Nhu Phong - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Nhu Phong


Chương 8


Da đầu Lý Nhu Phong tê rần.

Sợ bị Bão Kê nương nương phát hiện mục đích mình ra đây, chàng vội xoay người nói: “Tôi, qua xem đã khóa cửa kỹ chưa.” Hai tay chàng chắp sau lưng, áp sát then cửa, đầu ngón tay hoảng hốt run rẩy, then cửa đã rút ra nửa chừng lại được cài về.

Quầng lửa trước mặt đang cháy rừng rực, chàng không rõ lúc này dương bạt có thái độ gì. Chàng cố gắng phỏng đoán tâm tình của dương bạt thông qua ánh lửa chớp động ấy, nhưng kết quả lại khiến chàng thất vọng.

Quầng lửa trông không khác đêm trước là bao.

Nhưng nháy mắt kế tiếp, thanh gỗ trong tay bị giật mất, quất mạnh vào mông chàng.

“Này thì chống gậy! Này thì chống gậy!”

Lý Nhu Phong chật vật trốn tránh, học lối xin tha của Bão Kê nương nương: “Phu nhân, xin đừng đánh nữa! Tôi biết sai rồi!”

Bão Kê nương nương rõ ràng là khác hẳn Phùng Thời, cứ làm như chẳng hề nghe thấy, ngược lại còn đánh tới tấp: “Thân là người cõi âm mà không biết dùng tai, mũi sao? Mất gậy chống là sống chẳng nổi nữa à? Còn dám dùng gậy, ta đánh gãy chân ngươi!”

Lý Nhu Phong hoàn toàn không hiểu vì sao nàng cứ cố chấp việc cấm chàng dùng gậy như thế, gã dương bạt liệt khi trước đã bao giờ cản chàng đâu. Tuy vậy, lời của Bão Kê nương nương quả thật làm chàng xấu hổ. Chàng hiện giờ đã có tai, mũi và xúc giác cực nhạy, chỉ cần tốn chút sức tập trung tinh thần, đích thực có thể nghe tiếng gió để xác định phương hướng. Chẳng qua là chàng nghĩ bớt việc nào hay việc đó thôi.

Một khi đã hổ thẹn thì chàng không còn giải thích xin tha nữa. Bão Kê nương nương cũng dừng tay. Lý Nhu Phong ngửi được mùi máu tanh nhàn nhạt, bèn nhắc: “Thưa phu nhân, miệng vết thương của ngài rách ra rồi.”

Bão Kê nương nương thờ ơ đáp: “Không cần ngươi lo.” Nàng cầm gậy gỗ gõ xuống nền gạch, “Đi theo ta.”

Lý Nhu Phong theo nàng bước ra sân, hỏi: “Phu nhân muốn tôi làm gì?”

Bão Kê nương nương nói: “Làm việc nặng.”

Lý Nhu Phong vẫn chưa hiểu. Bão Kê nương nương vừa đi vừa giải thích: “Sửa nhà. Ngươi quên lý do ta đến chợ quỷ mua người rồi à?”

Không phải Lý Nhu Phong quên mất, mà là vốn dĩ chưa từng nghĩ tới phương diện này.

Mắt chàng không thấy đường, làm việc vặt trong nhà còn tạm được, chứ sửa nóc hay trát bùn trám tường thì đúng là gay go.

Chàng cứ tưởng, mục đích Bão Kê nương nương đưa mình về là để xem tử kỳ của Dương Đăng thôi.

Bão Kê nương nương như tự lầm rầm: “Suýt nữa quên mất, người cõi âm đâu cần ngủ nghê gì. Đã vậy thì ban đêm cũng nên tìm ít việc cho ngươi làm, đỡ phải nhọc ngươi nửa đêm còn lo cửa nẻo khóa chưa.”

Lý Nhu Phong nghĩ bụng, hồi theo gã dương bạt liệt mình còn chẳng cực thế này.

Với cả đã vậy thì chàng đâu còn cơ hội ra ngoài tìm hồn phách người nọ? Bèn vội từ chối ngay: “Thưa phu nhân, việc này là quá sức tôi rồi!”

Bão Kê nương nương thờ ơ liếc chàng: “Quá sức chỗ nào? Ngươi còn trẻ mà đã không còn sức lao động?”

Lý Nhu Phong phân trần: “Phu nhân, không phải tôi không đủ sức làm việc, vấn đề là…”

Bão Kê nương nương ngắt ngang: “Đủ sức là được rồi.”

Lý Nhu Phong cố nói: “Tôi không thấy gì…”

“Yên tâm, ta đã nghĩ cách cho ngươi.”

Giây lát sau, Lý Nhu Phong chợt thấy một khối lửa tươi đẹp tung vào không trung, tựa như pháo hoa nở rộ.

Bão Kê nương nương vác một bao vải to, trèo thang lên nóc nhà chính. Nàng đứng trên nóc, bốc từ bao vải ra một nắm bụi, nương theo gió, rải đều khắp bề mặt mái ngói. Rải liên tiếp vài lần, không bỏ sót cả đầu thú to đặt giữa bờ dải.

Mà ở trong mắt Lý Nhu Phong, toàn bộ quá trình ấy lại là cảnh tượng diệu kỳ.

Từ quầng lửa lớn giữa không trung, vô vàn hạt lân tinh nối nhau phiêu tán thành một dải sáng bềnh bồng, nhấp nháy ánh xanh thẳm sâu, thắp bừng lên thế giới đen tuyền.

Bóng dáng một tòa nhà cổ kính chầm chậm thành hình ở ngay trước mắt. Ngói câu đầu, ngói yếm, đấu củng, đầu vát cong, năm bờ mái sáu linh thú, toan nghê, đấu ngưu, giải trãi, phượng, áp ngư, cũng dần dần hiện rõ tướng mạo [1].

Tưởng chừng như muôn vàn đom đóm hội tụ, lấp lánh trôi sáng rỡ như tinh hà. Lầu quỳnh điện ngọc chân chính, có lẽ thật đúng thế này đây.

Thế giới nào ta cách biệt đã lâu.

Lý Nhu Phong đặt tay lên ngực, nơi đây, trái tim vốn tưởng đã chết lại đập rộn ràng.

Thứ bụi sáng kia là gì? Là tro cốt ít phút trước đó Bão Kê nương nương dẫn chàng qua ngôi phù đồ gom góp vào bao vải. Ngay trước ngôi phù đồ này có đặt khá nhiều hũ tro, xếp thành một mảng tường dài. Bão Kê nương nương cũng bảo chàng xách về vài hũ.

Quầng lửa đấy di chuyển đến đâu, dáng hình phòng ốc hiện dài đến đó, càng lúc càng rõ nét.

Lại nghe giọng nói cực mảnh kia cất lên: “Thấy rõ chưa?”

Lý Nhu Phong bỗng nhiên bật thốt: “Đợi chút.” Trên thềm đá nơi góc phòng, bởi vì Bão Kê nương nương bước xuống thang mà để rơi ít tro cốt, làm nổi lên một vùng loang lổ. Chàng với tay về phía quầng lửa, chạm vào tay Bão Kê nương nương, lần theo vốc lấy một nắm to trong bao vải.

Chàng quỳ xuống, rải bụi tro lên mặt thềm kia, rồi cẩn thận gạt qua lại để san bằng bề mặt.

Ở một đầu có ít họa tiết, là khối bia mẻ.

Lý Nhu Phong nín thở, tỉ mỉ dàn đều lớp tro, một vài chữ đã lờ mờ hiện ra. Ấn rồng triện phượng, Bão Kê nương nương không biết là gì, thế mà Lý Nhu Phong vừa nhìn đã kinh ngạc: “Đúng là bia ký năm xưa đổi tên “Mạt Lăng” thành “Kiến Nghiệp”, do Tôn Trọng Mưu lập khi dời đô về đây [2]. Xem dạng chữ và kỹ thuật điêu khắc thì chính xác là bia thật rồi! Hiếm hoi lắm mới thấy bia đá khắc chữ thời Đông Ngô lưu truyền được tới nay, tấm bia này giá trị cực cao đấy!”

Bão Kê nương nương dửng dưng “À” lên, lại nói: “Cũng có bán lấy tiền được đâu.”

Lý Nhu Phong cầm bao vải từ trong tay nàng, vốc tro rắc khắp các hướng xung quanh. Quả nhiên, tất cả thềm đá của tòa nhà cũ này đều được ghép từ những tấm bia đá cổ!

Một tòa nhà cũ kỹ, với kẻ khác chỉ như giày rách, gặp Lý Nhu Phong thì lại thành nơi giấu bảo vật.

“Phu nhân.” Lý Nhu Phong cố nén kích động trong lòng, khẩn cầu, “Có thể cho tôi dập bia trong viện này được không? Tôi làm vào ban đêm thôi, quyết không để Phùng công công hay biết, cũng sẽ không trễ nãi công việc.”

Chàng xoay người nhìn về phía quầng lửa giữa một vùng tối đen như mực, lại phát hiện mới rồi mình rắc tro, rất nhiều hạt li ti bị gió nhẹ chợt nổi thổi bay sang đối diện, dính lên thân Bão Kê nương nương.

Trong quầng lửa, dương bạt hiện ra với dáng hình mảnh dẻ.

Lần nọ trên lưng ngựa, Bão Kê nương nương ngồi phía trước, Lý Nhu Phong đã biết vóc dáng nàng không cao. Hiện tại xem lại, hóa ra chỉ tới ngang ngực chàng.

Khi đắp thuốc, chàng biết vòng eo nàng rất mảnh, lúc này mới nhận rõ cả người nàng đều gầy yếu, ước chừng chỉ cỡ bé gái mười mấy tuổi. Cả khuôn mặt cũng mơ hồ nhìn ra được đôi chút, lông mi thật dài dính kha khá bụi tro, và còn không ít vương trên bờ môi.

Chàng vẫn nhận định Bão Kê nương nương độ chừng ba mươi tuổi, như vậy xem ra, nhiều nhất cũng mới chỉ hai mươi, có khi còn nhỏ hơn chàng.

Trong lòng Lý Nhu Phong dâng lên thứ cảm giác cổ quái. Một cô bé con như thế, hai ngày này cứ hoạnh họe sai bảo chàng chạy tới chạy lui?

Bão Kê nương nương vẫn nói với giọng hờ hững đều đều: “Tùy ngươi.” Trước sau như một, tẻ ngắt, vô vị, ráo hoảnh như cỏ khô.

Nhưng rõ ràng, Lý Nhu Phong trông thấy ý cười nhè nhẹ lướt qua viền môi sáng lấp lánh. Thậm chí chàng còn cảm nhận được trong nụ cười ấy là khắc chế đầy phức tạp… Song khi nhìn thật kỹ, lại chẳng có bất cứ gì.

Lẽ nào chàng nhìn lầm?

Bão Kê nương nương gõ gậy long não xuống đất: “Đi theo ta, ta dẫn ngươi đến phòng chứa đồ lặt vặt. Phòng này rường cột xà các thứ vẫn còn tốt cả, chỉ phải sửa nóc và trát tường nứt thôi, ngươi học một lúc là biết.”

Lý Nhu Phong đứng bất động, cố chấp hỏi: “Phu nhân, thứ tôi vô lễ, ngài bao nhiêu tuổi rồi?”

Bão Kê nương nương ngoảnh đầu, bắt gặp đôi mắt chàng mở to, đăm đăm nhìn mình. Lòng nàng bỗng giật thót, bất giác sờ lên mặt, chợt thẹn quá hóa giận, đập ngay một gậy sau gối Lý Nhu Phong.

Lý Nhu Phong chẳng ngờ sự thể ra thế, bị đánh quỳ rạp xuống đất, nghe tiếng Bão Kê nương nương phẫn nộ quát:

“Bao nhiêu tuổi thì liên quan gì ngươi? Cho dù hiện tại ta mới ba tuổi, ngươi cũng phải nghe ta sai như chó!”

– —————

[1] Ngói câu đầu và ngói yếm: Gọi chung là ngói diềm/ngói viền, là 2 loại ngói lợp diềm ở chân mái trong kiến trúc mái ngói âm dương, có các kiểu hoa văn cầu kỳ để trang trí.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN