Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn - Chương 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
152


Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn


Chương 5


Tôi vừa khép xong cánh cửa, quay lại thì đã thấy ông ấy ngồi đó. Lúc nào trông thấy ông ấy là tôi cũng khiếp sợ, vì ông ấy đánh đập tôi quá nhiều lần. Ngay lúc đó tôi cũng kinh hãi lắm, nhưng chỉ một phút sau, tôi đã thấy rằng tôi lầm – nghĩa là sau cái giật mình đầu tiên, có thể nói như vậy, khi mà hơi thở của tôi bỗng dưng bị tắc nghẹn vì chuyện quá bất ngờ thấy ông ấy ở đó, thì tôi lại không còn thấy sợ nữa, và như vậy thì chẳng có gì đáng lo ngại.

Bố tôi chạc năm mươi tuổi. Tóc dài, bù xù, rũ xuống, và cáu bẩn. Nhìn qua bộ tóc ấy có thể trông thấy đôi mắt sáng chiếu ra, khác nào như ông ấy đứng nấp sau dàn nho mà nhìn mình vậy. Bộ tóc toàn một màu đen không một sợi bạc nào, cả hai bên tóc mai dài chằng chịt vào nhau cũng vậy. Nhìn mặt ông ấy trừ những chỗ không có râu tóc thì không có màu sắc gì khác, chỉ thấy trắng, không phải cái trắng như của mọi người, nhưng là một cái trắng làm cho những thớ thịt của người ta phải co rúm lại. Một màu trắng của cây leo, một cái màu trắng của bụng con cá. Còn quần áo ông ấy thì ngoài mấy mảnh rách mướp ra, chẳng có gì. Ông ấy ngồi vắt chân chữ ngũ, chiếc giầy bên phía chân vắt lên đã há mõm, một ngón chân thò ra ngoài, chốc chốc lại ngọ nguậy. Chiếc mũ của ông ấy quăng trên sàn nhà là một chiếc mũ rộng vành, màu đen, đã cũ và trên cái quả mũ đã thủng một lỗ to tướng trông như cái khung cửa để chui xuống hầm tầu vậy.

Tôi đứng nhìn ông ấy. Ông ấy cũng ngồi nhìn tôi, lưng ghế hơi ngả về đằng sau. Tôi đặt cây nến xuống. Tôi để ý nhìn ra thấy cánh cửa sổ đã dựng lên, thì ra ông ấy đã trèo qua mái nhà kho mà vào đây. Ông ấy nhìn mãi khắp người tôi như vậy. Lát sau, ông ấy lên tiếng:

– Áo quần trông oách lắm nhỉ. Mày tưởng mày đã ra vẻ một người quan trọng lắm ư?

Tôi đáp:

– Có thể như vậy, mà cũng có thể không.

Ông ấy lại hỏi:

– Có phải mày vẫn nói xấu tao đấy không? Từ khi tao đi vắng xa, mày ở đây lên mặt lên mày lắm hả? Rồi tao sẽ kéo mày xuống trước khi tao từ bỏ mày. Nghe thấy người ta nói mày cũng có học hành, đọc được, viết được. Bây giờ mày đã tưởng là hơn bố mày, phải không; vì bố mày không biết đọc, biết viết mà. Được, rồi tao sẽ cho mày biết. Ai bảo mày lại có thể đi dính dáng đến những chuyện điên rồ như thế, hử? Ai bảo mày được quyền như thế?

– Bà goá, bà ấy bảo con thế?

– Bà goá? Thế ai bảo bà ta nhúng tay vào cái việc không phải của bà ấy?

– Chẳng ai bảo bà ấy cả.

– Được rồi, tao sẽ dạy cho bà ấy biết là đừng có mà dính dáng. Còn mày thì nghe đây: mày hãy thôi đi, không được học nữa, nghe không? Tao sẽ bảo cho họ biết rằng đừng có nuôi dạy một đứa trẻ để rồi nó lên mặt với bố nó và để cho nó tưởng rằng nó đã khá hơn được cái bản thân nó. Tao còn bắt được mày đi học nữa thì liệu hồn, nghe không? Mẹ mày trước kia không biết đọc, mà viết cũng không biết viết cho đến khi chết cũng vẫn không biết. Cái họ nhà này trước khi chết không có ai biết đọc biết viết cả. Tao cũng không biết. Thế mà bây giờ đến mày thì sao lại được quyền như vậy hử? Tao không phải là thứ người chịu nổi được cái đó, nghe không? Này, mày thử đọc lên cho tao nghe xem nào?

Tôi cầm một quyển sách lên, bắt đầu đọc một tí về đoạn Washington với chiến tranh, Tôi đọc được chừng nửa phút thì ông lấy tay hất bắn ngay quyển sách ra góc nhà và nói:

– À, mày lại đọc được nữa ư? Nghe người ta nói như vậy, nhưng tao còn ngờ, chưa tin hẳn. Này nghe đây, hãy thôi đi đừng làm cái bộ ta đây nữa, tao không thích thế. Tao bảo cho mày biết, con ơi. Tao mà bắt được mày còn lởn vởn ở cái trường học ấy nữa thì tao sẽ dần cho mày một trận nên thân. Trước hết mày hãy biết là phải nghe lời tao đã. Chưa bao giờ tao thấy có đứa con như vậy.

Ông ấy nhặt lên một tấm ảnh xanh xanh vàng vàng trong đó có mấy con bò với một đứa trẻ, hỏi tôi:

– Cái gì đây?

– Cái đó là họ thưởng cho con vì đã học thuộc bài

Ông ấy xé toang ngay bức ảnh rồi nói:

– Tao sẽ cho mày một cái hay hơn. Tao cho mày cái roi.

Rồi ông ấy ngồi lẩm bẩm, làu nhàu một hồi lâu và lại nói:

– Cái kiểu công tử bột, sực nức nước hoa rồi phải không? Có giường, khăn trải giường. Lại có cả gương soi nữa. À, lại có cả tấm thảm trải trên sàn nhà nữa. Còn bố mày thì phải ngủ với lợn ở trong nhà thuộc da. Chưa khi nào tao lại thấy có đứa con như vậy. Nhất định tao phải làm cho mày bỏ hết những cái ra vẻ ta đây ấy đi đã, rồi sẽ nói chuyện với mày sau. Chà, mày còn chưa hết những điệu bộ ấy cơ à, họ đồn là mày giàu lắm, có phải không? Làm thế nào mà mày lại giàu được?

– Họ nói dối đấy, làm gì có như vậy.

– Này, ăn nói với tao thì liệu hồn. Tất cả những cái gì tao đã có thể làm được thì bao giờ tao đều dám làm cả, vậy đừng có bịp tao. Tao ở ngoài tỉnh hai ngày hôm nay rồi. Xuống tận bờ sông cũng thấy người ta nói thế. Cho nên tao mới tìm đến đây. Mai mày phải đưa số tiền đó cho tao, tao cần dùng đến tiền.

– Con làm gì có tiền

– Nói láo. Ông chánh án Thatcher cầm số tiền đó. Chính mày có. Tao cần đến số tiền ấy.

– Con nói thật đấy, con không có tiền đâu. Bố cứ đến hỏi ông chánh án Thatcher mà xem, ông ấy cũng sẽ nói với bố như thế.

– Được, rồi tao hỏi ông ấy, tao sẽ nói chuyện với ông ấy xem đầu đuôi ra sao. Này, trong túi mày hiện giờ có bao nhiêu. Hãy đưa đây tao, tao đang cần.

– Con chỉ có một đô la. Con định để…

– Định để làm gì mặc kệ mày, tao không cần biết, hãy cứ đưa đây đã.

Ông ấy cầm ngay lấy đồng tiền rồi đưa lên răng cắn thử xem có tốt không; rồi ông ấy nói đi xuống phố kiếm ít rượu whisky, bảo là cả ngày hôm nay chưa được nhấp một tí nào. Bước ra đến ngoài bóng tối rồi còn ngoái cổ lại đe tôi đừng có làm ra vẻ ta đây muốn hơn ông ấy. Khi tôi đoán là ông ấy đã đi hắn rồi thì lại thấy ông quay lại thò đầu vào nói tôi hãy coi chừng với cái trường học ấy không thì ông ấy sẽ đi bắt về đánh cho một trận nếu như tôi không chịu thôi học.

Hôm sau, ông ấy say mềm, mò đến nhà lão chánh án Thatcher sừng sộ định bắt lão ta phải đưa hết số tiền cho ông ấy. Nhưng chẳng ăn thua gì; rồi ông ấy thề là sẽ đưa lão chánh án ra trước pháp luật.

Lão chánh án và bà goá đã đi trình toà cho tôi được thoát khỏi tay bố tôi, và để toà giao cho một trong hai người đỡ đầu cho tôi. Nhưng đây lại là một ông chánh án mới ở đâu về, chẳng rõ bố tôi là người như thế nào, nói rằng toà án không có quyền nhúng tay vào việc chia rẽ gia đình người ta, mà trái lại phải đoàn tụ, càng không thể bắt đứa trẻ phải xa bố. Thế là lão chánh án Thatcher và bà goá đành phải chịu thua thôi.

Điều đó làm cho ông bố tôi khoái trí lắm, đến nỗi ông ấy đứng ngồi không yên. Ông ấy bảo sẽ đánh cho tôi thâm tím mình mẩy nếu tôi không chịu lòi tiền ra cho ông ấy. Tôi vay tạm ba đồng đô la của lão chánh án Thatcher đưa về, ông ấy lại cầm đi uống rượu say bí tỉ; rồi đi ngồi lê la khắp nơi ba hoa nhảm nhí gây chuyện khắp tỉnh; tay cầm cái chậu sắt lang thang đến tận nửa đêm. Người ta mới bắt giam ông ấy lại, cho ngồi tù một tuần lễ. Nhưng ông ấy lại bảo làm như vây là thoả mãn rồi; ông ấy hài lòng lắm, vì đã có uy tín đối với đứa con là tôi.

Khi ông ấy ra khỏi nhà tù, ông chánh án mới đổi về ấy bảo là sẽ dạy cho bố tôi thành người. Ông chánh án đưa bố tôi về nhà riêng, cho ăn mặc sạch sẽ, đẹp đẽ.. Sáng, trưa chiều cùng cho ngồi ăn chung với gia đình, đối đãi với bố tôi rất ngọt ngào. Đại khái như vậy. Ăn bữa chiều xong, ông chánh án ngồi nói chuyện cho bố tôi nghe về cách sống như thế nào cho đúng mực với những kiểu này kiểu khác, đến nỗi bố tôi nghe xong phải khóc lên, bảo rằng mình thật là điên rồ và đã làm hại cả đời mình. Bố tôi hứa từ nay sẽ sửa đổi tư cách và sẽ trở thành một con người tốt để không ai hổ thẹn về ông ấy nữa. Rồi lại còn mong rằng ông chánh án sẽ giúp đỡ cho và đừng có khinh miệt mình. Ông chánh án bảo nghe bố tôi nói những lời như vậy thật là đáng mừng. Thế là cả vợ chồng ông chánh cũng khóc nữa. Bố tôi nói rằng ông là một con người trước đây vẫn bị hiểu lầm. Ông chánh thì bảo ông cũng tin là như thế. Bố tôi lại nói rằng cái mà một người cần có ở tận đáy lòng mình ấy là cảm tình. Ông chánh nói: đúng như vậy. Thế là cả hai bên lại khóc. Lúc đến giờ đi ngủ, ông bố tôi đứng dậy, dang hai tay ra nói:

– Đây, các ông các bà nhìn tôi đây. Xin hãy cầm lấy tay tôi và cho tôi bắt tay. Đây là một bàn tay trước kia như tay con lợn; nhưng bây giờ không phải nữa; mà đây là bàn tay của một con người đã bắt đầu bước vào cuộc đời mới. Nếu còn quay lại đường cũ sẽ xin chết. Các ông các bà hãy nhớ kỹ cho những lời nói ấy, và xin đừng quên là chính tôi đã nói như vậy. Bây giờ là một bàn tay sạch sẽ rồi xin cứ bắt tay đừng sợ.

Lần lượt người này người khác đến bắt tay, rồi tất cả đều khóc. Bà vợ ông chánh án lại còn cúi xuống hôn cái bàn tay ấy. Rồi ông bố tôi làm dấu thề. Ông chánh án nói rằng đó thật là cái lúc thiêng liêng nhất, hay là cũng gần như vậy. Rồi họ đưa ông bố tôi vào một căn phòng lộng lẫy, đó là căn phòng riêng. Đến đêm, lúc bố tôi khát nước quá mới trèo qua mái cổng, bám vào cột tụt xuống đất, đem cái áo họ vừa mới cho đi đổi lấy một chai rượu bố, rồi lại vẫn chứng nào tật ấy trèo về phòng ngồi uống thoả thích cho đến lúc sáng rõ mới bò ra, say khướt, đâm cả vào cổng đến nỗi tay bên trái bị thương mấy chỗ. Sáng ngày ra, lúc có người tìm thấy ông ấy thì đã bị lạnh gần chết cứng. Khi mọi người bước vào căn phòng riêng kia thì thấy đồ đạc đã lung tung lộn xộn cả lên rồi.

Ông chánh án lấy làm buồn lắm. Ông ấy bảo có lẽ chỉ một phát súng mới giúp cho ông bố tôi sửa đổi tính nết, chứ chẳng còn cách nào khác nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN