Nhụ Mộ - Chương 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
188


Nhụ Mộ


Chương 22


Edit: Dú

—————————————–

Vào ngày kỉ niệm thành lập trường, rất nhiều cựu học sinh từ các nơi trên cả nước đều hội tụ tham gia, thậm chí còn có những học sinh từ nước ngoài bay về. Vốn ngôi trường đã tràn ngập tinh thần phấn chấn của tuổi thanh xuân, nay lại vì sự trở về của những cựu học sinh mà càng rộn ràng hơn.

Một số học sinh của các lớp sẽ tham dự hoạt động chính của ngày kỉ niệm cùng với thành viên của Đoàn trường trước đó đã đến các điểm tiếp đãi để chào đón những đàn anh, đàn chị tốt nghiệp đã lâu.

Chuỗi sự kiện tọa đàm, lễ kỉ niệm ngày thành lập trường, triển lãm tranh ảnh và thư họa cũng được liên tiếp tổ chức. Chiếc ti vi LCD tại thư viện trường và nhà truyền thống đều phát các video chúc mừng trường cũ kỉ niệm 115 năm thành lập của các cựu học sinh đến từ khắp các nơi trên thế giới và cả video tư liệu về trường từ lúc mới thành lập cho đến nay, hấp hẫn không ít những học sinh mới quay về trường.

Bộ phim lấy bối cảnh vườn trường được quay bởi câu lạc bộ Truyền thông và Trung tâm sách báo được khá nhiều học sinh ủng hộ hơn. Dường như mỗi chiếc ti vi lúc mở bộ phim này đều được các học sinh mặc đồng phục trường vây quanh, thầm thì với nhau, khe khẽ bàn luận, sau đó lại cười ha ha.

Cho dù là những bậc tiền bối đã qua tuổi sáu mươi, hay những nhân tài thành công với tuổi trẻ đầy hứa hẹn cũng đều được toàn bộ học sinh nhiệt tình và thân thiết xưng “đàn anh”, “đàn chị”. Trên diễn đàn kỉ niệm ngày thành lập trường, một vài người phát ngôn được chỉ định có nhắc tới chuyện này, đều bày tỏ dường như mình đã trẻ lại một lần nữa.

Bọn họ đã tốt nghiệp, xa cách trường cũ mấy năm nay, trường cũng đã có nhiều thay đổi. Từ khi thành lập đến giờ, trường đã nhiều lần trải qua những tang thương, cơ sở hạ tầng, tên trường cũng thay đổi mấy lần, nhưng nền móng và sự tín nhiệm kia vẫn chưa từng đổi thay, những hoài niệm và lời cảm ơn của các học sinh đối với trường cũng chưa từng giảm đi. Các cựu học sinh đặt hi vọng rất cao vào những đàn em nam, nữ giờ đang theo học ở trường. Nơi đây đã chứng kiến sự trưởng thành của học sinh, và họ cũng đã chứng kiến sự thay đổi của trường. Thanh xuân của rất nhiều người đã lưu giữ ở những năm tháng cấp ba này, khiến trường luôn hừng hực đầy sức sống, vui vẻ hướng đến quang vinh.

Tuy buổi tối ngày khai mạc có tổ chức lễ kỉ niệm ngày thành lập trường nhưng vì là ngày làm việc nên các học sinh vẫn đi học như thường. Chương trình học hôm nay cũng không giống như mọi khi. Không ít cựu học sinh sau khi hội nghị chấm dứt đã tùy ý dạo ngắm trong sân trường, vào thăm các đàn em đang học trong lớp. Cũng có người nhân giờ lên lớp mà trở về phòng học năm xưa của mình, tìm được vị trí ngày xưa rồi ngồi xuống.

Những hành động như vậy lại nhận được sự chào đón của các học sinh. Bọn họ lợi dụng giờ học ngắn ngủi để tâm sự với các đàn anh, đàn chị về những câu chuyện lý thú của trường bây giờ, đồng thời cũng nghe các anh, các chị kể về những kỉ niệm khó quên đã xảy ra hồi còn cắp sách đi học. Đợi đến khi tiếng chuông ra chơi vang lên, các cựu học sinh hoặc là nói lời tạm biệt với khóa dưới, hoặc là ngồi vào chỗ trống trong lớp, nghe thêm một tiết nữa.

Các hoạt động ngày kỉ niệm khiến Chu Thư Uyên bận muốn chết. Một tuần trước ngày khai mạc diễn ra, Lý Gia Đồ không thấy cậu ta rảnh rỗi lúc nào. Sau khi video kỉ niệm ngày thành lập trường chính thức biên tập xong và đăng tải lên mạng, rốt cuộc cậu ta cũng không thể nhịn được nữa, nộp đơn xin rời trung tâm cho Dương Đình Đình, bày tỏ mình không thể một thân một mình làm thêm cả công việc của ban cán sự nữa.

Toàn bộ phòng kí túc không ai không đồng ý với suy nghĩ của cậu ta. Trừ phi là một câu lạc bộ với công việc không bận bịu lắm, nếu không cho dù là người có mang năng lực siêu phàm đi chăng nữa cũng không thể hoạt động đồng thời ở cả ba câu lạc bộ được, huống chi Chu Thư Uyên còn đang đảm nhiệm một chức vụ quan trọng trong Đoàn và cả câu lạc bộ Truyền thông của trường.

Ngày khai mạc hôm nay, Chu Thư Uyên ra ngoài trường chào đón các cựu học sinh nên chỗ ngồi trong lớp đương nhiên trống không. Sau khi hết giờ học, có vài cựu học sinh đến lớp, nói chuyện một lúc lâu với các đàn em, khi chuông báo sắp vào học mà không thấy ai rời đi, họ đều tìm chỗ trống trong lớp ngồi xuống.

Lý Gia Đồ đếm lại số vở bài tập vài lần, nhưng còn chưa đếm xong, thấy lớp vẫn ồn ào, cậu đành phải đi đến bục giảng dùng vở bài tập vỗ lên bàn, lớn tiếng hỏi, “Còn ai không nộp vở bài tập nữa không? Mau nộp lên đây nhé!” Nói xong, cậu còn lật từng quyển, lọc ra những cái tên thường không nộp vở.

Có hai quyển vở nữa được nộp lên. Sau khi đếm xong, cậu xác định vở của Chu Thư Uyên vẫn chưa thấy, bèn bảo người cùng bàn với cậu ta tìm trong đống sách. Cũng không biết có phải đã nhìn nhầm không mà Lý Gia Đồ cảm thấy lúc mình đang giục các bạn nộp vở bài tập, có vài người đang nói chuyện với các đàn em đã chú ý đến cậu.

Nếu có thể, cậu cũng không muốn gây sự chú ý như thế. Đang nghĩ như vậy thì một cô bạn đã lạch bạch chạy tới nộp vở, nhoài người về phía trước bàn thầm nói cho cậu biết, “Lý Gia Đồ, đàn chị ngồi ở phía sau coi trọng cậu đó, hì hì ~”

Mặt cậu cứng đờ, nhìn thoáng qua đàn chị khoảng bốn mươi tuổi kia, người vẫn đang đùa giỡn với các đàn em.

Vất vả lắm cậu mới thu xong bài tập nhưng vẫn muốn đếm lại lần nữa xem có thiếu ai không.

Trong lớp học bất giác truyền ra tiếng cười và xuýt xoa đầy ngạc nhiên, cậu không hiểu sao bèn ngẩng đầu, phát hiện Tô Đồng đang cầm sách giáo khoa đến lớp, mang vẻ mặt xấu hổ và nụ cười khó xử, phất tay bảo học trò đừng kinh ngạc quá.

Toàn bộ đồng phục trung học phổ thông trong toàn thành phố từ hai mươi năm trước đã được bắt đầu quy định chung một nhãn hiệu, chung một hình thức, nhưng cách mấy năm vẫn đổi kiểu dáng một lần. Tô Đồng mặc bộ đồng phục cũ, áo sơ mi màu lam nhạt và quần bò rộng thùng thình bao lấy thân hình cao gầy, vì để chống lạnh nên bên ngoài sơ mi của anh còn mặc một chiếc áo thun bông màu đen. Cúc áo không được cài hết, nhìn thoáng qua cũng không trang trọng lắm. Nếu không phải bộ đồ đồng phục của anh khác với mọi người, có lẽ sẽ có người vừa liếc mắt một cái bèn nhận định anh là học sinh cấp ba thật.

“Thầy ơi, thầy xuyên đến từ mười năm trước đấy ạ?” Chu Ý Trăn nói đùa.

Tô Đồng cười, “Làm gì có, mười năm trước thầy có đẹp trai như này đâu.”

Trong tiếng cười vang và âm thanh huýt sáo của cả lớp, Tô Đồng bất đắc dĩ giải thích đây là kết quả dành cho những kẻ thua cuộc trong đêm tụ hội uống rượu của các giáo viên độc thân vào cuối tuần trước. Không chỉ có mình anh mà ngay cả thầy Hoàng và thầy Bành dạy lớp mười cũng phải mặc lại đồng phục cũ.

“Đồng phục của thầy được giữ gìn tốt quá!” Có học trò nói.

Lúc ấy Tô Đồng cũng vừa đứng bên cạnh bàn của Lý Gia Đồ, quay đầu nhìn thoáng qua chồng sách trên bàn chất cao như núi, “Hồi ấy với bây giờ cũng giống nhau thôi, thầy cũng chỉ mua vài bộ thay phiên mặc. Bộ này thì mặc ít hơn.” Anh bật cười, “May mà không nay không quá lạnh, nếu không đã phải mặc áo khoác rồi. Thầy chỉ có hai cái áo khoác nhưng đều cũ nát rất khó coi.”

Có một cựu học sinh đến nghe giảng hỏi, “Cậu cũng mới tốt nghiệp đại học không lâu nhỉ?”

“Vâng, năm nay em mới tốt nghiệp nghiên cứu sinh rồi quay về đây.” Tô Đồng hỏi, “Anh học khóa nào?”

Đối phương cười đáp, “Tôi với cậu cũng không cách nhau lắm, sớm hơn cậu vài năm thôi. Năm ấy tôi học lớp 12 thì tòa nhà này mới được xây. Tôi đã ngồi ở chính phòng học này chuẩn bị cho kì thi đại học.”

Tô Đồng giật mình gật đầu, nghe thấy chuông vào học bèn mỉm cười, “Em lên lớp trước nhé.”

Lý Gia Đồ đặt số vở bài tập đã thu xong lên bàn, chuông vào học vừa vang lên thì muốn về vị trí, nhìn Tô Đồng đang bước lên bục giảng. Hai người gặp mặt nhau nơi đường đi chật hẹp, nhất thời đều dừng lại.

“Phụt ~” Lưu Mặc Nam nhìn từ phía bên cạnh, cười nói, “Hai đời hotboy đều không thể buông tha nhau ~”

Tô Đồng ngẩn ra, dở khóc dở cười giơ cuốn sách giáo khoa trong tay giả vờ đập lên đầu cô học trò. Cô gái lập tức trưng ra vẻ mặt tội nghiệp cầu xin tha thứ. “Lẻo mép.” Tô Đồng liếc cô nàng một cái sắc lẻm, nhìn thoáng qua Lý Gia Đồ, nghiêng người tránh ra, bước về phía bục giảng.

Lý Gia Đồ cực kì xấu hổ về chỗ ngồi, dọn đống sách vở mà Tô Đồng đã dựa vào, gãi lên hai má ngưa ngứa.

Trước khi bắt đầu dạy, Tô Đồng vẫn thừa dịp lúc xoay người viết lên bảng mà cài lại chiếc cúc áo thứ hai và cuối cùng trên áo sơ mi. Anh mặc đồng phục hồi cấp ba, lúc giảng bài lại nghiêm túc và cẩn thận, những học sinh bình thường vẫn ngắm anh lên lớp đều cảm thấy hơi không quen.

Lý Gia Đồ cảm thấy một Tô Đồng của bây giờ so với một giáo viên đang dạy đám học trò thì càng giống một học sinh ưu tú nhất của lớp đang chia sẻ kinh nghiệm học tập cho chúng bạn, khoảng cách với học sinh cũng gần gũi như bạn bè cùng khóa, nhưng vẫn còn chút cảm giác chênh lệch nào đó.

“Trong một nguyên tử, không thể nào có hai electron vừa thuộc phân nhóm chính, vừa thuộc phân nhóm phụ có chuyển động giống nhau. Sự mở rộng của mây electron dựa vào quỹ đạo chuyển động tự quay của các electron.” Chương trình học đã qua một nửa, có lẽ Tô Đồng vẫn không thấy dễ chịu lắm, vừa cúi đầu nhìn giáo án trên máy tính, vừa cởi hai cúc áo, “Ví dụ như hai electron của nguyên tử Heli chẳng hạn, đều nằm ở lớp thứ nhất, cũng chính là lớp k. Mây electron của nó có dạng hình cầu, muốn mở rộng mây electron chỉ có một cách là quỹ đạo chuyển động tự quay phải tương phản với nhau.”

(*Chú thích: Khi có nhiều electron được thêm vào một nguyên tử độc thân, sự bổ sung thêm cácelectron đó tạo nên sự đồng đều để lấp đầy vùng không gian xung quanh hạt nhân (đôi khi còn gọi là “đám mây electron” của nguyên tử) dẫn đến một khối hình cầu trong đó xác suất tìm thấy electron càng ngày càng lớn – Theo wikipedia.

Câu giảng trên liên quan đến Nguyên lý loại trừ Pauli: Nguyên lý loại trừ Pauli là một nguyên lí cơ học lượng tử cho rằng không thể tồn tại 2 hoặc nhiều hơn các hạt fermion (các hạt có spin bán nguyên) giống nhau ở tất cả bốn trạng thái lượng tử – Theo wikipedia)

Lý Gia Đồ nhìn ngón tay đang cởi cúc áo của anh, cúi đầu, viết cấu hình electron của Heli lên vở nháp. Cậu liếc sang thì thấy giáo viên chủ nhiệm dẫn hai người đàn ông trung vào từ cửa sau, ngồi cuối phòng nhìn Tô Đồng giảng bài, trong lòng thầm kinh ngạc.

Tô Đồng viết lên bảng xong, quay đầu nhìn những vị khách đến bất ngờ, ngạc nhiên chớp mắt một cái, cúi đầu lễ phép chào.

Đám học trò nhìn thấy hành động của anh, đều tò mò quay người nhìn thì phát hiện ra cô chủ nhiệm, một đám đều xoay người lại, chăm chú nghe giảng hơn mọi khi.

Thì ra hai người trung niên kia đều quen biết Tô Đồng. Lý Gia Đồ ngồi ở phía cuối lớp, những lời đàm luận của họ về Tô Đồng đều nghe rất rõ.

“Đã lớn đến chừng ấy rồi.” Trong đó có một người đàn ông béo đeo kính nói, “Hồi tôi còn đi dạy, cậu nhóc kia mới lớn một chút. Trên lưng đeo cặp sách, mang cà mèn, trưng khuôn mặt trẻ con giả bộ thâm trầm tìm thầy Hắc.” Ông cười, chỉ ra một độ cao.

Người đàn ông với mái đầu đầy tóc bạc cũng cười theo, “Người cũng trưởng thành rồi, khi đó tôi còn tưởng em ấy sẽ không lớn được hơn là bao, ha ha.”

“Lúc giảng bài, thật sự rất giống thầy Hoắc…” Người đàn ông đeo kính có chút cảm khái.

Nghe vậy, thầy Tiền cười nói, “Dù sao cũng là thầy Hoắc nuôi lớn cả.”

Bọn họ khác với các cựu học sinh khác, vào lớp chỉ đơn thuần là vì nghe Tô Đồng giảng bài. Ngồi ở cuối lớp nghe được khoảng mười phút, để không quấy rầy các học trò lên lớp, họ rời đi một cách lặng lẽ.

Khi thấy bọn họ rời đi, Tô Đồng lại gật đầu đưa tiễn một lần nữa, trên mặt chợt lóe vẻ bối rối nhưng cũng nhanh chóng khôi phục lại dáng vẻ tự tin, thoải mái.

Tính cả thầy Tiền thì ngay cả những bậc tiền bối này hình như cũng không biết về quá khứ của Tô Đồng. Đối với bọn Lý Gia Đồ, Tô Đồng là giáo viên mới, nhưng đối với những người này, anh là một người đã tồn tại rất lâu trong dòng sông sinh mệnh của họ.

Vào thời khắc này, Lý Gia Đồ mới cảm nhận được thật ra khoảng cách giữa Tô Đồng và đám học trò thật sự rất xa, anh càng giống như những người đã sống cách đây nhiều thế hệ, dù nhìn qua lại trẻ đến mức không đủ sức thuyết phục được điều đó.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN