Ngôi Nhà Cổ Trên Phố Tradd - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
144


Ngôi Nhà Cổ Trên Phố Tradd


Chương 16


Tôi tung hứng xợi dây xích cổ Ðại tướng Lee trong một tay và tay kia cầm ly Coca-Cola lạnh trong khi cố mở khóa cửa chính. Trời đã nhá nhem tối, và tôi vẫn chưa thay quần áo để đi ăn tối cùng Marc vì Chad đã nhờ tôi đưa con chó đi dạo trong khi anh ta đưa Sophie đến lớp yoga. Tôi không nỡ nói với anh ta rằng việc anh ta kiên trì theo đuổi Sophie là vô ích, mặc dù hai người đã bắt đầu gọi nhau là Velma và Shaggy – mà tôi chẳng hiểu nghĩa là gì – thế thì có lẽ không phải mọi việc đều vô ích. Tôi vẫn nhìn thấy khả năng mình sẽ ném gạo ở đám cưới của hai người, nên tôi vẫn cứ kỳ vọng. Ngoài ra, bởi vì con chó đúng ra là của tôi, nên tôi thấy thật không phải nếu lại từ chối, nên giờ đây tôi phải vật lộn với cái cửa, trong khi Ðại tướng Lee ngồi chờ rất kiên nhẫn với một vẻ mặt đầy chán chường. Tôi chắc rằng nếu cậu ta mà có một cái giũa móng thì cậu ấy sẽ bận rộn tự làm móng cho mình trong khi chờ tôi tìm cách mở cửa vậy.

“Ðể tôi giúp cô ha, cô Middleton?”

Tôi quay sang và thấy người thợ ống nước của tôi, Rich Kobylt, đang đi xuống cầu thang, trên người treo lủng lẳng đủ thứ đồ nghề, rõ ràng đang chuẩn bị ra về. Rich đã làm việc trong nhà quá nhiều đến nỗi tôi sẵn sàng cho anh ta được ở một phòng miễn phí trong nhà. “Cám ơn anh,” tôi nói với giọng đầy biết ơn.

Anh chàng kéo cái then cài và giữ cửa cho tôi trong khi Ðại tướng Lee và tôi đi qua hành lang mái vòm. Tôi đưa cho anh ta chìa khóa của mình và chờ anh khóa cửa lại. “Cám ơn nữa nhé,” tôi nói. “Hẹn gặp lại vào ngày mai.”

Rich không cúi xuống để nhặt đồ, và tôi có phần nào mừng về điều này khi nghĩ đến cái vòng bụng ấy cùng với chiếc quần trễ mông phía sau lưng.

“Cô Middleton ơi, cho phép tôi hỏi cô một việc được không?”

Tôi thoáng lo anh ta định nói cho tôi biết rằng tôi phải chấp nhận tình trạng đường ống hiện tại vì chẳng còn cách cứu vãn nào khác, hoặc anh ta muốn thôi việc trước khi hoàn tất phòng tắm chính. “Ðược chứ,” tôi nói.

Anh ta gãi gãi cái má phính phủ đầy râu sậm màu đã ba ngày chưa cạo. “Ừm, có phải cô là người duy nhất sống trong căn nhà này hay không?”

“Phải,” tôi nói, và câu hỏi này của anh ta khiến tôi bất ngờ. “À, ngoại trừ ông Trenholm cũng có ngủ lại trong phòng ngủ phụ. Tạm thời thôi,” tôi vội vã nói thêm.

“À, tôi có biết việc ấy.” Rồi anh ta lại gãi cái má lần nữa như thể không rõ phải tiếp tục như thế nào. “Ý của tôi là… hay là cô có chị em gái hay bạn bè đến thăm hay gì khác không.”

Tôi lặng người. “Không. Mà sao anh lại hỏi thế?”

Anh ta cười một cách yếu ớt. “Cô sẽ nghĩ việc này kỳ cục, và tôi hy vọng việc này không làm hại đến công việc của mình hay bất kỳ việc gì khác, nhưng cứ mỗi khi tôi đi ngang qua cái phòng khách đó, là tôi luôn thấy qua khóe mắt mình một quý bà đứng cạnh cái đồng hồ bự. Nhưng khi tôi quay lại để nhìn thẳng, thì bả lại biến mất.”

“Bà ấy trông như thế nào?” Tôi hỏi, giọng trầm tĩnh.

“Tôi chưa bao giờ nhìn bả đủ lâu để thấy rõ gương mặt, nhưng quần áo thì xưa lắm. Giống như loại quần áo người ta mặc trong phim hành động Bonnie và Clyde ấy.”

Tôi cảm thấy một tiếng cười đầy lo lắng chực vỡ ra trên môi mình nhưng cố kềm lại. Louisa, tôi nghĩ, và rồi suýt nữa thì tôi đã bảo với Rich rằng đó là việc tốt nếu anh trông thấy bà ấy, nhớ lại những gì ông Vanderhorst đã nói với tôi. Bà ấy chỉ xuất hiện trước những ai mà bà ấy chấp thuận. Ít ra thì tôi đoán rằng Louisa đang cố nói với tôi rằng bà ấy thích sự lựa chọn của tôi về người thợ sửa ống nước. “Anh còn nhớ gì khác nữa không?”

Anh gật đầu. “Mùi hoa hồng. Nó nồng tới nỗi tôi tưởng bà ngoại tôi đang đứng cạnh đấy. Bà mất rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ mùi dầu thơm hoa hồng mà bà từng xài.” Rồi anh ta nhìn tôi một cách bình tĩnh. “Cô Middleton nè, tôi không có ý làm cô sợ đâu, nhưng tôi nghĩ chắc ngôi nhà của cô bị ma ám đó.”

Tôi lại có một sự thúc giục điên rồ phải cười vỡ ra. Nhưng không, tôi cố giữ cho mặt thật tỉnh. “Anh có thật sự nghĩ thế không?”

“Dạ có chứ. Không phải là tôi nghĩ cô cần phải sợ bà ta hay gì đâu, bởi vì bà ta có vẻ như là một quý bà dễ thương, nhưng tôi nghĩ là cô cần biết. Mặc dù…” Anh ta dừng lại, mắt anh trượt nhìn ra nơi khác.

“Mặc dù sao?”

“Một lần nữa, cô Middleton à, tôi không muốn làm cô sợ, và tôi thật sự không muốn nói quá nhiều về việc này với người khác, nhưng tôi có cái mà người ta gọi là năng khiếu về những thứ như thế này. Cô biết không, giống như một thị giác thứ hai vậy. Cho nên tôi có thể nhìn thấy những thứ hầu hết người khác không thể.”

Tôi gật đầu một cách thông cảm. “Tin tôi đi, tôi hiểu anh lắm.”

“Tôi biết là cô sẽ thông cảm cho tôi, cô Midldeton à. Khi mà cô thật dễ thương và đầy thông cảm khi không có nước xài trong ba ngày trời, thì tôi nghĩ là cô cũng sẽ thông cảm cho việc này.” Rồi anh ta mỉm cười một cách gượng gạo. “À mà, quý bà ấy không phải là… ừm… bóng ma duy nhất mà tôi đã thấy. Còn cái gì khác nữa trên hành lang trên lầu, vòng quanh cầu thang đi lên căn gác mái ấy. Ðó là một người đàn ông, và ông ta không hề dễ thương chút nào, và tôi nghĩ là ổng không muốn chúng ta có mặt ở đây – đặc biệt là trên căn gác mái ấy.” Ðôi mày của anh ta nhíu lại trong khi anh nhìn tôi một cách nghiêm trọng. “Cô cần phải cẩn thận khi ở gần lão ta. Mặc dù…”

“Gì thế, Rich? Anh cứ nói cho tôi nghe.”

“À” – rồi anh lại gãi đằng sau gáy – “Tôi có một ấn tượng rất lạ, rằng quý bà ở dưới nhà đang giữ cho lão đàn ông xấu tính đó ở lại trên lầu. Giống như, miễn là khi có bà ấy ở gần thì lão sẽ chẳng dám làm gì tôi vậy.”

Tôi nuốt ực một cái, nhớ lại những lần tôi chạm trán với cả hai hồn ma ấy và nhận thấy rằng anh này nói đúng.

Rich tiếp tục. “Và tôi nghĩ chắc là cô cần mướn một bà đồng bóng nào đó mà có thể nói chuyện với các hồn để coi họ muốn gì. Rồi chắc là lão sẽ bỏ đi thôi.”

“Ðó là ý kiến hay đấy Rich. Tôi sẽ xem xét việc ấy. Và tôi hứa với anh sẽ giữ bí mật cho anh.”

“Tôi trân trọng điều đó, thưa cô.” Rồi Rich nhặt lấy dụng cụ đồ nghề của mình trong khi tôi nhìn lên lớp sơn đang bong ra trên mái vòm hành lang rồi bước theo anh ta ra cửa. Rồi hình như chợt nghĩ ra điều gì đó, Rich lại nói, “Tôi vẫn gặp khó khăn trong việc dẫn nước ra cái đài phun đó. Tôi đã coi toàn bộ đường ống, và mọi thứ đều nguyên vẹn không bị rò rỉ hay bể nứt gì hết, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra manh mối nào. Tôi nghĩ mình sẽ phải đi mướn một cái máy đào đất để đào một cái lỗ bự bên ngoài sân sau của cô.”

Tôi nghĩ đến toàn bộ công sức của ba tôi đã bỏ ra, đến cái đẹp mà ông đã tạo ra trong khu vườn một thời ảm đạm kia và tôi khựng lại. “Sao chúng ta không thể chờ cho việc ấy nhỉ? Trong nhà vẫn còn rất nhiều việc phải làm, hay là ta cứ tập trung vào việc cần làm trước, và rồi sẽ rà soát lại xem mình có thật sự cần dẫn nước vào cái đài phun ấy hay không?”

Anh chàng giữ cửa cho Ðại tướng Lee và tôi, rồi chúng tôi đi ra ngoài, Rich đi theo sau. “Nếu cô muốn vậy, cô Middleton à. Dù sao đây cũng là nhà của cô mà. Nhưng tôi thì nghĩ nếu cái đài phun nước mà lại hổng có nước bên trong thì cũng giống như bia mà lại thiếu cồn. Kiểu như, làm cái đài phun để làm gì, cô hiểu không?”

Tôi cười. “Tôi hiểu ý anh muốn nói gì, Rich à. Và tôi biết anh luôn muốn cho công việc của mình luôn hoàn hảo.” Ðó cũng là một trong những lý do vì sao tôi không phát điên lên trong ngày thứ ba khi trong nhà không có nước để xài. “Nhưng hiện tại thì cứ khoan lo cái vụ đài phun nước ấy đi đã. Chúng ta sẽ tính đến vụ ấy sau – tôi hứa đấy.”

Chúng tôi bắt đầu bước ra vỉa hè và đứng trước chiếc xe bán tải của anh đang đậu sát lề. “Tốt quá.” Rồi anh chàng đặt hộp đồ nghề xuống chân. “Vậy thì hẹn gặp lại cô ngày mai nha. Tôi vẫn chưa hài lòng với lớp cách nhiệt bao quanh đường ống trong phòng tắm mới của cô nên tôi muốn chắp vá nó thêm một chút vào ngày mai trước khi mấy người làm tường tới. Nếu được phép, tôi sẽ đến đây vào khoảng sáu rưỡi sáng.”

Tôi hoan hỉ mừng thầm trong bụng. Thật lòng, có lẽ tôi cứ việc giao chìa khóa cho anh chàng này và chừa cho anh ta một phòng ngủ. “Ðược chứ, anh Rich. Gặp lại sau nhé.”

Chúng tôi chào tạm biệt, rồi tôi quay đi cùng Ðại tướng Lee trước khi tôi phải chứng kiến cảnh Rich lại cúi người xuống để xách hộp dụng cụ đồ nghề lên.

Dường như con chó nhỏ đã biết nó muốn đi đâu nên tôi cứ để nó dắt tôi đi. Chốc chốc, nó lại ngước mặt lên nhìn tôi để biết chắc rằng tôi vẫn đang đi theo nó và rồi lại tiếp tục bước nhảy chân sáo trên vỉa hè, chiếc đuôi xù lông của nó vờn trên lưng như một chiếc quạt bằng lông vũ.

Không phải là tôi đã sẵn sàng thú nhận điều này với ai, đặc biệt là tôi không muốn thú nhận với Jack, nhưng quả thật trong những tháng sống ở khu nam Broad, tôi đã bắt đầu nhận thức một cách miễn cưỡng về vẻ đẹp và sự yêu kiều của khu dân cư Charleston này, và gần như đã hiểu rõ đám du khách vốn thường kéo đến đây với máy chụp hình lăm lăm trong tay. Có một điều khác không nói đủ bằng lời vốn vẫn nấn ná đâu đây trong những khu vườn phía sau tường kín mà hương thơm của đủ loài hoa đã vượt ra khỏi những chiếc cổng sắt với những đường uốn lượn trang trí khiến khách bộ hành luôn bị cám dỗ mà phải dừng lại và ngắm nhìn. Hoặc có lẽ chính vì bản thân những ngôi nhà ấy, trụ lại qua thời kỳ cách mạng, trận dịch hạch, hỏa hoạn, nội chiến, và những cuộc đình công biểu tình, mà vẫn kiên cường và thanh bình trong cái đẹp cổ điển của nó – giống như những quý bà miền nam đích thực. Tôi sinh trưởng ở Charleston, và tôi sẽ là kẻ hoàn toàn mù tịt nếu tôi không thể thú nhận thậm chí một chút xíu hãnh diện rằng đây là thành phố của tôi, rằng khu vực xung quanh phố Tradd là khu tôi ở, và rằng tôi hầu như có thể hiểu được – nếu không nói là hoàn toàn bao dung – tất cả những sự lập dị điên dại của những người hàng xóm của tôi vốn luôn có đầu óc cổ hủ về bảo toàn thực trạng cho khu phố cổ. Tôi thậm chí còn có thể đánh giá cao sự phù phiếm của một thành phố, nơi mà thậm chí những cột báo động đất trên các tòa nhà cũng có những cái nắp trang trí hình đầu con sư tử, đúng kiểu mà Charleston sẽ chuẩn ý cho việc kèm thêm vẻ đẹp vào bên cạnh chức năng của bất cứ thiết kế kiến trúc nào.

Thi thoảng tôi thậm chí có suy nghĩ nổi loạn rằng những người chủ nhà ở đây thật sự tin rằng họ chỉ là những người chăm sóc cho những ngôi nhà này mà thôi. Họ bảo vệ lịch sử chung và bảo tồn chúng cho những thế hệ sau này. Tôi không hoàn toàn bị thuyết phục, và tôi cũng chẳng muốn bị thuyết phục. Bởi vì tôi biết rõ hơn ai hết rằng dù cho mình đầu tư bao nhiêu tiền của công sức cho ngôi nhà và gọi nó là của mình, thì mình vẫn không bao giờ có thể sở hữu những con ma của nó.

Tôi cứ suy nghĩ miên man, rồi khi Ðại tướng Lee rẽ vào góc đường Legare thì tôi mới chợt nhận ra là mình đang đi đâu. Tôi cố kéo nó lại để đi sang khu phố khác, nhưng nó cứ bám những cái móng đầy lông của nó xuống đường và không chịu nhượng bộ. Tôi miễn cưỡng đi theo nó, rồi ngỡ ngàng khi nó dừng ngay trước cổng ngôi nhà số ba mươi ba. Lần này tôi chẳng buồn kéo dây xích cổ nó nữa. Tôi đứng trước cổng và hồi tưởng lại cú điện thoại về đêm của bà ngoại về việc đến thăm bà trong khu vườn này, và tôi đảo mắt nhìn qua những dây leo hoa lài miền Nam đang quấn quanh những cọc sắt dẫn đến khu vườn nhỏ nơi có những chiếc ghế đá. Ðến ngồi chơi trong vườn nhà bà và uống trà đường như trước đây cháu đã từng. Một ngày nào đó nó sẽ là của cháu, cháu biết rồi đấy. Thế nên cháu có thể ghé chơi và xem cháu còn ưa thích việc ấy nữa hay không.”

Tôi quay sang nhìn Ðại tướng Lee, lúc này đang nhìn lên tôi một cách chờ đợi. “Bà ngoại cũng có gọi cho mày nữa phải không?”

Nó nghiêng đầu, đôi tai nhỏ bắn mạnh lên thành hình chữ V với một vẻ mặt mà tôi biết chắc rằng có nghĩa là nó giả vờ chẳng hiểu tôi đang nói gì.

Tôi quay lại nhìn ngôi nhà xây bằng gạch kiểu Anh với mái cổng hai lớp ở mặt tiền, cảm giác giống như lần đầu tiên khi tôi nhìn những tấm hình con tàu Titanic dưới đáy đại dương – toàn bộ những vẻ yêu kiều và tráng lệ vốn đã từng có biết bao hứa hẹn giờ đây hoàn toàn đã biến mất. Ngoại trừ việc tôi chưa bao giờ được nghe rằng ngôi nhà của bà ngoại tôi là không bao giờ chìm; tôi chỉ được bảo là một ngày nào đó nó sẽ là của tôi.

Tôi đã sống ở đấy một thời gian sau khi ba mẹ tôi ly thân. Trước đó tôi đã từng đến chơi rất thường xuyên, đôi khi còn ở đó cả vài tháng trời mỗi khi ba mẹ tôi phải đi đến những nơi xa xôi nơi ba tôi đồn trú hoặc nơi mẹ tôi biểu diễn trong những chương trình hòa nhạc. Tôi nhớ ba mẹ lắm, nhưng bà ngoại tôi lại là người biết cách làm cho tôi nhớ đến bà nhiều hơn mỗi khi đã đến lúc tôi phải về nhà.

Bà chẳng phiền hà nếu tôi la to, hoặc nếu tôi trượt xuống thành lan can bóng loáng bằng gỗ gụ, hoặc khi tôi mang vớ vào và giả vờ như đang chơi trượt băng trong phòng khiêu vũ. Bà cho phép tôi được lập giá vẽ trong phòng khách ở tầng trệt để vẽ khung cửa sổ có kính màu mà một người tổ tiên nào đó đã gắn thêm vào ngôi nhà thật lâu trước khi Ủy ban được thành lập để bảo với ông ấy rằng ông ấy không được phép làm thế. Khung cửa sổ này mô tả một thiên sử thi nào đấy mà cả tôi lẫn bà ngoại không thể nào chắc chắn được, nhưng ánh nắng khiến cho những sắc màu mạnh mẽ ấy chảy vào phòng trong buổi xế chiều đã tạo ra một khung cảnh đặc biệt cho tôi được thỏa sức tưởng tượng.

Ngoại đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về tổ tiên của tôi, những con người đã từng bước đi trên hành lang này trước tôi, cùng những vị khách nổi tiếng – bao gồm cả Hầu tước de Lafayette – người đã từng ngủ lại ở một trong tám phòng ngủ của ngôi nhà. Câu chuyện mà tôi thích nhất là về một ông tổ có tuổi trong suốt thời Cách mạng chống Anh, khi quân đội Anh đã chiếm đóng ngôi nhà, thì ông đã hạ lệnh thiêu hủy ngôi nhà, thậm chí khi đã bắn tên lửa và hoàn tất sứ mạng, thì quân đội Mỹ vừa kịp đến để tấn công quân lính Anh. May mắn cho các thế hệ gia tộc Prioleaus, quân Anh đã đầu hàng trước khi ngôi nhà bị thiêu trụi. Lần đầu tôi nghe về câu chuyện ấy, tôi đã vừa khóc vừa thở phào nhẹ nhõm vì ngôi nhà tuyệt đẹp trên phố Legare này đã được cứu nguy và để lại cho tôi về sau này.

Khu vườn là nhà đồ chơi của tôi, và bà ngoại là người tham gia rất tích cực mỗi khi chúng tôi diễn lại những khung cảnh về lịch sử gia đình cũng như những cảnh mà tôi sẽ làm khi ngôi nhà thuộc về tôi. Nhưng đó là trước khi mẹ tôi rời bỏ ba tôi và đến sống tại ngôi nhà này. Trước khi tôi bắt đầu thấy có những người vốn không còn sống ở đó nữa trong nhà, những người vốn hay kéo chăn mền tôi xuống vào ban đêm và cố nói cho tôi nghe những gì mà chỉ có tôi có thể nghe. Trước khi những cơn ác mộng bắt đầu và tôi khó biết được khi nào thì những giấc mơ không hay đã kết thúc và thực tế quay về khi nào.

Ðiều cuối cùng mà tôi nhớ rõ nhất trong thời thơ ấu của tôi khi còn ở trong nhà là khi mẹ tôi đến bảo với tôi rằng bà đã mất. Khi ấy tôi đang ngồi trên ghế đá trong vườn và đang uống nước chanh với bà, do đó việc ấy hơi ngạc nhiên với tôi khi biết rằng bà không còn sống.

Những cơn ác mộng bắt đầu trở nên tệ hơn sau việc ấy, và rồi, trong vòng một tháng, mẹ tôi lại bỏ đi, và tôi bước lên máy bay cùng ba bay sang Nhật Bản. Vài năm sau đó ba tôi bảo rằng ngôi nhà của bà ngoại đã được bán cho một tay triệu phú dầu mỏ vùng Texas đang tìm mua một ngôi nhà thứ hai. Khi ấy tôi chẳng khóc vì mất đi ngôi nhà, và tôi vẫn chưa bao giờ khóc. Và tôi đã giả vờ một cách điêu luyện rằng tôi chẳng quan tâm nữa, đến nỗi cuối cùng thì tôi bắt đầu tin như thế.

Tôi uống hết những giọt nước ngọt cuối cùng thì có tiếng kèn xe gấp gáp sau lưng chúng tôi. Một chiếc Cadillac mới toanh màu trắng vừa tạt sát vào vỉa hè, và tôi nhận ra Amelia Trenholm đang ngồi sau tay lái.

“Thật là một sự trùng hợp,” bà nói và kéo cửa sổ xe xuống. “Cô chỉ vừa đang trên đường đến nhà cháu đây.” Hai bàn chân thanh mảnh lồng bên trong đôi giày bít Ferragamo xuất hiện trên vỉa hè trước, rồi sau đó thì Amelia đưa cả người ra khỏi xe. “Cô yêu con chó nhỏ ngọt ngào của cháu quá.”

Ðại tướng Lee tự cho phép mình được người khác gãi tai cho, cố nghiêng đầu một cách đầy hữu ích để chắc chắn rằng Amelia có thể dễ dàng gãi được cả hai tai của nó.

“Thật ra nó cũng không hẳn là của cháu. Cô muốn nhận nuôi nó không?”

Amelia thẳng người lên, nhìn tôi đằm thắm trong khi Ðại tướng Lee nhìn lên tôi với một vẻ mặt mà tôi chỉ có thể diễn đạt là rất tổn thương tình cảm. “Cô cũng muốn nhận nó đấy, nhưng cô nghĩ cháu sẽ cần nó hơn là cô cần.”

Tôi xóc nhẹ những viên nước đá còn sót lại trong ly, và nghiêng đầu trước khi chợt nhớ ra là Ðại tướng Lee cũng làm y như thế mỗi khi nó cố tình giả vờ không hiểu. “Cô nghĩ thật thế sao?”

“Trước đây cháu chưa bao giờ từng nuôi chó phải không?”

Tôi lắc đầu.

Bà mỉm cười. “Thế thì, cháu sẽ sớm hiểu ra thôi.” Bà vỗ nhẹ vào cánh tay tôi rồi bước đến hàng rào bằng sắt rèn và nhăn mũi. “Cô không thể nói rằng cô đồng ý với tất cả những thay đổi mà những người mới đến này đã làm với khu vườn của bà cháu.”

Hơi bối rối, tôi lại nhìn kỹ vào khu vườn, lần này thì những gì mà tôi vừa thấy khi nãy chẳng còn ở đó nữa. Những lối đi lát gạch đã không còn đấy, cũng như những băng ghế đá và những bông hoa lài thơm ngào ngạt. Thay thế cho chúng là lớp sân xi măng khổng lồ và những khối thủy tinh, vài cột đá trang trí mà tôi nghĩ là bắt chước hình người, và xương rồng đủ loại và đủ kích cỡ. Tôi nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra, hy vọng cảnh tượng ấy biến mất.

“Thật là xấu xí,” tôi nói.

“Cô thì không nghĩ đến một từ mạnh đến thế, nhưng từ này cũng đúng đấy.” Mỉm cười, bà quay nhìn tôi. “Cháu đến đây làm gì?”

“Cháu đưa Ðại tướng Lee đi dạo. Cậu chàng cứ đòi đến đây.”

Amelia gật đầu như thể bà chẳng thấy việc ấy lạ lùng tí nào. “Cô nghĩ chắc nó phải có liên quan gì đấy với việc ngôi nhà lại được đăng bán.”

“Cái gì ạ?”

“Ồ. Vậy thì cô đoán là cháu chưa nghe. Dĩ nhiên là nó vẫn chưa được đăng bán chính thức, nhưng cô có nghe tin hành lang rằng chủ nhà này đang dự định quay hẳn trở về lại Texas. Cô nghĩ là cháu đã có nghe vụ ấy.”

“Không, cháu chưa nghe.”

Ðôi lông mày thanh tú của Amelia bỗng chau lại. “Cháu nên gọi cho mẹ cháu. Hãy báo cho chị ấy biết. Dù sao thì ba cháu cũng có bảo rằng chị ấy đã cố liên lạc với cháu. Ðây sẽ là cớ hay để gọi lại cho mẹ cháu.”

Tôi nhìn chăm chú vào một điểm nhỏ nơi đã từng có cây hoa trà đầy danh tiếng của bà ngoại mà hiện giờ được thay thế bằng một cái gương thủy tinh không rõ hình dạng. “Cháu không muốn nói chuyện với bà ta. Ngoài ra, nếu bà ta thật sự muốn nói chuyện với cháu thì bà ta cần gọi thẳng cho cháu.”

Amelia im lặng một hồi. “Cô thì cho rằng chị ấy muốn cháu gọi lại để chị ấy biết chắc rằng khi cháu nói chuyện với chị ấy cũng có nghĩa là cháu muốn thế, thay vì cháu chỉ nhấc điện thoại để trả lời cuộc gọi mà thôi.” Rồi bà ngừng lại. “Cô ước gì cháu sẽ nói chuyện lại với chị ấy. Ðã lâu rồi còn gì, Melanie. Cô nghĩ đã đến lúc rồi.”

Tôi lắc đầu, cố thả ra những vết thương lòng trước đây của cảm giác mất mát và bị ruồng bỏ vốn chưa bao giờ đi quá xa bên ngoài làn da mình. Chỉ cần một cái khều nhẹ là tôi lại cảm giác được cả hai thứ ấy như thể chúng chỉ vừa xảy ra hôm qua khi tôi đang gọi tên mẹ mình trong một ngôi nhà vắng lạnh.

“Chị ấy yêu cháu, cháu biết mà. Chưa bao giờ hết yêu cháu.”

Tôi ném cho bà một cái liếc dọc thật dài, tự hỏi không biết mình đã từng nghe những từ ấy ở đâu. Và rồi tôi chợt nhớ ra. Tôi chưa bao giờ hết yêu anh ấy. Chưa bao giờ hết yêu. Hãy nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu anh.

“Cô có tấm hình nào của hôn thê của Jack trong tay không?”

Amelia nhướn một bên mày thay câu trả lời cho sự thay đổi đề tài bất thần của tôi. “Cô có hình của nó. Cô mang theo trong ví tấm hình chụp Emily và Jack trong tiệc đính hôn của tụi nó.” Rồi bà nhẹ nhàng nhún vai. “Cô giữ nó bên mình bởi vì đó là lần cuối cùng Jack còn hoàn toàn hạnh phúc.”

“Cháu xem được chứ?”

“Tất nhiên rồi,” bà nói rồi quay lại xe để lấy túi xách đặt ở ghế trước. Bà bật mở nắp túi bên ngoài và rồi mở kéo khóa một ngăn nhỏ bên trong. Rồi bà lôi ra một tấm hình kích cỡ ví tiền và đưa nó cho tôi.

Tôi cảm thấy có luồng hơi nhẹ vọt ra khỏi môi mình khi tôi nhìn chằm chằm vào tấm hình. Dĩ nhiên, tôi không thật sự ngạc nhiên. Emily trông giống như khi tôi đã thấy lần trước khi cô ấy nghiêng mình qua người Jack khi anh đang ngủ, và quẹt nước mắt mà chỉ có tôi mới thấy. Nhưng còn Jack thì, đó quả là một sự bất ngờ. Ðôi mắt anh thật ấm áp và bộc trực, chưa hề có tỳ vết của những xách mé hay nhạo báng chua cay nào. Cánh tay anh đang vòng quanh Emily, và anh đang nhìn cô ấy như thể cô ấy luôn có bất kỳ câu trả lời nào cho anh, và tôi bắt đầu hiểu ra tất cả những gì mà anh đã mất mát. Anh đã ngưng thôi không đi tìm kiếm những gì anh đã mất nữa kể từ giây phút cô ấy bỏ anh đi.

“Cô ấy xinh thật,” tôi nói, đưa lại tấm hình cho Amelia.

“Ờ, nó rất xinh. Jack luôn nói rằng vẻ đẹp của con ấy chẳng có ý nghĩa gì nhiều với nó, bởi vì Emily chính là nửa còn lại của linh hồn nó. Việc con ấy bỏ đi đã làm gãy đổ cái gì đó trong lòng Jack. Cô cũng không rõ nếu nó có thể nào trải lòng mình ra được lần nữa.”

“Cô ấy đã thật lòng yêu Jack, cô biết đấy. Cô ấy vẫn còn yêu,” tôi buộc nói ra trước khi kịp ngăn mình lại.

Amelia bỗng trở nên sượng sùng. “Làm sao cháu biết điều này?”

Tôi cắn môi, ước gì mình đã không nói gì. Nhưng thay vì trả lời bà thì tôi lại hỏi, “Cô đã nói rằng cô ấy đi đâu nhỉ?”

“Lên miền bắc – lên phía bắc New York.”

“New York?” tôi hỏi và một ý nghĩ hình thành trong đầu.

Bà gật đầu. “Cô tin rằng sếp của Emily đã nói đó là nơi mà nó chuyển đến. Tại sao? Cháu biết điều gì à?”

“Chẳng có gì đâu ạ. Chỉ là một ý nghĩ thôi. Ðể cháu gọi vài cuộc và xem cháu tìm được gì. Nếu cháu tìm ra được điều gì thì cháu sẽ cho cô biết.”

Ðôi mắt xanh trong veo của bà nhìn tôi dò xét. “Emily đã chết, đúng không? Cháu đã nhìn thấy nó, có phải không? Cũng giống như mẹ cháu vốn có khả năng nhìn thấy những người đã khuất.”

Tôi nhìn lại ngôi nhà mà đã một thời tôi nghĩ rằng sẽ là của tôi, và chợt có một luồng ký ức về một đám người bay lởn vởn trên giường tôi và rồi mẹ đã tìm đến tôi, kéo tôi ra khỏi bọn họ. Tôi có cảm giác mình vẫn còn nghe thấy những tiếng thét kinh hoàng của tôi lúc ấy.

Tôi nhìn lại Amelia Trenholm, giờ thì bà đã biết và trông rất bình thản, tôi nhẹ nhàng nói, “Dạ, cháu đã có nhìn thấy Emily.”

Bà gật đầu, rồi đặt tay lên cánh tay tôi. “Ðừng lo, Melanie. Cô sẽ không nói cho Jack biết. Nhưng cô xin cháu, xin cháu hãy tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho Emily. Cô nghĩ Jack sẽ không bao giờ hồi phục lại nữa trừ phi nó biết rằng việc ấy hoàn toàn không dính dáng gì đến nó.”

Tôi gật đầu, rồi lại nhìn về ngôi nhà, và dường như tôi lại thấy một sự di chuyển nào đó từ một cửa sổ trên căn gác mái trên lầu. Theo thói quen, tôi quay mặt đi, giả vờ như không nhìn thấy gì.

“Còn việc này nữa, sợ cô quên mất,” Amelia nói. “Lý do mà cô dừng lại để gặp cháu hôm nay là vì cô đang trên đường đến nhà cháu để đưa cho cháu tên của người thợ mộc lành nghề mà cô đã có lần nói với cháu. Ông ấy tuyệt lắm, và đối với toàn bộ những công việc gì liên quan đến sửa chữa đồ gỗ thì ông này là người mà cháu cần tìm. Thật sự là một người thợ rất khéo tay.” Rồi bà đưa cho tôi một tấm danh thiếp. “Ðây là danh thiếp của ông ấy. Ông ấy rất đắt khách, nhưng cứ bảo với ông ấy cháu là bạn của cô.”

“Cám ơn cô,” tôi nói.

Bà nắm chặt lấy bàn tay tôi, rồi bất ngờ nghiêng người qua và hôn lên má tôi. “Không đâu, Melanie à. Cô phải cám ơn cháu mới phải.”

Ðại tướng Lee và tôi cùng bước về nơi đậu xe của bà và nhìn bà bước vào trong xe. Bà thò đầu ra cửa sổ. “Còn một việc nữa. Cái đồng hồ quả lắc trong phòng khách của cháu ấy? Hiệu Johnstone ấy? Cô biết khá nhiều về các sản phẩm ông ấy làm, và cô khá chắc chắn rằng mặt trước đồng hồ mới hơn rất nhiều so với phần còn lại của nó. Cô cũng không thể biết hết được trừ phi cô mở ra xem bên trong, nhưng cô tin chắc rằng mặt đồng hồ là khá mới.”

“Cám ơn cô Amelia. Sophie cũng nghĩ như thế đấy. Khi nào có dịp, cháu sẽ nhờ người xem nó.”

“Không cần gấp đâu – cái đồng hồ ấy vẫn chạy tốt. Nếu liên quan đến việc định giá nó về sau cho cháu, thì chúng ta cần phải biết cho thật chắc.”

Bà vẫy chào chúng tôi, rồi lái xe đi. Tôi nhét cẩn thận tấm danh thiếp vào túi rồi quay lại và hướng về ngôi nhà trên phố Tradd.

***

Bà Houlihan đón chúng tôi ở cổng chính, cái cằm nọng của bà cứ lắc lư vì bị kích động.

“Có việc gì thế?” tôi hỏi và leo lên những bậc thang đi vào hành lang cổng vòm.

“Tui tưởng mọi người đều không có ở nhà, nhưng tui lại nghe có tiếng thụi rồi có tiếng bước chân đi ra từ phòng cô. Tui nghĩ tui phải ra đây chờ cô về. Chắc là cô sẽ biết nếu có người thợ nào còn ở đây.”

Tôi giao con chó cho bà. “Hoặc là thế, hoặc là bởi vì nhà vẫn còn lay động nhiều sau khi sửa chữa xong phòng tắm. Ðể cháu lên đó xem sao.”

Tôi thẳng lưng bước lên cầu thang, cố cho thật tự tin và tôi ước gì mình thực sự cảm thấy như thế. Khi tôi bước lên đến bậc cuối của cầu thang, tôi dừng lại và lắng nghe. Rồi khi không nghe thấy gì, tôi từ từ bước đến cánh cửa và vặn nắm cửa.

Căn phòng trống rỗng, vốn như tôi vẫn nghĩ, nhưng lại không có dấu hiệu bị xáo trộn. Cái điện thoại vẫn được tháo rời khỏi tường, đang nằm ngửa ở chính giữa phòng, và những cuốn album của Louisa nằm rải rác khắp nơi trên giường và sàn nhà giống như khi một đứa trẻ vị thành niên không biết mình muốn gì vừa lục tung quần áo và quẳng những thứ không chọn ra khắp nơi. Dạo này tôi bắt đầu lảng tránh những cuốn album ấy, vì dường như nó cứ hút cạn sinh lực của tôi trong khi chẳng hé mở gì thêm về Louisa ngoài việc bà ấy đã rất yêu chồng thương con. Nhưng giờ đây có vẻ như Louisa đã thành công trong việc bắt tôi không thể lảng tránh chúng nữa.

Tôi gọi với xuống cầu thang. “Giờ thì vào phòng được rồi, dì Houlihan à. Chỉ là một chồng sách rơi xuống sàn nhà trong phòng cháu thôi.”

Bực mình, tôi vươn tay đến cuốn album đang nằm úp mặt xuống ở chính giữa giường để dọn nó đi cho khuất mắt, thì vừa kịp nhận ra lỗi lầm của mình ngay khi có một luồng điện chạy xuyên suốt cơ thể làm tôi bị sốc. Dừng lại như thể để lắng nghe những giọt mưa ngập ngừng đầu tiên, tôi đã có thể nghe tiếng khóc thút thít của một em bé, và ngực tôi cảm thấy thật nặng như đang chứa đầy sữa mẹ. Tôi nằm vật xuống giường, nơi cuốn album đã ở đấy, và nhìn xuống những trang đang mở.

Bên tay trái của cuốn album có một tấm hình Louisa đang ôm em bé Nevin trong trang phục làm lễ rửa tội, dải viền đăng ten dài sáng bóng và mềm mại quấn khắp hai cánh tay Louisa. Một vật trông giống như dây chuyền đeo cổ bị đầu em bé che mất một nửa với một hạt đá to treo lủng lẳng trên chiếc cổ thanh tú của bà. Nhưng không phải tấm hình đã khiến tôi như ngụp lặn trong ấy; mà chính là cảm giác tỏa ra từ tấm hình ấy – một cảm giác thật ấm áp và toàn vẹn và đầy tình mẫu tử khiến tôi muốn bao bọc lấy mình trong ấy, vùi mặt vào nó như vào chiếc đùi của mẹ. Tôi gần như cảm thấy bàn tay của mẹ đặt trên đầu mình ngay khi tôi gập khuỷu tay bên dưới cái đầu đầy tóc tơ ấy của em bé. Và rồi, lại cảm giác lành lạnh và rắn rỏi của một cây bút máy ấn vào những ngón tay bên tay phải của tôi, đây là một cảm giác là lạ vì tôi vốn thuận tay trái kể từ khi chào đời, và tôi nhìn cây bút cào nhẹ lên trang giấy.

Ngày 5 tháng 11, 1922

Hôm nay là ngày con trai Nevin của chúng tôi được làm lễ rửa tội tại nhà thờ Thánh Michael. Ngôi nhà thờ cổ đầy ắp hoa tươi và bạn bè thân hữu, khiến tôi lại nhớ đến ngày cưới của mình. Nhưng sự kiện này thậm chí còn quan trọng hơn: nó là đỉnh điểm tình yêu mà chúng tôi đã dành cho nhau trong hình hài của một đứa con được thương yêu vô vàn. Chúng tôi thật có phúc. Robert, người cha đầy tự hào, đã tặng cho tôi sợi dây chuyền đeo cổ bằng kim cương lộng lẫy nhất mà tôi từng thấy. Tôi đã rầy la anh ấy vì sự phung phí quá mức này, nhưng anh nói chẳng có gì thái quá cho một sự kiện trọng đại như thế. Viên kim cương ấy thật hoàn mỹ không tỳ vết, anh giải thích, cũng giống như tình yêu mà chúng tôi đã dành cho nhau và cho đứa con trai tuyệt đẹp của mình. Tôi đã đeo nó để chụp hình đăng báo và về sau tôi ước gì mình đã không làm như thế. Ngay sau khi tấm hình này xuất hiện trên báo, có kẻ nào đó đã đột nhập vào ngôi nhà. Robert phải cất sợi dây chuyền trong tủ két ở nhà băng, và tôi cũng không biết cho đến bao giờ mình mới dám đeo sợi dây chuyền ấy trở lại.

Trên trang đối diện không có hình, nhưng nằm giữa hai trang này là những lá thư được gấp lại cùng những tờ báo xé rời giờ đây đã cũ nát và ngả vàng theo năm tháng. Hay ít ra chúng phải là như thế, nhưng khi tôi mở chúng ra, tôi cảm thấy tờ giấy cứng mới và mềm mại dưới những ngón tay mình, còn mực viết thì tươi sáng và rõ nét. Những lá thư ấy là những lời chúc tụng đến đôi vợ chồng hạnh phúc từ bạn bè nhân dịp rửa tội cho đứa con đầu lòng mới sinh của họ. Những cái tên họ trong ấy nghe rất quen thuộc với tôi: Gibbes, Prioleau, Pinckney, Drayton. Có lẽ cũng những cái tên họ này đã có mặt trong danh sách khách mời cho lễ rửa tội của tôi trước đây.

Một khuôn giấy ghi chú nhỏ vẫn được chêm dưới gáy cuốn album, và tôi kéo nó ra. Mảnh giấy này được làm bằng giấy in danh thiếp màu ngà, loại văn phòng phẩm mà luật sư hay dùng, hoặc của một doanh nhân thiếu tưởng tượng bay bổng nào đó. Tôi mở khuôn giấy ra, để ý thấy có những nếp gấp giống như nó đã bị xếp lại thật nhỏ rồi nhét vào một cái lỗ bé xíu nào đấy để bỏ đi hoặc để giấu đi cho khuất mắt. Những chữ viết tắt in nổi bên trên cùng mảnh giấy được in bằng những chữ viết hoa thật đậm: JML. Joseph Longo?

Bên trong khuôn giấy ghi chú là một mảnh giấy báo đính kèm, đường viền của mảnh giấy báo xơ xác như thể nó được xé ra chứ không phải được cắt cẩn thận từ tờ báo. Mảnh giấy báo rơi ra khỏi tờ giấy ghi chú và nằm úp mặt trên cuốn album. Lật mảnh giấy báo lên bằng bàn tay dường như không phải là của mình, tôi thấy tấm hình chụp Louisa và Nevin, sợi dây chuyền sáng lên trong tấm hình được in lại trên mặt giấy báo đen trắng.

Tôi lật lại khuôn giấy ghi chú, tìm xem có chữ viết gì không, nhưng không thấy gì cả. Chỉ có gương mặt đã ngả vàng trên mảnh giấy báo khô giòn và cũng ngả vàng là đang nhìn chằm chằm vào tôi. Cuốn album trượt khỏi đùi tôi, và tôi bỗng thở dốc. Tôi đặt tờ giấy ghi chú và mảnh giấy báo trở lại vào trong cuốn album để cho Jack xem sau, rồi cẩn thận tránh không chạm vào bất cứ cuốn album nào khác khi bước về phòng tắm mới tân trang của mình để chuẩn bị thay quần áo cho cuộc hẹn hò tối nay.

***

Marc và tôi đến nhà hàng Anson. Chúng tôi ngồi ở phía trước nhà hàng trên phố Anson và nhìn ngắm những cỗ xe ngựa đang chạy lóc xóc bên ngoài. Tôi thưởng thức cả chai rượu vang, nhiều hơn ý định ban đầu của mình, cộng với món tôm, thịt cừu nướng, món yến mạch nổi tiếng của họ, và một ổ bánh chocolate tan chảy ngon lành đầy tội lỗi. Marc vẫn nhìn tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên thú vị khi tôi vừa ăn xong từng vụn bánh tráng miệng của mình, thậm chí khi tôi mời anh ăn thử món bánh thì anh phải từ chối vì đã quá no. Tôi thật mừng vì mình đã đến nhà hàng này đôi lần và biết trước mình muốn gọi món gì, bởi vì tôi không thể đọc thực đơn mà không có mắt kính và tôi không muốn mang kính trước mặt anh. Một điều tôi phải tự thú nhận với bản thân, đó là đôi mắt của tôi không còn được như xưa nữa, nhưng giờ đây ở tuổi ba mươi chín, tôi đành bám víu vào bất cứ điều phù du nào mà tôi vẫn còn sở hữu thôi.

Chúng tôi nói chuyện về những ngôi nhà mà tôi đã đưa anh đi xem, hoặc về những lý do tại sao những ngôi nhà ấy không hợp với mục đích đầu tư của anh, rồi nhanh chóng chuyển sang những đề tài khác. Cả hai chúng tôi đều tránh không nói đến gia đình của mình. Tò mò, xen lẫn với việc bạo dạn lên vì men rượu, tôi rướn người lên bàn. “Có bao giờ anh hoặc bất cứ thành viên gia đình nào cố tìm hiểu xem điều gì đã xảy đến với ông nội của anh không?”

Ðôi mắt anh vẫn không lóe lên một sự quan tâm cỏn con nào. “Cách đây nhiều năm, ba tôi có thuê một thám tử tư. Vẫn không tìm ra manh mối gì cả. Cho đến giờ thì xem như đường cùng rồi.”

“Vậy là ông ấy chẳng để lại bất cứ thư từ hay nhật ký nào hay sao?”

Marc nhấp một ngụm cô-nhắc một cách đầy suy tư. “Có lẽ là không. Ba tôi là người tiếp thu điền sản, và ông ấy chẳng kể gì cho tôi cả. Tôi nghĩ đó chỉ là một trong những điều bí mật vốn sẽ bị chôn vùi mãi mãi.” Anh mỉm cười và rướn người lên, chạm vào những ngón tay của tôi. “Ngoài ra, tôi là một người cấp tiến – tôi chỉ muốn hướng đến tương lai mà thôi. Thật lòng mà nói, dường như tôi không thể dành thời gian hoặc lòng kiên nhẫn cho quá khứ.”

Tôi nhìn vào đôi mắt nâu ấm áp của anh rồi nhấp thêm một ngụm rượu vang, cố làm ướt cổ họng bỗng nhiên khô đắng của mình. “Ðó là điều rất đáng khâm phục,” tôi nói và cảm nhận được đầu ngón tay của anh. “Nhưng chắc chắn là anh vẫn có cảm giác tò mò nào đấy chứ.”

“Có thể khi tôi còn là đứa trẻ. Nhưng giờ đây tôi đã là người trưởng thành và tự lập, thì những việc đã xảy ra dường như ngày càng ít có giá trị quan trọng cho cuộc sống của tôi hơn.”

Sự viện dẫn của anh hoàn toàn chẳng có gì sai, và tôi có lẽ đã phải thú nhận rằng đâu đó trong cuộc sống của mình, tôi cũng sẽ suy nghĩ như thế. Nhưng nếu tôi đồng ý với anh, thì việc ấy lại giống như tôi đã phản bội ông Vanderhorst, thế nên tôi chẳng nói gì.

Tuy nhiên, chẳng biết có phải vì thức ăn, rượu vang, không gian, hay là người đi cùng, mà đã từ lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình rất thoải mái và chỉ đơn giản là hưởng thụ mà thôi. Bản chất con người tôi thật khó mà thả lỏng ra được, nhưng sự bầu bạn của Marc đã mang đến một cuộc nói chuyện êm ả, dễ chịu, và những khoảng lặng giữa chừng của cuộc nói chuyện thường là những sự phản ánh yên tĩnh hơn là một sự im lặng đầy gắng gượng.

Tâm trí tôi bỗng lang bạt trôi về buổi chiều nay, khi tôi đang đứng ở phố Legare, nhìn ngắm ngôi nhà của bà ngoại, và nhớ lại tấm hình của Jack mà Amelia đã cho tôi xem. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể đặt tên cho cảm xúc của mình khi xem tấm hình ấy. Nghĩ đến điều này khiến tôi lại hớp thêm một ngụm vang và ngồi lọt thỏm sâu hơn vào ghế. Ðó không phải sự hờn ghen – làm sao tôi có thể đi ghen với một người đã chết kia chứ? Thật ra cảm giác ấy giống như sự tỉnh ngộ hơn – một hơi thở đầy hy vọng vốn bị dồn nén bỗng dưng trượt ra khỏi miệng mà tôi không hề biết.

Có lẽ vì cảm giác bất chợt này, hoặc cũng do những vì sao sáng trên bầu trời đêm trong lành của Chaleston khiến tôi muốn Marc cứ để xe lại trong bãi đậu và đưa tôi đi dạo phố trong một buổi tối đầu thu thế này. Marc làm tôi ngạc nhiên khi anh khoác chiếc áo vest của anh lên vai tôi và nắm lấy tay tôi. Tôi ngẩng mặt lên mỉm cười với anh, thả mình vào sự ấm áp và mùi đàn ông thoảng trong trang phục của anh.

Chúng tôi dừng lại bên ngoài cổng nghĩa trang Thánh Philip, nhìn chăm chăm vào bóng đêm đen ngòm nơi có những đài tưởng niệm sơn trắng nổi bật trong đêm. Marc kề mặt rất gần tôi khi chúng tôi nhòm qua cánh cổng, và tôi ngửi thấy mùi nước hoa cologne của anh khi anh nói sát bên tai tôi. “Có rất nhiều người nổi tiếng được chôn cất nơi đây lắm đấy. John C. Calhoun. Edward Rutledge – là người ký Bản Tuyên ngôn Ðộc lập. DuBose Heyward.” Rồi anh nhíu mắt lại đầy suy tư. “Tôi luôn cảm thấy lạ rằng những con người đã từng cống hiến quá nhiều cho thế giới thì cuối cùng cũng chỉ kết thúc cuộc sống giống hệt những con người bình thường như chúng ta. Cát bụi lại trở về cát bụi.” Anh mỉm cười và dịu giọng lại. “Tôi luôn luôn muốn hỏi họ xem có phải trên thiên đàng cũng có hệ thống giai cấp, nơi mà những nhà kiến trúc sư và những nhà thơ, nhà phát minh vĩ đại cùng tất cả những ai đã từng cống hiến thật nhiều cho thế giới có lẽ sẽ được đặt ở một nơi đặc biệt nào đó, cao hơn tất cả những người còn lại như chúng ta đây hay không.”

Tôi cố nhìn vào mắt anh để hiểu rõ anh hơn, nhưng chúng bị giấu đi trong bóng tối. “Tôi nghĩ họ sẽ nói với chúng ta rằng Thượng đế yêu tất cả chúng ta đồng đều như nhau. Và rằng anh nên cảm thấy may mắn vì đã đến được thiên đàng rồi còn gì.”

Anh mỉm cười và đặt bàn tay lên lưng tôi nơi thắt eo và tôi thích điều ấy. “Em nói chuyện giống như mẹ tôi ấy. Luôn luôn nhắc nhở tôi và các anh em trai rằng sự thành công trần tục của bọn tôi không phải là điều quan trọng nhất. Nhưng mà tôi nghĩ người mẹ nào cũng đều nói như thế cả.”

“Tôi chẳng biết đâu,” tôi lặng lẽ nói. Chúng tôi bắt đầu bước về hướng phố Meeting và phố Nhà thờ Circular, dừng lại bên ngoài sân nhà thờ. Tôi thấy một phụ nữ trong trang phục váy dài màu trắng đang lượn lờ giữa những bia mộ sáng lờ mờ. Bà ấy dừng lại khi thấy tôi, nhưng tôi vội nhìn ra nơi khác, hy vọng bà ta sẽ để cho tôi yên. Nghĩa địa thường là nơi tôi muốn tránh né, nhưng nếu tôi thật sự tập trung vào điều gì khác thì tôi sẽ có thể phớt lờ những hoạt động mà dường như cứ luôn nổi lên khi tôi đang thức, giống như nước bắn lên từ đằng sau chiếc tàu đang lướt nhanh.

Marc móc bàn tay lên cánh cổng và đối diện với tôi. “Em có biết đây là nghĩa trang xưa nhất thành phố không? Nó được thiết kế theo phong cách La Mã Phục Hưng, cứ nhìn vào hình dáng của những ô cửa sổ với những đường cong bên trên thì biết. Ðây là kiến trúc mà tôi thích nhất bởi vì nó thật khác biệt so với bất cứ tòa nhà nào khác trong thành phố.”

Tôi bật cười trước tràng diễn thuyết về lịch sử đầy tỉ mỉ ấy của anh. “Ðể em đoán xem nào. Anh đã từng làm hướng dẫn viên du lịch khi còn trẻ, đúng không?”

Anh cười ngoác miệng, hàm răng anh thật trắng trên gương mặt giấu trong bóng tối. “Không đâu. Chỉ đơn giản là tôi rất yêu Charleston. Bất cứ ai nếu chỉ nhìn tôi như là một người kinh doanh bất động sản chắc chắn sẽ không đồng ý về điều ấy, nhưng tôi nghĩ mình không thể làm những gì mình đang làm mà không yêu mến thành phố này vì bản chất của nó.”

Tôi dừng lại, rồi quay sang nhìn anh. “Chẳng hạn vì cái gì?”

Anh im lặng một hồi. “Một thành phố cổ xinh đẹp đầy rẫy lịch sử huy hoàng cùng những tòa nhà rất có phong cách và có tầm quan trọng về kiến trúc – nhưng những cư dân của nó thì đôi khi lại mù quáng không nhìn ra những ý tưởng cho sự tiến bộ.” Anh hít một hơi thật sâu, rồi nắm tay tôi khi chúng tôi tiếp tục đi xuống phố Meeting ngang qua Viện Bảo tàng Nghệ thuật Gibbes, được xây dựng theo phong cách Châu Âu những năm đầu thế kỷ mười sáu. “Mặc dù tôi rất tôn trọng ước muốn của những người làm công tác bảo tồn là bảo vệ di sản cho chúng ta, nhưng tôi không thể không mất kiên nhẫn khi thấy họ cứ say mê cứu vớt từng mảnh vụn đổ nát mà chẳng màng đến hiện trạng của chúng, hoặc đến giá trị của chúng, miễn chúng xưa cũ là được.”

Tôi gật đầu, hoàn toàn hòa hợp với những gì anh vừa nói. Nhưng tôi lại nghĩ đến ngôi nhà của mẹ tôi cùng với những câu chuyện lịch sử mà nó giữ lại sau những bức tường ấy, và cả ngôi nhà của tôi trên phố Tradd. Nhà của tôi? Mặc dù giữa tôi và nó đã có mối quan hệ khá gai góc, nhưng chỉ nghĩ đến việc nó bị san bằng để xây nhà căn hộ hoặc làm bãi đậu xe đã khiến món bánh chocolate trong bụng tôi bắt đầu sôi lợn cợn. Và cũng không chỉ vì tôi đã đổ mồ hôi khá nhiều cho nó, mà còn vì mảnh khăn thêu chữ thập tìm thấy sau lò sưởi và cả biểu đồ tăng trưởng vẽ trên tường phòng khách nữa. Tôi nhớ đến Nevin Vanderhorst và niềm tin của ông ấy rằng ngôi nhà này như thể đứa con mà ông không bao giờ có, và lần đầu tiên tôi nghĩ rằng có lẽ ông già này đã nói thật. Không phải vì tôi thật sự muốn gần gũi và thân tình với những đứa trẻ hay với một ngôi nhà cổ, nhưng tình cảm ấy thật sự đã khiến không gian quanh tim tôi thắt chặt hơn một chút.

Chúng tôi rẽ sang phố Archdale, và tôi để ý thấy giờ đây tôi và anh đang dung dăng dung dẻ như những đứa trẻ mới lớn. Chúng tôi dừng lại ở góc phố Archdale và Market, rồi Marc đặt hai tay lên vai tôi và xoay người tôi sang hướng đông, hướng về tòa thị chính Market Hall cho tôi nhìn một quang cảnh mà tôi chưa bao giờ dừng lại đủ lâu để ngắm và nhận ra nó đẹp đến nhường nào. Những ánh đèn của Thành phố Linh thiêng tỏa ra từ những trụ đèn đường cổ và những ô cửa sổ từ những tòa nhà, rọi sáng cho những tháp chuông nhà thờ và mặt tiền những công thự cổ trông lung linh huyền ảo như những vầng hào quang.

“Ðẹp quá phải không?” Marc hỏi tôi, giọng nói trầm trầm của anh vờn bên tai tôi.

Tôi gật đầu, quá mê hoặc vì cảnh tượng tuyệt đẹp ấy đến độ không nói nên lời.

“Khi tòa nhà Saks Fifth Avenue được xây dựng, chúng được xây lấn ra ngoài đường để làm thành bức tường chắn bao bọc khung cảnh của phố Market. Ngày nay những người làm công tác bảo tồn phố cổ gọi đó là một gương điển hình của thiết kế đô thị, nhưng trong thời gian nó được xây dựng thì người ta đã không cho nó những cái tên mỹ miều đến thế.” Anh hít một hơi thật mạnh và hơi ấm của hơi thở ấy vờn trên cổ tôi, khiến tôi rùng mình.

Tôi quay lại nhìn anh. “Thế thì tại sao anh lại muốn sở hữu một ngôi nhà cổ chứ? Anh là một nhà đầu tư bất động sản, sống trong một thành phố vốn chỉ biết đến những món đồ cổ của nó chứ chẳng màng gì đến những món hiện đại. Ðiều này chẳng hợp lý chút nào.”

Ban đầu anh chẳng nói gì cả, và tôi nghĩ có lẽ vì anh không chắc phải trả lời như thế nào. Hoặc có lẽ chỉ đơn giản vì anh không muốn giải thích với tôi. “Có lẽ khi một người bắt đầu già đi thì anh ta lại có nhu cầu được quay về với nguồn cội, với gia đình của mình. Với tổ tiên của mình. Có lẽ đó là lời kêu gọi của thành phố này mà cả tôi và em đều đã quên mất.”

Tôi vừa mở miệng ra định nói lời đồng ý, nhưng rồi lại im bặt. Bởi vì, đó sẽ là lời nói dối. Tôi sinh ra là đã biết điều ấy. Chỉ đơn giản là vì những vết thương lòng thời niên thiếu đã trở thành vĩnh cữu và dù chúng ta đã trở thành những con người khác nhưng vẫn không thể quên những vết thương này được. Nghĩ như thế, tôi chỉ nói gọn, “Có lẽ là thế.”

Không rõ có phải vì rượu vang hay vì cảnh đêm bồng bềnh, hoặc cũng có lẽ vì hơi ấm của anh khiến tôi loạng choạng ngã chúi về phía trước, anh khum gương mặt tôi trong lòng bàn tay mình, đôi mắt anh thật khó hiểu. Huyết quản của tôi bắt đầu sôi nhanh hơn một tí, và tôi nhắm mắt lại, ngạc nhiên vì lại thấy gương mặt của Jack trong tâm trí mình thay vì là Marc. Bối rối, tôi mở bừng mắt ra, và thấy rằng Marc vẫn không dịch chuyển đến gần hơn chút nào.

“Em là người phụ nữ thật đặc biệt, Melanie ạ. Em thông minh, thành đạt, và vui tính.” Gò má anh hơi co giật. “Và sức ăn của em giống như của một người phu khuân vác ở bến tàu trong khi thân hình em lại giống một thần nữ.” Anh ngừng nói, giọng của anh lại nghiêm túc. “Em chỉ xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất.”

Thế thì tại sao anh lại không hôn tôi cho rồi? Tôi lại lảo đảo gần sát vào người anh hơn.

Tôi nghe tiếng anh thở dài, một chút gì của cả nhượng bộ lẫn khao khát, và rồi môi anh đã đặt lên môi tôi. Hương vị của rượu vang từ môi anh cùng với hơi đêm chung quanh khiến tôi cảm thấy thật ấm áp và thoải mái trong vòng tay anh. Tôi không muốn dừng lại để nghĩ rằng cảm giác ấy nghiêng nhiều về sự thoải mái hơn là đam mê, chỉ đơn giản là một cảm giác khiến tôi thật thích và đã lâu lắm rồi tôi không được ôm trong vòng tay người khác như thế này.

Khi anh buông ra, tôi mỉm cười. “À, thế thì việc này đã chứng minh được điều ấy rồi.”

“Chứng minh cái gì?”

“Rằng anh không phải người đồng tính.”

Anh ho nhẹ. “Cái gì?”

Tôi nhún vai. “Chỉ là vì chúng ta đi chơi cùng nhau đã nhiều lần, và em nghĩ rằng anh thích được ở bên em cũng nhiều như em đã thích vậy. Nhưng anh lại chẳng bao giờ cố hôn em lấy một lần.”

Mặt anh có vẻ nghiêm trọng, đến gần như hơi ảm đạm. “Tôi không phải loại đàn ông chỉ thích đùa cợt với phụ nữ hoặc pha trộn công việc với tình cảm riêng tư. Còn em là, à, một ngoại lệ thật bất ngờ.”

Trước khi tôi kịp trả lời, anh đã kéo tôi vào lòng anh rồi hôn tôi thật sâu và thật dài khiến tôi gần như vừa thấy bình minh bắt đầu ló dạng sau những tháp chuông nhà thờ. Tôi cố hé mắt một chút để không phải cứ nhìn thấy gương mặt của Jack trong tâm trí mình.

Khi Marc buông tôi ra, anh nói, “Có lẽ bây giờ tôi nên đưa em về nhà thôi.”

Những ngón tay và ngón chân tôi vẫn còn tê dại từ nụ hôn của anh, và tôi tự dưng cảm thấy đau nhói vì thất vọng. Tự nhiên tôi nhớ lại những lời Amelia đã nói khi bà cho tôi xem tấm hình chụp Jack và Emily. Emily chính là nửa còn lại của linh hồn nó. Việc con ấy bỏ đi đã làm gãy đổ cái gì đó trong lòng Jack. Cô cũng không rõ nếu nó có thể nào trải lòng mình ra được lần nữa.

Tôi lắc đầu. “Ðừng.”

Anh nhướn mày lên ra vẻ thắc mắc, và tôi không ngần ngại trả lời ngay.

“Em sống chung nhà với một người,” tôi nói, sợ rằng mình sẽ phá vỡ lời nguyền nếu gọi tên Jack ra. “Em nghĩ rằng anh không có ai khác ở cùng nhà.”

Marc lưỡng lự một chút rồi chìa tay ra cho tôi. “Thế thì ta đi thôi. Trời bắt đầu trở lạnh rồi.”

Tôi cũng lưỡng lự trong một khoảnh khắc rồi cầm lấy tay anh. Chúng tôi bước nhanh về xe, anh vòng tay quanh vai tôi và mặt tôi ép vào người anh, mắt tôi nhắm chặt lại cố không nhớ lại tấm hình mà Amelia đã cho tôi xem, trong đó có đôi mắt xanh sáng ngời của Jack.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN