Những Đứa Con Của Tự Do - Chương 17
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
143


Những Đứa Con Của Tự Do


Chương 17


Dòng người kéo dài trước cửa hiệu thực phẩm. Ai nấy đều đang chờ đợi, phiếu lương thực trong túi, màu tím để mua mỡ thực vật, đỏ để mua đường, nâu để mua thịt – nhưng từ đầu năm thịt đã không thấy trên quầy hàng, mỗi tuần chỉ có được một lần -, xanh lục cho trà hay cà phê, và từ lâu cà phê đã bị thay bằng rau diếp hay lúa mạch rang. Ba giờ chờ đợi trước khi nhích tới quầy, để được đúng chút gì nuôi sống mình, nhưng mọi người không còn đếm thời gian đang trôi qua nữa, họ nhìn cánh cổng đối diện hiệu thực phòng hẩm. Ở cuối hàng, một khách quen không có đấy. “Một bà thật trung hậu”, những người này nói, “Một phụ nữ can đảm”, số khác than thở. Vào buổi sáng nhợt nhạt này, hai xe hơi màu đen đang đỗ trước tòa nhà nơi gia đình Lormond sinh sống. Một bà nội trợ thì thào:

– Vừa nãy họ đưa chồng bà ấy đi, lúc đó tôi đã ở đây rồi.

– Họ đang giữ bà Lormond trên đó. Họ muốn bắt con bé, nó không có nhà khi họ đến, bà gác cổng của tòa nhà nói rõ, cả bà cũng đang xếp hàng

Con bé họ đang nói đến tên là Gisèle. Gisèle không phải tên thật của em, họ thật của em cũng không phải là Lormond. Ở khu phố này, tất cả mọi người đều biết họ là người Do Thái, nhưng điều duy nhất quan trọng, đó là cảnh sát và Gestapo không biết. Cuối cùng chúng cũng khám phá ra.

– Thật gớm guốc những gì họ làm với người Do Thái, một bà vừa nói vừa khóc.

– Bà Lormond bà ấy dễ thương hết sức, một bà khác vừa đáp vừa chìa cho bà nọ chiếc khăn tay.

Tuy vậy, ở trên kia, trên gác, bọn dân binh chỉ có hai tên, bọn Gestapo đi cùng chúng cũng chừng ấy tên. Tất cả là bốn người với sơ mi đen, quân phục súng tay thế mà nhiều sức mạnh hơn một trăm người khác, im lìm bất động trong dòng người kéo dài trước hiệu thực phẩm. Nhưng mọi người khiếp sợ, họ chỉ dám nói đôi chút gọi là, còn hành động thì…

Chính bà Pilguez, ở tầng sáu, đã cứu cô bé. Bà đang đứng bên cửa sổ, thì thấy những chiếc xe đi tới từ đầu phố. Bà đã lao vào nhà Lormond để báo cho họ về vụ bắt bớ. Mẹ của Gisèle khẩn cầu bà hãy đưa con gái mình đi, hãy che giấu nó. Con bé mới mười tuổi đầu! Bà Pilguez đồng ý ngay lập tức.

Gisèle không kịp ôm hôn mẹ, vả chăng cả cha em nữa. Bà Pilguez đã nắm lấy tay em lôi về nhà mình.

– Tôi đã thấy nhiều người Do Thái ra đi, đến giờ chưa thấy người nào trở về!ông già nói trong khi hàng người nhích lên một chút.

– Ông cho là hôm nay có cá trích hay không? một phụ nữ hỏi.

– Tôi chẳng biết được; thứ Hai hãy còn vài hộp, ông già trả lời.

– Họ vẫn không tìm thấy con bé và như thế càng tốt! một phụ nữ thở dài đằng sau họ.

– Phải, như thế thì hay hơn, ông già trang trọng trả lời.

– Hình như họ đưa mọi người đến các trại và ở đấy họ giết nhiều người lắm; một đồng nghiệp công nhân người Ba Lan đã nói điều này với chồng tôi ở nhà máy.

– Tôi chẳng biết gì hết, nhưng tốt hơn là bà đừng nói đến loại chuyện như thế và cả chồng bà nữa.

– Chúng ta sẽ nhớ ông ấy, ông Lormond, bà này lại thở dài. Khi có câu khôi hài nào ở chỗ đông người, bao giờ cũng là ông ấy nói đấy.

Sáng sớm, cố quấn chiếc khăn quàng màu đỏ, ông vẫn đến xếp hàng trước cửa hiệu thực phẩm. Chính ông đã an ủi họ trong thời gian dài chờ đợi vào những sáng sớm giá buốt. Ông chẳng dâng tặng gì ngoài lòng nhiệt tình của con người nhưng trong mùa đông ấy, đó là thứ mọi người thiếu thốn hơn cả. Thế đấy, hết rồi, ông Lormond sẽ không bao giờ nói gì nữa. Những lời lẽ hài hước khi nào cũng khơi lêntiếng cười, một sự nhẹ nhõm, những câu nói nho nhỏ ngộ nghĩnh hay dịu dàng chuyển nỗi nhục của việc hạn chế khẩu phần thành chuyện để giễu cợt, tất cả đã ra đi trong chiếc xe của bọn Gestapo cách đây hai giờ rồi.

Đám đông im bặt, chỉ thoang thoảng một tiếng rì rầm. Đoàn người vừa ra khỏi tòa nhà. Tóc bà Lormond xõa xuống, bọn dân binh vây lấy bà. Bà bước đi, đầu ngẩng cao, bà không sợ. Họ đã cướp mất chồng của bà, họ đã bắt con gái của bà, song họ sẽ không thể tước đoạt phẩm cách làm mẹ, cũng như phẩm cách làm vợ của bà. Tất cả mọi người nhìn bà, thế là bà mỉm cười; những người đang xếp hàng chẳng can dự gì trong chuyện này, đó chỉ là cách để bà chào tạm biệt họ.

Những tên dân binh đẩy bà về phía xe hơi. Đột nhiên, sau lưng, bà đoán được sự hiện diện của con mình. Cô bé Gisèle đang ở trên kia, dán mặt vào cửa sổ tầng sáu; bà Lormond cảm thấy điều ấy, bà biết. Bà những muốn ngoảnh lại, để tặng con gái một nụ cười cuối cùng, một cử chỉ âu yếm nói lên rằng bà yêu con biết chừng nào; một ánh nhìn, chỉ trong một phần giây đồng hồ, nhưng đủ để em biết rằng cả chiến tranh, cả sự điên rồ của con người cũng sẽ không lấy đi được của em tình yêu của mẹ.

Nhưng thế đấy, nếu ngoảnh lại bà sẽ khiến họ chú ý đến con mình. Một bàn tay bè bạn đã cứu con gái bé bỏng của bà, bà không thể liều để bàn tay ấy gặp nguy hiểm. Lòng như bị kìm kẹp, bà nhắm mắt và tiến về phía chiếc xe, không ngoảnh lại.

Trên tầng gác thứ sáu của một tòa nhà, ở Toulouse, một cô bé lên mười nhìn mẹ mình ra đi mãi mãi. Em biết rằng mẹ sẽ không trở lại, cha bảo em điều ấy; những người Do Thái bị người ta đem đi không bao giờ trở lại, chính vì thế mà không bao giờ được nhầm lẫn khi em nói ra tên họ mới của mình.

Bà Pilguez đặt tay lên vai em, còn tay kia bà giữ tấm rèm che cửa, để từ bên dưới, người ta không nhìn thấy họ. Tuy thế Gisèle nhìn thấy mẹ em bước lên chiếc xe màu đen. Em những muốn nói với mẹ rằng em yêu mẹ và em sẽ mãi yêu mẹ, rằng trong tất cả các bà mẹ thì mẹ là bà mẹ tốt nhất trên đời, rằng em sẽ không có người mẹ nào khác. Nói là điều bị cấm, thế là em nghĩ bằng tất cả sức lực của em rằng nhiều tình yêu đến như thế nhất định phải xuyên qua được một lớp kính. Em tự nhủ rằng, dưới phố, mẹ em nghe thấy những tiếng em đang thì thầm giữa đôi môi, cho dù em mím chặt môi đến thế.

Bà Pilguez áp má lên đầu em, cùng với một nụ hôn. Em cảm thấy nước mắt bà Pilguez chảy trên gáy mình. Em thì em sẽ không khóc. Em chỉ muốn nhìn đến tận cùng, và em thề với mình sẽ không bao giờ quên buổi sáng tháng Chạp năm 1943 ấy, buổi sáng mẹ em ra đi mãi mãi.

Cánh cửa xe vừa đóng lại và đoàn người ra đi. Cô bé giơ hai cánh tay, trong một cử chỉ yêu thương cuối cùng.

Bà Pilguez quỳ xuống để sát gần em hơn.

– Gisèle bé bỏng của bác, bác rất đau buồn.

Bà Pilguez khóc nức nở. Cô bé nhìn bà, em có nụ cười mong manh. Em lau đôi má bà Pilguez và bảo- Tên cháu là Sarah.

° ° °

Tại phòng ăn nhà hắn, gã ở tầng gác thứ năm rời cửa sổ, cáu kỉnh. Đang đi, hắn dừng lại và thổi vào khung ảnh đặt trên tủ. Một lớp bụi đáng ghét đã vương vào ảnh thống chế Pétain. Từ nay, đám hàng xóm tầng dưới sẽ không làm ồn nữa, hắn sẽ không phải nghe tiếng tập đàn dương cầm nữa. Và, trong khi thổi bụi, hắn cũng nghĩ là sẽ phải tiếp tục giám sát và giờ đây tìm ra kẻ nào có thể giấu con bé Do Thái bẩn thỉu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN