Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết - Chương 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết


Chương 18


Trên chuyến bay đêm đến New York, Cully ngồi khoang hạng nhất, nhâm nhi một ly soda. Trong lòng anh là một cái vali bằng kim loại được bọc da bên ngoài và được trang bị một bộ phận khoá rất phức tạp. Bao lâu mà Cully còn giữ chiếc vali thì không có gì có thể xảy đến cho hàng triệu đô-la bên trong đó. Chính anh ta cũng không thể mở chiếc vali đó ra được. Ở Vegas, Gronevelt đã đếm tiền trước mặt Cully, đặt vào lại thật ngăn nắp trước khi khoá lại và trao tận tay Cully. Người ở New York không bao giờ biết bằng cách nào và khi nào tiền đến nơi. Chỉ có Gronevelt quyết định. Thế nhưng Cully rất bối rối để chiếc vali bên cạnh mình, anh nghĩ về những năm tháng qua. Anh đã đi được một đoạn đường khá xa, đã học được nhiều và sẽ còn đi xa hơn và còn học hỏi nhiều hơn. Nhưng biết rằng đang lao vào một cuộc sống đầy nguy hiểm, đang ăn thua lớn. Tai sao Gronevelt đã chọn anh? Ông ấy đã nhìn thấy gì? Và đã dự kiến những gì? Cully Cross, với chiếc vali kim khí trong lòng, thử đoán số mạng mình. Anh đang vận dụng cả “mười hai thành công lực”của kí ức, nhuệ trí và trực cảm để phát hiện điều gì mà mỗi vận may trong cuộc đời mình thêm vào và cố đoán xem những gì đang tiềm ẩn trong chiếc “hộp đen” định mệnh.

Gần bốn năm trước, Gronevelt bắt đầu lấy Cully làm trợ thủ thân tín nhất của mình. Trước đó Cully đã là điệp viên của ông ở khách sạn Xaradu rất lâu trước khi Merlyn và Jordan đến và đã làm tốt công việc đó.

Gronevelt chỉ hơi thất vọng khi anh trở thành bạn với Merlyn và Jordan. Và tức giận khi Cully đứng về phía Jordan trong ván bài baccarat nổi tiếng kia. Cully đã nghĩ thôi thế là hết đường làm ăn ở đây rồi, thế nhưng lạ thay chính ngay sau sự cố đó, Gronevelt lại cho anh việc làm thực sự. Cully vẫn thường thắc mắc về chuyện đó. Trong năm đầu Gronevelt bảo Cully làm người chủ phòng của các bàn blackjack, một con đường khá lạ lùng để bắt đầu con đường của một trợ thủ thân tín. Cully ngờ rằng mình lại được sử dụng như một gián điệp giống như trước đây mà thôi. Nhưng Gronevelt đã dự mưu chu đáo một mục tiêu đặc biệt trong đầu ông ta. Ông đã chọn Cully làm người khởi động mồi nước trong chiến dịch “hớt váng kem” của khách sạn. Gronevelt nhận định rằng những tay chủ khách sạn thực hiện việc “hớt tiền” trong phòng đếm tiền của casino là những anh ngốc, rằng sớm hay muộn thì đám FBI cũng sẽ tóm được họ. Việc “hớt váng kem” ngay tại phòng đếm tiền là quá lộ liễu. Các tay chủ hay người đại diện của họ đích thân gặp nhau tại đó và mỗi người lấy ra một số tiền bằng nhau trước khi họ báo cáo về Uỷ ban cờ bạc của Nevada. Ông thấy làm như vậy là liều lĩnh một cách khờ khạo.

Nhất là khi năm hay sáu tên chủ cãi nhau chí choé về chuyện nên “cắt ngọn” bao nhiêu. Gronevelt đưa ra một hệ thống ưu việt hơn nhiều. Hay là thế, theo như ông nghĩ và tự hào nói với Cully. Ông biết Cully là một “thợ cơ khí” loại cực giỏi có thể “phù phép” để chia bài lớn nhỏ cho ai tuỳ. Anh ta có khả năng chia cho mình, hoặc cho một tay con nào đó, những con bài tốt nhất. Và cho những tay chơi khác những con bài cũng tốt nhưng là loại hạng nhì hay hạng ba. Và thế là một giờ trước ca đêm nặng nhất – ca từ nửa đêm đến bốn giờ sáng, Cully sẽ tường trình lên Gronevelt và nhận chỉ thị. Vào một lúc nào đó trong khoảng thời gian trên, có thể là lúc một giờ sáng hay bốn giờ sáng, một tay chơi trong bộ comple màu nào đó (theo quy ước) sẽ thực hiện một loạt đánh cá theo kiểu bắt đầu với một trăm đô-la rồi năm trăm đô-la rồi hai mươi lăm đô. Đây là dấu hiệu để nhận dạng khách hàng “đặc sủng”; anh ta sẽ được thắng từ mười đến hai mươi ngàn đô-la trong vài giờ đánh bạc. Anh ta sẽ chơi bài lật ngửa, một điều chẳng có gì bất thường đối với những tay chơi lớn trong bài blackjack. Nhìn thấy thế bài của anh ta, Cully có thể dành con bài thích hợp nhất cho vị khách hàng thượng đế kia bằng cách chia những con bài kém hơn cho làng. Cully không biết bằng cánh nào mà cuối cùng tiền sẽ quay về với Gronevelt và các đối tác của ông ta. Anh chỉ làm công việc của mình mà không đặt câu hỏi nào. Và không bao giờ mở miệng.

Giống như việc anh có khả năng biết được những con bài nào còn lại trong chiếc giày, theo thứ tự từ trên xuống dưới, anh dễ dàng theo dấu việc thắng bạc của những tay chơi được bố trí sẵn kia và qua một năm. Anh tính ra rằng trung bình anh phải để mất mười ngàn đô-la trên một tuần cho những tay chơi đánh thuê cho ông Gronevelt. Qua một năm làm việc với tư cách người cầm cái, anh tính chính xác từng con số đó. Khoảng tròn nửa triệu đô-la, xê xích độ mười ngàn đến hai chục ngàn thôi.

Một cú mánh ngon, không bị thuế cũng không phải chia chác với các cổ đông khác trong khách sạn và trong casino, ngoài phần trăm cho những tay đánh thuê. Để giữ cho việc thua bạc không bị để ý, Gronevelt hoán chuyển Cully đến những bàn khác nhau hằng đêm. Và đôi khi cũng đổi ca cho anh ta. Cully còn phải lo về chuyện tay quản lí casino nắm phần chia bài. Trừ trường hợp là, có lẽ Gronevelt đã cảnh báo anh ta lơ đi.

Gronevelt đã bắt đầu sự nghiệp “kì bẽo” của mình ở Steubenvile, Ohio, dưới sự bảo vệ của băng đảng nổi tiếng ở Steubenvile với sự kiểm soát nền chính trị địa phương của họ. Ông ta đã thực hiện móc ngoặc phi pháp và rồi tìm đến Nevada. Nhưng ông ta mang chủ nghĩa ái quốc kiểu tỉnh lẻ. Mọi chàng trai trẻ ở Steubenvile muốn kiếm một chân chia bài hay hồ lì ở Vegas đều tìm đến Gronevelt.

Nếu không thể thu xếp cho cậu ta một công việc làm ở casino của mình, ông cũng gửi gấm cậu ta cho một casino khác. Bạn có thể gặp một đệ tử của ông ta ở Steubenvile, Ohio, ở Bahamas, Putpuerto Rico, ở Riviera tận bên Pháp và ngay cả ở London. Riêng ở Reno và Vegas thì lính của Gronevelt kể hàng mấy trăm. Nhiều người trong số họ giờ đây đã là quản lý casino hay chủ sòng. Gronevelt là một lãnh chúa trên thảm xanh.

Gronevelt có thể chuyển điệp viên từ hàng trăm thuộc hạ dưới quyền, thực tế là tay quản lí ở Xanadu, là dân Steubenvile. Vậy tại sao Gronevelt lại chấm Cully, một kẻ tương đối xa lạ một dân xứ khác? Cully vẫn thường thắc mắc về điều đó. Và dĩ nhiên về lâu về dài, khi hiểu được tình tiết rắc rối phức tạp của hệ thống kiểm tra chéo, anh biết rằng mình được chọn bởi vì mình có thể hy sinh trong trường hợp có chuyện trục trặc xảy ra. Anh sẽ chịu phạt, cách này hay cách khác.

Gronevelt, dù tật mê sách vở của ông đã đi từ Cleveland đến Vegas với một thứ tiếng tăm kinh người, ông không phải là loại người để kẻ khác đùa cợt chơi lỡm và giỡn mặt bằng cách mời xơi quả lừa và ông đã chứng minh điều đó với Cully trong mấy năm qua. Một lần bằng cách nghiêm chỉnh và lần khác với tính hài hước cao cấp, một thứ hóm hỉnh đặc biệt trong trò chơi trí tuệ của giới đồ bác ở Las Vegas.

Sau một năm, Cully được cấp văn phòng kế bên văn phòng của Gronevelt và được bổ nhiệm làm trợ lý đặc biệt cho ông Nhiệm vụ của anh bao gồm cả việc lái xe đưa Gronevelt đi loanh quanh thành phố và theo ông ta đến tận tầng trệt của casino, ban đêm khi Gronevelt thị sát một vòng để chào các bạn cũ và các khách hàng quen và nhất là những người từ nơi khác đến. Gronevelt cũng bảo Cully làm phụ tá cho viên quản lý casino để anh có cơ hội học hỏi được những đường dây mối nhợ của các trò cờ bạc. Cully làm quen với các tay trưởng ca các chủ sòng, các tay cầm cái và hồ lì ở mọi sòng bài.

Mỗi sáng Cully ăn điểm tâm vào khoảng mười giờ sáng ở dãy phòng của Gronevelt. Khi lên đó, anh sẽ lấy các số liệu về thắng thua trong hai mươi bốn giờ qua từ trưởng phòng tài chính. Anh sẽ đưa cho Gronevelt mảnh giấy nhỏ trong lúc họ ngồi ăn điểm tâm, và Gronevelt sẽ nghiên cứu các con số trong lúc dùng món tráng miệng.

Các con số thắng thua ở phòng tài xỉu, sòng blackjack, baccarat, roulette được ghi lại rất đơn giản ở hai cột thắng thua.

Các máy đánh bạc chỉ được kết toán mỗi tuần một lẩn và các số liệu đó được tay quản lý casino cho Gronevelt biết trong một bảng tường trình đặc biệt. Các máy đó thường đem lại lợi nhuận một trăm ngàn đô-la mỗi tuần. Đây là món hoạnh tài thực sự.

Casino không bao giờ bị xui xẻo với các máy đánh bạc. Đó là khoản tiền chắc chắn bởi vì những cái máy đánh bạc đó được thiết kế để chỉ “nhả ra” một tỷ lệ bách phân định sẵn đối với tiền đút vào mồm nó. Khi tỷ lệ thắng thua trên các máy bị lệch đi, điều đó chỉ có thể là một trò gian lận nào đó đang diễn ra.

Điều này không đúng cho các môn chơi khác như crap, blackjack và nhất là baccarat. Trong những trò chơi này, nhà cái được coi là ăn được mười sáu phần trăm trên số tiền đánh ra nhưng ngay cả nhà cái cũng có thể bị xui xẻo Đặc biệt là ở môn baccarat những tay chơi lớn đôi khi lặn sâu và bắt được một mẻ đáng kể! Baccarat có biên độ dao động rất rộng. Có đêm, bàn baccarat thua số tiền lớn bằng với toàn bộ lợi nhuận của tất cả các sòng khác trong ngày, nhưng cũng có những tuần lễ liền mà bàn baccarat thắng những khoản tiền khổng lồ. Cully chắc rằng Gronevelt có hớt váng kem nơi bàn baccarat nhưng anh không thể hình dung bằng cách nào. Rồi anh để ý khi một đêm, bàn baccarat quét sạch những tay chơi nặng kí từ Nam Mỹ đến, nhưng số liệu ngày hôm sau lại ít hơn con số lẽ ra chúng phải đạt. Cơn ác mộng đối với mọi casino là gặp phải những tay chơi số đỏ đúng vào ngày “giao hội các hành tinh”. Khiến y vơ cả làng vét sạch luôn nhà cái, trúng một quả quá ư đậm đà, trong khoảnh khắc làm nên lịch sử!

Và lịch sử Las Vegas cũng đã từng biết đến những khoảng thời gian khi các bàn crap nóng lên hằng tuần khiến cho casino may mắn lắm mới hoà vốn nếu đem tất cả các phần lời ở các sòng khác bù lỗ vào. Đôi khi ngay cả những tay chơi blackjack lại trở nên tinh ranh và hạ nhà cái thua liểng xiểng cả ba, bốn ngày liền. Nhưng riêng trong trò roulette, cả tháng rất hiếm khi có một ngày nhà cái thua. Còn trò vòng quay định mệnh và keno thì người chơi chỉ là những con vịt ngồi cho casino mà thôi.

Nhưng đấy mới chỉ là những kiến thức thuộc loại “cơ hành vận chuyển” trong việc quản lý một casino, những kiến thức mà bạn có thể học qua sách vở -và bất kì ai cũng có thể học được – nếu được huấn luyện đúng bài bản và đủ thời gian. Nhưng làm đệ tử ruột của Gronevelt, Cully còn học được nhiều hơn thế nữa. Gronevelt làm cho mọi người biết rằng ông ta không tin vào chuyện hên xui may rủi. Với Gronevelt, vị thần thực sự, vị thần bất khả ngộ, đó là tỷ lệ bách phân. Và ông quyết liệt hậu thuẫn cho quan điểm đó – bất cứ khi nào mà sòng keno bị vồ đi cái phần thưởng lớn trị giá hai mươi lăm ngàn đô-la, là Gronevelt đuổi hết đám nhân viên phụ trách sòng keno đó. Hai năm sau ngày Xanadu Hotel bắt đầu đi vào hoạt động thì gặp đại hạn, xui tận mạng. Trong ba tuần lễ liền casino không có một ngày thắng và thua tổng cộng gần nửa triệu đô-la – Gronevelt nổi đoá, sa thải đồng loạt toàn bộ nhân viên, trừ tay quản lý vốn là đồng hương ở Steubenvile. Và hình như có hiệu quả. Qua đợt sa thải đó, lợi nhuận nhích lên lần, chấm dứt những cú vớ đậm của các tay chơi. Casino phải thu được năm mươi ngàn đô-la mỗi ngày về tiền thắng để khách sạn cân bằng thu chi. Và theo như Cully biết, Xanadu chưa từng bao giờ có năm nào chịu lỗ. Ngay cả với việc Gronevelt ăn bớt gần nửa triệu đô-la.

Trong các năm mà anh cầm cái và “hớt váng kem” cho Gronevelt, Cully chưa từng bao giờ bị cám dỗ mắc vào sai lầm mà người khác, vào địa vị anh, dễ dàng mắc phải, đó là theo voi ăn bã mía, kiếm tí chút riêng cho phần mình. Xét cho cùng nếu dễ kiếm như thế, tại sao Cully không cho một anh bạn chí cốt mỗi ngày đảo một vòng kiếm chừng năm bảy trăm đô-la thôi rồi cưa đôi, nhẹ nhàng. Thế là hàng tháng cũng tư túi riêng được sáu bảy ngàn đô, quá khoẻ! Nhưng Cully biết chuyện đó mang tính định mệnh chứ chẳng chơi. Vả chăng anh còn nuôi những mưu đồ ở tầm vóc lớn hơn nhiều. Anh cảm nhận được nỗi cô đơn nơi Gronevelt, nhu cầu tình bạn mà chỉ có anh đem lại. Và điều ấy quả đã xứng công. Vào khoảng hai lần mỗi tháng, Gronevelt mang Cully theo ông đi săn lùng đồ cổ. Họ sẽ mua những thứ như đồng hồ vàng lâu năm, những bức hình đóng trong khung mạ vàng từ thời sơ khai của Los Angles và Las Vegas. Họ đi lùng những máy xay cà phê kiểu xưa, những xe hơi đồ chơi cũ, những đầu máy xe lửa hay tháp chuông nhà thờ, những con búp bê Trung Hoa hay Nhật Bản, những hộp đựng nữ trang thời nữ hoàng Victoria, những cốc uống bia của Bắc Âu. Những món đồ này thường có giá trị từ một trăm đến hai trăm đô-la, hiếm khi đắt hơn. Trong những chuyến đi đó, Gronevelt thường tiêu hết vài ngàn đô. Ông và Cully sẽ ăn tối tại Los Angeles và ngủ một đêm tại khách sạn Beverly Hills, rồi bay về Vegas trên chuyến bay sớm.

Cully sẽ mang những thứ đồ cổ tạp pín lù đó trọng vali của anh và khi đến Xanadu sẽ cho nhân viên gói lại thành những gói quà thanh lịch và giao đến dãy phòng của Gronevelt. Rồi hàng đêm – hay gần như hàng đêm, Gronevelt sẽ bỏ vào túi một vài món, đi xuống casino tặng cho một tay chơi cao cấp – Chủ mỏ dầu hoả ở Texas hay chủ nhân cửa hàng thời trang ở New York – hàng năm vẫn đến chơi ở các sòng bài của ông và ném vào đó mỗi người từ năm mươi đến một trăm ngàn đô-la chỉ nhằm mua chút cảm giác hồi hộp tí cho vui thôi, chứ số tiền đó đối với họ chỉ là khoản vứt đi nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!

Cully vẫn thường ngạc nhiên thích thú trước vẻ duyên dáng của Gronevelt vào những dịp đó. Gronevelt sẽ mở gói quà ra, cầm lấy chiếc đồng hồ vàng và giới thiệu với vị khách quý kia:

– Vừa rồi tôi đi Los Angeles và thấy vật nầy tôi lại nghĩ ngay đến bạn, – ông ta nói với tay chơi sộp đó. – Nó hợp với bạn lắm đấy tôi đã bảo thợ lau chùi và chỉnh lại. Bây giờ nó chạy rất đúng giờ.

Rồi ông nói thêm vẻ không được hài lòng cho lắm:

– Họ bảo tôi nó được làm ra từ 1870, nhưng ai mà biết được? Bạn cũng biết mấy tay bán đồ cổ là chúa phịa.

Và như thế ông tạo được ấn tượng là ông đã rất dụng công chăm chút và nghĩ đến vị khách hàng đó. Ông còn bóng gió ngụ ý là cái đồng hồ này giá trị lắm đấy. Và rằng ông còn phải tốn công sức để cho nó vận hành tốt nữa. Mà thật ra cũng có tí sự thật trong tất cả những chuyện ấy. Chiếc đồng hồ sẽ vận hành hoàn hảo, ông có nghĩ đến vị khách ở một mức độ khá chu đáo, hơn tất cả mọi điều khác. Đó là cảm thức về tình bạn rất riêng tư.

Gronevelt đã có một tặng phẩm để tạo được cảm tình khi giới thiệu một trong những kỉ vật đó với sự long trọng, quý mến khiến cho người nhận cảm thấy được vuốt ve tự ái hơn.

Và Gronevelt dùng đặc quyền “Cây bút chì” rất hào phóng. Những tay chơi lớn tất nhiên là được hưởng trọn gói RFB (phòng, thức ăn uống miễn phí) nhưng Gronevelt cũng ban cả đặc ân này cho cả những tay chơi chỉ đánh cá mỗi lần năm đô-la, nếu như ông biết đó là những vị nhiều tiền lắm của, nhưng chưa bén mùi cờ bạc và chưa say máu. Ông là bậc thầy trong nghệ thuật dụ khị người ta vào cuộc đỏ đen và càng lâu càng lậm? Thế mới xứng danh là phù thủy cáo già biết cách “hoán vị tiền” trong túi người ta nhảy qua túi mình chứ!

Một bài học khác mà Gronevelt dạy Cully là đừng có lường gạt các cô gái trẻ. Gronevelt đã từng nổi giận và lên lớp anh rất nghiêm khắc.

– Từ đâu anh nảy sinh cái ý tưởng đi lừa gạt những con bé tội nghiệp đó để ăn bánh khỏi trả tiền? Anh nghĩ xem, làm như thế có khác gì hành động của một tên móc túi. Mà lại đi trổ tài xoáy, lấy trộm những đồng tiền ít ỏi của các cô gái nghèo khổ yếu đuối chỉ nhờ có chút vốn trời cho để kiếm sống qua ngày? Anh là hạng người nào vậy? Anh ở đâu ra mà lại đi xoay xở kiếm chác từ âm đạo của chúng? Và hãy nhớ rằng một khi anh quỵt chúng Con ong mật đó, thì anh cũng tự cào bằng mình với chúng rồi. Hay đúng ra, còn tệ hơn. Dứt khoát từ nay hãy bỏ ba cái trò khỉ ấy nhé! Ta mà còn nghe anh làm những chuyện linh tinh như thế thì đừng nhìn mặt ta nữa!

Ông vừa nói vừa gằn giọng như một thầy giáo đang quất roi vào mông đứa học trò hư vậy.

Lạ thay, Cully mặt cứ trơ lì ra lại còn cười hì hì trước cơn thịnh nộ của ông. Rõ ràng là Gronevelt đã nghe về những trò ma mãnh của anh với phụ nữ, nhưng rõ ràng là Gronevelt không hiểu đàn bà bằng anh, Cully, kẻ đã rọi kính chiếu yêu để thấy rõ mồn một tim đen của các nàng! Ô la la? Ông ta đâu có thấy ra cái khuynh hướng thống dâm bẩm sinh nơi đàn bà. Nhà danh hoạ Picasso đã chẳng từng hùng hồn tuyên bố “đàn bà là những cỗ máy để chịu đau khổ” đấy hay sao? Họ sẵn lòng – và họ có nhu cầu – bị lừa gạt để cảm nhận cái thú đau thương của việc bị lừa gạt và bị phản bội! Đó là cái biện chứng lạ lùng mâu thuẫn của mâu thuẫn, hủy thể của hủy thể, vực sâu lại kêu gọi vực sâu, vì tâm hồn đàn bà là những vực sâu!

Nghĩ thế nhưng anh không phản đối ông, anh nói có chút chế giễu:

– Không phải dễ như cụ tưởng đâu. Có khi cả ngàn Con ong mật cũng không mua được tình yêu của các em đấy!

Không hiểu sao Gronevch lại cười xoà và đồng ý. Ông còn kể cho anh nghe một câu chuyện tếu về mình.

Vào buổi sơ khai của khách sạn Xanadu, có một nữ lưu đến từ bang Texas miền Viễn Tây là nữ thừa kế triệu phú của một đại gia dầu hoả đến đây tìm cái thú giỡn tiền để nguôi ngoai nỗi phiền muộn mất chồng. Ông đã tặng nàng một cái quạt giấy Nhật Bản loại đồ cổ mà ông đã mua với giá năm mươi đô-la. Món quà chẳng đáng giá bao nhiêu ấy mà lại làm cho nàng goá phụ xinh đẹp, giàu có kia xao xuyến và mết ông. Nhưng Gronevelt lại không lấy làm sung sướng! Bởi vì dù còn lớn hơn nàng cả chục tuổi, đã qua ngũ thập, song ông vẫn cứ thích gặm cỏ non, chứ cỏ sồn sồn nhai nó trệu trạo lắm không khéo lại sái cả quai hàm? Thế nhưng, vì sự nghiệp chung, vì cái danh tiếng hiếu khách của Xanadu ông phải đưa nàng lên một phòng của khách sạn và phục vụ gối chăn cho nàng một đêm với sự vồn vã ân cần chu đáo để làm đẹp lòng nữ thượng đế! Khi nàng rời giường, do thói quen và do lính đồi truỵ ngông cuồng hoặc có lẽ với cái ý thức hài hước độc ác của Las Vegas, ông đã nhét vào tay nàng một Con ong mật (tờ một trăm đô-la) và bảo nàng tự mua lấy món quà cho vừa ý. Cho mãi đến tận ngày nay, ông cũng không hiểu tại sao mình lại làm chuyện quái quỷ như vậy.

Vị nữ thừa kế của công ty dầu khí nhìn xuống Con ong mật và nhét nó vào ví. Nàng cám ơn chàng một cách duyên dáng và thản nhiên như không.

Rồi nàng vẫn tiếp tục đến khách sạn để đánh bạc, có ngày thua năm, bảy ngàn đô-la một cách tỉnh bơ. Nàng nghĩ gì về Gronevelt, về hành động báng bổ điên rồ của ông ta? Những ý nghĩ từ vực sâu thăm thẳm của hồn nàng, may ra chỉ có trời biết.

Ba năm sau, Gronevelt tìm nhà đầu tư để phát triển kinh doanh của mình. Ông muốn xây thêm phòng ngủ, phòng trình diễn ca vũ nhạc và nhiều nhà hàng ăn uống để giữ chân khách trong khách sạn và các casino của mình, không để họ lang thang sẽ bị các nơi khác tranh giành mất mối. Và ông lại tiếp cận với nữ triệu phú kia (đúng là Gronevelt đã luyện được đức tính “đẹp trai không bàng chai mặt” đến mức thượng thừa) Lạ thay, nàng lại gật đầu và bảo “được thôi”.

Nàng tức khắc viết một tấm séc, ký tên và trao cho ông với một nụ cười ngọt ngào, trong một cử chỉ phi thường nồng hậu! Một tấm sec ghi lệnh chi một trăm ngàn đô-la.

– Bài học rút ra từ câu chuyện này là… – Gronevelt kết luận, – Đừng bao giờ đối xử với một nàng rồng lộn giàu sang lịch lãm như với một khung cửa hẹp âm u, nghèo nàn.

Đôi khi đến Los Angeles, Gronevelt còn đi lùng mua sách cổ. Nhưng thường là trong những lúc tâm trạng phấn chấn, ông sẽ bay đi Chicago dự buổi bán đấu giá sách hiếm. Ông có một sưu tập sách quý trong một kệ sách bằng kính, khoá kỹ nơi phòng ông. Khi Cully dọn vào văn phòng mới, anh gặp một món quà của Gronevelt ấn bản lần đầu tiên về một cuốn sách về cờ bạc in năm 1847.

Cully hứng thú đọc và giữ trên bàn giấy của mình một hồi lâu. Rồi sau đó không biết làm gì với quyển sách đó, anh mang trả lại cho Gronevelt, anh nói:

– Cháu quý món quà bác cho nhưng cháu thấy mình giữ thì cũng phí, vậy cháu xin gửi lại cho bác.

Gronevelt gật đầu không nói gì. Cully thấy rằng mình đã làm cho ông ta thất vọng, nhưng cũng lạ chuyện đó lại giúp gắn bó thêm mối liên hệ giữa họ. Vài ngày sau anh thấy quyển sách trong kệ đặc biệt được khoá kỹ của Gronevelt. Lúc đó anh biết là không phạm sai lầm và anh cảm thấy hài lòng là Gronevelt đã chứng tỏ với anh một dấu hiệu của lòng quý mến trung thực đến như thế, dù cho có bị đánh lạc hướng. Nhưng cũng từ đó anh thấy ra được những khía cạnh khác nơi con người Gronevelt mà anh luôn biết rằng ắt phải tồn tại nơi nhân cách của ông.

Cully đã tập thành thói quen có mặt khi các phỉnh của casino được mang ra đếm ba lần mỗi ngày. Anh đi theo các chủ sòng. Lúc họ đếm các con phỉnh trên tất cả các bàn, từ blackjack, roulette, crap và tiền mặt ở sòng baccarat. Anh còn vào cả phòng thủ quỹ của casino để đếm các con phỉnh đó. Tay quản lý phòng ở đó lúc nào cũng có vẻ hơi bối rối khi chạm đôi mắt Cully, nhưng rồi anh lại cho ràng chuyện đó là do bản tính đa nghi của mình thôi chứ tiền mặt và các con phỉnh đựng trong tủ sắt so với sổ sách lúc nào cũng ăn khớp với nhau rất chính xác. Và tay quản lý phòng thủ quỹ lại là một thành viên tín cẩn của Gronevelt từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Nhưng một ngày kia, có một cái gì thúc giục, Cully quyết định bảo lôi các khay đựng con phỉnh ra khỏi két sắt. Về sau này anh chẳng bao giờ hình dung được sự giục giã kỳ lạ đó. Nhưng một khi những khối nhỏ kia được kéo ra khỏi bóng tối của két sắt và được kiểm tra tỷ mỉ thì hai khay đựng những con phỉnh màu đen trị giá một trăm đô-la một con là những con phỉnh giả. Chúng chỉ thuần là những khối lăng trụ màu đen. Trong bóng tối của két sắt được đặt tuốt trong cùng nên chẳng bao giờ được dùng đến, chúng vẫn được coi là phù hợp trong những lần đếm hàng ngày. Tay quản lý phòng thủ quỹ có vẻ kinh hoàng và bị sốc mạnh, nhưng cả hai đều biết rằng trò ma giáo này không thể thực hiện nếu không có sự đồng ý của anh ta. Cully nhấc điện thoại lên và gọi cho Gronevelt. Lập tức Gronevelt xuống phòng thủ quỹ và kiểm tra các con phỉnh. Tổng cộng giá trị các con phỉnh nơi hai khay lên đến một trăm ngàn đô-la.

Gronevelt xỉa một ngón tay điểm mặt người quản lý phòng thủ quỹ. Một thời điểm kinh hoàng. Khuôn mặt nâu sậm như thuộc da của Gronevelt bỗng trắng bệch ra, nhưng giọng nói của ông vẫn dõng dạc, quyết liệt:

– Hãy vác cái thây thối tha của người ra khỏi nơi đây. Rồi ông quay qua bảo Cully – Bảo hắn bàn giao tất cả chìa khoá cho anh, – ông nói. – Và rồi triệu tập tất cả các chủ sòng của ba ca đến văn phòng tôi ngay lập tức. Ta đếch cần biết hiện chúng đang ở đâu, đang làm gì. Những ai đang nghỉ ngơi nơi đâu cũng phải bay về ngay Las Vegas và lập tức vào phòng của ta để kiểm tra.

Rồi Gronevelt đi ra khỏi phòng thủ quỹ và mất dạng.

Trong lúc Cully và tay quản lý đang làm giấy tờ bàn giao chìa khoá, hai chàng khỉ đột mà trước giờ Cully chưa hề thấy, bước vào phòng. Nhưng tay quản lý chắc là biết họ vì mặt anh ta bỗng tái nhợt và hai tay anh ta bắt đầu run, không kiểm soát được.

Hai tên kia gật đầu với tay quản lý và anh ta gật đầu lại, một trong hai tên nói:

– Khi anh xong việc ông chủ muốn gặp anh tại phòng làm việc của ông.

Họ nói với tay quản lý và lờ đi Cully. Cully nhấc điện thoại lên và gọi cho Gronevelt:

– Có hai người xuống đây bảo là ông gửi họ đến.

Giọng Gronevelt lạnh băng:

– Đúng thế, – ông nói.

– Cháu muốn kiểm tra cho chắc thôi, – Cully thưa.

Giọng ông có phần dịu đi:

– Ý tưởng hay đấy! – ông nói. – Cháu đã làm tốt việc này đấy. – Rồi một khoảng lặng ngắt. – Phần hậu kỳ không còn là chuyện của cháu nữa, Cully à. Hãy quên đi! Cháu hiểu chưa?

Giọng ông giờ đây hầu như rất khả ái và có cả một chút âm sắc buồn bã, mệt mỏí trong đó.

Tay quản lý phòng thủ quỹ trong mấy ngày sau, còn được thấy mặt ở lòng vòng Las Vegas, rồi sau đó mới biến mất. Sau một tháng, Cully được biết rằng vợ anh ta có làm một báo cáo người thân mất tích. Lúc đầu anh không thể tin vào hàm ý trong câu chuyện đó dù những lời bàn tán râm ran khắp thành phố là tay quản lý kia đã bị chôn vùi trong sa mạc. Anh không dám gợi ý điều gì liên quan đến vụ đó, ngay cả một cách bóng gió với Gronevelt và Gronevelt không bao giờ nhắc tới chuyện đó với anh nữa. Ngay cả để khen anh đã làm tốt công việc. Điều này cũng càng hay cho anh. Cully không muốn chuyện mình làm tốt công việc đã đưa đến hậu quả là tay quản lý kia đã ngủ yên dưới lòng hoang mạc.

Nhưng trong mấy tháng vừa qua, Gronevelt đã chứng tỏ nhuệ khí của ông ta trong một phương cách ít ma quái hơn. Với sự linh lợi điển hình của Vegas trong việc nắm bắt các cơ hội làm ăn một cách nhạy bén và linh hoạt.

Tất cả các casino ở Vegas đều đã khởi động việc tạo một sân chơi lớn và đưa ra những lời rao hàng hấp dẫn cho những tay cờ bạc nước ngoài. Người Anh ngay lập tức bị loại bỏ khỏi danh sách mặc dầu cái lịch sử lẫy lừng là những kẻ thua bạc lớn nhất trong thế kỷ mười chín của họ. Sự cáo chung của đế quốc Anh cũng đồng nghĩa với ngày tàn của các tay đánh bạc Ăng-lê tầm cỡ thế giới. Những số tiền hàng triệu triệu từ Ấn Độ, Úc, các đảo ở Biển Nam, Canada không còn rót vào trong két sắt của các ông trùm đổ bác nữa. Giờ đây Anh quốc là một xứ nghèo; những người giàu nơi xứ này phải vất vả tìm cách để lách thuế và duy trì tài sản của họ. Số ít có khả năng đánh bạc thì lại thích các câu lạc bộ thượng lưu quý phái ở Pháp, ở Đức và ngay tại London hơn.

Người Pháp cũng bị gạch sổ. Người Pháp ít đi du lịch nên chẳng mặn mà với chuyện qua tít bên Mỹ để thử vận may nơi kinh đô cờ bạc Las Vegas.

Nhưng người Đức và người Ý lại được chấm điểm cao và được ve vãn kỹ. Nước Đức với nền kinh tế hậu chiến phát triển phồn vinh đã tạo ra rất nhiều triệu phú, và người Đức thích du lịch, thích chơi cờ bạc và thích “trả thù dân tộc” với các cô gái Mỹ ở Las Vegas, chẳng là khi nước Đức bại trận năm 1945 thì các cô gái Đức phải đeo theo các chàng trai GI (lính Mỹ) để kiếm bánh mì mà!

Có cái gì đó nơi phong cách sống của Vegas nó hấp dẫn tinh thần Nhật-nhĩ-mãn mang họ về những hoài niệm của Oktoberfest (Lễ hội Tháng mười) và có lẽ cả của Gotterdammerung. Người Đức cũng là những tay chơi tốt tính và khéo léo hơn những người khác.

Những triệu phú người Ý rất có giá ở Vegas. Họ đánh bạc rất liều lĩnh, vô quy tắc trong lúc say rượu. Hình như họ có những nguồn tiền không bao giờ cạn, vì không ai trong bọn họ chịu trả thuế thu nhập cả. Những khoản tiền đáng lẽ phải đi vào ngân khố chính phủ ở Rome lại lọt vào két sắt của các casino ở khắp nơi. Các cô gái ở Vegas thích các nhà triệu phú Ý vì những món quà hào phóng của họ và vì trong thời gian ở đây, họ lao vào việc làm tình cũng mê mẩn say đắm như khi họ vùi đầu trong các trò đỏ đen.

Những tay chơi Mehico và Nam Mỹ còn được đánh giá cao hơn nữa. Không ai biết những gì đang thật sự diễn ra ở Nam Mỹ, nhưng nhiều chuyên cơ đã được phái đến đó để mang các nhà triệu phú đồng cỏ đến Vegas. Mọi thứ đều được phục vụ miễn phí đối với những tay chơi hoang tàng coi tiền như cỏ rác kia. Họ đến, mang theo cả vợ con và bạn gái để cùng vung tay đốt tiền nơi các sòng bài cho vui. Các vị khách sộp này cũng được các nàng lượn lờ ở Las Vegas rất thích vì cách làm tình sôi sổi cuồng bạo và cách chi tiền hào phóng. Một hôm Cully đang ở văn phòng của Gronevelt thì tay quản lý casino đến với một vấn đề đặc biệt. Một tay chơi Nam Mỹ, loại siêu hạng, đã yêu cầu gửi đến phòng anh ta tám cô gái tóc vàng và tóc đỏ nhưng đừng có các cô tóc nâu và không cô nào thấp hơn năm feet sáu inches (tức từ 1m70 trở lên).

Gronevelt tiếp nhận yêu cầu một cách điềm nhiên.

Ông hỏi:

– Anh ta muốn phép lạ đó xảy ra lúc nào trong ngày?

– Khoảng năm giờ chiều nay, – tay quản lý nói. – Anh ta muốn sau đó mang cả đám đi ăn tối rồi giữ họ lại suốt đêm

Gronevelt không cười:

– Được rồi, cứ đáp ứng đúng yêu cầu. Nhưng dặn các cô gái phải tìm mọi cách giữ riệt con mồi ở khách sạn này. Đừng để hắn vung tiền vào phố Thoát y vũ hay các casino khác.

Lúc người quản lý bắt đầu rời đi, Gronevelt nói:

– Hắn sắp giở trò gì với tám cô gái vậy?

Tay quản lý nhún vai:

– Tôi đã đặt câu hỏi đó với hắn. Hắn nói vì hắn có con trai đi cùng.

Lần đầu tiên trong cuộc đối thoại, Gronevelt mỉm cười:

– Đó là điều ta gọi là niềm tự hào đích thực của ông bố đấy, – Ông nói. Sau khi tay quản lý casino rời phòng, ông lắc đầu và nói với Cully – Hãy nhớ là họ đánh bạc nơi họ ăn ngủ và nơi nào họ làm tình. Khi ông bố chết, cậu con sẽ tiếp tục đến đây – Với ba ngàn đô, anh ta sẽ có một đêm nhớ đời. Anh ta sẽ mang lại hàng triệu đô-la cho Xanadu trừ phi cách mạng nổ ra nơi xứ sở anh ta.

Nhưng chiếc huy chương vàng dành cho các nhà vô địch, hạt ngọc vô giá mà mọi ông chủ casino thèm muốn, lại là những vị thượng khách đến từ châu Á – những tay chơi người Nhật. Họ là những tay đánh bạc làm người ta dựng tóc gáy và họ luôn đi thành đoàn đến Vegas. Những tay chóp bu của một tổ hợp công nghiệp đến đánh bài bằng những số tiền lậu thuế, và nhiều khi số tiền thua của họ trong một lần lưu trú bốn ngày có thể vượt quá một triệu đô-la. Và chính Cully đã đánh hơi ra được món bở lớn nhất từ Nhật Bản đem về cho khách sạn Xanadu và cho Gronevelt.

Cully thuở ấy đang thực hiện một “áp-phe tình ái” với một em vũ nữ trong đoàn Oriental Follies trình diễn ở một câu lạc bộ múa thoát y. Em gái được gọi Daisy thay vì cái tên Nhật của em rất khó phát âm. Và mặc dầu mới độ tuổi đôi mươi song em đã kinh qua cuộc trường chinh cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời ở Las Vegas từ năm năm qua. Em là một nữ vũ công “bá chấy” tuổi đời tuy hãy còn non nhưng khôn ngoan sắc sảo chẳng hề kém cạnh các bậc liền anh liền chị? Có điều em lại nghĩ đến việc giải phẫu thẩm mỹ để có đôi mắt người đẹp phương Tây và một bộ ngực nguy nga đồ sộ như các cô đào “Văm” ở kinh đô điện ảnh Hollywood! Cully hãi quá và bảo nàng rằng làm như thế này sẽ tự hủy hoại vẻ hấp dẫn “đặc trưng” của mình. Cuối cùng Daisy cũng chỉ chịu nghe lời khuyên của chàng khi chàng làm bộ sướng tê lê mê khi áp mặt vào đôi quả tuyết lê nhỏ nhắn xinh xắn của nàng!

Hai anh chị trở nên thân thiết đến độ nàng dạy cho chàng tiếng Nhật trong khi nằm với nhau trên giừơng và chàng ở lại qua đêm. Buổi sáng nàng sẽ làm cho chàng món cháo Nhật Bản để ăn điểm tâm và Cully ngạc nhiên thấy rằng món cháo sao ngon ghê, với mùi vị đậm đà, thật dễ chịu cho bao tử sau một đêm tửu sắc vất vả?

Chính Daisy đã báo cho anh sự kiện là một trong những nhà đại tài phiệt của Nhật Bản đang dự định làm một chuyến ngao du Kinh thành cờ bạc Las Vegas. Daisy vẫn thường được gia đình gửi cho báo chí Nhật bản qua đường hàng không; nàng nhớ cố hương và thích thú đọc mọi chuyện về nước Nhật.

Nàng bảo Cully rằng một nhà tài phiệt tiếng tăm ở Tokyo, tên là Fummiro, trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, đã cho biết rằng ông sẽ tới Hoa Kỳ để mở những chi nhánh hải ngoại cho công ty sản xuất máy truyền hình của ông. Daisy nói rằng Fummiro tiên sinh nổi tiếng ở Nhật là một tay chơi cờ bạc thuộc loại làm cho thiên hạ khiếp vía với những canh bạc đứng tim. Chắc chắn trong chuyến Mỹ du sắp tới, ông ta cũng không thể nào bỏ qua Las Vegas. Nàng cũng cho anh biết Fummiro còn là một tay dương cầm tài ba, đã từng học tập, rèn luyện ngón đàn trong nhiều năm ở châu Âu và lẽ ra đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp có hạng nếu như bố ông đã không ra lệnh cho cậu cả phải đảm đương việc điều hành công ty của gia đình.

Ngày ấy Cully gọi Daisy đến văn phòng của mình ở Xanadu và đọc một bức thư cho nàng viết ra trên giấy có tiêu đề của khách sạn. Với sự tư vấn của Daisy, anh dụng công tế bút “chế tác” ra một bức thư đặc biệt quan tâm đến phép lịch sự nhuần nhị của người Nhật để tránh mọi sự mạo phạm có thể làm phật lòng ngài Fummiro khả kính. Trong bức thư để Fummiro tiên sinh nhã giám, anh trân trọng thỉnh mời tiên sinh làm vị thượng khách danh dự tại khách sạn Xanadu vào bất kỳ thời điểm nào và lưu trú lại bao lâu tuỳ ý Ngài. Anh cũng mời tiên sinh cứ mang bao nhiêu quan khách mà Ngài muốn và toàn bộ tuỳ tùng, kể cả những vị đồng sự kinh doanh của tiên sinh tại Hoa Kỳ. Với một thứ uyển ngữ tinh tế, Daisy cho Fummiro tiên sinh biết rằng, ngài sẽ không tốn một xu nào về mọi chuyện đó. Cả những buổi xem ca vũ nhạc kịch cũng miễn phí. Trước khi gửi thư đi, cần trình cho Gronevelt để được duyệt bởi anh còn chưa được toàn quyền với “Cây bút chì”. Gronevelt chấp thuận và bây giờ nếu những người Nhật này đến, họ sẽ là khách hàng của Cully. Anh sẽ là “chủ nhà” tiếp đón họ.

Phải mất ba tuần lễ trước khi anh nhận câu trả lời. Và trong thời gian đó. Cully đã tranh thủ học hỏi thêm Daisy. Anh được học là phải luôn luôn mỉm cười trong khi nói chuyện với một khách hàng Nhật Bản. Phải luôn luôn biểu lộ phong cách lịch sự tối đa trong giọng nói và trong cử chỉ.

Nàng bảo anh là, khi có một tiếng suỵt nhẹ trong diễn từ của một người Nhật thì đó là một dấu hiệu phẫn nộ, một biển báo nguy hiểm. Giống như tiếng khè của rắn. Cully nhớ lại tiếng suỵt đó trong điễn từ của những người Nhật trong các phim về Thế chiến 2. Trước đây anh cứ nghĩ đó chỉ là điệu bộ kiểu cách của diễn viên thôi.

Khi việc phúc đáp đến, nó được thực hiện trong hình thức một cuộc gọi từ văn phòng Chi nhánh Hải ngoại của Công ty Fummiro ở Los Angeles. Khách sạn Xanadu có sẵn hai phòng dành cho Fummiro tiên sinh, Chủ tịch – Tổng giám đốc của Japan Worldwide Sales Co. và ông Niigeta, Phó Tổng điều hành hay không? Thêm mười phòng khác cho các thành viên của đoàn tuỳ tùng. Cuộc gọi được đưa về Cully bởi vì người gọi đặc biệt yêu cầu phải được tiếp xúc với đích thân ngài Cully và anh trả lời xác nhận. Rồi, quá vui sướng, anh gọi ngay Daisy và bảo nàng rằng anh sẽ đưa nàng đi mua sắm trong vài ngày tới. Anh bảo nàng rằng anh sẽ sắm sửa cho mười phòng dành cho Fummiro mọi thứ cần thiết để cho mọi thành viên trong đoàn của ông đều thoải mái. Cô bảo anh đừng làm thế. Rằng điều ấy sẽ làm cho Ngài Fummiro mất mặt nếu như phần còn lại của đoàn ông đều được ăn ở với những tiện nghi như nhau. Rồi Cully yêu cầu Daisy đúng ngày hôm đó bay đi Los Angeles mua những bộ Kimono mà ông Fummiro có thể mặc trong phòng riêng. Cô bảo anh điều này cũng có thể làm phật ý Ngài Fummiro bởi ông ta tự hào là rất sành nếp sống phương Tây. Cully lại moi óc cố tìm một khía cạnh nào đó để chiếm ưu thế, gợi ý rằng Daisy nên đi gặp Fummiro và tình nguyện làm thông dịch viên cho ông ta. Daisy cười bảo rằng có lẽ đó là điều mà ông Fummiro tối kị bởi ông sẽ rất không thoải mái với một cô gái Nhật phương Tây hoá cứ kè kè theo bên và nhìn ông lom lom nơi một xứ sở xa lạ.

Cully chấp nhận mọi quyết định của cô. Nhưng anh nhấn mạnh một điều. Anh yêu cầu Daisy làm món cháo Nhật Bản trong thời gian ông Fummiro lưu trú ba ngày tại khách sạn Xanadu. Cully sẽ đến căn hộ của cô, mỗi sáng sớm để lấy và cho người mang đến phòng ông Fummiro khi ông ấy gọi bữa điểm tâm. Daisy lầu bầu nhưng hứa sẽ làm như thế?

Xế chiều hôm đó Cully nhận cú gọi từ ông Gronevelt:

– Một chiếc piano để làm cái quái gì ở dãy phòng Bốn Mươi – Gronevelt hỏi. – Tôi vừa nhận cú gọi từ quản lý khách sạn. Anh ta bảo anh chuyển kênh và làm rối tung cả lên.

Cully giải thích việc ông Fummiro sắp đến và những sở thích đặc biệt của ông ta. Gronevelt cười nụ và nói:

– Hãy lấy chiếc Rolls của bác khi anh đi đón ông ấy ở phi trường.

Chiếc xe này ông chỉ dùng để đưa đón các tay phú gia địch quốc Texas hay những khách hàng cưng chiều mà đích thân ông sẽ thù tiếp.

Ngày kế, Cully đến phi trường với ba tay phục vụ của khách sạn, chiếc Rolls-Royce và hai chiếc Cadillac.

Anh lo lót để cả ba chiếc xe được chạy thẳng vào tận dường băng đỗ để các vị khách của mình không phải đi qua trạm đến và khỏi mất công làm thủ tục hải quan.

Chuyện đó đã có người lo. Và anh chào Ngài Fummiro ngay khi Ngài bước xuống các bậc cầu thang máy bay.

Ngài Fummiro rất dễ nhận ra giữa đám tuỳ tùng.

Ông ta cao nhất trong bọn, rất cao so với người Nhật. Và ông ta lại đẹp trai với những nét bề thế, khoáng đạt, đôi vai rộng, tóc đen nhánh. Người ta có thể tưởng ông là một ngôi sao điện ảnh Hollywood đang diễn một vai người nước ngoài khiến cho ông có vẻ người phương Đông một cách hơi giả tạo. Thoáng trong một giây, ý tưởng lóe lên đầu óc Cully rằng đây có thể là một mưu đồ được dàn dựng kỹ.

Trong số những người khác, chỉ có một người đứng sát vào Fummiro. Anh ta thấp hơn Fummiro một tí nhưng lại ốm hơn nhiều. Anh có hàm răng hô của một người Nhật trong tranh hí hoạ. Những người còn lại nhỏ con và kín đáo có vẻ không muốn lộ diện. Tất cả điều mang những chiếc vali samite màu đen loại sang trọng.

Cully chìa tay ra với vẻ tự tin, chững chạc cho ông Fummiro và nói:

– Tôi là Cully Gross của Xanadu Hotel – Xin chúc mừng ông đến Las Vegas!

Ông Fummiro chớp lên một nụ cười rạng rỡ lịch sự. Răng ông trắng bóng, đều đặn và ông nói một thứ tiếng Anh hơi nhẹ, không nhấn rõ âm lắm “Very pleased to meet you” (Hân hạnh được gặp ông).

Rồi ông giới thiệu người răng hô là ông Niigeta, phó tổng điều hành của ông. Ông xướng nho nhỏ tên của những người khác, tất cả nghiêng người bắt tay Cully đúng nghi thức lễ tân. Cully gpm vé hành lý của họ và bảo đảm mọi hành lý sẽ được giao đến tận phòng họ ở khách sạn. Anh hướng dẫn họ đến những chiếc xe đang chờ.

Anh với Fummiro và Niigeta vào trong chiếc Rolls, mấy người kia vào hai chiếc Cadillacs. Trên đường về khách sạn, anh nói với các vị khách rằng tín dụng đã được thu xếp.

Fummiro vỗ vào chiếc vali mà Niigeta đang cầm ở tay và nói:

– Chúng tôi có mang tiền mặt đây. – Hai người cười với Cully. Cully cười đáp lại. Anh nhớ phải mỉm cười bất cứ khi nào lên tiếng trong lúc anh nói với họ về tất cả những tiện nghi của khách sạn và về việc họ có thể xem bất cứ màn trình diễn nào ở Vegas. Trong một phần tư giây, anh đã nghĩ đến việc nêu ra chuyện bầu bạn của phụ nữ nhưng một bản năng nào đó khiến anh kịp giữ lời.

Ở khách sạn, anh dẫn họ đi thẳng đến các phòng và bảo một thư ký quầy tiếp tân mang mẫu đăng ký đến cho họ ký. Tất cả đều ở chung một tầng. Fummiro và Niigeta có hai phòng liền nhau với cửa thông qua lại Fummiro đi xem qua phòng của các thành viên khác trong đoàn. Cully bắt gặp vẻ hài lòng trong ánh mắt của ông ta, khi ông nhận ra rằng phòng của ông ta hơn xa về mức sang trọng và tiện nghi. Nhưng đôi mắt Fummiro thực sự sáng lên khi ông thấy chiếc piano nhỏ đặt trong phòng mình. Lập tức ông ta ngồi xuống, chạy thử mấy âm giai và nghe ngóng. Cully hi vọng đàn lên giây đúng. Anh không biết chắc, nhưng Fummiro gật đầu thật mạnh, cười rộng miệng, mặt sáng lên vẻ hài lòng, nói “Tốt lắm hay lắm” và gật đầu, giật giật bàn tay của Cully để biểu lộ ý tình thiết. Rồi Fummiro ra hiệu cho Niigeta mở cái vali mà anh ta mang theo. Đôi mắt Cully hơi căng phồng ra. Những xấp bạc thẳng băng, xếp ngay ngắn, đầy cứng vali. Anh không có ý niệm có thể là bao nhiêu.

– Chúng tôi muốn ký gửi số tiền này nơi phòng thủ quỹ của các ông, – ông Fummiro nói. – Như vậy chúng tôi có thể rút tiền khi cần trong thời gian chúng tôi ở đây

– Vâng, được ạ, – Cully nói.

Niigeta đóng vali lại và hai người cùng đi xuống phòng, tắm rửa, nghỉ ngơi.

Họ đi vào phòng người quản lý casino nơi đó tiền được đếm trước mặt ba người. Tổng cộng là năm trăm ngàn đô-la. Sau đó tay quản lý casino sẽ cùng với Cully chỉ cho các tay chủ sòng, các tay kiểm soát, nhận dạng Fummiro và Niigeta. Từ đó ở bất cứ sòng nào trong casino, hai vị khách Nhật Bản này chỉ cần đưa lên một ngón tay, lấy ra các con phỉnh rồi ký vào sổ. Họ sẽ được đối xử như ông hoàng, với tất cả sự tôn kính, trọng thị đúng mức.

Một lòng tôn kính đặc biệt thuần khiết vì chỉ liên quan đến tiền bạc mà thôi! Bỏ qua một bên mọi phân biệt đối xử vì màu da, sắc tộc, tôn giáo, chính trị hay gì gì khác!

Trong ba ngày liên tiếp theo sau đó, Cully có mặt ở khách sạn từ sáng sớm với món cháo điểm tâm của Daisy.

Dịch vụ buồng đã nhận được lệnh thông báo cho anh ngay khi ông Fummiro gọi bữa điểm tâm. Cully sẽ để cho ông ta một giờ để ăn rồi sẽ đến gõ cửa phòng ông để chào buổi sáng.

Anh sẽ gặp ông Fummiro đang ngồi trước cây đàn piano, đặt cả tâm hồn vào ngón đàn, tô cháo đã ăn hết để trên cái bàn sau lưng ông. Trong những lần hội kiến buổi sáng đó, Cully thu xếp các vé xem trình diễn ca vũ nhạc kịch và những chuyến tham quan ngoạn cảnh của ông Fummiro và bạn bè. Ông Fummiro luôn luôn tươi cười lịch sự và tỏ vẻ biết ơn và ông Niigeta sẽ từ phòng mình đi qua cánh cửa thông để chào Cully và khen anh về món cháo điểm tâm mà rõ ràng là ông cũng chia sẻ. Cully nhớ luôn luôn mỉm cười và gật đầu giống như họ.

Trong khi đó, trong ba ngày đánh bạc ở Vegas, băng mười tay chơi Nhật bản này đã gây khủng bố cho các casino ở Vegas. Họ đi chung với nhau, đánh bạc chung một sòng. Khi Fummiro cầm chiếc giày đựng bài ở bàn baccarat lên, tất cả đều đánh cửa Nhà băng cùng với ông, ở mức giới hạn. Họ trúng mấy ván lớn nhưng may là không phải ở Xanadu. Họ chỉ thích chơi baccarat và họ chơi với một “niềm vui sống” mang tính cách người Ý hơn là Đông phương. Fummiro sẽ vỗ tay vào cạnh chiếc giày và đập bàn khi ông ta rút được một con bài lớn cho mình. Ông ta là một tay cờ bạc si mê và hả hê khi thắng được một ván bài vài ngàn đô-la. Điều này làm Cully ngạc nhiên. Anh biết Fummiro làm chủ một gia tài lớn hơn nửa tỉ đô-la. Vậy thì sao một tiếng bạc nhỏ như vậy (dầu là đã đến mức giới hạn ở Vegas) lại làm cho ông ta khích động đến thế?

Chỉ có một lần anh thấy chất thép đằng sau cái mặt tiền tươi cười tráng lệ của Fummiro. Một đêm nọ. Niigeta đặt một ván cá vào cửa tay chơi khi Fummiro cầm chiếc giày lên. Fummiro nhìn Niigeta rất lâu, đôi mày cong lại và nói điều gì đó bằng tiếng Nhật. Lần đầu tiên bắt được tiếng suỵt nhẹ mà Daisy đã cảnh báo cho anh biết để tránh. Niigeta lí nhí mấy tiếng gì đó để xin lỗi qua hàm rặng hô và lập tức chuyển tiền sang cùng cửa với Fummiro.

Lần du ngoạn đó là một thắng lợi lớn cho tất cả mọi người. Fummiro và đoàn tuỳ tùng trở về Nhật Bản sau khi ăn chơi đã đời vẫn còn lời cả trăm ngàn đô-la, nhưng họ đã thua hai trăm ngàn đô-la ở Xanadu. Họ đã bù đắp số mất đó ở những casino khác. Và họ đã khởi động một huyền thoại ở Vegas. Một băng mười tay chơi Nhật Bản trong những bộ comple đen bóng rời một casino này để đến một casino khác dài dài trên phố Thoát y vũ. Họ là một dấu hiệu gây kinh hoàng, đi vào casino giống như những phu nhà táng đến nhặt tử thi của các chủ sòng. Tay chủ sòng baccarat sẽ được biết từ tay tài xế chiếc Rolls-Royce là cả đám sắp đi đâu và gọi đến cho casino đó sữa soạn trải thảm đỏ đón khách. Tất cả các chủ sòng góp thông tin cho nhau. Chính theo cách đó mà Cully được biết rằng Niigeta là một anh chàng tham dâm hiếu sắc thích chơi gái hơn là đánh bài.

Cully đưa tiễn họ ra phi trường khi họ rời khách sạn để đến Los Angeles. Anh lấy một trong những chiếc đồng hồ cổ của Gronevelt để biếu Fummiro với lời chúc mừng của chính Gronevelt. Bản thân Gronevelt cũng đến dừng lại một lát ở bàn ăn của các vị khách Nhật, tự giới thiệu mình và biểu lộ lòng mến khách của gia chủ.

Fummiro thật sự nhiệt tình trong những lời cám ơn của ông, và Cully hoàn tất những cú bắt tay theo thông lệ và mỉm cười thật tươi khi các vị khách bước lên máy bay.

Cully quay nhanh trở về khách sạn, gọi điện thoại cho nhân viên dời chiếc piano ra khỏi phòng Fummiro, sau đó bước vào văn phòng của Gronevelt. Ông bắt tay anh nồng nhiệt và ôm anh thắm thiết để tỏ lời khen.

– Một cuộc tiếp khách hoàn mỹ nhất mà ta từng thấy trong bao nhiêu năm ở Vegas này, – Gronevelt nói, – Ở đâu anh tìm ra cái món cháo Nhật bản đó vậy?

– Từ một thiếu rlữ tên là Daisy, – Cully nói. – Bác đồng ý để cháu mua tặng cô ta một món quà nhé?

– Anh có thể dùng một ngàn đô-la vào việc đó – Gronevelt nói. – Anh đã tạo một mối quan hệ sáng giá lắm với đám Nhật đó. Hãy duy trì mối dây liên lạc. Những món quà đặc biệt và những thiệp chúc, thiệp mời vào dịp Giáng Sinh, lễ tết. Cái anh chàng Fummiro đó là một tay cờ bạc bốc đồng nhất mà ta từng gặp.

Cully nhíu mày:

– Cháu chỉ hơi băn khoăn về việc phục vụ các khoản “đệ tam khoái” kia cho anh ta, anh nói. – Bác cũng thấy đấy Fummiro là một anh chàng quá đỗi dễ thương và cháu không muốn tỏ ra suồng sã lúc mới gặp nhau lần đầu.

Gronevelt gật đầu:

– Cháu nói đúng. Đừng lo, anh ta sẽ còn quay lại. Và nếu anh ta muốn chuyện “đảo điên loan phượng” tất nhiên anh ta sẽ biết mở miệng yêu cầu. Anh ta từng bước chân vào chốn ăn chơi lẫy lừng khắp nơi trên thế giới, chứ có phải là một cậu trai tân chưa làm lễ “khai trinh” đâu mà ngại miệng chuyện đó.

Như thường lệ, Gronevelt đã nói đúng. Ba tháng sau Fummiro trở lại và sau khi thưởng lãm màn “thoát y vũ” ở một quán rượu, ông ta sốt tiết lên, yêu cầu được “đối tác” với một nữ vũ công tóc vàng, chân dài. Cully biết rằng nàng ấy vẫn thường xuyên thực hiện các phi vụ biệt kích, mặc dầu đã chính thức kết hôn với một tay cầm cái ở khách sạn Sands. Sau màn trình diễn, anh gọi tay quản lý sân khấu và yêu cầu anh ta hỏi ý kiến cô gái xem có chịu đi uống nước với ngài Fummiro và anh hay không?

Việc đó được thu xếp và Fummiro yêu cầu cô gái cùng đi dùng bữa ăn khuya. Cô gái nhìn Cully “theo thể nghi vấn” và anh gật đầu. Rồi anh để hai người họ với nhau. Anh về văn phòng và gọi tay quản lý sân khấu để bảo anh ta sắp xếp lại người trình diễn cho sô nửa đêm. Sáng hôm sau, Cully không đến phòng Fummiro sau bữa điểm tâm. Trưa đó anh gọi đến nhà cô gái bảo cô khỏi bận tâm đến các sô diễn trong khi ngài Fummiro còn ở đây.

Trong thời gian đó, Daisy đã chỉ dẫn cho một trong các bếp trưởng của Xanadu cách biến chế món cháo Nhật Bản và món này đã chính thức được đưa vào thực đơn điểm tâm của Xanadu. Cully được biết thêm một điều là Fummiro luôn luôn xem quay lại một số sô trên tivi phương Tây. Ông ta thích nó. Đặc biệt là cô gái ngây thơ tóc vàng diễn vai một nữ vũ công rất táo bạo nhưng đầy nữ tính, song vẫn rõ nét hồn nhiên vô tội. Cully bèn động não tưng bừng! Qua các liên hệ trong giới điện ảnh, anh làm quen với “nàng ngây thơ”. Nàng có tên là Linda Parsons. Anh bay đến Los Angeles, mời nàng đi ăn trưa và trình bày với nàng về mối đam mê của Fummiro đối với nàng và sô diễn của nàng. Nàng bị cuốn hút bởi các câu chuyện của Cully về việc đánh bạc của Fummiro. Về chuyện ông ta vào Xanadu với mấy vali đựng tiền mặt lên cả hàng triệu đô-la mà có khi ông ta có thể thua nhẵn chỉ trong ba ngày chơi baccarat. Cully có thể thấy vẻ tham lam rất trẻ con, hồn nhiên, trong đôi mắt nàng. Nàng bảo Cully rằng lần tới nếu Fummiro đến Vegas, nàng cũng sẽ đến đó để hội ngộ con người lạ lùng đó.

Một tháng sau, Fummiro và Niigeta đi vào khách sạn Xanadu để lưu trú lại bốn ngày. Cully nói ngay cho Fummiro về chuyện Linda Parsons muốn gặp ông. Đôi mắt Fummiro sáng lên. Mặc dầu đã quá bốn mươi, ông ta có vẻ đẹp trai rất trẻ trung tưởng như một chàng trai chưa tới ba mươi mà niềm vui càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng. Ông ta yêu cầu Cully cho gọi người đẹp ngay và nàng hứa sẽ đến vào chiều mai. Fummiro hứng chí đến nỗi tối hôm đó anh ta đánh bạc như một người điên và thua hơn ba trăm ngàn đô.

Sáng hôm sau, Fummiro đi cắt may một bộ comple màu xanh nước biển mà ông ta nghĩ rằng đó là đỉnh cao trong phong cách thời trang của Mỹ, và Cully đã thu xếp với các chuyên viên của nhà thời trang Sy Devore lo do cắt và may cho ông ta trong ngày đó. Cully đã cho một Trưởng ban tiếp tân đi theo Fummiro để chắc ăn là mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Nhưng Linda Parsons bắt được chuyến bay sớm và đến Vegas trước giữa trưa. Cully đến phi trường đón nàng và đưa về khách sạn. Nàng muốn tắm rửa sạch sẽ mát mẻ trước khi gặp Fummiro, vì vậy Cully đưa nàng vào phòng của Niigeta để tắm rửa vì anh ta cứ nghĩ rằng Niigeta đã đi theo sếp của anh ta. Chuyện này sau đó được chứng minh là một sai lầm suýt trở thành tai hoạ.

Để nàng lại trong phòng, Cully đi về văn phòng của anh và cố gắng định vị Fummiro, nhưng ông ta đã tới cửa hàng may và chắc là đã tạt vào một trong các casino đầy rẫy trên đường phố đó, để đánh bạc. Không lần được dấu vết của ông ta. Sau khoảng một giờ, anh nhận được cú gọi từ phòng của Fummiro. Người gọi là Linda Parsons. Giọng nàng hơi bối rối.

– Anh đến ngay được không? – nàng hỏi.

– Em đang có vấn đề ngôn ngữ với bạn anh.

Cully không chờ để hỏi câu nào. Fummiro nói tiếng Anh rất khá mà. Thế thì hẳn phải có lý do khiến ông ta giả bộ như vậy. Có lẽ ông ta thất vọng với cô gái. Cully đã nhận ra rằng “nàng ngây thơ” trong người thật, có nhiều dấu hiệu từng trải hơn là những hình ảnh được bấm máy với nhiều dụng công và kỹ xảo trên các sô tivi. Hoặc có thể Linda đã nói hay làm điều gì gây xúc phạm đến tính thụ cảm tinh tế phương Đông của ông ta.

Nhưng người mở cửa phòng cho Cully vào không phải là Fummiro mà là Niigeta! Và Niigeta đang làm dáng với vẻ tự hào hơi quá lố. Rồi Cully thấy Linda Parsons bước ra khỏi buồng tắm trong chiếc Kimono Nhật thêu đầy những con rồng vàng.

– Lạy Chúa tôi! – Cully nói.

Linda cười có vẻ mệt mỏi:

– Anh đã lỡm em rồi, – nàng nói. – Anh ta đâu có rụt rè, cả thẹn mà cũng chẳng đẹp trai như anh đã đánh bóng. Anh ta còn không hiểu được tiếng Anh nữa kìa. Nhưng thôi, em hy vọng ít ra anh ta cũng giàu.

Niigeta vẫn còn đang tươi cười và hài lòng, anh ta còn cúi người về phía Linda trong lúc nghe nàng nói. Rõ ràng anh ta chẳng hiểu nàng đang nói cái gì.

– Thế em có với hắn chưa? – Cully hỏi gần như tuyệt vọng.

Linda làm mặt xấu:

– Hắn cứ rượt em chạy vòng vòng quanh phòng. Em đã nghĩ ít ra hai đứa cũng có được buổi chiều lãng mạn bên nhau với hương hoa ngào ngạt và âm nhạc du dương trước khỉ lên giường bày cuộc mây mưa. Thế nhưng hắn “máu lắm” cứ đòi “ăn” ngay tức thì, làm như hắn đã lên tới óc, nếu không kịp xả thì hoá rồ đến nơi. Em không làm sao đẩy hắn ra được. Thế nên em nghĩ thôi thì cứ thông qua những kiểu cách màu mè và giảm bớt những thủ tục rườm rà để đi thẳng vào chủ đề cho chóng được việc. Anh biết quá mà; em cũng đã đánh dư trăm trận chứ có phải hồng lâu còn khoá then sương đâu mà phải e ấp. Vậy thì, dê Mỹ hay dê Nhật, dê non hay dê cụ, em cũng chơi luôn!

Cully lắc đầu và nói:

– Em phất cờ hơi sớm, nhầm người mất rồi.

Linda nhìn anh một lúc, như vừa bị sốc pha lẫn kinh hoảng. Rồi nàng phá ra cười. Một tràng cười hồn nhiên, trung thực, rất đặc trưng của nàng. Nàng buông người vào chiếc ghế sofa và cười ngặt nghẽo, cặp đùi trắng hồng của nàng lồ lộ mượt mà và vạt áo kimono bung ra. Trong khoảng khắc ấy Cully như bị hớp hồn. Nhưng rồi chàng ta lắc đầu. Chuyện này hệ trọng, chẳng phải đùa. Anh nhấc điện thoại lên và gặp Daisy tại căn hộ của nàng. Daisy nhanh nhẩu nói ngay:

– Hết xúp rồi.

Cully bảo nàng thôi đừng có đùa nữa và hãy đến khách sạn ngay, vì có chuyện rất quan trọng, nàng hãy nhanh nhanh lên. Rồi anh gọi cho Gronevelt và giải thích tình hình. Ông ta bảo ông sẽ xuống ngay. Trong khi đó, Cully cầu nguyện mong sao Fummiro đừng vội xuất hiện sớm.

Mười lăm phút sau, Gronevelt và Daisy đến phòng đó cùng họ. Linda đã làm cho Cully và Niigeta và chính nàng, mỗi người một ly thức uống từ quầy bar riêng trong phòng. Mặt nàng vẫn còn thoáng nụ cười. Gronevelt vẫn tỏ ra khả ái với nàng:

– Tôi rất tiếc đã để xảy ra chuyện này, – ông nói. – Nhưng hãy kiên nhẫn tí thôi. Chúng ta sẽ gỡ rối mọi chuyện được mà!

Rồi ông quay sang Daisy:

– Cô hãy giải thích chính xác cho ông Niigeta biết chuyện gì đã xảy ra. Rằng ông ấy đã vơ nhầm phải người phụ nữ lẽ ra dành cho ông Fummiro. Rằng cô ấy cứ ngỡ ông ta là Fummiro say mê cô. Hãy giải thích là ông Fummiro say mê cô này và đã đi cắt may một bộ comple mới để gặp mặt nàng.

Niigeta chăm chú nghe với một nụ cười toét miệng tự nãy giờ. Nhưng giờ đây, có nét cảnh giác trong đôi mắt anh ta. Anh ta hỏi Daisy một câu, bằng tiếng Nhật và Cully nhận ra tiếng xì nhẹ trong câu nói của anh ta.

Daisy bắt đầu nói nhanh với anh ta, bằng tiếng Nhật. Cô vẫn mỉm cười trong khi nói, nhưng nụ cười của Niigeta cứ tắt dần trong lúc những lời của cô tuôn ra, và khi Daisy dứt lời. anh ta ngã lăn ra sàn, bất tỉnh.

Daisy nhanh trí ứng phó. Cô lấy một chai Whisky đổ vào họng Niigeta mấy ngụm, rồi giúp vực anh ta dậy, dìu anh ta đến ghế sofa. Linda nhìn anh ta tỏ vẻ thương hại.

Niigeta vặn đôi nắm tay và bộc bạch tâm tình với Daisy.

Gronevelt hỏi anh ta nói gì? Daisy nhún vai:

– Ông ấy bảo thế là chấm dứt sự nghiệp của ông ta rồi. Ông ấy nói rằng ông Fummiro sẽ loại ông ta ra khỏi công ty. Rằng ông ta đã làm cho ông Fummiro mất thể diện quá nhiều.

Gronevelt gật đầu:

– Bảo ông ta chỉ việc câm miệng thôi. Nói với ông ta tôi sắp cho người đưa ông ta vào bệnh viện ngay, bởi vì ông ta ốm, rồi sau đó ông ấy sẽ bay về Los Angeles chữa bệnh. Chúng ta sẽ “sáng tác” một câu chuyện để kể cho ông Fummiro. Bảo với ông ta đừng hé môi để lộ một lời nào và chúng ta sẽ bảo đảm rằng ông Fummiro sẽ không bao giờ đánh hơi được chuyện gì xảy ra đâu.

Daisy thông dịch và Niigeta gật đầu. Nụ cười lịch sự trở lại trên môi ông ta nhưng là cười như mếu!

Gronevelt quay sang Cully:

– Anh và cô Parsons đợi ông Fummiro ở đây nhé. Cứ ứng xử tự nhiên như chẳng có gì xảy ra. Tôi sẽ lo phần Niigeta. Chúng ta không thể để hắn ta ở đây; gặp mặt chủ, hắn sẽ lại bất tỉnh nhân sự mất. Tôi sẽ cho người lo mọi thủ tục đưa hắn đi.

Và mọi việc sau đó diễn ra xuôi chèo mát mái. Khi Fummiro trở về, một giờ sau. Ông ta gặp Linda Parsons, đã thay quần áo tươm tất và trang điểm hoàn chỉnh, đang ngồi đợi ông ta, với Cully. Ngay tức thì Fummiro bị mê hoặc và Linda thấy cảm mến ngay vẻ đẹp trai khả ái của ông ta một cách hồn nhiên vô tội nhất, như một “nàng ngây thơ” của màn ảnh truyền hình phương Tây có thể ngây thơ!

– Em hy vọng là anh không phiền lòng nhưng em đã lấy phòng của bạn anh để em có thể ở sát bên anh.

Như thế chúng ta có thể dành nhiều thời gian cho nhau hơn.

Fummiro lãnh hội ngay được ẩn ý. Nàng không phải loại đàn bà phóng đãng, dễ dàng nhào ngay vào vòng tay chàng: Nghĩa là với nàng trước tiên phải yêu nhau, còn chuyện ấy để sau! Chàng gật đầu với một nụ cười cởi mở, rồi nói:

– Tất nhiên, tất nhiên rồi.

Cully thở phào nhẹ nhõm. Linda đã ra những nước bài rất trúng cách. Anh chào tạm biệt họ và chùng chình bước chân một lát nơi hành lang. Chỉ sau vài phút anh nghe tiếng piano của Fummiro vẳng lên thánh thót rồi Linda cất giọng hát theo.

Trong ba ngày tiếp theo, Fummiro và Linda đã dệt nên một chuyện tình cổ điển, hầu như hoàn hảo về phương diện kỉ hà, theo phong cách Las Vegas. Hai người si mê nhau và dành từng giây phút cho nhau. Trong giường, nơi các bàn đánh bài, đi mua sắm ở các cửa hàng của các khách sạn. Linda thích dùng món cháo Nhật Bản để điểm tâm và thích nghe Fummiro chơi đàn. Fummiro thích vẻ mặt hồn nhiên thanh tân với mái tóc vàng của Linda, cặp đùi trắng như sữa và khá đầy đặn của nàng, đôi chân dài và bộ ngực đầy đặn, mềm mại của nàng. Nhưng trên hết, chàng yêu nét hài hước ý nhị, nét vui tươi nhí nhảnh nơi nàng. Chàng thổ lộ với Cully rằng Linda có thể làm một nàng geisha tuyệt vời. Daisy bảo với Cully rằng đó là lời khen tặng cao nhất đối với người phụ nữ mà một người như Fummiro có thể thốt ra. Fummiro cũng cho rằng Linda đem lại vận may khi anh ta đánh bạc. Hết thời hạn lưu trú, anh ta chỉ tốn có hai trăm ngàn đô-la trong số một triệu đô-la anh đem theo và ký gởi ở phòng thủ quỹ. Và hai trăm ngàn đó là kể cả tiền mua chiếc áo khoác lông chồn, một chiếc nhẫn kim cương, một con ngựa palomino và chiếc xe Mercedes để tặng cho cô em gái ngây thơ Linda Parsons. Anh ta đã ra đi khỏi chốn ăn chơi xa xỉ này với giá hời. Không có Linda có lẽ anh ta đã để lại ít nhất nửa triệu đô-la hay có khi nguyên cả triệu đô-la ở các bàn baccarat.

Lúc đầu Cully đã nghĩ về Linda như một cô gái gọi cao cấp. Nhưng sau khi Fummiro rời Vegas, anh đã đi dùng bữa tối với nàng, trước khi nàng lên chuyến bay đêm về lại Los Angeles. Nàng thực sự mê Fummiro:

– Quả thật là một anh chàng dễ thương! – nàng nói. – Em thích món cháo điểm tâm kiểu Nhật Bản đó và ngón đàn piano của anh ấy. Về chuyện làm tình chàng cũng hết sẩy. Không có gì ngạc nhiên là phụ nữ Nhật tận tuỵ thủy chung với chồng.

Cully cười:

– Anh không nghĩ là chàng ta lại đối xử với vợ nhà như với em đâu.

Linda thở la:

– Vâng, thì em biết. Tuy thế, vẫn thật tuyệt. Anh biết không, anh ấy chụp hàng trăm “pô” hình của em. Có lẽ anh nghĩ em phải phát mệt vì chuyện ấy, nhưng thật sự em thích anh ta làm chuyện đó. Em cũng chụp hình của anh ấy. Anh ta đẹp trai ghê.

– Và còn rất giàu nữa chứ, – Cully nói.

Linda nhún vai:

– Em đã từng sống với những chàng giàu có. Và em cũng làm ra khá bộn tiền. Nhưng anh ấy có nét giống trẻ thơ Tuy nhiên, em không thích cách anh ấy chơi cờ bạc. Lạy Chúa! Em có thể sống được cả mười năm bằng số tiền anh ấy thua chỉ trong một ngày.

Cully nghĩ, thế à? Và ngay lập tức vạch ra kế hoạch để Fummiro và Linda đưng bao giờ tái ngộ. Nhưng anh vẫn nói với một nụ cười bối rối:

– Ờ anh cũng không thích thấy anh ấy thua nặng như thế. Có thể làm cho anh ta hết hứng thú đánh bạc.

Linda cười với anh:

– Chắc vậy, em cá với anh như thế đấy. – Cô nói. – Nhưng cho em cám ơn về tất cả mọi chuyện. Em thực sự vừa trải qua một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong đời. Có lẽ em sẽ còn gặp lại anh.

Anh biết cô muốn ám chỉ điều gì nhưng lờ đi, chỉ nói giọng lửng lơ:

– Bất cứ lúc nào em muốn đến Vegas hãy gọi anh. Mọi thứ nơi đây đều sẵn sàng dành cho em, trừ những con phỉnh thôi.

Linda nói hơi trầm ngâm:

– Anh có nghĩ là Fummiro sẽ gọi em khi anh ấy đến đây lần tới? Em cũng từng nói em sẽ bay qua Nhật trong kỳ nghỉ của em khi bọn em quay xong phim này, và anh ấy nói sẽ rất vui mừng, khi nào em đến thì cho anh ấy biết. Nhưng em thấy hình như không mặn mà lắm.

Cully lắc đầu:

– Đàn ông Nhật không thích loại đàn bà quá chủ động hiếu chiến. Họ còn nặng đầu óc phong kiến, đi sau thời đại cả ngàn năm. Đặc biệt là những kẻ giàu sang danh vọng như Fummiro. Tốt nhất là em nên để thân mình ra sau và chơi trò làm mặt lạnh.

Nàng thở ra:

– Em cũng đoán là nên như thế!

Anh đưa nàng đến phi trường và hôn lên má nàng trước khi nàng bước lên máy bay.

– Anh sẽ gọi cho em khi nào Fummiro quay lại, – anh nói.

Khi quay lại khách sạn Xanadu, anh đi lên phòng khách của Gronevelt và nói vẻ bối rối:

– Hình như quá tốt với một tay chơi cờ bạc không hẳn đã là hay.

Gronevelt nói:

– Đừng vội thất vọng. Chúng tôi chưa muốn lấy cả triệu đô-la của anh ta sớm thế. Nhưng cháu nói đúng đấy. Nàng diễn viên đó không phải là người phụ nữ thích hợp để đi cặp với một tay chơi cờ bạc. Một là nàng ta chưa đủ độ tham lam. Hai là, nàng ta quá thẳng ruột ngựa. Và tệ hơn cả, nàng ta lại thông minh.

– Sao bác biết được? – Cully hỏi.

Gronevelt cười:

– Mà ta nói đúng không?

– Chắc quá rồi, – Cully nói. – Cháu sẽ tách rời Fummiro khỏi cô ả ấm ớ, nửa vời đó, khi ông ta trở lại nơi đây

– Anh không phải nhọc công đâu, Gronevelt nói. – Một con người như anh ta có thừa bản lĩnh. Anh ta không cần những gì cô ấy có thể cho anh ta. Không cần quá một lần. Một lần thì vui. Một lần là đã đủ. Nhưng nhiều lần quá hoá nhàm. Ta đoán anh ta đã muốn ba chấm sang hàng với nàng Linda rồi. Chứ nếu như anh ta còn thòm thèm, anh ta đã lưu tình hậu hĩ hơn nhiều khi tạm biệt nàng.

Cully hơi sửng sốt:

– Một chiếc Mercedes mới, một áo choàng lông chồn và một nhẫn kim cương. Vậy mà côn chưa gọi là lưu hậu tình cho nàng sao?

– Đếch phải, – Gronevelt đáp gọn.

Và ông ta đã có lý.

Lần sau đó, Fummiro đến Vegas, ông ta chẳng hề một lời nào nhắc đến Linda Parsons. Và lần đó, ông ta thua nhẵn một triệu đô-la tiền mặt gửi ở phòng thủ quỹ casino.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN