Tôi nhẹ nhàng phủ thêm tấm thảm lên người anh.
Màn hình điện thoại sáng lên, có hai tin nhắn chưa đọc.
Là Khương Lâm gửi đến.
“Chị ấy đã đưa em về nhà rồi, ông chủ Giang yên tâm nhé!”
Thêm vào đó là icon cô bé đáng yêu đang nháy mắt nói chúc ngủ ngon.
Tôi cảm thấy không nên nghi ngờ Giang Trì, nhưng vẫn không nhịn được mà lướt lên xem những tin nhắn cũ hơn.
“Giám đốc Giang trưa nay ăn gì ạ? Chị ấy làm cơm hộp cho anh sao?”
“Ừ.”
“Thật là, thỉnh thoảng Giám đốc Giang ăn cơm với tụi cẩu độc thân bọn em không được sao?”
“Ngày mai đi.”
Là ngày hôm trước, tôi nhớ rõ hôm ấy Giang Trì dặn tôi không cần dậy sớm làm cơm trưa cho anh.
Tôi hỏi lý do, anh ôm tôi từ phía sau, nhẹ nhàng hôn lên cô tôi, nói rằng sợ tôi vất vả, cho tôi một ngày nghỉ.
“Ông chủ Giang, khi nào anh kết hôn vậy?”
Kèm theo là một icon cô bé đang ch ảy nước mắt.
Các tin nhắn trả lời trước chỉ mất vài giây, nhưng tin nhắn này tận mười phút sau anh mới nhắn lại một câu: “Không biết.”
Anh ấy nói không biết.
Tôi buông điện thoại, không kéo lên xem tiếp nữa, cũng không cần thiết phải xem thêm.
Trong những tin nhắn đó, mỗi một câu “cô ấy” mà Giang Trì và Khương Lâm nói về tôi khiến tôi cảm thấy như tôi mới chính là người thứ ba trong mối quan hệ này.
Tôi để điện thoại lại chỗ cũ, đứng dậy mang sổ khám bệnh và que thử thai để vào ngăn kéo trong trong chiếc bàn ở thư phòng, đặt cạnh sổ tiết kiệm của hai chúng tôi.
Bên ngoài trời nổi gió, đầu hạ trời đổ mưa, gió mang theo chút nhiệt thổi vào trong phòng.
Tôi đóng cửa, ngơ ngác ngồi cạnh giá sách.
Thật ra thời điểm nhận được kết quả khám bệnh, nói không sợ hãi là giả.
Lúc ấy tôi ngồi ở cửa bệnh viện, nhìn dòng người qua lại trên đường lớn, nỗ lực suy nghĩ rất lâu.
Tôi đang suy nghĩ xem nên làm thế nào để có thể nói chuyện này ra một cách nhẹ nhàng, làm sao mới không phải đau khổ đến vậy.
Tôi chỉ muốn cười mà nói với anh ấy về tin này.
Em có một tin tốt và một tin xấu, anh muốn nghe cái gì?
Nếu anh ấy nói muốn nghe tin tốt, tôi sẽ nói rằng anh ấy sắp phải làm bố rồi.
Nếu anh ấy muốn nghe tin xấu, tôi sẽ nói rằng lời tôi vừa nói là lừa anh ấy thôi.
Sau đó, anh ấy nhất định sẽ gõ vào đầu tôi một cái, tiếp đó tôi lại nói cho anh chuyện tôi bị ung thư.
Anh nhất định sẽ giống như trước đây, ôm chặt tôi từ phía sau rồi bảo tôi đừng sợ.
Tôi sẽ an ủi anh, cười nhạo mà nói rằng anh không cần khẩn trương, nói với anh rằng tôi chẳng sợ hãi chút nào.
Hoặc là, sẽ khóc thật lớn và nói hết với anh.
Nói rằng em rất sợ hãi, em sợ đau, cũng sợ không điều trị được, trong lúc điều trị bằng hóa chất còn bị biến thành người trọc đầu, không thể buộc tóc đuôi ngựa, mặc váy cũng không còn đẹp nữa.
Hơn nữa, chân thành mà nói, tôi cũng luyến tiếc đứa bé này, căn nhà mà chúng tôi mới mua vốn đã để dành một phòng cho trẻ con, anh nói về sau sẽ sinh con gái, anh sẽ cùng con chơi lego và mua thật nhiều váy đẹp cho con bé.
Sau đó anh nhất định sẽ nói những lời âu yếm khuôn sáo cũ rích, rằng trong lòng anh tôi mãi mãi là người đẹp nhất thiên hạ, về sau cả hai sẽ có thật nhiều con, đứa trẻ nào không hiểu chuyện thì anh cũng sẽ không cần nó.
Chỉ là tôi còn chưa nghĩ xong thì anh ấy đã gọi điện đến.
Anh nói rằng để một thời gian nữa hãy đi đăng ký kết hôn.
Tôi không do dự mà đồng ý ngay.
Anh ấy yêu tôi đến vậy, vì tôi từ bỏ tất cả, sao tôi có thể chậm trễ anh cả đời đây.
Lúc ấy tôi thậm chí còn hy vọng anh không yêu tôi, như vậy anh cũng sẽ không khổ sở.
Có lẽ một khắc ấy, một vị thần nào đó đã đi ngang trần thế và nghe thấy lời thì thầm của tôi.
Anh thật sự không còn yêu tôi như trước nữa.
Tôi cũng rất muốn được sống, nhưng tôi cũng không biết giữa được sống và trị bệnh bằng hóa chất, cái nào sẽ đau hơn?
4. Tôi ngồi trong thư phòng đón gió cả đêm, cũng chẳng thèm nghĩ kỹ xem nên làm gì bây giờ.
Giang Trì tỉnh dậy lúc 7 giờ, anh xoa huyệt thái dương, đẩy cửa thư phòng ra.
Quần tây và áo sơ mi màu lam nhạt càng tôn lên thân hình anh. Tôi không phải người đam mê sắc đẹp mà vẫn thường xuyên bị gương mặt này của anh làm cho sửng sốt.
Thấy tôi ngồi đó, anh bất ngờ, hỏi tôi làm sao vậy.
Tôi lắc đầu: “Không có gì, em định xin công ty cho nghỉ một thời gian.”
Giang Trì cười vươn tay định xoa đầu tôi:
“Nghỉ hẳn cũng được, anh cũng không phải không thể nuôi được em.”
Tôi nhẹ nhàng né tránh.
Tay Giang Trì dừng giữa không trung đầy ngại ngùng, anh mất tự nhiên thu tay lại:
“Sao lại xin nghỉ?”
“Gần đây cảm thấy rất mệt mỏi.”
Tính qua cái kiếp làm công này thì tôi cũng đã đi làm được 9 năm, cũng nên cảm thấy mệt mỏi rồi.
Từ khi vào đại học tôi đã vừa học vừa làm thêm, khi mới tốt nghiệp, là tôi nuôi Giang Trì.
Thời gian đó Giang Trì cắt đứt với gia đình, anh và anh em của mình gây dựng sự nghiệp. Chúng tôi thuê nhà bên ngoài, ngày qua ngày thu không đủ chi.
Để tiết kiệm đủ 500 tệ tiền thuê nhà, tôi cố gắng ngồi tàu điện ngầm hơn một tiếng, 8 giờ sáng vào làm thì 5 giờ hơn đã phải dậy, tăng ca đến tận 9 giờ đêm, về đến nhà rửa mặt xong cũng đã 11 giờ, đặt mình xuống giường một giây thôi là tôi đã có thể ngủ ngay lập tức.
Lúc ấy không có thời gian cũng chẳng có tiền, đỉnh điểm nhất còn có thời gian tôi và Giang Trì không nói được câu nào với nhau cả một tuần.
Nhưng dù muộn thì anh ấy cũng sẽ về nhà.
Có một lần anh quên mang chìa khóa, nửa đêm tỉnh dậy không thấy anh bên cạnh, nhìn tin nhắn ở điện thoại rồi vội vàng ra mở cửa thì anh đã ngồi ngoài cửa ngủ rồi.
Anh sợ gõ cửa sẽ phiền tôi ngủ, đơn giản là ngồi luôn ở ngoài mà ngủ.
Thời điểm nghèo nhất là đầu đông nọ, công ty nợ tôi 2 tháng tiền lương, cuối năm đến mà không một xu dính túi.
Ngày ấy Giang Trì đi tàu điện ngầm đến đón tôi.
Hai chúng tôi đi bộ từ trạm tàu điện ngầm qua cầu vượt, dưới chân cầu vượt có một tiệm lẩu mới mở.
Lẩu ngưu du (tên một món lẩu, dạng như loại lẩu cay nhưng cốt lẩu đã được đông đặc sẵn từ trước) là món bán chạy nhất của cửa hàng này, người xếp hàng rất đông, mùi lẩu nóng hầm hập dường như tràn vào lòng người vậy.
Giang Trì nói nếu sau này có tiền, bữa đầu tiền sau đó chúng tôi sẽ đi ăn lẩu, chỉ có hai người chúng tôi, gọi một nồi lẩu uyên ương cay, gọi thêm mười bàn món dê cuốn.
“Sao lại tận mười bàn?”
“Năm bàn để xem, năm bàn để nhúng.” Anh trả lời.
“Thôi, em không ăn lẩu uyên ương với anh đâu.”
“Sao em lại chê lẩu uyên ương chứ? Anh còn chưa được ăn bánh ngọt với em nữa…”
Giang Trì còn chưa nói xong đã bị sặc nước bọt, ho kịch liệt, tôi cuống quít vô lưng giúp anh.
Vỗ một lúc, hai chúng tôi đối mặt nhau, bỗng nhiên cảm thấy rất buồn cười, cười đến cong eo không dậy nổi, cười đến độ người qua đường cũng nhìn chằm chằm chúng tôi.
Bây giờ hồi tưởng lại cũng không nhớ rõ lúc ấy rốt cuộc là buồn cười vì cái gì, khả năng là nghèo đến vui vẻ chăng?
Sau này khi chúng tôi có tiền rồi thì tiệm lẩu đó lại đóng cửa, chúng tôi vẫn không thể ăn được.
Một khi đã bắt đầu nhớ lại kỷ niệm, thường sẽ rất khó dừng lại.
Nghĩ về những gì đã qua, tôi bỗng thấy vành mắt cay cay.
“Sao lại khóc?” Giang Trì bỗng luống cuống, vội lau nước mắt cho tôi, “Đừng khóc mà.”
“Không có gì, chỉ là không muốn đi làm, mệt mỏi quá thôi.”
Tôi dựa vào người anh.
“Ngoan, em cứ nghỉ ngơi thật tốt, sếp em mà không duyệt đơn thì nghỉ luôn, được không?”
Giang Trì ngồi xổm xuống, nghiêm túc nhìn tôi, sự dịu dàng trong mắt anh dường như sắp tràn ra ngoài vậy.
Tám năm qua, chàng trai trẻ giàu có lỗ m ãng năm nào đã trở thành một người đàn ông chín chắn.
Tôi biết không hẳn là vậy, nhưng khi nhìn khuôn mặt này vẫn thấy thật luyến tiếc.
Do dự một chút, tôi kéo sơ mi anh:
“Giang Trì… Hôm nay anh có thể ở bên cạnh em được không…”
Tôi nghĩ thầm trong lòng, nếu anh ở lại với tôi, tôi sẽ nói rõ mọi chuyện với anh.
Chia tay cũng được, quay đầu cũng được.
Chúng tôi đã ở cạnh nhau tám năm, dù sao cũng nên đi đến một cái kết.
“Hôm nay có cuộc họp rất quan trọng, nhưng anh sẽ về sớm. Em xem phim hay đọc tiểu thuyết gì đó đi, anh sẽ về thật sớm, được không?”
Tôi buông lỏng tay.
Giang Trì dịch chăn giúp tôi, như thường lệ hôn lên trán tôi một cái:
“Ngoan, ngủ nhanh nào, tháng này anh rửa bát nhé? Tháng sau là sinh nhật em, em muốn gì anh đều cho em được không?”
Tôi gật đầu Giang Trì mới yên lòng.
Tôi nhìn anh đóng cửa phòng ngủ, cửa bên ngoài cũng đã đóng lại.
Chỉ còn lại một mình tôi.