Người không mang họ (full) - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
235


Người không mang họ (full)


Chương 2


Chương 2

1

Bây giờ xin kể qua một chút về cái thị trấn ngã ba đường này. Gọi là thị trấn ngã ba bởi vì nó sinh ra cùng thời với cái ngã ba huyết quản nơi cung đầu của đường 9 với quốc lộ 1. Từ thuở còn người Pháp đóng chiếm, con đường 9 rải đất sỏi, thì Đông Hà cũng chỉ phôi thai dăm bảy quán nhà lợp tranh nằm khép nép bên mép sông Cửa Việt. Thế rồi cái huyết quản đường 9 ngày một to ra, của cải hai chiều cứ trôi ngày một nhiều thì Bản Đông bên Lào cũng phình to lên mà Đông Hà bên Việt cũng lớn dậy. Người Mỹ qua, đường 9 trở thành một trục đường chiến lược thượng hạng, là động mạch chủ nuôi sống toàn bộ phòng tuyến Mác Na–ma–ra. Vậy là, nhoáng một cái, y như có phép thần thông biến hóa, thị trấn đầu cầu miền Nam này bỗng như một cô gái nhà quê ra tỉnh, cười nói huyên thuyên, trang sức lòe loẹt đủ các một lai căng tân tiến nhất.

Trước hết đây là cái bướu khổng lồ để chứa chấp hai nguồn hàng lậu lớn. Một nguồn hàng buôn từ đất Thái Lan qua Lào về đất Việt Nam, một nguồn chủ yếu do quân tiếp vụ chuyển từ phía trong ra hoặc ngoài biển vào qua cảng Đông Hà. Cho nên, cái nghề nghiệp chủ yếu và bao trùm lên hầu hết đời sống người dân ở đây là buôn bán hàng lậu và những hiệu lành nghề làm giả những mặt hàng ngoại quốc. Rồi nữa, Đông Hà là nơi xả hơi của hai cánh lính. Một cánh từ Khe Sanh, Lao Bảo về. Bao nhiêu cơ cực của rừng núi biên ải, bao nhiêu gian lao vất vưởng của những ngày dã ngoại đóng chốt được trút bỏ nơi đây để tận hưởng thú vui đô thị. Lại một cánh khác từ Sài Gòn, Huế được điều ra thế chân vùng chiến thuật I, trước phút bước vào tử địa, bao giờ cũng có tâm trạng coi như đời đến đây là chấm dứt. Hãy sống vài giây cuối cùng với bao lạc thú thế gian. Cho nên một nghề nữa cũng không kém phần rầm rộ trên thị trấn này là làm điếm và cướp bóc. Đội quân này tùy lúc mà tăng giảm nhưng nói chung chiếm đại bộ phận thanh thiếu niên thị trấn và trên danh nghĩa, trở thành đối tượng tác chiến của cảnh sát Đông Hà.

Với tất cả bối cảnh ấy, thị trấn Đông Hà lại được đặt giữa một trong những luồng gió Lào khốc liệt nhất. Gió Lào ở đây có mặt từ tháng ba, hoành hành thả cửa cho tới tháng bảy, tháng tám. Vào dịp đó thị trấn như một bãi chiến trường hạng nặng, cát bụi mù mịt, những mái tôn quăn môi lợn, những tường nhà che chắn bằng ván gỗ hở toang hoác, nước máy trong các ống dẫn nóng hâm hấp như nước bún giò.

Tóm lại, bản lai lịch của thị trấn Đông Hà không hề có tuổi thơ, chỉ có những ngày sơ khai kham khổ rồi đánh đùng một cái là tuổi làm duyên làm dáng, là một thời ăn chơi trác táng và lao ầm ầm trong cõi cát bụi đua chen.

Nói chung là vậy. Nhưng nói riêng, nhìn vào một căn nhà hay một con người cụ thể ở đây lại thấy đầy đủ những bản lịch trình oái oăm, li kì, những số phận nổi trôi. Như căn nhà sát mép hồ nước trên trục đường 1, với một mái tôn chồm ra như chực ngoạm hết người đi đường, hai chiếc máy nén hơi đặt cân đối ngay trước cửa y như hai khẩu đại bác thần công của nhà Nguyễn đặt trước cổng Ngọ Môn. Một chiếc lốp ô tô đặt phía dưới làm bệ, nhưng chủ nhà vẫn sợ khách không hiểu nên mới kê lên trên đó một tấm ván ép vẽ hình một chiếc lốp khác, vẫn chưa đủ lại phải chua thêm dòng chữ: “Phù Ái – vá xăm, lốp, rửa xe, sửa chữa ô tô lành nghề”. Ông Phù Ái vốn là con nhà đánh cá biển, quê ở tận ngoài Nghi Lộc, Nghệ An. Từ ngày trở thành ông chủ lớn (mặc dù chỉ là chủ một trạm rửa xe), ông thường cho công bố tung tích của mình một cách đầy kiêu hãnh như một trang hảo hớn từng vang bóng một thời. Chuyện là vào một năm, thuở Việt Minh còn đánh Tây, trong một cơn động biển bất thần làm chết hàng trăm dân đánh cá, có một người thanh niên Nghi Lộc dun dủi đã thoát chết, cùng với chiếc thuyền của mình lênh đênh bốn ngày giữa biển và cuối cùng giạt vào một bãi hoang rậm rịt đầy cây bông gai và dứa bãi. Người thanh niên không còn đủ tỉnh táo để phân định phương hướng, không thể hiểu nổi chỗ này là đâu. Anh ta bò bằng cả hai cùi tay và hai đầu gối, kéo lê người trên bãi. Bò mãi, bò mãi mà chẳng gặp được người nào để hỏi. Cái đói và cái mệt đã nhận ngập anh trong rừng cây dại. Anh thiếp lịm đi bao lâu không còn biết nữa.

Bỗng anh ta chợt tỉnh. Có một hương vị gì đó làm cho anh tỉnh dậy. Thoạt đầu là một cảm giác bâng khuâng, rồi tiếp đến là nôn nao gan ruột. Ừ, nôn nao quá, nôn nao đến choáng váng. Anh cố sức hồi tâm lại. Anh bỗng nhận ra. Đúng là mùi hương khói.

Với kinh nghiệm của người sinh ra, lớn lên trên vùng biển, anh biết ngay ở đâu đây có miếu thờ Thần. Cố nhổm tấm thân dậy, nhận hướng gió, anh lại trườn người đi. Hy vọng làm sức anh tăng thêm gấp bội. Chui người qua hai bờ dứa bãi anh nhìn thấy một cành si xòa ngang. Chắc chắn đó rồi. Anh lồm cồm run rẩy bò đến.

Không phải ngôi miếu mà là một tảng đá to chồm lên như một con trâu mộng. Phía trước nó là một phiến đá khác chắn ngang nhẵn thín như có ai bào. Bên cạnh chiếc bàn bằng đá là gốc si già bị gãy ngang chỉ còn một cành bằng cột nhà chồm lên phía trước. Người thanh niên đói khát ấy không bận tâm gì đến cây si linh thiêng ấy mà chỉ chằm hằm vào con gà luộc đặt trên bàn đá. Phía trong có nắm hương cháy nghi ngút. Mồm anh lập cập, rên rỉ: “Lạy ngài! Con là kẻ thất lạc, đói quá, xin ngài một cái cánh”. Nói rồi không đợi ngài trả lời, anh quờ tay ra túm lấy cánh gà xé toạc. Nhoáng một tý, cả thịt cả xương của chiếc cánh trôi tuột vào trong cổ họng anh. Rồi không kịp khấn tiếp, anh xé luôn cánh nữa. Rồi đến một chiếc đùi, hai chiếc đùi, rồi cái ngực gà, hai mảng sườn, rồi cái sống lưng con gà luộc tiếp nhau lao nhanh ừng ực vào bụng anh. Cơn đói dần dần nguôi. Tốc độ nhai của đôi hàm có chậm lại tý chút, và nhờ thế đôi mắt cũng lờ đờ để ý xung quanh. Bất ngờ anh nhìn thấy một đống giấy bạc đặt trong cùng mặt đá sát với gốc cây si bị gãy. Chắc chắn là của người đặt lễ. Cây si gãy chắc đã lâu đời nên mặt gỗ cũng nhẵn gần như mặt đá. Ở giữa ruột cây có một lỗ bộng đút chân vào lọt trơn thín như hang ếch. Mải để mắt đến mọi thứ mà anh ăn gần hết con gà lúc nào không nhớ. Chỉ còn chiếc cổ và cái đầu gà trơ trọi như chiếc búa đóng đinh. Anh mân mê nâng lên đặt xuống một tý rồi lại lẩm bẩm: “Lạy ngài, đã thương thì thương cho trót, ít nhiều cũng chịu tiếng ăn mày cửa ngài, cho con làm nốt cái thủ”. Nói rồi anh yên tâm đưa chiếc đầu gà lên mồm.

Bỗng anh khựng tay lại. Linh tính báo ngay cho anh biết tai họa. Hình như ngài hiện lên. Loáng một cái anh quay phắt lại. Ở chính giữa gốc si gãy đột ngột thò lên một cái gì to bằng nắm tay đủ màu hồng tía, tiếng thở phì phì. Anh chưa kịp định thần thì cái vật ấy vụt cao lên suýt nữa chạm vào nách anh. Không kịp nghĩ ngợi, không kịp lạy ngài, nói tóm lại không kịp một giây để định thần, anh chụp tay lên cổ con vật đó, di xuống mặt bàn đá. Mắt anh nhắm nghiền lại, tay miết cổ “ngài”, mài lấy mài để. Cả thân hình anh cứng đờ như một khúc gỗ. Cánh tay co duỗi một cách điên dại. Cho đến lúc cơn đau ở đó nhói lên buốt khắp da thịt thì anh mới dần dần hồi tỉnh. Cái đầu “ngài” đã vạt đi quá nửa và tay anh cũng toạc một miếng khá to vì bào lên mặt đá. Máu “ngài” trộn lẫn máu anh chảy ròng ròng. Anh buông tay ra, đứng dậy, run cầm cập. Mặc dầu lúc này anh đã có thể hiểu ra “ngài” là một con rắn bấy lâu sống trong ruột cây si, cũng có thể đoán được rằng từ lâu “ngài” quá quen với món lễ của dân chài xứ biển, chỉ có hôm nay mới bị phỗng tay trên. Anh cũng loáng thoáng nhận định được sở dĩ “ngài” không phản công được kẻ thù vì cả tấm thân béo nhẫy của “ngài” bị ngập trong bọng cây… Anh còn đủ chút trí óc để hiểu ra ngần ấy lý lẽ, tuy thế vẫn không sao kìm nổi cơn khiếp đảm. Người anh cứ run lên như đang cơn sốt, mắt dại đi, tay chân không sao cử động được nữa. Mặc dầu vậy, trước lúc co giò chạy anh vẫn quờ mấy ngón tay tê cóng lên mặt đá nhét hết đống giấy bạc vào cạp quần.

Câu chuyện ấy đến hôm nay đối với ông chủ Phủ Ái là một trang “anh hùng ca” bất hủ. Nhưng hồi đó lại là cơn ác mộng khủng khiếp. Không một đêm nào anh ta không nằm mơ thấy “ngài” hiện lên. Lúc thì “ngài” thè lưỡi phùng mang thổi phì phì vào mặt. Lúc thì “ngài” quấn lấy cổ anh mà siết đến tắt thở. Phù Ái sống như một kẻ mất trí, đêm ngủ bần thần la hét, ngày thì đi vất vưởng lang thang. Nỗi khiếp sợ đẩy anh ngày một xa rời biển. Phù Ái trở thành kẻ sống bên lề chợ. Từ lúc nào không rõ anh thành kẻ gánh thuê chuyên nghiệp cho những bà buôn mây, buôn củi từ Cam Lộ về Đông Hà, Ai Tử.

Phù Ái làm thuê một cách tận tụy và cố quên chuyện cũ. Nhưng hình như “ngài” vẫn chưa buông tha. “Ngài” nhập vào con gái con bà bán mây. Đó là một người con gái có cặp môi cong như lưỡi liềm, hai mi mắt lúc nào cũng sưng húp như khóc. Một cô gái mà công bằng ra thì chẳng có lấy một nét gì hấp dẫn ngoài bộ ngực chồm ra quá mức và cặp mông như cái thúng úp vào. Đã thế giọng cô lại ồm ồm như ếch kêu mà lúc nào cũng cau có quát nạt. Đàn bà mà như thế thử hỏi ai mê được. Thế mà Phù Ái lại mê, mê đến đờ đẫn cả người, mê trong sự nhẫn nhục chịu đựng. Rõ ràng “ngài” đã cột được số phận của anh! Anh trở thành kẻ nô lệ riêng cho con gái bà bán mây, và mười ba năm tận tụy đã làm cho cô ta sinh được chẵn mười đứa con.

Bây giờ thì vợ Phù Ái đã chết. Nhưng toàn bộ thần khí của bà trút lại cho đứa con gái đầu, cô Kim Chi.

So với mẹ, Kim Chi vượt xa về mọi mặt. Sắc mặt và hình hài nói chung đã được tu chỉnh lại một cách khá hấp dẫn. Cặp môi không quá cong như môi mẹ và đôi mắt cũng không sưng húp. Tuy rằng vẫn cái khuôn mặt bầu tròn hình bánh đúc, nhưng trên mặt bánh đó tạo hóa đã điểm được cái sống mũi thẳng và cặp má nhô lên vừa phải khiến kẻ ngoài nhìn vào cũng cảm thấy rung động. Hơn hẳn mẹ, Kim Chi sinh ra trong thời Mỹ. Sức sống của cô tràn trề kiểu Mỹ. Cái hấp dẫn nhất có lẽ là chỗ đó.

Cũng như nhiều gia đình khác, ông chủ Phù Ái phô ra phía ngoài cái biển sửa chữa ô tô, mặc dầu công việc đó không một ai trong nhà này trực tiếp nhúng tay vào làm cả. Mỗi một thành viên trong nhà này đều có một nghề nghiệp riêng, thậm chí họ không biết hết công việc của nhau, càng không thể nào biết đích xác thu nhập thực tế của mỗi người. Hàng tháng bốn đứa con lớn góp vào cho bố mỗi đứa năm ngàn để “gây dựng cơ ngơi chung”. Ông bố thanh toán sòng phẳng với các con như kiểu chủ nhà băng với các cổ phần.

Nguyễn Viết Lãm – từ nay xin hãy quên giùm anh ta cái tên cũ Hoàng Lạng – làm thuê cho ông chủ Phù Ái. Công việc không đến nỗi quá sức anh, nhưng rất bận bịu. Bất kỳ lúc nào cũng có chiếc xe đò, hay xe tải nhà binh, hay xe Zeep các sĩ quan đỗ xịch trước cửa nhà, thì lập tức đám người làm phải khoa chân múa tay tỏ vẻ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Lãm là người được gọi tên nhiều nhất. “Kà lê mày!”, “Mỏ lết đâu?”, “Dầu đâu, Lãm!”. Thợ cả giục thợ giúp việc, thợ giúp việc quát tháo đám phụ việc. Những tiếng chửi tục, lời hò hét cứ nhặng xị lên. Ai cũng tỏ ra cần mẫn trước chủ, ai cũng cố chứng minh rằng mình hoàn toàn thành thạo công việc được thuê. Dầu mỡ lấm lem mặt mũi nhưng không rửa, thậm chí đôi lúc Lãm còn tự quẹt nhọ lên mặt mình. Bởi nếu không thế làm sao chứng tỏ rằng suốt ngày mình lăn lê với công việc.

Cái cảm giác trước tiên ập vào đầu Lãm là lúc nào cũng quay cuồng, cuống quýt trong một tốc độ rất lớn. Gọi chạy, nhào “dô”, vặn, siết, lao xuống, trèo lên… Cứ vậy, tốc độ chỉ tăng mà không hề giảm. Sau mỗi ngày làm việc Lãm thấy phạc phờ cả người. Cái mệt nhọc không phải vì công việc nặng nề mà chính vì thần kinh quá căng trong cái tiết tấu lúc nào cũng như chữa cháy ấy.

Anh trông chờ đêm xuống. Khi mà cả thị xã ngủ như chết lặng sau một ngày thở hồng hộc vì tốc độ, thì Lãm lặng lẽ ra bờ ao phía sau nhà. Chưa tắm vội, anh khoan thai ngồi xuống, thả mình lên tấm ghi trơn ai đó lót để tắm giặt, anh nhắm mắt lại để tận hưởng làn hơi nước từ mặt ao đang dìu dịu phả lên. Có khi anh ngủ quên luôn ở đó. Muỗi bám dày hai cẳng chân, bám khắp mang tai, gò má. Mặc kệ, muỗi không làm cho người ta căng thẳng như công việc ban ngày. Cứ thế, nhiều lần thành lệ quen. Cứ đêm đến, hễ mặt đường vắng lặng tiếng xe là Lãm lại len lén chui ra “yên nghỉ” ở cái thiên đường riêng của mình.

Nhưng rồi Lãm cũng không còn độc quyền được chốn thiên đường ấy và chẳng thể nghỉ ngơi được yên ổn. Cô con gái vốn mang trong mình giòng máu “bà chủ của đàn ông” của mẹ, lại cộng thêm cái sắc sảo kiểu sống Mỹ, đã sớm phát giác ra người đàn ông trẻ mới học việc trong nhà này có cái sức nặng lầm lì của tính khí. Khác với những người con trai khác lúc nào cũng tròn hai con mắt nhìn như ngây dại vào khuôn ngực đồ sộ của cô mỗi khi Kim Chi cố tính chạy từ sau buồng tắm vào nhà để lấy một chiếc áo lót, hay khăn bông, hay một bánh xà phòng “bỏ quên”, Lãm thường nhíu quặp đôi lông mày lại và quay đi, mồm lủm bủm một câu gì đó không ai nghe rõ. Thực tình thì Lãm không sao hiểu được tại sao lần tắm nào cô ta cũng cứ bỏ quên ở trong nhà một thứ gì đó để rồi giả vờ ngượng ngập lật đật chạy vào lấy? Một hai lần, dăm bảy lần bực tức cáu kỉnh như vậy rồi cũng quen đi. Lãm không hề để mắt đến chuyện ấy nữa. Suốt ngày anh chúi đầu vào gầm xe, đêm đến lén ra khỏi nhà. Đôi lúc có việc phải chạm đầu với Kim Chi, anh không chào hỏi, không cười cợt, cứ dửng dưng như khách qua đường. Chỉ cần tỏ chút thái độ thế thôi, chứ anh cũng đủ trí khôn để ý thức được rằng, đừng dại dột mà làm phật lòng nhà chủ. Không nên hở miệng châm chọc một điều gì. Lãm đã sống gần nửa năm như vậy. Nhưng như một kẻ bơi trong ao bèo, khi anh cố tính quay đi bơi về phía khác thì đằng sau anh đám bèo cứ bám riết như đỉa đói. Lãm đã dần dần cảm thấy chuyện đó. Cái “cảm thấy” ngày càng tăng cùng với sự lo sợ hốt hoảng như kẻ gian linh cảm thấy mình đã bị phát giác. Những đêm trốn ra bờ ao, ngồi một mình anh thường thấp thỏm nhớ lại ánh mắt sắc như dao chém của cô gái lớn con ông chủ và những cú nhoẻn cười bất chợt đầy đe dọa đối với riêng anh. Anh đã thấy một điều gì đó không yên lành đang chen vào cuộc sống vốn đã rất tạm bợ của mình.

Đêm nay, một đêm hạ tuần tháng sáu. Trăng lên muộn và méo xệch. Lãm đã ngồi khá lâu trên tấm ghi trơn, sau đó mới bắt đầu tắm. Tắm cũng khá lâu. Có chuyện gì mà vội. Trăng không sáng. Cả gió nồm nữa cũng quá hờ hững, vô tâm. Cái nóng vẫn cứ hầm hập phả ra từ cái tường gạch, từ những đống sắt ngổn ngang phía bến cảng bên kia quốc lộ, từ những mái tôn lợp quăn queo trên các mái nhà thấp như nấm. Hình như từ bất kỳ cái gì trên thị trấn này kể cả thể xác con người ta cũng đều hầm hập trút ra hơi nóng. Cả thị xã như một lò gạch khổng lồ chưa nguội lửa. Lãm ngâm mình dưới ao chán chê, rồi để nguyên quần ướt như vậy mà nằm xoài lên tấm ghi. Cái ướt át lan man bò vào trí não cùng với sự mệt mỏi khiến mắt Lãm ríu lại. Anh ngủ.

Nhưng bỗng Lãm tỉnh dậy. Có một ngọn gió Lào phả hơi nóng hừng hực vào mạng sườn anh. Anh tỉnh dậy và giây phút đầu tiên nhận ra rằng trăng đã lên cao và gió nồm cũng đã thổi mạnh. Thế mà sao bên mạng sườn anh vẫn phần phật hơi lửa? Loáng một cái liếc mắc, Lãm bỗng run cả người. Kim Chi! Cô ta ra đây tự bao giờ? Tại sao cô lại ngồi sát vào mình như vậy? Lãm bối rối tự đặt ra bao câu hỏi. Nhưng cả cơ thể anh vẫn không hề động đậy. Tuy vậy hình như cô gái sõi đời này đã biết. Kim Chi đứng dậy nhanh và bước hai bước xuống phiến đá dưới cầu ao. Có thể cô ta chao chân? Lãm thầm lạy trời cho mọi việc trôi qua nhanh chóng! Nhưng cũng loáng một cái, Kim Chi đã cởi phăng chiếc áo. Lãm nhắm nghiền mắt lại. Tim anh đập loạn xạ. Nỗi sợ hãi làm anh thấy tức thở. Lãm nhắm mắt lại khá lâu. Rồi anh khe khẽ mở mắt ra. Một cái gì đó choáng ngợp tràn trề trước mặt Lãm. Mà lại quay chếch về phía anh. Nước khoát tung lên nhiều hạt rơi lép tép xuống mặt Lãm. Anh vẫn không dám động đậy. Coi như đã ngủ, anh cố nhắm mắt lại lần nữa. Nhưng lần này ngắn hơn. Anh lại khẽ mở mắt ra mặc dầu nói có trời chứng giám là anh không hề muốn vậy. Trăng đã lên khá cao. Những tai nước khoát tung tóe rơi xuống như sao sa. Muôn vàn hạt sao sa quanh khối châu báu đang được tiết lộ và phô diễn.

Lại một ngày mới. Vẫn những vòng quay tít mù như vậy. Vẫn hồng hộng tốc độ như vậy. Lại leo lên trần xe, chui xuống gầm, chạy vội, kờ – lê vặn, siết: gõ côm cốp vào máy phát điện, đạp bản đề, quay ma – ni – ven, tháo lốp… Vẫn thế và vẫn thế. Nhưng đối với Lãm đã có một cái gì đó không còn như thế. Nắng hình như gay gắt hơn, bức bối hơn, và khát. Chao ôi, sao mà lúc nào cũng cảm thấy khát đến cháy cổ. Anh uống nước ừng ực. Mồ hôi tràn trề da thịt, lại uống nữa. Nhưng vẫn khát. Mỗi lần Kim Chi đi qua chỗ anh, ném một ánh mắt, quẳng một nụ cười, thế là cơn khát lại ứ lên, nghẹn tắc ở cổ. Đồng thời với nỗi khát là sự sợ hãi. Hình như ông chủ nhìn anh với con mắt khác lạ? Những người thợ cũng nhìn anh thóc mách, nghi kỵ? Cả đám trẻ con trong nhà này cũng vậy? Tất cả chỉ mới là hình như trong sự mặc cảm vốn đã thành bản năng tự vệ của anh. Lãm vừa xấu hổ vừa căm uất. Đầu anh càng cúi gằm xuống. Tại sao lại để cho mọi người khinh mình? Không thể được. Cả cái xã hội này vốn đã khinh mình vì mình là thằng thanh niên ngoài Bắc vào. Mặc dù ở đây tung tích anh đã được bịt kín, nhưng lúc nào Lãm cũng có cảm giác rằng người ta đã phát giác ra anh bởi vì anh không thể nào hòa hợp được với xung quanh. Cái dáng đi khác họ, kiểu cười cũng không giống họ. Anh đã tập cáu kỉnh và chửi tục nhưng xem ra cũng không giống tụi thanh niên trong này. Anh cũng đã kiếm được một chiếc quần chật ống và loe rộng phía dưới, song vẫn cứ bứt rứt trong người vì vẫn thấy chưa ra dân gốc ở đây. Thật là điên tiết, Lãm thường nghiến răng hậm hực. Tất cả đang khinh mình thì mình cũng căm ghét tất cả. Đếch cần.

Nhưng riêng lần này thì nhục quá. Nhục đến mức không thể ngẩng đầu lên được.

– Cái ngày ấy… hà… bây chừ nói lại chẳng ai tin, nhưng con rắn thần kia rõ ràng bằng cái lốp Hon – đa chứ không ít…

Lão Phù Ái thỉnh thoảng lại hứng chí ca lại “bản trường ca” bất hủ của mình. Lãm đã nghe không biết đến mấy chục lần. Anh có thể nhận rõ ràng là bịa, thậm chí có chỗ đại bịa nữa. Ví dụ như đoạn nói rằng, sau này khi Phù Ái đã lấy vợ và một bầy con rồi, tự nhiên một hôm đến ngày rằm, chỉ vì lỡ một chuyến hàng mây nên chậm về thắp hương, cả bầy con của lão tự nhiên lăn đùng ra ôm lấy nhau quằn quại giữa nhà y như một bầy rắn. Lão cam đoan rằng lúc đó nhìn hình dáng và điệu bộ chúng nó hoàn toàn giống rắn. Chuyện như vậy thì nghe cho nó vui tai chứ tin làm sao được!

Nhưng mà hôm nay, sau cái điệp khúc “thân rắn” của lão già thì Kim Chi lại lừ lừ đi từ buồng trong ra. Cô mặc một chiếc áo sọc đen ngoằn ngoèo, dáng đi ỏn ẻn, uốn lượn. Bất chợt cô ngồi sà xuống sát Lãm, chồm cả ngực lên vai Lãm và vươn cái đầu ra phía bố ra vẻ như đang nghe chuyện một cách hấp dẫn. Lãm rùng mình đảo vội mắt về phía đám thợ xem thử có ai để ý đến mình không? May mà không. Hoặc người ta giả đò không để ý. Người Kim Chi vẫn vắt chéo qua vai Lãm. Bất giác Lãm nhận thấy Kim Chi có nét gì đó không bình thường, một nét gì đó thật khủng khiếp. Và đột ngột anh tin “thần rắn” vẫn đang ở trong nhà này.

2

Chiếc xe đò chở khách từ Cùa về đến quá quận Cam Lộ thì trời đã tối hắn. Khách xuống rải rác dọc đường, một số đông xuống Cam Lộ. Lúc này trên xe chỉ còn độ bốn năm người. Ngọn đèn vàng bợt hắt sáng xuống mặt đường nhựa. Lái xe là một người già, tóc lởm chởm, râu lơ thơ vòng quanh mép. Phía sau thùng xe, cậu “ét” vịn tay vào cửa thùng, ép sát má vào thành sắt ra dáng mệt mỏi. Bỗng chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Cậu phụ xe nhoài người ra nhìn. Một tốp thanh niên đang đưa tay vẫy. Không có hành lý. Cậu “ét” mở toang cửa sau thùng xe rồi buông xẵng giọng: “Lẹ lên!”. Đám thanh niên chạy ào lên. Có vài cậu nhảy phía cửa trước. Cậu “ét” lại xẵng một tiếng nữa: “Lên sau này!”. Nhưng chẳng ai nghe. Cậu “ét” đảo một vòng mắt, nhẩm đếm. Năm, sáu, tám người. Cậu chìa tay ra, lạnh lùng: “Mới lên cho tiền!”.

Ục. Một quả đấm đột ngột giáng vào chính giữa mặt người phụ xe. Anh chưa kịp phản ứng thì “ục, ục” liền mấy cú nữa. Anh xỉu xuống. Có tiếng la hét xa xôi, văng vẳng. Tiếng xe máy rú lên đâu đó xa vời rồi tắt hẳn. Lâu lắm, có lẽ phải gần một giờ sau anh mới tỉnh lại.

– Có đau lắm không con?

Người chủ xe cúi xuống. Tiếng ông như lẫn cả nước mắt. Lãm cố mở mắt ra, miệng tanh lợm mùi máu. Má ở đâu hè?

– Chi rứa chú?

Người chủ xe thở dài một tiếng. Lát sau ông lầu bầu trong cổ:

– Tụi trấn lột… Đ.mạ cái bọn vô hậu.

Lãm cố chồm người dậy nhưng ngực buốt nhói như có ai cầm lấy tim mà bóp. Anh lại thả đầu xuống, tiếng thở thều thào:

– Có bị mất nhiều không chú?

– Trụi lụi. Cả một ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt bị nó lột sạch. Cha tổ nội đồ ăn cướp.

Rồi đột ngột ông gục mặt xuống khóc hu hu.

[Bạn đang đọc truyện tại Website: http://santruyen.com – Website đọc truyện dành cho Mobile]

Lãm đã xin nghỉ việc ở nhà Phù Ái với lý do tự bịa ra là mẹ bị ốm nặng. Sau một tháng lêu lổng, anh lại kiếm được việc làm mới: phụ xe cho ông Cống.

Công việc này kể ra cũng có chút thú vị hơn ở nhà Phù Ái, mặc dù về tốc độ còn khẩn trương gấp nhiều lần. Khoái nhất là cuộc đi xa. Chiếc xe đò rách bươm của nhà ông Cống thuộc loại xe không cam tâm chịu một cung đường nào nhất định. Khi thì chạy tuyến Cam Lộ, có lúc vượt thẳng lên đến chợ Cùa. Có lúc lại vào Diên Sanh, cũng đôi lần vút tận Huế. Mặc dù phải vật lộn với đám buôn chuyến trên thùng xe đến mướt mồ hôi nhưng Lãm vẫn có được cái khoái chí là rong ruổi khắp mọi nơi. Sau hơn nửa năm phụ việc sửa xe ở nhà Phù Ái, cộng với sự thông minh, vốn có của mình Lãm đã có chút tay nghề tạm gọi là lanh lẹ. Thế nên ông Cống tỏ ra khoái cậu “ét” mới. Ông gọi Lãm bằng con, Lãm kêu ông bằng chú. Khách đi xe đinh ninh họ là chú cháu ruột.

Ông Cống không phải là chủ một hãng xe lớn. Vốn liếng của ông chủ yếu nhờ ở bà vợ buôn dừa. Một thời trẻ trung, bà Cống từng qua tận Hồng Công hoặc Mã Lai áp tải dừa về đến Đà Nẵng, Huế. Nhưng chẳng được nhiều. Tiền vào chẳng bù nổi tiền ra. Bà nghén tám lần mà sa mất năm. Sức khỏe ngày một kiệt. Ông tậu được chiếc xe nhưng không ai đi “ét” vì ba con của ông đều là con gái. Bà Cống phải đi phụ xe, cốt là thu tiền chứ còn quay máy, buộc hàng lên nóc thì tự ông phải làm lấy. Rồi đến khi bà yếu không đi nổi nữa thì cô con gái lớn đi thay. Nay đến lượt con gái lấy chồng. Cái số nhà ông đưa đẩy thế nào lại tìm được một anh phụ xe nhanh nhẩu như Lãm. Thành thử hai người đều quý nhau thực sự như những con người trong vận hạn cần sự bấu víu che chở lẫn nhau.

Sau đêm bị bọn cướp chặn đường, ông Cống ngừng chạy xe. Ông làm đơn trình lên cảnh sát quận. Bốn ngày trôi qua chẳng có hy vọng gì.

Lãm đã khỏe trở lại. Ông Cống lên gặp cảnh sát lần nữa. Họ trả lời với ông rằng cảnh sát đang được lệnh truy tìm thủ phạm. Ông lại thấp thỏm chờ đợi.

Đêm đó Lãm bắc chiếc ghế dưới giàn đỗ ván ngồi hóng gió. Tháng tám mưa nhiều, thị xã dễ chịu hơn. Gió nồm thường lên sớm và sương giăng li ti trong màu sáng nhợt nhạt của đèn đường. Tự dưng Lãm thấy buồn. Có nỗi nhớ vô định hướng len lỏi trong tâm khảm anh, cũng như trong lịch trình cuộc đời, chẳng có cái gì ổn định. Có chăng là sự cô đơn trơ trọi. Những ngày ở miền Bắc anh đã tự tách mình ra vì tự cho rằng mình là dòng dõi gia đình có nợ máu với cách mạng. Những ngày ở miền Nam anh cũng không thể hòa nhập được vì lại tự thấy dầu sao mình cũng là một thằng ở thế giới khác lọt vào. Còn gia đình ư? Lại càng không có chỗ cho nỗi nhớ kết tổ… Thế nhưng anh vẫn nhớ một cái gì đó? Hình như đó là sự bình lặng của tuổi thơ. Dầu sao anh cũng đã có một tuổi thơ yên vui trên đất Bắc, mặc dù hồi ấy anh không thể ý thức được đấy là một hạnh phúc.

Trăng lên, Trăng nhàn nhạt trong sương. Cả ánh đèn điện nữa cũng không đủ sáng. Cái tiềm thức của Lãm giờ này như nhòe vào trong màn sáng mơ hồ kia. Hình như ngoài đó đang bị ném bom? Anh nghe những người khách đi xe kháo chuyện với nhau như vậy. Nghĩa là hai bên đã choảng nhau. Thật khó mà mường tượng hết những gì đã thay đổi. Nhưng Lãm thấy buồn. Khoảng yên ổn trong nỗi nhớ của anh cũng đã bị xáo trộn.

Có một người lù lừ bước vào cổng. Lãm nhìn thấy nhưng không để ý. Lòng anh đang tan loãng trong một cơn buồn man mác như sương rơi. Người đó bước lại gần Lãm. Một hương vị lạ phả tràn mặt anh.

– Anh Lãm làm cao dữ hí. Gặp nhau không được lấy tiếng chào!

Lãm như bừng tỉnh. Hai chân anh luống cuống đứng lên nhưng cả thân hình lại gắn bệt xuống ghế. Trời ơi, ma quỷ nào lại dẫn nó đến đây? Miệng Lãm líu lại nói không thành câu:

– Cô… Kim Chi… đến…

– Phải rồi – Kim Chi cười to một cách lộ liễu – ở đây dễ chịu hí?

– Dạ… mát lắm.

– Không, tôi nói ở với cái ông chủ mới này cơ, hẳn là hậu hĩ lắm nên anh mới bỏ việc nhà tôi.

Lãm cố nén cái giọng mất bình tĩnh của mình để tỏ ra cứng rắn:

– Đừng nói vậy mà tội cô Chi ạ. Mẹ tôi ốm nặng, tôi phải tạm nghỉ việc. Rồi chạy vạy được ít tiền thuốc thang cho mẹ, nay phải làm trả công cho người ta.

Kim chi bỗng cười khanh khách:

– Giỏi thiệt. Răng anh không nhập bọn với một gánh tuồng…

– Cô Kim Chi bảo tôi nói dối?

Kim Chi bất ngờ đập một tay lên vai Lãm. Anh cố né tránh nhưng không kịp. Bàn tay con gái đã áp chặt như một quả tạ đè bẹp anh xuống ghế. Một chân Kim Chi cũng đột ngột đạp lên mép chiếc ghế. Cử chỉ suồng sã quá khiến Lãm nhíu chằng mày lại.

– Thứ nhứt, anh không hề có một người mẹ nào ở vùng này cả. Ở đây anh chỉ có bà thím. Thứ hai anh không hề vay mượn tiền nong gì lão Cống này cả.

– Này, này…

– Im nào, Kim Chi đã đến tận nhà thím anh rồi. Nhưng thôi, chẳng nói chuyện đó nữa. Đừng có trợn mắt lên thế, Kim Chi không biết sợ đâu. Chỉ khuyên anh không nên nói dối…

Lãm thấy khó thở, anh xoay xoay người trên ghế:

– Việc chi mà… cô điều tra dữ vậy?

– Phải điều tra chứ. Tự nhiên vắng anh, tôi… tôi mất thăng bằng quá sá…

– Này, đừng có giỡn hoài.

– Ai giỡn? Chẳng lẽ anh không biết tôi yêu anh à?

Lãm há tròn miệng ra. Còn Kim Chi thì bỗng nhiên nổi cáu:

– Đồ phụ bạc. Tôi tưởng anh phải khác người ta kia. Không ngờ cũng là một tuồng cả…

Lãm cũng bắt đầu cáu:

– Cô bảo cái tuồng chi?

– Hừ, anh còn lạ lắm à? Tất tật đàn ông ở cái vùng này đều là đồ chó má cả.

– Hỗn.

– Phải, tôi hỗn thế đấy. Nếu không thì đã bị ăn thịt từ lâu rồi.

Lãm thấy ngán ngẩm thật sự. Anh không ngờ câu chuyện lại đẩy đến mức này.

– Thôi, cứ cho rằng cô có lý. Nhưng bây giờ… tôi là người làm của ông Cống. Tôi với cô chẳng cho chi dính líu nhau cả…

Kim Chi bất ngờ quay phắt lại:

– Bai hả? Cũng được. Nhưng có mở đầu thì phải có kết thúc chứ?

– Thế là thế nào?

Kim Chi hạ chân trên ghế xuống đất, khoanh tay lên ngực và hơi quay người đi:

– Đêm mai bằng chừ, hẹn gặp anh ở bãi sông gần Cảng.

– Không. Không đời mô tôi đến cả.

– Tôi đợi…

– Mặc cô. Đừng hòng tôi đến.

– Nhất định anh sẽ đến.

– Gớm chưa? Tôi ghê tởm cô, hiểu chưa?

– Hiểu. Đêm mai bằng giờ nghe! Bai!

“Không bao giờ”, “nhất định thế”. Suốt đêm đó, suốt cả ngày hôm sau nữa, Lãm cứ vật vã đến nôn nao vì quyết tâm đó. Ông Cống quyết định chạy xe nhưng đổi vào tuyến Diên Sanh. Đường êm như rải nhung. Nhưng người Lãm cứ thỉnh thoảng lại nảy xốc lên cùng với tiếng kêu thảng thốt ở trong đầu: “Không đến!”, “không thèm nghĩ tới”.

Nhưng vẫn nghĩ. Lạ quá, Lãm cố xua đuổi bao nhiêu thì ý nghĩ quái gở ấy lại lồng lên. Trong anh vừa có sự ghê tởm, vừa cảm thấy hãi hùng, nhưng len vào đó – mà mỗi lúc lại mạnh mẽ thêm lên – cảm giác khao khát.

Mới hơn mười bảy tuổi đầu, anh chẳng có chút suy tư gì phức tạp về chuyện này, cũng không mường tượng nổi những gì sẽ xảy ra, xảy ra như thế nào? Chỉ láng máng trong đầu dăm trang sách tình yêu và mấy lần bắt buộc ngồi nghe đám thợ ở nhà Phù Ái tán chuyện tục tĩu. Từ trước tới nay anh vẫn coi những chuyện ấy là chuyện của người lớn hơn, của kẻ khác. Và cũng không phải không có lần anh lóe lên ý nghĩ, tại sao mình không thể có được những chuyện ấy? Ở lứa tuổi anh đối chọi với bản thể ngây thơ là những ham muốn già dặn. Ai cũng mong mình được thừa nhận là già dặn.

Lãm ăn cơm chiều vội vã. Vội vã trong cảm giác chạy trốn. Hớp vội ngụm nước, Lãm đi nhanh ra đường cái. Đường hãy còn đông người. Lãm cúi đầu cuốc bộ, cố tình lẩn tránh mọi người. Thực ra có ai để tâm đến anh đâu. Lãm lang thang vòng qua khu chợ, len lỏi vào tận những ngõ phố tối như bịt mắt. Ngột ngạt quá. Ở những lối phố này gió chiều nào cũng không vào được. Anh nhoi ra hướng cửa sông. Gặp gió. Gió táp phầm phập vào mặt anh. Nhưng sao vẫn khó chịu. Có cái gì đó không tháo gỡ được trong cõi vô thức của anh. Lại đi nữa, Lãm ra đến đầu cầu. Ở đây có dễ chịu hơn đôi chút. Anh cứ lần theo cảm giác dễ chịu ấy mà mon men đến đầu bến cảng. Cái dễ chịu đang gậm nhấm anh trong cảm giác đê mê. Đi nữa, thậm chí còn bước vội hơn, bước lập cập như chạy. Rồi thì lúc nào đó không rõ, người anh run lên như đang sốt. Mà đúng thật, anh đang sốt. Cả người hâm hấp nóng, mồ hôi vã ra. Anh chạy. Ngực dội tràn trề hơi thở. Vượt qua một mặt bằng rộng rãi, anh len vào phía có những đụn cao sắt thép. Gió thổi ào ào. Hơi sắt gỉ phả ra hừng hực. Cảm giác nóng, lạnh trộn lẫn nhau. Rồi đột ngột anh đứng sững lại. Kim Chi! Tại sao mình lại đến đây hè? Chao ôi là ngu, ngu hơn con bò. Lãm run rẩy và bất lực.

– Có vẻ vội rứa ông anh? Kim Chi nói nhỏ nhưng giọng cô cũng run run.

– Chẳng vội…

Lãm nói rồi, bất ngờ bước nhanh tới một bước. Ở đó, đúng vào phía trước bàn chân anh, Kim Chi đã đợi sẵn. Hai vòng tay đột ngột ôm choàng vào nhau, ghì chặt…

Lúc này, phía trên thị xã bất ngờ rú lên một hồi còi. Có tiếng xe rú máy. Hình như cảnh sát đang săn đuổi một toán cướp. Đêm nào chẳng thế. Nhưng vào hoàn cảnh này cả hai người dưới bến cảng đều bỗng thấy sợ hãi. Sự sợ hãi chen trong đam mê. Và sự đam mê nhận ngập họ ngồi bệt xuống đất, rồi lại xoài mình ra như những thỏi sắt đang hầm hập lên nhiệt. Đầu óc Lãm mụ lại tối tăm như mặt sắt gỉ. Bất ngờ Kim Chi ngồi vọt dậy, xốc lại tà áo:

– Hám dữ vậy, ông nội?…

– Em… em chiều anh…

– Con nít.

Lãm đỏ bừng mặt, véo vào chân cô gái:

– Đừng giả đò nữa. Này…

Sau tiếng “này” hoặc là đồng thời với tiếng ấy, chắc chắn Lãm đã có một động tác gì đó khá quyết liệt. Nhưng bất ngờ một tiếng “bép” vang lên giòn như tiếng cá đớp mồi. Lãm sững người. Phải mấy giây sau anh mới ý thức được rằng mình bị tát. Một cơn uất giận tràn lên chẹn họng anh. Nhưng anh chưa kịp làm gì thì Kim Chi đã đứng dậy. Cô đứng dậy ngay trước mặt Lãm phủi cát trên quần áo và ngẩng thẳng mặt bước đi. Lãm vẫn ngồi chết nghẹn bởi uất ức. Cho đến khi bóng Kim Chi nhòa vào trong những bóng đen sắt thép thì Lãm mới rít lên được một câu trả thù: “Đồ rắn độc!”.

Có một sự việc nghiêm trọng đã xảy ra trong lúc Lãm đang ngập chìm trong sự đam mê ngu ngốc ở bến cảng. Một toán cướp đã trấn lột nhà ông Cống. Cả hai vợ chồng ông Cống đều bị trói chặt vào buồng và hai tên cầm dao nhọn dí vào bụng hai cô gái. Nếu một trong bốn người lên tiếng thì máu sẽ chảy. Chúng lần lượt khuân đồ đạc ra khỏi nhà, không trừ lại một vật gì đáng giá vài trăm bạc. Chưa hả hê, toán cướp còn mở nắp đầu xe, tháo bộ máy phát điện và bình ác quy. Sau khi chuyển đi một cách êm thấm mọi của cải, một trong hai tên cầm dao nhọn từ trong buồng bước ra, dùng sơn quệt lên tường dòng chữ nguệch ngoạc: “Hãy dựa vào cảnh sát mà sống”.

Lãm về đến nhà nhìn thấy cảnh tang thương ấy mà không cầm được nước mắt. Ông Cống ngồi rũ rượi ở góc nhà. Bà Cống khóc đã khản tiếng, thỉnh thoảng lại rú lên như con bệnh cuồng dại. Bà nhai đi nhai lại một lời oán trách chồng:

– Đã bảo đừng có thưa trình với cảnh sát nữa… Rứa mà cứ … hu…hu…

Cũng có nhiều người đến thăm. Cũng thở ngắn than dài. Vài ba lời chửi đổng. Một ông thợ gò thùng ở cuối phố sau một lúc nghiền ngẫm như một nhà triết gia thì buông thành lời tán đồng ý kiến của bà Cống:

– Thím nói đúng. Giá như chuyện bữa trước nhà mình cứ cho qua đi, đừng chạy lên chạy xuống cảnh sát nữa thì chắc chúng nó không đến nỗi mò vào tận nhà mình đâu. Thực là dại.

3

Như vậy là ý đồ trả đũa của toán cướp rất rõ. Không chỉ cuỗm hết tài sản trong nhà mà còn cố tình không cho ông Cống tiếp tục chạy xe nữa. Lãm bước ra khỏi nhà ông Cống trong một nỗi buồn tê tái. Có chen chút ân hận. Giá như đêm đó anh đừng ra cảng. Anh có thể làm được gì nếu có mặt anh ở nhà lúc sự việc xảy ra? Chẳng phải anh cũng đã chạm trán một lần và chuốc lấy sự đau đớn đến ê ẩm thân xác đó sao? Tuy vậy, thà thế còn hơn.

Lãm không nỡ lấy tiền công tháng ấy. Anh lang thang ra chợ. Chẳng còn một nơi nào bấu víu. Nhưng anh không thể đi xin. Nhục nhã quá. Lại càng không thể móc túi. Tàn ác bất lương quá. Dầu sao mình cũng là thằng thanh niên miền Bắc vào, chết gục vì đói thì chớ cũng không bắt chước đám bụi đời ở đây được.

Nhưng đói là một thực tế không cách chi lẩn tránh nổi. Cái đói làm đôi chân Lãm không lang thang được mãi. Lãm ngồi bệt xuống một góc chợ, lòng tan nát trong bao nỗi u uất và cô quạnh. Ừ, có lẽ mình là người cô quạnh nhất trên đời. Chưa bao giờ lại thấy cồn cào thèm khát một quê hương, một gia đình như những ngày hôm nay.

Trên đời này có mấy kẻ phiêu diêu, cô độc như anh? Họ sẽ sống bằng gì trong những ngày đầu tiên? Lãm cố nghĩ. Chuyện chàng Rô – bin – xơn thì không thể học được. Chuyện vợ chồng An Tiêm ra đảo cũng không thể noi theo. Bởi Rô – bin – xơn hay An Tiêm sống được trước hết nhờ có được một mảnh đất riêng. Có đất mới tính đến chuyện gieo lúa, trồng dưa chứ. Còn chuyện ông Phù Ái? Mười phần thì nói phét hết chín. Ờ, nhưng cái phần còn lại vẫn có thể tin được. Phải lắm. Một con người bơ vơ có thể bắt đầu từ bên lề chợ. Công việc là gánh thuê. Có lý lắm. Lãm chợt vùng dậy đảo mắt nhìn quanh. Chợ tan rồi. Hôm nay đành nhịn đói. Nhưng ngày mai… ngày mai ta sẽ là một Phù Ái.

Chỗ nào có quang gánh nặng, có thùng hòm to, có những bì tải lấm láp bùn đất là chỗ đó có mặt Lãm. Lúc đầu còn e dè, Lãm thường kiên trì đứng cho đến khi nào có một lời nhờ cậy chính thức mới ghé vai vào. Nhưng những lời tử tế thì hiếm mà tiếng quát mắng đầy quyền thế lại nhiều. Thôi, cũng được. Miễn là người ta vẫn cần mình. Dầu sao họ vẫn cần thì mới nhắc đến mình, còn quát mắng là tính nết đương nhiên của những người có tiền bạc. Dần dần Lãm mất hết sĩ diện, coi thường tất cả. Không đợi lời mời, cũng không chờ quát mắng, anh cứ xông bừa vào. Cứ làm, cứ đòi tiền. Có xua đuổi cũng bâu vào. Rồi mỗi kẻ một đường, ai biết mình là ai. Lãm tự an ủi vậy.

Một buổi tối – những biến cố trong cuộc đời Lãm hay bắt đầu bằng những buổi tối – khi ác gian hàng xén đã phủ kín vải nhựa, những chủ hàng nằm đủ kiểu vất vưởng gối đầu, kê chân lên hàng, vừa nhai cái gì đó trong mồm vừa lim dim ngủ thì Lãm cũng lúi húi tìm cho mình một góc nhà khô ráo nhất trong cái đình chợ nhão nhoẹt nước ấy để ngả lưng. Bất ngờ có tiếng gọi:

– Này anh…

Rõ ràng có tiếng gọi. Lãm nghe sát bên tai nhưng vẫn tảng lờ. Bởi đã chắc gì người ta gọi mình. Lúc này không còn là lúc mà bất kỳ tiếng gọi nào cũng làm anh hớt hải chạy đến.

– Anh chi đó ơi… giúp cho tay nè…

Bất đắc dĩ Lãm quay lại. Một cô gái đang nhìn anh, ánh mắt vừa có vẻ cầu van lại vừa đầy lưỡng lự, thăm dò.

– Mệt rồi.

– Gắng chút xíu. Em cũng mệt phờ ra đây.

Cô giá vừa nói vừa quệt tay áo lên mặt. Có lẽ cô cũng không ít tuổi hơn Lãm. Nhưng dáng bộ hình hài Lãm trong những ngày này ai cũng phải đoán anh trên dưới hăm lăm, hăm sáu. Lãm biết vậy và anh thường cố tình cau mày lại cho có vẻ già hơn.

– Răng chừ mới dọn hàng?

– Không. Em không phải dọn ở chợ mà cất hàng từ Huế ra. Xe chót mà.

– Hàng chi?

– Sắt.

Lãm chần chừ một tý rồi cất bước. Cô gái chạy trước, vừa chạy vừa kể lể nỗi vất vả của việc chạy hàng. Lãm đi nước sải, đầu cúi thấp, không nói không rằng. Nhưng anh vẫn để tai nghe. Nghe mà chẳng hiểu gì cả. Anh chỉ nhận thấy một điều, cô gái nói chuyện rất dễ ưa.

Hai bì tải sắt vụ được chất vào hai chiếc gióng sắt. Đòn gánh là một đoạn tre già. Lãm ướm thử lên vai, nặng đến mức muốn đùn các đốt cột sống lại. Tuy vậy, anh vẫn bước đi. Cô gái vẫn ở phía trước nhưng bước có chậm hơn. Họ đi men phía dưới chợ, tắt ngang qua hai ngõ phố tối om rồi rẽ lên theo hướng đường 9. Đau vai quá. Cái gộc tre như cưa, như xé vào vai Lãm. Rất nhiều lần bước hụt chân vì một ổ gà trên ngõ tối, cả người Lãm ngã chúi về phía trước, gánh sắt được thể dồn tới như muốn đè bẹp anh. Lãm định đặt xuống nghỉ một tý, nhưng máu sĩ diện nổi lên, anh cắn răng bước tiếp.

– Đây rồi, rẽ vô đây anh. May quá, đặt xuống đi! Mạ ơi. Ba ơi! Mở cửa…

– Con Hòa phải không? Răng về tối rứa?

Tiếng cửa kẹt mở. Một người đàn ông ốm yếu bước ra tay bê chiếc đèn dầu.

– Có hàng à? Mấy yến?

Cô gái vừa thở vừa bước vào nhà:

– Tạ mốt. Nặng hết hồn. May mà… à, vô đây đã anh!

Lãm đang sửng sốt vì số lượng hàng vừa đặt trên vai, nghe tiếng gọi anh bỗng lúng túng:

– Dạ… thôi. Tôi phải về.

Người đàn ông cầm đèn đưa cao lên soi ánh sáng vào mặt Lãm:

– Anh về đâu? Nhà ở chỗ nào?

Lãm cúi đầu không nói. Một nỗi đau nhói lên trong ngực anh, còn đau hơn nhiều lần vết xước trên vai.

– Anh ấy thường ngủ ở chợ ba ạ – cô gái đã bê ra một cốc to nước. Anh uống nước đi. May mà có anh chứ không thì em chịu chết.

Lãm hơi ngờ vực trước những lời đầy ơn nghĩa đó. Có gì mà ơn huệ kia chứ. Kẻ có tiền bỏ ra thuê, đời nào lại đi cám ơn nhưng thằng vai u thịt bắp. Hay họ định lấy lời ngọt mát ấy để bớt tiền? Đúng là dại, mình không hỏi giá trước.. Ừ, sao ngốc thế!

– Anh vào nhà tí đã.

Người đàn ông nói vậy rồi bước ra ướm thử tay vào bỉ tải.

– Chết thật, thế này thì… ái chà.

Ông ngần ngừ nhìn cậu thanh niên, lúng túng như người có lỗi.

– Chà, phiền quá, nhưng có lẽ nhờ anh gắng cho một đoạn vô trong kia…

Lãm khẽ thở dài. Đúng là đã đa mang thì phải đèo bòng. Anh khom người xuống, đặt gộc tre lên vai. Lần này thì quá nặng. Lãm đã mấy lần liền mới nhấc nổi hai bì sắt lên khỏi mặt đất. Lãm bước đi chếnh choáng. Người đàn ông hấp tấp đi trước soi đường chúi qua chiếc máng hứng nước, họ bước vào nhà trong. Một gian lều bừa bộn những sắt thép, than củi.

– Thôi được rồi, may quá! Cứ vứt đó đã. Anh lên trên ni uống nước…

Người đàn ông cầm đèn đi trước, Lãm lặng lẽ theo sau. Cô con gái lúc này đã thay bộ đồ mới. Khuôn mặt vẫn hừng đỏ và lấm tấm mồ hôi. Bà mẹ đang lúi húi dọn cơm cũng ngẩng dậy chào anh. Một không khí thân mật có vẻ như không dối trá. Lãm bình tâm trở lại. Anh đỡ cốc nước trên tay cô gái đưa lên uống và sửng sốt nhận ra, cốc nước có pha bột xi – rô.

– Chà, anh khỏe dễ sợ. Ngày tôi còn trẻ cũng khỏe lắm, nhưng chắc chắn không bì được anh. Rứa nhà ở đâu?

Người bố lại vô tình nhắc câu hỏi cũ.

– Dạ… cháu không có nhà. Cháu gánh thuê ở chợ để kiếm sống…

Lãm quyết định gạt mọi sĩ diện để nói thẳng ra như vậy, cốt là ngăn ngừa cái trò ăn quỵt nếu sự tử tế kia có động cơ ấy. Nhưng hình như cả nhà không ai bận tâm đến dụng ý của anh. Họ vẫn niềm nở thực sự.

– Anh ngồi ăn cơm rau với em nó.

Đến lượt bà mẹ nhìn anh.

– Dạ không, cháu ăn no rồi mà…

– No gì. Cơm hàng cháo chợ… Bà chợt thở dài – cái sức vóc ấy mà ăn uống vất vưởng thì chả mấy chốc rồi cũng tàn tạ. Tui coi bộ anh cũng hiền, sao không kiếm việc gì mà làm, lại lăn ra giữa chợ?

Cực chẳng đã Lãm phải tiếp chuyện:

– Trước đây cháu cũng có việc… nhưng chừ thì…

– Bị đuổi à?

– Dạ không. Nhà chủ tốt lắm. Nhưng hoàn cảnh khó quá không thuê nổi người làm nữa.

Bà mẹ gặt gù có vẻ am hiểu:

– Chắc là vỡ nợ? Buôn bán thời này nó thế đó…

– Dạ không. Nhà bị nạn chứ không phải vỡ nợ.

Câu chuyện khiến cả nhà tò mò hơn:

– Nạn chi? Cháy à?

– Không ạ. Bị cướp.

Cô gái bất ngờ reo lên:

– A, hay là nhà ông Cống?

– Cô có biết à?

– Thôi đúng rồi. Hèn chi em cứ ngờ ngợ. Ba ơi, anh đây là “ét” xe nhà ông Cống đó. Con đã hai lần đi xe nhà đó mà.

Người bố rướn to mắt lên, gật gù:

– Ra thế. Nhà ấy cũng là một nhà tử tế. Tội nghiệp…

Không ngờ câu chuyện lại trở nên thân mật thật sự, Lãm thấy yên tâm hẳn. Và thật là quái quỷ, khi sự ngờ vực lắng xuống thì cơn đói lại trỗi dậy cấu xé. Thế nên đến khi cô gái đích thân so đũa đưa lên mời thì Lãm chỉ lắc đầu một cách yếu ớt, rồi ngần ngừ đưa tay đỡ lấy. Cả nhà bỗng vui hơn:

– Ăn đi anh. Cơm dưa thôi, cũng là nhà nghèo mà. Nhưng cứ ăn cho no bụng.

Để lấy lại sự tự chủ và cố tình không để người ta coi khinh mình, Lãm ăn một cách dè dặt và chủ động kể lại câu chuyện cướp giật ở nhà ông Cống. Sự căm phẫn của anh đã truyền sang mọi người. Ông bố lầu bầu chửi. Còn cô Hòa – Lãm cố nhớ cái tên đó – thì nhìn như dán mắt vào anh suốt bữa cơm. Lần đầu tiên sau bao ngày long đong, vất vưởng, Lãm lại được sống trong một khung cảnh đầm ấm và cảm thương. Anh ăn ít, đặt đũa xuống trước. Khánh Hòa cũng bỏ bát bê vội cả mâm ra rửa. Lãm tự thấy không nên ngồi lâu, câu chuyện sẽ nhạt, niềm cảm mến sẽ vơi đi, anh muốn rút nhanh khỏi căn nhà để được mang nguyên vẹn không gian ấm áp ở đây mà bước tiếp những đêm dài cô độc.

– Thôi, chừ cháu chào hai bác và … cô, cháu phải về.

Bà mẹ nhíu nhanh đôi mày lại:

– Về đâu? Về chợ ư? Tội gì phải hấp tấp vậy. Cứ ngủ lại đây cũng được.

– Cảm ơn bác. Cháu ngủ chợ quen rồi…

Người bố quay vào trong một tí rồi chạy ra hấp tấp giúi vào tay Lãm mấy tờ giấy bạc, Lãm gạt đi.

– Thôi… cháu giúp cô một lát thôi…

– Đừng. Làm công thì phải có tiền công. Đêm tối, hàng nặng mà anh tận tình cho thế là may lắm rồi. Cầm lấy.

Dĩ nhiên Lãm không từ chối thêm lần nữa, bởi anh biết đêm nay, ngày mai nữa, tiền đối với anh là sự sống còn.

Khánh Hòa bước ra đến cửa nhưng không nói gì. Người bố bê chiếc đèn giơ cao lên soi lối, Lãm chào cả nhà một nữa rồi bước ra. Người bố cầm đèn đi theo. Đến cuối sân Lãm quay lại:

– Thôi, bác vô đi. Cháu đi đêm quen rồi.

– Thiệt khổ… toàn quen với cái cực. Này cháu… hay là…

Lãm hơi dừng chân lại. Người bố cũng tần ngần xoay xoay ngọn đèn dầu:

– Hay là… bỏ chợ đi, đến làm giúp cho bác. Việc ở đây thì hơi nặng, toàn búa với đe thôi. Được cái không đến nỗi vất vưởng…

Lãm biết ông nói một cách thực tâm. Anh ngước nhìn lên. Cả bà mẹ lẫn cô gái vẫn đứng trên thềm cửa. Chao, làm sao lại có một ngôi nhà ấm áp như thế lọt vào giữa cái ngõ hẻm mịt mùng này? Có cái gì đó vẫn còn chập chờn trong óc Lãm như bóng tối lung lay phía ngoài ngõ.

– Cháu… cảm ơn bác. Dạ… để cháu coi coi thử đã.

– Ừ, tùy cháu. Ở với bác thì vui nhưng cũng chẳng sung sướng bằng nhà người ta đâu.

– Dạ.

Lãm quay người đi. Vầng sáng ở lại trong sân ngõ nhà lợp nứa. Bóng tối vẫn hun hút phố hẻm. Lãm lần dò từng bước trong màn đen mung lung đó, lòng rối bời bao hy vọng lẫn ngờ vực lo âu.

Gia đình ông Trương Phú là một trong những căn hộ gốc gác lâu đời ở đây. Nhưng về nghề rèn, nguội thì mới. Thuở trước, Trương Phú là dân Vạn Nôốc. Cuộc sống trôi giạt theo ngọn triều, lúc lênh đênh ở ngã ba sông phía hạ lưu Cửa Việt, khi lại vật vờ như đám lá súng bên mép chợ Đông Hà. Sông không nuôi nổi người. Dần dần đám dân Vạn Nôốc bỏ thuyền lên đất. Cái nghề đầu tiên trên đất của vợ chồng Trương Phú là nhặt nhạnh vỏ hộp, vỏ chai đem về bán cho người buôn Huế. Dạo đó hàng giải khát ở Huế bắt đầu phát triển, mà vỏ hộp, vỏ chai ở ngoài vùng chiến thuật I này lại nhiều vô kể. Sau một thời gian, Trương Phú bắt đầu học được cách gò các mảnh hộp thành cây đèn dầu hỏa. Từ gò đèn dầu chuyển lên gò thùng, gò chậu. Cứ đà ấy ông thành thợ nguội. Còn việc mở lò rèn than có muộn hơn một chút. Đó là thời kỳ hàng sắt của quân lực ngập tràn ra khu vực này nhiều vô tội vạ. Không khí chung là sắp sửa đánh nhau, sắp sửa “Bắc tiến”. Hệ thống công sự được triển khai xô bồ từ Cửa Việt lên tận Khe Sanh, Lao Bảo. Sắt theo từ dưới tàu chở lên, quá nửa bay ra chợ trời. Những nhà giàu bắt đầu đổ móng xây lầu. Thợ rèn cũng được đà mà phất.

Thế là, mặc dù đã sống trên đất, nhưng cuộc sống của những gia đình kiểu Trương Phú cũng rập rình, trôi giạt chẳng khác gì lúc còn ở dưới sông…

Có lẽ trong đời mình, những ngày ở với gia đình Trương Phú là hạnh phúc và thanh thản nhất đối với Lãm. Việc quai búa, kéo bễ tuy có nặng nhưng không quay cuồng gấp gáp như nghề sửa xe hay phụ lái. Hơn nữa không khí trong gia đình thực dễ chịu. Cô Khánh Hòa ngày hai buổi dọn hàng ra mặt trước cửa nhà. Hàng gồm dao, kéo, thùng, xô châu, và nhiều nhất là bản lề. Nhà ở Đông Hà dạo này sinh ra lắm cửa. Cửa tiếp khách, cửa vào chỗ làm, cửa tuồn hàng lậu, chưa kể hòm xiểng tủ sập… Bản lề sản xuất bao nhiêu bán cũng chạy. Công việc ở trong lò chủ yếu là ông Phú và Lãm. Còn có cậu em trai chừng mười hai tuổi giúp việc. Hồi Lãm chưa vào làm, cậu ta phải giữ chân quai búa. Tội nghiệp, cái dáng gầy mảnh khảnh giống bố của nó cứ dướn lên, khom xuống bở chiếc búa quá nặng. Quần tuột xuống ngang xương mông. Tóc tai dính bết mồ hôi, mắt sâu hóp lại. Bây giờ mọi việc nặng nhọc ấy Lãm cáng đáng hết. Nó được cầm búa nhẹ gò bản lề, hoặc gạt than, thay nước tôi.

Điều làm cho Lãm dễ chịu nhất là từ ngày về ở nhà này, tâm trí anh tự nhiên không còn vướng vất gì hành ảnh Kim Chi nữa. Một cái gì đó mát lành đã len lỏi và trong tâm khảm anh, thấm dịu vết đau của cái tát sỉ nhục. Sau đêm ở bến cảng, rồi tiếp theo là sự tan nát trong gia đình ông Cống, Lãm luôn sống trong dặt vặt và ám ảnh. Những đêm không ngủ được. Lãm trợn trừng mắt lên, muốn lao đi tìm Kim Chi. Tìm để trả thù, để vặn cổ, để nhiếc móc… Anh tự mường tượng ra muôn ngàn hình thức rửa hận và bỗng thấy cay đắng bởi không hiểu vì sao ngay sau cái tát ấy mình không nghĩ được ra cách trả thù như bây giờ. Hầu như không một đêm nào anh không sùng sục nghĩ đến Kim Chi. Có lần anh đã hằm hằm bước đi gần quá nửa đường thì dừng lại. Vẫn có cái gì đó thật khó gọi tên trong anh. Anh tự lục vấn mình. Vì sao mình không dứt ra khỏi sự ám ảnh của “con rắn độc” ấy? Phải chăng chỉ vì uất ức, muốn trả thù? Hay còn có nỗi khát khao thèm muốn? Không! Lãm như muốn kêu to lên. Sao lại thế được? Đốn mạt quá Lãm ơi! Nhục nhã quá mày ơi!

Khánh Hòa cũng có cái tật là hay nhìn trộm Lãm. Những buổi đầu Lãm cũng thấy ớn lạnh. Lẽ nào “ngài rắn” lại ám cả vào nhà này? Nhưng dần dà anh nhận ra cái nhìn Khánh Hòa khác hẳn Kim Chi. Cái nhìn có nét ngạc nhiên, có tia vui thích và rồi cuối cùng là một cái gì đó rất chan chứa. Cái nhìn như thầm đoán, cân nhắc, đánh giá. Dĩ nhiên Lãm cố tránh tất cả. Anh muốn yên ổn.

Tuy vậy không phải không có lúc hai người nói chuyện riêng với nhau. Đấy là những khi ông Phú thay con đi chạy hàng. Bà Phú ra chợ.

– Quê anh Lãm ở đâu hè?

– Ở đây chứ đâu.

– Bịa

– Bịa thì thôi.

– Răng em trông lúc nào anh cũng ngơ ngơ ngác ngác. Có lần ba em bảo đi đến một ngõ phố rất quen mà anh cũng chẳng biết hướng nào…

– À, tại vì anh sinh ở đây nhưng lớn lên chủ yếu ở Cần Thơ…

– Răng không nói tiếng đằng trong?

“Chết thật, cô ta để ý mình tỉ mỉ quá! Mà để ý làm chi hè?”. Lãm bỗng thấy nổi gai khắp người. Không thể kéo dài cách trả lời thụ động như thế được. Lãm tấn công trả lại:

– Khánh Hòa dò xét tôi ghê quá. Trông tôi có vẻ gian xảo lắm à?

Khánh Hòa bật cười. Cái cười quá hiền hậu:

– Tại vì trông anh hiền quá, chẳng giống con trai quanh chợ này.

Lãm cười ngượng nghịu:

– Tại vì… tôi vốn đần độn… chẳng có chút khôn ngoan nào…

Khánh Hòa trìa dài chiếc môi dưới, nguýt dài:

– Điêu… Đần như anh cho thiên hạ nhờ.

Nói chuyện với Khánh Hòa thật dễ sợ. Khó mà bịa đặt, giấu giếm được điều gì trước những câu hỏi bất chợt, những nhận xét tinh tường của cô ấy. Nhưng Lãm vẫn thích được nói chuyện, ít nhất là mỗi ngày một lần. Hình như Khánh Hòa cũng vậy.

Rồi có lần Khánh Hòa lại chạy hàng vào trong Huế. Những chuyến vào Huế thường mất hai ngày, có khi chậm đến ba ngày. Những ngày đó Lãm thấy căn nhà trống tráng hẳn. Có chuyện gì thế nhỉ? Nhớ ư? Lãm giật mình như giẫm phải hòn than nóng. Buổi chiều Lãm ra bến xe đứng đợi. Anh làm việc đó theo lời cậy nhờ của ông Phú hoặc bà Phú. Nhưng anh thường ra sớm hơn thời điểm bình thường của chuyến xe chót chạy từ Huế ra. Đợi và buồn. Chẳng rõ vì đâu nữa.

Nhiều lần thành lệ quen. Khánh Hòa nhảy xuống xe là đảo mắt một lượt rồi reo to: “Anh Lãm! Nhanh lên!”. Họ xúm lại khiêng những bao tải sắt cho vào gióng. Lãm rán sức gánh lên. Khánh Hòa đi trước thỉnh thoảng ngoảnh lại, mồm liến thoắng bao nhiêu chuyện. “ Hôm qua tụi cảnh sát với biệt động nện nhau chí chết ở bến Đông Ba..”, “ui cha, bữa ni có một anh bán thuốc võ giỏi dễ sợ. Anh ta tự đâm vào ngực mình một thanh gươm dài thế này này…” Khánh Hòa dang tay ra để ước lượng chiều dài của thanh gươm. Tay cô vương qua mặt Lãm.

Những buổi tối có hàng về, cả nhà vui hẳn lên. Khánh Hòa bô bô kể chuyện một lúc rồi lăn ra ngủ. Ông Phú đổ các bì sắt ra lựa thành từng loại. Còn Lãm không sao ngủ sớm được. Anh đút tay vào túi quần tha thẩn đi ra đường, mồm se sẽ huýt sáo. Rồi có khi cao hứng anh hát:

“Có con chim cúc cu, kìa nó hát lên một câu rằng, có một nàng lạc trong rừng…”.

Lâu lắm, anh như quên bẵng giọng hát của chính mình.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN