Những vụ án trên thế giới - 5. Sát nhân đồ lót
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
198


Những vụ án trên thế giới


5. Sát nhân đồ lót


John Wayne Glover là một trong những kẻ giết người hàng loạt ghê sợ nhất trong lịch sử tư pháp xứ sở Kangaroo. Với vỏ bọc hoàn hảo, y đã thành công tiếp cận và ra tay sát hại 6 cụ bà cùng vô số vụ tấn công và quấy rồi khác. Báo chí Australia thì đặt cho y cái biệt danh là “sát thủ người già” hay “sát thủ đồ lót” (vì thói quen dùng quần lót của nạn nhân để siết cổ chính họ).

Xác chết đầu tiên mà Cảnh sát tìm thấy là cụ bà Gwendoline Mitchelhill. Trưa ngày 1-3-1989, khi nhìn thấy cụ đang chống gậy dò dẫm từng bước trở về nhà từ cửa hàng, hung thủ nhanh chóng quay xe lại, giắt cây búa vào bụng. Sau đó, hắn theo dõi cụ bà đến lối vào khu dưỡng lão. Khi bà vừa cắm chìa vào ổ, y cầm búa giáng thẳng một cú vào gáy nạn nhân, đánh đập dã man vào đầu, vào thân thể của bà cụ. Sau đó, hắn chạy khỏi hiện trường với chiếc ví có 100USD. Bà Mitchelhill vẫn còn sống khi được hai nam sinh phát hiện và chỉ vài phút sau khi Cảnh sát và xe cứu thương tới nơi, nhưng đã tắt thở sau đó ít phút.

Vụ án đang giẫm chân tại chỗ thì 2 tuần sau, cụ bà Winifred Ashton (84 tuổi) bị phục kích ở lối vào căn hộ, hung thủ tấn công bà bằng búa và ném nạn nhân vào khu vứt rác. Nạn nhân đã hoàn toàn bất tỉnh khi kẻ thủ ác cởi bỏ quần lót và xiết cổ nạn nhân. Mặc dù không hề có hành vi xâm hại tình dục nào song chi tiết man rợ này đã trở thành “danh thiếp” của hung thủ, điều đã mang lại cho y hỗn danh “sát thủ đồ lót” về sau này. Lần này, ví nạn nhân có 100USD. Cảnh sát bắt đầu hiểu ra khả năng họ đang theo dấu một kẻ giết người hàng loạt điên loạn. Các nạn nhân đều già cả, sống ở cùng một khu vực, đều bị tấn công và giết hại theo cùng một cách. Và tất cả đều bị cướp ví.

Chân dung tên “sát nhân đồ lót”

Cũng giống như trong nhiều vụ giết người hàng loạt khác, có vẻ Cảnh sát đã nhiều lần “lướt” qua hung thủ, thậm chí là bắt được y nếu họ tích cực hơn, nhạy bén hơn, hoặc may mắn hơn. Trường hợp này cũng vậy. Tại các khu dưỡng lão, một kẻ nào đó đã quấy rối bà Marjorie Moseley vào ngày 6-6-1989 tại Wesley Gardens, Belrose, nơi cách khá xa Mosman. Bà Moseley đã trình báo vụ việc này rằng có một kẻ nào đó đã thọc tay vào quần bà, tuy nhiên nạn nhân không nhớ được hình dạng của thủ phạm. Đến ngày 26-4, kẻ bệnh hoạn lại mò tới khu dưỡng lão Caroline Chisholm ở Lane Cove gần đó. Hắn lặng lẽ lên tầng, tốc váy một cụ bà và sờ soạng. Ở căn phòng bên cạnh, y kéo tụt váy ngủ một cụ bà khác. Những người phụ nữ này gào khóc kinh hoàng và kẻ này đã bị các nhân viên an ninh thẩm vấn sau đó nhưng lại chuồn mất. Dù Cảnh sát có tới điều tra song không gắn kết chúng với những vụ giết người ở Mosman.

Cảm thấy “bất khả chiến bại”, ngày 8-8-1989, hung thủ lại tiếp tục hành động, y đánh đập cụ Effie Carnie tàn nhẫn tại một khu phố vắng vẻ ở Lindfield, cách không xa Mosman và cướp túi xách của bà. Ngày 6-10, hắn đóng giả làm bác sĩ và quấy rối tình dục đối với Phylis McNeil, một bệnh nhân tại khu dưỡng lão Wybenia ở vịnh Neutral, lân cận Mosman. Đến ngày 18-10, y tìm cách gợi chuyện với cụ bà Doris Cox, 86 tuổi, khi bà trên đường về nhà ở phố Spit, Mosman. Hắn cùng đi với bà vào khu dưỡng lão, dùng toàn sức lực của mình để đập đầu bà Cox vào tường gạch. Nạn nhân đổ sụp ngay lập tức. Sau khi phát hiện trong túi xách của bà Cox không có tiền, y bỏ mặc nạn nhân nằm đợi chết và trở về nhà.

Tuy nhiên, điều kì diệu đã xảy ra khi nạn nhân đã sống sót sau vụ tấn công. Song, do mắc chứng Alzheimer nên bà Cox đã mô tả mơ hồ nhân dạng của thủ phạm, bà khai rằng kẻ tấn công là một thanh niên và thậm chí còn vẽ một bức chân dung thủ phạm. Thông tin sai lệch này đã khiến Cảnh sát gần như đi nhầm đường, đặc biệt là lời khai này phù hợp với phác thảo chân dung thủ phạm của các nhà tâm lý học, rằng kẻ sát nhân khả năng ở tuổi vị thành niên có tâm lý ghét người già. Chính vì thế, toàn bộ lực lượng tập trung vào việc truy tìm một thanh niên có hành động kì lạ hoặc có những mối liên hệ nào đó với các nạn nhân.

“Ác quỷ vùng Mosman” lại tiếp tục gây hoang mang khi ra tay giết bà Margaret Pahud, 85 tuổi, ngày 2-11-1989. Nạn nhân bị đập vào sau gáy bằng một vật rắn khi đang trên đường về nhà trên phố Longueville vắng vẻ. Các bằng chứng pháp y cho thấy, vụ tấn công chỉ kéo dài có vài giây và lực từ các cú đánh đã khiến nạn nhân bị nứt sọ và chết ngay. Hung thủ lấy túi xách của bà Pahud, nhét nó vào trong áo khoác cùng với cây búa gây án và lặng lẽ rời bỏ hiện trường. Không hề có nhân chứng nào dù thi thể của bà Pahud đã được một nữ sinh phát hiện sau đó vài phút. Khi Cảnh sát và xe cứu thương hối hả hú còi tới hiện trường.

57 thám tử kinh nghiệm nhất bang New South Wales được triệu tập và đặt dưới sự chỉ đạo của Thám tử Hagan. Ngày 2-11 là thời điểm tồi tệ nhất trong sự nghiệp Cảnh sát hơn 30 năm của Thám tử Hagan. Sau khi dành nhiều giờ kiểm tra hiện trường vụ án mạng bà Pahud, Hagan quá mệt mỏi sau nhiều ngày mất ngủ. Kết quả là ông đã gần như khuỵu xuống khi nghe báo rằng, họ đã tìm thấy một thi thể khác. Cảnh sát phải xử lý 2 vụ giết người mang đặc trưng của “tên sát nhân người già” trong vòng chưa đầy 24 giờ. Nạn nhân thứ 4 có tên Olive Cleveland, 81 tuổi, sống tại trại dưỡng lão Wesley Gardens ở Belrose. Hung thủ đập đầu bà Cleveland nhiều lần vào tường bê tông, trước khi tụt quần lót nạn nhân để siết cổ. Sau đó, hắn bỏ đi với chỉ 60USD trong túi xách của nạn nhân.

Cảnh sát cảm thấy bất lực

Mọi người đều được huy động để tiến hành lục soát từng cái cây, ngọn cỏ trong khu dưỡng lão cũng như tiến hành thẩm vấn bất kì ai có thể về thông tin liên quan đến kẻ giết người. Thậm chí, họ còn gửi cả hồ sơ liên quan tới Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với hy vọng có được một manh mối nào đó. Song, tất cả đều vô vọng. Bờ biển phía Bắc của Sydney không khí nặng như chì. Mọi người tránh đi lại trên đường. Các cụ bà chỉ dám ra đường bằng xe hơi. Tiến bộ thực sự đầu tiên tới từ bộ phận phân tích, quá trình kiểm tra chéo lời khai cuối cùng cũng rút ra một thông tin chung, trong nhiều vụ tấn công, một số nạn nhân nhớ lại đã thấy một người đàn ông trung niên, to lớn bệ vệ với mái tóc muối tiêu. Mãi đến lúc này, Cảnh sát mới thấy rằng họ đang truy tìm lầm đối tượng, kẻ giết người sở dĩ gây cảm giác “thoắt ẩn thoắt hiện” là bởi hắn thuộc mẫu người không mấy thu hút sự chú ý của người khác. Thế nhưng, kẻ tình nghi còn chưa bắt được thì xác chết lại liên tiếp xuất hiện.

Vụ sát nhân thứ ba trong tháng

Ngày 23-11, tên sát thủ phát hiện cụ bà 92 tuổi, Muriel Falconer đang chật vật đi trên phố với một túi đồ nặng. Hắn ngay lập tức quay xe, lấy búa, găng tay và bám theo nạn nhân đến tận trước cửa nhà. Do bà Falconer bị điếc và lòa nên đã không nhận ra có người xuất hiện ở phía sau mình. Ngay khi cửa được mở, hắn đã dùng một tay bịt mồm, còn tay kia đập nhiều nhát vào đầu nạn nhân cho đến khi bà ngã khuỵu. Y khép cửa, lục soát ví tiền và ngôi nhà rồi bỏ đi với 100USD. Phải đến tận chiều tối hôm sau, thi thể nạn nhân mới được phát hiện khi người hàng xóm tới thăm hỏi. Và lẽ ra đây là nạn nhân cuối cùng.

Gây án quá dễ dàng, rốt cục hung thủ cũng đã phạm sai lầm

Ngày 11-1-1990, có một kẻ đột nhập vào một phòng bệnh trọng của Bệnh viện Greenwich, nơi có 4 cụ bà ốm yếu nằm trên giường. Y bước đến giường và sàm sỡ cụ Daisy Roberts, một bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối. Nạn nhân hốt hoảng bấm chuông báo động ở đầu giường. Một nữ y tá đã chạy đến. Kẻ đột nhập vội vã bỏ trốn nhưng cô này đã kịp ghi số xe của thủ phạm. Đáng ngạc nhiên là phải 3 tuần sau, thông tin này mới tới tai của tổ chuyên án. Tuy nhiên, dù sao người ta cũng tìm ra tên của nghi phạm: John Wayne Glover, nhân viên bán bánh, đã lập gia đình, có hai con gái, sống ở khu Mosman, ngoại ô Sydney và ngoại hình hoàn toàn phù hợp với mô tả của các nạn nhân.

Các thám tử bắt đầu tiến hành thẩm vấn Glover. Hắn phủ nhận việc mình là “sát thủ đồ lót”, do không có bằng chứng vững chắc để buộc tội nên nhóm điều tra quyết định lựa chọn phương án chờ đợi cho đến khi Glover hồi phục và tự lộ mặt, một quyết định mà sau này đã cho thấy là hoàn toàn sai lầm. Các thám tử được cử theo dõi Glover 24/24.

Sáng 19-3, Glover đến nhà bà Joan Sinclair lúc 10 giờ. Cảnh sát theo dõi nghĩ đây là một cuộc viếng thăm bình thường và quyết định chờ đợi bên ngoài. Tuy nhiên, thời gian trôi qua mà không hề có bất kì dấu hiệu nào cho thấy Glover rời khỏi nhà. Vì thế đến 18 giờ, lo lắng có điều gì đó bất ổn đã xảy ra, Trưởng nhóm điều tra Hagan quyết định cho cấp dưới vào nhà. Đáng buồn là Cảnh sát phát hiện thi thể bà Sinclair. Đầu nạn nhân bị đánh bằng búa, được bọc lại bằng những tấm khăn bông. Bà ta bị lột trần từ lưng trở xuống và chiếc quần lót quấn quanh cổ. Rõ ràng đây là hành động giết người của “Ác quỷ vùng Mosmon”. Một người đàn ông bệ vệ với mái tóc bạc, trần truồng nằm bất tỉnh trong bồn tắm. Cổ tay bị rạch và không khí sặc mùi rượu, nôn mửa. Hắn chính là John Wayne Glover. Tự sát bất thành, hắn đã thú nhận về mọi hành vi phạm tội của mình. Vợ con của Glover đều gần như chết sững khi biết tin chồng và cha mình đã bị buộc tội giết sáu cụ bà. Họ không thể tin được Glover lại là “kẻ giết người già” khét tiếng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN