Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
161


Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết


Chương 8


Thoát khỏi ánh sáng ban ngày ở Miền Tây, chiếc phải lực cơ khổng lồ lướt vào vùng bóng tối đang lan dần của các múi giờ Miền Đông. Tôi kinh sợ cái thời điểm chiếc máy bay sẽ đáp xuống và tôi sẽ phải đối mặt với Artie và anh sẽ đưa tôi về khu nhà ở Bronx, nơi vợ con tôi đang chờ. Tôi đã khéo mua sắm quà cho họ: những máy bán hàng tự động nhỏ xíu cho mấy đứa nhỏ, một chiếc nhẫn cẩn ngọc trai cho Vallie, làm tôi tốn hết hai trăm đô-la. Cô gái ở hàng lưu niệm của khách sạn Xanadu đòi năm trăm đô-la nhưng Cully đã giành được khoản chiết khấu đặc biệt cho tôi.

Nhưng tôi không muốn nghĩ đến lúc tôi bước qua ngưỡng cửa vào nhà và gặp những khuôn mặt của người vợ và ba đứa con. Tôi cảm thấy mình có tội nhiều. Eo ôi, hãi quá? Khi mường tượng ra cái kịch cảnh nặng nề mà tôi phải trân mình chịu đựng. Khiếp? Chẳng biết thần kinh của tôi có chịu đựng nổi thử thách khắc nghiệt đó hay không. Vì thế để tạm quên đi cái ám ảnh gây căng thẳng bồn chồn kia, tôi nghĩ về những gì đã xảy ra cho mình ở Vegas.

Tôi nghĩ về Jordan. Cái chết của anh ấy không làm tôi sầu khổ nhiều ít ra là ngay lúc này. Vả chăng xét cho cùng, tôi cũng chỉ mới quen biết anh trong vòng ba tuần lễ cũng chưa thực sự đã hiểu về anh. Nhưng tôi tự hỏi cái gì trong nỗi buồn của anh lại có vẻ cảm động thấm thía đến thế? Một nỗi buồn tôi chưa từng cảm thấy và hy vọng sẽ không bao giờ cảm thấy. Tôi vẫn luôn ngờ ngợ một điều kỳ dị nơi anh và vẫn để tâm thăm dò anh như nghiên cứu những nước đi của một ván cờ. Đây là một con người đã sống một cuộc đời hạnh phúc bình thường. Một tuổi thơ êm đềm. Đôi khi anh đã nói với chúng tôi về điều đó, về việc anh ta hạnh phúc như thế nào khi còn là một đứa trẻ thơ. Rồi một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Một đời sống tốt đẹp Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ đối với anh ta cho đến cái năm cuối cùng đó. Vậy thì tại sao anh đã không hồi phục nổi. Thay đổi hay là chết, có một lần anh đã nói như thế. Điểm cốt tuỷ của đời sống là ở đó. Và đơn giản chỉ vì anh đã không thể thay đổi. Lỗi tại anh.

Trong suốt ba tuần lễ ở casino đó, khuôn mặt anh đã trở nên mỏng hơn như thể cái khung xương bên dưới đang nhô ra phía ngoài để đưa dấu hiệu cảnh báo. Và thân thể anh bắt đầu nhăn nhúm lại trong thời gian ngắn.

Nhưng không có điều gì phản bội anh và ước muốn của anh. Giờ đây, khi hồi tưởng những ngày đó, tôi có thể thấy rằng mọi điều anh nói và làm đều nhằm đánh lạc hướng tôi. Khi tôi từ chối việc anh chia phần cho tôi với Cully và Diane mỗi người hai mươi ngàn đô, ngay lúc đó, đơn giản chỉ vì tôi muốn chứng tỏ sự cảm mến tôi dành cho anh là thành thực. Tôi đã nghĩ điều ấy có thể giúp ích cho anh. Nhưng anh đã mất khả năng đối với điều mà Austen gọi là “sự ban phúc của lòng cảm mến”.

Tôi đoán anh nghĩ rằng nỗi tuyệt vọng hay cái gì đó mà anh đang cảm thấy, là đáng xấu hổ. Anh là một người Mỹ vững vàng, nên thật tồi tệ khi cảm thấy mình sống mà chẳng làm nên tích sự gì, chẳng ghi được bàn thắng nào.

Vợ anh đã giết anh. Nói thế thì quá đơn giản. Hay tuổi thơ của anh, hay bố mẹ anh, hay anh chị em của anh?

Ngay cả nếu những vết sẹo của tuổi thơ lành rồi; bạn cũng không bao giờ thoát khỏi tình trạng có thể bị tổn thương. Tuổi tác không phải là lá chắn chống lại sự tổn thương về tâm linh.

Giống như Jordan, tôi đã đến Vegas do một ý thức trẻ con về sự phản bội. Vợ tôi đã kiên trì chịu đựng cuộc sống đạm bạc cùng với tôi trong năm năm trong khi tôi viết quyển sách đầu tay, không hề than vãn.

Nàng không hạnh phúc lắm về chuyện đó, nhưng đã sao nào, tôi vẫn sống những ngày đêm yên ấm ở nhà. Khi quyển tiểu thuyết đầu tiên của tôi bị từ chối, không ai chịu xuất bản và tôi buồn muốn vỡ tim, nàng đã cay đắng nói:

– Em đã biết là anh sẽ không bao giờ bán được quyển đó.

Tôi sững người. Nàng không biết tôi cảm thấy thế nào hay sao? Đó là một trong những ngày khủng khiếp nhất của đời tôi, và tôi yêu nàng hơn bất kỳ ai khác trên đời này. Tôi đã cố giải thích. Đây là một quyển sách hay.

Chỉ có điều đoạn kết bi thảm quá và nhà xuất bản muốn anh viết lại một đoạn kết “có hậu” và anh đã từ chối (Tôi đã tự hào về điều đó biết bao. Và tôi đã hành động rất đúng. Thực thế, tôi luôn luôn hành động đúng trong công việc của mình). Tôi đã nghĩ vợ tôi sẽ tự hào về tôi.

Điều này chứng tỏ mấy anh nhà văn đúng là… quá khờ, chẳng biết gì về tâm lý… các bà xã.

Các anh nhà văn, nhà thơ chúa là mơ mộng hão. Cứ ngỡ mình tạo được chút danh là đủ cho vợ con cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, chỉ cần uồng nước lã cũng đã thừa năng lượng bay vút lên chín tầng mây? Ấy thế mà nàng lại nổi trận lôi đình. Chúng tôi đã sống trong nghèo khổ triền miên, tôi nợ nần tứ giăng, rồi sẽ đến đâu tôi nghĩ mình là cái đếch gì, ôi lạy Chúa? (Thật ra, thì không đúng hẳn những lời vừa rồi đâu, vì suốt đời vợ tôi không hề nói tiếng: “cái đếch gì”). Nàng nổi cơn đến độ kéo rốc cả đạo quân dưới trướng đùng đùng ra đi, bỏ mặc thành trì cho địch quân (tức là thằng tôi khốn khổ này đây) độc quyền chiếm lĩnh. Cũng may là đến gần chiều tối, tiếng gọi của bếp lửa khiến lòng nàng xao xuyến, bèn kéo quân quay về “tái chiếm” lãnh thổ. Ấy thế mà chính nàng cũng từng có lần ôm mộng làm “nữ văn sĩ” cơ đấy.

Ông bố vợ tôi giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh nợ nần bối rối. Nhưng một ngày kia ông chạy đâm sầm vào tôi khi tôi vừa bước ra khỏi một hiệu sách cũ, hai tay khệ nệ ôm cả một chồng sách. Thấy thế ông bỗng nổi sùng. Có lẽ ông lẩm bẩm trong bụng: “Rõ chán thật? Lại vớ phải anh con rể mọt sách vô dụng! Đúng là con gái ta có số khổ?”.

Hôm đó lại là một ngày xuân đẹp trời, với ánh kim quang chiếu sáng rạng ngời. Bố vợ tôi vừa bước ra khỏi văn phòng trông ông có vẻ héo tàn, cau có. Trong khi đó tôi đang đủng đỉnh cười tươi với dự tưởng về việc sẽ ngốn ngấu thoả thuê chồng ấn phẩm dưới tay mình.

– Bố sư khỉ! – Ông thốt lên, – Tôi cứ nghĩ anh đang viết sách đấy chứ. Vậy nhưng anh đang làm cái đếch gì vậy?

Không là nhà văn nhưng cụ dùng từ nghe cũng ngộ ghê? Vài năm sau đó, quyển sách kia được xuất bản đúng như ý tôi, được giới phê bình đánh giá tốt, nhưng chỉ được một số nhuận bút khá là khiêm tốn. Bố vợ tôi thay vì chúc mừng tôi chỉ nói những lời rất, rất thực dụng sát mặt đất như thế này:

– Này con, ta thấy văn chương chữ nghĩa chẳng làm ra mấy tí đô-la. Đấy, công lao vắt óc năm năm của con chỉ được cái giá bèo đến thế ư? Thôi, ta khuyên anh, hãy tập trung vào cái việc dĩ thực vi tiên, lo chuyện cơm áo gạo tiền cho gia đình trước đã.

Mấy lời của ông bố vợ nghe sao mà thốn cái lỗ nhĩ? Khiến tôi quay quắt. “Làm cái gì cho ra tiền đây?”

A! Eureka! Ta đã tìm ra rồi! Hãy đến Las Vegas thừ thời vận, may ra vớ bẫm? Nhất bản sinh vạn lợi? Rất nhanh chóng. Không phải hao tốn calori. Có lý, có lý?

Xét cho cùng, tại sao họ lại phải đồng cảm với tôi nhỉ? Tại sao họ phải quan tâm chia sẻ cái trò lập dị quái gở của tôi về cái gọi là sáng tạo nghệ thuật? Việc gì họ phải bận lòng? Họ tuyệt đối có lý. Nhưng tôi sẽ không bao giờ lại cảm nhận về họ như trước đây nữa.

Người duy nhất hiểu tôi là anh Artie yêu quý, thân thiết nhât trên đời. Nhưng ngay cả anh, trong năm rồi, tôi cũng mơ hồ cảm thấy anh hơi thất vọng về tôi, mặc dầu không bao giờ anh hé lộ điều đó. Đấy, người thân thiết, gần gũi nhất trên đời yêu thương tôi nhất, mà còn thế?

Thế là đầu óc tôi lại lãng đi khỏi chuyện quay về nhà và tôi nghĩ về Vegas. Cully chẳng bao giờ nói về mình, mặc dầu tôi hỏi anh nhiều câu. Khi được hỏi, anh ta sẽ kể về cuộc đời hiện tại nhưng rất ít khi tiết lộ chuyện gì về mình trước khi vào Vegas. Buồn cười là hình như tôi là người duy nhất tỏ ra hiếu kỳ. Jordan và Cully hiếm khi hỏi han tôi câu nào. Nếu họ hỏi, có lẽ tôi đã kể cho họ nghe nhiều hơn.

Mặc dù Artie và tôi lớn lên trong viện mồ côi nhưng nơi đó cũng chẳng tệ lắm và có lẽ còn tốt hơn nhiều so với những trường thiếu sinh quân hay các trường nội trú đắt tiền mà những người giàu gửi con họ vào để cho rảnh nợ. Artie là anh, còn tôi tuy là em nhưng lại luôn luôn to con hơn và khoẻ hơn, ít ra là về phương diện thể lực. Nhưng về tinh thần thì anh lại rất kiên cường và chính trực hơn.

Anh mê khoa học còn tôi lại yêu những điều hoang tưởng. Anh miệt mài đọc sách hoá học, toán và nghiền ngẫm những thế trận cờ vua. Anh dạy cờ vua cho tôi, nhưng tôi thường mất kiên nhẫn; đó không phải là một trò cờ bạc nên không mấy hấp dẫn với tôi? Tôi chỉ mê tiểu thuyết. Nào Alexandre Dumas, Charles Dickens rồi Sabatini, Hemingway, Fitzgerald và sau này Joyce, Kafka và nhất là Dostoevsky.

Tôi thề rằng chuyện mình là trẻ mồ côi ấy sẽ không có ảnh hưởng nào lên nhân cách của tôi. Tôi cũng giống như bất kỳ đứa trẻ bình thường nào khác. Sau này trong đời không ai có thể đoán là hai anh em chúng tôi chưa từng biết mặt bố mẹ mình.

Cái hiệu ứng duy nhất có vẻ trái tự nhiên và lệch lạc đố là thay vì là anh em thì Artie và tôi đã trở thành bố mẹ của nhau. Dầu sao, chúng tôi đã rời viện mồ côi lúc còn đang độ tuổi thiếu niên, Artie kiếm một công việc còn tôi đến sống với anh rồi Artie yêu một cô gái và đã đến lúc tôi phải rời đi, tôi vào quân ngũ, tham dự cuộc chiến lớn, thế chiến 2. Khi tôi xuất ngũ năm năm sau đó, Artie và tôi lại trở về là anh em. Anh đang là ông bố của một tiểu gia đình còn tôi là một cựu chiến binh. Lần duy nhất tôi nghĩ về chúng tôi như đã từng là những đứa trẻ mồ côi là khi Artie và tôi ngồi tâm sự trong nhà anh đến khuya và vợ anh mệt quá nên đi ngủ trước. Chị hôn Artie chúc ngủ ngon trước khi rời chúng tôi. Và tôi nghĩ rằng Artie và tôi là những người đặc biệt. Khi còn trẻ thơ chúng tôi chưa từng được hôn và chúc ngủ ngon.

Song thực ra có thể nói rằng chúng tôi chưa bao giờ sống nơi viện mồ côi đó. Cả hai chúng tôi đều thoát ly thực tại qua sách vở. Tôi mê nhất là truyền thuyết về vua Arthur và Các hiệp sĩ bàn tròn. Ngoài bản chính của Malory, tôi còn đọc cả các phiên bản và dị bản khác.

Và tôi đoán rằng thời đó tôi đã nghĩ về vua Arthur như là anh Artie của tôi. Tên của hai người cũng giống nhau, và trong đầu óc thơ dại của mình lúc đó, tôi thấy họ rất giống nhau về nhân cách từ ái của họ. Nhưng tôi không bao giờ đồng hoá mình với bất kỳ một hiệp sĩ dũng cảm nào, chẳng hạn như Lancelot. Và tôi cũng chẳng hứng thú lắm với Chiếc cốc thiêng. Tôi không muốn làm Galahad.

Nhưng tôi rất mê Merlyn vì pháp thuật cao cường của ông; ông có thể hoá ra con chim ưng hay bất kỳ con vật nào. Ông biến mất rồi lại tái hiện. Có những khi vắng mặt lâu ngày. Và nhất là tôi thích đoạn ông nói với vua Arthur rằng ông không thể làm cánh tay phải của vua được nữa. Lý do là Merlyn trót yêu một cô gái và dạy pháp thuật cho cô ta. Và rằng cô ta sẽ phản bội Merlyn và sẽ dùng chính những phù chú của ông để chống lại ông. Và thế là ông sẽ bị giam cầm nơi một hang sâu trong cả hàng ngàn năm trước khi lời chú hết linh nghiệm. Rồi lúc đó ông sẽ trở lại trần gian. Đấy, một người tình phải như thế, một pháp sư phải như thế. Ông ta phải sống lâu hơn, vượt qua mọi kẻ khác. Và thế là, khi còn là một đứa trẻ, tôi đã cố gắng làm một pháp sư Merlyn để phò tá anh Artie của mình làm vua Arthur. Và khi chúng tôi rời viện mồ côi, chúng tôi đã đổi họ thành Merlyn. Và chúng tôi không bao giờ kể lại chuyện mình đã là trẻ mồ côi. Dù là giữa chúng tôi hay bất kỳ ai khác.

Máy bay hạ xuống dần. Vegas đã là cái hang động Camelot của tôi, một phúng dụ mà pháp sư cừ khôi Merlyn có thể giải thích dễ dàng. Giờ đây tôi đang quay trở về thực tại. Phải giải thích đôi điều với anh tôi và vợ tôi.

Tôi gom mấy gói quà lại với nhau trong lúc máy bay lăn bánh vào bãi đáp của nó.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN