Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
Chương 50
Charlie đã đưa Osano vào Bệnh viện Saint-Vincent, vì thế chúng tôi nhất trí gặp nhau tại đó. Khi tôi đến nơi, Osano đang nằm trong phòng riêng và Charlie ở bên ông, ngồi trên giường để ông đặt một bàn tay trong lòng nàng. Charlie để tay nàng trên bụng Osano. Thấy tôi. Ông ngồi dậy trên giường, trông dáng vui vẻ hình như bớt mập đi và không có vẻ gì của một kẻ sắp nghỉ chơi với cuộc đời cả.
Tôi nhìn qua căn phòng bệnh viện. Không có vẻ gì của một căn phòng thuộc khu chăm sóc đặc biệt cả. Không có ống truyền dịch, không có điều dưỡng trực. Tôi thấy nhẹ nhõm và nghĩ chắc là Charlie đã lầm và xét cho kỹ, chắc là Osano không sắp chết đâu.
Osano lạnh lùng nói:
– Chào Merlyn. Chắc cậu đúng là pháp sư thật đấy. Bằng cách nào cậu khám phá ra tôi ở đây vậy? Điều này được giữ bí mật mà.
Tôi chẳng muốn vòng vo tam quốc hay nói nhăng nói cuội làm gì, thế nên nói toạc ra:
– Charlie Brown cho tôi biết. – Có lẽ nàng không được phép cho tôi hay, nhưng tôi không thích nói dối.
Charlie chỉ cười khi thấy Osano chau mày.
Osano nói với nàng:
– Anh đã bảo em chỉ mình anh và em thôi mà. Không để ai khác biết cả.
Charlie lơ đãng trả lời:
– Em biết anh muốn Merlyn mà.
Osano thở ra:
– Thôi được, – Ông nói. – Em đã ở đây cả ngày Charlie à. Em có thể ra ngoài xem phim hoặc nghỉ ngơi, hoặc dùng kem chocolate hay các món ăn Trung Hoa. Dù sao, đêm nay em cứ ở ngoài đi. Sáng mai gặp lại em.
– Đồng ý, – Charlie đáp. Nàng ra khỏi giường.
Nàng đứng rất gần Osano và ông ta với một động tác không hẳn là dâm đãng, nhưng làm như ông đang tự nhắc nhở xem cảm giác ấy thế nào, đưa bàn tay vào dưới áo dài của nàng và vuốt ve những chỗ kín của nàng và rồi nàng nghiêng đầu qua giường để hôn ông.
Trong khi bàn tay ông vuốt ve da thịt ấm áp đó, vẻ bình an và bằng lòng hiện lên trên khuôn mặt của Osano như được củng cố bởi niềm tin thiêng liêng.
Khi Charlie rời phòng, Osano thở dài và nói:
– Merlyn này, hãy tin tôi đi. Tôi đã viết rất nhiều điều nhảm nhí trong các quyển sách của tôi, trong các bài báo và các giảng văn. Tôi sẽ nói cho cậu nghe sự thật duy nhất đúng dắn. Âm đạo là nơi mọi sự bắt đầu và cũng là nơi mọi sự kết thúc. Âm đạo là cái duy nhất đáng để ta sống vì nó. Mọi chuyện khác chỉ là giả tạo, lừa bịp, dởm dé và hư ảo của hư ảo mà thôi.
Tôi ngồi xuống sát giường ông:
– Thế còn danh vọng thì sao? Ông cũng thích danh vọng và tiền bạc mà?
– Cậu còn quên nghệ thuật nữa, – Osano nói.
– OK, – tôi nói. – Hãy đưa nghệ thuật vào nữa.
– Thế còn danh vọng, tiền bạc và nghệ thuật thì sao?
– Cũng tốt thôi. Tôi không từ chối chúng. Chúng cũng được việc nhưng không thực sự cần thiết. Chỉ là lớp kem trứng trên chiếc bánh ngọt thôi.
Tôi liền hồi tưởng lại cuộc hội ngộ đầu tiên với Osano và nghĩ mình biết sự thật về ông ta khi chính ông ta không biết. Bây giờ ông đang nói điều ấy và tôi tự hỏi có đúng thế không, vì Osano đã từng yêu thích tất cả. Và điều ông thực sự muốn nói là nghệ thuật, tiền bảc với danh vọng, quyền lực không phải là những thứ ông tiếc nuối khi phải từ bỏ.
– Trông ông khoẻ hơn hồi tôi gặp ông mới vừa rồi mà, – Tôi nói với Osano. – Tại sao ông lại nhập viện? Charlie Brown nói là lần này thực sự nghiêm trọng. Nhưng trông ông có sao đâu?
– Không đùa đấy chứ? – Osano nói, vẻ hài lòng. Thế thì hay quá. Nhưng cậu biết là tôi được tin xấu khi họ làm các cuộc xét nghiệm. Tôi nói ngắn gọn cho cậu nghe nhé. Tôi đã làm rối tung mọi chuyện khi uống các liều penicillin viên mỗi lần tôi sắp làm tình. Thế là lúc tôi mắc bệnh giang mai thì các viên thuốc này đã che lấp bệnh trạng, nhưng liều lượng không đủ mạnh để diệt hết bệnh. Hoặc có lẽ lũ tuyến trùng xoắn ôn dịch kia đã nghĩ ra được cách để qua mặt y học. Chuyện này xảy ra khoảng mười lăm năm trước. Trong khi đó, lũ tuyến trùng xoắn ăn mòn óc não tôi, xương tuỷ tôi và cả tim tôi. Bây giờ họ bảo tôi rằng tôi còn sống được sáu tháng đến một năm nữa thôi trước khi về chầu ông bà ông vải. Tôi đã lọt vào con đường một chiều vô phương khả đảo rồi.
Tôi sửng sốt. Thực sự tôi không thể tin điều đó.
Trông Osano vui vẻ lắm. Đôi mắt xanh lục của ông ngời sáng:
– Không làm gì được cả sao? – Tôi hỏi ông.
– Vô phương. – Osano nói. – Nhưng cũng không có gì khủng khiếp lắm đâu. Tôi sẽ tĩnh dưỡng ở đây thêm vài tuần rồi tôi sẽ về thành phố và cậu sẽ gặp tôi ở đó!
Tôi không biết nói gì nữa. Tôi thật sự không biết có nên tin không. Trông ông khoẻ hơn là tôi từng thấy ông suốt một thời gian dài.
– Được rồi, – tôi nói.
– Tôi có ý này, – Osano nói. – Thỉnh thoảng cậu đến viện thăm tôi và giúp đưa tôi về nhà. Tôi không muốn trở nên lão suy, lú lẫn, nên lúc nào đến, tôi sẽ ra đi. Ngày nào tôi đi đến quyết định tối hậu đó, tôi muốn cậu đến căn hộ của tôi và bầu bạn với tôi. Cậu và Charlie Brown. Và rồi cậu có thể lo giùm mọi chuyện hậu sự cho tôi.
Osano nhìn tôi trừng trừng đầy chủ ý:
– Cậu không có bổn phận phải làm chuyện đó, – Osano nói.
Bây giờ tôi tin ông. Tôi nói:
– Nhất định tôi sẽ làm điều mà ông uỷ thác. Tôi nợ ông một ân huệ lớn. Ông sẽ có đủ những gì ông cần chứ?
– Tôi sẽ có – Cậu không phải lo chuyện ấy.
Tôi có vài lần hội ý với các bác sĩ của Osano, và họ bảo tôi rằng ông sẽ chưa xuất viện trong một thời gian lâu nữa. Có thể là không bao giờ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
Tôi không nói cho Vallie về bất kỳ chuyện gì đã xảy ra, ngay cả chuyện Osano sắp chết. Hai ngày sau tôi đi thăm Osano ở bệnh viện. Ông yêu cầu tôi lần sau đến vui lòng mang cho ông một bữa ăn Trung Quốc vậy là tôi mang mấy túi giấy màu nâu đựng đầy thức ăn khi tôi đi dọc hành lang và nghe những tiếng la hét đến từ phòng Osano. Tôi đặt mấy bao giấy xuống bên ngoài phòng riêng của một bệnh nhân khác và chạy dọc theo hành lang.
Trong phòng có một bác sĩ, hai cô điều dưỡng và một điều dưong trưởng. Tất cả đều đang la lối với Osano. Charlie đứng nhìn nơi một góc phòng, mặt tái nhợt, nước mắt ràn rụa. Osano đang ngồi trên cạnh giường, hoàn toàn trần truồng và quát mắng lại bác sĩ:
Trả lại quần áo cho ta. Ta sẽ xách ra khỏi nơi này ngay.
Và viên bác sĩ gần như hét vào mặt ông:
– Tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu ông tự ý xuất viện. Tôi sẽ không chịu trách nhiệm.
Osano cười lớn:
– Anh là thứ ngớ ngẩn, nói toàn những chuyện vớ vẩn. Anh đếch có việc gì phải chịu trách nhiệm về ta cả. Đưa quần áo cho ta ngay.
Bà điều dưỡng trưởng, một phụ nữ trông rất “ngầu” và đầy uy thế, hét lên đầy nộ khí:
– Ta đếch cần biết nhà anh danh tiếng lẫy lừng cỡ nào cũng thây kệ; nhưng ta truyền cho anh biết rằng bệnh viện của chúng ta đây đâu phải là nhà chứa đĩ!
Nhưng Osano đâu để hổ danh một tay sô-vanh giống đực vào hạng lực bạt sơn hề, khí cái thế! Nên đôi mắt ông liền xuất lộ hung quang, đấu nhãn đốp chát với nữ địch thủ ngang tàng. Ông gầm lên:
– Đ.M. hết thảy bọn người? Cút hết đi cho khuất mắt ta.
Và hoàn toàn trần truồng, ông đứng lên đi khỏi giường. Lúc ấy tôi mới thấy thật sự ông yếu đến mức nào. Ông bước đi lảo đảo thân hình nghiêng về một bên. Cô điều dưỡng động mối từ tâm vì cảnh tượng đó, lòng dịu đi ngay không còn chút giận dữ nào nữa, liền đến bên để giúp ông, nhưng Osano vùng vằng từ chối vì sĩ diện không cho phép ông chấp nhận sự ban ơn nâng đỡ của phái yếu! Cuối cùng ông thấy tôi đứng ở lối đi ngoài cửa chính ông bèn điềm tĩnh bảo:
– Merlyn, đem tôi ra khỏi đây.
Tôi hơi ngạc nhiên vì sự giận dữ có phần quá đáng của họ. Chắc chắn là trước đây họ đã từng bắt gặp những bệnh nhân làm tình trong phòng. Rồi tôi quan sát Charlie Brown. Nàng mặc chiếc váy ngắn với rõ ràng chẳng có gì bên dưới. Nàng trông giống một gái điếm trẻ con. Bên cạnh cái thân xác dềnh dàng nhưng đang mục nát của Osano. Sự “công xúc tu sỉ” trong hành động của họ ở đây không phải trên phương diện luân lý, mà trên phương diện thẩm mỹ.
Hai thân thể họ ở bên nhau tạo nên một hình ảnh tương phản gay gắt đến xốn xang, gây phẫn nộ cho người chứng kiến.
Những người khác giờ đây cũng nhận ra tôi. Và tôi nói với bác sĩ:
– Tôi mang ông ấy đi và tôi xin chịu trách nhiệm.
Bác sĩ bắt đầu phản đối, gần như tự biện minh, rồi quay sang bảo điều dưỡng trưởng:
– Đưa quần áo cho ông ta.
Bác sĩ tiêm cho Osano một mũi thuốc và nói:
– Cái đó sẽ giúp ông dịu hơn trong cuộc hành trình.
Và thật là đơn giản. Tôi trả tiền viện và đưa Osano ra ngoài, gọi một chiếc limousine và đưa ông về nhà. Charlie và tôi đặt ông lên giường; ông ngủ được một lát rồi ông gọi tôi vào phòng ngủ và kể tôi nghe chuyện gì xảy ra nơi bệnh viện. Rằng ông đã bảo Charlie cởi quần áo, nằm vào trong giường với ông bởi vì ông cảm thấy nguy kịch đến độ ông nghĩ mình sắp chết.
Osano quay đầu qua hướng khác một chút. Ông nói giọng tự tình:
– Anh biết đấy, điều kinh khủng nhất trong cuộc sống là tất cả chúng ta đều chết cô đơn trên giường. Trong bệnh viện, với mọi người thân trong gia đình chung quanh mình, nhưng không ai sẵn lòng lên nằm chung giường với người sắp chết. Nếu anh ở nhà, vợ anh cũng đâu chịu lên nằm chung giường lúc anh hấp hối.
Osano quay đầu lại phía tôi với nụ cười ngọt ngào mà thỉnh thoảng cũng nở trên môi ông.
– Vì thế đấy là giấc mộng của tôi. Tôi muốn Charlie ở trên giường với tôi khi tôi chết, ngay đúng lúc đó và như vậy tôi sẽ cảm thấy đã thắng điểm, đời mình không đến nỗi tồi tệ. Và cảnh đó sẽ mang tính tượng trưng rất cao, đúng không? Rất tương thích cho một tiểu thuyết gia và những nhà phê bình của ông ta.
– Khi nào ông có thể biết giờ lâm chung? – tôi hỏi.
– Tôi nghĩ cũng sắp đến rồi, – Osano nói. – Thật sự tôi không nghĩ là mình nên đợi thêm nữa làm chi.
Bây giờ tôi thật sự bị sốc và phát hoảng.
– Tại sao ông không đợi một ngày khác? Ngày mai ông sẽ thấy khá hơn. Ông vẫn còn khoảng thời gian khá đấy. Sáu tháng có thể giúp ông thu xếp được nhiều việc, và biết đâu trong thời gian đó, phép mầu sẽ xảy ra
Osano nói:
– Anh có băn khoăn gì không về chuyện tôi sắp làm? Những định kiến luân lý thông thường chẳng hạn?
Tôi lắc đầu:
– Chỉ hơi thắc mắc sao vội thế?
Osano nhìn tôi vẻ trầm tư.
– Không vội đâu, – ông nói. – Cú ngã khi tôi cố đi ra khỏi giường là một thông điệp rõ lắm rồi. Nghe này, tôi uỷ nhiệm anh làm người thừa hành văn học của tôi, các quyết định của anh có tính chung thẩm. Tôi không để lại đồng nào, chỉ còn tác quyền thôi và chúng sẽ được chia cho các bà vợ cũ và lũ con của tôi. Các quyển sách của tôi vẫn còn bán khá chạy vậy nên không phải lo cho họ. Tôi cố dành phần nào đó cho Charlie Brown, nhưng nàng không để tôi làm như vậy và tôi nghĩ có lẽ nàng có lý.
Tôi nói một điều mà có lẽ bình thưởng tôi không nói:
– Một cô gái điếm với quả tim vàng. Đúng là một giai thoại văn chương.
Osano nhắm mắt lại:
– Cậu nên biết là, một trong những điều tôi thích nhất về cậu Merlyn à, đó là cậu không bao giờ nói tiếng gái điếm và có lẽ tôi hay buột miệng nói ra từ đó, nhưng tôi không nghĩ.
– Được thôi, – tôi nói. – Ông có muốn gọi điện thoại cho ai hay muốn gặp mặt người nào không? Hoặc là ông có muốn uống một ly rượu?
– Không, – Osano nói. – Tôi đã ngấy hết mọi thứ đó rồi. Tôi có bảy bà vợ, chín đứa con, tôi có khoảng hai ngàn bạn bè và hàng chục triệu người ngưỡng mộ. Không có ai có thể giúp đỡ và tôi chẳng muốn thấy mặt một ai? – Ông cười toét miệng với tôi. – Và cậu hãy nhớ rằng, tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc. – Ông lắc đầu. – Những người mà ta yêu nhất đưa ta vào chỗ đó.
Tôi ngồi xuống bên cạnh giường ông và chúng tôi nói chuyện hàng mấy tiếng liền về những quyển sách khác nhau mà chúng tôi đã đọc. Ông kể tôi nghe về tất cả những người đàn bà mà ông từng làm tình, và trong mấy phút Osano cố hồi tưởng lại mười lăm năm trước, cô gái đã lây bệnh cho ông. Nhưng ông không thể lần ra dấu vết.
– Có điều là, – ông nói – Họ đều là những nhan sắc mỹ lệ. Họ đều đáng giá. A, nhưng mà điều ấy cũng có khác gì đâu? Chỉ là một sự cố ngoài ý muốn.
Osano đưa một bàn tay ra và tôi nắm lấy, xoa bóp và Osano nói:
– Anh làm ơn bảo Charlie vào đây và anh ra đứng đợi ở bên ngoài.
Trước khi tôi ra đi, ông gọi với theo:
– Merlyn, cậu nghe đây này.
Cuộc đời một nghệ sĩ không phải là cuộc đời viên mãn (An artist s life is not a fulfilling life).
Hãy khắc lời bi ký đó lên mộ chí của tôi.
Tôi chờ một hồi lâu trong phòng khách. Đôi lúc tôi nghe tiếng ồn và một lần tôi nghĩ tôi nghe tiếng khóc và rồi tôi chẳng nghe thấy gì nữa. Tôi đi vào nhà bếp và pha ít cà-phê và rót ra hai tách để trên bàn nhà bếp. Rồi vào phòng khách và chờ thêm một lát nữa. Rồi không có một tiếng la, một tiếng kêu cứu chỉ nghe giọng của Charlie, không có vẻ gì khiếp sợ, mà rất ngọt ngào và trong trẻo gọi tên tôi.
Tôi đi vào phòng ngủ. Trên chiếc bàn đêm là hộp Tiffany mạ vàng ông dùng để đựng những viên penicillin. Cái hộp được mở ra, trống rỗng. Các bóng đèn đều được bật sáng và Osano nằm ngửa, mắt nhìn trừng trừng lên trần. Ngay cả lúc chết, đôi mắt xanh của ông hình như vẫn lấp lánh. Rúc dưới cánh tay ông là cái đầu tóc vàng của Charlie đang áp sát vào ngực ông. Nàng đã kéo tấm chăn lên để che sự trần truồng của hai người.
– Cô nên mặc quần áo vào đi, – Tôi nói với nàng.
Nàng chống một khủyu tay và nghiêng người để hôn lên miệng Osano. Và rồi nàng đứng lên nhìn trừng trừng xuống ông một hồi lâu.
– Cô mặc quần áo vào và rời nơi đây đi, – Tôi nói. – Sẽ có chuyện om sòm nhặng xị lắm đấy và tôi nghĩ đó là điều Osano muốn tôi làm. Tránh cho cô mọi phiền phức.
Rồi tôi đi vào phòng khách. Tôi chờ. Tôi có thể nghe tiếng nước chảy từ vòi sen rồi mười lăm phút sau nàng bước vào phòng.
– Đừng lo lắng về bất kỳ chuyện gì, – Tôi nói.
– Tôi sẽ lo chu đáo mọi chuyện. – Nàng đến bên tôi, tựa người vào cánh tay tôi. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với thân thể nàng và tôi có thể hiểu được phần nào tại sao Osano đã yêu nàng lâu đến thế. Nàng toát ra mùi thơm tho, mát mẻ và sạch sẽ.
– Anh là người duy nhất mà ông muốn gặp mặt, – Charlie nói. – Anh và em. Anh sẽ gọi em sau tang lễ chứ?
Tôi nói vâng, tôi sẽ, và rồi nàng đi ra và để tôi ở lại một mình với Osano.
Tôi chờ đến sáng mai, và rồi tôi gọi cảnh sát và bảo họ rằng tôi phát hiện Osano đã chết. Và rằng rõ ràng ông ấy đã tự tử. Đã có một giây phút nào đó tôi định giấu vụ tử tự, giấu hộp đựng thuốc đi. Nhưng Osano có lẽ chẳng thèm quan tâm đâu, ngay cả trường hợp tôi có thể vận động được báo chí và chính quyền cộng tác. Tôi cho biết Osano là một con người quan trọng đến thế nào, nên họ liền điều một xe tải thương đến ngay lập tức. Rồi tôi gọi các luật sư của Osano và giao họ trách nhiệm thông báo cho tất cả các bà vợ và đám con của ông. Tôi gọi cho các nhà xuất bản của Osano vì biết họ muốn ra một thông cáo báo chí và đăng bài tưởng niệm nơi tờ New York Times. Tôi muốn Osano nhận được những tỏ bày kính ý và thương tiếc đó vì quả thật ông xứng đáng bởi những đóng góp của ông cho nền văn học Hoa Kỳ.
Cảnh sát và và viên biện lý quận đặt ra hàng lố câu hỏi làm như thể tôi thuộc diện tình nghi giết người.
Nhưng chuyện đó nhanh chóng tan đi. Hình như là Osano đã gửi một bức thư cho nhà xuất bản của ông, để báo rằng ông không thể giao quyển tiểu thuyết của ông do sự kiện là ông đang lên kế hoạch tự sát.
Một đám tang lớn diễn ra ở Hamptons. Osano được chôn cất trước sự hiện diện của bảy bà vợ, chín đứa con, những nhà phê bình văn học từ các tờ New York Times, New York Review of Books, Commentary, Harper s và New York.
Một xe buýt chất đầy người chạy thẳng từ Elaine đến New York. Những bạn bè của Osano, biết rằng ông sẽ tán đồng, họ đã mang lên xe buýt cả một quầy bar và hàng chục két bia. Họ đến dự đám tang mà người nào cũng say quắc cần câu. Osano hẳn là rất vui khi nhìn thấy cảnh tượng ấy.
Trong hàng mấy tuần lễ tiếp theo, hàng trăm ngàn từ đã được viết ra về Osano như là khuôn mặt văn học lớn đầu tiên gốc Ý trong lịch sử văn hoá Mỹ.
Điều đó có lẽ chọc nhột Osano tận trong nấm mồ. Bởi ông chưa hề bao giờ nghĩ mình là một người Mỹ gốc Ý. Nhưng có một điều hẳn đã làm ông hài lòng. Tất cả các nhà phê bình đều nhất trí rằng nếu như ông còn sống để hoàn tất và xuất bản cuốn tiểu thuyết ông đang viết dở dang, thì chắc chắn ông đã thắng giải Nobel văn học.
***
Một tuần lễ sau đám tang Osano, tôi nhận được cuộc gọi từ nhà xuất bản của ông thỉnh mời tôi đến dùng cơm trưa vào tuần sau. Và tôi đồng ý. Nhà xuất bản Arcania được xem là một trong những nhà xuất bản văn học có hạng nhất của cả nước. Trên danh sách xuất bản của nó có nửa tá những nhà văn đoạt giải Nobel và hàng mấy tá nhà văn đoạt giải Pulitzer và giải NBA (National Book Award). Nhà xuất bản này nổi tiếng vì quan tâm đến chất văn học hơn là sách bán chạy. Và tay Tổng biên tập, Herry Stiles có dáng dấp của một vị thượng lưu trí thức xuất thân từ Oxford. Nhưng ông nhập cuộc kinh doanh cũng linh lợi chẳng kém ai.
Ông ta mở lời với tôi:
– Thưa ông Merlyn, tôi hâm mộ những quyển tiểu thuyết của ông lắm. Tôi hy vọng một ngày nào đó không xa, chúng tôi có thể đưa tên ông vào danh sách những nhà văn mà chúng tôi xuất bản.
– Tôi muốn bàn về di sản văn học của Osano đã, – Tôi nói – Với tư cách là người thừa hành của ông ấy.
– Tốt, – ông Stiles nói. – Ông có thể biết hoặc không biết, vì đây là kết thúc tài chánh của cuộc đời ông Osano, rằng chúng tôi đã ứng trước cho ông ấy cả trăm ngàn đô-la cho quyển tiểu thuyết đang viết của ông ấy. Như thế chúng tôi có quyền ưu tiên đối với quyển sách ấy. Tôi muốn ông hiểu rõ điều đó.
– Rõ, – tôi đáp. – Và tôi biết rằng Osano mong ước ông xuất bản quyển đó. Ông đã làm một việc rất đáng trân trọng khi xuất bản các tác phẩm của ông.
Khuôn mặt ông Stlies nở một nụ cười biết ơn. Ông ngửa người ra sau:
– Vậy là không có vấn đề gì phải không? – Ông nói – Tôi chắc rằng ông đã đọc lướt qua các ghi chú của ông ấy và ông đã tìm thấy bản thảo.
Tôi nói:
– À đấy chính là vấn đề. Không có bản thảo nào cả; không có cuốn tiểu thuyết nào được viết ra, chỉ có năm trăm trang ghi chú mà thôi.
Stiles biểu lộ vẻ sửng sốt, kinh hoàng và đàng sau biểu hiện ngoại hình đó tôi biết ông ta nghĩ gì.
Đồ nhà văn ôn dịch, cả trăm ngàn đô-la ứng trước, bao nhiêu năm chờ đợi và rồi hắn chỉ có những ghi chú? Nhưng rồi ông ta ướm thử:
– Ông nói không có lấy một trang bản thảo?
– Không có, – tôi đáp. Và tôi đang nói dối, nhưng ông ta sẽ chẳng bao giờ biết. Thực ra có 6 trang.
– À thế này, – ông Stiles nói – Điều này chúng tôi không thường làm, nhưng vẫn thường được thực hiện bởi các nhà xuất bản khác. Chúng tôi biết là ông đã từng giúp ông Osano viết nhiều bài báo để tên ông ấy, và ông mô phỏng văn phong ông ấy rất tốt. Đây sẽ phải là một bí mật, nhưng tại sao ông không thể viết quyển sách của Osano và xuất bản dưới tên ông ấy? Chúng tôi sẽ trả tiền nhuận bút xứng đáng cho ông và sẽ dành nhiều ưu đãi cho những quyển sách sau này của ông.
Bây giờ ông ta làm tôi ngạc nhiên. Nhà xuất bản khả kính nhất ở Mỹ lại làm chuyện chỉ Hollywood mới làm, hoặc một khách sạn ở Vegas. Có đếch gì mà tôi phải ngạc nhiên?
– Không, – tôi bảo ông Sliles. – Với tư cách người thừa hành văn học của Osano, tôi có đủ thẩm quyền ngăn cản việc xuất bản quyển sách từ những ghi chú đó. Nếu ông muốn xuất bản chính những ghi chú đó, tôi sẽ cho phép ông.
– Được, hãy nghĩ lại đi, – ông Stiles nói. – Chúng tôi sẽ bàn lại chuyện ấy. Xin nói rằng thật vinh hạnh được gặp ông. – Ông lắc đầu buồn bã. – Osano là một thiên tài. Thật đáng tiếc.
Tôi không bao giờ cho ông Stiles hay rằng Osano đã viết sáu trang đầu của quyển tiểu thuyết ấy. Cùng với chúng là một bức thư ngắn gửi cho tôi.
“Merlyn,
Đây là sáu trang mở đầu quyển sách của tôi. Tôi cho anh sáu trang đó. Để xem anh có thể làm gì từ đó. Hãy quên những ghi chú đi, chúng toàn là chuyện nhảm.
Osano”
Tôi đã đọc mấy trang đó và quyết định giữ riêng cho mình. Khi về đến nhà, tôi đọc lại mấy trang đó thật chậm rãi, từng từ một:
“Nghe tôi nói đây, tôi sẽ kể cho các bạn sự thật về cuộc đời một người đàn ông, sẽ nói với các bạn sự thật về tình yêu của y cho đàn bà, rằng y chưa bao giờ ghét họ, chắc các bạn nghĩ rằng tôi lạc đề mất rồi. Hượm đã! Thật thế – Bạn đang đối mặt một bậc thầy ma thuật đây mà. Ai vậy? – Tôi đây chứ còn ai vào đó nữa! Hãy nhìn vào mắt ta đây này!
Bạn có tin rằng một người đàn ông có thể thực sự yêu thương một người đàn bà mà vẫn thường xuyên phản bội nàng? Về chuyện thân xác thì chẳng có gì đáng nói rồi, nhưng còn phản bội nàng trong tâm hồn, trong chốn thâm cung bí nhiệm và nên thơ nhất của hồn viễn mộng khôn khuây của riêng mỗi con người? Vâng chuyện tế nhị lắm chẳng dễ dò lần được đâu nhưng, đàn ông muôn đời vẫn thế!
Bạn có muốn biết bằng cách nào đàn bà có thể yêu bạn, cho bạn “bội thực” tình yêu để đầu độc thể xác và tinh thần bạn đơn giản chỉ để hủy diệt bạn?
Và vượt khỏi tình yêu đam mê, nàng chọn cái giải pháp cắc cớ, trớ trêu là đếch thèm yêu bạn nữa? Và cùng lúc lại làm cho bạn chóng mặt, choáng váng với cơn cực khoái của thằng khờ? Bạn cho rằng điều đó là bất khả. “Phán “như thế thì quá dễ!
Ấy, sao lại vội bỏ đi? Đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình loại hai xu rưỡi đâu nhé!
Tôi sẽ cho bạn cảm thấy cái đẹp đớn đau của một đứa bé, tình trạng bị kích dục thuần sinh vật của một con đực thiếu niên, cái tính khí thất thường ưa rước lấy tai ương, thèm tự tử của con cái non nớt. Và rồi đây mới là phần cứng, cho bạn thấy bằng cách nào thời gian cuốn đàn ông và đàn bà vào cái vòng xoáy ma thuật, làm biến chất cả tâm hồn và thần xác họ.
Và rồi dĩ nhiên còn có TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC. Đừng bỏ đi xa! Tình yêu đích thực có đấy hoặc là tôi sẽ làm cho nó thực sự hiện hữu. Ta nào phải hạng bậc thầy ma thuật mà chẳng làm nên sự nghiệp để ghi danh? Cái bọn vô tích sự ấy thì nói làm quái gì?
Nó có đáng với cái giá của nó chăng? Còn về chuyện trung thành tình dục thì sao nhỉ? Nên chăng? Đó có phải là tình yêu? Ngay cả điều ấy có nhân bản không, cái đam mê trái khoáy chỉ muốn làm tình với mỗi một người thôi? Và nếu chuyện đó không ổn, bạn có còn được món quà thưỏng nào để thử nghiệm tiếp? Nó có thể tác dụng cả hai chiều không? Tất nhiên là không, dễ thấy quá mà và tuy thế đời sống là một trò hề vĩ đại và chẳng có gì buồn cười hơn là cuộc du hành của tình yêu qua thời gian. Nhưng một bậc thầy ma thuật cao cường có thể làm cho cử toạ của mình cùng lúc vừa khóc vừa cười. Còn cái chết lại là chuyện khác. Tôi sẽ không bao giờ tạo ra được lời đùa của cái chết. Chuyện ấy vượt quá quyền năng pháp thuật của tôi.
Tôi vẫn luôn tinh nhạy với cái chết. Hắn không lừa tôi được đâu. Tôi điểm mặt hắn tức thì. Hắn thích đến trong cái lốt hoá trang quê mùa ngớ ngẩn của một tay thợ gặt cầm lưỡi hái; một cái bướu xấu xí vô duyên bỗng dưng lớn phổng phao ra nhanh như thổi; hay con chuột chù gớm ghiếc tiêm truyền bệnh dịch hạch vào tận xương tuỷ người ta; hay giấu mặt sau cơn sốt ban nhiệt xoàng chỉ làm cho mặt em bé đỏ hồng lên một tí, trông càng xinh thêm ra thôi. Rồi bỗng nhiên cái sọ người nhăn nhở kia xuất hiện, đoạt lấy nạn nhân đem đi, một cách thật bất ngờ. Nhưng với tôi thì “hắn” đừng hòng! Tôi vẫn đợi hắn đây. Tôi đã phòng bị chu đáo cả rồi.
Song song với cái chết, tình yêu là một trò trẻ con nhưng lại làm ta phát mệt, dù đàn ông vẫn tin vào tình yêu hơn là cái chết. Nhưng với đàn bà lại là chuyện khác. Họ có một bí mật đầy quyền năng. Họ không bao giờ có tình yêu.
Nhưng một lần nữa, xin đừng đi xa. Và một lần nữa, đây không phái là chuyện tình. Hãy quên tình yêu đi. Không quên được thì cũng cố quên đi. Tôi sẽ chỉ cho bạn tất cả những tầm với của quyền lực. Trước tiên là cuộc đời của nhà văn nghèo đang tranh đấu đế vươn lên. Nhạy cảm. Tài năng. Có lẽ còn có chút thiên tài nữa đấy.
Tôi sẽ cho bạn thấy người nghệ sĩ bị biến chất và vong thân như thế nào trong quá trình vị nghệ thuật của anh ta. Và tại sao như thế cũng thật đáng đời cho hắn. Rồi tôi sẽ cho bạn thấy hắn ta như một tên tội phạm xảo quyệt, đã có được khoảng thời gian tung hoành trong đời y. A, một nghệ sĩ “chân chính “cảm thấy niềm vui như thế nào khi cuối cùng hắn trở thành một ké lừa đảo. Bấy giờ, bản chất cốt yếu của y hiện ra trong chốn thập mục sở thị cho người người nhìn thấy chằng còn đùa nghịch vòng quanh về danh giá của y nữa. Hắn lộ diện chân tướng là một kẻ giỏi xoay xở, một kẻ đồng lõa, một kẻ thù của xã hội ra mặt rõ ràng thay vì giấu mặt sau cái âm đạo của con đĩ mệnh danh là nghệ thuật. Thế là trút được gánh nặng. Nhẹ nhàng khinh khoái biết bao! Một niềm vui cho kẻ khôn ngoan với óc hài hước, quỷ quyệt, láu cá. Và rồi hắn lại trở thành một con người đứng đắn đàng hoàng như xưa. Một chính nhân quân tử? Xì! Một vị khả kính như tất cả các vị khả kính khác trong xã hội? Eo ôi! Đau khiếp lắm khi mang danh là kẻ lừa đảo.
Nhưng điều đó giúp cho bạn chấp nhận xã hội và tha thứ cho đồng loại của mình. Một khi điều đó đã hoàn tất, không còn ai nên làm một kẻ lừa đảo nữa, trừ phi hắn thực sự cần tiền!
Rồi tiến về một trong những câu chuyện thành công lí thú nhất trong lịch sứ văn học.
Chuyện đời tư của những con người khổng lồ trong nền văn hoá của chúng ta. Đặc biệt là một tay hoang đàng chi địa dám bán trời không văn tự. Một con người của giới thượng lưu trí thức ưu tú ấy! Thế là giờ đây chúng ta có giới tài năng nghèo khó đang phấn đấu vươn lên, giới lừa đảo và giới văn học “cấp cao”. Tất cả được buộc vào với đầy dẫy tính dục, một số ý tưởng rối rắm mà bạn sẽ không thấy sốc khi bị nhồi sọ và có thể còn thấy hay ho nữa là khác. Và cuối cùng hướng lên một kết thúc nổ tung ra tan tành ở kinh thành điện ảnh hoa lệ Hollywood với nhân vật chính – người hùng của chúng ta – ăn ngấu nghiến, nuốt chửng mọi tưởng thưởng, tiền bạc, danh vọng cùng bao nhiêu đàn bà đẹp… Và đừng bỏ đi xa chứ, đừng bỏ đi xa – tất cả đã biến thành tro tàn như thể nào.
Như thế chưa đủ sao? Bạn từng nghe mọi chuyện này trước đây rồi? Nhưng hãy nhớ rằng ta đây là một bậc thầy ma thuật nhé. Ta có thể hoá phép cho tất cả những nhân vật này sống thực. Ta có thể chỉ cho các bạn thấy họ thực sự nghĩ và cảm thế nào. Bạn sẽ khóc cho họ, cho tất cả bọn họ, tôi hứa như thế. Hoặc có thể sẽ cười. Dù thế nào chúng ta cũng sắp được một mẻ vui và học được đôi điều về đời sống. Những điều thực ra cũng chẳng có ích chi mấy. Vì có cái dại nào giống cái dại nào đâu?
A, ta biết bạn đang nghĩ gì. Cái thằng con hoang láu cá đó đang tìm cách câu móc đế chúng ta tò mò lật trang sách của hắn đây. Nhưng, chờ tí nhé, đó chỉ là một câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn nghe chơi? Có gì phiền đâu nào? Ngay cả nếu tôi coi câu chuyện này là nghiêm chỉnh, nhưng ai bắt các bạn cũng phải thế? Mua vui cũng được một vài trống canh xin phép các bạn cho “tại hạ” được phép nhắc lại lời của Nguyễn tiên sinh. Cũng xin được khoe với các bạn là tôi đã hân hạnh được đọc tuyệt tác ấy rồi đấy nhé (nhưng mà qua bản tiếng Anh thôi)
Tôi chí muốn kể một câu chuyện cho các bạn nghe chơi thôi, không hề dám có cao vọng hão huyền nào khác. Tôi chẳng khát khao thành công, danh vọng hay tiền tài. Nhưng chuyện đó dễ thôi, phần lớn đàn ông hay đàn bà cũng đều không khát khao chi ba cái thứ tầm thường đó; không thực đấy, chẳng vờ tí nào đâu. Hơn thế nữa, tôi chẳng thèm muốn tình yêu. Không thèm yêu! Cũng cóc thèm được yêu! Thế mới là nam nhi chi chí chớ! Nếu không có đàn bà thì đàn ông đã ngang hàng với thần thánh. Một triết gia thời thượng cổ lỗ sĩ nào đấy đã phán như thế! Mà quả đúng như thế! Cực kỳ chí lý!
Khi tôi còn trẻ, có vài nàng đã từng thỏ thẻ bên tai: Em yêu anh vì anh có đôi mắt nhung với hàng mi dài cong vút mơ màng. Tôi nghe khoái lỗ nhĩ và gật đầu lia lịa. Sau đó họ yêu tôi vì tôi thông minh. Rồi vì tôi có quyền uy, địa vị và lắm bạc nhiều tiền. Rồi họ mê tài tôi. Rồi vì tâm hồn tôi. OK, lý do nào tôi nghe cũng lọt tai cả! Người đàn bà duy nhất làm tôi hoảng sợ là người yêu tôi vì chính con người của tôi thôi.
Tôi đã có những kế hoạch cho nàng. Tôi có thuốc độc và dao găm và những hốc tối tăm trong hầm rượu dấu đầu nàng. Nàng không được phép sống. Đặc biệt là nếu nàng lại còn trung thành về phương diện tình dục không bao giờ nói dối và luôn luôn đưa tôi lên trên mọi sự và trước mọi người.
Sẽ có vô khối tình yêu trong sách này nhưng nó không phải là sách tình yêu. Nó là một quyển sách chiến tranh. Cuộc chiến tranh cũ giữa những người đàn ông vốn là những người bạn thực sự của nhau.
Cuộc chiến tranh mới, nhưng bất tuyệt, giữa đàn ông và đàn bà. Chắc là một câu chuyện cũng cũ rích nhưng bây giờ mới được nói công khai, nói huỵch toẹt, nói tuốt tuồn tuột! Các chiến binh của Mặt trận giải phóng phụ nữ cứ nghĩ rằng họ đề xướng cái gì mới lắm đấy, nhưng chỉ là những đạo quân đi ra từ những ngọn đồi du kích. Những người đàn bà ngọt ngào luôn phục kích đàn ông: từ trong nôi, từ trong nhà bếp và trong phòng ngủ. Và cả nơi mộ phần của con cái họ, nơi không phải để nghe lời cầu xin khoan dung.
A, phải rồi, thằng cha này chắc là căm hận đàn bà lắm đây; hẳn các bạn nghĩ thế. Nhưng tôi không bao giờ ghét họ. Và họ sẽ hiện ra trong từng trang sách của tôi như những kẻ tốt đẹp hơn đàn ông rất nhiều, rồi các bạn sẽ thấy. Nhưng sự thật là chỉ có đàn bà mới có khả năng làm cho ta khổ đau điên đảo đến bấn loạn thần hồn và họ đã làm thế, kể từ nôi trở đi nhưng phần lớn đàn ông cũng có thể nói điều ấy.
Và chẳng có thể làm được gì để thay đổi tình trạng đó? Thật sự là vô phương!
Tôi đã đưa ra một mục tiêu lạ lùng ở đây. Tôi biết nó có vẻ bất khả cưỡng đến như thế nào. Nhưng, cẩn thận nhé. Tôi là một người kể chuyện ba xạo lắm dấy, chứ chẳng phải là một trong những nhà nghệ sĩ đa cảm, tế nhị đến mong manh, dễ tổn thương như các bạn lỡ có nhã ý, nghĩ như thế đâu. Tôi đã thủ kỹ mọi “miếng nghề” cần thiết. Tôi vẫn còn vài món ngạc nhiên chưa dọn ra trên bàn tiệc hết đâu mà vẫn còn để dành trong tủ lạnh.
Nhưng đủ rồi. Hãy để tôi cung tiến bữa đại yến hầu quý khách. Này đây, món khai vị…
***
Và đó là quyển tiểu thuyết vĩ đại của Osano, tác phẩm lẽ ra giành giải Nobel văn học, phục hồi sự vĩ đại cho ông. Tôi ước phải chi ông đã hoàn tất nó.
Chuyện ông có là một nghệ sĩ mang ảo tưởng vĩ đại, như mấy trang kể trên chứng tỏ, cũng chẳng sao. Hoặc có lẽ một phần trong thiên tài của ông. Ông muốn chia sẻ thế giới nội tâm của ông với thế giới bên ngoài, chỉ có thế. Và giờ đây, như lời đùa sau cùng, ông cho tôi những trang đó. Một lời đùa, bởi vì chúng tôi rất khác nhau. Ông quảng đại lắm. Còn tôi thì không.
Tôi chưa bao giờ mê các tác phẩm của ông. Và tôi cũng không biết mình có thực sự yêu thích ông như một con người hay không. Nhưng tôi mến ông như một nhà văn. Và thế là tôi quyết định, có lẽ do may mắn, có lẽ do tâm tình, sử dụng những trang này như của riêng tôi. Nhưng tôi phải đổi một dòng. Cái chết vẫn luôn làm tôi ngạc nhiên.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!