Người Tù Khổ Sai - Chương 37: Từ giã ngục tù
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
50


Người Tù Khổ Sai


Chương 37: Từ giã ngục tù



Tôi xuống tàu sau cùng và nhờ Sô-cô-la đẩy, chiếc tàu tiến về phía sông. Không có giầm, chỉ có hai mái chèo tốt, một do Quých chèo phía trước, một tôi chèo phía sau. Chưa tới hai giờ sau, chúng tôi ra đến sông. Mưa đã hơn một giờ. Tôi lấy một bao bột mì để che mưa. Quých-Quých và anh cụt cũng làm như vậy, nước sông chảy siết và xoáy nhiều. Nhờ nước rút, ba giờ sau, chúng tôi đã đi ngang hai cây đèn pha. Tôi biết là đã gần ra đến biển vì hai cây đèn pha này ở mỏm ngoài cửa sông. Chúng tôi kéo buồm chính và buồm mũi, chúng tôi đã đi qua Kourou mà không gặp trở ngại gì Gió thổi phía bên trái mạnh đến nỗi tôi buộc phải buông buồm cho gió trượt đi. Tàu chúng tôi lao mạnh ra biển như một mũi tên, chúng tôi lọt qua cửa lạch và rời khỏi bờ rất nhanh. Trước mặt chúng tôi, cây đèn pha của đảo Royale đã chỉ đường cho chúng tôi. Mười ba ngày trước tôi còn ở phía sau cây đèn ấy, ở Đảo Quỷ.

Chuyến ra khơi vào lúc ban đêm, việc mau chóng rời khỏi Đất liền không được hai bạn Tàu của tôi ăn mừng nổ trời. Những tay con trời này không quen lối bộc lộ tình cảm như chúng ta. Ra đến biển rồi, Quých-Quých chỉ bình thản nói:

– Chúng ta đã đi ra được, rất tốt.

Anh cụt nói thêm:

– Phải, chúng ta đã ra đến biển mà không gặp một khó khăn nào.

– Tôi khát quá, anh Quých-Quých, cho tôi xin một ít rượu.

Sau khi đưa tôi uống, cả hai cũng uống một chầu rượu rhum.

Tôi đi không có la bàn, nhưng trong chuyến vượt ngục đầu tiên, tôi đã học cách định hướng căn cứ vào mặt trời, trăng, sao và gió. Và tôi không ngần ngại lao ra biển khơi, cột buồm hướng về sao Hôm. Tàu rất tốt, nó vượt sóng một cách dịu dàng và hầu như không bị tròng trành. Gió thổi rất dữ, buổi sớm chúng tôi đã ở rất xa bờ và các đảo Salut. Nếu không phải là làm liều, tôi đã hướng cho tàu chạy xích gần đảo Quỷ để từ ngoài khơi, vừa thoải mái ngắm vừa vượt qua nó. Ròng rã sáu ngày, biển luôn có sóng lừng nhưng không mưa và không có giông bão. Gió rất mạnh đã đẩy chúng tôi đi rất nhanh về hướng tây. Quých-Quých và Vân Huê là những bạn đường tuyệt vời. Cả hai không lúc nào phàn nàn về trời xấu, về nắng, về đêm lạnh. Chỉ có điều là không anh nào muốn cầm lái và coi tàu lấy vài giờ để tôi được ngủ. Hàng ngày họ nấu bếp đến ba bốn lần. Có bao nhiêu gà chúng tôi đã ăn hết trơn.

Hôm qua, tôi nói đùa với Quých-Quých.

– Bây giờ chúng ta ăn con heo chứ?

Anh ta đau khổ thực sự.

– Con vật này là bạn tôi và trước khi ăn thịt nó phải giết tôi đã.

Các bạn tôi cũng săn sóc đến tôi. Họ không hút thuốc để tôi muốn hút bao nhiêu thì hút. Lúc nào cũng có trà nóng. Họ làm tất cả mà không cần phải bảo. Chúng tôi ra đi đã được bảy ngày. Tôi không chịu đựng nổi nữa. Nắng gay gắt đến nỗi cả hai anh bạn Tàu của tôi cũng bị luộc chín như tôm. Tôi phải ngủ. Tôi buộc lái lại và chỉ căng một chút buồm. Tàu cứ đi theo hướng gió thổi. Tôi ngủ say như chết gần ba giờ. Tôi giật mình tỉnh dậy do bị xô mạnh. Khi rửa mặt tôi ngạc nhiên và vui vẻ thấy là trong lúc tôi ngủ anh bạn Quých đã cạo râu cho tôi mà tôi không biết. Mặt tôi cũng được anh bôi dầu.

Từ chiều qua tôi lái qua hướng Tây Nam vì tôi cảm thấy đi quá xa về hướng Bắc. Tàu nặng nên có cái lợi là nó không dễ bị trệch hướng. Do đó, tôi thấy nó đi quá về hướng Bắc thật ra có lẽ là không đúng. Kìa, có chiếc khinh khí cầu! Đây là lần đầu tiên trên đời, tôi được trông thấy nó. Nó không có vẻ đang bay về phía chúng tôi, và nó ở quá xa, khó ước lượng được kích thước của nó. Ánh nắng phản chiếu trên lớp nhôm làm nó ánh lên màu bạch kim và chói đến nỗi mắt không nhìn thẳng vào đấy được. Nó bỗng đổi hướng, hình như bay về phía chúng tôi. Quả vậy, nó to dần rất mau, và chỉ hai mươi phút sau, nó đã ở trên đầu chúng tôi.

Quých và anh cụt vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiếc khinh khí cầu, cứ nói huyên thuyên với nhau bằng tiếng Tàu.

– Các anh nói bằng tiếng Pháp để tôi nghe mấy chứ.

– Khí cầu của Anh – Quých nói.

– Không, đấy không phải là khí cầu tròn mà là một chiếc dirigeable: loại khí cầu này có thể điều khiển như máy bay.

Chiếc khí cầu rất to, bây giờ chúng tôi đã thấy được rất rõ vì nó hạ thấp và lượn trên đầu chúng tôi thành những vòng nhỏ. Có những lá cờ nhỏ được đưa ra phát tín hiệu. Chúng tôi không hiểu gì nên không trả lời. Khí cầu vẫn ra hiệu và đến gần chúng tôi hơn, chúng tôi thấy được cả người trong khoang tàu. Rồi nó bay về phía đất liền. Một giờ sau một chiếc phi cơ bay tới và lượn nhiều lần trên đầu chúng tôi. Bỗng nhiên biển nổi sóng dữ hơn, gió cũng mạnh hơn. Chân trời bóng phía đều quang và không thể có mưa.

– Trông kia, anh cụt nói.

– Ở đâu?

– Đằng kia, hướng này, có thể là đất liền ở phía ấy. Điểm đen kia, là một chiếc tàu.

– Sao anh biết?

– Tôi đoán vậy, tôi còn cho đấy là một tàu khu trục.

– Vì sao?

– Vì nó không có khói.

Đúng vậy, một giờ sau chúng tôi thấy rõ một chiếc tàu chiến màu xám, có vẻ đến thẳng tàu chúng tôi. Nó lớn dần: chắc nó phải đi nhanh ghê gớm, mũi tàu hướng về chúng tôi, tôi sợ nó đi sát chúng tôi quá, sẽ rất nguy hiểm vì biển động và vệt sóng của nó ngược với sóng biển có thể làm tàu chúng tôi bị đắm.

Đó là một tàu phóng ngư lôi loại nhỏ, khi nó lượn quanh nửa vòng phơi cả bề ngang thân tàu, chúng tôi đọc được tên tàu là Tarpon. Chiếc tàu nặng, treo cờ Anh phấp phới ở mũi tàu, đã lượn vòng và từ phía sau chầm chậm đến gần chúng tôi. Nó thận trọng đi sóng đôi, cùng tốc độ với tàu chúng tôi. Một phần lớn thủy thủ đoàn ở trên boong mặc quần áo màu xanh của Hải quân Anh. Từ đài chỉ huy, một sĩ quan mặc đồ trắng nói qua chiếc loa.

– Stop You – Stop.

– Quých, hạ buồm xuống ngay.

Hai phút sau buồm chính, buồm foc và buồm mũi đã được hạ xuống. Không có buồm, tàu gần như dừng hẳn lại, chỉ có sóng xô tàu quay ngang. Tôi thấy không thể để lâu như vậy, vì sẽ nguy hiểm lắm. Một chiếc tàu mà không có xung lượng riêng của mình do động cơ hay do gió, không thể giữ được đúng hướng. Đưa hai tay lên miệng làm loa, tôi kêu to:

– Các ông có người nói được tiếng Pháp không hả thuyền trưởng?

Một sĩ quan khác cầm lấy chiếc loa trên tay viên sĩ quan trước.

– Có tôi nói được tiếng Pháp.

– Các ông muốn gì?

– Lên tàu của các anh.

– Không được, nguy hiểm lắm, tôi không muốn các ông đâm hỏng tàu của tôi.

– Chúng tôi là tàu chiến đi kiểm tra biển, các anh phải tuân lệnh.

– Tôi không cần biết, vì chúng tôi không đi đánh nhau.

– Các anh không phải là những người sống sót của cái tàu bị bắn chìm?

– Không chúng tôi là những tù vượt ngục từ một trại giam tù khổ sai của Pháp.

– Trại giam tù khổ sai là cái gì, trại khổ sai nghĩa là gì?

– Nhà tù, tù nhân, tiếng Anh là Convict Hard labour.

– À, tôi hiểu rồi. Ở Cayenne hả?

– Phải, ở Cayenne.

– Các anh đi đâu?

– Sang Honduras thuộc Anh.

– Không được, các anh phải theo hướng Tây Nam và đi về thành phố George. Đây là lệnh, các anh phải theo.

– Được!

Tôi bảo Quých kéo buồm lên và chúng tôi đi về hướng mà chiếc tàu phóng ngư lôi đã chỉ cho chúng tôi.

Chúng tôi nghe có tiếng động cơ ở phía sau. Đấy là một chiếc xuồng máy được tách khỏi tàu chiến. Nó đuổi kịp chúng tôi ngay. Một thủy thủ, súng đeo chéo qua vai, đứng ở mũi xuồng. Nó đến từ phía bên phải và đi sát kề bên chúng tôi mà không dừng lại, cũng không bắt chúng tôi dừng lại. Người thủy thủ nhảy phóc sang tàu chúng tôi. Chiếc xuồng tiếp tục đi trở về với chiếc tàu chiến.

– Good afternoon! – người thủy thủ nói.

Anh ta đi về phía tôi, ngồi xuống cạnh tôi rồi đặt tay lên cần lái và hướng tàu về phía Nam, chếch nhiều hơn so với hướng tôi đi. Tôi để cho anh ta lái, và quan sát cách làm của anh. Anh lái rất giỏi, không có gì phải nghi ngờ. Tuy thế, tôi vẫn ngồi tại chỗ của tôi. Biết thế nào được.

– Thuốc lá?

Anh lấy ra ba bao thuốc lá Anh và đưa cho chúng tôi mỗi người một bao.

– Trời ơi! – Quých nói, họ vừa đưa thuốc lá cho anh này đúng lúc anh xuống xuồng, vì chắc anh ta không phải lúc nào cũng mang ba bao thuốc lá trong người.

Tôi cười về lời nhận xét của Quých, rồi tôi lại chú ý đến người thủy thủ Anh.

Anh ta biết lái tàu giỏi hơn tôi. Tôi có đủ thì giờ để suy nghĩ. Lần này, việc vượt ngục đã thành công hoàn toàn, tôi đã là một người tự do, thật sự tự do. Cổ tôi nóng ran, tôi cảm thấy nước mắt trào ra. Thật vậy, tôi đã dứt khoát được tự do vì từ khi có chiến tranh, không nước nào trả tù vượt ngục về nơi cũ. Trước khi chiến tranh chấm dứt, tôi có đủ thì giờ để được đánh giá tốt và bất cứ nước nào mà tôi định cư cũng sẽ hiểu rõ tôi. Điều bất lợi duy nhất là, do chiến tranh, có lẽ tôi không được lựa chọn nước tôi muốn ở lại. Cũng không sao, ở bất cứ nơi nào tôi sống, tôi cũng sẽ mau chóng làm sao để được dân và các nhà cầm quyền ở đấy quý mến và tin cậy, cách sống của tôi sẽ không ai chê trách vào đâu được. Hơn thế, cách sống ấy phải là gương mẫu nữa.Cảm giác an toàn là cuối cùng tôi đã chiến thắng được con đường thối rữa làm tôi không còn nghĩ đến việc gì khác.

Papillon, thế là cuối cùng, mày đã được cuộc. Sau chín năm, mày đã toàn thắng. Cảm ơn Chúa lòng lành, có thể người đã làm như vậy trừ trước, nhưng con đường người vạch ra rất bí ẩn, con không oán trách người vì nhờ người giúp đỡ, con vẫn còn trẻ, còn lành mạnh và tự do. Chính lúc đang nghĩ tới con đường mà tôi đã vượt qua trong chín năm bị tù đày khổ sai cộng với hai năm tù ở Pháp tổng cộng là mười một năm là lúc tôi đã trông theo tay người thủy thủ đang chỉ và nói với tôi:

– Đất liền kia kìa.

Hồi mười sáu giờ, sau khi đi ngang một ngọn đèn biển đã tắt, chúng tôi vào một con sông lớn. Sông Demerara. Chiếc xuồng lại xuất hiện, người lính thủy trả tay lái cho tôi và ra phía trước. Anh ta bắt một cuộn thừng to được ném tới và buộc vào ghế băng phía trước. Chính tay anh đã hạ buồm và chèo xuồng nhẹ nhàng kéo chúng tôi khoảng hai mươi kilômét ngược giòng con sông nước vàng vàng này, theo sau độ hai trăm mét là chiếc tàu phóng ngư lôi. Sau một khúc quanh, một thành phố lớn hiện ra, người lính thủy Anh reo to: “Đến thành phố George rồi”. Đúng là chúng tôi đã đến thủ đô của nước Guyane thuộc Anh, do chiếc xuồng kéo.

Có rất nhiều tàu chở hàng, thuyền máy và tàu chiến. Có nhiều đại bác đặt trong các tàu chiến cũng như trên đất liền. Chiến tranh là như thế. Chiến tranh nổ ra đã hai năm rồi mà tôi không hay biết gì. Thành phố George, thủ đô của Guyane thuộc Anh, cảng quan trọng trên sông Demerara, ở trong tình trạng có chiến tranh một trăm phần trăm. Cái cảnh một thành phố được vũ trang làm tôi thấy buồn cười. Chúng tôi vừa ghé sát một cầu tàu quân sự thì chiếc tàu phóng ngư lôi đi theo chúng tôi cũng từ từ ghé tới và cặp bến.

Quých với con heo, Huê với cái bọc nhỏ trong tay và tôi tay không, chúng tôi lên bến. Không có một người dân nào trên cầu tàu dành cho Hải quân này. Chỉ có lính thủy và quân nhân. Một viên sĩ quan đi tới. Tôi nhận ra ông ta. Ông là người nói tiếng Pháp với tôi từ trên tàu phóng ngư lôi, ông ta tử tế chìa tay cho tôi và nói với tôi:

– Anh có khỏe không?

– Thưa thuyền trưởng khỏe

– Tốt. Dù sao anh cũng phải qua y tế để chích ngừa vài mũi. Cả hai bạn của anh nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN