Nợ Đời
Chương 16: Sức mạnh của tình yêu
Ông Hội đồng Võ phi Thành không phải là nhà cự phú. Ông ở nhà thờ, là một cái nhà ngói cũ mèm, cất theo kiểu xưa, rộng minh-mông mà thấp thỏi tối mò. Sự sản của ông thì chỉ có 40 mẫu ruộng Hương hỏa ông ăn huê lợi với 150 mẫu ruộng phần thực của cha mẹ chia cho ông hồi trước, mà ông chơi bời bài bạc nên mắc nợ hơn 30 ngàn đồng. Ông trả không nổi, chủ nợ kiện thì hành phát mãi hết 150 mẫu ruộng của ông đứng bộ. Tuy hai người em của ông ra trước Tòa đấu giá mà mua ruộng ấy lại, mà Phủ Tăng mua 50 mẫu, thầy Cai Tổng Lung mua 100 mẫu, và hai người có hứa sẽ để lại cho ông làm ăn, nhưng mà ông buồn rầu, nên mang bịnh mà chết.
Ông Cử Võ Phi Hùng tống táng cha xong rồi, ông kiểm điểm gia tài chẳng còn chi hết, chỉ ở cái nhà thờ, góp huê lợi 40 mẩu ruộng Hương hỏa, đặng cúng quải ông bà mà thôi. Sự nghiệp ấy không xứng với tài học của ông, mà cũng không giống cái ý của ông tưởng thuở nay, bởi vậy ông bối rối, ông tuốt lên Saigon than thở với cô là bà Phủ Tăng, rồi đi kiếm cô Hai Phục mà tỏ tâm sự.
Ba Có đã đi biệt tích, mà Cô Hai Phục không muốn ở gần quan đốc phủ Thần nữa, nên cô bàn tính với ông Cử Hùng, mướn một căn phố lầu ở đường Đất đỏ, phía sau có nhà để xe hơi, rồi dọn về đó mà ở.
Ông Củ Hùng òn ĩ với vợ chồng ông Phủ Tăng mượn một ngàn đồng bạc, nói mượn đặng mở phòng làm phó trạng sư. Vợ chồng ông Phủ Tăng sẵn lòng muốn giúp cho cháu lập thân, nên nghe cháu hỏi thì cho liền, không dụ dự chút nào hết.
Nhờ có số bạc ấy nên ông Cử Hùng về ở chung với Cô Hai Phục ông khỏi bợ ngợ hổ thẹn. Ông mướn thợ làm một tấm bản đồng khắc chữ :”Võ Phi Hùng, luật khoa Cử nhơn, Biện sự phòng” để đóng trước cửa, ông đăng lời rao trong báo nhựt trình mà khuyên đồng bang ai muốn kiện cáo đều chi thì đơn-trạng cho. Ông lại xin phụ bút với một tờ nhựt báo, ông viết một bài luận về hoàn-cầu thời sự.
Ông Cử Hùng ở với Cô Hai Phục như tình vợ chồng, mỗi buổi chiều ngồi chung xe hơi đi chơi, có đêm dắt nhau đi coi hát bóng, hoặc ra nhà hàng ngồi uống rượu, không e lệ, không núp lén chi hết.
Bà phủ Tăng thấy nhà của anh mình suy sụp, mà nay cháu mình học giỏi, có bằng cấp cử-nhơn, thì bà có ý muốn kiếm con gái nhà giàu cho sang trọng mà làm mai, đặng cháu mình nhờ nhõi ngày sau. Bà chưa kiếm được, kế nghe ông Cử hùng đã nhập cục với cô hai Phục, thì bà tức giận, tỏ ý muốn đòi số bạc cho mượn và không thèm nhìn biết đến cháu nữa.
Ông Phủ theo can gián bà, ông nói rằng có lẽ taị căn duyên ông trời định, nên hai trẻ trước kia đã quen nhau, rồi bây giờ mới hội hiệp. Huống chi Hai Phục bây giờ cũng có bạc muôn, dầu kết duyên với cử Hùng, nghĩ cũng chẳng kém gì. Bà phủ nghĩ cũng là người thờ “thần kim tiền” như chồng nên nghe chồng nói như vậy thì bà cho là phải, song bà muốn cháu bà có vợ giàu hơn nữa, nên bà không hết giận, bà nhứt định không đến nhà cháu.
Ông cử Hùng và Cô Hai Phục ở với nhau thiệt là tâm đầu ý hợp, trai say bởi tình sâu thăm-thẳm, gái quên thói bạc bẽo ngày xưa. Có đêm đương yêu vì sắc, đương mặn vì tình, ông Cử nhắc lại chuyện cũ, rồi ông hỏi thăm cô hai về sự đẻ chửa. Bây giờ cô hai chẳng còn phiền trách chi nữa, bởi vậy cô tỏ thiệt sự việc cũ lại cho ông cử nghe. Cô nói thiệt cô sanh con trai, song lúc ấy cô phiền ông cử bạc-bẽo với cô nên cô không thèm kể đến con, cô nghe lời Ba Có mà đổi con với một người giàu ở miệt vườn, cô lấy một ngàn đồng bạc. Cô không biết người giàu ấy tên là gì, nhà cửa ở đâu, mà cô cũng không biết hồi đó cô đặt tên cho con của cô là tên gì. Còn đứa con gái của người ta mà cô bồng về thì bữa sau Ba có đem cho nhà mồ côi trên Tân-Định, từ ấy đến nay cô không thấy mặt nữa, nên cô không biết còn hay là mất.
Nếu ông Cử Hùng có ý muốn tìm con, thì nói bao nhiêu đó có lẽ ông tìm được rồi. Ông hỏi cho kỹ lại mà xem cô hai Phục sanh ngày nào rồi ông vô Cholon mà xin coi bộ sanh; ông dọ hết những người sanh con gái ngày ấy tại nhà bảo sanh thì ông tìm phải ra. Tại ông cử muốn hỏi cho biết vậy thôi, chớ ông không có ý tìm con, nên câu chuyện xưa tới đó thì dứt, hai đàng không ai lưu tâm về việc ấy nữa.
Tuy ông Cử Hùng lo làm việc không nghỉ, ông mưu thế nầy, ông tính cách nọ, ông làm cũng ra tiền nhiều, song số tiền ông làm ra không bằng số tiền ông ăn xài, bởi vậy trong vài tháng một ngàn đồng bạc của vợ chồng ông Phủ Tăng đã tiêu hết.
Đã kết vợ chồng thì chẳng còn riêng tư chi nữa. Cô Hai phục có mấy ngàn đồng vốn, hễ hụt tiền xài thì cô châm vô, trong ít năm mấy ngàn đồng bạc đó cũng tiêu hao luôn, rồi cái xe hơi cũng tiêu, rồi những nhận hột xoàn rồi dần dần cũng cầm bán.
Vợ chồng chung chạ trót 12 năm, có khi vui, có khi buồn, có khi dư xài, có khi túng rối; những tài vật cùng là nữ trang của cô Hai Phục bây giờ chỉ còn có một đôi bông tai hột xoàn cô đeo đó là dấu tích thạnh thời của cô mà thôi. Tuy vậy mà cô không tiếc, cô không phiền, miễn sum hợp với chồng, dầu hột muối cũng phải cắn làm hai mà chia cho nhau cô cũng vui vẻ.
Một buổi sớm mơi, Bà Phủ Tăng sai con trai là Gia Trinh ra kiếm ông cử Hùng mà cho hay rằng chú của ông là Cai Tổng Lung chết và khuyên ông phải lập tức vô mà đi với vợ chồng ông Phủ về Cái Vồn đặng lo việc tống táng. Cô Hai Phục muốn nhơn dịp ấy mà ra mặt vợ ông cử với bà con nên cô xin theo. Ông cử không cho, rồi ông đi một mình vô Cầu kho hiệp với cô dượng mà về Cái Vồn.
Ông cử đi tới 10 ngày ông mới về, mà chừng về nhà khí sắc ông khác thường, coi bộ dường như ông đang lo lắng một việc gì quan hệ lắm vậy.
Tối lại cô Hai to nhỏ ông. Ông lặng thinh một hồi rồi ông đáp rằng:
– Việc nhà của chú Tổng lộn xộn quá, không lo sao được. Chú có hai vợ, sanh hai dòng con. Thím lớn mất rồi, để lại 3 người con gái, hai người lớn đã có chồng, còn người nhỏ hơn hết đã 20 tuổi rồi mà chưa có chồng. Thím nhỏ còn sống, thím lại sanh được một đứa con trai, mà nó mới 17 tuổi, còn đi học, nên chưa có vợ. Gia tài của chú Tổng lớn quá, mỗi năm thâu góp huê lợi tới bốn năm chục ngàn giạ lúa. Chú mất rồi bây giờ một đàng là mấy đứa con gái của thím lớn, một đàng nữa là thím nhỏ, ghìm nhau bên nào cũng muốn chia góp huê lợi, nên khó tính cho êm được.
– Có chi đâu mà khó, hai dòng con có bốn người, thì chia phứt gia tài ra làm 4 phần rồi ai lãnh phần nấy mà hưởng thì xong chớ nầy.
– Phải được như em nói vậy thì khỏi lo. Ngặt vì thím nhỏ thím không chịu chia mới khó chớ.
– Tại sao mà thím không chịu?
– Thím có hôn thú bực nhì. Thím lấy cớ thím là kế mẫu hễ chồng chết thì thím hưởng huê lợi mãn đời thím rồi con mới được phép chia.
– Thím nói như vậy mà trúng luật hay không.
– Trúng.
– Nếu như vậy thì tội nghiệp cho ba đứa con dòng lớn quá.
– Tại vậy nên mới rối trí chớ.
– Sao anh không nói với thím Phủ, đặng thím phân xử dùm? Để thím Tổng nhỏ thím đoạt hết gia tài hay sao?
– Cô tôi có can thiệp, mà cô bày một việc gắt quá.
– Bày việc gì mà gắt.
– Cô tôi phân rằng: con dòng lớn còn một đứa chưa có chồng; con dòng nhỏ, là con trai, mà cũng chưa thành định. Vậy thì phải hội bổn-tộc mà cử người thủ hộ gia tài ấy, đợi chừng nào hai đứa nhỏ thành định rồi sẽ làm tờ tương phân. Người thủ hộ coi thâu góp huê lợi, mỗi năm phải xuất một mớ mà cấp dưỡng cho thím nhỏ với mấy người con. Thâu xuất đâu đó phải có sổ sách cho rành rẽ. Chừng lập tương phân gia tài thì số huê lợi còn lại được bao nhiêu sẽ chia đồng cho mấy người con.
– Thím phủ phân như vậy thì công bình lắm. Vậy mà thím Tổng nhỏ chịu hay không?
– Cô tôi phân thì thím đâu dám cãi. Nếu thím cãi thì té ra thím nghịch với bổn tộc. Mình cũng hiểu khi chú Tổng tắt hơi thì vàng bạc trong tủ sắt thím tom góp hết. Nếu thím nghịch thì bổn tộc bươi móc việc ấy, thím ngồi cũng không yên.
– Nếu thím Tổng chịu thì xong rồi.
– Vậy mà chưa xong. Cô tôi buộc tôi phải lãnh làm thủ hộ, thì anh làm dùm cho sắp em.
– Nghe nói hễ làm thủ hộ thì có ăn huê hồng 10 phần trăm trong số thu và số xuất, vậy thì lợi chớ có hại đâu mà sợ.
– Phải. Làm thủ hộ thì có huê hồng, lại có tiền tổn phí cho mướn ruộng và thâu góp lúa ruộng nữa. Gia tài như vậy mỗi năm mình kiếm năm bảy ngàn đồng bạc được.
– Vậy thì làm đặng kiếm tiền mà xài.
– Em đừng có xúi! Cô tôi còn buộc tôi một đều nữa gắt lắm.
– Buộc điều gì nữa.
– Khó nói ra quá.
– Anh tính dấu em hay sao? Nếu việc ấy là việc kia, không nên cho em biết, thì xin anh đừng nói.
Ông cử ngó Cô Hai miệng cười ngỏn-ngoẻn. Ông suy nghĩ một hồi rồi ông nói rằng:
– Không phải là chuyện kín, song nếu qua nói ra chắc em không vui.
– Ối đời em đã nếm mùi buồn và mùi vui đủ hết rồi, nên dầu nghe việc buồn em chẳng buồn chi lắm.
– Ở dưới Cái Vồn hiện bây giờ có một cô mới 28 tuổi, cô góa chồng, mà cô giàu lắm. Cô Phủ muốn qua cưới cô ấy. Cô buộc tôi phải chịu cưới thì cô mới nói với bổn-tộc cử qua thủ hộ gia-tài của chú Tổng.
Cô Hai nghe rõ công việc thì cô cười ngất. Cô ngó ông cử mà nói rằng:
– Việc như vậy mà anh sợ nói ra rồi em buồn chớ! Em nghe thì em vui lắm, chớ có buồn đâu. Thím phủ tính như vậy thiệt là hay, anh thương em, anh theo em 12 năm nay, anh túng thiếu cực khổ quá. Nếu có người nào giàu có mà họ ưng anh, thì anh cũng nên cưới đặng sung sướng tấm thân một chút.
– Em nói lẫy chi vậy?
– Em nói thiệt chớ. Anh là con nhà giàu, đi học thành tài rồi, thì gia-đạo suy-sụp, anh không được hưởng mùi phú quí chi hết. Thím phủ thương anh, nên tính như vậy là phải lắm. Phận em không phải là người xứng đáng làm vợ anh được. Đôi ta yêu nhau, nên hiệp cùng nhau mà tạm gây cuộc thất gia một lúc chơi. Nay anh gặp dịp lập thân, thì anh phải thừa dịp, chẳng nên bỏ qua.
– Qua thương em lắm, nên qua không muốn ham giàu mà phụ em.
– Em cũng vì thương anh lắm, nên em phải khuyên anh hãy nghe lời thím phủ mà cưới chỗ đó. Em thương anh nên em muốn cho anh được giàu sang với người ta.
– Em nói thiệt hay là nói chơi? Có lẽ nào em lại muốn qua bỏ em mà cưới vợ khác.
– Xin em đừng tưởng em như đờn bà khác, hễ thương người ta thì cứ đeo đuổi theo, dầu thương mà phải hại người ta họ cũng không kể. Em không phải như vậy đâu. Nếu em không thương người ta thì có lẽ em mới quyết làm nên, làm tốt cho người ấy mà thôi.
Ông Cử hùng ngồi suy nghĩ rồi ông lại nói chậm-rãi rằng: “Nếu em ở được như vậy thì em là một người tốt lắm. Dầu sau qua được giàu có, qua chẳng hề quên em, thôi, để tối nay rồi qua vô qua tính với thím Phủ coi”.
Cô Hai Phục bước lại vỗ vai ông mà nói rằng: “Anh biết nghe lời phải của em như vậy, thì em mừng cũng không biết chừng nào. Bây giờ còn sớm, mới 8 giờ, thôi anh thay đồ đặng đi vô tính với thím phủ phứt cho rồi, đợi tối mai tối mốt làm chi mà mất thì giờ. Thím Phủ đương muốn gặp anh, vậy thì anh chẳng nên để thím Phủ trông”.
Ông Cử Hùng cười rồi đi thay áo quần mà đi vô Cầu kho.
Cô Hai Phục thấy chồng lên xe kéo đi rồi, cô bèn đóng cửa lại, rồi vô buồng mà nằm, nước mắt tuôn dầm-dề. Cái tình của bọn đờn-ông là vậy đó hay sao? Thấy mình có tiền nên kết nghĩa vợ chồng, chừng mình hết tiền thấy người khác có tiền hơn, mà bỏ mình mà theo người ấy. Nghĩ lại những lời của chị Ba Có nói thật là có lý: trong đời nầy bọn đờn ông là một bầy gian xảo giả-dối. Làm thân đờn bà mình phải rèn thân đúc trí cho cứng như sạn như đá, đừng thèm thương, đừng biết giận, thì mới khỏi bị thiên hạ lường gạt. Tại mình ngu dại, mình tin cậy ái tình, mình mê cái tính xứng đôi vừa lứa, mình say cái mùi nghĩa cũ duyên xưa, mê say đến nỗi một quan Đốc phủ xin cưới đủ phép, cất nhà dọn cảnh cho mình ăn ở, hứa chắc bảo bọc cho mình sung sướng suốt đời, mà mình phủi hết. Lại dứt tình chị Ba Có là người cứu vớt dạy dỗ mình, để đi theo người mình yêu cho đến nỗi hết vàng, hết bạc, hết hột xoàn, hết xe hơi, rồi bây giờ người ấy bỏ mình, cái lỗi ấy là lỗi ái tình, bởi vậy mình không oán trách ai được.
Cô Hai Phục nằm khóc một hồi rồi ngồi dậy vặn đèn lên sáng hoắc. Cô đi rửa mặt, gỡ đầu, dồi phấn, thoa son. Cô đứng ngay tấm kiến lớn mà xem dung nhan, rồi cô lấy tấm hình cô chụp hồi cô đoạt giải Hoa-Khôi sắc đẹp mà so sánh, thì cô thấy hình bây giờ và hình ngày trước khác nhau rất xa. Bây giờ da mặt cô đã đùn nên không còn trong bóng nữa, tóc cô đã rụng nên chơn tóc không ngay, mình cô đã ốm nên cái cổ hết tròn trịa. Cô xem hình rồi cô lắc đầu, cô rửa phấn chùi son cho hết cái vẻ trang điểm. Nay đã 35 tuổi rồi, nhan sắc lợt phai, trang điểm làm sao cho bằng thời xuân xanh được.
Cô tắt đèn mà trở vô giường nằm, đến 11 giờ khuya ông Cử Hùng về kêu cửa. Cô bước ra mở cửa, thấy ông cười ngỏn-ngoẻn thì cô cũng cười mà nói rằng :
– Anh vô trả lời, coi bộ thím Phủ vui hay không ?
– Qua nói qua chịu, thì cô qua mừng lắm.
– Vậy thì tính phứt đi cho rồi trì huỡn mà chi.
– Cô qua biểu sáng mai qua vô trong đặng cô dắt qua về Cái-Vồn trước tính việc cưới vợ, sau tính việc thủ-hộ luôn thể.
– Ừ, hễ gặp dịp thì phải làm xấn tới !
– Qua còn lo một việc nầy: qua cưới vợ thì qua phải về dưới Cái-Vồn. Em ở trên nầy em làm sao ?
– Ối ! Anh đừng có lo cho em. Anh phải lo việc của anh cho xong đi mà. Phận em dễ lắm, thế nào cũng được hết.
– Cô Phủ bây giờ cô thương qua lắm. Hồi nãy qua than túng tiền, cô lấy 200 đồng bạc cho qua mượn liền.
– Tại thím thấy anh có lúa phơi sân, nên thím cho mượn bạc chớ gì.
– Để qua chia lại cho em một trăm đặng ở nhà em xài.
– Thôi, thôi. Em có tiền. Anh cất hết số bạc ấy mà dùng.
– Em phải nhớ rằng qua với em là bạn tri-kỷ, dầu qua có vợ, chớ qua cũng chẳng quên em. Hễ qua về Cái-Vồn thì chắc qua hết nghèo. Vậy thì lúc nào em có túng rối thì em viết thơ cho qua.
– Em rất cám ơn anh.
Ông Cử Hùng xếp hết quần áo bỏ vô một cái rương lớn.
Sáng bữa sau, ông kêu xe kéo mà chở vô Cầu-Kho. Cô Hai Phục đưa ông ra cửa, chừng ông đi rồi cô cắn răng mà nói rằng : “Thiệt là thằng điếm !”.
Ngày ấy cô kêu cu-li chở hết đồ đạc mà đem ra lạc-son mà bán, chỉ chừa quần áo mùng mền mà thôi. Cô cũng kiếm người bán đôi bông hột xoàn. Đôi bông ấy hồi trước Mái-chín Ngành mua tới 1,200$ mà cho cô, bây giờ cô bán có 900$. Cô mua một đôi bông nhỏ 200$ mà đeo đỡ. Cô bán đồ đạc tom góp được 8 trăm rưỡi. Cô chán ngán nhân-tình thê-thái, cô hết muốn ở chốn phồn hoa nữa, nên cô nhất định về Cai-Lậy cất một cái nhà lá nhỏ đặng ở mà lánh đời.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!