Nợ Đời
Chương 13: Cá mê mồi
Một buổi chiều thứ bảy. Cô Hai Phục ngồi xe hơi đi một vòng hứng mát, đến tối cô ghé Chợ Bến Thành mua một gói trái cây đem về để tối ăn chơi. Về đến nhà cô hối bếp dọn cơm, rồi cô ngồi ăn với Ba Có, không kịp thay đồ. Ăn cơm vừa rồi, chị em đương ngồi tại salon mà uống nước, thì thấy Quan Đốc Phủ, bận đồ mát, ở ngoài sân thủng-thẳng đi vô. Hai chị em tiếp rước niềm nỡ, mời ngồi lăng xăng.
Quan Đốc Phủ cười và nói rằng: “Thằng Ba tôi nhờ mai chúa nhựt, không có làm việc, nên hồi chiều nó dắt vợ con về Mỹ Tho mà thăm ông già vợ nó. Tôi ở nhà với ba đứa nhỏ buồn quá, nên qua đây nói chuyện chơi.”
Ba Có đáp rằng: “Bẩm quan lớn có buồn thì qua bên nầy chơi. Chị em tôi có ở nhà luôn luôn, ít đi đâu lắm”.
Cô Hai kêu bồi biểu súc bình, để trà mới mà chế nước uống, rổi cô rón (#1) vô buồng trang điểm lại đặng dung nhan coi cho tươi tắn. Chừng cô trở ra, thì bồi cũng vừa bưng mâm trà lên, nên cô rót nước mời khách uống.
Quan lớn ngồi giữa. Ba Có với cô Hai Phục ngồi hai bên phía ngoài. Quan lớn uống nước mà nói rằng: “Ở Saigon buồn quá, không có chỗ nào chơi cho nó thú vị phong lưu”.
Ba Có cười mà đáp rằng:
– Bẩm, tại ý quan lớn không muốn chơi, chớ ở saigon thiếu gì cuộc vui.
– Cuộc gì vui ở đâu?
– Bẩm, đi coi hát.
– Tôi không thích thứ đó. Hát bội thì nó vẽ mặt vẽ mày như chúa ô, nó la lạc giọng, nó quất roi vô chưn nó mà nó kêu là cỡi ngựa, coi kỳ cục hết sức. Còn hát cải lương thì nó ca hoài, ông vua ngồi phán đoán cũng ca, thằng tướng ra đánh giặc cũng ca, mà ông già bị cháy nhà cũng ca coi càng dị kỳ hơn nữa.
– Bẩm, nếu quan lớn không thích xem hai thứ đó thôi thì đi xem hát bóng.
– Tôi đi coi hát bóng, ngó một hồi thì chảy nước mắt, nên khó chịu lắm.
– Bẩm, nếu quan lớn không ưa hát xướng, thôi thì tới nhà mấy ông mấy thầy đàm luận việc đời chơi.
– Trời ơi! Cô khéo xúi dữ hôn! Tôi đàm luận với mấy ông mấy thầy trên 30 năm, tôi đã thèm rồi. Cô tưởng mấy ông mấy thầy đàm luận vui lắm hay sao?
– Bẩm, mấy quan lớn là bực cao minh, tự nhiên tính những việc ích nước lợi dân, dạy kẻ ngu, răn đứa dữ, dầu nghe không vui cũng có ích lắm chớ.
– Cô lầm rồi. Ý cô tưởng đó, là tưởng theo cái lý. Làm quan phải tính ích nước dạy dân. Mà sách nói như vậy, chớ làm không phải vậy đâu. Tôi ở quan trường mới bước ra đây, tôi hiểu rõ hơn cô. Mấy ông bạn của tôi hễ gặp nhau, thì đàm luận dữ lắm, song ông thì luận ông Chánh nầy hiền ông Chánh kia dữ, ông thì luận người thăng chức mau, kẻ thăng chức chậm, ông thì luận tỉnh nầy tốt, tỉnh kia xấu. Còn mấy ông trẻ tuổi, thì lại có cách đàm luận khác, ông thì luận các kiểu xe hơi coi hiệu nào tốt, ông thì luận mấy tiệm may y phục coi tiệm nào may khéo, ông thì luận mấy cô chơi bời coi cô nào đẹp trên hết. Tôi cũng luận với họ ba mươi mấy năm nay đã nhàm tai mỏi miệng bây giờ tôi thoát khỏi được rồi, cô ghét tôi lắm hay sao, nên còn muốn kéo tôi vô đó nữa?
– Quan lớn buồn mà quan lớn không ưa coi hát, lại cũng không chịu đàm luận với mấy ông mấy thầy, thì tôi biết làm sao cho quan lớn vui được. À! Tôi còn một cách nầy nữa. Quan lớn hưu trí nên rảnh-rang, thôi thì quan lớn dạy mấy cô mấy cậu học, có lẽ giải buồn được.
– Được đâu. Con của mình hễ nó học chữ thì có thầy, còn về tánh nết và cách ở đời, thì đứa nào có phần nấy, chắc gì mình phải dạy nó mới nên.
Cô Hai Phục chen vô nói rằng: “Bẩm quan lớn nói phải lắm. Chú Phủ của em trong Cầu Kho thường cũng nói như quan lớn vậy. Chú nói con của mình hễ đứa nào nên thì nên còn đứa hư thì nó hư, chớ khó mà dạy được”.
Quan lớn ngó cô Hai Phục mà hỏi rằng:
– À, hôm kia con Cẩm Trâm nó nói cô dắt nó vô nhà chú của cô, là quan Phủ trong Cầu kho mà chơi, quan phủ nào đó vậy?
– Bẩm, quan Phủ Hàm Phạm Gia Tăng.
– Ờ, tôi có nghe tên ổng, song không quen.
– Chú bà con làm sao với cô vậy?
– Bẩm, chú ruột. Em ruột của ông thân em.
– À, vậy hả? À khi nào quan phủ có ra đây chơi thăm cô, thì xin cô cho tôi hay đặng tôi mời qua nhà tôi chơi.
Cô Hai Phục nghe mấy lời thì liếc mắc ngó quan lớn mà cười và nói rằng: “Hồi nãy quan lớn nói quan lớn không muốn nói chuyện với mấy ông lớn nữa mà”.
Quan lớn cũng cười và nói rằng:
– Phải, tôi không muốn nói chuyện với mấy ông khác, song chú của cô chắc là nói chuyện vui cũng như cô vậy.
– Bẩm, em nói chuyện vui lắm hay sao?
– Nếu không vui thì tôi có qua đây đâu.
– Bẩm, em nói chuyện vui hay không thiệt em không biết, chớ chú của em chắc nói chuyện là không vui, bởi vì chú hút quá, nói nhựa trân.
– Mấy ông hút họ nói chuyện nghe hay lắm chớ.
– Quan lớn biết hút hay không?
– Hút á phiện mà ai lại không biết.
– Quan lớn muốn giải buồn, thôi để em bày mâm cho quan lớn hút.
– Cô có đồ hút hay sao?
– Bẩm, có. Chồng của em hồi trước có sắm một bộ đồ tốt lắm, để khách hút chơi.
– Được. Tôi hút thì cô phải đờn ca nhỏ nhỏ như bữa hổm nghe chút chơi.
– Bẩm, quan lớn dạy thì em phải vưng, chớ em đâu dám cãi.
Quan lớn mở bóp phơi lấy ra một tấm giấy bạc 5$00 đưa cho cô Hai mượn biểu bồi đi mua một hộp thuốc phiện với một chai rượu sâm-banh. Cô Hai cản tay mà nói rằng: “Bẩm, không phải vậy. Quan lớn qua nhà em mà chơi, quan lớn là khách, em phải đãi quan lớn, có lẽ nào em dám để quan lớn trả tiền. Trong nhà em có sẵn rượu sâm banh lại cũng có thuốc á phiện nữa, khỏi mua”.
Ba Có liền mở tủ lấy ra một chai rượu sâm banh lớn với một hợp á phiện nhỏ. Cô Hai ngắm nghía, nói ở ngoài có gió, bèn kêu bồi biểu lau chùi cái divan trong phòng ngủ, rồi bày mâm á phiện ra đó với mâm rượu sâm-banh. Ba Có mời quan lớn vô phòng. Quan lớn đắc ý, nên nghe mời thì đi liền, không dục-dặc chút nào hết.
Mâm hút để giữa, quan lớn ngồi một bên. Cô Hai leo lên ngồi bên kia và quẹt lửa đốt đèn. Ba Có biểu bồi nhắc một cái bàn nhỏ lại mà để mâm rượu rồi đập nước đá bỏ vô ly.
Quan lớn ngồi ngó cùng trong phòng. Ngọn đèn khí treo giữa phòng có ống bao bằng nhựa màu xanh, nên yến sáng dọi xanh-xanh rất khoẻ mắt. Cảnh đã đẹp mà người ngồi một bên cũng đẹp, trong lòng quan lớn lúc ấy thơ-thới như ngồi trong tiên động.
Rượu rót rồi, Ba Có ngồi cái ghế phô-tơi dựa mâm rượu và nhắc cô Hai mời quan lớn. Cô Hai đi rửa tay rồi lại bưng một ly rượu mà mời. Quan lớn ngồi uống rượu mà ngó hoa khôi sắc đẹp, thì quên hết cái việc ở phàm trần, quên hết lối lợi danh, quên hết đường vinh nhục.
Rượu đã ngà ngà, quan lớn nằm xuống làm thuốc hút, cô Hai lấy cây đờn tranh và cô ngồi ngang đó, cô và đờn và ca rỉ-rả, như khêu ân ái, như ghẹo chung tình. Thuở nay quan lớn cũng từng say hoa đắm nguỵêt, nhưng mà ngài chưa bao giờ được hưởng cái thú thâm-trầm tao nhã đến thế nầy, bởi vậy ngài mê mẩn bàng-hoàng, trong lòng chứa chan cảm xúc.
Cô Hai đờn ca dứt một bài.
Quan lớn nói rằng: “Thuở nay tôi ít nghe đờn ca. Chẳng hiểu tại sao mà cô Hai đờn ca tôi lại khoan-khoái lung quá, chắc cô ca tối ngày sáng đêm tôi nghe tôi cũng không nhàm. Nầy, mà tôi tưởng mình leo lên triền núi ngồi dưới mấy gốc cây, hoặc mình ra ngoài mé biển ngó mặt nước chơn trời, mà có được cô Hai ngồi một bên đờn ca, thì càng có thú vị nhiều hơn nữa. Tôi muốn mời cô Hai bữa nào đi với tôi ra Long-Hải đặng thưởng trăng thưởng gió, ngó nước ngó trời chơi, không biết Cô Ba có vui lòng cho phép cô Hai đi với tôi hay không vậy cô Ba?”
Ba Có liếc cô Hai rồi cười mà đáp với quan Đốc Phủ rằng:
– Bẩm quan lớn, quan lớn dạy thế nào thì tôi cũng phải vưng, chớ tôi đâu dám trái ý quan lớn. Ngặt vì việc quan lớn muốn đó có nhiều chỗ bất tiện, nên khó cho tôi vưng lời được, xin quan lớn thương.
– Đi chơi mà có chi bất tiện đâu?
– Bẩm quan lớn, tuy là đi chơi, song phải cũng có chỗ phải chỗ quấy, con Hai mà được quan lớn mời đi chơi thì nó vinh dự biết chừng nào. Ngặt vì nó là gái đã có chồng, nó đi chơi với quan lớn, sau chồng nó hay được thì còn gì phận nó.
– Chồng của cô Hai về Tàu mà sao hay được?
– Bẩm quan lớn, theo phong-hoá của mình, làm thân đờn bà dầu chồng chết cũng phải thủ-tiết với chồng, huống chi là chồng vắng mặt.
– Vợ chồng cô Hai có hôn thú hôn?
– Bẩm, không.
– Oái, vợ chồng mà không có hôn thú thì có nghĩa gì đâu.
– Bẩm quan lớn. Một ngày gá nghĩa, trăm năm tóc tơ, dầu có hôn thú hay là không có, hễ kết nghĩa vợ chồng thì keo sơn gắn chặt, dầu ngàn năm cũng không nên phai nhợt.
– Tôi có nghe ai nói hôm trước đó, chồng của cô Hai bị Toà thương-mãi buộc tội sang đoạt, có trát tập nã, đời nào mà dám trở qua An nam nữa.
– Bẩm quan lớn, có thiệt như vậy. Mà dẫu Mái Chín Ngành không trở qua An nam nữa, con Hai nó cũng phải thủ tiết trọn đời mà chờ, chớ biết làm sao.
– Thứ chồng khách-trú, cần gì mà cô Hai phải thủ tiết quá vậy.
– Bẩm quan lớn, dầu nước nào cũng vậy, hễ mình kết tóc với người ta, thì phải thủ tiết thủ nghĩa trọn đời, chớ lẽ nào mình dám thay lòng đổi dạ.
– Cô giữ phong-hoá theo đời xưa quá!
– Bẩm quan lớn, cái quí của bọn chị em phụ nữ chúng tôi chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, nếu bọn chị em chúng tôi không gìn-giữ, thì có còn giống gì nữa đâu.
– Cô buộc gắt quá, tôi chắc cô Hai cổ không vui lòng chút nào hết. Phải vậy hay không cô Hai?
Cô Hai Phục liếc mắt ngó quan Đốc Phủ và cười và đáp rằng:
– Bẩm quan lớn, những lời chị Ba em mới nói đó là lời chánh đáng. Phận đờn bà chỉ có trinh tiết là trọng, ai cũng phải giữ gìn trinh tiết, Chị Ba em có buộc đều chi gắt đâu mà em không vui lòng.
– Té ra dầu chú Mái Chín không trở qua nữa, cô cũng ở vậy mà chờ, cô không lấy chồng khác hay sao?
– Bẩm, dầu chồng em chết cũng vậy, chẳng luận là còn sống ở bên Tàu.
– Cô năm nay mấy tuổi?
– Bẩm em 23 tuổi.
– Còn nhỏ quá, thủ tiết sao được ?
-Bẩm, dầu không được cũng phải làm cho được. Phận đờn bà nên hay là hư đều tại cái “được” hay là cái “không được”đó mà thôi chớ.
– Dầu có người giàu sang trọng nói mà cưới cô đi nữa, cô cũng thủ-tiết với chú Mái Chín, cô không ưng hay sao?
– Bẩm, có chi quí cho bằng tình nghĩa vợ chồng.
– Cô thương chú Mái Chín lắm hay sao?
– Bẩm quan lớn, nếu không thương thì làm sao mà kết nghĩa vợ chồng.
– Thuở nay, thiệt tôi chưa thấy đờn bà nào mà có nghĩa có tình với chồng như cô Hai vậy. Quí lắm, quí lắm.
– Bẩm quan lớn, để em ca một bài nam “Vọng-phu” cho quan lớn nghe thử coi.
– Ờ, được, được. Cô ca đi.
Cô Hai Phục lên dây đờn rồi ca bài nam.
Quan Đốc Phủ nằm dựa mâm hút mà mắt ngài ngó tay nhấn dây đờn dịu-nhiễu, ngó miệng ca rất có duyên, ngó mặt tròn-trịa mà sáng rỡ như trăng ằm, ngó cặp mắt hữu tình, ngó chơn mày như vẽ, ngó nuớc da trong bóng, ngó mái tóc đen huyền, ngó cổ, ngó mông, ngó tai, ngó ngực, ngó hết cả thảy mình, thì ngài ngơ-ngẩn ngẩn-ngơ, nửa say nửa tỉnh. Ba Có thấy quan lớn mê mết thì chị ta chúm chím cười, rồi đứng dậy bước ra ngoài.
Cô Hai ca dứt bài rồi ngó quan lớn mà cười. Quan lớn ngồi dậy lắc đầu nói nhỏ rằng: “Cô Hai, cô làm người ta chết được, chớ không phải chơi đâu, cô có biết hay không? Tôi lớn tuổi hơn cô nhiều, mà tôi nghe tiếng cô ca, tôi ngó mặt cô, rồi dầu cô muốn tôi giết ai tôi cũng giết hết thảy”.
Cô Hai liếc quan lớn, rồi bưng ly rượu mời quan lớn uống và nói rằng:
– Bẩm quan lớn, tại quan lớn dạy em ca, nên em mới dám ca cho quan lớn nghe. Em có làm giống gì đâu mà quan lớn nói chuyện chết sống.
– Tôi muốn nói cái sắc, cái tài, của cô đó làm cho hết thảy anh hùng đều chết được.
– Bẩm quan lớn, em có muốn làm chi vậy. Anh hùng chết hết, rồi còn ai đâu mà nghe em ca.
Quan Đốc Phủ ngồi suy nghĩ một hồi rồi ngài mới nói rằng:
– Từ rày sắp lên tôi không dám qua đây nữa.
– Bẩm quan lớn, có đều chi phiền em hay sao?
– Không phải tôi phiền. Tôi sợ qua đây nữa, tôi thấy cô rồi tôi dằn lòng không được, mà phải mang tội lỗi chớ.
– Bẩm, em đáng con cháu của quan lớn, dầu thế nào đi nữa em đâu dám bắt lỗi quan lớn hay sao mà quan lớn ngại.
Quan Đốc Phủ nghe mấy lời như vậy, ngài ngó cô Hai mắt đổ hào quang, ngài muốn vói nắm tay cô. Cô giựt tay và đứng dậy và nói nhỏ nhỏ rằng: “Bẩm, có chị Ba của em đứng ngoài kia. Quan lớn nói chuyện chơi, chớ đừng làm như vậy tội nghiệp em”.
Quan Đốc Phủ thất vọng mà lại hổ thầm, nên ngài thở dài và nằm xuống làm thuốc mà hút. Ngài thấy Ba Có bước vô và ngài nói rằng:
– Tôi qua chơi mà vì mê đờn ca, mê sâm banh, mê á phiện, nên rà gà ở khuya quá, chắc cô Ba phiền tôi lắm.
– Bẩm, tôi mừng lắm, chớ có lẽ nào tôi dám phiền.
– Nghe cô Hai đờn ca, dầu thức đến sáng mà nghe tôi cũng không nhàm.
– Bẩm, quan lớn muốn chơi tới chừng nào cũng được, chị em tôi vui lắm…..Con Hai, em kêu thằng bếp biểu gọt củ năng nấu ít chén chè cho quan lớn ăn chơi.
Cô Hai bước ra. Đồng hồ gõ 12 giờ, Quan Đốc Phủ nói rằng:
– Cô ngồi lên đây nói chuyện chơi cô Ba. Tôi hỏi thiệt cô vậy chớ cô Hai nhứt định không chịu cải giá hay sao?
– Bẩm, nó nhứt định như vậy đó.
– Tôi nghe chú Mái Chín trốn về Tàu, có dám trở qua nữa đâu mà chờ. Cô Hai còn nhỏ, phải kiếm nơi khác gá nghĩa đặng có người bảo bọc cho chớ.
– Bẩm quan lớn nói phải lắm. Nó còn nhỏ tuổi quá, ở một mình có phải dễ gì đâu. Ngặt vì Mái Chín Ngánh ở tử tế với nó lắm, nên nó không nỡ phụ bạc. Quan lớn nghĩ đó mà coi, phận nó mồ côi, hồi nhỏ không có một đồng một chữ. Tuy chú nó làm quan, song nó không nhờ nhõi chi được. Nó đụng Mái Chín Ngánh mấy năm, chú Mái Chín Ngánh sắm nhà cửa cho nó, sắm xe hơi, mua hột xoàn, lại còn cho nó năm bảy ngàn làm vốn. Chú ở với nó như vậy đó, làm sao mà nó quên chú cho được.
– Tại chú bỏ cô Hai, thì cô lấy chồng khác, chớ phải chú còn ở đây đâu mà cô bỏ chú cô lấy chồng hay sao mà cô ngại.
– Dầu chồng nào cũng không yêu nó cho bằng Mái Chín Ngánh.
– Cô nói chơi sao chớ! Cô khi An nam không bằng khách trú hay sao?
– Bẩm, tôi đâu dám khinh khi ai. Song khi quan lớn nghĩ lại đi, như nó vậy đó, có An nam nào dám xuất bạc muôn mà cưới nó như Mái Chín Ngánh hồi trước.
– Phải. Xuất bạc muôn mà cưới, tuy không phải nhiều, song có người không đủ sức, nên không cưới nổi. Mà đòi bạc muôn làm chi? Miễn là mình lựa người nào có danh giá cao đủ sức bảo bọc nuôi dưỡng mình sung-sướng trọn đời thì đủ rồi. Nhơn nghĩa mới quí, chớ bạc tiền là phấn thổ, có nghĩa gì đâu.
– Bẩm, quan lớn nói phải lắm. Tôi nói ví dụ cho quan lớn nghe, chớ không phải con Hai đòi cưới bạc muôn nó mới ưng. Nó là đứa ham nhơn nghĩa lắm, chớ không phải nó ham tiền. Nó nhứt định thủ tiết với Mái Chín Ngánh thì quan lớn đủ biết tánh tình nó ra thế nào.
– Cô là chị của Cô Hai. Cô trọng tuổi hơn, cô biết việc đời nhiều hơn, cô phải cắt nghĩa cho cô Hai hiểu. Vợ chồng không có hôn thú, lại chồng là chệch khách, nó đã bỏ mình, thì có tình nghĩa gì mà bo bo thủ tiết trọn đời với nó.
– Xưa rày có nhiều chỗ gắm ghé. Tôi cũng thường can gián nó hoài, tại nó không chịu tôi đâu nỡ ép duyên nó.
– Cô phải ráng mà cắt nghĩa cho cô Hai nghe nữa. Tôi coi ý cô Hai kiêng nể cô lắm. Nếu cô nói riết thì tự nhiên cô Hai phải nghe lời.
– Bẩm quan lớn, chưa có ai cậy mai mối nói mà cưới, mà quan lớn biểu tôi ép nó làm chi.
– Ậy! Cô ép trước đi, hễ cô Hai chịu thì thiếu gì người xin cưới.
– Bẩm, ai ở đâu?
Quan Đốc Phủ ngó Ba Có miệng cười ngỏ-ngoẻn và nói rằng: “Nếu cô Hai chịu, thì người ở gần đây họ áp vô trước hết, khỏi đợi ai ở xa làm chi”.
Ba Có cười ngất. Quan lớn cũng cười xoà.
Ba Có nghiêm sắc mặt lại mà nói nhỏ nhỏ rằng:
– Bẩm quan lớn, con em tôi tuy nó vui vẻ, nói nói cười cười song tánh ý nó chặt-chịa lắm. Xưa rày có nhiều chỗ tử tế lắm theo ve vãn nó hoài, mà nó kháng cự luôn luôn, không thèm ai hết.
– Tại mấy cậu ấy không phải bực sang trọng nên cô Hai mới chê chớ.
– Bẩm, họ sang trọng lắm chớ, người như ông Đốc Tơ Thiện, như ông Huyện Cao, như ông Hội Đồng Hải, thì sang trọng đúng mực, chớ còn đợi sao nữa.
– Mấy ông ấy chưa cao. Còn có người cao hơn nữa.
– Bẩm, để người ấy ra mặt rồi sẽ hay.
– Cô chịu làm mai hay không?
– Bẩm, tôi không dám nói “không chịu”. Mà nếu tôi nói “chịu”, rủi tôi làm mai không thành thì tôi có lỗi.
– Tôi chắc hễ cô chịu thì tự nhiên phải thành.
– Bẩm, không chắc.
– Tại sao vậy?
– Bẩm, tôi hiểu ý con em tôi lắm. Bây giờ nó có xe hơi, nó có hột xoàn đáng muôn bạc, trong nhà lại có bạc mặt đến năm ba ngàn, Nó không thiếu vật chi hết, chỉ chưa có một cái nhà với một miếng đất nho nhỏ mà ở cho an thân. Nếu ai muốn cưới nó, mà chịu mua cho nó một cái nhà, thì chắc nó vui lắm.
– Trời ơi! Nếu cô Hai buộc mua một cái nhà lầu ở theo đường Norodom, giá đáng ba bốn muôn thì ai mua nổi.
– Bẩm, không. Nó không có huy vọng cao quá nhự vậy. Thuở nay nó thường ao ước có một cái nhà bánh ếch ở miệt Phú-Nhuận, hoặc Bà Chiểu, giá lối vài ba ngàn vậy thôi, chớ muốn nhà lầu làm chi.
-Ờ ợ! Muốn như vậy thì có lẽ được.
– Mà tôi coi ý nó, hễ nó ưng ai thì nó buộc phải làm hôn thú đủ phép mới được.
– Cha chả! Buộc gắt dữ hôn!
– Bẩm, nếu lấy chồng mà không có hôn thú thì thành vợ ngày vợ bữa, xấu hổ nó.
– Cô Hai nói cũng phải, song vợ chồng nếu bền chặt nhơn nghĩa là hơn, chớ không phải có hôn thú rồi mới chắc.
Hai người nói chuyện tới đó, kế cô Hai Phục trở vô, ba người ngồi ăn, đàm luận tới hai giờ khuya quan Đốc Phủ mới về ngủ.
Đưa quan lớn ra khỏi cửa rồi, hai chị em thủng thẳng bước vô, Ba Có nói nhỏ với cô Hai Phục rằng: “Cá mê mồi quá! Không thoát khỏi đâu!”
Chú thích:
(1-) lón lén, bước nhẹ nhàng bằng đầu bàn chân
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!