Người Đàn Bà Hoang Dã - Chương 1: Chiến tranh
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
152


Người Đàn Bà Hoang Dã


Chương 1: Chiến tranh


Về tới tiền sảnh nhà
mình, Tommy Beresford cởi chiếc áo ấm khoác ngoài ra. Anh dành một ít
thời gian để treo chiếc áo lên với một hứng cảm chăm chút. Mọi động tác
của anh tỏ ra cẩn thận. Chiếc mũ được anh treo lên cái mắc áo đặt bên
cạnh.

Tommy ưỡn ngực làm bộ làm tịch, phô một nụ cười chinh phục
và bước vào phòng khách. Ở đây, Tuppence Beresford – vợ anh – đang hối
hả đan một chiếc mũ trùm đầu chỉ để hở đôi mắt bằng một hàng len.

Lúc này đang là mùa xuân năm 1940.

Beresford nhìn lướt qua chồng một tí rồi lại vùi đầu vào tác phẩm của mình với nhịp điệu rất hăng hái.

– Có tin gì mới trong các báo buổi chiều không anh? – Chị không dừng tay đan hỏi.

– Can đảm lên, Đòn Sấm Sét, tự xác định rõ cả rồi! – Tommy trả lời, giọng không lấy gì làm phấn khởi – Tình hình ở nước Pháp vẫn không có gì là
sáng sủa cả.

– Cứ thế này thì chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ suy sụp mất thôi. – Tuppence đồng ý.

Cả hai người đều im lặng cho đến khi Tommy quyết định nói trước:

– Thế nào, em không đặt các câu hỏi cho anh à? Thật là vô ích khi phô ra từng ấy sự tế nhị, em biết không!

– Em biết – Tuppence thừa nhận – Có những người cố tỏ ra tế nhị khiến cho người khác phát bực. Nhưng nếu em đặt các câu hỏi cho anh thì điều đó
có nghĩa là đang làm cho anh phát bực đấy thôi. Và, dù thế nào đi nữa
thì em cũng chẳng cần phải dò hỏi anh làm gì. Anh đang mang câu trả lời
trên người anh mà.

– Anh chẳng bao giờ tin rằng mình lại có bộ dạng lố lăng giống như Guillaume.

– Không phải thế, anh thân yêu. Nhưng tối nay anh lại mang một nụ cười
kiểu “chúng tôi sẽ chiến thắng”, “chúng tôi là những người mạnh nhất”
trong khi có lẽ chính các anh mới là những người đáng thương nhất. Em
chưa bao giờ thấy anh như vậy đấy.

– Bi thảm đến thế kia à? – Tommy nghiến răng kèn kẹt.

– Hơn thế nữa, anh còn chưa thể tưởng tượng được đâu! Thôi nào, mau nói
cho em nghe hết mọi chuyện đi. Vẫn chẳng có việc gì để làm phải không?

– Chẳng có việc gì hết. Họ chẳng cần gì ở anh cả. Anh cam đoan với em,
Tuppence, chắc chắn đấy, mọi người đều cảm thấy một người đàn ông đã ở
tuổi bốn mươi sáu thì chẳng có giá trị gì hơn một ông già bị bệnh lẩm
cẩm hành hạ sớm. Quân đội, thủy quân, lực lượng không quân Hoàng gia,
ban đối ngoại… họ chỉ có mỗi một điệp khúc: “Anh già quá mất rồi. Có
thể họ sẽ cần đến sự phục vụ của anh nhưng phải để sau này mới biết
được!”

– Đối với em thì cũng thế cả thôi – Tuppence an ủi chồng – Họ không muốn ghi tên cho một phụ nữ ở tuổi em được nhập ngũ làm một nữ y tá – “Không được, xin cảm ơn nhiều, thưa bà”. Cho dù là một người
khác thì cũng thế cả thôi. Họ thích những cô gái lẳng lơ có món tóc
xoăn, chưa bao giờ nhìn thấy một vết thương nào kể cả một miếng gạc đã
được hấp khử trùng hơn là em, người đã từng làm việc suốt ba năm từ năm
1915 đến năm 1918 dưới nhiều vị trí khác nhau: là một cô y tá trong
phòng phẫu thuật rồi đến phòng tác chiến, là một nữ lái xe tải trọng lớn và thậm chí là lái xe cho một vị tướng nữa! Sự thật là như vậy, em
không nói quá lời lắm đâu nhé. Thành công hay không thì cũng thế cả mà.
Bây giờ trong con mắt của họ, em tồn tại không hơn gì một người đàn bà
hay quấy rầy giữa hai lứa tuổi, không biết làm gì ngoài việc ngồi ở nhà
mà đan lát, không thể trở thành những chiến sĩ dũng cảm như hầu hết mọi
người!

– Một thứ chiến tranh rác rưởi! – Tommy buông lời cáu gắt.

Tuppence quát lên:

– Ấy thế mà họ cấm chúng ta không được gánh vác bổn phận của mình thì thật là quá lắm!

Tommy thử tìm cách an ủi vợ:

– Ít nhất, Deborah cũng đã có được một công việc…

Người mẹ của Deborah không có ý định tự an ủi:

– Em rất mừng cho nó đấy. Và tin chắc nó đã hoàn toàn xoay sở được rồi.
Nhưng anh biết không, Tommy, em vẫn nghĩ còn có thể làm cho con gái phấn khởi hơn.

– Thế thì anh lấy làm ngạc nhiên khi nó sẽ như ý của em. – Tommy cười.

– Đôi khi những đứa con gái tỏ ra khá khó chịu – Tuppence thở dài – Nhất
là khi chúng làm duyên một cách vụng về để tỏ vẻ thông cảm.

– Đôi khi anh thấy khá khó khăn khi phải chịu đựng những cái nhìn khoan dung
độ lượng của thằng nhãi Derek. Cái câu “ôi, cha già đáng thương”, mọi
người đều có thể đọc được trong mắt nó…

– Tóm lại – Tuppence
kết luận – Lời nói ám chỉ về hai đứa trẻ sinh đôi của chúng ta luôn dẫn
tới những giọt nước mắt mủi lòng. Con cái chúng ta đều là những thiên
thần, nhưng chúng đang đem đến cho chúng ta một cuộc sống không thể chịu đựng nổi.

– Thật khó chấp nhận thực tế là chúng ta không còn trẻ trung gì, chẳng làm được trò trống gì. – Tommy nhượng bộ.

Tuppence làu bàu tức giận, chị ngẩng cái đầu có mớ tóc sẫm lên rồi ném cuộn len đang được sưởi ấm trong lòng xuống đất:

– Chúng ta không làm được trò trống gì ư? Anh tin như thế ư? Hay đấy là
điều mà người ta không ngừng nhắc cho chúng ta biết? Em thề với anh đấy, đôi khi em tự nhủ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ là những người xấu một khi chẳng làm được việc gì cả.

– Có lẽ đấy là những gì mà họ nghĩ.

– Có thể lắm chứ! – Tuppence cười phá lên – Nhưng đâu có phải lúc nào
chúng ta cũng là đồ bỏ đi. Ngay lúc này đây, chúng ta cũng không phải là những kẻ ru rú ngồi xó nhà. Thế đó là cái gì, một sự thật ư, anh Tommy? Phải chăng đấy không phải là sự thật, rằng anh đã có một ngày đẹp trời
bị tàn lụi và bị những tên gián điệp Đức cướp đi mất? Phải chăng đấy
không phải là sự thật, rằng chúng ta đã bị bao vậy và bị tóm cổ? Phải
chăng đấy không phải là sự thật, rằng chúng ta đã cứu vớt một cô bé, và
đã thu hồi lại được những tài liệu bí mật quan trọng mà chúng ta hoàn
toàn có quyền biết về toàn bộ đất nước? Chúng ta! Anh và em! Ông bà
Beresford, hôm nay đã bị họ vất bỏ!…

– Thôi cho qua đi, em thân yêu. Chuyện đó đâu có cổ vũ được điều gì.

– Đằng nào chẳng thế – Tuppence nhắc lại trong khi dòng nước mắt cứ trào
ra – ông bạn Carter của chúng ta đã hoàn toàn thất vọng.

– Ông ấy đã viết cho chúng ta một bức thư rất cảm động.

– Nhưng ông ta đã chẳng làm được gì hết, thậm chí còn chẳng cho chúng ta một chút hy vọng gì dù là nhỏ nhất.

– Lúc này ông ta đang ở ngoài cuộc, giống chúng ta vậy. Ông ta già rồi, đang sống những ngày cuối đời ở Ecosse và đi câu cá.

– Dù sao thì ở cơ quan phản gián, người ta vẫn có thể tìm được cho chúng ta một việc gì đấy – Tuppence chua chát nhấn mạnh.

– Điều đó có lẽ không khả thi đâu – Tommy trả lời – Có lẽ là vì chúng ta không đủ gan.

– Em cũng tự hỏi mình như thế đấy – Tuppence buông tiếng thở dài – Dẫu
sao em không có ấn tượng là họ đã thay đổi. Thật là kinh khủng vì chúng
ta đã mất bao nhiêu thời gian chờ đợi sốt ruột như vậy.

Cái nhìn
của chị dừng lại một lúc trên bức ảnh một người đàn ông trẻ mặc bộ đồng
phục không quân Hoàng gia có nụ cười rất giống với nụ cười của Tommy.

– Đối với một người đàn ông thì đây quả là một điều tệ hại – Tommy nói –
Trong khi sau tất cả những chuyện như vậy, một người đàn bà vẫn có thể
ngồi đan len, hoặc đóng các kiện hàng cho binh lính, hoặc giúp một tay
trong quán căng tin của Hội Hông Thập tự…

– Sẽ rất tuyệt vời
nếu em được trở lại hai mươi năm trước. Nhưng em cũng chưa đến nỗi già
lắm để mà tự bằng lòng với mình. Vấn đề là em không còn quá trẻ nhưng
cũng không đến nỗi quá già.

Có tiếng chuông reo ngoài cửa. Tuppence đứng dậy.

Khi mở cửa, chị thấy trước mặt mình là một người đàn ông vai rộng, khuôn
mặt có duyên, nước da tươi sáng và được trang điểm bởi một bộ ria mép
màu hung.

Trong tích tắc, người mới đến nhìn từ đầu tới chân chị một cách dò xét rồi cất giọng ấm áp và trầm hỏi:

– Bà là Bererford?

– Thưa vâng, chính là tôi.

– Tên tôi là Grant. Tôi là bạn của huân tước Leahampton. Và chính ngài
huân tước đã gợi ý tôi đến đây để tìm hai người, chồng bà và bà.

– Một ý nghĩ thật là hay! Xin mời ông vào đi!

Chị đi trước dẫn người đàn ông bước vào phòng khách:

– Anh Tommy, chúng ta có khách quý đến này, ông…

– Ông Grant, bạn của ông Carter – huân tước Leahampton.

Carter là biệt danh của cựu thủ trưởng cơ quan phản gián Anh. Mọi người quen
với cách gọi này hơn với cách gọi danh hiệu quý tộc của ông ta.

Câu chuyện diễn ra trôi chảy trong vài phút. Grant tỏ ra là một người dễ chịu và vui vẻ hồn nhiên.

Ngay sau đó, Tuppence rời khỏi căn phòng rồi quay lại với một chai vang Xeres và những chiếc cốc.

Một lúc sau, Grant lên tiếng hỏi Tommy:

– Tôi nghe nói anh đang tìm một việc làm, Bererford?

Ánh mắt của Tommy sáng hẳn lên:

– Đúng vậy, ông muốn nói là…

Grant cười và lúc lắc đầu:

– Không phải đâu, anh không tưởng tượng được đâu. Những nhiệm vụ khó khăn phải để dành cho những người trẻ hơn và năng động hơn anh. Hoặc những
người nào đã từng gánh vác công việc đó trong nhiều năm rồi. Không, tôi
rất sợ những gì tôi sắp đề xuất với anh sẽ làm anh thất vọng. Về một
công việc bàn giấy. Những giấy tờ phải bổ sung. Những hồ sơ phải bổ sung thêm. Tôi đang nói tới một sự lộn xộn của các thứ giấy tờ.

Bộ mặt của Tommy bỗng trở nên rầu rĩ:

– Ồ, tôi biết mà…

– Như thế còn tốt hơn là không có việc gì để làm – Grant động viên Tommy – Hãy cố gắng sắp xếp đến gặp tôi vào một trong những ngày này. Khu tập
trung của những người dân thường. Văn phòng 22. Anh sẽ gặp không ít kẻ
ăn không ngồi rồi ở đó.

Tiếng chuông điện thoại réo vang. Tuppence nhấc ống nghe:

– A lô… Vâng… cái gì?

Đầu dây đằng kia vang lên giọng nói sôi nổi nghe rất chói tai. Tuppence tái mặt lại:

– Chuyện ấy xảy ra khi nào?… Tôi sẽ tới ngay bây giờ, bạn thân yêu.

Chị móc chiếc ống nghe rồi nói:

– Đấy là Mauréen.

– Tôi thấy bối rối quá, ông Grant ạ – Tuppence hổn hển giải thích – Nhưng bây giờ tôi phải đến trông nom bạn gái của tôi. Cô ấy ngã và bị bong
gân mắt cá chân. Cô ấy sống một mình cùng với cô con gái còn rất ít
tuổi. Chắc chắn là tôi phải lập tức đến nhà cô ấy xem có thể giúp đỡ
được gì không. Hãy bỏ qua cho tôi, xin ông thứ lỗi cho!

– Tự nhiên thôi mà, chị Beresford. Tôi hiểu lắm chứ.

Tuppence nở một nụ cười rất tươi dành cho Grant, và với lấy chiếc áo khoác ngoài vắt trên ghế sốfa, khoác vào người rồi quay gót đi ra. Mọi người nghe
thấy tiếng đóng cửa lách cách.

Một lần nữa Tommy lại đổ đầy rượu vang vào cốc của người khách.

– Xin cảm ơn anh. – Người khách giơ tay nhận lấy cốc rượu.

Ông khách im lặng uống từng ngụm nhỏ. Sau đó lỡ lời nói một câu:

– Sự ra đi bất ngờ vừa rồi của người vợ yêu dấu của anh quả là một sự
tình cờ may mắn. Chị ấy lấy của chúng ta khá nhiều thời gian.

– Tôi không hiểu ông định nói gì?

– Beresford, anh sẽ hiểu ngay thôi. Tôi có một đề xuất khá hay dành cho anh.

Khuôn mặt lốm đốm những nốt màu hoe của Tommy sáng hẳn lên:

– Ông muốn nói rằng…

– Đúng vậy. Chính huân tước Leahampton đã gợi ý đến tên của anh. Ông ta
đã khẳng định với chúng tôi rằng anh đúng là người luôn thích hợp với
mọi hoàn cảnh.

Tomrriy hít một hơi thở sâu:

– Ông nói cho tôi biết chuyện gì đi!

– Đây là một chuyện cực kỳ bí mật, rồi anh sẽ biết.

Tommy gật đầu đồng ý.

– Ngay cả vợ anh cũng không được biết gì hết. Anh hiểu rõ ý tôi chứ?

– Rất hiểu.

– Tôi sẽ chính thức nói cho anh biết ngay bây giờ người ta sẽ giao cho
anh một công việc, ở ngay trong lòng của một tỉnh nằm ở Ecosse – một khu vực cấm mà ngay ca vợ anh cũng không được quyền đi cùng với anh đến đó. Nhưng, nói cho cùng thì chúng tôi vẫn phải cử anh đến một nơi rất xa
lạ.

Tommy vẻ hài lòng chờ nghe Grant nói tiếp.

– Tôi nghĩ
là – Grant tiếp tục – anh đã từng đọc những bài viết trong các báo cáo
hàng ngày có nhắc đến một phiên hiệu gọi là ĐỘI QUÂN THỨ NĂM [1]. Anh có biết những chứ in hoa đó nói lên một ý nghĩa gì không?

– Có chứ, đấy là một tổ chức kẻ thù ở trong nước. – Tommy thì thầm.

– Đất nước chúng ta đang bị ném vào một cuộc chiến tranh với tinh thần
lạc quan ngây ngô. Chắc chắn tôi không nói với những người chẳng có chút ảo tưởng gì trước những vấn đế chúng ta đang phải đương đầu: sự công
hiệu của kẻ thù, sức mạnh của không quân, sự quyết tâm điên cuồng và sự
phối hợp hoàn chỉnh của một cỗ máy chiến tranh rất hiện đại. Tôi muốn
nói đến dân chúng nói chung. Về tất cả các nhà dân chủ ngây ngô tốt bụng chẳng nhìn xa thấy rộng quá cái đầu mũi của họ và về tất cả những ai đã luôn tin tưởng rằng: nước Đức sẽ sụp đổ, đang sống trong đêm trước của
cuộc cách mạng. Và những cỗ xe tăng chở người Đức chỉ là những thứ vỏ
hộp còn lính Đức chỉ là những kẻ yếu đuối sẽ biến khỏi mặt đất này ngay
sau khi người ta hạ lệnh cho chúng tiến lên.

– Thế đấy! À mà này, chuyện như thế lại không đi theo con đường của nó. Chiến tranh đã bắt
đầu diễn biến không thuận lợi. Tình hình chuyển từ khó khăn đến tồi tệ.
Ờ! Mà tôi cũng chưa nói gì về những người đang phục vụ trên các chiến
hạm của chúng ta, những người đang điều khiển những chiếc máy bay của
chúng ta, những người đang thức trong các lô cốt của chúng ta. Nhưng ở
đây người ta đã đem con bỏ chợ và chứng cớ rành rành là họ không có sự
chuẩn bị. Có thể đây cũng là một sự đối chiếu không tránh khỏi của những mặt tốt của chúng ta. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã không lường
trước khả năng mình có thể phải giao chiến trong một cuộc chiến tranh
khác và chúng ta cũng không biết chuẩn bị những gì cho mình. Cũng may mà những điều tồi tệ ấy đã qua. Chúng ta đã chấn chỉnh những thiếu sót
rồi, dần dần chúng ta cũng đã cài được người của mình vào đúng chỗ cần
thiết. Chúng ta bắt đầu tiến hành chiến tranh theo đúng như nó phải thế. Và chúng ta có thể chinh phục được cuộc chiến tranh này, chẳng có gì
đáng phải nghi ngờ về điều này, chỉ cần một điều kiện là không được để
tổn thất quá lớn khi mới bắt đầu cuộc chiến. Còn chuyện này nữa, nguy
hiểm không phải từ bên ngoài tới mà từ bên trong ra. Không phải là những vụ đánh bom của Đức có thể hạ gục được chúng ta. Mà chúng ta cần phải
sợ một thứ, nó chính là con ngựa thành Tơ-roa nằm ngay trong lòng những
sự phòng thủ của chúng ta – tức ĐỘI QUÂN THỨ NĂM đấy. Đội quân này đóng ở đâu đó, ngay giữa những người của chúng ta. Chúng tập hợp những nam
giới và phụ nữ – một số đã ở trên đỉnh của bậc thang xã hội. Những tên
khác được tuyển mộ trong những lớp người thấp hèn và vô nghề nghiệp.
Nhưng trong thâm tâm, tất cả bọn chúng đều tin vào hệ tư tưởng Quốc xã,
lấy những mục đích của Quốc xã làm kẻ đỡ đầu và bọn chúng đều muốn thay
thế cái thể chế dân chủ của chúng ta bằng những sự tự do tầm thường.

Grant cúi xuống như để tìm kiếm một sự tin tưởng… Rồi cũng bằng giọng nói ấm áp không biểu lộ chút xúc cảm, ông nói thêm:

– Vấn đề đáng quan tâm lúc này của chúng ta là phải tìm cho ra bọn chúng là ai…

– Nhưng dù thế nào, dù sao… – Tommy xen vào.

– Ồ! – Grant sốt ruột đáp lại – Chúng ta có thể tóm được những tên nhãi
nhép bằng những chiếc lưới của chúng ta. Có gì là khó khăn đâu. Nhưng có những tên khác mà chúng ta đã định vị được bọn chúng. Ít nhất cũng có
hai tên đang giữ những chức vụ cao trong Bộ Tư lệnh. Hình như có một tên được sử dụng ở Bộ Tham mưu của tướng Gort. Có ba hay bốn tên thuộc quân số của Bộ Chỉ huy cao cấp của không lực Hoàng gia. Và hai tên, có thể
là nhiều hơn nữa, phục vụ trong sở của chúng ta, ngay cạnh chúng ta, và
bọn chúng đều được tiếp xúc với những tài liệu mật của chúng ta. Chúng
ta biết được tin này vì nó đã được khẳng định. Chúng ta có bằng chứng là kẻ thù đã tranh thủ được những tin tức rò rỉ từ những cấp trên cao
nhất.

Sự lúng túng lộ rõ trên nét mặt của Tommy:

– Nhưng tôi thì có thể làm được gì có ích cho ông đây? Tôi không biết một kẻ nào trong những tên này.

Grant ngẩng đầu lên:

– Đúng vậy. Anh không biết bất kỳ kẻ nào trong số này, nhưng bọn chúng cũng có biết gì về anh đâu.

Grant dành cho Tommy một chút thời gian để suy nghĩ đến những điều sắp nói ra, rồi nhắc lại:

– Bọn họ – những nhân vật đang được bố trí ở những cương vị cao nhất,
chưa lộ mặt và biết rõ về chúng ta. Trên thực tế thì không có một cơ
quan tình báo nào của chúng ta có thể che giấu được họ. Tôi chẳng còn
biết phải tìm đến một ông thánh nào để nhờ cậy, nên đã tìm đến huân tước Leahampton. Ông ta có nhiều mối quan hệ, lúc này lại không được khỏe
mạnh lắm. Nhưng chưa bao giờ tôi gặp được một bộ óc nào thông minh như
ông ta. Ông ta đã nghĩ ngay tới anh. “Chuyện xảy ra cách đây hơn hai
mươi năm rồi, khi đó anh ấy đang làm việc cho chúng tôi. Tên tuổi của
anh ấy rất có ý nghĩa đối với công tác tình báo của chúng tôi. Không
những thế, chưa một ai biết mặt anh ấy”. Anh sẽ nói sao về việc này?
Tiến hành chứ?

Trước hạnh phúc đến quá bất ngờ, Tommy cười toét cả miệng:

– Nếu tôi đi ư? Vâng, tôi sẽ chạy! Còn một điều này nữa, tôi không biết
là mình có thể làm được việc gì tốt đẹp. Tôi chỉ là dân tài tử nghiệp
dư.

– Anh Beresford thân mến của tôi ơi, chính là chúng tôi đang
cần đến một dân tài tử nghiệp dư như anh đấy. Mới đây đã có một cán bộ
chuyên nghiệp của chúng tôi phải ra đi, một thiệt thòi rất lớn đấy. Anh
sẽ là một người đàn ông tài ba nhất mà chúng tôi có trong tay và chưa
bao giờ nghi ngờ về điều đó.

Bằng một cử chỉ Tommy đặt một câu hỏi nghe không rõ. Grant ngẩng đầu lên nói:

– Đúng vậy, ông ta vừa mới chết hôm thứ ba tuần trước tại bệnh viện
Sainte Bridget. Ông ấy bị một chiếc xe tải húc phải, và chỉ sống được
vài tiếng đồng hồ. Mọi biểu hiện đều cho thấy đúng là một tai nạn, nhưng lại không phải là một tai nạn.

– Tôi hiểu rồi. – Tiếng của Tommy nghe rất khẽ như tắc lại.

– Điều mà chúng tôi có thể tin chắc – Grant lạnh lùng giải thích – là
Farguhar đã lần được tới điểm mấu chốt, cuối cùng ông ta cũng đã biết
được một chuyện gì đó. Hãy tin tôi, Tommy, cái chết của ông ta không
phải là một sự trùng hợp. Đáng tiếc là chúng tôi không nắm được một ý
tưởng nào về những gì mà ông ta có thể đã phát hiện được.

Grant ngắt lời trước khi thổ lộ:

– Farguhar đã tỉnh lại một lúc sau cơn hôn mê trước khi chết. Ông ấy đã
cố gắng nói. Tất cả những gì chúng tôi nghe được chỉ là: “N hay là M…
Bài ca Susie”.

– Tôi thấy câu nói đó thực sự không có gì là khó hiểu. – Tommy càu nhàu.

– Hơn cả những gì mà anh có thể nghĩ ra được đấy – Grant cười – Anh biết
đấy, “N hay M” là chữ cái đầu của những cái tên mà có thể chúng tôi đã
gặp. Chúng tôi biết đây là hai tên gián điệp Đức giữ vị trí rất cao mà
các chủ nhân của chúng thì hết sức tin cậy ở chúng. Chúng tôi đã vấp
phải những hoạt động của bọn chúng ở nhiều nước khác nữa. Chúng tôi còn
biết đến hai hay ba thủ đoạn nhỏ của bọn chúng. Nhiệm vụ của bọn này là
tổ chức một binh đoàn thứ năm, có mặt gần như trên khắp thế giới và làm
chức năng liên lạc của Berlin. Theo như chúng tôi biết thì “N” là một gã đàn ông. Còn “M” là một phụ nữ. Cá nhân Hitler rất quan tâm đến những
hoạt động của hai tên này. Lần cuối cùng chúng tôi có được tin tức về
bọn chúng là vào những ngày đầu bùng nổ cuộc chiến tranh, thông qua một
thông điệp mà chúng tôi giải mã được kịp thời. Trong bức điện này, chúng tôi để ý đến câu: “Đồng ý để N hoặc là M ở lại nước Anh, có toàn quyền
hành động”.

– Tôi hiểu. Còn Farguhar…

– Theo tôi,
Farguhar đã lần ra được manh mối của một trong hai tên ranh mãnh này.
Điều đáng buồn là chúng tôi không biết cụ thể đó là tên nào. Còn về mấy
từ “Bài ca Susie” thì có vẻ bí hiểm, nhưng cách phát âm của Farguhar đâu phải là tuyệt vời! Người ta tìm thấy trong túi áo của ông ta một chiếc
vé khứ hồi đi Leahampton. Địa điểm này hé mở một chân trời rộng lớn cho
chúng tôi. Leahampton là tên một bờ biển ở phía Nam. Một cửa biển hay
một cửa sông có tiềm năng. Ở đấy có hàng đống những gia đình đã về hưu
cùng với những khách sạn nho nhỏ. Mà một trong những khách sạn đó có tên là ngôi nhà Vui Vẻ (N.D).

– “Bài ca Susie”… “Vui vẻ”… Hiểu
rồi – Tommy thở phào – Ý nghĩ lúc này của tôi là phải có mặt ở đấy và… ờ mà… cũng phải rà soát lại đám người dòng dõi chứ gì?

– Đúng là một suy nghĩ thực tế.

Tommy lại cười:

– Những chuyện như vậy cũng hơi viễn vông một chút phải không nào? Thậm chí tôi còn chưa biết mình phải tìm cái gì nữa đấy.

– Còn tôi rõ ràng là không có khả năng xác định rõ điều đó với anh. Tôi
không tìm hiểu được thêm gì nữa, nên mới phải tìm đến anh.

Tommy nhún vai kèm theo một tiếng thở dài:

– Được, thế thì tôi sẽ cố xem sao. Nhưng phải báo trước với ông là bộ óc của tôi không phải là thiên bẩm đâu nhé.

– Vào lúc này, rất mong anh sớm làm sáng tỏ những gì mà người ta nói cho tôi biết.

– Ồ! Đây là một dịp may mắn, không có gì hơn.

– Cơ may, đấy chính là điều chúng ta cần đến.

Tommy nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

– Chỗ ấy, ngôi nhà Vui Vẻ…

– Rất có thể anh sẽ chẳng lùng sục được gì ở đó. Tôi không thể nói trước
cho anh biết. Farguhar có thể đã nghĩ đến những chuyện nhàm chán chẳng
hạn “Những chiếc lông mi của bà chị Susie của tôi”. Nhưng chúng ta đang
sống để giải những câu đố mà.

– Còn Leahampton?

– Cũng
giống như mọi xứ sở khác, người ta tìm thấy vô khối những miền đất như
thế. Những quý bà hão huyền, những cô gái trẻ chai sạn tội lỗi, những
đại tá nghỉ hưu, những kẻ bịp bợm và bất lương có dòng máu lai một phần
tư và một lô những người nước ngoài. Một sự pha trộn khá phức tạp. Thế
đấy!

– Tôi sẽ phải tìm kiếm tên “N” hay là “M” trong đám người này chứ gì?

– Không hẳn là phải như thế đâu. Có thể đã có một tên nào đó liên hệ được với “N” hoặc “M” rồi. Nhưng tôi, nhất định tôi sẽ tính sổ với tên “N”
hay “M” đó, phải làm cho chúng điêu đứng. Một ngôi nhà trọ bên bờ biển,
đó chẳng phải là một địa điểm dùng làm nơi trú ẩn chắc chắn nhất là gì?

– Và ông không biết chắc đó là đàn ông hay đàn bà để tôi phải bỏ công sức đi tìm?

Grant lắc đầu.

– Thôi được – Tommy kết luận – Tôi sẽ tìm ra.

– Chúc anh may mắn, Beresford. Bây giờ, nếu anh muốn thì chúng ta sẽ chuyển sang bàn đến những chi tiết…

Nửa giờ sau, Tuppence đã trở về nhà. Chị tò mò nhìn anh chằm chằm. Tommy
đang ngồi một mình trong chiếc ghế bành lặng lẽ huýt sáo, vẻ mặt đầy
hoài nghi.

– Anh này? – Chị cất tiếng hỏi như muốn qua đó để biểu thị một sự ngạc nhiên.

– Có vấn đề đấy. Họ đã tìm cho anh một công việc. Vậy là cuối cùng anh cũng đã có được một loại công việc…

– Loại gì vậy?

Tommy nhăn mặt lại trông rất đáng yêu:

– Về các thứ giấy tờ lộn xộn ấy mà, mãi tận xứ Ecosse. Một loại công việc có lẽ là bí hiểm lắm và chỉ thế thôi. Nhưng chuyện này chẳng có vẻ gì
là đáng mừng cả.

– Đối với cả hai chúng ta hay chỉ một mình anh?

– Một mình anh thôi.

– Lẽ nào ông Carter cũng đối xử như thế với chúng ta?

– Anh nghĩ rằng, đối với con người giống như một nắm bột này, thì họ đang làm cho tình yêu tồn tại riêng rẽ đây. Đây là một công việc mà những ai có đầu óc đều phải làm.

– Sẽ phải động chạm đến con số hay là
giải mã chứ gì. Đây là công việc giống như công việc của Deborah thôi,
anh Tommy ạ. Xem ra trong việc này, họ đã trở nên gàn gàn điên điên rồi
đấy. Họ chỉ có mỗi một việc là đi ngủ, la cà suốt đêm và luôn mồm nhắc
đến những con số 978345286 hoặc những gì là lạ tương tự như vậy rồi cuối cùng sẽ chấm dứt bằng sự suy sụp thần kinh và bị thải hồi về quê hết.

– Chuyện này sẽ không xảy đến với anh đâu.

– Sớm hay muộn nó cũng xảy đến với anh mà – Tuppence buồn bã tiên đoán –
Nhưng có đúng là anh không thể để em cùng đi với anh? Không phải là để
làm việc cùng anh đâu. Để cho có bạn thôi. Để hết giờ làm việc, khi trở
về đến nhà, anh được đứng trước lò sưởi trong đôi giầy xăngtuýp, và
thưởng thức một bữa tối nóng hổi.

Một cảm giác khó chịu xuất hiện trong người Tommy:

– Em đang buồn đấy ư. Thực sự thấy buồn hả. Nghĩ đến việc phải xa em mà anh muốn phát bệnh, nhưng…

– Nhưng anh nghĩ đây là bổn phận của anh chứ gì?

– Sau những chuyện như thế này – Tommy yếu ớt gợi ý – em biết đấy, lúc nào em cũng có thể ngồi đan được mà.

– Đan à? – Tuppence kêu lên – Đan này!

Chị vớ lấy chiếc mũ đang đan dở rồi ném nó xuống đất.

– Em không chịu nổi màu len vàng, cũng chẳng thích len màu xanh nước
biển, kể cả loại màu len xanh của R.A.F [2]. Màu em muốn đan là màu đỏ
thẫm ấy!

– Đỏ thẫm ư.. Xem ra em có sự cộng hưởng nho nhỏ của quân sự rồi. Điều đó hoàn toàn phản ánh suy nghĩ của em về một Đòn Sấm Sét.

Mặc dù đang bị chế nhạo song Tuppence lại cảm thấy một nỗi bất hạnh sâu
sắc. Nhưng Tuppence là một phụ nữ có tâm hồn của người Sparta [3] và
điều này đã được thử thách bằng sự hy sinh quên mình mà mọi người đều
chờ đợi ở một người phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh. Chị nhận thức
được rằng hoàn cảnh buộc chồng mình phải nhận một nhiệm vụ khó khăn và
rằng những tình cảm cá nhân của anh dành cho chị không được xem trọng.
Thậm chí chị còn suy diễn thêm rằng mình đã nghe nói họ đang đi tìm một
người nào đó đảm đương được vai trò của một cặp vợ chồng dự bị đầu tiên. Biết đâu chị lại là người có khả năng hoàn thành được công việc này…

Ba ngày sau, Tommy khởi hành đi Aberdeen. Tuppence tiễn anh ra đến tận nhà ga. Đôi mắt chị ngấn lệ nhưng vẫn cố gắng tỏ ra vui vẻ, vô tư.

Chỉ đến khi con tàu bắt đầu chuyển bánh và dáng người nhỏ bé đáng thương
của Tuppence đang lùi xa dần thì Tommy mới cảm thấy lòng mình se lại.
Chiến tranh hay không phải là chiến tranh thì anh cũng buộc phải rời xa
Tuppence…

Anh cố sức kềm chế. Mệnh lệnh là mệnh lệnh mà.

Sau khi đã tới xứ Ecosse như dự kiến, ngay ngày hôm sau, anh đáp một chuyến tàu hỏa khác để đến Manchester. Hôm sau nữa, con tàu thứ ba đưa anh tới Leahampton. Anh xuống tàu và tìm đến một khách sạn trong có vẻ tao nhã
lịch sự nhất. Sau một đêm nghỉ ngơi thoải mái, anh bắt đầu dạo một vòng
quanh những nhà trọ và khách sạn cách tân nhất, để tìm hiểu một số điều
cần thiết chuẩn bị cho một kỳ nghỉ dài ngày ở đây.

Ngôi nhà Vui
Vẻ hiện ra như một ngôi biệt thự lớn từ thời Victoria với mái ngói đỏ
sẫm, được xây trên sườn một quả đồi, và những chiếc cửa sổ của tầng một
hướng ra phía biển rất đẹp. Các thứ mùi từ nhà bếp bốc ra và bụi bặm lơ
lửng trong phòng, cộng thêm vào đó là tấm thảm trải sàn nhà được rất
nhiều người biết từ những ngày ngôi nhà này còn thịnh vượng, nhưng không vất vả gì cũng nhận thấy cách bài trí ở đây cũng giống như những chỗ
khác mà Tommy đã từng đến thăm. Anh làm quen với chủ nhân – bà Perenna.
Bà tiếp anh trong phòng làm việc, một căn phòng rất bừa bộn và vì cần
thiết mới kê một chiếc bàn lớn phủ đầy những thứ giấy tờ lộn xộn.

Bà Perenna là một phụ nữ trạc tuổi trung niên, vẻ ngoài hơi xuềnh xoàng,
mái tóc dày màu đen với những mớ tóc cuốn xoăn bù xù thật khó coi. Khuôn mặt bà được trang điểm thật cẩu thả nhưng bà có nụ cười tươi tắn để lộ
ra hàm răng trắng bóng đến kỳ lạ.

Tommy chợt nhớ ra cô hàng xóm
của mình – cô Meadowes đã từng sống ở đây hai năm trước. Anh liền nhận
mình là người họ hàng thân thích của cô Meadowes. Bà Perenna vẫn còn nhớ rất rõ về cô Meadowes – một phụ nữ có tuổi nhưng vẫn hoạt bát nhanh
nhẹn lắm, không những thế cô còn được trời phú cho một tính cách thật là vui vẻ!

Tỏ ra là người thận trọng trong chuyện trò, Tommy thường lắc đầu một cách lặng lẽ. Anh biết rằng đã từng có một cô Meadowes bằng xương bằng thịt thật. Cơ quan phản gián không bông đùa với một nhân vật quan trọng như thế này.

Bà Perenna hỏi thăm tình hình của cô
Meadowes hiện giờ ra sao. Tommy liền giương cái bộ mặt ủ rũ và giải
thích vắn tắt là cô Meadowes đã về gặp Chúa rồi. Bằng một cử chỉ thông
cảm, bà Perenna buông những tiếng thở dài phụ họa rồi kể lại việc bà đã
từng giúp đỡ cô Meadowes như thế nào.

Nhưng cái thói quen nói
năng liến thoắng của bà lúc nào cũng biểu hiện rất rõ. Bà đã bị cô
Meadowes thuyết phục nhường lại một căn phòng vừa ý để cô ở – một căn
phòng nhìn ra biển. Bà đoán chắc cô Meadowes có tới hàng nghìn lý do
muốn rời khỏi thủ đô London. Vào những ngày đó, London đang lâm vào cảnh suy sụp, đặc biệt là sau một trận dịch cúm nặng nề.

Bà Perenna
không ngớt huyên thuyên trong lúc dẫn Tommy lên thăm tầng thượng và chỉ
cho anh xem rất nhiều căn phòng bỏ không đã lâu vì không có người đến
thuê. Bà có ảo tưởng về giá phòng cho thuê hàng tuần. Bà Perenna kêu ca
về tình hình giá cả cắt cổ hiện thời. Tận dụng thời cơ, Tommy cũng nói
thu nhập của anh đã giảm sút một cách đáng kể, ngoài ra còn phải đóng
bao nhiêu thứ thuế…

– Cuộc chiến này thật đáng sợ. – Bà Perenna lẩm bẩm.

Anh chỉ còn cách là đồng ý với bà, và nói thêm rằng theo anh thì tên Hitler đáng nguyền rủa xứng đáng bị treo cổ. Hắn đúng là một tên điên, không
hơn không kém.

Bà Perenna cũng công nhận như vậy. Bà cho rằng
những khó khăn và việc khẩu phần ăn bị hạn chế chứng tỏ các cửa hàng bán thịt đã bớt thịt lại để bán với giá tùy thích. Vào lúc này, ngay cả gan và bầu dục cũng khó tìm mua được. Do đó có thể thấy giữ lại được một
ngôi nhà tốt đâu phải là chuyện tầm thường. Tuy nhiên vì mối quan hệ họ
hàng thân thích giữa ông Meadowes và cô Meadowes, bà thỏa thuận giảm đi
một nửa đồng ghi-nê cho giá thuê phòng mỗi tuần.

Anh hứa sẽ suy
nghĩ thêm, nhưng bà Perenna đã bám theo anh đến tận cửa. Bà cứ kể lể dài dòng như để phô trương cái tính đáng yêu của mình khiến cho Tommy chợt
thấy lo ngại. Trong vai diễn của mình, anh biết bà Perenna là một phụ nữ khá đẹp. Nhưng bà thuộc dòng máu nào mà lại đẹp như vậy? Chắc chắn bà
không phải là một phụ nữ Anh rồi. Tên của bà mang âm hưởng Tây Ban Nha
hay Bồ Đào Nha gì đó, nhưng để có thể kết luận được như vậy còn phải
tính đến quốc tịch của chồng bà nữa. Không, mọi người tin ngay rằng bà
là người Ailen, bất kể giọng nói của bà thiếu đặc trưng riêng của đất
nước đó. Chính nét riêng biệt này đã tạo nên tính cách sôi nổi và bồng
bột của bà.

Cuối cùng mọi người đều thống nhất ý kiến là ông Meadowes sẽ dọn đến đây vào ngày hôm sau.

Tommy thông báo là mình sẽ tới vào buổi tối, khoảng 6 giờ. Bà Perenna tiếp
anh trong phòng khách. Bà đưa ra hàng lô những điều chỉ dẫn cho việc sắp xếp các hành lý của anh với một bà hầu phòng trong có vẻ đần độn đang
chằm chằm nhìn anh bằng cặp mắt đờ đẫn. Rồi bà ta dẫn anh bước vào một
căn phòng gọi là phòng salông chuyên dành để tiếp khách.

– Tôi có thói quen giới thiệu để các vị khách làm quen với nhau – Bà Perenna
nói, bình tĩnh đương đầu với cái nhìn nghi ngờ của năm người đang có mặt trong căn phòng – Đây là vị khách mới tới của chúng ta, ông Meadowes… Bà O’Rourke.

O’Rourke là một người đàn bà có dáng dấp cân đối
của một phụ nữ Himalaya. Bà có cái nhìn sắc lạnh, lại được trời ban cho
một hàng ria mép khá rõ khiến cho nụ cười của bà trông càng rộng thêm.

– Sĩ quan hành chính Bletchley…

Viên sĩ quan hành chính Bletchley liếc nhìn Tommy một cách dò xét rồi khẽ gật đầu tỏ vẻ hài lòng.

– Ông Von Deinim…

Một người đàn ông còn trẻ, đôi mắt xanh và mái tóc hoe đỏ đứng dậy, nghiêng mình cúi chào trông rất cứng nhắc.

– Cô Minton…

Đó là một phụ nữ đã có tuổi, cổ được trang hoàng bởi vô số những hạt ngọc
trai, mặc một chiếc áo đan bằng len màu vàng đang cười rúc rích như bị
kích động.

– Và cuối cùng, đây là bà Blenkensop.


Blenkensop mặc một chiếc áo len đan. Những sợi tóc màu tối hơi rối. Bà
hơi ngẩng mặt lên, cặp mắt rời khỏi đống len có vẻ như đang thu hút hết
tâm trí của bà lúc đó.

Bài Blenkensop! Tuppence! Mẹ kiếp, nhưng
điều tưởng không thể làm được lại đã trở thành sự thật. Thật khó có thể
tưởng tượng được!

Tuppence vẫn lặng lẽ ngồi đan trong phòng salông của ngôi nhà Vui Vẻ.

Những cặp mắt giao nhau. Những con mắt của họ dán vào chị một cách lễ phép dửng dưng – một cái nhìn hoàn toàn xa lạ.

Tommy đang tràn ngập trong sự cảm phục.

Tuppence!

Chú thích:

[1] Ám chỉ một tổ chức gián điệp.

[2] Không lực Hoàng gia.

[3] Tiếng Đức là Sparta Kusbund: Phong trào xã hội Đức rồi chuyển sang
khuynh hướng cộng sản, do Kari Liebnecht và Rosa Luxemburg lãnh đạo
trong những năm 1914-1916 và năm 1919.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN