Người Từ Miền Đất Lạnh - Phiên Toà
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
130


Người Từ Miền Đất Lạnh


Phiên Toà



Phòng xử không lớn hơn một lớp học. Ở một đầu, trên năm sáu cái ghế dài vửa được kê thêm là các tên gác, cai ngục và xem lẫn với bọn chúng là các khán giả – những thành viên Chủ Tịch Đoàn và các viên chức chọn lọc. Đầu phòng kia là ba nhân viên của Toà Án ngồi trên ghế có lưng dựa cao trước một cái bàn gỗ sồi không đánh bóng. Trên đầu họ, ngay giữa trần nhà, có một ngôi sao đỏ bằng ván ép treo bởi ba sợi dây. Tường phòng xử trắng như tường xà lim đã nhốt Leamas.

Ở hai bên, trên hai cái ghế kê xích về phía trước bàn và xoay vào nhau, là hai người đàn ông. mội người trung niên khoảng sáu mươi tuổi, mặc đồ đen và cà vạt xám, loại y phục mặc trong nhà tại các vùng quê ở Đức; người kia là Fiedler.

Leamas ngồi đằng sau, hai bên có lính gác. Giữa đám đầu của khán giả chàng trông thấy Mundt, quan hắn toàn là cảnh sát, tóc hắn cắt thật ngắn, đôi vai rộng khoác chiếc áo tù màu xám quen thuộc. Đối với Leamas dường như đây là một điểm kỳ lạ về thái độ của Tòa, hoặc về ảnh hưởng của Fiedler: Fiedler vẫn được mặc quần áo của mình, còn Mundt phải mặc quần áo tù.

Leamas ngồi vào chỗ không được bao lâu thì Chánh Thẩm của Phiên Tòa, ngồi ở giữa bàn, rung chuông. Tiếng chuông khiến chàng chú ý nhìn về phía đó, và rùng mình khi thấy Chánh Thẩm là một người đàn bà. Cũng khó mà trách được Leamas đã không để ý đến điều này. Bà ta khoảng năm mươi tuổi, mắt nhỏ và tóc đen, cắt ngắn như tóc đàn ông. Bà ta mặc loại áo màu đen sẫm dùng để làm việc mà các bà vợ Sô-viết vẫn thích mặc. Bà ta đưa mắt nhìn quanh phòng, gật đầu với một tên gác đứng sát cửa, và bắt đầu ngay vào việc khai diễn phiên toà, không lễ nghi rườm rà:

– Các đồng chí đều biết tại sao chúng ta ở đây. Các cuộc thảo luận phải được giữ bí mật, các đồng chí hãy nhớ thế. Đây là một Phiên Toà được triệu tập theo lệnh của Chủ Tịch Đoàn. Chúng ta chỉ chịu trách nhiệm với Chủ Tịch Đoàn mà thôi. Chúng ta sẽ nghe các chứng cớ nào phù hợp.

Bà ta chỉ về phía Fiedler một cách đầy trang nghiêm:

– Đồng chí Fiedler, đồng chí hãy bắt đầu đi.

Fiedler đứng dậy, khẽ gật đầu chào về phía chiếc bàn. Y rút trong cái cặp ở cạnh người ra một xấp giấy xếp lại với nhau bằng một sợi dây đen ở góc.

Y nói một cách trầm tĩnh và khoan thai, với một vẻ dè dặt mà Leamas chưa hề thấy nơi y. Leamas xem đó là một sự trình diễn giỏi, thích hợp với vai trò của một người lấy làm đau buồn khi phải treo cổ cấp chỉ huy của mình.

Fiedler bắt đầu:

– Quý đồng chí cần biết trước tiên, nếu chưa biết, rằng vào ngày Chủ Tịch Đoàn nhận được phúc trình của tôi về các hoạt động của đồng chí Mundt, tôi đã bị bắt, cùng với hàng viên Leamas. Cả hai chúng tôi bị cầm tù, và cả hai chúng tôi bị… mời, dưới sự cưỡng bách cực đoan, phải thú nhận rằng toàn thể sự truy tố khủng khiếp này là một âm mưu của bọn Phát-xít chống lại một đồng chí trung kiên.

“Quý vị đồng chí có thể thấy ngay nơi phúc trình là tôi đã ghi rõ trường hợp nào chúng tôi đã chú ý đến Leamas: tự chúng tôi đã tìm đến y, nhử y rời bỏ hàng ngũ và cuối cùng mang hắn đến Dân Chủ Đức Quốc. Không có gì có thể tỏ rõ hơn sự vô tư của Leamas bắng điều này: hắn vẫn không chịu, vì những lý do tôi sẽ giải thích, tin rằng Mundt là một điệp viên của Anh Quốc. Do đó thật phi lý nếu cho rằng Leamas là một sự sắp đặt: sáng kiến là do chúng tôi, và chứng cứ rời rạc nhưng chủ yếu của Leamas chỉ cung ứng sự chứng thực sau cùng trong một chuỗi dài dấu hiệu xảy ra suốt ba năm qua.

“Quý vị đồng chí hiện có trước mặt hồ sơ viết tay của vụ này. Vì vậy tôi chỉ cần giải thích rõ về các sự kiện mà quý vị đã biết:

“Tội của đồng chí Mundt là y đã làm điệp viên cho một đế quốc. Lẽ ra, tôi có thể truy tố y về nhiều tội khác – như y đã trao tin tức cho Mật Vụ Anh, đã biến cơ quan của y thành một tay sai vô tình của một nước tư bản trưởng giả, đã che chở các nhóm phản động chống Đảng và đã nhận các món ngoại tệ trả công. Những tội danh này bắt nguồn từ tội danh đầu: Hans-Dièter Mundt là điệp viên của một đế quốc. Hình phạt của tội này là tử hình. Không còn tội nào nặng hơn trong bộ hình luật của chúng ta, không tội nào khiến quốc gia chúng ta lâm nguy hơn, hoặc đòi các cơ quan của Đảng phải cảnh giác hơn”.

Đến đây, y đặt tập giấy xuống.

“Đồng chí Mundt, 42 tuổi, là Phó Giám Đốc Cơ Quan Bảo Vệ Nhân Dân, độc thân, đã luôn luôn được xem là một người có khả năng đặc biệt, miệt mài phục vụ cho quyền lợi của Đảng, không nương tay trong khi thi hành nhiệm vụ.

“Tôi sẽ trình bày vài chi tiết về nghề nghiệp của bị cáo. Y được tuyển vào cơ quan năm 28 tuổi và được huấn luyện như thường lệ. Sau giai đoạn tập sự, y đảm nhận công tác tại các quốc gia Bắc-Âu, nhất là Na-uy, Thụy-điển và Phần-lan – ở những nơi đó y đã thành công trong việc thiết lập một mạng lưới tình báo mang cuộc chiến với những phần tử xách động, Phát-xít vào tận doanh trại của kẻ thù. Y đã thi hành công tác một cách tốt đẹp, và không có lý do gì để nghĩ rằng trong thời gian này y không phải là một nhân viên cần mẫn của Cơ Quan. Nhưng thưa quý đồng chí, quý đồng chí không nên quên sự liên hệ đầu tiên này của y với Bắc-Âu. Những mạng lưới do đồng chí Mundt thành lập sau chiến tranh đã cung ứng cho y, trong những năm sau, nhiều lần viện cớ để y đi Phần-lan và Na-uy, nơi mà nhiệm vụ trở thành một cái mặt nạ che chở cho y rút ra hàng ngàn đô-la từ các ngân hàng ngoại quốc để trả công cho hành vi phản bội của y. Xin đừng lầm: đồng chí Mundt không phải là nạn nhân của những kẻ cố tình ngăn chận trào lưu tiến hóa của lịch sử. Trước hết là sự hèn nhát, rồi sự yếu đuối, rồi lòng tham; đó là những động cơ đã thúc đẩy y, giấc mơ của y là cảnh giàu sang phú quý. Mỉa mai thay, chính hệ thống tinh vi đã thoả mãn lòng say mê tiền bạc của y lại khiến sức mạnh của công lý theo đuổi y”.

Fiedler ngừng, nhìn quanh phòng, mắt đột nhiên ngời sáng vì hăng hái. Leamas say sưa theo dõi. Fiedler lớn tiếng nói tiếp:

– Chúng ta hãy xem đây là một bài học cho những kẻ thù khác của quốc gia, mà tội ác của chúng bẩn thỉu đến nỗi phải âm mưu trong bóng đêm!

Một tiếng rì rầm bàn tán đồng nổi lên từ thành phần khán giả ít ỏi cuối phòng.

– Chúng sẽ không thoát khỏi tai mắt của nhân dân, những người mà chúng tìm cách bán xương máu!

Fiedler như đang nói với một cử tọa đông hơn là một nhóm các viên chức và lính gác tụ tập trong căn phòng nhỏ xíu với mấy bức tường vôi trắng.

Lúc bấy giờ Leamas mới nhận thấy Fiedler không liều lĩnh: thái độ của Toà, của các nhân chứng phải kỳ tuyệt về mặt chính trị. Fiedler chắc cũng biết rõ mối nguy của sự phản công ngược lại sau đó trong những vụ như thế này, cho nên y đang tự bảo vệ lấy mặt sau mình: lời kết tội, chỉ trích của y sẽ được ghi vào biên bản và phải là một người can đảm lắm mới đứng lên bác bỏ.

Fiedler mở hồ sơ trên bàn trước mặt:

– Cuối 1959, Mundt được gửi đến Luân Đôn với tư cách là nhân viên của Phái Bộ Thép Đông Đức. Y có thêm nhiệm vụ nữa là thi hành những biện pháp cần thiết để chống lại các nhóm di dân phản loạn. Trong công việc, y đã bị nhiều nguy hiểm lớn lao – và đạt những kết quả quý giá.

Sự chú ý của Leamas lại hướng về ba người ngồi tại chiếc ghế bàn chính giữa. Bên trái Chánh Thẩm là một người đàn ông còn khá trẻ, tóc đen. Mắt y như đang lim dim. Mái tóc y lưa thưa, không có hàng lối, nước da xám xịt của một con người khắc khổ. Tay y thon, táy máy với góc xấp giấy trước mặt. Leamas đoán y là người của Mundt, chàng thấy khó giải thích được tại sao. Bên kia Chánh Thẩm là một người hơi già, đầu hói, có bộ mặt cởi mở dễ ưa. Leamas nghĩ y giống một tên đần, chàng đoán rằng nếu số phận Mundt được để lên một bàn cân, người trẻ tuổi sẽ bênh vực y và người đàn bà kết tội y. Còn người kia sẽ bối rối trước sự khác biệt đó về ý kiến và ngả theo phe Chánh Thẩm.

Fiedler lại nói:

– Chính vào cuối thời gian công tác tại Luân Đôn, y đã được thu dụng. Tôi đã nói rằng y chịu nhiều nguy hiểm. Trong công việc, y đã thành kẻ thủ của Mật Vụ Anh, và họ ra trát bắt y. Mundt không có quyền đặc miễn ngoại giao (Anh quốc, với tư cách là hội viên trong NATO(1) không công nhận chủ quyền tuyệt đối của ta), nên đã phải lẫn trốn. Các hải cảng đều bị canh chừng; hình dáng y được gửi đi khắp quần đảo Anh. Vậy mà sau hai ngày trốn tránh, đồng chí Mundt đáp một chiếc taxi đến phi trường Luân Đôn và bay về Bá Linh. “Thật giỏi”. Quý vị sẽ nói thế, và quả là thế thật. Với cả lực lượng Cảnh Sát Anh đang được báo động, mọi đường bộ, đường hoả xa, đường biển, đường hàng không đều bị canh chừng thường trực, mà đồng chí Mundt đáp máy bay rời khỏi phi trường Luân Đôn, giỏi thật… Hoặc quý vị đồng chí có thể có cảm tưởng, sau khi suy nghĩ lại, rằng chuyến thoát thân của Mundt khỏi Anh quốc hơi quá giỏi, hơi quá dễ dàng, đến nỗi nếu không có sự thông đồng của nhà chức trách Anh quốc thì sẽ không thể nào thành được!

Một tiếng rì rào khác, đồng nhất hơn trong tiếng trước, nổi lên từ cuối phòng.

– Sự thật là thế này: Mundt đã bị người Anh bắt cầm tù. Trong một buổi sơ vấn ngắn ngủi và đáng ghi nhớ, họ bày ra cho y sự lựa chọn cổ điển. Những năm dài trong một nhà tù đế quốc chấm dứt một sự nghiệp sáng lạn, hay là trở về quê nhà một cách kỳ diệu, không ai ngờ, và thực hiện lời hứa y đã đưa ra? Dĩ nhiên, người Anh đặt điều kiện để cho y về là phải cung cấp tin tức cho họ và họ sẽ trả những món tiền lớn. Với củ cà-rốt trước mặt và cây gậy sau lưng, Mundt đã bị thu dụng.

“Giờ thì người Anh có lợi ích để đưa Mundt tiến xa trong nghề. Chúng tôi chưa thấy rõ được rằng thành công của Mundt trong việc thanh toán những điệp viên Tây phương loại xoàng là công việc của các quan thầy đế quốc của y phản bội những cộng sự viên – những người không còn xài đến – để uy tín của Mundt thêm gia tăng. Chúng tôi không thể chứng tỏ điều đó, nhưng đó là một giả thuyết rất lữu lý.

“Từ 1960 – năm đồng chí Mundt trở thành Trưởng Ban Phản Gián của Abteilung – chúng tôi đã nhận được nhiều dấu hiệu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy là có một điệp viên cao cấp trong hàng ngũ chúng ta. Quý vị đều biết Karl Riemeck là một điệp viên: khi hắn bị trừ khử, chúng ta nghĩ rằng, phần tử xấu đã bị tiêu diệt. Nhưng các tin đồn vẫn còn.

“Cuối 1960, một nhân viên cũ của ta tiếp xúc với một người Anh ở Lebanon được biết là có liên lạc với Mật Vụ Anh. Hắn đưa cho người này, sau đó không lâu chúng tôi đã phát giác – một bảng mô tả hai ban trong Abteilung nơi trước kia hắn đã làm việc. Tài liệu này, sau khi chuyển về Luân Đôn, đã bị gạt bỏ. Thật là kỳ lạ, như thế chỉ có nghĩa là Mật Vụ Anh đã có tin tình báo đó rồi, và tin đó là tin cập nhật hoá.

“Từ giữa năm 1960 trở đi chúng ta mất dần nhân viên tại ngoại quốc với một nhịp độ đáng báo động. Thường thì họ bị bắt sau khi được gửi đi vài tuần. Đôi khi đối phương còn cố xoay các nhân viên đó trở ngược hại ta; nhưng chỉ thỉnh thoảng. Dường như họ không mấy lưu tâm đến điều đó.

“Thế rồi – đầu 1961, nếu tôi nhớ không lầm – chúng ta có một may mắn. Bằng một cách mà tôi xin không nói ra ở đây, ta nhận được một bản tóm lược các tin tức tình báo mà Mật Vụ Anh có được về Abteilung. Nó thật đầy đủ, chính xác, và cập nhật hóa một cách đến sửng sốt. Tôi đưa nó cho Mundt coi, dĩ nhiên – y là thượng cấp của tôi. Y bảo y không ngạc nhiên tí nào, y đang điều tra một vài vụ và tôi không nên có hành động gì, e rằng y sẽ thất bại trong các cuộc điều tra đó. Tôi phải thú thật là lúc bấy giờ tôi thoáng có ý tưởng xa vời và huyền hoặc rằng chính Mundt có thể đã cung cấp tin tức cho đối phương. Còn có những dấu hiệu khác nữa…

“Tôi không cần phải nói với quý vị đồng chí rằng người cuối, chính người cuối cùng bị ngờ làm gián điệp lại là Trưởng Ngành Phản Gián. Ý niệm này thật đáng sợ, quá hoang đường, khiến ít người dám nghĩ đến, chớ đừng nói là phát triển nó! Tôi thú thật đã có cái tội quá miễn cưỡng trong sự truy tầm một lối suy diễn có vẻ huyễn hoặc như vậy. Thế là lầm.

“Nhưng thưa quý vị đồng chí, chứng cứ cuối cùng đã lọt vào tay ta. Tôi đề nghị gọi nhân chứng đó ra bây giờ.

Y quay lại liếc về phía cuối phòng:

– Mang Leamas lên đây…

Các tên gác hai bên chàng đứng dậy và Leamas len lỏi qua hàng người, đến lối đi rộng không đầy nửa thước chạy dọc giữa phòng. Một tên gác ra dấu cho chàng biết chàng phải đứng hướng vào bàn. Fiedler đứng cách chàng chừng hai thước. Đầu tiên Chánh Thẩm hỏi chàng:

– Nhân chứng tên gì?

– Alec Leamas.

– Bao nhiêu tuổi?

– Năm mươi.

– Có gia đình?

– Không.

– Nhưng trước kia đã có?

– Bây giờ thì không.

– Nghề nghiệp của anh?

– Phụ Tá Quản Thủ Thư Viện.

Fiedler giận dữ xen lời, dằn giọng:

– Trước kia anh làm việc cho Tình Báo Anh phải không?

– Phải, một năm trước đây.

– Toà đã đọc phúc trình về cuộc thẩm vấn anh. Tôi muốn anh cho họ biết một lần nữa về cuộc đối thoại với Peter Guillam Tháng Năm năm ngoái.

– Ông định nói lần chúng tôi nói chuyện về Mundt?

– Phải.

– Tôi đã nói với ông rồi. Lúc đó, tôi ở Cơ Sở, tức văn phòng ở Luân Đôn, bản doanh của chúng tôi tại công trường Cambridge. Tôi tình cờ gặp Peter ở hành lang. Tôi biết anh ta dính vào vụ Fennan và tôi hỏi anh ta lúc này George Smiley ra sao. Rồi chúng tôi nói đến chuyện Dieter Frey, người vừa chết, và Mundt, kẻ dính vào chuyện đó. Peter bảo anh ta cho rằng Maston – Maston là người chịu trách nhiệm về vụ đó – đã không muốn Mundt bị bắt.

Fiedler hỏi:

– Anh nghĩ sao về chuyện đó?

– Tôi biết Maston đã làm rối tung vụ Fennan lên. Tôi cho rằng ông ta không muốn Mundt khuấy bùn lên khi xuất hiện trước lão Barley.

Chánh Thẩm xen vào:

– Nếu Mundt đã bị bắt, y có sẽ bị truy tố về mặt pháp lý không?

– Cái đó tùy nơi nào bắt y. Nếu cảnh sát bắt được y, họ sẽ phúc trình cho Bộ Nội Vụ. Sau đó thì không quyền hành nào cứu hắn thoát khỏi bị kết tội.

Fiedler hỏi:

– Và nếu Cơ Sở anh bắt được thì sao?

– Ồ, đó lại là chuyện khác. Tôi cho rằng họ sẽ thẩm vấn y và cố đổi y lấy một người của chúng tôi bị đối phương bắt giữ, hoặc họ sẽ cho y một cái vé tàu.

– Nghĩa là sao?

– Thủ tiêu y.

– Thanh toán y?

Lúc này Fiedler mới đặt tất cả câu hỏi, và các nhân viên của Phiên Toà chăm chú viết vào hồ sơ trước mặt.

Leamas đáp:

– Tôi không biết họ làm gì. Tôi chưa hề dính vào trò đó.

– Họ không có thể tuyển dụng y như một nhân viên của họ sao?

– Có chứ, nhưng không thành công.

– Sao anh biết được?

– Chúa ơi, tôi đã nói mãi với ông. Tôi không phải chỉ là một con dấu đóng trên giấy tờ! Tôi đã đứng đầu Ban Chỉ Huy tại Bá-linh trong bốn năm. Nếu Mundt đã là một người trong bọn tôi, tôi phải biết chứ. Tôi đã không thể không biết được.

– Hẳn thế.

Fiedler như hài lòng với câu trả lời, có lẽ tin chắc những kẻ còn lại trong Phiên Toà không như Leamas. Bây giờ y hướng sự chú ý vào điệp vụ “Rolling Stone”, bắt buộc Leamas một lần nữa phải kể qua các biện pháp an ninh phức tạp đặc biệt về sự luân lưu hồ sơ, những bức thư gởi cho các ngân hàng ở Stockholm và Helsinki và thư trả lời mà Leamas đã nhận được. Nói với Toà, Fiedler nhận định:

– Chúng tôi không nhận được thư trả lời từ Helsinki. Tôi không hiểu tại sao. Nhưng hãy để tôi tóm lược cho quý vị đồng chí. Leamas gởi tiền ở Stockholm ngày 15 tháng 6. Trong xấp giấy tờ trước mặt quý vị có một bản sao của ngân hàng Hoàng Gia Bắc Âu gửi cho Robert Lang. Robert Lang là tên của Leamas dùng để mở trương mục tại Copenhagen. Từ bức thư đó (đánh số thứ tự 12 trong hồ sơ của quý vị), quý vị sẽ thấy rằng tất cả số tiền – mười ngàn đô la – đã được rút ra bởi đồng trương chủ một tuần lễ sau. Tôi nghĩ rằng…

Fiedler tiếp tục nói trong lúc đầu y chỉ về phía hình bóng bất động của Mundt ở hàng đầu:

– Bị cáo không thể chối cãi rằng y đã ở Copenhagen ngày 21 tháng 6, trên danh nghĩa thi hành công tác mật cho Abteilung.

Y ngừng rồi lại tiếp ngay:

– Chuyến đi của Leamas đến Helsinki – chuyến đi thứ nhì để ký thác tiền – xảy ra vào ngày 24 tháng 9.

Cất cao giọng, y quay lại nhìn thẳng vào Mundt:

– Vào ngày 3 tháng 10 đồng chí Mundt làm một chuyến đi bí mật đến Phần-lan – một lần nữa lại lý do là vì quyền lợi của Abteilung.

Tất cả cùng im lặng. Fiedler từ từ quay lại nói một lần nữa với Toà. Bằng một giọng bất thần hạ xuống và đầy đe dọa, y hỏi:

– Quý vị có cho rằng các chứng cứ đó chỉ là do suy đoán? Xin hãy để tôi nhắc quý vị một điều khác nữa.

Y quay về phía Leamas:

– Nhân chứng, trong những hoạt động của anh ở Bá-linh, anh có liên hệ đến Karl Riemeck, trước kia là bí thư của Chủ Tịch Đoàn Xã Hội Thống Nhất Đảng. Sự liên hệ đó ra sao?

– Y là nhân viên của tôi cho đến khi bị người của Mundt bắn.

– Hẳn thế. Y bị người của Mundt bắn. Một trong nhiều điệp viên bị thanh toán gọn bởi đồng chí Mundt trước khi họ có thể bị thẩm vấn. Nhưng trước khi bị người của Mundt bắn có phải y đã là một điệp viên của Mật Vụ Anh?

Leamas gật đầu.

– Anh có thể mô tả cuộc họp giữa Riemeck và người mà anh gọi là Control?

– Control từ Bá-linh đến để gặp Karl. Karl là một trong những điệp viên được việc nhất của chúng tôi, tôi cho là thế, và Control muốn gặp y.

Fiedler ngắt lời:

– Y cũng là một trong những người được tín cẩn nhất?

– Phải, ồ phải, Luân Đôn rất quý mến Karl, y không làm gì quấy. Khi Control đến, tôi thu xếp cho Karl tới nhà tôi và cả ba chúng tôi cùng ăn tối. Tôi không thích Karl đến đây, nhưng không nói với Control được. Chuyện rất khó giải thích, nhưng họ có thành kiến ở Luân Đôn, họ ở xa quá và tôi rất sợ họ sẽ viện cớ phổng tay trên mất Karl – họ có thể làm thế lắm.

Fiedler dịu giọng:

– Nên anh thu xếp cho cả ba gặp nhau. Rồi chuyện gì đã xảy ra?

– Control đã nói trước với tôi rằng ông ta cần chừng mười lăm phút nói chuyện riêng với Karl, nên trong buổi tối tôi giả vờ hết rượu. Tôi liền đi lại nhà De Jong. Tôi đã uống hai ly ở đó, mượn một chai và mang về.

– Lúc anh gặp họ, họ ra sao?

– Ông muốn nói gì?

– Control và Riemeck vẫn còn nói chuyện? Nếu thế, thì họ đang nói chuyện gì?

– Họ không còn nói chuyện với nhau khi tôi trở về.

– Cám ơn anh, anh có thể ngồi xuống.

Leamas quay về chỗ ngồi của chàng ở cuối phòng. Fiedler quay về phía ba nhân viên Toà và bắt đầu:

– Tôi muốn nói trước tiên về điệp viên Riemeck, người đã bị bắn, Karl Riemeck. Quý vị có trước mặt một danh sách tất cả các tin tức mà Riemeck đưa cho Alec Leamas ở Bá-linh, theo như Leamas nhớ được… Thật là một hồ sơ phản phúc đáng nể… Để tôi tóm tắt cho quý vị, Riemeck đưa cho quan thầy y một bản ghi chi tiết các công việc và nhân viên của toàn thể Abteilung. Hắn có thể, nếu ta tin Leamas, mô tả cả những cung cách làm việc của ta trong những phiên họp bí mật nhất. Với tư cách Bí Thư của Chủ Tịch Đoàn hắn cho những biên bản về các diễn biến bí mật nhất.

“Đối với hắn thật dễ dàng. Chính hắn thu góp hồ sơ mỗi buổi họp. Nhưng con đường đưa Riemeck vào những chuyện bí mật của Abteilung thì lại là một chuyện khác. Vào cuối 1959 ai đã tuyển chọn Riemeck vào Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Dân, tiểu ban quan yếu của Chủ Tịch Đoàn có nhiệm vụ phối trí và thảo luận các công việc của những cơ quan an ninh của ta? Ai trong mỗi chặng đường nghề nghiệp của Riemeck từ 1959 (năm Mundt từ Anh về, quý vị nên nhớ thế) đã đặc biệt cử vào những chức vụ đặc biệt? Tôi sẽ nói cho quý vị biết (Fiedler chợt nói lớn) – Chỉ có một người có thể che chở cho những hoạt động gián điệp của y: Hans-Dièter Mundt. Chúng ta hãy nhớ lại xem Riemeck tiếp xúc ra sao với các cơ quan tình báo Tây phương ở Bá-linh – xem hắn tìm ra chiếc xe của De Jong đi picnic như thế nào và để cuộn phim vào xe ra sao. Quý vị có ngạc nhiên về sự biết trước mọi việc của Riemeck không? Sao hắn đã biết được nơi tìm ra chiếc xe vào đúng ngày đó? Chính Riemeck không có xe, y không thể nào theo dõi De Jong từ nhà hắn tại Tây Bá-linh. Chỉ có một cách duy nhất, nhờ đó y có thể biết được là Cơ quan Cảnh Sát An Ninh của chính chúng ta, đã báo cáo sự hiện diện của xe De Jong theo thường lệ ngay khi chiếc xe chạy ngang trạm kiểm soát Liên Khu. Kiến thức đó Mundt có, và chuyển cho Riemeck biết. Đó là tất cả nội vụ truy tố Hans-Dièter Mundt. Tôi xin nói với quý vị, Riemeck là sản phẩm của Mundt, là gạch nối giữa Mundt và quan thầy đế quốc của y!”

Fiedler ngừng, rồi tiếp tục một cách trầm tĩnh:

– Mundt – Riemeck – Leamas: đó là sợi xích chỉ huy, và đó là định lý về kỹ thuật tình báo trên toàn thế giới. Mỗi mắc xích phải được giữ sao cho càng lâu càng hay, không biết về các mắc xích khác. Vì vậy, sự việc Leamas khăng khăng cho rằng không biết gì về mối hại Mundt là một điều hữu lý: đó là bằng chứng an toàn của các quan thầy của y tại Luân Đôn.

“Quý vị cũng đã được phúc trình đầy đủ về vụ gọi là “Rolling Stone” đã được điều hành ra sao, theo những điều kiện bí mật đặc biệt, Leamas đã biết lờ mờ thế nào về một ban tình báo dưới quyền Peter Guillam được cho là liên quan đến tình trạng kinh tế của nền Cộng Hòa chúng ta. Một ban, mà đáng ngạc nhiên thay, lại ở trên danh sách luân lưu hồ sơ “Rolling Stone”. Tôi xin lưu ý quý vị rằng chính Peter Guillam là một trong nhiều sĩ quan An Ninh Anh Quốc đã dính líu vào vụ điều tra về các hoạt động của Mundt hồi y còn ở Anh Quốc”.

Người đàn ông trẻ tuổi ngồi ở bàn nhấc cây viết chì lên, vừa nhìn Fiedler với cặp mắt mở to, lạnh và cứng rắn, vừa hỏi:

– Vậy tại sao Mundt thanh toán Riemeck, nếu Riemeck là nhân viên của y?

– Y không còn cách nào hơn, Riemeck đang bị nghi ngờ. Nhân tình của y đã phản y bằng cách tiết lộ khoe khoang. Mundt ra lệnh bắn anh ta ngay lúc nào bắt gặp anh ta, nhắn tin cho Riemeck biết là phải trốn, và mối nguy bội phản đã bị dập tắt. Sau này, Mundt ám sát luôn người đàn bà.

“Tôi muốn trình bày rõ hơn một chút về kỹ thuật của Mundt. Sau khi y về Đức năm 1959, Tình Báo Anh án binh bất động để chờ đợi. Sự thuận cộng tác của y với họ chưa tỏ rõ, nên họ cho y chỉ thị và chờ đợi, chịu trả tiền và hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp. Khi đó Mundt không phải là một nhân viên cao cấp cả Cơ Quan ta – cũng như của Đảng ta – nhưng y thấy và hiểu nhiều, và những gì y thấy y bắt đầu báo cáo. Dĩ nhiên y tự lực liên lạc với quan thầy của y. Chúng ta phải giả thử rằng y được gặp gỡ tại Tây Bá-linh, rằng trong những chuyến đi ngoại quốc ngắn ngủi đến Bắc Âu và nơi khác, y đã được tiếp xúc và thẩm vấn. Người Anh thoạt đầu chắc đã phải cẩn thận – ai mà không thế? Họ ước lượng giá trị những gì y cho họ, so với những gì họ đã biết, nhưng họ e hắn có thể chơi trò gián điệp nhị trùng. Nhưng dần dần họ nhận ra họ đã đào được một mỏ vàng. Mundt bắt đầu phản bội với cái hiệu năng có hệ thống đã nổi tiếng của y. Thoạt tiên, tôi đoán thế, nhưng có căn cứ thưa quý vị Đồng Chí, dựa trên kinh nghiệm lâu dài trong nghề cũng như trên chứng cứ của Leamas. Trong mấy tháng đầu, họ không dám thiết lập mạng lưới nào có Mundt ở trong. Họ để y một mình, họ giúp y, trả công và huấn thị y mà không qua một tổ chức của họ tại Bá-linh. Họ lập ra ở Luân Đôn, dưới quyền Guillam (vì chính hắn là người thu dụng Mundt ở Anh) một ban bí mật và tí hon có một nhiệm vụ mà ngay trong Cơ Sở cũng không ai biết trừ một số người chọn lọc. Họ trả tiền cho Mundt theo một hệ thống đặc biệt mà họ gọi là “Rolling Stone” và hiển nhiên họ phối kiểm thật cẩn thận những tin tức do y cung cấp. Như vậy chắc quý vị nhận thấy điều đó phù hợp với những lời phản đối của Leamas về sự hiện diện của Mundt, mặc dù – quý vị sẽ thấy – không những Leamas đã trả tiền cho y, mà cuối cùng còn chuyển về Luân Đôn những tin tức từ Riemeck do Mundt lấy được.

“Cuối 1959, Mundt thông báo cho quan thầy ở Luân Đôn biết rằng y đã tìm ra trong Chủ Tịch Đoàn một người sẽ làm trung gian giữa họ và Mundt, người đó là Karl Riemeck.

“Làm sao Mundt tìm được Riemeck? Tại sao y dám tin tưởng Riemeck chịu cộng tác? Quý vị phải nhớ đến địa vị cao cấp của Mundt: y được quyền coi mọi hồ sơ an ninh, có thể nghe lén điện thoại, mở trộm thư, mướn người canh chừng, y có thể thẩm vấn bất cứ ai với một quyền bất khả chỉ trích, và có trước mặt y bức hoạ chi tiết về đời sống riêng tư của họ. Nhất là y có thể làm câm nín nghi ngờ ngay lập tức bằng cách quay ngược vào những người đó với chính thứ vũ khí – (giọng Fiedler run lên vì giận dữ) – được tạo ra để che chở họ.

Quay về một cách tự nhiên với giọng nói điềm tĩnh trước đó của y, Fiedler tiếp:

– Bây giờ, quý vị có thể thấy những gì Luân Đôn đã làm. Vẫn giữ lý lịch Mundt trong vòng bí mật, họ thu xếp để tuyển dụng Riemeck và thiết lập một cách tiếp xúc gián tiếp giữa Mundt và ban chỉ huy tại Bá-linh. Đó là ý nghĩa của sự tiếp xúc giữa Riemeck với De Jong và Leamas. Đó là cách quý vị nên giải thích chứng cứ của Leamas, đó là cách quý vị nên đo lường tầm mức sự phản bội của Mundt.

Y quay lại và nhìn thẳng vào mặt Mundt, y la lớn:

– Đây là tên phá hoại, tên khủng bố của quý vị! Đây là tên bán đứng quyền lợi của nhân dân.

“Tôi sắp dứt lời, chỉ còn một điều cần phải nói. Mundt đã được tiếng là một người bảo vệ nhân dân trung kiên, bất diệt, và y đã làm câm vĩnh viễn những cái miệng nào có thể phát giác sự bí mật của y. Như thế, y đã dùng danh nghĩa của nhân dân để che chở cho sự phản bội theo bọn phát-xít của y và tiến thân trên con đường nghề nghiệp trong Cơ Quan của chúng ta. Không thể tưởng tượng ra một tội ác nào ghê rợn hơn tội ác này. Đó là lý do khiến rốt cuộc, sau khi làm hết cách để bảo vệ Karl Riemeck khỏi bị nghi ngờ càng ngày càng gia tăng, y đã ra lệnh bắn chết Riemeck tại chỗ. Đó là lý do tại sao y xếp đặt việc ám sát tình nhân của Riemeck. Khi quý vị đưa phán quyết lên Chủ Tịch Đoàn, xin đừng ngần ngại mà không nhìn nhận tính chất thú vật trong tội ác của tên này. Với Huns-Dièter Mundt, tử hình là một phán quyết khoan hồng.

(1) North Atlantic Treaty Oganization: Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN