Những chiếc đồng hồ treo tường
Chương 28
Năm ngày sau, tôi trở về thị trấn Crowdean lúc 11 giờ đêm. Như thường lệ, tôi đến nghỉ ở khách sạn Clarenton.
Hôm sau, lúc điểm tâm, người hầu bàn bưng đến thức ăn và cà phê, kèm theo một chiếc phong bì dài.
Bên trong chỉ có một tờ giấy, viết bằng chữ in hoa:
Khách Sạn Curletv.11 giờ 30
Phòng 413
Gõ ba tiếng
Tôi lật mặt sau không thấy gì. Tôi đọc lại mặt trước một lần nữa. Thế nghĩa là sao? Phòng 413! Lại 413! Hay 4.13, 4 giờ 13 phút! Lại vẫn con số tai họa! Chính là giờ kim đồng hồ trên những cái đồng hồ kia đã chỉ, vào lúc xảy ra vụ án mạng đầu tiên. Và cũng là con số ghi trên tấm bưu thiếp khó hiểu kia gửi cho cô Sheila Webb! Chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên rồi.
Chà, nghĩa là tôi đã nằm trên đường ngắm của bọn chúng.
Cạo râu và mặc quần áo chỉnh tề xong, tôi đến khách sạn Curlew.
Đứng trước cửa số phòng 413, tôi ngập ngừng một lát. Nhưng thấy mình ngớ ngẩn, tôi gõ ba tiếng.
– Mời vào!
Bên trong có tiếng vọng ra.
Tôi xoay nắm cửa. Cửa không khóa trong. Tôi bước vào và sững người.
Trước mặt tôi là người tôi ít ngờ nhất: ông Hercule Poirot đang nhìn tôi, cười rũ rượi.
– Một sự bất ngờ nhỏ, đúng vậy không, anh bạn trẻ?- Ông nói.
– Tôi hy vọng anh bạn trẻ tán thành chứ?
Tôi kêu lên:
– Ông Poirot, ông lớn tuổi rồi mà tinh nghịch như con nít vậy! Ông đến thị trấn này làm gì? Thì ra ông gửi cho tôi lá thư này?
Tôi vung lá thư trước mặt ông.
– Không tôi thì còn ai, hả anh bạn trẻ?
– Số phòng 413 là ngẫu nhiên trung hợp hay sao?
– Không phải ngẫu nhiên đâu. Tôi yêu cầu người ta bố trí cho tôi số phòng đó. Chà, xem chừng anh bạn trẻ không thú cái trò đùa nhỏ của lão già này đấy nhỉ! Anh bạn không muốn gặp tôi sao?
– Nếu ông ở vào địa vị tôi, ông thấy thế nào?
– Tôi thấy lý thú! Nhưng thôi, ta không đùa nữa. Bàn chuyện nghiêm túc. Tôi nghĩ có thể giúp được anh bạn trẻ. Tôi đã gặp Chỉ huy trưởng cảnh sát thị trấn. Và hiện giờ tôi đang chờ thanh tra Hardcastle.
– Để làm gì?
– Để cả ba chúng ta cùng trao đổi.
Tôi bật cười nhìn ông thám tử già. Tôi hiểu ông dùng chữ “trao đổi” là với nghĩa để tôi ngồi nghe ông giảng giải cho thanh tra Hardcastle.
*
* *
Ngay khi vào, làm xong các nghi thức chào hỏi, thanh tra Hardcastle hắng giọng, thông cổ họng, bắt đầu dè dặt nói:
– Thưa ông Poirot, tôi đoán ông muốn xem mọi thứ, nhưng như thế hơi khó. Dù sao tôi cũng…
Tôi ngắt lời anh bạn:
– Ông Poirot không cần xem gì hết. Cách của ông Poirot là chỉ cần ngồi trong ghế bành suy luận là sẽ giải đáp được mọi vấn đề. Đúng thế không, thưa ông Poirot?
*
* *
Đưa tay xoắn hàng ria mép, thám tử lừng danh Poirot vênh mặt. Tôi cười thân thiện với ông, nói:
– Bây giờ xin ông cho lời giải đáp, tất nhiên nếu ông đã có.
– Dĩ nhiên là tôi đã có!
Thanh tra Hardcastle không còn tin vào đôi tai của anh ta nữa.
Hercule Poirot nói:
– Khi nghe cậu Colin kể câu chuyện, tôi thấy vụ án này gần như hoang đường, quái đản. Bốn chiếc đồng hồ đều nhanh một tiếng, lại ở trong một phòng mà chủ nhà không hề biết có chúng, chí ít thì cũng là bà ta nói như thế.
“Dưới sàn, một xác chết, một người đàn ông dáng vẻ khả kính, và cũng không ai biết ông ta là ai. Trong túi áo ông ta, một tấm danh thiếp đề tên R.H. Curry, Công ty bảo hiểm Metropolis, một công ty không hề tồn tại trên đời, cũng giống trên đời không hề có ai tên là Curry.
Vào 13 giờ 50 phút, người ta gọi điện đến Trung tâm dịch vụ đánh máy chữ và văn phòng: một bà tên là Pebmarsh yêu cầu cử một thư ký đánh máy đến làm việc cho bà, vào 15 giờ, tại số nhà 19 phcí Wilbraham Crescent, tốt nhất là nếu được cô Sheila Webb.
“Cô này đến nơi sớm vài phút, và theo đúng lời đã được thỏa thuận trước, tự đi vào phòng khách. Tại đây cô phát hiện trong đó có xác chết, hốt hoảng lao chạy ra ngoài kêu cứu, rồi rơi vào vòng tay một chàng trai…
Poirot ngừng nói, nhìn tôi.
Tôi bèn cúi chào rất thấp, như diễn viên trên sân khấu cúi chào khán giả:
– Diễn viên nam thủ vai chính xin bắt đầu vào kịch!
– Thấy chưa?
Thám tử Poirot nói.
– Nghe câu chuyện này, không một ai, kể cả các ông, không thể không lấy giọng bông phèng để biểu lộ thái độ của mình. Bởi vụ án nghe như một câu chuyện trong một cuốn tiểu thuyết hình sự tồi, các chi tiết quái đản chồng chất nhau mà không có lấy một lo gích nào nối chúng lại. Vụ án quá phi lý! Hệt như những cốt truyện hình sự của Garry Gregson vậy.
Thú thật với hai ông bạn trẻ, suốt sáu mươi năm qua tôi chuyên nghiên cứu các truyện hình sự trên đời. Kết quả là tôi tập được cách nhìn các vụ án có thật trong cuộc sống bằng cặp mắt của tác giả viết truyện hình sự.
“Và tôi thấy vụ án này mới đúng là một truyện bịa đặt của một tác giả hình sự… Ta thử phân tích nhé! Người bị giết rõ ràng là một người có tuổi, đáng kính, không có vẻ gì đặc biệt. Đột nhiên tôi nghĩ, biết đâu ông ta đúng là như thế thật. Ông nghĩ sao, ông thanh tra?
Thanh tra Hardcastle dè dặt đáp:
– Vâng, có thể là như thế.
– Vậy là chúng ta có một nhân vật có tuổi, đáng kính, không làm điều gì khuất tất, nhưng lại có kẻ muốn hủy diệt ông ta. Vậy kẻ nào? Chính vì thế mà tôi đã khuyên anh bạn trẻ Colin của tôi: phải la cà, gợi chuyện với hàng xóm… phải gợi chuyện để họ thoải mái cung cấp cho chúng ta các thông tin. Nhưng nói chung, phải trò chuyện cởi mở, thân tình, kiểu nói chuyện phiếm, không có dụng ý nào cả. Bởi trong lúc nói chuyện con cà con kê như thế, họ sẽ để lộ ra những điều họ không định trước.
Tôi nói:
– Một phương pháp tuyệt vời. Rất tiếc là không đem lại kết quả trong vụ án này.
– Sao lại không đem lại kết quả, anh bạn trẻ thân mến? Chỉ một câu nhỏ thôi mà ra bao nhiêu điều.
Tôi ngạc nhiên.
– Thưa ông, câu nào ạ?
– Lát nữa, trong khi nghe, anh bạn sẽ thấy. Nếu chúng ta khoanh một vòng tròn xung quanh số nhà 19 phố Wilbraham Crescent, bất cứ ai trong cái vòng tròn đó cũng có thể là hung thủ. Nổi lên trên hết là những người có mặt tại chỗ: bà Pebmarsh rất có thể giết ông ta, trước khi bà ta ra khỏi nhà lúc 13 giờ 35 phút. Hoặc cô Sheila Webb, có thể hẹn ông ta đến đây, rồi giết ông ta, sau đó mới chạy ra ngoài và kêu ầm lên.
– Chúng tôi cũng đang nghĩ là như thế.
Quay sang anh ta, ông Poirot nói tiếp:
– Tôi suy nghĩ và nhận thấy vụ án mạng này thật ra rất đơn giản. Tạm thời ta gạt sang một bên, khoan hảy nói đến những chiếc đồng hồ kia, và cách bố trí để có người phát hiện ra xác chết. Những thứ đó chỉ là vật trang trí, giống như “những con tầu, những chiếc giầy…” trong truyện Cô bé Alice tại xứ sở thần tiên.
“Một người đàn ông có tuổi, đáng kính, mà bị giết! Đấy mới là cái lõi. Ông ta từ đâu đến? Cái gì khiến ông ta đến số nhà 19 phố Crescent này? Về chuyện này, chúng ta hãy nhớ lại một câu rất có ý nghĩa của bà hàng xóm Hernmings: “Bà ta kêu lên: dường như ông ta đến đây cốt để bị giết! Đúng là lạ!” Quả là ông Curry kia đến số nhà 19 này cốt để bị giết! Chỉ có vậy thôi.
– Tôi cũng đã chú ý đến câu nói ấy!
Nhưng ông Poirot không quan tâm đến câu tôi nói, mà vẫn tiếp tục:
– Nhưng không phải chỉ có thế. Hung thủ cần để không ai biết nạn nhân là ai. Muốn vậy, hắn cần tạo cho ông ta một căn cước giả. Thoạt đầu, tôi đã nghĩ, thế nào cũng sẽ có một thân nhân của nạn nhân đến nhận diện, không sớm thì muộn.
“Và đã có một người: bà vợ cũ của ông ta. Khốn nỗi bà Rival kia lại dùng một cái tên rất dễ gây nghi ngờ. Tôi đã có lần đến quận Somerset, và cùng mấy người bạn nghỉ trong một làng có cái tên giống như thế: Curry Rivel – chỉ khác e đổi thành a. Hung thủ chọn chọn hai cái tên đó “Curry” và “Rival” là do hạ ý thức, chứ không nghiên cứu kỹ. “Ông Curry” và “Bà Rival”!
“Cho đến lúc này hung thủ vẫn giữ được sự yên ổn trong bóng tối, tuy nhiên tôi nghĩ: tại sao hắn lại tin rằng không ai tìm ra được tung tích của nạn nhân? Ông ta không có gia đình sao? Nhưng ít nhất cũng có người bảo vệ tòa nhà ông ta cư trú biết ông ta chứ?
“Từ nhận xét không ai biết được tung tích nạn nhân, tôi phán đoán nạn nhân không phải người Anh, mà là người nước ngoài, có việc đi ngang qua nước Anh mà thôi. Giả thuyết của tôi được khẳng định, do hàm răng giả của ông ta không phù hợp với bất cứ một phiếu làm răng giả nào ở nước Anh.
“Từ đó, tôi hình dung lờ mò ra được hung thủ và nạn nhân. Vụ án mạng này được chuẩn bị và tiến hành rất chu đáo. Nhưng hung thủ làm sao tính trước được các ngẫu nhiên?
– Thí dụ ngẫu nhiên nào, thưa ông? – thanh tra Hardcastle hỏi.
– Ta hãy nói đôi chút về cái Trung tâm dịch vụ Văn phòng và đánh máy kia. Tại đấy có tám nữ nhân viên. Ngày 9 tháng Chín, ngày xảy ra án mạng, bốn cô nhân viên bận làm cho khách hàng ở ngoài, và không về cơ quan lúc nghỉ trưa. Bốn cô này được bố trí ăn trưa kíp trước: từ mười hai giờ đến một giờ rưỡi. Bốn cô còn lại: Sheila, Edna, Maureen và Janet được bố trí ăn trưa kíp sau, từ một rưỡi đến hai rưỡi.
Không may. Vừa ra khỏi cơ quan, cô ấy bị gãy gót giày, đành mua tạm một khoanh bánh mì kẹp thức ăn đem về cơ quan ăn.
“Chúng ta đã biết cô Edna này có điều gì băn khoăn. Cô ta tìm gặp Sheila nhưng không được. Và hôm ra tòa, nghe xong các nhân chứng, cô ấy có nói câu: “Tôi không hiểu tại sao người ta lại khai như thế!” Hôm đó có ba người khai: bà Pebmarsh, cô Sheila và bà Martindale.
– Nhưng bà Martindale khai trong có hai phút!
– Đúng thế. Bà ta chỉ khai là có người gọi điện thoại yêu cầu, và người đó xưng tên là bà Pebmarsh.
– Hay cô Edna biết người gọi không phải bà Pebmarsh? Ông định nói thế chứ gì?
– Tôi cho rằng vấn đề đơn giản hơn nhiều. Theo tôi, không có ai gọi điện thoại đến xin thư ký.
Thám tử Poirot nói tiếp:
– Bà Martindale ngồi trong phòng giám đốc, không biết cô Edna đã về cơ quan, đang ngồi ở ngoài. Bà ta tưởng chỉ có một mình bà ta. Bà ta chỉ cần khai rằng bà Pebmarsh gọi điện đến lúc 13 giờ 49 phút. Thoạt đầu, cô Edna không chú ý đến tầm quan trọng của lời khai đó. Bà Martindale gọi Sheila vào, giao nhiệm vụ đến làm cho bà Pebmarsh. Không ai nói chuyện đó cho cô Edna.
“Đến hôm ra tòa, trước mặt tất cả các cô nữ nhân viên, bà Martindale nhắc lại lời khai kia. Lúc đó, cô Edna mới thấy bà giám đổíc khai man, vì vào giờ đó cô ngồi trong cơ quan có thấy ai gọi điện thoại đâu? Cô bèn gặp nhân viên cảnh sát, xin nói chuyện với ông thanh tra, nhưng lại không nói được.
“Khi đi giữa đám người ra khỏi hội trường, cô Edna bị bà Martindale theo dõi, rất có thể bà ta đã nghe thấy câu than phiền kia của cô. Bà ta đi theo Edna đến phố Crescent. Nhưng tôi lại nghĩ, cô Edna đến phố ấy làm gì?
Thanh tra Hardcastle thở dài nói:
– Có thể, giống như bao người khác, cô ấy muốn nhìn lại ngôi nhà có án mạng.
– Có lẽ thế. Bà Martindale đi theo, và khi thấy cô Edna thật thà đưa ra ý kiến của mình, bà ta quyết định hành động, càng sớm càng tốt.
Đến chỗ trạm điện thoại công cộng, bà ta hẳn đã giục cô: “Em vào gọi cho cảnh sát ngay đi. Chuyện ấy rất quan trọng đấy, báo cho họ rằng chúng ta sẽ đến gặp họ ngay bây giờ”. Cô Edna vào, vừa nhấc ống nói thì, từ phía sau bà ta dùng chiếc khăn quàng thắt cổ cô ấy…
– Không ai nhìn thấy?
Hercule Poirot nhún vai:
– Tất nhiên nếu có người đi ngang qua. Nhưng vào giờ ăn trưa, mọi người đều lo đi ăn, nếu có đi ngang qua thì cũng mải chăm chú ngắm ngôi nhà số 19. Với loại phụ nữ như bà ta thì nguy cơ kia không đáng phải quan tâm nhiều.
Thanh tra Hardcastle có vẻ chưa chịu.
– Bà Martindale? Nhưng bà ta có lý do nào để dính vào vụ này?
Thám tử Poirot quay sang phía tôi, trỏ tay như trỏ đứa trẻ hư, nói:
– Qua những cuộc la cà trò chuyện với hàng xóm, anh bạn trẻ không phát hiện ra gì thêm hay sao? Tôi đã chú ý đến một câu rất có giá trị của bà Bland. Bà ta nói rằng bà không muốn đi đâu bởi tại thị trấn Crowdean này bà ta có một người chị. Đúng ra bà ta không thể có chị, bởi cách đây một năm bà ta được thừa kế một gia tài kếch xù, nhờ bà ta là đứa cháu duy nhất của một người ông họ ở Canada, em ông ngoại của bà ta.
Thanh tra Hardcastle vùng đứng lên:
– Vậy ông cho rằng…
Thám tử Poirot chắp hai tay.
– Ông thanh tra thử tự đặt địa vị ông vào vị trí một người không từ một hành vi tàn bạo nào, hiện lại đang gặp khó khăn khủng khiếp về tài chính, đến mức sắp phá sản. Bỗng một hôm, nhận được thư báo tin vợ mình được hưởng thừa kế một gia tài kếch xù của một họ hàng bên Canada…
“Bức thưa đó gửi cho “Bà Bland”. Không may là lại cho bà Bland khác, vợ trước của ông ta, chứ không phải cho bà Bland bây giờ. Ông thanh tra thử tưởng tượng xem nỗi thất vọng lớn biết chừng nào. Thất vọng và uất giận nữa chứ!
“Nhưng ông ta đã nghĩ ra được một cách. Ai biết rằng người được hưởng thừa kế không phải bà Bland này? Dân trong thị trấn Crowdean không ai biết tý gì về người vợ trước của ông Bland, bởi hồi đó hai người làm phép cưới ở nước ngoài, trong thời gian chiến tranh, cách đây hàng chục năm rồi. Thậm chí rất có thể bà vợ trước của ông ta đã chết.
“Ông ta tiến hành các thủ tục, và bây giờ ông ta giàu ghê gớm, hoàn toàn không phải lo chuyện tài chính nữa.
“Nhưng một năm sau đó, có chuyện gì xảy ra? Theo tôi đoán thì thế này. Một người từ Canada sang Anh, một người nào đó biết rất rõ bà vợ trước của ông Bland, và ông ta rất có thể sẽ vạch trần sự nhập nhằng kia.
– Có nghĩa cần phải thủ tiêu ông ta?
– Đúng thế. Và theo tôi thì trong vụ này, bà chị của bà Bland đóng vai trò hàng đầu. Chính bà ta nghĩ ra toàn bộ kịch bản kia.
– Theo ông, bà Martindale và bà Bland là hai chị em ruột?
– Nếu đúng như thế thì mọi sự đã rõ ràng.
– Nhưng họ không sợ lộ sao? Một người bỗng nhiên mất tích, nhà chức trách hẳn phải tiến hành điều tra…
Thám tử Poirot nói:
– Nếu tôi là hung thủ, tôi sẽ bay một chuyến sang Pháp hoặc Bỉ để đánh cắp giấy tờ căn cước của người kia rồi hủy đi cho không ai biết ông ta là ai.
Tôi bất giác nhảy cỡn lên, khiến ông Poirot chú ý-
– Anh bạn trẻ thấy sao?
– Lão Bland có kể tôi nghe rằng gần đây lão có bay một chuyến sang thành phố Boulogne bên Pháp, đem theo một cô gái tóc vàng, trẻ đẹp. Hẳn là…
– Tất cả những chuyện đó mới chỉ là giả thuyết,
Thanh tra Hardcastle phản đối.
Thám tử Poirot lấy ngay tờ giấy có tiêu đề khách sạn, chìa ra cho anh ta.
– Ông vui lòng viết thư cho ông Enderby theo địa chỉ này. Ông ấy đã hứa với tôi là sẽ tiến hành một cuộc điều tra nhỏ bên Canada. Đấy là một thẩm phán có uy tín quốc tế.
– Còn những chiếc đồng hồ kia thì sao?
– Phải rồi, những chiếc đồng hồ!
Thám tử Poirot cười.
– Ông sẽ khám phá ra rằng bà Martindale chính là người bố trí những chiếc đồng hồ đó. Vì như tôi đã nói với ông rồi, đây là một vụ án hết sức đơn giản, cho nên bà ta cần ngụy trang nó dưới dạng một vụ án bí hiểm. Chiếc đồng hồ báo thức bọc da có chữ “Rosemary” rất có thể bị cô Sheila bỏ quên trong phòng giấy của bà ta, và bà ta đã cất đi để sử dụng trong vụ án mạng này. Mà có thể chính vì chữ “Rosemary” đó, mà bà ta nghĩ đến chuyện dùng cô ta làm người phát hiện ra xác chết.
– Vậy theo ông thì tất cả đều do óc tưởng tượng của bà Martindale?
– Không, không phải do óc tưởng tượng của bà ta. Chính đây là điều lý thú. Ngay từ đầu, tôi đã ngửi thấy vụ án này được bố trí giập theo một vài vụ án tôi đã đọc thấy trong truyện hình sự của vài tác giả nào đó. Chắc anh bạn trẻ của tôi đây, Colin, đã kể với ông rồi, là tuần vừa qua tôi có dự một cuộc bán những bản thảo cũ. Trong đó có một số bản thảo của Garry Gregson. Lúc đầu tôi cũng không ngờ, nhưng nhờ đọc mấy bản thảo kia, tôi chợt hiểu, tác giả vụ án có đọc truyện hình sự của Gregson.
Nói đến đây, nhà thám tử lạ lùng này lôi trong ngăn kéo bàn ra vài cuốn vở dầy cộm, quăng lên mặt bàn.
– Trong này có cả một số đề cương chưa được Gregson sử dụng. Nhưng bà Martindale vốn từng làm thư ký cho ông ta một thời gian, hẳn đã được đọc. Bà ta chỉ cần áp dụng một trong những đề cương đó vào thực tế.
Nói đến đây, nhà thám tử thu lại những cuốn vở, bỏ vào ngăn kéo. Rồi ông giật tờ giấy trong tay tôi. Tôi vừa ngắm nghía tờ giấy có tiêu đề khách sạn, mặt sau là địa chỉ ông Enderby. Xem tờ giấy đó xong, tôi bỗng thấy sao mình ngu dốt đến thế.
Thanh tra Hardcastle nói:
– Thưa ông Poirot, quả ông đã đưa ra những giả thuyết đáng cho tôi suy ngẫm. Chưa biết những giả thuyết đó liệu có ích gì cho cuộc điều tra của chúng tôi không…
– Tôi rất mong giúp ích được ông đôi chút, thưa ông thanh tra,- thám tử Poirot nhũn nhặn nói.
– Tôi cần thẩm tra lại một số chi tiết…
– Tất nhiên rồi. Tất nhiên rồi…
Thanh tra Hardcastle chào rồi ra về.
*
* *
Lại một lần nữa tôi quay lại phố Wilbraham Crescent. Tôi bấm chuông số nhà 19. Người ra mở cửa là bà Pebmarsh.
– Tôi là Colin Lamb. Tôi muốn nói chuyện với bà. Được không thưa bà?
– Tất nhiên là được.
Tôi đi theo bà vào phòng khách.
– Hình như hồi này ông hay đến đây, thưa ông Colin? Lúc trước tôi cứ đinh ninh ông làm ở đồn cảnh sát thị trấn. Thì ra không phải.
– Bà nói đúng. Tôi lại cứ tưởng ngay từ lúc gặp nhau lần đầu tiên, bà đã biết tôi là ai rồi đấy.
– Ông nói gì tôi chưa hiểu?
– Tôi đã quá đần độn. Thì ra người tôi cần tìm chính là bà. Vậy mà hôm đầu tiên gặp bà, tôi chưa nghĩ ra.
– Do ông bị cuốn theo vụ án mạng, chắc thế?
– Đó mới chỉ là một phần. Nhưng điều ngu xuẩn hơn của tôi là tôi đã đọc ngược một mảnh giấy. Tôi đi tìm số nhà 81, đáng ra là phải tìm số nhà 19 mới đúng.
– Nghĩa là sao, thưa ông?
– Nghĩa là vở kịch đã hạ màn, thưa bà Pebmarsh. Tôi đã khám phá ra đầu não của vụ hoạt động gián điệp. Các phiếu theo dõi, các tài liệu mật đều được cất giữ ở nhà bà, dưới dạng những tài liệu bằng chữ nổi, chữ của người mù.
“Tên gián điệp Larkin ranh ma đã cho chuyển đến bà những tài liệu bí mật hắn chụp trộm được ở thành phố hải cảng Portlebury. Bà chuyển cho ông Ramsay, rồi Ramsay chuyển đến cơ quan mật vụ của quốc gia đang là đối thủ chính trị của nước Anh. Không có gì dễ dàng hơn, đêm khuya đi ngang qua một khu vườn nhỏ, từ nhà bà sang nhà y, và ngược lại.
Tôi nhìn đồng hồ.
– Tôi cho bà hai tiếng đồng hồ, thưa bà Pebmarsh. Đúng hai tiếng đồng hồ nữa, người của cơ quan phản gián chúng tôi sẽ đến đây.
– Tôi không hiểu gì hết. Nhưng tại sao ông lại đến đây trước, và đến một mình? Để báo trước cho tôi biết mà chạy trốn chăng?
– Quả đấy là một nguyên nhân. Tôi đến đây trước để bảo đảm không kẻ nào đem các tài liệu mật kia đi đâu. Riêng bà có thể trốn khỏi đây. Tôi đã nói rồi, tôi cho bà hai tiếng đồng hồ, nếu bà muốn rời đi.
– Nhưng tại sao? Tại sao lại thế?
– Bởi vì…
Tôi cố giữ điềm tĩnh nói:
– Bởi vì có rất nhiều khả năng bà sẽ trở thành mẹ vợ tôi… trừ trường hợp tôi lầm.
Im lặng. Bà Pebmarsh đứng lên, ra chỗ cửa sổ. Tôi không rời mắt khỏi bà. Và tôi đã không lầm. Bà là người tôi có thể tin cậy.
– Ông lầm hay không… không phải tôi là người xét đoán… Nhưng ông căn cứ vào đâu mà tin rằng giữa tôi và vợ chưa cưới của ông có mối quan hệ…
– Tôi căn cứ vào cặp mắt của bà.
Lại im lặng. Rồi tôi hỏi:
– Hôm đó, bà đã biết cô ấy… là ai chưa?
– Hôm ấy thì chưa. Mãi đến khi tôi biết tên nó, tôi mới hiểu. Nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình của nó.
– Thời gian đang thu hẹp dần, thưa bà Pebmarsh.
Tôi nhìn đồng hồ, nhắc.
Bà ta đi về phía bàn giấy.
– Tôi đang giữ một tấm ảnh… của con bé hồi nó còn nhỏ.
Tôi đã đứng sau lưng bà ta lúc bà ta mở ngăn kéo. Trong đó không phải khẩu súng, mà là một con dao, tuy nhỏ nhưng đủ sức kết liễu tính mạng một con người. Bà ta vừa nhấc con dao, đã bị tôi nắm chặt cổ tay, tước mất.
– Tuy tôi hơi đa cảm, nhưng tôi không dại đâu. Bà ta loạng choạng ngã phịch xuống đi văng.
Bà ta nói:
– Tôi sẽ không nhận sự ban ơn của ông. Để làm gì kia chứ? Tôi sẽ ở lại đây đợi người ta đến bắt. Con người ta vẫn có thể tiếp tục hoạt động, dù ngồi trong tù.
– Bằng cách vận động, tuyên truyền chứ gì?
– Thí dụ thế.
Hai chúng tôi ngồi đối diện nhau, nhìn nhau bằng cặp mắt thù địch, tuy nhiên cả hai đều hiểu nhau.
– Tôi cũng sắp từ chức trong cơ quan Phản Gián,
Tôi báo tin cho bà biết.
– Theo tôi thì ông làm thế là rất khôn ngoan. Tính cách con người của ông không hợp với loại công việc nghiệt ngã này đâu.
Rồi bà ta và tôi, cả hai đều tin rằng người kia là sai. Tuy nhiên cả hai đều im lặng.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!