Người Đưa Tin - Chương 25: Gustavia, saint - barthelemy
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
161


Người Đưa Tin


Chương 25: Gustavia, saint - barthelemy


Đêm đó, lần đầu tiên kể từ khi lên chiếc du thuyền Alexandra, Sarah không ngủ. Cô nằm trên chiếc giường rộng thênh thang, cố ép mình nằm bất động để bin Talal, nếu có đang quan sát cô qua máy camera giấu đâu đó trong phòng, hắn sẽ không nghi ngờ việc cô trằn trọc cả đêm. Trước 6 giơ,â trời bắt đầu sáng dần, một vệt đỏ từ từ loang rộng ở phía đường chân trời. Sarah chờ thêm nửa tiếng rồi gọi cà phê. Khi cà phê được đưa đến, đầu cô chợt nhức như búa bổ.

Sarah bước ra boong tàu và đứng dựa vào lan can, ngắm ánh sáng tràn ngập cảng biển, cô lại miên man nghĩ về tên Alain al-Nasser ở Montreal. Họ ở lại biệt thự của hắn hơn một tiếng đồng hồ rồi chạy về Gusvia để ăn tối. Zizi đã đặt chỗ ở nhà hàng La Vela ở rìa cảng biển, Alain al-Nasser không đi với họ. Thật ra không một ai đề cập đến tên hắn trong suốt buổi tối, ít nhất là trong tầm nghe ngóng của Sarah. Một người đàn ông có vẻ như là Eli Levon đi dạo ngang qua nhà hàng khi họ đang ăn tráng miệng. Sarah cúi xuống lấy khăn ăn lau miệng, khi cô ngẩng đầu lên thì người đàn ông đã bốc hơi.

Bỗng nhiên cô muốn vận động cơ thể. Cô quyết định đến phòng tập thể dục trước khi Zizi đến chiếm nó. Cô mặc quần soóc áo ống, giày chạy bộ và đi vào phòng tắm đứng trước gương cột tóc lại. Khi cô đến, phòng tập thể dục đang chìm trong im lặng. Cô đã hi vọng rằng sẽ chẳng có ai đến vào giờ này nhưng vẫn thấy Jean-Michel đang gập người trên máy tập cơ tay. Cô lạnh lùng chào hắn và bước lên máy chạy bộ.

“Tôi sắp lên đảo để tập chạy thật thay vì luyện với máy. Cô muốn đi cùng không?”

“Còn bài luyện tập của Zizi thì sao?”

“Ông ấy bị đau lưng”.

“Có vẻ như anh không tin lời ông ấy lắm”.

“Ông ấy luôn bảo mình bị đau lưng mỗi khi muốn nghỉ tập”. Hắn hoàn thành phần tập của mình và chùi cánh tay ướt đẫm mồ hôi vào khăn. “Chúng ta nên đi trước khi xe cộ trở nên đông đúc”.

Họ xuống một chiếc thuyền nhỏ và lái vào phía trong cảng. Trời lặng gió, mặt biển vẫn còn tĩnh lặng. Jean-Michel cột dây thuyền vào một bến tàu công cộng, gần một tiệm cà phê vắng khách vừa mới mở cửa. Họ chạy bộ trên bến cảng, rồi qua những con đường vắng lặng trong thị trấn cũ kĩ. Jean-Michel chuyển động đều đặn không biết mệt mỏi bên cạnh cô. Khi họ bắt đầu chạy lên dốc đồi, Sarah đã bị bỏ lại phía sau. Một chiếc mô tô scooter chạy vượt lên phía trước cô, một cô gái đội mũ bảo hiểm mặc quần jeans bó cầm lái. Cô cố gắng rướn mình để rút ngắn khoảng cách với Jean-Michel. Ở đỉnh dốc, cô ngừng chạy để thở trong khi Jean-Michel vẫn chạy bộ tại chỗ một cách chậm rãi.

“Sao vậy?”

“Tôi lên gần 5kg trong chuyến đi này với các anh”.

“Cũng gần kết thúc rồi”.

“Chúng ta sẽ lại lại đây thêm bao lâu?”

“Hai ngày nữa ở Saint-Bar”. Hắn nhếch môi theo đúng phong cách Pháp. “Có thể là ba ngày cũng nên. Zizi muốn rời khỏi đảo lắm rồi. Tôi có thể thấy điều đó”.

Ngay lúc đó chuyến bay đầu tiên trong ngày lướt qua đầu họ rồi lao xuống bên kia sườn đồi về phía đường băng. Jean-Michel bắt đầu chạy xuống đồi theo con đường đó. Họ chạy ngang sân bay và khu mua sắm trung tâm, rồi ôm cua chạy đến làng Saint-Jean. Chiếc xe đầu tiên xuất hiện, họ đã phải hai lần nhảy lên trên phần lề đường đầy cát để tránh xe tải. Jean-Michel dẫn cô qua một bức tường bằng đá ở cuối con đường và đi xuống lối nhỏ đầy cát dẫn ra bãi biển. “Chúng ta chạy bộ ở đây thì tốt hơn. Tôi sẽ chạy tốc độ ở cự li ngắn. Cô có nghĩ cô chạy theo tôi nổi không Sarah?”

“Điều gì làm anh nghĩ tôi không đuổi kịp anh hả?”

Hắn sải bước dài hơn. Sarah cố gắng bắt nhịp với hắn.

“Cuộc đua sắp bắt đầu. Cô sẵn sàng chưa?”

“Tôi nghĩ cuộc đua đã xong rồi đấy chứ”.

Jean-Michel phóng mình về phía trước. Sarah, kiệt sức vì cả đêm không ngủ, bước chầm chậm, thích thú với việc lần đầu tiên không có ai theo sát kể từ khi gia nhập ‘trại lính’ của Zizi. Nhưng khoảnh khắc đó cũng kéo dài không lâu. Chỉ hai phút sau Jean-Michel chạy nước rút trở lại chỗ cô với đôi tay đánh mạnh và liên tục. Sarah tiếp tục chạy. Jean-Michel giảm tốc độ khi cô tới nơi.

“Tôi sắp chết đói rồi. Chúng ta đi ăn sáng nhé?”. Cô đề nghị.

“Trước hết phải kết thúc cuộc chạy cái đã. Ta sẽ ăn sáng ở tiệm cà phê kế bên chỗ neo thuyền”.

Họ mất 20 phút để chạy quãng đường còn lại đến cảng. Quán cà phê đông khách hơn so với lúc họ mới lên bờ sáng sớm nay, nhưng Jean-Michel vẫn tìm thấy một bàn ngoài trời dưới bóng râm và ngồi xuống. Sarah nhìn sơ qua thực đơn rồi lướt mắt sang tiệm quần áo nam bên kia đường. Cửa hàng treo đầy các mẫu áo sơ mi Pháp may bằng tay và loại vải cô-tông trông có vẻ khá đắt tiền. Sarah gập tờ thực đơn lại và nhìn Jean-Michel.

“Tôi nên mua một món quà cho Zizi để cảm ơn ông ấy về khoảng thời gian vừa qua”.

“Zizi chẳng cần quà. Ông ấy đã có tất cả mọi thứ trên đời”.

“Tôi vẫn nghĩ mình phải tặng Zizi một món quà. Ông rất rộng lượng với tôi”.

“Rõ rồi”.

Sarah chạm vào tay Jean-Michel và chỉ sang cửa hàng nhỏ bán quần áo sang trọng bên kia đường.

“Zizi chẳng cần sơ mi”. Hắn nói.

“Những chiếc áo sơ mi đó trông cũng đẹp mà”.

Jean-Michel gật đầu. “Chúng là hàng Pháp đấy”.

“Cho tôi mượn thẻ tín dụng của anh đi”.

“Đây là thẻ của Tập đoàn AAB”.

“Tôi sẽ trả lại tiền cho anh sau”.

Jean-Michel rút thẻ tín dụng ra khỏi túi quần soóc của mình. “Không cần phải trả lại số tiền đó đâu. Tin tôi đi Sarah, cô không phải là người đầu tiên mua quà cho Zizi bằng tiền của ông ấy”.

“Zizi mặc size mấy vậy?”

“Cổ 6.5 inch 1, ống tay áo 33 inch”.

“Anh biết rõ nhỉ?”

“Tôi là huấn luyện viên riêng của ông ấy mà”.

Sarah nói cho Jean-Michel phần gọi món của mình gồm món tartin, trứng chiên và sữa rồi đi sang tiệm quần áo. Cô đứng ở ngoài một khắc, nhìn ngắm những chiếc áo sơ mi trong tiệm rồi đẩy cửa bước vào. Một cô gái xinh đẹp tóc vàng cắt ngắn chào Sarah bằng tiếng Pháp. Sarah chọn hai cái áo sơ mi, một cái màu xanh dương đậm, một cái màu vàng nhạt và đưa cho người bán hàng số đo của Zizi. Cô gái biến mất sau cánh cửa trong và một lúc sau quay trở lại với hai chiếc áo.

“Chị có hộp đựng quà không?”

“Dạ có chứ, thưa quý cô”.

Cô bán hàng lấy một cái hộp từ dưới quầy tính tiền, cẩn thận gói hai chiếc áo vào giấy lụa và đặt vào trong hộp.

“Chị có thiệp không? Loại nào có phong bì luôn ấy”.

Cô gái lại mò tay phía dưới quầy tính tiền lấy ra một cái thiệp và đưa cho Sarah cây viết luôn thể.

“Quý cô chi trả thế nào đây ạ?”

Sarah đưa cô gái thẻ tín dụng. Trong khi cô gái tính tiền, Sarah dựa vào quầy và viết mấy chữ “Alain al-Nasser – Montreal”. Rồi cô để thiệp vào bì thư, liếm phần vành có sẵn keo và dán lại cẩn thận. Cô gái đặt hóa đơn trước mặt Sarah. Cô kí tên và trả lại cô gái cây viết cùng phong bì thiệp.

“ Tôi không hiểu, thưa quý cô”.

“Sáng nay sẽ có một người bạn của tôi đến đây xem tôi có bỏ quên thứ gì không”. Sarah nói. “Xin hãy đưa cho bạn tôi phong bì này. Nếu cô làm được, cô sẽ được trả công hậu hĩnh. Sự kín tiếng của cô rất quan trọng. Cô hiểu ý tôi không?”

“Vâng, thưa quý cô”. Cô gái mỉm cười với Sarah một cách bí hiểm, rồi nhìn về phía Jean-Michel đang ngồi trong quán cà phê. “Bí mật của quý cô sẽ được bảo đảm an toàn”.

Cô gái bỏ hộp quà vào túi giấy rồi đưa cho Sarah. Sarah nháy mắt với cô gái rồi bước ra khỏi tiệm ở về quán cà phê. Bữa ăn sáng đã bày sẵn trước mặt khi cô ngồi xuống.

“Có vấn đề gì không?”. Jean-Michel hỏi.

Sarah lắc đầu và đưa trả hắn thẻ tín dụng. “Không, chẳng có vấn đề gì cả”.

Ba mươi phút sau Sarah và Jean-Michel lên tàu trở về Alexandra. Gabriel chờ thêm 15 phút nữa rồi bước vào tiệm quần áo. Anh nhận tấm thiệp từ tay cô bán hàng và đưa cô 100 euro cho việc giữ bí mật. Năm phút sau anh đã ngồi trên chiếc Zodiac quay về chiếc du thuyền đang thả neo của mình.

Alexandra đang nằm im lìm trước mặt anh, gần như là chiếc tàu lớn nhất trong cảng và là chiếc du thuyền lớn thứ hai chỉ sau chiếc tàu thủy vừa ghé vào cảng qua đêm. Gabriel thẳng tiến về chiếc Sun Dancer đang thả neo cách đó vài trăm mét, gần hai khối đá đứng gác ngay lối vào cảng biển. Anh cột chiếc Zodiac vào đuôi chiếc du thuyền và đi vào phòng chính đã được trưng dụng thành trung tâm điều hành và chỉ huy di động. Có một chiếc điện thoại vệ tinh tình báo và một chiếc máy vi tính kết nối với đại lộ King Saul. Hai tá điện thoại di động, vài chiếc bộ đàm đang sạc pin và một chiếc máy quay phim trang bị ống kính chụp từ xa đang theo dõi con tàu Alexandra.

Gabriel đứng trước bàn điều khiển và thấy Sarah bước ra khỏi khoang riêng. Yaakov đang điện đàm với Tel Aviv. Khi Yaakov gác máy, Gabriel chìa ra tấm thiệp. Alain al-Nasser – Montreal.

“Cố gắng của chúng ta đấy”. Yaakov nói. “Ngồi xuống đi, Gabriel. Đại lộ King Saul đã có một buổi sáng khá bận rộn”.

Gabriel tự rót cho mình một tách cà phê và ngồi xuống.

“Sáng nay tôi đã đột nhập vào hệ thống đặt chỗ của công ty cho thuê biệt thư.å Nơi Sarah đến đêm qua là do công ty Xây dựng Meridian Montrea thuê.

“Công ty Xây dựng Meridian nắm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Tập đoàn AAB”. Lavon thêm vào.

“Thông tin đặt chỗ có cho biết ai sẽ ở đó không?”. Gabriel hỏi.

Yaakov gật đầu. “Một phụ nữ tên là Katrine Devereaux thuộc Tổng hành dinh của Meridian đặt chỗ. Cô ả trả trước mọi chi phí và yêu cầu công ty cho thuê biệt thự phải mở cửa sẵn để đón hắn ta”.

“Hắn đến khi nào?”

“Được ba ngày rồi, theo như thông tin ghi nhận”.

“Hắn sẽ ở lại bao lâu?”

“Thêm bốn ngày nữa”.

“Còn xe hơi hắn sử dụng?”

“Có một chiếc Cabriolet hiện đang đậu trong nhà. Miếng nhãn phía sau xe ghi ‘xe cho thuê ở đảo’. Dịch vụ thuê xe này không có hệ thống đặt chỗ bằng máy vi tính. Mọi thứ đều trên giấy tờ hết. Nếu muốn biết chi tiết hơn thì ta phải đột nhập vào đó theo kiểu truyền thống thôi”.

Gabriel nhìn Mordecai. “Văn phòng cho thuê xe nằm ở sân bay”. Mordecai nói. “Đó chỉ là một gian phòng nhỏ dùng cửa trượt bằng nhôm làm cửa sổ và lối đi cho nhân viên ra vào. Chúng ta có thể đột nhập vào đó trong tích tắc. Vấn đề là sân bay có bố trí cảnh vệ vào ban đêm. Chúng ta có thể làm lộ hoạt động của mình chỉ vì muốn biết tên và số thẻ tín dụng hắn sử dụng để thuê xe”.

“Quá mạo hiểm”, Gabriel nói. “Có gì trên điện thoại không?”

Mordecai đặt máy phát tín hiệu trong hộp đựng mối nối hai mạch điện đêm hôm trước. “Có một cuộc gọi sáng nay. Một ả nào đó gọi cho tiệm uốn tóc ở Saint-Jean hẹn trưa nay sẽ đến đó”.

“Cô ta tự xưng tên gì?”

“Bà al-Nasser”. Mordecai trả lời. “Có một vấn đề nhỏ với cái dây mắc vào điện thoại để nghe lén. Giờ ta đang ở ngoài rìa phạm vi thu sóng, vì thế tín hiệu rất yếu và hay nhiễu sóng. Nếu bin-Shafiq nhấc điện thoại lên vào lúc này thì chúng ta không thể nhận diện được giọng nói của hắn vì sự nhiễu tĩnh điện trên đường dây. Ta cần một cột thu sóng”.

Gabriel nhìn Yaakov. “Nếu cho tàu của mình đến gần hơn thì sao?”

“Vùng nước ở đó quá sâu để thả neo. Nếu cố gắng di chuyển tàu để theo dõi căn biệt thự, thì coi như mình tự lộ ra cho chúng chú ý. Chúng ta cũng có thể đi bộ đến cửa trước biệt thự của al-Nasser và tự giới thiệu về mình”.

“Cũng không phải là một ý kiến tệ đâu”. Mikhail nói khi anh bước vào phòng. “Tôi tình nguyện”.

“Chúng ta cần một cột thu tín hiệu”. Yaakov nói.

“Thế thì làm một cái”. Gabriel lại đưa thiệp ra. “Còn danh tính này thì sao? Anh có nhận ra nó không?”

“Không phải là bí danh mà ta biết”. Yaakov nói. “Tôi sẽ nhờ đại lộ King Saul kiểm tra trên các máy vi tính, xem họ có tìm ra được gì không”.

“Bây giờ làm gì?”. Mikhail hỏi.

“Chúng ta sẽ theo dõi hắn cả ngày”. Gabriel nói. “Ta sẽ chụp hình hắn và ghi lại giọng nói. Nếu có thể, ta sẽ gửi thông tin cho đại lộ King Saul phân tích”.

“Đây chỉ là một cái đảo nhỏ thôi”, Lavon nói với giọng cảnh giác. “Lực lượng của chúng ta ở đây lại ít”.

“Đó cũng là một lợi thế của mình. Ở một nơi như thế này, không có gì bất thường khi đi ra đi vào và thấy cùng một người hàng ngày”.

“Đúng”. Lavon đồng tình. “Nhưng bọn tay chân ngu đần của tên bin Shafiq sẽ bất an nếu thấy quá nhiều gương mặt quen thuộc”.

“Và nếu đại lộ King Saul cho ta biết Alain al-Nasser chính là Ahmed bin Shafiq thì sao?”. Mikhail hỏi. “Lúc đó chúng ta xử trí ra sao?”

Gabriel nhìn Sarah qua màn hình trên bàn điều khiển. “Tôi sẽ quay trở về Gustavia”, anh nói, vẫn nhìn vào màn hình. “Chúng ta cần một cột thu tín hiệu”.

Năm phút sau, Gabriel đến chi nhánh cho thuê biệt thự Sibarth. Ra đón anh là một phụ nữ người Anh chính gốc, có mái tóc nâu vàng như vệt nắng và cặp mắt xanh lơ. Gabriel đóng vai Heinrich Kiever, một người Đức ‘lỡ yêu’ hòn đảo thiên đường này và mong ước được ở lại lâu hơn. Người phụ nữ Anh mỉm cười – cô đã nghe rất nhiều câu chuyện như thế và bắt đầu in ra cả danh sách những chỗ còn trống để cho thuê. Gabriel nhìn qua bản danh sách và cau mày. “Tôi đã hi vọng là còn chỗ ở khu này”. Anh gõ vào tấm bản đồ đang trải ra trên bàn. “Chỗ này, phía bắc của hòn đảo”.

“Point Milou à? Vâng, chỗ đó rất hay, nhưng tôi e rằng không có biệt thự trống vào thời điểm này thưa ông. Nhưng chúng ta có chỗ ở đây. Kế bên Point Milou, là Point Mangin”. Cô ta gõ gõ vaò điểm kế bên.

“Có thể nhìn thấy Point Milou từ căn biệt thự ở Point Mangin không?”

“Vâng, khá rõ. Ông có muốn xem hình ảnh của nơi đó không?”

“Vâng, phiền cô”.

Người phụ nữ đưa ra một tập sách thông tin và mở đúng trang cần xem. “Căn biệt thự có 4 phòng ngủ, thưa ông Herr Kiever. Ông có cần căn nhà lớn cỡ này không?”

“Thật ra chúng tôi có thể có thêm bạn đến viếng thăm”.

“Vậy tôi nghĩ căn biệt thự này hợp với ý định của ông rồi. Hơi đắt tiền, 12,000 euro một tuần, và điều kiện là ông phải mướn ít nhất hai tuần”.

Gabriel nhún vai như thể muốn nói tiền đối với anh không phải là vấn đề.

“Không được mang theo trẻ con và tuyệt đối không có thú nuôi. Ông không nuôi chó đúng không ạ?”

“Thề có Chúa, không bao giờ nuôi chó”.

“Xin ông vui lòng đặt cọc, tổng cộng số tiền bây giờ là 2,600 euro và dĩ nhiên là có thể trả trước luôn”.

“Khi nào thì chúng tôi nhận nhà được?”

Cô ta nhìn đồng hồ đeo tay. “Giờ là 10 giờ 15 phút. Nếu ta nhanh chóng làm xong mọi thủ tục thì ông và vợ có thể nhận nhà chậm nhất là 11 giờ 30 phút”.

Gabriel mỉm cười và đưa thẻ tín dụng cho cô nhân viên.

Người phụ nữ Anh đó không biết rằng Gabriel và Gina chuyển vào biệt thự được mười lăm phút thì các vị khách đầu tiên bắt đầu lục tục đến, nhưng thực chất họ đã ổn định trong nhà tự lúc nào rồi. Đồ đạc của họ cũng khá giống những du khách khác trên đảo. Mordecai đem theo cái máy thu kích hoạt giọng nói và một máy ảnh Nikon trang bị ống kính dài. Mikhail đến với một túi điện thoại di động, radio, và bốn khẩu súng ngắn. Một giờ sau, lần đầu tiên họ được quan sát con mồi của mình khi hắn chường mặt trên ban công trong chiếc quần soóc trắng và áo sơ-mi tay dài. Mordecai chụp vài bức hình của hắn. Năm phút sau, al-Nasser bơi một chút và cởi trần leo lên bờ, Mordecai chụp thêm vài bức nữa. Gabriel kiểm tra lại hình ảnh trên máy vi tính, nhưng anh cho rằng những bức ảnh này không đáng để gửi đến cho Đại lộ King Saul phân tích.

Lúc 1 giờ trưa, máy thu tín hiệu kích hoạt giọng nói chuyển từ đỏ sang xanh. Một giọng nói phát ra từ đường dây, tiếp theo là giọng của ai đó trong nhà đang quay số. Sau hai tiếng chuông reng, người nữ tiếp tân ở nhà hàng La Gloriette nhấc máy. Gabriel nhắm mắt lại thất vọng khi giọng nói kế tiếp là ‘phu nhân’ al-Nasser đặt chỗ cho bữa trưa lúc 2h. Anh nhanh chóng xem xét việc bố trí một đội trinh thám trong nhà hàng nhưng xua ngay ý nghĩ ấy sau khi nghe được mô tả về phòng ăn tù túng bên cạnh bờ biển. Tuy nhiên Mordecai vẫn cứ chụp al-Nasser thêm hai tấm nữa, một tấm là lúc hắn ra khỏi xe trong bãi đậu xe và tấm thứ hai là khi hắn nhấp rượu trong bàn ăn. Trong cả hai hình hắn đều mang kính đen và mặc áo sơ mi dài tay. Gabriel gửi hình cho đại lộ King Saul. Một giờ sau, khi al-Nasser và vợ rời nhà hàng, đại lộ King Saul trả lời trên đường dây tình báo rằng kết quả không thể xác định được.

Lúc 3 giờ rưỡi, chúng rời nhà hàng La Gloriette và chạy về làng Saint-Jean, tới đó al-Nasser để vợ hắn xuống tiệm uốn tóc. Từ đây hắn chạy thẳng đến Gustavia và lúc 3 giờ 50 phút hắn lên xuồng để ra chiếc du thuyền Alexandra. Yossi thu lại hình ảnh hắn lên thuyền, cùng với cái ôm thắm thiết hắn nhận được từ Zizi al-Bakari. Sau đó chúng đi lên văn phòng phía trên để họp kín. Sarah không có mặt trên tàu để thấy al-Nasser đến, vì thời điểm đó cô và phần lớn bọn tay chân của Zizi đang lặn có ống thở ở vùng Ile Fourche, một khu đảo nhỏ hoang vắng cách Saint-Bart khoảng một dặm.

Cuộc gặp kéo dài chừng một tiếng. Yossi ghi hình al-Nasser lúc hắn rời văn phòng Zizi và cả biểu hiện quyết tâm trên mặt hắn lúc xuống xuồng quay trở lại Gustavia. Mikhail bám theo hắn về tới làng Saint-Jean lúc 6 giờ tối, al-Nasser đón vợ từ tiệm uốn tóc. Lúc 6 giờ rưỡi hắn lại lao vào cữ bơi chiều một lần nữa. Mikhail ngồi ủ rũ bên Gabriel trong căn biệt thự ở phía bên kia vịnh.

“Chúng ta chơi trò đuổi bắt với hắn cả ngày”, Mikhail nói, “mà chúng ta đạt được gì? Mấy tấm hình vô dụng. Alain al-Nasser rõ ràng chính là bin Shafiq rồi. Chúng ta bắt hắn đi và kết thúc vụ việc cho gọn”.

Gabriel nhìn Mikhail bằng con mắt của một kẻ dạn dày kinh nghiệm. “Một ngày nào đó khi cậu già hơn và khôn hơn một chút, tôi sẽ kể cho cậu nghe về cái đêm một nhóm tình báo nghĩ rằng giải thưởng cho việc bắt được bọn tội phạm đã nằm trong tay. Nhưng không ngờ họ lại giết lầm một anh bồi bàn vô tội”.

“Tôi biết câu chuyện đó rồi Gabriel. Chuyện xảy ra ở Lillehammer. Phòng tình báo vẫn gọi chuyện đó là Leyl-ha-Mar, tức là ‘đêm của sự cay đắng’, nhưng nó xảy ra cũng lâu rồi mà”.

“Đó vẫn là sai lầm ngớ ngẩn nhất trong lịch sử của Văn phòng. Họ giết nhầm người và bị bắt vì chuyện đó. Họ phá hết các quy tắc. Họ hành động hấp tấp và họ để cảm xúc lấn át lí trí. Chúng ta đã đi quá xa nên không thể có thêm một ‘đêm của sự cay đắng’ nào nữa. Thứ nhất, ta phải có bằng chứng – bằng chứng không thể bác bỏ được – rằng Alain al-Nasser là Ahmed bin Shafiq. Chỉ khi đó chúng ta mới bắt đầu nói đến chuyện thủ tiêu hắn. Và chúng ta chỉ bóp cò súng sau khi đã đưa Sarah trở về và cả đội biến khỏi hòn đảo này một cách an toàn”.

“Làm thế nào ta tìm được chứng cứ?”

“Mấy tấm hình chưa đủ nên ta cần thêm giọng nói của hắn nữa”. Gabriel trả lời.

“Hắn không nói gì cả”.

“Tất cả mọi người đều phải nói chuyện chứ. Chúng ta phải làm cho hắn nói chuyện trong khi theo dõi hắn”.

Ngay lúc đó đèn của máy thu âm điện thoại chuyển sang màu xanh và tiếng quay số vang rền. Cuộc gọi của phu nhân al-Nasser chỉ dài có ba mươi giây. Gabriel nghe lại cuộc thoại chỉ để chắc rằng anh đã ghi chú đúng các chi tiết.

“Nhà hàng Le Poivre xin nghe”.

“Chúng tôi muốn đặt bàn cho hai người lúc 9 giờ”.

“Chúng tôi đã có người đặt bàn vào giờ đó rồi thưa bà. Chúng tôi có thể sắp xếp cho quý khách vào 8 giờ hoặc 8 giờ 30 phút”.

“8h thì quá sớm. Thôi vậy chúng tôi đặt bàn 9 giờ 30 phút”.

“Xin bà cho biết quý danh ạ”.

“Al-Nasser”.

Gabriel nhấn nút ‘ngừng’ và nhìn Mikhail – Kiên nhẫn đi cậu trai. Phần thưởng chỉ đến với những người biết bền chí.

Nhà hàng Le Poivre là một trong những viên ngọc chưa được khám phá của hòn đảo này. Nó nằm ở rìa của một trung tâm mua sắm nhỏ nhắn ở Saint-Jean, ngay giao lộ giữa con đường chính dọc bờ biển và một con đường hẹp dẫn lên cao, nơi có thể nhìn thấy cả bãi biển. Nhà hàng không có quang cảnh mở với bãi đậu xe chen chúc và không khí chật hẹp bên trong. Phòng ăn chỉ cỡ một cái sân nhỏ trung bình ở vùng ngoại ô. Phục vụ cũng rất bình thường, nhưng thức ăn – khi cuối cùng nó cũng được bưng ra – thì tuyệt nhất trên đảo. Cũng nhờ vị trí tầm thường của mình mà nhà hàng Le Poivre được nhiều người nổi tiếng ưa ghé qua. Vì họ luôn có cảm giác bị quấy nhiễu bởi báo chí và công chúng, nên việc hiếm khi bị bắt gặp ở nhà hàng này khiến họ cảm thấy thoải mái. Hơn thế, nơi này cũng chưa bao giờ xảy ra những chuyện bất bình thường. Đó là lí do tại sao đến ngày hôm nay, người ta vẫn luôn nhắc về rắc rối bất ngờ đã xảy ra với ông bà al-Nasser.

Nhân viên ở nhà hàng nhớ rõ câu chuyện này, cũng như người dân địa phương đang uống rượu cạnh quầy bar vào lúc đó. Vào buổi chiều, trong khoảng thời gian bận rộn giữa buổi ăn trưa và buổi ăn tối, nhân viên thường đếm lại số ly rượu nho hoa hồng, số tách cà phê espresso hoặc số điếu thuốc lá đã bán ra. Bà Al-Nasser đặt bàn lúc 9 giờ 30 phút, nhưng họ lại đến sớm hơn. Odette, cô chủ nhà hàng trực vào tối hôm đó, nhớ rằng chuyện xảy ra lúc 9 giờ 15 phút nhưng Étienne, người pha chế rượu, sẵn sàng nói một cách chắn chắn rằng lúc đó là 9 giờ 20 phút. Vẫn chưa có bàn trống vào thời điểm đó, vì thế họ phải ngồi đợi trên quầy bar. Dĩ nhiên chính Étienne là người phục vụ rượu rồi. Phu nhân al-Nasser với một ly sâm-panh. Nước ép dứa cho quý ông. “Tôi có thể giúp gì thêm cho ông bà nữa ạ?”. Étienne hỏi nhưng quý ông mỉm cười lịch sự và trả lời bằng giọng chỉ hơn lời thầm thì một chút. “Nước ép trái cây là đủ”.

Sau 9 giờ 30 phút mới có bàn cho họ. Thêm một lần nữa có sự tranh cãi về thời gian. Denise, người nữ phục vụ, nhớ lại rằng lúc đó là 9 giờ 40 phút, nhưng Odette, người quản lí phiếu đặt chỗ và tính giờ, thì thề rằng lúc đó chỉ khoảng 9 giờ 35 phút thôi. Hết rắc rối về chuyện giờ giấc thì lại đến việc ông bà al-Nasser không hài lòng với cái bàn mới của mình. Bà al-Nasser phàn nàn nó quá gần toa-lét, nhưng có người cho rằng ông al-Nasser không thích cái bàn vì một lí do khác, dù chẳng ai biết được lý do đó là gì?

Gần 10 giờ mới có một cái bàn khác trống chỗ. Cái bàn này lại sát bên một đường ray xe lửa nhìn ra ngoài đường. Ông al-Nasser ngồi ở cái ghế đối diện quầy bar, nhưng Étienne nhớ rằng ánh mắt của ông ấy cứ dán chặt vào dòng xe cộ đang lưu thông trên con đường trên bờ biển. Denise trao cho họ thực đơn bữa ăn tối và nhận phần gọi món của họ. Quý bà gọi một chai rượu vang – theo Denise thì đó là loại Côtes du Rhône, theo Étienne thì đó là loại Bordeaux. Nhưng không có ai tranh cãi về màu rượu hết. Hẳn nhiên là màu đỏ rồi, và cũng dĩ nhiên, phần lớn rượu sẽ văng tung tóe lên bộ quần áo vùng nhiệt đới màu trắng của quý bà.

Chất xúc tác cho những rắc rối đến với nhà hàng Le Poivre vào lúc 10 giờ 15 phút. Một gã với vóc người nhỏ thó và không có đặc điểm gì gây được ấn tượng ngật ngưỡng bước vào nhà hàng. Étienne cho rằng cùng lắm gã ta chỉ cao cỡ 1,65 mét và nặng 70kg thôi. Gã mặc chiếc quần soóc kaki lôi thôi có vẻ như ít khi được giặt, trên người là chiếc áo thun xám rộng quá khổ mà vạt áo trái bị rách, thêm đôi săng-đan khóa dán 1và chiếc mũ đánh gôn tả tơi. Thật lạ là không ai có thể nhớ lại một cách chính xác khuôn mặt của gã. Étienne nhớ rằng gã đeo cặp mắt kính lỗi thời. Odette mường tượng ra bộ râu quai nón không được tỉa tót mà cũng chẳng hợp với diện mạo. Denise chỉ nhớ cách gã bước đi. Dáng khá linh hoạt đấy, theo Denise thì là như vậy. Dáng đi ấy có thể là của một người đàn ông chạy rất nhanh, hoặc là của một người giỏi môn bóng đá.

Đêm đó, không ai trong nhà hàng biết tên gã là gì. Vì vậy sau này người ta gọi gã một cách đơn giản là ‘Claude’. Gã từ Gustavia đến Saint-Jean bằng xe mô tô và đã uống Heineken cả buổi tối ở vài quán nào đó trước khi đến Le Poivre. Lúc 10 giờ 15 phút, gã vào nhà hàng tìm bàn để ngồi, hơi thở nồng nặc mùi bia và thuốc lá. Cơ thể gã cũng tỏa ra thứ mùi hỗn hợp ấy. Khi Odette giải thích rằng không còn bàn nào trống cả.“Và rằng tôi cũng không muốn xếp chỗ cho gã nếu vẫn còn bàn trống”. Odette nói thêm, và kể rằng lúc ấy gã kia lầm bầm rồi hỏi mượn chìa khóa toa-lét. Odette nhã nhặn trả lời rằng toa-lét chỉ dành cho khách của nhà hàng. Thế là gã đưa mắt nhìn Étienne và bảo “Heineken”. Étienne đặt chai bia lên quầy bar, nhún vai với Odette và đưa chìa khóa cho gã.

Gã ở trong toa-lét bao nhiêu lâu cũng là một trong những vấn đề đáng bàn cãi. Người ta phỏng đoán khoảng độ từ 2 phút đến 5 phút thôi, và giả thuyết đó chính xác đến ngạc nhiên nếu so với những gì gã làm trong đó. Đôi vợ chồng tội nghiệp ngồi ngay ở cái bàn ông bà al-Nasser đã từ chối ngồi sau này mô tả rằng gã ‘tè’ liên tù tì bất tận. Sau đó là tiếng giật nước nhiều lần và tiếng nước chảy trong bồn cầu ào ào. Cuối cùng gã cũng mở cửa toa-let bước ra, thản nhiên kéo dây quần lên và mỉm cười như vừa trút được gánh nặng khủng khiếp. Gã bắt đầu đi ngược về phía quầy bar, chăm chú nhìn vào chai Heineken trên quầy. Và rồi rắc rối xảy ra.

Denise chỉ vừa mới rót rượu vào ly cho bà al-Nasser thêm một lần nữa. Quý bà nâng ly định uống thì chợt hạ ly xuống vì kinh tởm khi thấy cảnh Claude bước ra khỏi toa-lét với đôi tay vẫn đang còn ‘vướng bận’ chỗ đũng quần kaki của mình. Bà đặt ly rượu lên bàn, thả tay ra để ngả người về phía trước và kể cho quý ông al-Nasser về cảnh tượng mình vừa mục kích. Khi Claude loạng choạng bước ngang qua, tay gã đụng vào ly rượu trên bàn làm đổ hết rượu vào mình bà al-Nasser.

Những gì xảy ra sau đó được miêu tả rất khác nhau tùy theo ai là người kể lại câu chuyện. Tất cả đều đồng ý là Claude đã tỏ ra cố gắng xin lỗi một cách chân thành, và tất cả đều đồng ý rằng ông al-Nasser đã chọn cách ‘làm lớn chuyện’. Lời lẽ nặng nề được hai bên dành cho nhau và tiếp theo là những lời đe dọa sẽ giải quyết bằng bạo lực. Sự việc lẽ ra đã có thể được giải quyết êm thâæm nếu như Claude không đề nghị được trả tiền giặt ủi cho bộ cánh vấy bẩn quý bà đang khoác trên người. Khi lời đề nghị ‘chuộc tội’ bị từ chối thẳng thừng, gã với tay lấy cái bóp tiền trong túi quần kaki ra và móc vài đồng euro nhàu nát thảy vào mặt quý ông al-Nasser. Denise cố gắng tránh ra chỗ khác ngay khi quý ông al-Nasser túm cổ Claude kéo ra phía cửa lớn. Quý ông giữ gã ở đó một hồi, sỉ vả lớn tiếng vào mặt gã rồi xô gã xuống mấy bậc tam cấp.

Có tiếng vỗ tay lạch bạch từ những người khách trong nhà hàng và cả tiếng xuýt xoa quan tâm đến tình trạng thảm hại của bộ quần áo bà al-Nasser đang mang trên người. Chỉ có Étienne là quan tâm đến bóng người ngã sõng xoài trên lề đường. Anh giúp gã đứng dậy và cẩn thận dõi theo gã đến khi gã nhảy lên chiếc mô tô và lảo đảo chạy xuống con đường bờ biển. Đến ngày hôm nay Étienne vẫn nghi ngờ tính xác thực của sự việc xảy ra tối hôm ấy. Là đai đen karate, anh thấy dáng đi của gã say rượu giống dáng đi của một người cũng học võ karate. Nếu gã đàn ông nhỏ thó đeo kính và nón đánh gôn đó đánh trả lại, Étienne nói một cách quả quyết với tất cả kinh nghiệm của người học võ, rằng gã ta có thể bẻ tay quý ông al-Nasser gãy lìa và đem ra dọn thành món ăn tối cùng với rượu Bordeaux cho quý ông.

“Không phải là Bordeaux”, Denise sẽ nói với bạn như thế. “Là Côtes du Rhône cơ”.

“Côtes du Rhône hay Bordeaux không quan trọng. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một điều nữa, là khi gã đê tiện thấp bé ấy phóng xe đi, gã cười toe toét đến tận mang tai. Như thể gã vừa trúng số độc đắc vậy”.

Eli Lavon quan sát màn diễn xuất của Gabriel từ bãi đậu xe, và vì thế cũng chính Lavon là người kể lại toàn bộ câu chuyện cho cả đội nghe ở biệt thự của họ tối hôm đó. Gabriel chậm chạp lê từng bước trên sàn nhà lát gạch, vừa chăm sóc vết thương vừa giữ một bọc nước đá nơi khuỷu tay sưng tấy của mình. Tâm trí anh đang tập trung vào cảnh tượng xảy ra cách ngôi biệt thự này nửa vòng trái đất. Ở Tel Aviv, một nhóm chuyên gia về khoa học phân tích nhận dạng giọng nói đang quyết định xem người đàn ông mang tên Alain al-Nasser sẽ sống hay phải chết. Gabriel đã biết câu trả lời. Anh biết ngay từ giây phút con mồi của anh đứng dậy khỏi bàn và tham gia vào cuộc xung đột chết người ấy. Và anh đã thấy chứng cớ chỉ sau vài giây, khi anh thành công trong việc lật ống tay áo phải của con mồi và thấy vết sẹo xấu xí vì đạn bắn trên cẳng tay của hắn. Lúc 11 giờ 30 phút, biệt thự bên kia vịnh tắt đèn. Gabriel bước ra sân thượng. Phía biệt thự bên kia Ahmed bin Shafiq cũng thế. Mikhail có cảm tưởng hai người đàn ông đó đang nhìn nhau chằm chằm qua khoảng tối sẫm giữa hai ngôi biệt thự. Lúc 11 giờ 35 phút điện thoại vệ tinh rung khe khẽ. Yaakov bắt máy, anh lắng nghe trong im lặng rồi gác máy gọi Gabriel…

Chú thích

1 inch = 2.54cm

1 Loại gồm hai miếng bằng sợi nilông, một nhám một trơn, khi ép lại sẽ dính chặt nhau.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN