Ngộ Phật - Chương 23: Tiệc Tùng Là
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Ngộ Phật


Chương 23: Tiệc Tùng Là



HỐC HỐC HỐC, ÔI VUI… MỚI LÀ LẠ Ý.

Giang Trừng líu lưỡi nhìn cái hố to mới “nện” thành kia, mắt bỗng hoa lên, sư phụ đã chẳng còn ngồi ở chỗ cũ nữa, ngẩng đầu nhìn, nàng đã đang đánh với đại sư bá.

Chu Uyển sư huynh dừng tay, bất đắc dĩ thu dọn thức ăn, đại sư huynh Bạch Linh và tam sư tỷ Trịnh Dao thì chăm chú xem trận, chẳng có vẻ gì là lo lắng.

Kiếm tu đánh nhau mà không xài kiếm, nghĩa là ông ấy không định ra tay thật, chỉ đang dỗi thôi.

Trận chiến phải gọi là vờn nhau thay vì đánh lộn này chẳng kéo dài được bao lâu, chỉ một thoáng sau Bạch Nhiễm Đông đã cười khì kéo tay áo đại sư bá ngồi xuống.

“Sư huynh ôi, mình đã lâu không tụ tập, sư muội nhớ món thịt nướng của sư huynh lắm ý, hôm nay khéo thay có cơ hội, sư huynh làm ơn ban phước cho cái miệng của sư muội với nhe ~” Bạch Nhiễm Đông dỗ.

Đại sư bá hừ một tiếng, rõ vẻ chưa nguôi, “Lần sau mà còn dám lén trộm vườn nhà ta, ta ắt cho cô một trận no đòn đấy.” Giọng nói lạnh lùng đầy lửa giận.Read more…

Bạch Nhiễm Đông hồ hởi liếc ông, “Sư huynh thử tính coi mình nói câu này mấy lần rồi.”

Đại sư bá giận dữ: “Cái thứ mặt dày nhà cô!”

Sau cơn cãi vã, đại sư bá vốn đến hỏi tội lại gầm gừ ngồi xuống, Chu Uyển sư huynh đưa nguyên liệu đã sơ chế xong sang, có vẻ đã biết trước sẽ thế này.

Đại sư bá thấy vậy lại càng tức nghẹn, nhưng vẫn đưa tay đón lấy nguyên liệu mà đồ đệ đưa, Bạch Nhiễm Đông ngồi kế chìa gia vị tới, “Sư huynh, bỏ ít gia vị lại nhe, đây là gia vị Tô Tô đặc chế đấy, nó bế quan luyện đan chẳng biết khi nào mới ra, muội chỉ còn chừng này thôi, xài hết thì không còn đâu, tém tém lại đó nha!”

Đại sư bá vứt thịt đánh phịch: “Còn nhì nhằng nữa thì cô tự đi mà làm.”

Bạch Nhiễm Đông nhặt thịt nhét vào tay ông, cười ruồi: “Thôi mà, sư huynh làm đi ạ hi hi hi ~”

Cả đám nhóm lửa ở ngay cái hố mà đại sư bá vừa “nện” thành khi nãy, chuẩn bị giá nướng thịt và nồi nước dùng trông như lẩu, quây quần bên nhau tự nướng tự nấu tự ăn.

Giữa mùi thơm nức mũi, vừa trở thịt linh thú lách tách reo vang, Giang Trừng vừa suy xét một vấn đề cao thâm khó hiểu, tại sao tu sĩ lại biết cái món buffet thịt nướng và lẩu này? Ể, hình như cô nên thắc mắc tại sao cõi tu chân lại có thịt nướng và lẩu mới đúng?

Chẳng bao lâu sau, Tạ sư bá bỗng dưng xuất hiện, dắt theo hai đồ đệ Hứa Thanh Sương Hứa Tố Tề, và ba đồ đệ loli mà đại sư bá gửi nuôi bên ông.

“Đã đưa thư từ sớm rồi, sao giờ nhị sư huynh mới đến.” Bạch Nhiễm Đông chào: “Mau lên, hôm nay đại sư huynh đích thân ra tay đó, chúng ta đánh chén thỏa thuê rồi.”

Tạ nhị sư bá cười đến là hớn hở, đón lấy chung rượu Bạch Nhiễm Đông đưa, “Sư muội lại cố ý chọc giận đại sư huynh rồi, nhưng đúng là đã nhiều năm chưa nếm lại món thịt nướng của đại sư huynh.”

Ba người lớn ngồi với nhau, xung quanh là xấp nhỏ, lại thêm sự hiện diện của ba loli đòi đút ăn khắp nơi, không khí rộn ràng lắm. Trên đỉnh núi cao, với tay có thể hái được trăng sáng, đèn đuốc rực rỡ, mùi thức ăn thơm phức hòa với tiếng nói cười nô nức, lan xa cùng gió đêm.

Giữa buổi tiệc, Bạch Nhiễm Đông đã ngà ngà say, chợt nổi hứng chuốc rượu xấp nhỏ, đứa nào đứa nấy mặt mày đỏ lét, nhất là Chu Uyển sư huynh cứ-bảo-là-uống kia, say đến độ ngã chui dưới gầm bàn.

Tam sư tỷ Trịnh Dao cũng uống khá nhiều, nhìn thì thấy bình thường nhưng khi chị bắt đầu thổi huyên cổ, Giang Trừng đoán chừng chị đã say. Tiếng huyên xa xôi mang nỗi ưu thương vắng lặng, nghe mà muốn khóc, Giang Trừng vốn rất vui vẻ, chẳng hiểu sao lại bị âm thanh này gợi lên nỗi nhớ thế giới cũ và em trai, mắt lấp lánh nước, cô nuốt thịt nướng ghìm lại.

Chợt tiếng đàn vang lên hòa cùng tiếng huyên, nhìn lại mới thấy Tạ nhị sư bá đã lấy đàn ra. So với tiếng huyên hiu hắt của tam sư tỷ Trịnh Dao, tiếng đàn của Tạ nhị sư bá lại như con người ông, yên ả sau muôn vàn sóng gió. Chuyện cũ một đi không trở về, dẫu có tiếc nuối, dẫu có đau lòng thì giờ nghĩ lại, chỉ còn an nhiên.

Được tiếng đàn dẫn dắt, tiếng huyên cũng dần lạc quan hơn, thôi xót xa lòng người. Bạch Nhiễm Đông chống trán, chợt nhấc đũa gõ bát ngọc, tiếng lanh canh nghe có vẻ lung tung khéo thay lại hòa vào bản hợp tấu. Sau một điệu, Bạch Nhiễm Đông cất tiếng ca, không như tính cách nàng, giọng ca lại hào sảng vô chừng.

Có điều câu từ lại hơi tàn nhẫn, tuy nho nhã như thơ, nhưng nếu dịch xuôi ra thì là “Kẻ phụ tình nhà mi, sớm muộn có ngày ta đánh chết, đánh no đòn đến nỗi gặp gái mi phải tè ra quần, lời thề non hẹn biển trước kia đều là lường gạt, vừa ngoảnh đi đã lấy người khác, chúc mi sớm ngày sừng cắm tối ngày liệt dương, ta chờ ngày mi khóc than kêu cha gọi mẹ, để rồi xem.”

Giang Trừng nhìn sư phụ mỗi phát gõ đũa lại nát một bát ngọc, tự dưng lại nghĩ, sư phụ nhà mình cũng là người từng trải tang thương.

Bất ngờ là sau khi sư phụ hát xong bài tống tử kẻ phụ tình kia, đại sư huynh Bạch Linh lạnh lùng cũng cất lời ca, câu từ vẫn nho nhã, nhưng dịch xuôi ra lại vẫn dở khóc dở cười — “Đã muốn đập gã khốn kiếp ấy từ lâu, Người cản, Người giận dữ đến thế, ta muốn tẩn gã chết quách cho rồi, nhưng Người lại không cho phép, giận.”

Miếng thịt nướng chẹn ngay cổ họng, Giang Trừng trườn dài ra bàn cười mà run người, lau nước mắt chảy ra vì cười bên khóe mi, vỗ tay khen hay.

“Hay cái khỉ! Con cũng hát đi!” Sư phụ bí tỉ nhướng mày liễu bắt hát.

Giang Trừng trước giờ là trùm cầm mic, chẳng ngại khoản này. Dưng mà nhạc cô hát hơi khác với chốn này, thôi kệ bà nó, Giang Trừng ném miếng thịt đang cầm đi, hắng giọng hát khúc Cao nguyên Thanh Tạng. Có thể miêu tả bằng từ quỷ khóc sói tru, nhưng cô cũng chẳng định hát hay quá, chỉ muốn nhân lúc ngà ngà say này mà hú hét cho đã, trút trọn áp lực và băn khoăn chôn sâu đáy lòng.

Nào ngờ vừa dứt bài, đại sư bá áo tím tóc bạc đang không vui kia chợt khen “Có khí phách”, rồi lại nướng thêm vài xâu thịt cho cô, tỏ ý tán thưởng. Giang Trừng chớp mắt, ôm thịt cắm đầu ăn, thật chẳng hổ là mùi vị mà sư phụ và Tạ nhị sư bá nhớ nhung, chắc sau này cứ ăn thịt nướng là sẽ nhớ đến cái vị này mất!

Chu Uyển sư huynh bét nhè nằm dưới đất bị Bạch Nhiễm Đông kéo lên bắt hát, mờ mịt ngồi dậy, ca một điệu hát ru, Hứa Thanh Sương bên kia bỗng lại hu hu òa khóc. Xoay sang nhìn mới biết cô ta chắc cũng bị chuốc say, ôm cứng lấy sư đệ Hứa Tố Tề gọi anh mãi, cứ như một cô bé ba tuổi đang làm nũng anh trai. Hứa Tố Tề không vùng ra nổi, mặt đỏ lè, chẳng biết vì đã say hay vì lý do nào đó khác.

Ba loli không hiểu mấy khúc hát của các sư thúc sư huynh lắm nhưng cũng góp vui, lúc lắc đầu đong đưa chân hát theo, lạc điệu sai chữ cả. Hứa Thanh Sương khóc xong lại kéo Hứa Tố Tề bật dậy đòi nhảy, vừa xoay một vòng đã lảo đảo ngã xuống, đè cứng Hứa Tố Tề, Giang Trừng xem mà đau bụng vì cười.

Cô vui vẻ hả hê quá lại thành chướng mắt sư phụ Bạch Nhiễm Đông, bị ép uống cả vò rượu, say đến độ rúc thẳng dưới gầm bàn như Chu Uyển sư huynh, bò dậy không nổi nữa.

Ngửa đầu nhìn trời hửng sáng, bên tai vang tiếng huyên tiếng đàn nhẹ nhàng và bài đồng ca kỳ lạ của sư phụ sư huynh, Giang Trừng ôm vò mơ màng nghĩ, chẳng đã bảo hôm nay chỉ có mấy cô trò bày tiệc nhỏ thôi ư, sao mọi người đến cả thế này.

Nhưng, cũng vui lắm.

Vui thật đấy, Giang Trừng xoay người, vùi đầu vào cánh tay.

“Chị? Chị ơi?”

Giang Trừng mở mắt, thấy bóng người gầy yếu chập chờn trước mắt, chốc sau mới ừ một tiếng.

Đứa bé ấy ngồi xổm xuống, ghé vào giường đối mắt với cô, trên sống mũi là một đôi kính gọng đen, thanh tú nho nhã, chần chừ hỏi: “Chị, hôm nay chị về à? Không ở chơi thêm vài hôm ư?”

Cậu nghiến răng, gương mặt trẻ thơ gầy gầy lộ vẻ không nỡ rời và sợ hãi không kiềm nổi, khập khừng bảo: “Bà ta không thích em, hay đặt điều em với cha lắm, em lén nghe được, giờ cha cũng chẳng ngó ngàng gì đến em rồi, chị ơi, em sợ.”

Đã thốt nên lời thì dễ dàng hơn nhiều, cậu bé nói nhanh hơn, “Chị, em không muốn ở đây nữa, em muốn sống cùng chị, được không? Em vừa học vừa làm thêm, em lo được cho mình mà.”

Giang Trừng bật cười, đưa bàn tay mảnh dẻ lên xoa đầu cậu, đôi mắt trên khuôn mặt xinh đẹp giống cậu bé cong cong, “Vậy thì không ở đây nữa, tới ở với chị nhé, nhà chị thuê ngoài kia không to nhưng vẫn nhét vừa thằng nhóc như em, đừng sợ, mẹ không còn ở đây thì chị sẽ nuôi em.”

“Chị ơi.” Cậu bé gầy yếu ngồi xổm vừa khóc vừa run, gồng người siết chặt khăn trải giường, nghẹn ngào van nài: “Chị, chị đừng bỏ em như mẹ nha.”

“Không, chị không bỏ em đâu mà.” Giang Trừng ôm lấy cậu bé, mắt xót như kim châm, thì thầm mãi: “Chị không bỏ em đâu, tiểu Tầm.”

Chị, sẽ về với em.

Giang Trừng tỉnh lại sau cơn say, vẫn còn mờ mịt chuyện ngày tháng năm, chỉ nhớ loáng thoáng lúc mình thiếp đi đã chiêm bao một giấc, mơ đến ngày mẹ vừa mất, ba tái hôn xưa kia. Năm ấy cô mười tám, mới thi tốt nghiệp xong đã bị mẹ ghẻ viện lý do đã trưởng thành tống ra khỏi nhà, thuê nhà sống riêng.

Em trai mười ba tuổi vẫn ở với gia đình ấy, chưa ngót một năm đã gầy đi nhiều, có dấu hiệu trầm cảm lâm sàng, lén nói với cô rằng mình không muốn ở lại đấy. Khi ấy Giang Trừng vẫn đang đau đầu chuyện học phí đại học, nhưng nghe tiếng khóc thút thít của em trai, chẳng nghĩ ngợi gì mà đồng ý ngay. Cũng chỉ cần dè xẻn thêm chút đỉnh, sao cũng được, cô không muốn người thân nhất của mình phải đau khổ nữa.

Sau đó, chị em cô nương tựa vào nhau bấy nhiêu năm như thế, vượt qua nỗi khó khăn ban đầu, tất cả dần tốt đẹp hơn, thằng bé vừa ngoan vừa hiểu chuyện, chỉ có tật ỷ lại chị thôi, bây giờ, bây giờ chẳng biết thế nào rồi.

Đưa tay sờ thử, cặp mắt quả đã sưng phồng, gò má vẫn còn vết nước.

Rượu không nên uống bừa bãi, say cái là chẳng khống chế nổi tâm trạng, tâm sự thường chôn sâu trong lòng sẽ cuồn cuộn tuôn ra, quậy ê ẩm cả.

Giang Trừng không xót xa lâu, vì cô đã nhanh chóng phát hiện tình hình trước mắt. Cô vẫn đang ở trên đỉnh Ngoan Thạch, giờ đã vào trưa, nắng nóng trùm lên người, tứ phía một bãi chiến trường, tờ giấy nhắn to treo trên cây thông cổ xương xẩu đang tung bay trước gió, nội dung là “Ai dậy trễ nhất sẽ phải dọn sạch chỗ này.”

Tác giả của nó là ai, ngoài sư phụ Bạch Nhiễm Đông ra thì còn ai khác chứ! Giang Trừng đờ đẫn xoay cổ, giật giật khóe miệng giữa bến bờ rác rến.

Sau buổi tiệc tùng, những kẻ để cả đống rác lại rồi cắp đít dong thẳng đều khốn khiếp như nhau!

Thôi bó tay, là em út mới vào, Giang Trừng phải tốn cả buổi chiều mới dọn sạch được chỗ này. Cuối cùng, sau khi leo lên giật tờ giấy treo trên cây xuống, Giang Trừng bỗng nhìn thấy dòng chữ nhỏ được viết ở mặt sau “Bé ngoan nghe lời có thưởng, mời dịch hòn đá sau gốc cây ra.”

Giang Trừng nghe lời tìm thấy một hòn đá sau gốc thông, đẩy ra rồi mới thấy một lá bùa linh và một mảnh giấy được chặn bên dưới. Giấy viết “Đây là bùa dọn rác, rác trong vòng trăm bước sẽ được dọn sạch sau khi xé”.

Giang Trừng vò giấy đứng lặng hồi lâu, từ tốn giơ lá bùa lên vứt mạnh xuống đất.

Mười mươi là đang trêu ngươi cô! Sư phụ gì mà đì người làm vui thế kia, Thanh Đanh đại sư gửi cô cho bà giáo này, thực ra chỉ là đang kiếm cách khác để trả đũa cái tật lẻo mép dạo trước của cô chứ gì!

Sau khi tỉnh táo bình thản lại, Thanh Đăng đi ra khỏi rãnh sau núi, tiện tay phủi bụi trên chuỗi bồ đề, chợt ngừng bước chân, ngẩng đầu nhìn trời.

“Sư thúc cũng đã nhận ra rồi nhỉ.” Trụ trì Thù Ấn vẫn đội mèo đen ngồi đấy, bưng chén trà híp mắt nói, “Lần này sư thúc ngủ sâu hơn trước kia một chút, e rằng có liên quan đến việc này, đại loạn cận kề, xem ra sư thúc chẳng còn thời gian để mà nghỉ ngơi rồi.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN