Tôi gặp Chu Hải Yến năm tôi 14 tuổi.
Vì suy dinh dưỡng lâu ngày nên tôi vừa thấp bé vừa gầy gò, nhỏ hơn bạn bè cùng trang lứa rất nhiều. Từ khi tôi bắt đầu có ký ức thì ba tôi đã không có việc làm, suốt ngày lêu lổng.
Một nhà ba người chúng tôi sống dựa vào tiền lương 3000 tệ của mẹ ở xưởng may.
Ba tôi nghiện cờ bạc, nhưng mười lần đánh bạc thì chín lần thua. Một khi đã thua thì tâm trạng không tốt, tâm trạng không tốt thì uống rượu, uống say thì bắt đầu đánh vợ con.
Trên sàn nhà thường xuyên có mảnh chén bát vỡ, thức ăn thừa vung vãi.
Năm tôi 5 tuổi, ông ta thua rất nhiều tiền.
Tối đến, người nồng nặc mùi rượu, ông ta nắm tóc mẹ tôi, đẩy bà ngã trên nền xi măng, đè nghiến mặt bà xuống đất, đè mệt thì đổi chân đá vào bụng bà.
“Mẹ kiếp có phải mày cho là ông đây bất tài, khinh thường ông không? Hả?
Đồ đi*m thúi, không sinh được ‘hạt giống’ cho ông, ông mày ra ngoài không dám ngẩng mặt lên nhìn ai! Mày ảnh hưởng vận số của ông, lúc trước nếu không cưới mày thì bây giờ ông đây đã giàu có rồi.”
Mẹ bị đánh nằm cuộn tròn trên đất. Máu đỏ thẫm bết lấy mái tóc đen của bà, kết thành từng nùi. Bà không né tránh, cũng không phản kháng, khờ dại cố gắng chịu đựng hòng đánh thức lương tri cuối cùng của người đàn ông.
Trên người mẹ không còn khoảng da thịt nào lành lặn có thể xuống tay. Ông ta chuyển ánh mắt sang nhìn chằm chằm tôi.
“Còn con quỷ cái này nữa, con đi*m lớn sinh ra một con đi*m nhỏ. Mày nhìn ông với ánh mắt gì hả? Sao? Muốn đánh tao?”
Một cái tát nặng nề giáng thẳng vào mặt tôi, sau cơn đau đớn là tê dại.
Tựa như tất cả những âm thanh xung quanh được cho vào lớp vỏ thủy tinh, hoàn toàn ngăn cách với bên ngoài.
Tôi bị tát đến thủng màng nhĩ.
Mẹ khóc, ôm tôi giấu vào lòng, dùng tấm thân gầy guộc thay tôi gánh gió mưa.
Tiếng chửi rủa của người đàn ông, tiếng khóc lóc thê thảm của người phụ nữ kết thúc bằng sự kiệt sức của thủ phạm.
Nửa đêm, tiếng ngáy đàn ông xen lẫn với tiếng nức nở của phụ nữ.
Mắt mẹ đỏ hoe bôi thuốc cho tôi, lặng lẽ dọn dẹp đống hỗn độn trên mặt đất. Hai chúng tôi rúc vào chiếc giường nhỏ, bà ôm chặt tôi.
Tôi nói: “Mẹ, chúng ta rời khỏi đây được không, sau này con sẽ kiếm rất nhiều rất nhiều tiền nuôi mẹ.”
Bà nhìn ánh trăng ngoài cửa sổ, nơi đó khuyết mất một mảnh.
“Không đi đâu cả, ngày xưa ba đối xử với mẹ rất tốt. Ba dành dụm tiền mua cho mẹ chiếc vòng tay bằng vàng, sẽ cõng mẹ đi mấy dặm đường để xem pháo hoa, ông ấy còn mua cho mẹ rất nhiều quần áo đẹp để mặc, mẹ mặc còn không hết.”
Tôi giơ tay nắm lấy bộ quần áo đã giặt đến bạc màu, biến dạng của mẹ. “Mẹ, mẹ nói dối.”
Bà xoa đầu tôi, giọng cố chấp. “Mẹ không nói dối, bây giờ ba chỉ là nhất thời nông nỗi, ông ấy sẽ thay đổi, ông ấy đã từng nói sẽ đối xử tốt với mẹ cả đời này. Giống như ánh trăng ngoài cửa sổ, một ngày nào đó sẽ tròn.”
Bà lẩm bẩm, như đang nói cho tôi nghe, mà cũng như đang nói với chính mình.
Ngày hôm sau ba tỉnh rượu, lại như không có việc gì mà nói nói cười cười với mẹ, xòe tay đòi tiền.
Ông ta nói, Uyển Nhu, anh vẫn yêu em, thỉnh thoảng anh đi chơi vì vui nên quá chén, có lỗi với em, em đưa anh ít tiền, nếu thắng anh sẽ cho em một cuộc sống tốt đẹp.
Chỉ dăm ba câu đã dỗ được mẹ ngoan ngoãn đưa hết tiền lương ra cho ông ta.
Cảnh tượng quen thuộc này làm người ta sợ hãi.
Tôi nhìn nắm tiền trong tay ba, rất muốn hỏi mẹ, không phải mẹ hứa tháng này có lương sẽ cho tôi đi nhà trẻ sao?
Tôi đã 5 tuổi mà chưa từng đi nhà trẻ.
Nhưng mẹ cười rất hạnh phúc, trong mắt bà chỉ có ba, hoàn toàn quên mất tôi. Vì vậy, tôi ngậm miệng im lặng.
Không sao, tháng sau chắc chắn mẹ sẽ nhớ tới tôi.
Mãi đến khi tôi vào tiểu học theo chuơng trình phổ cập quốc gia, mẹ cũng không nhớ đến tôi.
Cứ thế, tôi bỏ lỡ hết những năm nhà trẻ.
2.
Dần dà sau này tôi mới biết, hành vi của ba tôi được gọi là bạo lực gia đình. Cô giáo nói có thể báo cảnh sát, chú cảnh sát sẽ bảo vệ tôi và mẹ.
Vì thế một đêm lại bị đánh, nhân lúc ba ngủ say, tôi kéo tay mẹ, niềm vui sướng và khao khát to lớn đến mức quên cả cơn đau trên người. “Mẹ, chúng ta báo cảnh sát bắt ba đi.”
Mẹ không vui như tôi tưởng mà ngược lại, bà nhìn tôi với ánh mắt bàng hoàng, đau lòng. “Thanh Thanh, ông ấy là ba con! Sao con lại có thể làm vậy!”
Giọng khiển trách của bà như một cú tát mạnh vào mặt tôi.
Mặt tôi nóng ran lên, tựa như mình là một đứa con gái bất hiếu. Nhưng mà thực sự không phải như thế. Cô giáo nói, bạo lực gia đình chính là bạo lực, bất kể người đó là ai cũng không thể tha thứ.
Vì vậy tôi khăng khăng muốn báo cảnh sát.
Lần đầu tiên mẹ đánh tôi. Cây gậy gỗ thô to bằng đầu ngón tay đánh đến gãy, bà bắt tôi quỳ xuống đất mà suy ngẫm.
Lần đầu tiên tôi biết, hóa ra không chỉ ba đánh đau, mẹ đánh cũng rất đau.
Lần đầu tiên tôi biết, hóa ra mẹ cũng đánh người, chẳng qua không phải là đánh ba.
Bị ba đánh vô số lần tôi không khóc, nhưng bị mẹ đánh, tôi khóc suốt một đêm.
Ngày hôm sau, mẹ phá lệ luộc quả trứng gà xoa vết thương trên người cho tôi. Xưa giờ trứng gà mẹ đều để dành lại cho ba ăn.
Tôi biết, đây là thứ gọi là vừa đấm vừa xoa, tát một cái rồi cho quả táo.
Vì đó là điều mà ba đã đối xử với mẹ.
Nhưng tôi không thích mẹ như thế, bà khiến tôi cảm thấy bà vô cùng xa lạ.
Trước đây khi bị đánh, tôi hy vọng sẽ mau lớn lên, vì lớn lên có thể bảo vệ mẹ. Nhưng mà, khi tuổi càng lớn lên, tôi phát hiện lớn lên là điều rất khổ sở.
Nó dần dần phá tan hy vọng của tôi.
Bạo lực gia đình cứ hết lần này đến lần khác tái diễn.
Tha thứ cũng hết lần này rồi lại đến lần khác.
Tôi trở nên chết lặng, lạnh nhạt nhìn mẹ chân trước khóc nức nở thương tâm, chân sau lại thận trọng lấy lòng.
Tôi nghĩ mình không thể thất vọng hơn được nữa.
Nhưng đằng sau thất vọng, còn có tuyệt vọng.
Năm 11 tuổi, tôi bị ba đánh đến gãy xương.
Bất kể mẹ nói gì, tôi đều khăng khăng muốn báo cảnh sát. Mẹ khóc lóc quỳ xuống van xin tôi, bà nói nếu tôi báo cảnh sát chính là đang ép bà chết.
Một người mẹ quỳ xuống với con gái mình.
Tôi bị đóng đinh vào cây cột đạo đức ô nhục.
Không có đường tiến, chẳng có đường lùi.
Bà có yêu tôi không?
Tôi đã không còn phân định được.
Có lẽ là yêu, nhưng tình yêu bà dành cho ba dường như đã đào rỗng bà, phần còn thừa lại dành cho tôi chẳng còn mấy.
Chén bát bể trong nhà nhiều không đếm xuể, bởi vì cuộc sống tạm bợ, bà giữ lại tất cả những thứ còn có thể dùng được. Bà dành cái chén đẹp nhất cho ba tôi sử dụng, cái tốt thứ hai cho tôi, cái chén nứt mẻ nhiều nhất bà để lại cho bản thân.
Sau này. Chén bát bể càng nhiều, bà không còn phân biệt được cái nào cao thấp tốt xấu. Mọi người đều cầm những cái chén mẻ sứt sẹo như nhau. Cuộc sống cũng nát nhừ như thế.
Ba tôi đòi tiền ngày càng nhiều, mỗi ngày quay về với tâm trạng càng tồi tệ hơn, xuống tay ngày càng nặng hơn.
Tuy nhiên mấy ngày sau, ông ta lại rạng rỡ hẳn.
Không chỉ mua gà nướng về mà còn mua cho mẹ một chiếc váy mới.
Mẹ cứ tưởng xuân về. Không ngờ lời ba nói khiến bà rơi vào ngày đông giá rét.
Ba kéo tay bà: “Uyển Nhu à, ở sòng bạc tụi anh có một ông chủ lớn, ông ấy có tiền, lại rất bản lĩnh. Ông ấy để mắt đến em, em mặc chiếc váy này vào, tối mai đi ăn tối với ông ấy một bữa nhé?”
Mẹ tôi rất đẹp, là người đẹp nổi tiếng trong thị trấn. Nụ cười trên mặt bà cứng lại, ngẩn ngơ nhìn thẳng vào mắt ba tôi, chậm rãi hỏi: “Chỉ ăn bữa cơm thôi sao?” Tựa như xác nhận điều gì.
Ánh mắt ba láo liên không dám nhìn thẳng. Ông ta nói, “Uyển Nhu, xin hãy giúp anh. Chỉ lần này thôi, ông chủ đó nói sau này sẽ dẫn anh theo làm ăn, anh có thể tạo cho em cuộc sống tốt đẹp.”
Mẹ ngồi đó, run run không nói nên lời, tựa như một con rối gỗ bị đào mất linh hồn, già đi mười tuổi trong nháy mắt.
Tôi chưa từng thấy bà như thế.
Tựa như mọi thứ hóa tro tàn trong nháy mắt.
Ba cho rằng mẹ không đồng ý nên trở mặt chửi ầm lên: “Không phải mày rên rỉ rất sung sướng trên giường ông đây sao? Sao đổi người khác thôi cũng không được? Mẹ kiếp, mày còn không bằng gót chân vợ Trương Đại Tưởng.”
Tôi biết vợ Trương Đại Tưởng, sống ở phía tây thị trấn. Bạn học tôi nói cô ấy làm “gà”, làm “gà” nuôi chồng. (Gà = làm đi*m)
Nước mắt mẹ rơi như mưa, bà níu tay áo ba để ông đừng nói nữa.
“Em đi, em đi.”
3.
Đêm đó ba tôi nói rất nhiều lời hay ý đẹp với mẹ, tối còn ngáy ngon hơn mọi ngày.
Mẹ ôm tôi ngủ trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng chứa đồ linh tinh sát vách. Bà luôn miệng nói: “Trước kia ông ấy đối xử với mẹ rất tốt, sau này cũng sẽ tốt, đúng không?”
Tôi hỏi: “Vậy bây giờ thì sao?”
Bà chậm rãi quay đầu nhìn tôi, khóe mắt ướt đẫm. “Trước kia ông ấy đối xử với mẹ rất tốt, lúc chưa có con ông ấy đối xử với mẹ thực sự rất tốt. Nếu như không có con, nếu như không có con thì có phải…”
Tôi không nói gì, chỉ nhìn bà, đau thương tràn trong mắt. Tôi vẫn tưởng trái tim này không còn đau nữa.
Bà chợt bừng tỉnh, nhận ra mình vừa nói gì, bà ôm lấy tôi, lắc đầu nguầy nguậy, giải thích: “Thanh Thanh, không phải mẹ có ý đó, mẹ không có ý đó.”
Mãi đến khi tôi ngủ, bà vẫn còn thì thào lẩm bẩm.
Chiều hôm sau tan học về. Trong nhà không có ai.
Tôi đẩy cửa phòng ngủ, mẹ mặc chiếc váy trắng mới tinh, nhắm mắt nằm yên trên giường cưới của ba mẹ, trên đầu giường có treo tấm ảnh cưới hai người.
Máu chảy từng giọt từ cổ tay mẹ nhỏ xuống đã sắp khô.
Trên mặt đất là một vũng máu đã khô.
Thân thể bà cũng đã cứng đờ.
Mẹ tự s/á/t.
Bà c/h/ế/t trong giấc mộng tự mình dệt nên.
Trái tim ba đã trống rỗng từ lâu nhưng mẹ luôn cho rằng mùa xuân đến nó sẽ đâm chồi nảy lộc, cuối cùng tất cả mong đợi đều vô ích, người c/h/ế/t cả tinh thần lẫn thể xác lại chính là bà.
Lời xin lỗi thực sự chính là đền đáp và bù đắp, xin lỗi bằng lời chỉ là trò khổ nhục kế, vì thế ba không đáng được tha thứ.
Nhưng từ trước đến nay mẹ không bao giờ chịu hiểu.
Năm 11 tuổi, từ nay về sau tôi không còn có mẹ. Kể từ đó, giông tố cuộc đời ập đến với tôi.
Lửa giận của ba cũng mình tôi gánh vác.
Không có người ôm tôi vào giấc ngủ, không còn người gọi tôi Thanh Thanh.
Hương thơm thuộc về mẹ không còn, chỉ còn lại mùi rượu, thuốc lá hôi hám.
Mẹ mất rồi, chẳng những ba không đau lòng mà ngược lại còn tức giận chửi bà không biết điều, thậm chí không tổ chức cho bà được một tang lễ đàng hoàng.
Mỗi lần say rượu, nắm đấm ông ta hạ xuống quật ngã tôi xuống đất thì tôi lại đứng lên với lòng thù hận thấu xương.
Ông ta đánh tôi, tôi báo cảnh sát.
Tôi từng ngây thơ cho rằng báo cảnh sát có thể giải quyết vấn đề. Nhưng ông ta bị nhốt lại dăm ba bữa, sau khi được thả thì lại càng giận, ra tay càng tàn nhẫn.
Tôi bị đánh hộc máu, đánh đến suýt mù.
Vô số lần đầu váng mắt hoa, tôi đã từng nghĩ mình sắp chết.
Thật đáng buồn là không.
Có thể là vì ông ta nên chết trước tôi.
Tôi hận ông ta, càng hận bản thân.
Tôi hận mình tại sao hèn nhát không dám đánh trả.
Tôi hận mình tại sao nhìn thấy ông ta thì run lên không thể kiềm chế được.
Tôi hận mình tại sao lại sợ một tên còn tồi tệ hơn cả súc sinh.
Lòng căm hận này chống đỡ cho tôi lung lay sắp đổ mà sống sót.
Ngày trôi qua như vũng bùn lầy, bốc lên mùi tởm lợm khiến người chán ghét.
Nhà nghèo, không có mẹ thương, không có cha chăm, học lực trung bình, trầm lặng ít nói. Tôi trở thành mục tiêu bắt nạt của bạn học trong trường cấp 2.
Tôi thành đề tài bàn tán của họ, cô lập, chế nhạo tôi.
Bạo lực lời nói thật ra không thua kém bạo lực thân thể. Họ không động tay đánh tôi, lại làm tôi run rẩy.
Trong lớp, khi tôi trả lời câu hỏi, họ nhìn tôi vẻ khinh thường, nói giọng tôi ti tiện, cố tình đãi giọng nhão nhoét.
Sau giờ học, tôi đi toilet, họ lớn tiếng bàn tán, nói tư thế tôi kỳ quái, cố tình õng ẹo.
Dán giấy sau lưng tôi, ném sách bài tập của tôi, đặt cho tôi đủ mọi biệt danh nhục nhã.
Họ cười tôi ăn mặc quái đản.
Nhưng họ không biết nỗi sợ hãi, xấu hổ, bất lực khi ngực tôi bắt đầu phát triển trong tuổi dậy thì.
Tôi không có mẹ dạy. Không biết tuổi này họ đã mặc áo lót dành cho thiếu nữ.
Tôi tiết kiệm tiền nên mặc đồ lót của mẹ.
4.
Bạo lực học đường không phân biệt nam nữ.
Trong lớp, ngồi cạnh thùng rác là một nam sinh thiểu năng trí tuệ. Gia cảnh cậu ấy không tốt, cũng là học sinh ngoại trú như tôi nhưng cậu ấy có một bà nội vô cùng yêu thương cậu ấy.
Quần áo cậu ấy sạch sẽ, tuy có mụn vá nhưng thơm tho.
Cặp sách của cậu có cơm nắm, trứng gà bà nội luộc cho cậu ấy mỗi ngày.
Nếu nói những người đó còn kiềm chế với tôi thì bao ác ý, bắt nạt đều trút hết lên người cậu ấy.
Họ ỷ lại sự ngây ngô của cậu bạn đó, lừa cậu vào WC, bắt cậu uống nước bẩn, nước tiểu; họ chửi cậu là đồ ngốc, lại cướp tiền tiêu vặt của cậu; họ bắt cậu làm hết việc trực nhật, đe dọa cậu làm xong mới được về nhà.
Họ nói, đó là trò đùa thân mật giữa bạn bè với nhau.
Cậu ấy tin.
Không ai bận tâm tên cậu là gì, mọi người đều gọi cậu là đồ ngốc.
Vì thế mỗi ngày khi đến trường, việc đầu tiên cậu ngốc làm chính là nộp tiền tiêu vặt của mình lên để hầu hạ mọi người thoải mái.
Bà nội cậu đã già, chỉ biết nhặt phế liệu bán lấy tiền, cho cháu nội làm tiền tiêu vặt, cho cậu sống tốt hơn.
Tại sao tôi biết, vì khi tôi nhặt rác đã từng gặp bà nội cậu ấy. Đó là một bà cụ nhân hậu, ánh mắt hiền lành. Cũng giống như cậu bạn ngốc đó.
Người hiền bị người khinh.
Tôi thân mình khó giữ nên khi cậu ấy bị lôi vào WC nam thì chỉ có thể hét to “Thầy hiệu trưởng tới”.
Tại sao không gọi giáo viên, vì giáo viên mặc kệ.
Khi cậu ấy bị dẫm đạp lên người, trên người đầy những dấu chân thì tôi giúp phủi bớt vết bẩn đi, để khi cậu ấy về nhà thì dấu vết không còn quá rõ.
Mùa đông sau khi tan học thì giúp cậu ấy quét lớp, để cậu ấy về nhà trước. Trời mùa đông nhanh sụp tối, bà nội cậu sẽ lo lắng.
Cậu ấy không giống tôi, trong nhà không ai chờ tôi, nhưng có người vì cậu ấy mà thắp lên một ngọn đèn.
Đứa trẻ không có cảng tránh gió thì sẽ không mong về nhà.
Dần dà tôi phát hiện thật ra cậu ấy không ngốc.
Cậu ấy tên An Tề, một cái tên rất êm tai.
Cậu ấy biết ai tốt, ai không tốt với mình.
Khi tôi giúp cậu ấy, cậu ấy sẽ cảm ơn, ngày hôm sau sẽ mang cho tôi một phần ăn sáng.
Mỗi ngày cậu có một cây xúc xích làm đồ ăn vặt, trước đây cậu ấy chưa đi tới trường đã lén ăn hết, sau này cậu ấy bí mật chia nó với tôi.
Cậu ấy một nửa, tôi một nửa.
Vì họ đều chê cậu ấy bẩn nên khi đưa đồ ăn cho tôi, ánh mắt cậu có vẻ e dè. Cậu ấy nói: “Mình không bẩn, những đồ này rất sạch sẽ, cậu đừng chê mình.”
Cậu ấy nói tôi là bạn tốt của cậu ấy, là người bạn duy nhất trong lớp. Cậu ấy nói nếu mình không nghe lời thì họ sẽ đi bắt nạt bà nội.
Vì tôi thân với cậu ấy, nên tôi thành đứa ngốc thứ hai trong lớp. Từ đó tôi không còn là Đường Hà Thanh, trong miệng bọn họ tôi biến thành Đường ngốc.
Bọn họ nói Đường ngốc rất xứng đôi với kẻ khờ.
Bọn họ nói hai đứa ngốc yêu sớm.
Bọn họ viết lên mặt sau vở bài tập của tôi chữ “vợ của kẻ ngốc.”
Hỏi tôi khi nào thì lấy đồ ngốc kia.
Họ cười vang khoái trá, giống như ma quỷ bò ra từ địa ngục.
Ranh giới thiện ác của thiếu niên rất rõ ràng.
Học kỳ hai lớp 8, giáo viên chủ nhiệm đổi thành một giáo viên trẻ họ Lý. Trên người cô, tôi cảm nhận được những lời mà sách giáo khoa nói “Truyền đạo thụ nghiệp, kính sư vi sư.” (Chú thích: truyền đạo: truyền thụ đạo lý, thụ nghiệp: truyền thụ tri thức; kính sư vi sư: trọng thầy mới được làm thầy.)
Cô rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất công bằng chính trực. Cô quan tâm mọi thứ.
Mỗi tuần đều họp lớp, cô luôn nhấn mạnh nghiêm cấm bất kỳ hình thức bạo lực học đường nào trong trường.
Tố cáo với cô có tác dụng.
Vì vậy tôi không cần phải chịu những trò đùa thô tục, An Tề không phải về nhà với thương tích đầy mình.
Cậu ấy rất vui, nói cảm ơn tôi đã tố cáo giúp cậu ấy, ngày mai sẽ mang cho tôi nguyên một cây xúc xích.
Tôi nói được, ngày mai tôi cũng mang cho cậu một món quà.
Chúng tôi đều vui mừng trước công lý đến muộn.
An Tề thích bóng bay được bán ở cổng nam trường học, nhất là hình Cừu lười biếng. Nhưng vì tiền tiêu vặt của cậu ấy bị trấn lột hết nên chỉ có thể nhìn mà không mua được.
Thế nên hôm sau tôi đến trường sớm. Quả bóng bay giá 5 tệ, tôi lấy tiền tiết kiệm của mình, mua cho cậu ấy 2 quả.
Tôi đã đợi rất lâu. Vị trí đó vẫn trống không.
Mãi đến khi cô chủ nhiệm nghẹn ngào thông báo với mọi người. “Các em sau này qua đường phải cẩn thận. Sáng nay bạn An Tề không may bị xe tải vượt đèn đỏ đụng phải, tài xế gây tai nạn bỏ trốn, bạn ấy đã mất ngay tại chỗ.”
Trong khoảnh khắc, mọi ánh mắt đổ dồn về tôi.
Tôi ngồi dại ra, đầu óc đờ đẫn không suy nghĩ được gì.
Khi định thần lại mới hay nước mắt đã ướt đẫm gò má.
Rõ ràng, rõ ràng hôm qua vẫn còn rất tốt.
Chúng tôi còn chưa kịp ăn mừng.
Chúng tôi còn chưa hưởng được mấy ngày tốt lành.
Tôi còn chưa tặng quả bóng bay mà cậu ấy thích.
Tôi còn chưa nói với cậu ấy, cậu ấy cũng là người bạn tốt duy nhất của tôi.
Tại sao tất cả đều đã quá muộn.
Bà nội cậu ấy đến trường thu dọn di vật của cậu ấy, bà cụ mắt sưng đỏ, tay run rẩy. Tôi giúp bà mang đồ lên xe ba bánh.
Bà khóc không thành tiếng, run run móc ra hai cây xúc xích nóng hổi đặt vào lòng bàn tay tôi.
“Tiểu Tề nói hôm nay nó sẽ tặng xúc xích cho người bạn thân nhất của nó. Từ tối qua nó đã nhắc mãi, nói bà sáng mai nhớ nhắc nó. Con là đứa bé ngoan, cảm ơn con đã chăm sóc Tiểu Tề lâu như vậy. Đời này của thằng bé xem như không có phúc, lại đi trước bà già bà đây.”
Tôi đứng cuối con đường, nhìn bóng dáng tập tễnh khó nhọc đẩy chiếc xe ba bánh đi chầm chậm, bộ quần áo thùng thình bay bay theo gió, phảng phất như chiếc thuyền gỗ sẽ lật úp ngay vào giây sau đó.
Hai bên tay lái xe ba bánh treo hai quả bóng Cừu lười biếng đang đong đưa đong đưa. Như thể An Tề đang nói lời tạm biệt với tôi.
Cuối cùng khi hình bóng ấy biến mất ở cuối ngã rẽ con đường. Tôi chớp chớp đôi mắt khô khốc.
Ánh mặt trời sau giờ ngọ mùa đông chiếu vào mắt người đau nhức