Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết - Chương 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
145


Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết


Chương 22


Cully Gross đã “bạch hoá” mọi chuyện cho tôi, nhưng Frank Alcore tội nghiệp bị truy tố, phải ra toà và thụ án. Một năm tù. Một tuần sau, thiếu tá gọi tôi vào văn phòng ông ta. Ông không có vẻ gì tức giận hay bực bội tôi cả, thực tế, ông ta còn cười vui vẻ nữa.

– Tôi không biết cậu đã xoay xở như thế nào, Merlyn à, – Ông bảo tôi. – Nhưng cậu đã phá lưới. Xin chúc mừng cậu. Tôi chẳng phiền gì cả; toàn bộ vụ này chỉ là một chuyện đùa. Tôi mừng cho cậu được thoát nạn, nhưng tôi đã nhận được lệnh phải xử lý vụ này cho êm và bảo đảm sẽ không có chuyện đó xảy ra nữa. Giờ đây tôi nói với cậu trong tư cách một người bạn. Tôi không gây áp lực Nhưng theo tôi, cậu nên xin từ nhiệm đối với mọi công vụ. Càng sớm càng tốt.

Tôi bị sốc và hơi buồn. Tôi nghĩ, làm ở đây dầu sao tôi cũng có một việc làm và được hưởng tiêu chuẩn nhà ở miễn phí. Nếu nghỉ làm tôi lấy gì thanh toán bao nhiêu khoản sinh hoạt phí và lo tiền học cho các con? Lấy gì nuôi nổi vợ con? Lấy đâu tiền để trả góp cho căn nhà mới ở Long Island mà tôi sẽ dọn tới trong vài tháng nữa?

Tôi cố giữ bộ mặt lạnh của tay chơi xì phé khi tôi nói:

– Khoáng đại hội thẩm đã cho tôi trắng án. Vậy tại sao tôi phải bỏ việc?

Tay thiếu tá chắc là đã đọc được ý nghĩa của tôi. Tôi nhớ lại Jordan và Cully ở Las Vegas đã từng chế nhạo tôi về chuyện bằng cách nào mà bất kì ai cũng nói được tôi nghĩ gì. Bởi vì viên thiếu tá có cái nhìn thương hại khi ông ta nói:

– Tôi nói điều này thực sự là muốn điều tốt cho cậu. Các sĩ quan cao cấp sẽ cho người đến đây dò la. Bọn FBI cũng sẽ còn rình mò. Những anh chàng quân dự bị sẽ còn cố gắng lôi kéo, móc ngoặc với anh. Họ sẽ còn khuấy động lên. Nhưng nếu anh nghỉ việc, mọi chuyện sẽ qua nhanh. Những tay điều tra sẽ nguội dần và bỏ đi vì không còn tiêu điểm nào để nhắm nữa.

Tôi muốn hỏi về tất cả những viên chức dân sự khác đã từng ăn hối lộ thì sao nhưng tay thiếu tá đã đón đầu tôi:

– Tôi biết ít nhất là mười viên chức dân sự khác giống như cậu, những người quản trị hành chánh đơn vị, sắp sửa từ nhiệm. Vài người nữa đã nộp đơn xin nghỉ việc. Tin đi, tôi đứng về phía cậu. Và cậu sẽ không sao đâu. Cậu làm việc này phí thì giờ và tài năng của cậu đi. Lẽ ra ở tuổi này cậu đã làm được điều gì tốt hơn cho bản thân, cho sự nghiệp của đời mình

Tôi gật đầu. Tôi cũng đã nghĩ nhiều về điều đó.

Rằng cho đến nay tôi vẫn chưa làm điều gì đáng kể với cuộc đời mình. Tôi mới có một quyển tiểu thuyết được xuất bản. Mỗi tuần tôi chỉ làm một trăm đô-la từ đồng lương công chức để đem về nhà. Đúng là tôi có kiếm thêm được từ ba đến bốn trăm đô-la hàng tháng nhờ viết bài cộng tác cho các báo, nhưng với cái mỏ vàng phi pháp bị đóng cửa, tôi phải tính nước cờ mới.

– OK, – tôi nói. – Tôi sẽ viết thư thông báo trước hai tuần.

Viên thiếu tá gật đầu và lắc đầu:

– Anh sẽ nhận được khoản trợ cấp thôi việc. Hãy dùng số đó sống tạm và kiếm việc làm mới. Trong khi chờ nghỉ hẳn, hàng tuần hãy đến đây vài lần để giữ cho công việc giấy tờ chạy đều.

Tôi quay về bàn giấy của mình và viết đơn xin nghỉ việc Mọi chuyện cũng không đến nỗi tồi tệ cho lắm. Tôi nhận được bốn trăm đô-la trợ cấp thôi việc. Tôi còn có được chừng một ngàn rưỡi đô-la trong quỹ hưu. Tôi có thể rút hết số đó ra ngay bây giờ nhưng như thế là tôi mất quyền lợi về hưu đúng khi đến tuổi sáu mươi lăm. Nhưng đó là chuyện của hơn ba mươi năm sau. Không chừng đến lúc đó thì tôi đã chết từ lâu. Hơi đâu quá lo xa. Vậy hãy rút số tiền đó ra bỏ vào túi cho chắc ăn. Tổng cộng được hai ngàn đô.

Và rồi tôi còn số tiền ăn hối lộ nhờ Cully cất giấu ở Vegas. Hơn ba mươi ngàn đô-la ở đó. Trong một thoáng, tôi bị cơn kinh hoàng tràn ngập. Giả sử như Cully phản lại tôi và quăng cho tôi cục lơ Pháp (ngoảnh mặt làm ngơ), thì tôi có làm đếch gì được anh ta. Chẳng lẽ lại mượn tay giang hồ xã hội đen. Còn bao nhiêu hậu quả cho bản thân mình và cho gia đình nữa. Vả chăng chúng tôi đã là bạn chí cốt của nhau, anh đã gỡ tôi ra khỏi bao nhiêu chuyện rắc rối. Nhưng tôi không ảo tưởng về Cully. Một tay điếm cờ bạc ở Vegas. Điều gì xảy ra nếu như anh ta nói rằng số tiền đó có về tay anh ta cũng là tương xứng với ân huệ anh đã làm cho tôi? Điều đó, tôi không thể tranh cãi. Bởi thực sự phải thừa nhận rằng, nếu không có anh hết lòng can thiệp, chắc là tôi đã phải ngồi tù và đó sẽ là một tai hoạ ghê gớm cho cả gia đình tôi. Vậy nên, giả dụ như Cully viện ra cái lý đó, chắc là tôi cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt thôi!

Nhưng điều tôi sợ nhất là phải nói cho Vallie tôi đã mất việc. Và phải giải thích cho bố vợ tôi nữa. Ông cụ sẽ cật vấn loanh quanh và rồi đằng nào cũng sẽ biết sự thật. Rõ khổ!

Đêm đó tôi chưa thổ lộ cho Vallie. Ngày hôm sau tôi xin nghỉ phép và đi thăm Eddie Lancer ở toà soạn tạp chí của anh. Tôi nói với anh mọi chuyện và anh ta ngồi đó, gật gù, lắc đầu và cười hề hề. Khi tôi dứt câu chuyện, anh nói, hầu như thấy tôi là một nhân vật quá đỗi dị kỳ:

– Cậu biết đấy, mình vẫn luôn ngạc nhiên từ bản chất. Một nghệ sĩ chính hiệu mà lị! Luôn nhìn đời với đôi mắt rất đỗi trẻ thơ. Nên mình cứ nghĩ cậu là anh chàng thẳng tính nhất trên thế gian này, đứng liền ngay sau ông anh Artie của cậu mà thôi. Ai ngờ, cậu chỉ ngây thơ cụ!

Tôi nói với Eddie Lancer về chuyện ăn hối lộ suýt trở thành tội phạm phải đi tù, lạ thay, lại đã làm cho tôi cảm thấy thoải mái hơn về tâm lý. Rằng trong một cách nào đó, tôi đã rũ bỏ rất nhiều cay đắng từng cảm thấy việc khước từ của công chúng đối với quyển tiểu thuyết của tôi, sự tẻ nhạt thiếu hứng thú trong cuộc sống của tôi, sự thất bại cơ bản của cuộc đời đó và thực sự tôi vẫn luôn bất hạnh như thế nào.

Lancer nhìn vào tôi với nụ cười nhẹ trên khuôn mặt:

– Thế mà tôi vẫn ngỡ rằng cậu là anh chàng ít bị khủng hoảng nhất mà tôi từng gặp đấy chứ, – anh nói. – Cậu có cuộc hôn nhân hạnh phúc, con cái đàng hoàng, cuộc sống bình yên, thu nhập ổn định. Cậu lại đang viết cuốn tiểu thuyết thứ nhì. Cậu còn muốn gì hơn nữa?

– Em cần một chỗ làm. – tôi nói với anh Eddie Lancer nghĩ về điều đó một hồi. Lạ thật, tôi chẳng hề thấy lúng túng khi cầu cứu anh.

– Giữa chúng ta, tôi tiết lộ cho cậu điều này nhé: tôi sẽ rời vị trí này trong vòng sáu tháng nữa, – anh nói. – Họ sẽ điều động một tổng biên tập khác vào chỗ của tôi Tôi sẽ tiến cử người kế nhiệm đó và anh ta sẽ nợ tôi một ân huệ. Tôi sẽ yêu cầu anh ta dành cho cậu đủ “không gian cộng tác” để sống được

– Thế thì tuyệt quá, – tôi nói.

Eddie nói vồn vã:

– Tôi có thể dồn nhiều việc cho cậu cho đến lúc đó. Những chuyện phiêu lưa vài chuyện tình chồng tréo lăng quăng, và những bài điểm sách tôi vẫn thường phụ trách. OK?

– Tốt quá, – tôi nói. – Khí nào anh sẽ hoàn tất quyển sách của anh?

– Trong vài tháng nữa. – Lancer nói. – Còn cậu?

Tôi vẫn ghét câu hỏi ấy. Sự thật là tôi chỉ mới có đề cương của một quyển tiểu thuyết muốn viết về một trường hợp tội phạm nổi tiếng ở Arizona. Nhưng tôi chưa viết được dòng nào. Đã trình đề cương cho nhà xuất bản, nhưng họ không chịu ứng tiền trước. Họ nói rằng đó là loại tiểu thuyết không đem lại tiền bạc bởi vì nói đến việc bắt cóc một đứa trẻ và sau đó nó bị giết. Sẽ không có ai cảm tình với kẻ bắt cóc, nhân vật chính trong quyển Tôi đang nhắm đến một quyển “Tội ác và trừng phạt” mới và điều đó lại làm nhà xuất bản đợi.

– Tôi đang viết quyển đó, – tôi trả lời Lancer. – Con đường phải đi còn dài

Lancer cười đồng cảm:

– Cậu là một nhà văn có tài, – anh nói – Một ngày nào đó cậu sẽ viết được tác phẩm sáng giá. Đừng lo.

Chúng tôi còn nói chuyện một lúc nữa về chuyện viết lách, sách vở. Cả hai chúng tôi nhất trí với nhận định chúng tôi là những tiểu thuyết gia thực sự tài năng hơn phần lớn những cây bút danh tiếng đang làm nên sự nghiệp trên những danh sách best-seller. Khi rời anh, tôi mang tâm trạng tự tin. Tôi vẫn rời Lancer trong tâm trạng đó. Vì một vài lý do, anh là một trong số ít người mà tôi thấy thoải mái khi gần gũi, và bởi vì tôi biết anh ấy tài năng và có con mắt tinh đời, nên ý kiến của anh về tài năng tôi giúp tôi lên tinh thần. Và thế là mọi chuyện đã chuyển qua hướng tốt đẹp.

Bây giờ tôi là một nhà văn toàn thời gian. Tôi sẽ sống một cuộc đời lương thiện, đã thoát vòng lao lý và trong vài tháng nữa, sẽ dời về căn nhà riêng của tôi. Lần đầu tiên trong đời. Có lẽ một chút tội lỗi cũng là một yếu tố vi lượng cần thiết để ta làm người và đồng cảm với con người.

***

Hai tháng sau, tôi cùng bầu đoàn thể tử dời về căn nhà mới ở Long Island. Bọn trẻ đều có phòng ngủ riêng. Chúng tôi có đến ba phòng tắm và một phòng giặt, phơi quần áo. Thật là thoải mái, không còn phải đợi nhau trong các sinh hoạt riêng tư. Tôi được hưởng sự xa xỉ đáng ao ước nhất, đó là sự riêng tư. Cái “sào huyệt” riêng của tôi để ngồi viết, mảnh vườn nhỏ và những hoa cỏ của riêng tôi. Tôi được cách ly với người khác. Thật là tuyệt vời.

Dù nhiều người vẫn coi điều ấy như là chuyện đương nhiên. Quan trọng hơn hết, tôi cảm thấy rằng giờ đây gia đình tôi được an toàn. Chúng tôi đã rời bỏ những người nghèo khó và tuyệt vọng lại đàng sau. Những kẻ đó sẽ chẳng bao giờ bắt kịp; những bi kịch của họ sẽ chẳng tác động gì đến chúng tôi. Con cái của chúng tôi sẽ không phải chịu cảnh mồ côi lạc loài.

Một ngày nọ, ngồi nơi cửa sổ căn nhà ngoại ô của mình, tôi nhận thấy mình thật sự hạnh phúc, có lẽ hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào trong đời. Và điều đó làm tôi hơi bực bội! Nếu tôi là một nghệ sĩ bẩm sinh, tại sao tôi lại phởn phơ đến thế với những thú vui quá xoàng, quá là chuyện thường ngày ở huyện như thế! Một cô vợ anh yêu, những đứa con anh thích, và một căn nhà làng nhàng ở ngoại ô. Chỉ thế thôi, mà anh đã vội tỏ ra hài lòng lắm lắm!

Vậy thì con lâu anh mới đạt đến tầm cỡ của Rimbau, của Gauguin hay của Van Gogh. Có lẽ đó là lý do tại sao lâu nay tôi không viết được gì ra hồn. Bởi vì tôi quá hạnh phúc. Và tôi cảm nhận một chút oán hận đối với Vallie. Trời đất! Nàng đã khiến tôi mắc bẫy khi cho tôi quá nhiều hạnh phúc?

Ấy thế nhưng mà điều này cũng chẳng ngăn cản tôi cảm thấy hài lòng. Mọi chuyện đang diễn ra quá tốt. Và niềm vui bạn cảm thấy với con cái là chuyện rất bình thường của nhân tình. Và cũng không tất yếu là mâu thuẫn với tính cách của một nghệ sĩ thiên tài.

Đâu có phải thiên tài thì mọi hành động hay cảm nghĩ phải ngược lại với người bình thường? Tôi vẫn thấy việc chia sẻ một phần đời sống của con trẻ giúp cho cảm tính của mình phong phú hơn. Trẻ con dạy cho ta cách nhìn đời bằng đôi mắt luôn ngạc nhiên. Đó chẳng là một trong những động lực khởi nguồn cảm hứng sáng tạo nơi người nghệ sĩ hay sao?

Và Vallie cũng đôi khi làm tôi ngạc nhiên. Càng ngày càng trở nên ngoan đạo hơn và bảo thủ hơn. Nàng chẳng còn là cô thanh nữ lãng tử ở Greenwich Village thuở nào với mơ ước trở thành một nhà văn. Đã trở thành một người mẹ hiền vợ đảm toàn hảo, một nội tướng lý tưởng cho một nhà văn cần tập trung mọi năng lực tinh thần cho sđng tác.

Tôi quá hạnh phúc với Vallie. Lúc đó tôi không hình dung rằng hạnh phúc tôi đang được hưởng thật sự quý hiếm đến như thế nào trong đời. Nàng chẳng hề nề hà làm mọi công việc mà một người đàn ông thường làm trong nhà và tôi lại không đủ kiên nhẫn để làm. Hiện nay, nhà chúng tôi chỉ cách nhà bố mẹ nàng ba mươi phút lái xe và thường thường vào các buổi chiều tối hay những ngày cuối tuần nàng lái xe đưa bọn trẻ về nhà ngoại chơi mà nàng không hỏi tôi có muốn đi hay không. Nàng biết rằng tôi ghét loại thăm viếng đó, cần dành thời gian để làm việc cho quyển sách hơn.

Nhưng vì lý do nào đó nàng thường gặp ác mộng, có lẽ vì bị ám ảnh bởi những lời dạy trong sách bổn về thiên đàng và địa ngục. Trong đêm, có khi tôi phải đánh thức nàng dậy vì nghe nàng kêu khóc trong lúc vẫn ngủ say. Có đêm nàng sợ hãi khủng khiếp và tôi đã ôm chặt nàng trong vòng tay và hỏi nàng đã nằm mơ thấy gì vậy và nàng thì thầm vào tai tôi: “Đừng bao giờ nói với em rằng em sắp chết”. Chuyện đó làm tôi sợ điếng hồn. Tôi có những ảo tưởng về việc nàng đi đến bác sĩ và nhận những tin xấu.

Nhưng sáng hôm sau, khi tôi hỏi nàng về chuyện đó, nàng chẳng nhớ gì cả. Và khi tôi hỏi nàng có cần đi khám bác sĩ không nàng cười tôi. Nàng nói: “Chắc có lẽ tại em nhập tâm những điều trong sách bổn nhiều quá. Em đoán là em lo sợ chuyện bị đày địa ngục”.

Trong hai năm tôi viết những bài báo cộng tác với các tạp chí, thấy lũ con mình lớn lên, sống đời sống vợ chồng hạnh phúc đến độ hầu như nhàm chán. Vallie thường đi về thăm bố mẹ nàng nhiều hơn, còn tôi dành hầu hết thời gian trong cái hang động viết lách của tôi, vì thế hai vợ chồng thật sự ít gặp mặt nhau. Mỗi tháng ít ra tôi phải viết ba bài cho các tạp chí, trong khi vẫn miệt mài làm việc cho quyển tiểu thuyết mà tôi vẫn hi vọng sẽ đem lại cho tôi cả tiếng lẫn miếng.

Cuốn tiểu thuyết về bắt cóc và giết người là trò chơi lớn của tôi, các tạp chí là chỗ tôi kiếm miếng bánh mì và tí bơ. Tôi hình dung còn phải lao vào cuộc trường chinh trong ba năm nữa mới kết thúc quyển sách, nhưng cũng không sao. Tôi đọc lại chồng bản thảo càng ngày càng đây lên bất cứ khi nào tôi ở một mình. Và thật là một cảnh tượng đáng yêu biết bao khi nhìn đàn con lớn lên và Vallie hạnh phúc, hài lòng hơn và bớt đi ám ảnh về cái chết. Nhưng không có gì tồn tại mãi mãi. Và sở dĩ không có gì tồn tại mãi bởi vì bạn không muốn nó tồn tại mãi, tôi nghĩ thế. Nếu mọi chuyện đều hoàn hảo, người ta lại đi tìm rắc rối, xáo trộn. Có lẽ đó là sự biến dịch của Đạo lớn vậy, như các hiền nhân phương Đông đã dạy từ xa xưa. Cho nên bậc trí giả thấy được cái Chuyển trong cái Hằng, cái Động trong cái Tịnh, cái Mới trong cái Cũ, cái Chết trong cái Sống và cái Sống trong cái Chết là vậy. Lão Tử dạy “Phải phục chi vị Đạo” có lẽ là muốn nói lên cái ý đó.

Trở lại chuyện của tôi, hàng ngày dành mười giờ yên lành trong căn nhà ngoại ô, hàng ngày dành mười giờ để viết lách, mỗi tháng chỉ xem xinê một lần đọc bất cứ thứ gì thấy được tôi hăm hở chào đón cuộc gọi của Eddie Lancer mời tôi đi dùng buổi tối với anh trong thành phố. Kể từ hai năm qua, đây là lần đầu tiên tôi mới lại nhìn thấy New York ban đêm. Tôi đã đi qua thành phố ban ngày để bàn về các bài viết của tôi với những người biên tập như sau đó tôi luôn luôn giữ đúng nếp sống “cơm nhà bánh vợ” chứ chưa bao giờ thừ “cơm chợ, bánh lầu xanh”. Vallie đã trở nên một tay đầu bếp thiện nghệ, và tôi không muốn lỡ cuộc hẹn buổi tối vợ chồng đầm ấm và buổi làm việc ban đêm trong hang động cô tịch của tôi.

Nhưng Eddie Lancer vừa mới quay về từ Hollywood và anh ta hứa với tôi vài câu chuyện hay với vài món ăn ngon. Và như thường lệ, anh hỏi tôi quyển tiểu thuyết đến đâu rồi. Anh luôn đối xử với tôi như thể anh biết tôi sắp là một nhà văn lớn và tôi rất lấy làm khoái chí về điều đó. Đừng cười tớ nhé. Bạn có khoái không khi bạn gặp được kẻ tri âm có “con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Thế thì bạn còn chờ gì nữa mà không “nghe lời vừa ý gật đầu” và hả hê mà “cười rằng tri kỷ trước sau mấy người!” Anh là một trong số ít người mà tôi biết, có lòng tử tế trung thực, tự nhiên, không bị tác động bởi tự lư tự lợi. Và anh có thể rất tếu, vui nhộn theo một cách khiến tôi phải ganh tị. Anh nhắc cho tôi nhớ lại Vallie khi nàng còn viết truyện ở Trường viết văn Greenwich Village. Nàng thể hiện một cái gì đấy trong những truyện nàng viết, đôi khi cả trong đời sống hằng ngày. Ngay cả bây giờ điều ấy cũng thỉnh thoảng lóe lên. Và tôi nói Eddie rằng tôi phải đến các toà soạn tạp chí để bàn về bài vở và sau đó chúng tôi có thể cùng đi ăn tối.

Anh đưa tôi đến một nhà hàng gọi là Pearl mà tôi từng nghe nói đến. Tôi ngớ ngẩn đến độ không biết rằng đó là nhà hàng ăn Trung Hoa nổi tiếng của New York.

Đó là lần đầu tiên tôi ăn món Tàu và khi nói với Eddie điều đó, anh ngạc nhiên quá. Anh vừa giới thiệu cho tôi các món ăn Trung Quốc trong lúc vừa chỉ ra các nhân vật danh tiếng đến đây và còn mở cái bánh quy mỏng, được gấp lại, bên trong có in lời tiên đoán và đọc cho tôi nghe. Anh còn ngăn tôi đừng ăn cái bánh fortune-cookie đó.

– Không không, cậu đừng bao giờ ăn chiếc bánh đó. Chuyện ấy quá là đơn giản. Nếu có điều gì đáng giá mà cậu học được tối nay, là đừng bao giờ ăn cái “bánh quy số mệnh” của cậu trong một nhà hàng Tàu.

Chuyện đó quá bình thường và chỉ là một lời đùa tếu giữa hai người bạn trong cái tâm cảnh tương giao giữa họ với nhau. Nhưng mấy tháng sau, đọc một truyện ngắn của anh đăng trong Esquire anh có sử dụng những tình tiết đời thực. Một truyện ngắn cảm động, đầy chất trào lộng mà anh tự cười mình và đùa giễu tôi. Tôi hiểu anh hơn sau khi đọc truyện đó, hiểu cái nét hóm hỉnh đằm thắm nơi anh đã nguỵ trang cho nỗi cô đơn từ cảm thức xa lạ, cách ly với thế giới và con người chung quanh. Và tôi bắt gặp một lời mách nước cho những gì anh thực sự nghĩ về tôi. Anh vẽ một bức tranh về tôi như là một con người nắm vững cuộc đời mình và biết mình đang đi về đâu Một kiểu hài hước khiến tôi cười muốn vỡ bụng.

Nhưng anh lầm về chuyện bánh quy số mệnh là bài học giá trị duy nhất mà tôi rút ra từ buổi tối hôm đó. Bởi vì sau bữa ăn tối, anh còn rủ rê tôi đi dự một buổi party văn nghệ ở New York, tại đó tôi được hân hạnh tái kiến Osano vĩ đại.

Chúng tôi đang dùng tráng miệng và cà phê. Eddie bảo tôi kêu món chocolate. Anh nói đó là món tráng miệng duy nhất thích hợp với đồ ăn Tàu. Anh bảo:

– Nhớ nhé, đừng bao giờ ăn cái bánh quy số mệnh của cậu và luôn luôn kêu món kem chocolate để tráng miệng.

Rồi với thái độ cởi mở hồn nhiên, anh yêu cầu tôi đi đến party với anh. Tôi hơi thấy miễn cưỡng. Tôi còn phải lái xe mất một tiếng rưỡi để về nhà ở Long Island và muốn về nhà để còn có thể làm việc một, hai giờ trước khi đi ngủ.

– Đi nào, cậu, – Eddie giục tôi. – Đừng có lúc nào cũng làm một ẩn sĩ yêu vợ thái quá đến bị vợ xỏ mũi như thế. Thỉnh thoảng cũng nên đi chơi hoang một đêm, dùng phở thay cơm một bữa chứ. Sẽ có rượu ngon để cho cậu cảm hứng đấu hót với bạn hiền cho thoả sức đàm thiên, thuyết địa, luận nhân, tha hồ ba hoa xích đế đến sùi bọt mép? Và cũng không thiếu một số em rồng lộn cũng mướt mắt dễ coi lắm. Và cậu có thể tạo được những quan hệ sáng giá. Một tay phê bình sách khó lòng đập cậu thẳng tay lắm nếu như anh ta đã quen biết cậu. Và bản thảo của cậu cũng có thể được đọc với tâm hồn rộng mở hơn của nhà xuất bản nếu anh ta đã tìm gặp cậu ở một party và nghĩ rằng cậu cũng dễ thương.

Eddie biết chưa có nhà xuất bản nào chịu ứng trước cho quyển sách mới của tôi. Và anh muốn tạo cơ hội cho tôi. Thế là tôi đi dự party với anh và gặp Osano. Ông này không tỏ vẻ gì nhớ đến cuộc phỏng vấn trước đây và tôi cũng làm ngơ luôn vụ đó. Nhưng một tuần sau, tôi nhận được bức thư của Osano hỏi có muốn đến gặp ông và dùng cơm trưa để bàn về một công việc mà ông muốn đề nghị với tôi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN