Người Từ Miền Đất Lạnh - Kim Găm Hay Kẹp Giấy
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
107


Người Từ Miền Đất Lạnh


Kim Găm Hay Kẹp Giấy



Fiedler thích đặt câu hỏi. Thỉnh thoảng, bởi vì y là một luật sư, y chất vấn những người khác chỉ để hưởng cái thú của riêng y là vạch rõ sự tương phản giữa bằng chứng hiển nhiên và một sự thực toàn bích. Tuy vậy, y vẫn luôn luôn có một sự hiếu kỳ dai dẳng vốn tự nó là một cứu cánh đối với các nhà báo và luật sư.

Chiều hôm đó, hai người đi dạo, theo con đường đất xuống thung lũng, rồi rẽ vào khu rừng trên một lối mòn rộng hai bên ngổn ngang những thân cây đã đẵn. Suổt thời gian đó, Fiedler chỉ thăm dò mà không tiết lộ một điều gì. Về toà nhà của Cơ Sở ở Công trường Cambridge, về những người làm việc ở đấy. Họ thuộc thành phần xã hội nào, cư ngụ ở những khu nào ở Luân Đôn, chồng hoặc vợ có làm việc chung ở một ban nào hay không. Y hỏi về lương bổng, nghỉ phép, tinh thần, câu lạc bộ; y hỏi về đời sống tình ái của họ, về những chuyện đồn đãi, về nhân sinh quan. Phần lớn y hỏi về nhân sinh quan của họ.

Với Leamas, đó là câu hỏi khó nhất. Chàng trả lời:

– Anh muốn nói về một nhân sinh quan hay sao? Chúng tôi không phải là Macxit, chúng tôi không là gì cả. Chỉ là hai người.

– Vậy các anh là tín đồ Thiên Chúa Giáo?

– Chỉ là một thiểu số, tôi không biết bao nhiêu.

Fiedler vẫn hỏi tiếp:

– Vậy cái gì khiến cho họ vui sống? Họ phải có một niềm tin nào chứ?

Leamas trả lời, hơi lúng túng:

– Tại sao họ cần phải có? Có lẽ họ không cần biết, hay ta không cần biết cũng nên. Không phải ai cũng có một nhân sinh quan.

– Vậy anh hãy cho tôi biết nhân sinh quan của anh?

Leamas chỉ buông thõng mấy tiếng

– Trời đất ơi!

Hai người tiếp tục bước trong im lặng. Nhưng Fiedler chưa chịu bỏ cuộc:

– Nếu họ không biết là họ muốn gì, sao họ có thể chắc là họ đúng?

Leamas trả lời một cách bực dọc:

– Ai nói là họ đúng?

– Nhưng vậy thì phải biện minh cho hành vi của họ như thế nào? Với chúng tôi thì dễ, như tôi đã nói với anh đêm hôm qua. Ableitung cũng như mọi tổ chức tương tự đều là sự nối dài tự nhiên cánh tay của Đảng. Tất cả đều nằm trong toán tiên phong của cuộc đấu tranh cho Hoà Bình và Tiến Bộ. Các tổ chức này đối với Đảng, cũng như Đảng đối với xã hội chủ nghĩa. Tất cả chỉ là đội tiên phong, Stalin đã nói như vậy.

Y chợt mỉm cười một cách khô khan, trong lúc nói tiếp:

– Tôi biết nhắc lại lời Stalin lúc này là lỗi thời, nhưng đã có lần Stalin bảo: “Nửa triệu người bị thanh toán chỉ là một con số thống kê, và một người bị chết trong một tai nạn lưu thông là một thảm kịch quốc gia”. Chắc anh hiểu ông ta chế giễu giới trưởng giả thường rất dễ cảm xúc. Ông ta là một tay mỉa mai cỡ lớn. Nhưng những gì ông ta nói vẫn còn đúng sự thật: một phong trào tự bảo vệ chống lại sự phản động khó có thể ngừng lại vì sự khai thác – hoặc thanh toán – một vài cá nhân. Tất cả chỉ là một. Chúng tôi không bao giờ khoa trương chúng tôi luôn luôn đúng trong trào lưu hợp lý hoá xã hội. Hình như có một người La Mã đã nói như thế, trong cuốn Thánh kinh của Thiên Chúa Giáo – thật là hợp lý khi một người phải chết cho lợi ích của nhiều người.

Leamas đáp bằng một giọng mệt mỏi:

– Tôi mong thế.

– Vậy anh nghĩ gì? Nhân sinh quan của anh như thế nào?

Leamas nói một cách hung dữ:

– Tôi nghĩ toàn thể bọn các anh đều là những tên khốn khiếp.

Peters gật đầu:

– Đó là một quan điểm, tôi rất thông cảm. Dù có nông cạn, tiêu cực và rất ngu xuấn nhưng đó cũng là một quan điểm hiện hữu. Nhưng những người khác trong cơ sở thì sao?

– Tôi không biết. Làm sao tôi biết được?

– Anh không bao giờ thảo luận về nhân sinh quan với họ à?

– Không. Chúng tôi không phải là người Đức.

Chàng ngập ngừng rồi nói tiếp một cách mơ hồ:

– Tôi đoán rằng họ không thích Cộng Sản.

– Như thế, chẳng hạn, có thể biện minh cho sự tước đoạt sinh mạng hay không? Có thể biện minh cho quả bom nổ tung trong một nhà hàng đông người, cho mức tổn thất điệp viên của các anh, cho tất cả mọi chuyện khác hay không?

Leamas nhún vai:

– Có lẽ hơi khó

Fiedler tiếp lời:

– Chắc anh hiểu, với chúng tôi thì biện minh được. Chính tôi sẽ đặt một quả bom trong quán ăn nếu việc này giúp chúng tôi tiến xa hơn trên con đường đã định. Về sau tôi mới tính toán lại – bao nhiêu tính mạng của đàn bà và trẻ con để đổi lấy một đoạn đường được bao nhiêu. Nhưng những tín đồ Thiên chúa giáo – trong một xã hội Thiên chúa giáo như xã hội của anh – các anh không tính toán được như vậy.

– Tại sao không? Họ cũng phải tự vệ lấy thân chứ?

– Nhưng các anh tin tưởng vào sự bất khả xâm phạm của nhân mạng. Các anh tin rằng mỗi người có một linh hồn có thể được cứu vớt. Các anh tin tưởng ở lòng hy sinh.

– Tôi không biết và cũng không cần biết

Rồi Leamas nói thêm:

– Stalin cũng thế chứ

Fiedler mỉm cười, y nói như nói với chính mình:

– Tôi thích người Anh. Ba tôi cũng vậy, ông ấy cũng thích người Anh.

Leamas nói:

– Tôi rất sung sướng được nghe anh nói điều đó.

Sau đó hai người lại im lặng. Họ ngừng bước trong lúc Fiedler mời Leamas một điếu thuốc lá và châm thuốc cho chàng.

Lúc này họ đang leo dốc, Leamas thích lối vận động này, tiến tới bằng những bước dài, vai đưa về phía trước. Fiedler đi theo, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn như một con chó săn bám sát chủ. Chắc hẳn hai người đã đi bộ suốt một tiếng đồng hồ, hoặc không chừng nhiều hơn, thì bỗng nhiên tàng cây rẽ ra trên đầu họ và nền trời xuất hiện. Họ đã đến đỉnh ngọn đồi con, phía dưới là cả một rừng thông dày đặc, chỉ thỉnh thoảng mới có một chòm dẻ gai màu xám. Leamas có thể trông thấy túp lều tạm trú của bọn thợ săn bên kia thung lũng, chênh vênh dưới mỏm đồi đối diện, thấp và thẫm màu trên nền cây. Chính giữa khoảng rừng thưa là một chiếc ghế dài thô sơ bên cạnh một đống gỗ và tro than ẩm.

Fiedler bảo:

– Mình hãy ngồi một lát rồi quay về.

Y ngừng một lát rồi tiếp:

– Anh hãy kể cho tôi nghe về chuyện tiền, những số tiền lớn ở ngân hàng ngoại quốc – theo anh nghĩ, tiền đó dành làm gì?

– Anh muốn nói gì vậy? Tôi đã bảo là để trả cho một địêp viên.

– Một điệp viên ở bên kia Bức Màn Sắt?

Leamas trả lời một cách chán nản:

– Phải, tôi đoán như vậy.

– Tại sao anh đoán vậy?

– Trước hết, tiền quá nhiều. Kế đó là cách trả tiền quá phức tạp, biện pháp an ninh khá đặc biệt. Và lẽ dĩ nhiên, có Control dính vào.

– Theo ý anh, địêp viên đó dùng tiền làm gì?

– Kìa, tôi đã nói với anh – tôi không biết. Tôi còn không biết hắn có lãnh tiền ra hay không. Tôi không biết gì hết – tôi chỉ là một anh thư ký quèn.

– Anh đã làm gì với những cuốn sổ trương mục?

– Tôi trả lại ngay khi về đến Luân Đôn – cùng với cuốn thông hành giả của tôi.

– Các ngân hàng Copenhagen hoặc Helsinki có khi nào viết thư cho anh ở Luân Đôn bằng cái tên giả của anh?

– Tôi không biết. Tôi đoán rằng mọi thủ tục đều được đưa đến Control.

– Về các chữ ký giả anh đã dùng để mở các trương mục. Control có giữa lại mẫu không?

– Chắc có. Tôi đã tập đi tập lại nhiều lần và họ có đủ các mẫu.

– Nhiều hay ít?

– Cả trang.

– À, thế thì thư từ có thể được gửi thẳng đến ngân hàng sau khi anh mở trương mục. Anh không cần được cho biết điều đó. Chữ ký có thể được nguỵ tạo và thư từ có thể được gửi đi mà anh không hay biết.

– Phải, đúng thế. Tôi đoán chuyện đó đã xảy ra. Tôi cũng đã ký tên vào cả một xấp giấy trắng. Tôi luôn luôn phỏng đoán có một người khác lo liệu việc thư từ.

– Nhưng thật ra anh chưa hề hay biết gì về loại thư từ đó, phải không?

Leamas lắc đầu:

– Anh hiểu sai hết. Anh đã nhìn vào vấn đề theo những kích thước không đúng chút nào. Hàng ngày vẫn có hàng lô giấy tờ chạy qua chạy lại. Chuyện quá thường nên tôi đâu có để ý nhiều. Tại sao tôi cần để ý? Tôi cũng nhìn nhận đó là chuyện bí mật, nhưng trong suốt đời tôi, tôi đã quá quen với những vụ mà tôi chỉ biết một chút và kẻ khác biết phần còn lại. Hơn nữa, giấy tờ đã làm tôi ngấy đến cổ. Tôi không hề phải mất ngủ về nó. Dĩ nhiên, tôi thích xê dịch, vừa dễ chịu vừa lĩnh phụ cấp lớn. Tôi đâu có chịu ngồi bàn ghế súôt ngày và thắc mắc về vụ “Rolling Stone”.

Chàng hơi xấu hổ lúc nói tiếp:

– Vả lại lúc đó tôi đã bắt đầu uống rượu chút đỉnh.

Fiedler nhìn nhận:

– Anh đã kể về vụ đó và tôi tin anh.

Leamas trả đũa ngay:

– Tôi cóc cần anh tin hay không.

Fiedler mỉm cười bảo:

– Hay lắm, đó chính là tính cách của anh, đức tính đặc biệt nhất của anh: đức tính lãnh đạm. Khi thì hằn học một chút, khi thì kiêu ngạo một chút, nhưng thật ra chẳng có gì quan trọng đối với anh. Anh vẫn khách quan.

Sau khi ngừng một lát, Fiedler nói tiếp:

– Theo tôi nghĩ, anh vẫn còn có thể giúp chúng tôi khám phá xem số tiền đó có được rút ra chút nào không. Không có gì ngăn cản anh viết thư cho mỗi ngân hàng hỏi thăm tình trạng của trương mục. Chúng ta có thể bảo rằng, anh đang ở Thuỵ Sĩ và dùng một địa chỉ mượn nào đó. Anh có phản đối không?

– Có thể được lắm. Điều đó tuỳ thuộc nơi Control có liên lạc riêng với ngân hàng bằng chữ ký nguỵ tạo của tôi hay không. Cũng rất có thể không xuôi.

– Tôi thấy dù sao mình cũng không mất gì.

– Anh cần biết rõ để làm gì?

– Nếu tiền đã được rút ra, điều tôi nhìn nhận rất đáng nghi, ta sẽ biết tên địêp viên ở đâu vào ngày hôm đó. Biết được điều này cũng rất hữu ích.

– Anh đang nằm mơ, Fiedler, anh sẽ không bao giờ tìm ra hắn đâu, nhất là với loại tin tức đó. Một khi hắn đã ở Miền Tây, hắn có thể đến bất cứ toà lãnh sự nào, ngay cả trong một đô thị nhỏ và lấy chiếu khán để đi nơi khác. Anh làm sao ra tay trước hắn được? Anh còn không biết hắn là người Đông Đức hay không nữa mà. Anh tìm gì bây giờ?

Fiedler không trả lời ngay, y đang lơ đãng nhìn qua bên kia thung lũng.:

– Anh đã nói rằng, anh thường chỉ biết chút ít, còn tôi thì không thể trả lời câu hỏi của anh mà không kể ra những gì anh không nên biết.

Y ngập ngừng tiếp:

– Nhưng tôi có thể cam đoan với anh rằng, “Rolling Stone” là một điệp vụ chống lại chúng tôi.

– Chúng tôi?

Y mỉm cười:

– Tức Cộng hoà dân chủ Đức Quốc. Hay Đông Đức, theo cách gọi của anh. Tôi không đến nỗi dễ cảm như anh tưởng đâu.

Leamas đăm đăm nhìn Fiedler, cố dò xét y bằng đôi mắt nâu của chàng, rồi chàng trầm ngâm hỏi:

– Còn tôi thì sao? Giả sử tôi không viết những lá thư đó.

Chàng cao giọng hỏi

– Đã đến lúc nói chuyện về tôi chứ, Fiedler?

Fiedler gật đầu một cách dễ chịu:

– Tại sao không?

Hai người cùng im lặng một lúc, rồi Leamas nói:

– Fiedler, tôi đã làm xong phần việc của tôi. Anh và Peters đã biết tất cả những gì tôi biết. Tôi không bao giờ đồng ý viết thư cho các ngân hàng. Điều đó có thể rất nguy hiểm. Tôi biết anh không lấy thế làm lo lắng. Đối với anh, tôi kể như hết xài được.

Fiedler trả lời:

– Bây giờ tôi xin nói thẳng. Như anh biết, có hai giai đoạn trong việc thẩm vấn một kẻ phản bội. Giai đoạn đầu tiên trong trường hợp anh gần như hoàn tất: anh đã cho chúng tôi biết tất cả những gì đáng lẽ chúng tôi có thê ghi nhận được. Anh chưa nói cho chúng tôi biết, Cơ Sở của anh thích kim găm hay kẹp giấy để ghim hồ sơ, bởi vì chúng tôi chưa hỏi, bởi vì anh xem câu trả lời không đáng tự ý đưa ra. Giữa đôi bên đều có một phương thức chọn lọc, Leamas, tôi hiểu đây là một điều khó chịu, nhưng bất kỳ lúc nào trong vòng một hai tháng tới rất có thể chúng tôi sẽ bất ngờ cần biết kim găm hay kẹp giấy. Thông thường, việc đó được dự trù cho giai đoạn thứ hai của cuộc thẩm vấn – phần mà anh đã từ chối không chịu nhận ở Hoà Lan.

– Anh muốn nói, anh sắp sửa cất tôi vào tủ lạnh?

Fiedler bảo với một nụ cười:

– Nghề phản bội đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Vì thế rất ít ai có đủ khả năng.

Leamas cố hỏi:

– Trong bao lâu?

Fiedler im lặng:

– Thế nào?

Fiedler chợt nói bằng giọng thành khẩn:

– Tôi hứa với anh ngay khi nào có thể tôi sẽ trả lời cho câu hỏi của anh. Anh cũng rõ, tôi có thể nói dối với anh lắm chứ?. Tôi có thể bảo độ một hai tháng nữa, cho anh sa lòng. Nhưng tôi vẫn bảo anh là tôi không biết, đó là sự thực. Anh đã cho chúng tôi một số chỉ điểm: trước khi khai thác toàn diện, tôi không thể xét cho anh đi. Nhưng sau này, nếu mọi việc đúng như tôi nghĩ, anh sẽ cần một người bạn, và người bạn đó là tôi. Tôi xin hứa với anh bằng danh dự của một người Đức.

Leamas chưng hửng đến nỗi chàng im lặng đến một lúc. Cuối cùng, chàng bảo:

– Được rồi, tôi đồng ý. Nhưng Fiedler, anh coi chừng, nếu anh cố tìm cách gạt tôi, tôi sẽ bẻ cổ anh bằng bất cứ cách nào.

Fiedler bình tĩnh trả lời:

– Có lẽ chẳng cần như vậy

Kẻ thù một vai trò, không phải trước mắt những người khác mà với chính mình, luôn luôn phải chịu đựng những nguy hiểm hiển nhiên về tâm lý. Việc lừa dối tự nó không hề có tính cách bắt buộc, mà chỉ là một vấn đề thói quen nghề nghiệp, một phương tiện mà hầu hết chúng ta đều có thể tự tạo ra. Nhưng trong lúc một kẻ bội tín, một tài tử sân khấu hoặc một tay cờ bạc sau khi trình diễn có thể trở về làm khán giả mộ điệu, thì người điệp viên không thể hưởng được cái thú thoải mái tương tự. Đối với anh ta, lừa dối là một vấn đề tự vệ tiên quyết. Anh ta phải tự bảo vệ không những từ bên ngoài mà cả bên trong nữa, phải chống lại những xúc động tự nhiên nhất; mặc dầu anh ta kiếm được rất nhiều tiền, vai trò của anh ta có thể không cho phép anh ta mua một con dao cạo, mặc dầu học rộng, rất có thể anh ta chỉ được ấp úng một vài lời thô lậu, mặc dầu anh ta là một người chồng, người cha trìu mến, trong mọi trường hợp anh ta phải tự ngăn cấm ước mong tâm sự với những ngừơi thân của mình.

Nhận thức được những cám dỗ mãnh liệt chỉ chực tấn công một người luôn luôn bị cô lập trong mối gian dối, Leamas vẫn sử dụng đường lối trang bị cho chàng vững mạnh nhất. Ngay cả những khi chàng ở một mình, chàng tự nguyện sống với nhân vật mà chàng đang đội lốt. Người ta đồn rằng, Balzac trong lúc hấp hối vẫn lo hỏi thăm sức khoẻ và sự thịnh vượng của những nhân vật do ông tạo ra. Tương tự như thế, Leamas không từ bỏ khả năng bịa đặt, trong lúc lồng mình trong vai trò của chàng. Những nét mà chàng đã tiết lộ với Fiedler, vẻ bất định đầy xao xuyến, giọng nói kiêu ngạo để che giấu nỗi xấu hổ, không phải những ước tính mà những sắc thái về con người thực của chàng. Cũng do đó mà chàng thường hay kéo lê bước chân, khinh suất việc ăn mặc và càng ngày càng hút thuốc uống rượu nhiều hơn. Những lúc ở một mình, chàng vẫn giữ nguyên những thói quen đó. Chàng còn bê tha hơn một chút, lẩm bẩm với mình về những nỗi bất công với Cơ Sở của chàng.

Chỉ trong một hai trường hợp rất hiếm hoi, như hôm nay, lúc lên giường nằm, chàng mới cho phép mình nhìn nhận bầu không khí giả dối mà chàng đang sống.

Control đã tỏ ra sáng suốt một cách dị thường. Fiedler đang tiến bước, như một kẻ bị dẫn đi trong lúc ngủ mê, vào chiếc bẫy mà Control đã giăng ra cho y. Thật là kỳ lạ khi xét kỹ sự tương đồng ngày một tăng giữa Fiedler và Control, tựa hồ họ cùng thoả thuận chung một kế hoạch, và Leamas được chỉ định đi thực hiện kế hoạch này.

Có lẽ đó chính là câu trả lời. Có lẽ Fiedler chính là nguồn lợi đặc biệt mà Control phải tận lực chiến đấu để giữ gìn. Leamas đã không suy nghĩ về giả thuyết này. Chàng không múôn biết. Đối với những chuyện như thế, chàng không hề có chút tò mò, vì biết trước rằng mọi suy diễn đều không đi đến đâu. Tuy nhiên, chàng ước mong đó là sự thực. Trong trường hợp này, và chỉ trong trường hợp này, chàng mói có thể trở về nhà.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN