Những vụ án trên thế giới - 100.Cái chết bí ẩn của Edgar Allan Poe
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
30


Những vụ án trên thế giới


100.Cái chết bí ẩn của Edgar Allan Poe


Edgar Allan Poe nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết trinh thám huyền bí. Ông qua đời năm 1849. Cái chết của nhà văn đến nay vẫn còn là một bí mật lớn, khiến không ít học giả và bạn đọc phải “đoán già đoán non”. Dưới đây là những kiến giải của Matthew Pearl về một trong những nghi án gây tò mò nhất trong lịch sử văn chương này.

Matthew Pearl:

Đám tang của Edgar Allan Poe tại Baltimore chỉ có 4 người tham dự, nếu không kể thêm một vị linh mục, một người đào mộ và một người trông coi nghĩa địa. Vị linh mục – vốn là người có họ hàng xa với nhà văn – cũng không buồn đọc lời ai điếu trước sự kiện “cỏn con” này. Khu mộ phần của nhà văn chẳng có dòng chữ nào để khắc dấu ghi tên. Tạo hóa cũng khéo đùa, khiến cho chuyến hành trình về ga cuối của nhà văn đầy lạnh lùng, trống vắng như chính cái chết của ông.

15 năm sau, một chuyến tàu bị trật đường ray, xô vỡ mộ chí. Nhờ đó, về sau, một bia mộ bằng đá được dựng lại, trên đó khắc dòng chữ: “Hic Tandem Felicis Conduntur, Edgar Allan Poe, Obiit Oct. VII 1849” (Nơi đây, cuối cùng ông đã được yên nghỉ, Edgar Allan Poe qua đời 7/10/1849”.

Edgar Poe đã trải qua một những năm tháng đầy cực nhọc, khó khăn trước khi qua đời ở tuổi 40. Khi còn là một chàng trai mới lớn, ông đã có nhiều mâu thuẫn với cha nuôi, bị đuổi ra đường, sống vất vưởng và bắt đầu dấn thân vào thế giới văn chương. Ông viết khoảng 70 tác phẩm văn xuôi đủ các thể loại, khoảng chừng ấy bài thơ, một cuốn tiểu thuyết không mấy nổi tiếng, một vở kịch còn dang dở… và thách thức văn đàn rộng lớn bằng những bài phê bình có giọng điệu gay gắt, khó chịu và đầy khiêu khích. Poe bị không ít người khinh ghét và gặp nhiều khó khăn về vật chất nhưng bù lại, ông được đánh giá là một nhân cách đáng trọng.

Poe không phải là một thần tượng, một nhân vật quan trọng ở thời điểm ông qua đời. Nhà văn hoàn toàn có thể biến mất một cách vô nguyên cớ. Và sự thật đã diễn ra như vậy. Vào cuối tháng 9/1849, nhà văn có chuyến đi tour giảng bài và nói chuyện tại Richmond, Virginia nhằm kiếm tiền để ra mắt tờ tạp chí văn học của chính mình – The Stylus. Từ Richmond, ông dự định sẽ đến Philadelphia và sau đó trở về nhà ở New York – từ đây, ông sẽ đi du lịch về phía Nam cùng với người cô của mình là Maria Clemm. Nhưng rồi, các quan chức ở Baltimore cho biết, sau 5 ngày mất liên lạc với nhà văn, cuối cùng, họ phát hiện thấy ông bất tỉnh trong một nhà trọ có tên là Ryan’s.

Đến đây, chúng ta có thêm một số thông tin đã biết. Theo Neilson Poe, một người họ hàng của nhà văn ở Baltimore thì khi Edgar được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đã quá yếu và được phát hiện quá muộn. Ngay sau khi Edgar qua đời, Neilson đã kiểm tra tỉ mỉ khu vực nhà văn đã ở và than khóc, ông không tìm thấy câu trả lời cho cái chết bí ẩn của nhà văn.

Tuy nhiên, một vài tuần sau, Neilson viết một bức thư cho người viết tiểu sử của Edgar Poe và thông báo, ông sở hữu tất cả thông tin về cái chết của nhà văn và sẽ viết một cuốn sách về vấn đề này. Nhưng Neilson đã không bao giờ hiện thực hóa dự định của mình.

Ngày nay, câu chuyện về cái chết của Edgar Poe đã trở thành chủ đề hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm. Baltimore đã xây dựng một số bảng chỉ dẫn đến khu mộ của nhà văn. Du khách có thể đặt hoa tại đài tưởng niệm Edgar Poe được xây dựng năm 1875. Nơi đây, bây giờ không chỉ có 1 mà đến 2 mộ chí. Một là mộ chí chỉ rõ phần mộ ban đầu của nhà văn, còn cái kia chính là nơi thi thể của ông được dịch chuyển đến sau này. Hằng năm, đến sinh nhật nhà văn, người ta lại tụ tập trước mộ phần của ông, trong số đó có không ít phóng viên báo chí. Trong khi đó, ngược lại, rất ít người biết rằng, Poe được sinh ra tại Boston. Hay nói cách khác, tiểu sử của nhà văn thường bắt đầu từ nơi ông qua đời chứ không phải từ nơi ông được sinh ra.

Trong tuyển tập thơ và truyện ngắn của Poe mà tôi đọc từ thời còn nhỏ, người ta nói rằng, Poe được tìm thấy tại một máng nước trong tình trạng rất tồi tệ. Dù sự thực chẳng có cái máng nước nào dính líu đến cái chết của Poe nhưng giai thoại này đã tồn tại ít nhất từ năm 1850. Những câu hỏi xoay quanh cái chết của nhà văn đã khiến cho trang viết của ông càng thêm hấp dẫn, bí ẩn. Khi tôi bắt tay vào tìm hiểu về tác giả của Con quạ, một số người đã hỏi tôi, liệu có phải Poe đã dàn xếp cái chết của mình để độc giả phải đau đầu suy đoán.

Giả thuyết này đã được đưa ra từ cách đây khá lâu. Baudelaire từng coi cái chết của Edgar Poe – nhà thơ Mỹ được ông yêu thích nhất là “gần như một vụ tự sát”. Cách giải thích này vẫn lưu hành tại Mỹ cho đến tận cuối thế kỷ 19. George Eveleth – một bác sĩ trẻ từng giao du với nhà văn đã đặt ra nghi vấn, phải chăng Poe giả vờ chết nhằm đánh lừa độc giả của mình. Từ khi vừa bước chân vào làng văn, Poe vốn là một con người yếu ớt nhưng luôn có thái độ báng bổ thần linh hoặc ít nhất cũng là coi thường cái chết […].

Sau khi nhà văn qua đời, tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng. Vào đầu thế kỷ 20, một hãng thuốc lá đã lấy tên ông để đặt tên cho một loại cigarette với dòng chữ in trên bao bì: “Quẳng gánh lo đi bằng một điếu cigarette thơm phức hiệu Poe”.

Bóng đen vây quanh cái chết của nhà văn ngày càng dày đặc thêm bởi những giai thoại của người đời sau. Năm 1899, một người phụ nữ theo thuyết duy linh cho biết, bóng ma của Poe đã hiện về đọc cho bà một bài thơ, tiết lộ sự thật cái chết của ông.

Các học giả đã dựa vào hiện trạng “thiếu thốn tư liệu” về cái chết của nhà văn để đưa ra những giả thuyết cho rằng, Poe có thể là một nạn nhân – của một vụ cướp, một âm mưu chính trị, hay thậm chí là sự trả thù của một người phụ nữ nào đó từng bị ông tán tỉnh.

Mỗi giả thuyết đều có những dẫn chứng và lý lẽ riêng. Trong một triển lãm tại bảo tàng Poe tại Richmond có một khối lập phương bằng nhựa xoay tròn, trên đó ghi lại khá nhiều cách giải thích về cái chết của nhà văn. Khối lập phương tại bảo tàng Poe đã trở thành một biểu tượng điển hình cho sự phong phú của các giai thoại về cái chết của Poe. Ngày nay, các giả thuyết này có vị trí khá ngang ngửa với nhau. Đó là nguyên nhân khiến tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết về cái chết của nhà văn, để tìm hiểu tại sao, những cách giải thích khác nhau này lại có thể cùng tồn tại như vậy được. Nhưng khi bắt tay vào công việc, tôi đối mặt với một câu hỏi lớn: Câu chuyện về cái chết của Poe có gốc tích từ trong lịch sử hay xuất phát từ tiểu thuyết của ông?

Sự bí ẩn quanh cái chết của Edgar Poe xem ra thích hợp với ông hơn bất cứ nhà văn nào khác. Ví như, lịch trình những ngày cuối trong cuộc đời ông đã cho thấy nhà văn hầu như sống cuộc đời trôi nổi từ nơi này đến nơi khác. Ông từng sống ở Boston, Richmond, Baltimore, Philadelphia và New York. Chặng cuối của Poe đã phản ánh đúng thói quen xê dịch không thể làm chủ được của nhà văn.

Khi được phát hiện tại nhà trọ Ryan trong tình trạng rất tồi tệ, Poe đã cầu khẩn những người xung quanh mình nhờ đến sự giúp đỡ của tiến sĩ Joseph Snodgrass. Snodgrass, người sống ngay cạnh đã nhanh chóng có mặt và quyết định cùng với những người khác đưa nhà văn đến bệnh viện. Tuy nhiên, một số tài liệu lại cho rằng, Poe tìm gặp Snodgrass để bàn bạc về việc xuất bản tờ tạp chí mới của mình. Thực tế, một người khác mà Poe cũng muốn tìm gặp tại Baltimore là Nathan C Brooks – làm nghề biên tập. Điều thú vị là Snodgrass cũng từng là chủ bút của một tạp chí chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn.

Tại Philadelphia, có một phi vụ béo bở đang chờ đợi Poe. Một nhà sản xuất đàn dương cầm tên là John Loud muốn bỏ ra 100 USD để nhờ Poe tuốt chỉnh lại những bài thơ của bà vợ. Poe chắc không cưỡng nổi lời đề nghị hấp dẫn đó. Thử tượng xem, so với tổng thu nhập năm 1849 của Poe là 275 USD thì 100 USD là số tiền vô cùng lớn. Không có chứng cớ nào rõ ràng khẳng định Poe có đến Philadelphia trong những ngày cuối đời hay không, nhưng một người quen biết nhà văn là Thomas Lane tiết lộ, Poe đã có mặt tại Philadelphia vài ngày trước khi người ta tìm thấy ông tại Baltimore (thông tin này cũng không thể kiểm chứng).

Một nhân vật đáng quan tâm nữa là Neilson Poe. Dù không có tài liệu nào của Neilson về cái chết của Poe được tìm thấy ngày nay, nhưng như thế không có nghĩa là ông không kể câu chuyện mà mình biết cho một ai đó. Ban đầu, tôi cho rằng, Neilson sẽ kể cho cháu gái của mình là Amelia Poe. Nhưng thực tế, Neilson đã kể nó cho một người bạn tên là Coale khi anh này đang thu thập tài liệu để viết một bài báo về Edgar cho tạp chí của Harper vào năm 1871. Ông đã chia sẻ một số thông tin để bạn mình sử dụng một cách thận trọng và hợp lý.

Trong số các mẩu tin của Coale, có một chi tiết nói rằng, theo Neilson, Edgar đã đi Philadelphia hoặc ít nhất là đã thử đi. Poe đã lên đường đến Philadelphia nhưng vì uống phải vài cốc rượu, ông mất tự chủ và lại bị tống lên tàu trở về Baltimore. Cách giải thích này nghe ra có vẻ mơ hồ nhưng đã bổ sung cho một số thông tin khác. Poe có vẻ như đã định đến Philadelphia nhưng không thành chứ không phải là ông không định đến thành phố này.

Một trong những điều thú vị nhất tôi vừa khám phá ra đã củng cố cho thông tin của Neilson rằng Poe chưa từng đến Philadelphia, đồng thời phủ nhận giả định của Lane về việc nhà văn từng ở Philadelphia. Poe, vốn mất mẹ từ nhỏ, nên ông sống gắn kết với người dì của mình là Maria Clemm – bà đồng thời cũng từng là nhạc mẫu của nhà thơ. (Poe có một người vợ đầu 13 tuổi là em họ của ông).

Trong quá trình đi du lịch đây đó, Poe thường viết thư về cho dì và ông cũng yêu cầu bà viết lại cho mình. Poe đã đề nghị Clemm gửi trước cho mình một lá thư đến Philadelphia. Ông sẽ nhận được nó khi ông đến thành phố này. Poe hướng dẫn Clemm gửi thư đến cho mình qua bút danh “EST Grey, Esquire” và không ký tên thật ở cuối thư.

Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19 tại Mỹ, người dân thường đến bưu điện nhận thư chứ không có bưu tá mang đến tận nhà. Nếu bức thư nào đó không có người nhận, báo chí sẽ đăng tin. Vào 3/10/1849 – đúng ngày Poe được phát hiện nằm bất tỉnh tại nhà trọ Ryan’s, trên tờ Philadelphia Public Ledger có liệt kê một bức thư không người nhận gửi cho “Grey, ESF”. Rõ ràng là Maria Clemm đã gửi thư cho Poe (nhưng có thể chữ “T” đã bị nhầm lẫn như thế nào đó thành chữ “F” trong từ “EST”). Như vậy là Poe đã không tới được Philadelphia. Đây có thể là lá thư cuối cùng được gửi đến cho Poe trong cuộc đời ông.

Cùng với cái chết của Christopher Marlowe, cái chết của Edgar Poe là những bí ẩn lớn nhất trong đời sống văn học nhân loại. Nhưng Marlowe vốn là một mật vụ, còn Poe chỉ là một con người bình thường, rất bình thường dù đây đó có những gia thoại rằng ông sống có phần kín đáo và khá lãng mạn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN