Người Không Thể Bỏ Lỡ - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4721


Người Không Thể Bỏ Lỡ


Phần 8


Chớp mắt một cái cũng đến tết âm lịch, năm nay là mùa xuân đầu tiên của con gái tôi và cũng là cái tết đầu tiên mà tôi không còn Ngọc bên cạnh nữa…

Chiều ba mươi tết, tôi đi mua một ít tiền vàng và mấy đồ dùng hàng mã linh tinh, leo lên tầng thượng chung cư rồi đốt cho nó. Cứ nghĩ mọi năm vào thời điểm này tôi và nó đang tổng hợp tiền lương thưởng ở chỗ làm thêm rồi chia ra, một nửa nhét vào lợn để dành cho năm sau, một nửa đem đi mua vài bộ quần áo mới, dù mua đồ rẻ tiền thôi nhưng đứa nào cũng vui. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, bây giờ mỗi đứa đã ở mỗi thế giới rồi, không bao giờ có thể gặp lại được nữa.

Tôi nhớ nó đến cồn cào ruột gan nhưng không dám khóc, chỉ lặng lẽ nói:

– Mày ơi, con biết lật rồi đấy mày ạ. Hơi chậm nhưng thế là được rồi mày nhỉ?
– Vèo một cái mà mày đi được hơn nửa năm rồi đấy, tết năm nay chỉ còn mình tao thôi. Mà sau này cái tết nào cũng chỉ có mình tao thôi mày ạ. Không còn mày nữa rồi. Hứa hẹn bao nhiêu thứ mà giờ chẳng thực hiện được nữa, mày bỏ hết lại mà đi rồi.
– Hôm nay 30 tết rồi đấy, tao lập cho mày cái bàn thờ nho nhỏ ở nhà tao, mày về nhà tao ăn tết cho ấm nhà ấm cửa với tao nhé. Bố tao bảo năm nay về ăn tết, nhưng còn Bống nữa nên tao không về, chỉ thỉnh thoảng chạy về bên đó ăn cơm thôi. Xong tao về bên này với mày nhé. Quần áo này tao mua cho mày đây, năm nay tao với mày vẫn có quần áo mới mày nhỉ?

Giấy vàng mã cháy rồi lụi tàn, tựa như quãng thời gian bên nhau của chúng tôi, vui vẻ được một thời gian rồi nhanh chóng vụt tắt. Tôi đợi đến lúc tiền vàng chỉ còn một đống tro tàn mới thở dài một hơi, đứng dậy chuẩn bị sang nhà bố ăn cơm tất niên. Trên đường đến đó, tự nhiên tôi lại nhận được điện thoại của mẹ.

Nhìn thấy số bà ấy, trong lòng tôi lại càng thêm trĩu nặng. Mẹ tôi hỏi dạo này thế nào, có khỏe không, tôi thì quen với việc mình có mẹ cũng như không rồi nên chỉ nhàn nhạt đáp:

– Con vẫn khỏe, chưa chết được đâu. Mẹ không phải lo.
– Cái con này ăn nói hay nhỉ? Mẹ gọi điện thoại về hỏi thăm mà nói thế à?
– Con nhớ con gọi điện cho mẹ cách đây nửa năm rồi, mẹ không nghe máy, nửa năm sau mẹ mới gọi điện lại. Sao mẹ không để tròn một năm mà gọi luôn cũng được.
– Ờ thì bây giờ mày ở với bố, ăn sung mặc sướng, có phải lo gì đâu. Mẹ thì vất vả kiếm tiền, thời gian đâu như bố mày mà suốt ngày chăm lo cho mày.
– Vâng, mẹ kiếm tiền đi đánh bài bên Campuchia. Đánh mãi vẫn chưa hết tiền. Khi nào hết tiền thì mẹ về. Con quen rồi.
– Thôi nói chuyện với mày tức anh ách ấy. Ba mươi tết tao gọi về nhắc mày nhớ về dưới quê mà dọn nhà với thắp hương cho ông bà. Đừng thấy bố mày giàu mà quên hết gốc gác nhà cửa.
– Con cúp máy đây.

Nói đến đó, tôi không chờ mẹ trả lời đã cúp máy luôn. Mẹ tôi bình thường chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến tôi, sau khi tôi về ở với bố bà ấy lại càng phó mặc, để tôi sống sao thì sống. Ngay cả khi tôi khốn khó nhất phải bán thân kiếm tiền, gọi cho bà ấy cả chục cuộc cũng không thấy nghe máy. Bây giờ tự nhiên lại tỏ vẻ quan tâm hỏi han tôi, tôi thấy cứ nặng nề xa cách làm sao ấy, không muốn tiếp chuyện nữa.

Nhưng mà có một điều mẹ tôi nói đúng, tết cũng nên về dưới quê dọn dẹp nhà cửa, không thể để bàn thờ của ông bà lạnh tanh lạnh ngắt được. May sao năm nay chị Tâm không nghỉ tết mà trông Bống giúp tôi, thế nên nếu tình hình con bé ổn ổn, có lẽ tôi cũng nên tranh thủ về dưới quê một chuyến.

Lúc tôi đến nhà bố, chỉ có mẹ kế và bố tôi đang chuẩn bị cơm canh trong bếp, người giúp việc cũng nghỉ về quê ăn tết, anh Thành bận việc nên không về, Vũ cũng không thấy đâu.

Bố tôi thấy tôi về thì cười rõ tươi, vẫy vẫy tay bảo tôi:

– Đợi mãi, bố cứ tưởng con không về cơ. Năm nay nhà ít người, cứ đi ra đi vào trông ngóng mấy đứa mãi thôi.
– Vâng. Con bận việc, giờ mới xong nên đến muộn. Bố với dì đang nấu món gì thế?
– Nấu canh xương với củ quả, có chả ram với thịt gà nữa này. Rửa tay đi rồi vào đây con.
– Đợi con mang hoa quả lên thắp hương đã.
– Ừ.

Chờ đến khi nấu nướng và thắp hương xong xuôi thì cũng đã hơn bảy giờ tối mà Vũ vẫn chưa về. Tôi với bố và mẹ kế ngồi ở bàn ăn đợi mãi, dù muộn rồi nhưng vẫn không ai ăn trước vì muốn đợi anh ta ăn cho đông đủ. Bố tôi nói:

– Mọi năm có cả thằng Thành nữa, năm nay nhà có hai anh em mà chỉ còn mình thằng Vũ ở nhà, thôi muộn mấy thì muộn, cứ chờ nó về ăn. Cơm tất niên phải có đủ người ăn mới ngon.

Tôi cười cười bảo “vâng”. Mẹ kế thì không nói gì mà chỉ lặng lẽ gật đầu.

Công bằng mà nói, dù có hai đứa con sinh đôi nhưng tôi thấy so với Vũ thì dì Hiền có vẻ tình cảm với anh Thành hơn nhiều. Tính Vũ ít nói, lại hay cáu kỉnh nên hai mẹ con ít khi nói chuyện, chỉ có anh Thành là lúc nào cũng điềm đạm nhẹ nhàng nên dì ấy yêu thương con trai lớn ra mặt. Năm nay anh Thành bảo lịch làm việc bên Nhật dày đặc, không nghỉ nên không về được, mẹ kế chắc nhớ anh lắm nên buồn thiu.

Cả nhà ngồi đợi thêm hai mươi phút nữa thì mới thấy tiếng xe của Vũ về. Anh ta vào nhà, mặt mũi vẫn lạnh tanh như thường nhưng ánh mắt lại hơi đỏ, phảng phất đôi ba nét mệt mỏi, giống như vừa phải đi một quãng đường rất xa để về đây.

Bố và mẹ kế thấy con trai út về thì gương mặt liền giãn ra, vội vàng lên tiếng:

– Con về rồi đấy à? Sao về muộn thế?
– Con có ít việc, giờ mới về được.
– Ừ, rửa mặt mũi tay chân rồi lại đây ngồi ăn đi con. Cả nhà vẫn đang chờ con đây.
– Sao bố mẹ không ăn trước đi. Lúc nãy con bảo về muộn rồi mà.
– Chờ con chứ, cơm tất niên cơ mà.
– Vâng.

Trong bữa cơm, bố tôi hỏi han công việc công việc của cả tôi cả Vũ, tôi hào hứng khoe con mới bốc thăm trúng thưởng được một cái xe máy, Vũ thì chỉ ậm ừ nói “công việc của con vẫn bình thường”. Lúc sau, bố tôi bảo:

– Thế tết năm nay Thanh định đi đâu chơi không con?
– Con định về dưới quê bố ạ. Nhà dưới đó lâu không về, còn bàn thờ ông bà nữa. Năm nay con bận việc không về dọn dẹp trước tết được nên con định ngày mai hoặc ngày kia gì đấy về.
– Ừ, thế cũng được. Có lịch cụ thể chưa? Bố đưa về.
– Thôi con đi taxi cũng được bố ạ. Hoặc xe khách. Đến mùng hai là có xe chạy rồi ấy mà.
– Lạnh thế này đi xe khách làm gì. Cứ để bố đưa về.
– Bố còn có việc mà, bố cũng phải đi chúc tết họ hàng chứ. Con về dưới quê cũng phải đi chúc tết loanh quanh mấy người hàng xóm, chưa biết về rồi lúc nào lên cơ. Bố cứ để con đi một mình thôi.
– Hay là bố bảo anh Vũ đi với con nhé? Vũ có bận gì không con?

Nghe bố nói thế, tôi giật mình quay sang nhìn anh ta. Cứ nghĩ Vũ kiểu gì cũng sẽ trả lời “Không”, thế nhưng cuối cùng có lẽ vì nể bố tôi nên anh ta lại nói:

– Vâng. Nếu bố bận thì để con đưa đi.
– Ừ. Tết nhất thế này để Thanh đi một mình bố cũng không yên tâm. Nếu con rỗi thì đưa Thanh về quê hộ bố với nhé.

Mẹ kế tôi xót con trai, thấy thế cũng có vẻ không thích nhưng cũng không dám nói thẳng ra mặt. Bà ấy chỉ bảo:

– Vũ cũng không bận gì hả con? Cũng phải tranh thủ tết đi chơi loanh quanh rồi kiếm người yêu dẫn về đi chứ. Chẳng lẽ ba mươi rồi mà cứ ở thế mãi à?
– Mẹ giục anh Thành đi.
– Anh con sang Nhật học, vài năm nữa mới về thì lấy vợ làm sao được. Giờ chỉ còn con ở nhà, con cũng phải lo lấy vợ đẻ con đi cho nhà cửa có tiếng trẻ con chứ. Mẹ già rồi, sao mà chờ mãi được.
– Con chưa muốn lấy vợ.
– Thế anh định để mẹ anh chờ đến bao giờ? Mẹ chỉ đẻ được mỗi hai anh em, giờ một đứa thì đi Nhật, đứa thì không chịu lấy vợ. Con muốn làm sao hả Vũ?

Bố tôi thấy hai mẹ con bắt đầu căng thẳng với nhau, không muốn mất không khí bữa cơm nên thì đành bảo:

– Hôm nay tất niên, cả nhà ăn cơm cho vui vẻ chứ. Từ từ rồi cũng đến lúc con nó lấy vợ thôi. Em đừng giục con nữa.
– Đấy anh xem, nhìn người khác có cháu chắt đầy nhà mà thèm. Nhà mình ăn cơm tất niên cũng chỉ có mấy người. Mọi năm có thằng Thành còn thấy vui vui, năm nay thì… Mà được thằng anh nói nó còn nghe mình, thằng em thì chẳng bao giờ nghe lời. Mẹ nói gì là nó chống đối cho bằng được.
– Con trai út của em giỏi giang như thế, em còn muốn gì nữa. Con lớn rồi, quyết định sao là quyền của nó, mình cũng đừng can thiệp vào. Với cả, biết đâu năm sau ăn tất niên lại có đủ cả con cả cháu thì sao.

Bố tôi nói đến đây lại quay sang nhìn tôi, chuyển chủ đề:

– Mà cái Thanh có người yêu chưa con? Giờ đi làm rồi, thấy anh nào tốt thì cứ tìm hiểu xem sao. Tuổi này lấy chồng đẻ con là được rồi.

Tôi gượng gạo nở nụ cười, lắc đầu bảo:

– Con mới hai ba mà, vài năm nữa sắp lấy chồng rồi con yêu luôn thể.
– Con là con gái, không giống anh Thành với anh Vũ được đâu nhé. Cao nhất là hai năm nữa cũng cưới đi thôi. Bố còn bế cháu.
– Vâng, con biết rồi. Cả nhà mình ăn cơm đi thôi. Thịt gà ngon quá.
– Ừ, ăn thôi.

Ăn uống xong xuôi, tôi ở lại chơi đến hơn mười giờ cho bố và mẹ kế đỡ buồn rồi mới ra về. Bố tôi giữ mãi không được, thế là lúc tiễn tôi ra cổng, ông còn dúi vào tay tôi một nắm tiền:

– Con cầm tiền tiêu gì thì tiêu. Mấy hôm nữa có về quê thì mua ít đồ thắp hương cho ông bà giúp bố.
– Bố ơi con không nhận đâu, bố cứ cầm lấy. Con đi làm có lương rồi mà.
– Bố biết con ngại dì Hiền nên không ở lại ăn tết, bố cũng chẳng biết làm sao cả. Con cứ cầm tiền đi, cần gì hay muốn mua gì thì bảo bố.
– Không, không phải con ngại dì ấy đâu. Con ở bên kia quen rồi ấy bố ạ. Con không cần gì cả đâu. Mà con có cần thì con sẽ bảo bố, bố đừng lo.
– Khi nào con muốn thì cứ đến đây, không cần ngại ai cả, nhớ chưa?
– Vâng, con biết mà. Bố vào nhà đi, ngoài này lạnh lắm. Con về đây.

Chào bố ra về xong, tôi không về nhà mà bắt taxi đi thẳng đến bệnh viện. Ngồi trên xe, tôi lặng lẽ nhắm mắt, nghĩ lại một năm đã qua thấy cuộc sống của mình bây giờ đã khá hơn trước rất nhiều, nhưng quanh đi quẩn lại sao vẫn có cảm giác cô độc quá.

Không còn Ngọc ở bên nữa, cũng không có anh Thành ở đây nữa… chỉ còn mình tôi lạc lõng giữa thế gian rộng lớn này…

Tôi nặng nề thở dài một tiếng, bỗng nhiên cúi xuống lại thấy màn hình điện thoại sáng lên, mở ra thì thấy người mà tôi vừa nghĩ tới gửi tin nhắn đến:

– Tết về đến đâu rồi em?

Tôi ngoảnh đầu nhìn không khí tết tràn ngập bên ngoài cửa kính xe, thấy đường phố sáng rực, người người tấp nập dọn đồ nghỉ tết, bỗng nhiên cảm xúc cô đơn khi nãy chợt biến mất, chỉ còn thấy ấm áp đến nao lòng:

– Về đến bên ngoài cửa sổ rồi anh ạ. Anh ở bên đó thế nào?
– Anh bận. Nhưng nhớ nhà, nhớ mọi người.
– Hôm nay nhà ăn tất niên, ai cũng bảo nhớ anh đấy. Anh ở bên đó đang làm gì? Có được ăn tất nhiên không?
– Không được ăn tất niên, không có bánh chưng với dưa hành, chỉ có thuốc khử trùng với dao mổ thôi. Em đang làm gì đấy?
– Em đang nhắn tin với anh.

Anh gửi cho tôi một hình mặt cười, kèm hai chữ “Đồ hâm”. Tôi cũng gửi icon mặt cười lại. Tôi rất muốn bảo anh gửi cho tôi một tấm ảnh, Facebook của anh chẳng có bức hình nào, mỗi khi nhớ anh tôi cũng chẳng có cách nào cả. Giờ muốn nhìn thấy anh ở đất nước xa xôi cũng không dám nói.

Mà hình như anh cũng có thể hiểu được lòng tôi, vài phút sau gửi cho tôi một bức hình trong phòng mổ của anh. Giờ này bên đó đang là gần mười hai giờ đêm, vậy mà các bác sĩ y tá vẫn đang cần mẫn đứng trong phòng mổ, tay kim tay dao bận rộn cứu người.

Tôi nhìn kỹ tấm ảnh một vòng, không thấy mặt anh nhưng thế cũng vui rồi. Tôi bảo:

– Làm nghề cao quý, vất vả mấy cũng phải cố lên nhé anh. Chaiyooo!!!
– Nói chuyện với em hết mệt rồi. Anh định chờ đến giao thừa thì nhắn tin cho em, nhưng chắc không kịp, giờ anh phải vào mổ rồi.
– Không sao đâu. Chúc anh năm mới mạnh khỏe, làm việc thật tốt, gặp nhiều may mắn.
– Chúc em tuổi mới nhiều niềm vui, lì xì cho em anh để ở bìa sau quyển sách Luật hôn nhân & gia đình. Tý nữa về thì bóc ra nhé.
– Anh chuẩn bị sẵn lì xì tết cho em từ trước khi đi à?
– Ừ. Không biết tết có về được không nên phải chuẩn bị trước.

Sống mũi tôi bỗng cay cay, từ bé đến lớn thỉnh thoảng tôi vẫn được nhận lì xì, nhưng có lẽ lì xì lần này của một người là làm tôi xúc động nhất. Ở phương xa vẫn không quên dành những điều ấm áp nhất cho tôi.

Tôi run run nhắn mấy chữ “Cảm ơn anh. Nhanh về nhé”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng đành xóa đi vế sau, chỉ nói mình ba chữ “cảm ơn anh”. Sau đó anh Thành cũng không nhắn lại nữa, chắc là đã đeo găng tay mổ rồi.

Liệu một ngày xa xôi nào đó, khi tôi có thể chấm dứt với Vũ, có một điều kỳ diệu nào đó đến với tôi không? Tôi có thể thích anh không? Sẽ bỏ đi tất cả để thích anh một cách thật bình thường chứ?

Nghĩ đến đây, tôi cúi đầu tự cười chính bản thân mình… Tôi đã nghĩ nhiều rồi. Tôi với anh Thành, có lẽ vĩnh viễn sẽ không thể đâu…

Đêm giao thừa năm đó, tôi ở bệnh viện cùng với Bống. Đợi đến mười hai giờ đêm, tôi mặc quần áo mới, mũ và tất mới cho con, sau đó bế Bống ra ngoài hành lang đứng, lặng lẽ nghe tiếng pháo chúc mừng năm mới, lặng lẽ nhìn lên bầu trời.

Con bé mở to mắt, ngoan ngoãn nằm trong ngực tôi, không khóc cũng không quấy gì cả, giống như có thể cảm nhận được hôm nay còn một người nữa vẫn đang dõi theo nó ở một nơi rất xa xôi. Tôi nhìn con rồi cũng mỉm cười, tôi biết, mặc dù giao thừa năm nay không còn được ở cạnh nhau nữa, nhưng có lẽ ở trên trời cao nhìn thấy con gái vẫn đang lớn lên từng ngày, Ngọc của tôi nhất định cũng sẽ được an ủi nhiều rồi.

Giao thừa vui vẻ nhé Ngọc ơi, Bống ơi!!!

***

Mấy ngày tết tôi không đi đâu cả, toàn ở viện với con gái, đến tận sáng mùng ba mới về nhà. Không ngờ còn chưa kịp trèo lên giường đánh một giấc thì lại nhận được điện thoại của Vũ.

Anh ta chưa bao giờ gọi điện cho tôi, mọi lần đến thích thì nhắn tin, không thích thì thôi. Lần này tự nhiên gọi điện thế làm tôi cứ có cảm giác quái đản làm sao ấy. Tôi chần chừ một lúc rồi mới nghe máy:

– Alo.
– Xuống dưới tầng đi.
– Ơ… Có chuyện gì mà tự nhiên anh lại muốn tôi xuống tầng thế?
– Không muốn về quê cô nữa thì thôi. Về đây.

Nghe anh ta nói đến đây tôi mới nhớ, thì ra là vì bố tôi đã mất công nhờ nên hôm nay anh ta mới đích thân đến đây đưa tôi về quê. Tôi ngay lập tức bật dậy, vội vàng nói:

– À tôi quên mất. Giờ tôi xuống đây. Anh đợi tôi tý. Tôi…

Còn chưa nói hết câu, anh ta đã thẳng thừng cúp máy, tôi biết tính anh ta thô lỗ thế, quen rỗi nên cũng không thèm so đo nữa, vẫn đứng dậy thay quần áo rồi đi xuống.

Lúc xuống đến nơi mới xe Vũ đậu ngay trước sảnh chung cư, chỗ đó cấm đậu xe mà anh ta ngang nhiên đỗ ở đó cũng không thấy chú bảo vệ nào ra đuổi. Tôi sợ chờ đến khi bảo vệ đuổi thì xấu hổ nên vội vàng chạy đến, trèo vào xe rồi bảo:

– Chỗ này cấm đỗ xe đấy.
– Thì sao?
– Thì từ giờ anh đừng đậu xe ở đây nữa không bảo vệ người ta nói cho đấy. Đỗ hai lần còn bị phạt tiền nữa.
– Liên quan gì đến tôi?
– Ơ…

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (19 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN