Cái Phương nghe đến đây thì ức ra mặt, tính nó xưa nay còn lâu mới nhẫn nhịn ai. Tôi sợ nó khùng lên rồi đánh nhau với chị Hoa đành kéo nó ra một góc rồi nói với chị Hoa:

– Chị vào thăm cháu thì thăm, không thăm thì về đi. Còn nhiều chuyện tôi chưa tính toán với chị, tốt nhất chị đừng gây sự nữa.

Chị Hoa nghe xong đang định nói gì đó thì bác sĩ Trung cũng đi vào khám cho So. Chị ta thấy vậy cũng đành im miệng đi theo, tôi nghe loáng thoáng chị ta hỏi bác sĩ Trung tiền nong gì đó nhưng câu được câu mất nên không nghe rõ. Cái Phương nhìn tôi, khó chịu nói:

– Con mụ ấy mà là chị chồng tao tao táng vỡ mồm luôn. Đấy, mày xem thế nào thì bảo tao tao về bảo mẹ tao.
– Được mẹ mày chăm cho thì tốt quá, nhưng mà một hai triệu sao bõ công mẹ mày bỏ ra.
– Thật ra mẹ tao cũng chẳng quan trọng tiền nong đâu, mẹ tao coi Sam, So, coi mày như con cháu trong nhà chứ không phải người ngoài. Cho mẹ tao vào chăm So để bà bận tí chứ không ở nhà cứ nhiếc móc chuyện tao không chồng con gì đau óc lắm.

Nói đến đây, cái Phương cũng lôi trong túi ra mấy tờ năm trăm ngàn rồi bảo:

– Ông Việt nãy đưa tao năm triệu bảo khi nào mày về thì đưa cho mày để đóng thêm tiền thuốc với kim truyền cho So, ông ấy chưa kịp đóng thì phải.

Tôi kinh ngạc nhìn mấy tờ tiền trên tay cái Phương, cũng phải đến gần hai năm nay rồi, đây là lần đầu tiên Việt đưa tiền cho tôi. Tôi không biết anh ta đi đâu, cũng không biết anh ta kiếm đâu được tiền để đưa, trong lòng bỗng cảm thấy có chút nặng trĩu. Cái Phương thấy tôi ngây ra thì hỏi:

– Sao làm ra cái bộ ngạc nhiên thế? Thế ông ấy không đưa tiền cho mày bao giờ à? Cầm lấy đi…

Nó vừa nói đến đây chị Hoa cũng từ đâu lao ra, đưa tay định tóm lấy tiền trên tay cái Phương rồi nói:

– Tiền này là tiền của em trai tao lo cho mẹ chứ không phải để mày bòn rút nó. Đưa đây cho tao lo thuốc men cho mẹ.

Tôi nhìn chị Hoa, lần nào cũng vậy, chị ta luôn nghĩ tôi bòn rút của Việt. Bao năm nay kể cả tôi vẫn hàng tháng lo thuốc men cho mẹ chồng, chị ta vẫn khăng khăng đó là tiền của em trai chị ta. Nay chị ta còn chẳng nể nang gì, ngay trước bệnh viện làm trò đáng chê cười này. Cái Phương không nhịn nổi nữa giật lại tiền rồi gắt lên:

– Này! Chị vừa phải thôi, đây là tiền lo cho So chứ không phải cái Trân nó đút túi lo cho nó mà chị phải giành giật. Là để lo cho cháu chị đấy.

Chị ta chẳng những không nghe mà còn cười nhạt:

– Con So nó bị bệnh như thế khác gì cái vực không đáy. Bao nhiêu tiền của có đổ vào cũng không đầy được.
– Chị nói chuyện cái kiểu gì đấy? Chị nói thế mà nghe được à?
– Không nghe thì cũng phải nghe. Đưa tiền của em tao cho tao.
– Tôi không đưa.

Chị ta thấy không làm gì được cái Phương thì quay sang bảo tôi:

– Mày bảo nó đưa cho tao.

Kể từ lần chị ta đánh tôi ở công ty tôi đã xác định không nhịn nữa nên đáp lại:

– Sao tôi phải bảo nó đưa cho chị. Chị thích thì về mà đòi của em trai chị chứ tiền này em trai chị đưa cho tôi lo cho So, tôi không việc gì phải đưa chị cả.

Chị ta nghe xong nổi khùng gào lên:

– Tiền của em tao mày bòn rút bao năm nay chưa đủ à? Mày nhìn con So đi, mày xem nó tiêu tốn bao nhiêu tiền của của cái nhà này rồi? Bao năm nay đổ tiền cho nó có đáng không? Một đợt nằm viện thế này cũng mấy chục triệu, một năm nằm biết bao nhiêu đợt, rồi còn tiền phẫu thuật nữa. Cái số tiền lo cho nó ấy xây được cả cái nhà đấy. Tao nói rồi, họ Hoàng nhà tao có thằng cháu đích tôn là thằng Sam khoẻ mạnh là được, còn con So bệnh tật thế kia xác định không nuôi được thì rút mẹ ống thở ra đi cho nó thanh thản.

Từng câu, từng chữ độc địa đến rùng mình. Cơn giận như sóng trào ập đến, đây không phải lần đầu chị ta nói thế này, nhưng lần này quả thực chị ta dùng những từ ngữ vô cùng kinh tởm. Tôi trợn mắt nhìn chị ta rít lên:

– Chị nói cái gì? Tôi đã cảnh cáo rồi chị vẫn dám nói ra những lời này sao?
– Tao nói sai cái gì à? Không đẻ đứa này thì đẻ đứa khác, mày xem nó nằm trong kia tốn của tốn tiền biết bao? Nếu biết sinh ra nó bệnh tật như vậy thì bóp chết thì trong trứng nước đi rồi, sống làm gì cho khổ những người xung quanh.

Ngay khi câu nói ấy vừa dứt, tôi như con thú điên cuồng lao vào bạt cho chị ta một cái lên mặt rồi nghiến răng nghiến lợi quát:

– Bao lâu nay tôi cố nhịn chị, nhưng hôm nay đừng mơ tôi nhịn nữa. Chị đụng vào ai chứ đụng đến con tôi tôi sống chết với chị. Lần trước chị đến công ty tôi còn chưa tính sổ đâu, được rồi, lần này tôi tính với chị luôn.

Nói xong tôi lại tát thêm một cái nữa. Chị ta bị tát choáng váng gầm lên:

– Mày dám đánh tao? Con đĩ này dám đánh tao à?

Vừa gầm chị ta vừa xông vào túm tóc tôi. Bình thường tôi sợ nhất gây sự chú ý, cũng không bao giờ thích đánh nhau, nhưng hôm nay chị ta thật sự đi quá giới hạn. Chị ta vừa túm tóc vừa thụi tôi mấy cái, tôi cũng không vừa đạp cho chị ta mấy phát. Lúc này cái Phương cũng lao đến, nó gỡ tay chị ta ra, rồi combo một cú đấm vào mõm, sau đó lại tung một cước khiến chị ta ngã nhào rồi nói:

– Đụng vào bạn bà à? Mày tới số rồi con điên ạ. Bà mày đai đen đấy…

Nói xong nó lại định xông phi lên, tôi thì không sao, nhưng nó là viên chức nhà nước, tôi sợ ảnh hưởng đến công việc của nó liền giữ nó lại. Có điều chị Hoa lúc này cũng sợ rồi, mặt tái xanh lại không dám đánh tôi nữa nhưng vẫn chỉ tay mặt vào cái Phương chửi:

– Mày dám đánh tao, mày tin tao kiện mày không?
– Kiện đi! Kiện đi! Bà mày thách mày kiện đấy. Bà quay video từ nãy giờ những lời mày nói, để bà đăng lên mạng xã hội xem mày có sống được với dư luận không mà đòi kiện.

Chị Hoa nhìn cái Phương, lảo đảo đứng dậy, tôi biết chị ta rén lắm rồi nhưng vẫn cố chấp nói:

– Cái loại mày mà cũng đòi làm cô giáo à? Cô giáo chó gì cái mày, cô giáo gì mà láo toét!
– Bà mày là cô giáo chứ đếch phải cô ni. Với cái loại như mày thì này còn là nhẹ đấy! Đừng để bà mày cùn lên thì sự nghiệp bà mày cũng đếch cần nữa. Từ sau còn bắt nạt con Trân thì mày xong đời với bà luôn. Cút!

Câu nói cuối của cái Phương khiến chị Hoa cũng không dám mở mồm nữa. Cuối cùng chị ta cũng lừ mắt rồi xoay người đi. Khi chỉ còn tôi với cái Phương nó cũng ngồi xuống ghế mồm vẫn không ngừng chửi chị Hoa. Tôi phải nói mãi nó cũng mới bình tĩnh lại, uống mấy chai nước lạnh mới chịu thôi ngồi chơi với tôi với So mãi không thèm về. Tối muộn thằng Tú mới đưa Sam về. Lúc thấy Sam thấy con mặc bộ quần áo mới, tôi kinh ngạc hỏi:

– Sam lấy quần áo đâu thế con?
– Bà Tâm mua cho Sam mẹ ạ.

Tôi nhìn cái Phương, nó gật đầu bảo:

– Là mẹ tao mua cho nó đấy. Sáng bà đi chợ thấy quần áo đẹp nên mua, bà giặt sạch sẽ rồi, tối mới dám mặc cho.

Tự dưng tôi thấy áy náy vô cùng, nó chắc cũng biết tôi định nói gì nên đã nói trước:

– Không phải cảm ơn cảm huệ gì cả. Sau này Sam, So lớn giàu rồi mua đồ lại cho bà Sam nhỉ?
– Dạ! Sam lớn Sam kiếm tiền cho mẹ Trân, cho cô Phương, cho bà Tâm.

Tôi nghe xong bật cười, còn cái Phương thì bế thốc Sam lên nói:

– Đã đẹp trai còn dẻo mồm. Sau này gái theo chết thôi con ạ. Mà công nhận mày cũng giỏi thật, đẻ hai đứa con vừa ngoan vừa đẹp, đứa nào đứa đấy như thiên thần.
– Tao thấy hai đứa bình thường mà.
– Bình thường? Này mà còn bình thường. Mà ông Việt đâu có đẹp đâu nhỉ? May Sam, So chả giống ông Việt tí ti nào. Mà tính ra trông cũng không giống mẹ nhiều, kiểu đẹp trội hơn mẹ ý. Không hiểu sao tài chọn nét thế nữa. Đợi So khỏi bệnh, cô Phương cho hai đứa làm mẫu để cô Phương bán thêm quần áo trẻ em kiếm thu nhập mới được. Đẻ thế này mới xứng đáng đẻ chứ.

Thằng Tú bên cạnh liền hất tóc nói:

– Sam, So nó đẹp giống cậu nó chứ ai.

Cái Phương bĩu môi:

– Khiếp! Mày xấu bỏ mẹ đi, xách dép cho Sam, So.
– Chị chê em ít thôi sau lại mê.
– Tao thèm vào. Mắc ị!
– Xì! Ế bỏ mẹ cứ sĩ.
– Sĩ kệ tao! Ế cũng không đến lượt mày.
– Gớm! Kiếm được thằng như em phúc ba đời nhà chị.
– Thôi tởm quá đi!
– Tởm cái gì, hay thử phát xem tởm không? Mà Sam, So giống ai thì giống cứ không giống bố nó là tốt rồi.
– À! Riêng cái này chị mày đồng quan điểm với mày. Ha ha.
– Đấy! Chỉ có chị hiểu em thôi.

Tôi biết cái Phương và thằng Tú không thích Việt, nhưng tôi cũng không thích hai đứa nó bàn tán chuyện này nên định bảo chúng nó thôi. Có điều chưa kịp lên tiếng tôi thấy Việt cũng từ đâu đi đến, không biết anh ta có nghe được đoạn nói chuyện vừa rồi không nhưng thấy nét mặt có chút sa sầm lại. Cái Phương với thằng Tú thấy vậy thì cũng im bặt rồi rủ nhau đi đánh liên quân sau đó cũng lủi dần.

Khi chỉ còn tôi với Việt và Sam anh ta vẫn im lặng. Một lúc rất lâu sau bỗng trầm ngâm hỏi tôi:

– Nghe bác sĩ nói nếu So điều trị ổn thì khoảng hai tháng nữa sẽ tiến hành phẫu thuật đúng không?

Tôi không đáp chỉ khẽ gật đầu, anh ta lại hỏi:

– Cô đã nghĩ xem phải tìm tiền đâu phẫu thuật cho con chưa?
– Tôi chưa biết, chắc có lẽ trì hoãn thêm một thời gian, đợi đủ tiền mới phẫu thuật được.
– Trì hoãn mãi không phải là cách hay. Tôi vừa được nhận vào công ty xây dựng ở Đông Triều, mức lương khá cao, làm giám sát công trình đúng chuyên ngành của tôi, tôi đi làm sẽ cố gắng tiết kiệm để lo cho con.

Tôi ngước lên nhìn Việt, có chút sửng sốt, anh ta thấy vậy thì cúi đầu nói tiếp:

– Tôi và cô cùng cố gắng.

Khi anh ta nói đến câu này, tôi bất giác thấy trong lòng mình cảm giác tảng đá đang đè mỗi lúc một nặng. Tôi cũng không biết tương lai của tôi và Việt sẽ thế nào, chỉ là cảm thấy xa vời, vô định. Đến khi Việt đưa Sam về tôi vẫn thấy nặng trĩu, rõ ràng Việt đã thay đổi, rõ ràng anh ta dần tốt hơn, cớ sao tôi lại không mấy hạnh phúc? Là bởi vì những tổn thương mấy năm nay chồng chất, hay bởi còn điều gì tôi không rõ?

Sáng hôm sau Việt phải lên Đông Triều nên bà Tâm sang trông So giúp tôi đi làm còn Sam thì đi học. Vì sáng tất bật nên lúc tôi đến công ty cũng sát giờ làm việc. Lúc vào đến bàn làm việc tôi cũng nghe tiếng thư ký Hà nói với mọi người:

– Sếp Dương bị xuất huyết dạ dày, đêm qua cấp cứu ở viện tỉnh qua cơn nguy kịch rồi nhưng chưa thể đi làm. Mọi người có việc gì thì báo tôi để tôi báo sếp hoặc gặp phó giám đốc Thanh nhé.

Tôi nghe xong bỗng sững sờ, cả người cũng lặng đi mất mấy giây. Đột nhiên trong lòng dấy lên một cảm giác khó chịu, xen lẫn cả bồn chồn. Hôm qua thấy Dương như vậy tôi đã luôn cảm thấy anh không ổn rồi, nhưng không nghĩ anh lại bị xuất huyết dạ dày, còn phải cấp cứu nữa. Rõ ràng nét nhợt nhạt của anh hôm qua chứng tỏ anh rất đau, vậy mà vẫn cố chịu đựng đến tận khi về Quảng Ninh. Thư ký Hà sau khi thông báo xong thì đi về phía tôi rồi nói:

– Lên phòng tôi một lát.

Tôi nghĩ thư ký Hà chắc có chuyện riêng muốn nói nên đi theo lên phòng. Khi vào trong cô ấy đóng cửa lại rồi đưa cho tôi một xấp tiền rồi nói tiếp:

– Hôm qua hợp đồng được ký nên sếp thưởng luôn cho cô. Bình thường hợp đồng ký tháng này, tháng sau mới được lĩnh thưởng nhưng vì con cô đang nằm viện cần tiền nên sếp bỏ tiền của mình ra đưa cho cô trước. Hình như là mười ba triệu thì phải, bằng cả tháng lương của cô. Sếp ưu ái cô nhất đấy nhé!

Tôi nhận lấy xấp tiền trên tay thư ký Hà mà tay như cầm quả tạ. Rõ ràng là tiền thưởng nhưng không hiểu sao tôi lại thấy không vui như tôi từng tưởng tượng. Hôm qua Dương uống rất nhiều rượu, giống như bất chấp mọi giá để giành hợp đồng về tay. Dù tôi không dám nghĩ anh bất chấp như vậy là vì chút tiền thưởng này cho tôi nhưng trong lòng vẫn thấy áy náy xen lẫn cả xót xa. Thư ký Hà thấy tôi như vậy thì cười cười:

– Nhận thưởng mà mặt cô còn buồn hơn bị trừ lương thế? Chiều nay công ty tổ chức vào viện thăm sếp, cô có đi cùng không?

Tôi nhìn thư ký Hà đắn đo một hồi. Thật ra tôi cũng có những nỗi sợ mơ hồ, tôi sợ phải gặp anh, sợ tiếp xúc với anh, nhưng nếu không vào thăm anh cùng mọi người tôi thật sự áy náy, lòng dạ cũng không yên cuối cùng cũng gật đầu.

Lúc ra khỏi phòng thư ký Hà tôi thấy chị Thu cũng đang đứng bên ngoài. Xấp tiền tôi cho vào túi rồi nhưng vẫn cảm tưởng như chị ta đang nhìn chằm chằm vào túi mình. Kể từ lần dịch sai số liệu tôi cũng cảnh giác hơn, dù không biết linh cảm của mình đúng hay sai nhưng như thư ký Hà từng nói cẩn thận không thừa nên đối với chị Thu tôi vẫn vài phần cảnh giác.

Buổi chiều tôi cùng thư ký Hà và mọi người cũng vào viện thăm Dương. Lúc đến phòng bệnh cũng nghe tiếng chị Như cất lên:

– Anh cũng thật là, biết mình bị như vậy rồi còn uống nhiều rượu thế. Hợp đồng cũng quan trọng thật nhưng làm sao mà bằng sức khoẻ được, anh liều mạng thế để làm gì không biết nữa.

Khi thấy mọi người trong công ty vào chị Như cũng dừng câu nói đang dở dang. Phòng chỉ có chị Như và Dương, trên bàn còn nguyên cạp lồng cháo nóng hổi. Chị Như khẽ cười dịu dàng chào mọi người rồi vừa gọt hoa quả vừa nói rất tự nhiên:

– Sếp Dương của mọi người tham công tiếc việc quá nên giờ ốm ra đây này. May mà hôm qua tài xế kịp đưa vào viện không thì không biết thế nào.
– Ốm thì đã có chị Như chăm rồi đây. Chị Như xuống từ lúc nào ấy ạ.
– Đêm qua nghe tin anh Dương cấp cứu là tôi xuống rồi.

Mấy người trong công ty thấy vậy thì nháy mắt nhau:

– Đúng là vợ sắp cưới của sếp có khác, có chị Như ở đây bọn em cũng yên tâm giao sếp em cho chị rồi. Nhớ chăm sóc sếp em cẩn thận chị nhé.

Chị Như nghe xong thì bật cười đáp:

– Ở cạnh tôi thì tôi chăm sóc được thôi, ở công ty lại phải nhờ mọi người.
– Ôi bọn em chăm sóc sếp không thích đâu, đố mà đến lượt ấy.
– Thế thì do sếp các cô khó tính quá à?
– Không phải khó tính đâu mà do sếp em chung thuỷ đó chị ơi. Chị Như yên tâm nhé, sếp em đứng đắn lắm, còn lâu mới có em nào lọt được vào mắt sếp để có đặc ân chăm sóc sếp. Mà có em nào lọt vào mắt sếp là bọn em báo chị ngay.
– Ôi thật không đấy, có em nào lọt vào mắt sếp các cô mà không báo tôi là tôi trách đấy nhé.

Khi chị Như nói đến câu này tôi thấy ánh mắt chị bất chợt sượt qua tôi nhưng rồi rất nhanh thu lại nhìn về phía Dương. Tôi không rõ vô tình hay cố ý, nhưng dù chỉ là một cái nhìn thoáng qua tôi cũng cảm nhận được sự tự tin và kiêu hãnh tràn ngập trong ánh mắt ấy. Mà quả thật, một người như chị ấy thừa tự tin và kiêu hãnh với tất cả mọi người chứ không riêng gì tôi. Tôi liếc nhìn Dương, không biết nhìn nhầm không nhưng thấy ánh mắt Dương cũng trở nên phức tạp hơn. Mọi người trong phòng bàn tán rất rôm rả, nhất là luôn miệng hỏi về đám cưới của Dương và chị Như. Tôi ngồi ngoài cuộc, không dám nói chuyện mà cũng không biết phải nói thế nào. Thực ra hôm nay đến đây tôi chỉ muốn biết sức khoẻ của Dương thế nào, thấy anh khoẻ rồi lòng tôi cũng bớt đôi phần áy náy. Ngoài ra tôi không còn bất cứ một ý nghĩ nào khác nữa. Ngồi được một lúc chị Như cũng xin phép mọi người ra ngoài có việc, mọi người trong công ty chắc cũng không muốn làm phiền Dương nên lần lượt ra về. Thế nhưng vì còn tài liệu chị Như đưa cho nên tôi đành nán lại cuối cùng nhất, khi mọi người về hết tôi mới bỏ tài liệu ra hỏi Dương. Anh xem xong, trên môi không rõ là ý cười hay là ý khinh rồi nói:

– Cô giờ cũng cẩn thận quá nhỉ? Tài liệu này cứ dịch đi.
– Vâng!
– Còn chuyện gì không?
– Không ạ.

Dương nghe xong tự dưng nổi khùng:

– Không thì cô ở lại làm quái gì? Mỗi chuyện cỏn con này cũng làm phiền!

Tôi thấy anh nổi điên vô cớ chẳng biết phải nói gì, nghĩ mấy giây mới đáp:

– Cảm ơn anh. Chuyện tiền thưởng…

Nhưng chưa dứt lời anh đã cười nhạt:

– Thôi khỏi. Đi đi!

Dương không muốn tôi ở lại, tôi cũng không muốn ở lại nên cất tài liệu vào cặp rồi đi ra ngoài. Đêm nay không mưa, chỉ có gió lạnh thốc vào người. Khi ra đến sân bệnh viện đang định bắt xe ôm đi về viện thì thấy chị Như đi vào. Nhìn thấy tôi chị liền dừng lại rồi hỏi:

– Cô về à?
– Vâng. Tôi đang chờ xe.
– Thế ra xe đi tôi đưa cô về.
– Dạ thôi, tôi tự bắt xe về cũng được.

Chị Như nghe xong liền cười nói:

– Tầm này bắt xe khó lắm, taxi hay xe ôm đều không có mà có thì phải muộn cơ. Nghe nói con gái cô đang nằm viện, từ đây qua đấy cũng không bao lâu, tôi đưa cô về cho sớm.
– Tôi…
– Không có gì phải ngại đâu, đi ra xe cùng tôi, tôi tiện mua cho anh Dương ít đồ luôn.

Tôi thấy không từ chối được nữa đành ra xe theo chị Như. Không phải tôi chưa từng gặp những người con gái giàu có, có xe ô tô riêng, nhưng gặp một người mang phong thái tự tin, sang trọng như chị Như quả thực rất hiếm. Chị Như vừa lái xe vừa hỏi tôi mấy chỗ bán đồ nam, đến khi đi được nửa đường chị ấy tự dưng hỏi tôi:

– Cô năm nay mới hai mươi sáu tuổi mà con đã được ba tuổi rồi. Vậy là lấy chồng cũng sớm nhỉ?

Tôi không biết đáp thế nào chỉ khẽ gật đầu. Chắc thấy tôi ngại nên chị ấy lại bảo:

– Nhưng thế cũng tốt, như tôi bây giờ lấy chồng lại là muộn. Đầu năm sau kết hôn thì tôi cũng ba mươi tuổi rồi, sinh con đẻ cái xong hết luôn cả thanh xuân.

Tôi nhìn chị Như thật thà đáp lại:

– Thật ra sinh con khi có điều kiện kinh tế vẫn tốt hơn. Có điều kiện kinh tế vững chãi thì con cái cũng không phải khổ, muộn một chút cũng được.
– Ừ thật ra lấy chồng muộn cũng được, không lấy nhầm là được.

Rõ ràng chị Như nói chuyện rất vô tư nhưng không hiểu sao tôi lại thấy lòng mình như quặn lên. Tôi nuốt một hơi khí rồi gật đầu:

– Vâng ạ.
– À… tôi có chuyện này đang định hỏi cô…

Nghe chị Như nói đến đây, tôi bỗng cảm thấy có chút bất an mơ hồ. Tự dưng chị ấy nói như vậy tôi không biết chị ấy định nói gì, liệu có liên quan gì đến mối quan hệ của tôi và Dương hay không. Tôi khẽ nhìn chị Như, gương mặt chị vẫn bình lặng như nước hỏi lại:

– Có chuyện gì vậy ạ?
– Anh Dương…

Mới nghe đến chữ anh Dương trong lòng tôi bỗng có chút run lên chỉ sợ rằng bản thân đã làm gì khiến chị ấy hiểu nhầm. Thế nhưng còn chưa đợi chị nói hết thì tôi cũng có điện thoại. Tôi mở máy lên, là một số máy lạ, vừa nhấn nút nghe đã thấy đầu dây bên kia giọng vô cùng gấp gáp:

– Alo! Cô có phải người nhà của anh Hoàng Quốc Việt không?

Một cuộc điện thoại trong lúc tôi đang hoang mang, bỗng dưng nỗi bất an càng lúc càng thêm lớn, phút chốc người tôi bỗng run lập cập đáp:

– Vâng! Tôi là vợ của anh Việt, cho hỏi ai đó ạ?

Phía bên kia là những âm thanh hỗn loạn, những âm thanh loẹt xoẹt truyền đến, dường như ở đó có rất nhiều người, câu nói đầu dây bên kia ngắt quãng lúc được lúc mất:

– Cô đến ngay bệnh viện tỉnh nhé!

Vừa nghe đến đây, toàn thân tôi bỗng như có một luồng điện xoẹt qua, còn chưa kịp hỏi lại đầu dây bên kia đã nói:

– Chồng cô bị tai nạn rất nặng, vừa được đưa vào viện tỉnh rồi!

Yêu thích: 4.1 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN